Dan Lee
01-12-2008, 02:02 PM
Những bài giảng tĩnh tâm Linh Mục giáo phận Phan Thiết
TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
BÀI MỘT: ĐỨC GIÊSU, NHÀ GIẢNG THUYẾT
Linh mục với sứ mạng loan báo Lời Chúa
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, trong cuốn “Sen nở trời phương ngoại” nxb Lá Bối năm 2001 tại San Jose, khi nói về con người của Đức Phật, đã diễn giải như sau: “do sự thương tiếc quý trọng, yêu mến mà người ta đã đem những phép tắc thần thông phủ trùm lên con người của Bụt, và từ một con người. Bụt biến thành một siêu nhân, một Superman. Khi vòng hào quang phủ nhiều quá lên người, thì Bụt mất đi cái tính cách người của Bụt, cho nên giữa Bụt và chúng ta có một sự xa cách…” sau khi đã phân tích chi tiết những gì người ta thêm thắt vào cuộc đời của Đức Phật, Tác giả viết: “Trong Kitô giáo ta cũng thấy những hiện tượng tương tự. Khi Đức Kitô còn sống, có lẽ người ta đã không quý trọng Ngài bằng lúc Ngài đã qua đời. Lúc đó mười mấy đệ tử của Ngài và những người đã được gần gũi Chúa mới giật mình. Bấy giờ họ mới nhận thức được rằng những giây phút mình được gần Chúa, được ngồi ăn cơm với Chúa là những giây phút rất quý báu…. Cũng trong tâm trạng thương tiếc và kính phục đó, những đệ tử đầu tiên của Chúa đã khoác lên người của Chúa những vòng hào quang rất lớn…” (tr. 27 -29).
Những nhận định của một thiền sư Phật giáo là gợi ý cho chúng ta suy gẫm về hình ảnh Đức Giêsu như một nhà giảng thuyết. Quả thực, có những lúc chúng ta quên rằng Đức Giêsu đã thi hành sứ vụ giáo huấn của mình một cách rất bình dân, gần gũi với các thính giả. Những ngôn từ trong tiếng Việt có lẽ phần nào làm cho Chúa xa chúng ta: Chúa Giêsu; Đức Giêsu Phán; Người truyền cho ma quỷ… những ngôn từ được dùng hiện nay cũng đã được thay đổi. Tại Âu Châu, chữ “Sermon” hầu như không được dùng, mà chúng ta chỉ thấy chữ “homélie” hay “prédication”. Chúng ta cùng chiêm ngưỡng chân dung một nhà giảng thuyết mà Tân ước muốn giới thiệu:
-Nhà giảng thuyết bình dân: Đức Giêsu không dùng lối nói văn hoa bóng bẩy, nhưng ưa dùng những lối nói bình dân, gợi hình. Người áp dụng những câu ngạn ngữ của người đương thời: Thày lang ơi hãy chữa mình đi; con lạc đà chui qua lỗ kim; áo cũ vải mới, rượu cũ bình mới; người mù mà dắt người mù; Ngôn sứ không được trọng vọng tại quê hương. Đức Giêsu luôn gần gũi với mọi người: Người đến nhà bà Martha và Maria; Người ngồi bắt chuyện với người phụ nữ Samaria; Người tranh luận với Ông Ni-cô-đê-mô. Các Tin Mừng cho thấy một nhân vật lỗi lạc nhưng rất bình dân
-Nhà giảng thuyết có uy quyền: nếu Đức Giêsu không ưa lối nói văn hoa bóng bẩy trong giảng thuyết, thì lời giảng của Người lại rất có uy quyền. Mọi người nghe đều cảm phục và như thấy có sức mạnh thần kỳ qua lời nói của Người. Người truyền lệnh cho ma quỷ, cho bệnh tật, cho bão tố. (Lưu ý trong truyền thống Thánh Kinh, bệnh tật hay bão tố được hiểu như Sự Dữ, như một thứ thần minh). Kết quả là bão tố, bệnh tật phải vâng lời Người.
-Lời giảng thuyết đều dẫn đến việc tuyên xưng đức tin của các thính giả. Các Tin Mừng, nhất là nơi Gioan, đều nhấn mạnh đến hiệu quả của những lời Đức Giêsu giảng dạy. TM Gioan ghi lại cho chúng ta thấy một tiến trình: lời giảng – dấu lạ – lời tuyên xưng đức tin. ( trong Ga. có 7 dấu lạ, không kể dấu lạ thứ 8 sau ngày Phục Sinh, thường được coi là phụ thêm sau này)
Ngày thụ phong Linh mục, chúng ta đã được nghe thẩm vấn: “con có muốn tỏ ra xứng đáng và khôn ngoan chu toàn nhiệm vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc âm và trình bày đức tin công giáo không?” (Lễ nghi truyền chức Linh mục). Rao giảng Lời Chúa là một trong 3 sứ mạng chính yếu của Linh mục.
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, vào thế kỷ 16, những người theo trào lưu Cải cách Tin Lành muốn phủ nhận tính chất hy tế của Thánh lễ và phủ nhận chức linh mục hữu hình và công khai. Đặc biệt là Luther chỉ coi chức Linh mục là thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa (ministère de la Parole). Trong bối cảnh đó, công đồng Trentô đã định nghĩa Linh mục như “người cử hành Thánh Thể và tha tội”. Tuy vậy, Công đồng cũng nhắc các Giám mục. Linh mục quản xứ rằng nhiệm vụ chính yếu của họ là rao giảng Lời Chúa.
Nếu Công đồng Trentô nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Linh mục và các Bí tích, thì Vatican II lại suy tư về chức Linh mục trong một không gian rộng lớn hơn, tức là trong mầu nhiệm Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội trong ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và quản trị. Như vậy, cùng một lúc, Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa, thừa tác viên các Bí Tích và là người lãnh đạo cộng đoàn. Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn hậu Thượng HĐGM “Pastores dabo vobis” đã nói đến chức năng đầu tiên của Linh mục là rao giảng Tin Mừng: “Trước hết Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục được hiến thánh và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mời gọi mọi người vâng phục đức tin và hướng dẫn các tín hữu để mỗi ngày họ một hiểu biết và thông hiệp sâu xa hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được Đức Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta” (số 26).
-Linh mục là thừa tác viên loan báo Lời Chúa chứ không phải loan báo lời của cá nhân mình. Linh mục loan báo Lời Chúa nhân danh Đức Kitô (in persona Christi) và nhân danh Giáo Hội (in persona Ecclesiae). Có nhiều khi chúng ta bị cám dỗ lấy tòa giảng làm nơi bày tỏ ý kiến của mình. Thậm chí đây đó có trường hợp giảng đài là nơi phân phát Lời Chúa đã trở thành vũ khí để cha xứ lăng mạ hay trả thù giáo dân. Cũng có nơi giảng đài là nơi “bới móc” những vụ việc tiêu cực xã hội. Giáo dân đến với Thánh lễ để được nghe Lời Chúa. họ muốn được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống, Lời hy vọng, nhưng nhiều người đã thất vọng. Hãy nghe Tông huấn “Pastores dabo vobis” nhắc nhở: “Linh mục phải là người đầu tiên tin vào Lời Chúa với ý thức tròn đầy rằng những lời lẽ trong thừa tác vụ của mình không phải là “của mình” nhưng là của Đấng đã sai mình. Linh mục không phải làm chủ Lời Chúa; Linh mục là người phục vụ Lời. Không phải Linh mục là người duy nhát chiếm hữu Lời Chúa: Linh mục là người mắc nợ Lời Chúa đối với Dân Thiên Chúa” (số 26)
-Với tư cách là thừa tác viên Lời Chúa, đời sống Linh mục cũng phải phản ánh chính Lời mình rao giảng. Tôi tớ Lời Chúa phải là những người yêu mến và tuân theo Lời Chúa. Lời giảng của Linh mục chỉ có tính thuyết phục và có hiệu quả khi chính Ngài tuân giữ và thực hiện. Đức Giêsu đã lên án gay gắt những kỳ mục và người biệt phái: “những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay lay thử” (Mt 23,3-4). Trong ngày lãnh nhận chức Phó tế, Đức Giám mục nói khi Ngài trao cuốn Phúc âm cho chúng ta: “Con hãy nhận lấy Phúc âm Chúa Kitô mà con vừa lãnh quyền rao giảng, vậy con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy” (Nghi thức phong chức Phó tế). Đức Phaolô VI, trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng” đã viết: “Ngày nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng: thế kỷ này khao khát sự trung thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất cả.
Chúng ta phải tỉnh táo trước những “dấu chỉ thời đại” ấy. Am thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta: các người có thực sự tin điều các người loan báo không? Các người có sống điều các người tin tưởng không? Hơn bao giờ hết. Làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng có hiệu quả thâm sâu. Bằng ngả này, chúng ta lại chịu trách nhiệm, đến một mức độ nào đó, về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta công bố”. (số 76). Là người gieo giống, chúng ta cũng phải là một mảnh đất màu mỡ để đón nhận Lời nơi chính tâm hồn mình.
Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’: “Các Thánh là những người giải thích đích thực Thánh Kinh – Les saints sont les interprètes authentiques de l’Ecriture Sainte” (Bản Việt ngữ, Tr. 95).
Sứ điệp của Đại Hội Truyền giáo tại Á châu lần thứ I tại Thái lan (10-2006) đề nghị một phương pháp truyền giáo có hiệu quả thiết thực hơn: “Chúng tôi tìm cách rao giảng Tin Mừng theo phương thức của Á Châu, một phương thức khơi dậy tâm trí bằng những cầu chuyện kể, các dụ ngôn các biểu tượng, một phương thức tiêu biểu của lối sư phạm Á Châu, như ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ. Đó chính là phương thức chia sẻ đức tin của chúng tôi cho những người khác, một đường lối đối thoại đích thực”.
Thực ra, đó chính là phương pháp mà Đức Giêsu đã áp dụng cách đây 20 thế kỷ. Phương pháp này đã làm cho vị Ngôn sứ thành Na-gia-rét trở nên gần gũi với mọi người để cảm thông với họ trong hành trình cuộc đời.
BÀI HAI: ĐỨC GIÊSU: ĐẤNG TỰ KHIÊM TỰ HẠ
Linh mục với lời mời gọi từ bỏ
Lời Chúa: Phl 2,6-12
Thư gửi giáo đoàn Philiphê kêu mời độc giả Kitô hữu hãy sống hợp nhất yêu thương, tránh mọi cãi vã ghen tỵ, sống vì người khác chứ không vì mình. Để nêu một mẫu gương tuyệt vời cho những lời khuyên này, tác giả đã nêu chính Đức Giêsu Kitô như mẫu mực hoàn hảo của tất cả mọi Kitô hữu: Người là thân phận Thiên Chúa mà lại không đòi cho được quyền hành của thân phận ấy. Trái lại, Người đã hạ mình, sống thân phận con người… để Thiên Chúa Cha đuợc tôn vinh.
Những điều trình bày về một Đức Kitô khước từ vinh quang Thiên Chúa để nhận lấy thân phận tôi đòi làm chúng ta dễ dàng liên tưởng tới một nhân vật ở khởi đầu lịch sử, đó là Adam.
+Adam là tạo vật mà lại muốn được như Thiên Chúa
-Đức Giêsu là Thiên Chúa lại muốn sống như tạo vật
+Adam muốn nâng mình lên
-Đức Giêsu muốn hạ mình xuống
+Adam trong tay chẳng có gì (quyền hành, danh dự, vật chất) nhưng muốn có mọi sự, biết mọi sự, thấy mọi sự.
-Đức Giêsu có mọi sự, nhưng đã tự huỷ ra không.
+ Sự kiêu ngạo của Adam là nguyên nhân của sự chết
- sự khiêm hạ của Đức Giêsu là nguyên nhân của sự sống.
Thư Rôma 5,15 đã liên hệ điều đó: “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”.
Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô luôn sống vì Chúa Cha, để Chúa Cha được tôn vinh. Vinh quang của Cha là lý tưởng sống của Người. Thánh ý Chúa Cha là lương thực hằng ngày của Người (Ga 4,34) Người sống vì Chúa Cha, để Cha được tôn vinh. Ngay cả lúc hấp hối trong Vườn Cây Dầu, khi bản tính nhân loại của Người run sợ trước chén đắng, Người vẫn thưa: “xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Lc 22,42). Đối với Đức Giêsu, chỉ có Thiên Chúa là đối tượng yêu mến duy nhất của Người. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu là lời cầu nguyện “Shema, Israel !” của dân Do Thái (x Đnl 6,14). Cầu nguyện đối với Đức Giêsu là lắng nghe từng giây từng phút chân lý mạc khải này: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất”, và trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã biến lời cầu nguyện đó thành hành động. Đối với Người, ngoài Thiên Chúa, không có gì là quan trọng, kể cả quyền lực (César) tiền bạc (Mammon). Sự trung tín của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được chính những kẻ thù ghét Người xác nhận: khi ở bên chân thập giá và chứng kiến cuộc khổ nạn, các Thượng tế và Luật sĩ chế nhạo Người và họ thốt lên: “nó đã cậy trông Thiên Chúa, xin Ngài cứu hắn nếu Ngài yêu thương” (Mt 29,43)
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Giêsu được diễn tả như Người Con làm tất cả để tôn vinh Cha. Việc tôn vinh ấy thể hiện cách cụ thể qua sự chu toàn bổn phận mà Chúa Cha đã trao phó: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4). Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha. Vinh quang Thiên Chúa lan tỏa nơi con người, nơi những môn đệ của Đức Giêsu. Đến lượt mình, những ai theo Đức Giêsu sẽ tôn vinh Thiên Chúa qua chính đời sống chứng tá của mình, nhất là qua nghĩa cử tử đạo (x. Ga 21,19).
Và, cách hành sử của Thiên Chúa thật kỳ diệu: Nếu Đức Giêsu đã tự huỷ, sinh sinh mọi sự, trút bỏ mọi sự, thì Thiên Chúa lại đem mọi sự đặt dưới chân Người. Thánh Phaolô đã chiêm ngưỡng cuộc phong vương trọng thể Chúa Cha dành cho Con của Ngài: “… đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…” (Ep 1,10). Chính sự khiêm hạ và vâng lời cho đến chết của Đức Giêsu là một nghĩa cử tôn vinh Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đức Chúa, để rồi mọi môi miệng đều tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa để Chúa Cha được tôn vinh.
Thưa các Cha, là Linh mục, chúng ta được mời gọi diễn tả qua đời sống của mình một Đức Kitô đang sống. Qua cuộc đời của chúng ta, tâm tình của Đức Giêsu được thể hiện cách sinh động. Chúng ta hãy cùng noi gương người trong sự từ bỏ,phó thác.
-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu trước hết là sự hy sinh, chết đi cho thế gian: chiếc áo dòng màu đen, là màu tang chế, là màu của khổ hạnh, là màu của sự chết. Bước lên Bàn thánh trong ngày thụ phong là chúng ta cam kết sẽ chết đi mỗi ngày cùng với hy tế của Đức Giêsu, để rồi, mỗi năm, khi kỷ niệm ngày giáp năm thụ phong, khi tham dự tuần tĩnh tâm Linh mục, chúng ta thấy cái tôi của mình nhỏ dần đi, nhường chỗ cho hình ảnh sống động của Đức Giêsu đang lớn dần lên. Đó chính là sứ mạng của Gioan Tẩy Giả: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu còn là sự phó thác hoàn toàn cho chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là dụng cụ trong tay Chúa. những gì chúng ta làm tại Giáo xứ, do công lao vất vả của mình, nhưng còn do chính Chúa tác động. Linh mục hôm nay có nguy cơ bị cám dỗ cho rằng những gì mình làm được là do chính bản thân và tài năng riêng của mình. Chính vì thế, khi gặp phải thất bại, chúng ta bi quan chán nản. Có những việc làm, những hoạt động được mang danh là tông đồ, nhưng lại thiếu chiều kích siêu nhiên, hoặc không phát biểu được đới sống nội tâm của các tín hữu.
-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu còn là sự tận tâm dấn thân phục vụ Dân Chúa. Tại một số nước phát triển, nhiệm vụ của Linh mục có nguy cơ bị coi như công chức hành chánh. Giáo Hội bị coi như một thứ dịch vụ ma chay cưới hỏi. Chính vì thiếu nhiệt tâm tông đồ mà đời sống linh mục trở nên đơn điệu, bậc độc thân không còn được tôn trọng và trung tín. Mối quan hệ giữa Cha Xứ và giáo dân trở nên lạnh lẽo, thiếu tình người.
Kết luận: hình ảnh Đức Kitô khiêm hạ giúp chúng ta thấy sứ mạng của Linh mục. Một Linh mục thánh thiện không thể khước từ Thập giá, không thể khước từ sự từ bỏ dấn thân phục vụ con người để vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi con người của họ. “Vinh quang Chúa chính là con người sống một cuộc sống vui tươi (St Irénée: Gloria Dei Vivens homo ‘Adversus Haereres 4, 20,7’).
BÀI BA: ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG THIÊN SAI
Linh mục là người được sai đi
(Lc 4,16-22)
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai muôn dân mong đợi. Những môn đệ đầu tiên được Người mời gọi “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39) hôm sau về đã kháo với nhau: “chúng tôi đã gặp Đấng Messia” (Ga 1,41). Sứ mạng thiên sai này sau đó được nhiều người nhìn nhận, ngay cả người phụ nữ Samaria là một người ngoại (Ga 4,1-42), nhưng cũng là đề tài tranh cãi của nhiều người (x Ga 7).
Đức Giêsu luôn ý thức về sứ mạng Thiên sai của mình. Trước những đe dọa, những chống đối, Người không do dự, không chùn bước. Người không bằng lòng về những thành quả đã đạt được, nhưng tiếp tục ra đi, tiếp tục đến với các làng mạc. Trước sự đe dọa của bạo chúa Hêrôđê, Người đã thẳng thắn tuyên bố: “hãy đi nói với con cáo ấy thế này: hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên ngày mai và ngay mốt, tôi còn phải tiếp tục đi…” (Lc13,31-33). Tại Hội đường Nazareth nhân dịp về thăm quê hương, Đức Giêsu đã áp dụng những lời Ngôn sứ Isaia để nói về chính sứ mạng được sai đi của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi… Ngài sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt…”(Lc 4,18-19). Trước sự ngỡ ngàng kinh ngạc của cử tọa, Người đã tuyên bố: “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Với lời tuyên bố ấy, Người đã thể hiện sứ mạng của mình là đến để khai mở thời hồng ân các Ngôn sứ đã loan báo.
Trong lời cầu nguyện được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Gioan, thường được gọi là “lời cầu nguyện tư tế” (ch 17), Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và những ai sẽ tin vào họ được nhận biết Ngài được Cha sai đến trần gian.
Để thực hiện sứ mạng Chúa Cha đã trao phó, Đức Giêsu mời gọi sự cộng tác của con người. Những môn đệ đầu tiên theo Chúa, những người cộng sự với Người, là những người nam, nữ, người già, người trẻ, nhất làm nhóm dân chài đánh cá tại bờ Biển Hồ Galiliêa. Họ đã được mời gọi bỏ mọi sự mà theo Người, để cùng với Người xây dựng Nước Trời, xây dựng vương quốc Chúa Cha, là vương quốc bình an, sự thật và sự sống. Lời sai đi được nêu cụ thể trong giờ phút ly biệt giữa thày và môn sinh được các tác giả Tin Mừng kể lại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” Lệnh truyền của Đấng Cứu thế được thông chuyển đến chúng ta, thưa các Cha. Qua nghi thức đặt tay và lời nguyện của Đức Giám mục trong nghi thức truyền chức, chúng ta được thông ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần và được biến đổi, trở nên những người được sai đi loan báo Lời Chúa. sự sai đi này khơi nguồn từ Chúa Cha, qua Đức Giêsu, qua Giám mục. Ngôn từ bình dân nhà đạo thường gọi văn thư bổ nhiệm linh mục đi xứ là “bài sai”. Một số vị đại diện Chính quyền cũng thường dùng từ này. Vậy, Linh mục lãnh nhận sự sai đi để làm gì?
-Trước hết, Linh mục như những cộng sự viên của Giám mục, như những cánh tay nối dài để cùng cộng tác với Giám mục trong sứ vụ truyền giáo. Khi đến với một cộng đoàn Giáo xứ. Linh mục có trách nhiệm nối kết họ với Giám mục của mình. Chính vì vậy, Ngài làm việc trong sự hiệp thông và vâng lời. Sách chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống Linh mục đã nêu rõ: “Vì trực thuộc một Linh mục đoàn nhất định, Ngài (Giám mục) phục vụ một Giáo Hội địa phương. Giáo Hội này tìm ra nguyên lý và nền tảng cho sự hiệp nhất của mình với Giám mục, người thi hành trên Giáo Hội này, toàn bộ quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp,cần cho nhiệm vụ của Ngài…” (số 62). Người được sai đi luôn ý thức mình chỉ là người cộng sự trong một chương trình lớn của Giáo phận, vì ích lợi chung. Trong Giáo Hội, có những trường hợp người được sai đi “đánh cắp” sản nghiệp của chủ. Có những Linh mục, vì không bằng lòng với Giám mục, khoanh vùng Giáo xứ của mình như một vùng cấm địa. Hơn thế nữa, còn gây khó khăn khi giáo dân của mình đến liên hệ với Giám mục Giáo phận. chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện những tên tá điền bất lương. Khi ông chủ sai người đến để nhận lợi tức, họ đã đánh đập, thậm chí giết chết cả con của ông chủ ngoài khu vườn của ông (x.Mc 12,1-12). Xin đừng quên, khi trao cho Phê-rô quyền chăn dắt đàn chiên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh ba lần: “Hãy chăn dắt chiên của Thày” (Ga 21,15 tt), chứ không phải chiên của Phê-rô.
-Linh mục còn được sai đi để sống như một thành viên của xứ đạo. Bài sai của Giám mục trao cho chúng ta một xứ đạo, để rồi chúng ta coi xứ đạo đó như gia đình của mình, mọi người giáo dân trong xứ như anh chị em của mình, mọi người lương dân như những người mà mình phải yêu thương và đem ánh sáng Tin Mừng cho họ. Một xứ đạo bao gồm những người đạo đức, người còn khô khan, người ngăn trở hôn phối, người vãng lai, người thường trú… tất cả được trao phó cho chúng ta. Chúng ta hãy có tâm tình của Đức Giêsu, ý thức mình được sai đến với họ. Những Giáo xứ toàn tòng có nhiều điểm lợi cho đời sống đức tin, nhưng cũng có thể bị biến thành một pháo đài công giáo trong mối tương quan với những người xung quanh.
-Được sai đi, đương nhiên cũng có thể được rút lại. Nhu cầu của giáo phận, của giáo xứ, tình hình địa phương, hoặc đôi khi vì những lý do tế nhị, đòi hỏi phải thuyên chuyển linh mục. Việc luôn ý thức mình được sai đi sẽ giúp chúng ta sẵn sàng “lên đường” trong sự phó thác và trách nhiệm. Đây đó đã xảy ra những chuyện không đẹp khi một linh mục được điều động chuyển xứ. Với quan niệm ngày nay, việc thuyên chuyển linh mục đã trở thành những sinh hoạt bình thường của các giáo phận.
Kết luận: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi (Ga 13,16). Chấp nhận sứ mạng được sai đi là chấp nhận thân phận của Vị Ngôn Sứ Thành Nazareth, là chấp nhận thập giá. Những khó khăn xảy đến có thể làm chúng ta thất vọng. Nhưng ơn Chúa đủ cho chúng ta “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Xin cho chúng ta được trang bị bằng nghị lực mới nghị lực do Chúa Thánh Thần thông ban. Ngài là sức mạnh, là sự soi sáng cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Amen
BÀI BỐN: ĐỨC GIÊSU VỚI CƠN CÁM DỖ
Linh mục với những thách đố hôm nay
Mt. 4,1-11
Hằng năm, vào Chúa nhật thứ nhất của Mùa Chay, Phụng vụ giúp chúng ta chiêm ngắn hình ảnh Đức Giêsu đối diện với những cơn cám dỗ, sau khi Người ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa. Chúng ta thường chia sẻ với cộng đoàn giáo dân về những cám dỗ Đức Giêsu đã gặp, cũng là những cơn cám dỗ đã trở thành thường xuyên trong đời mỗi người, xoay quanh 3 “nết xấu”: mê ăn uống, mất lòng tin, tham quyền lực. Lối cách nghĩa truyền thống này không sai, nhưng có lẽ cần phải đi xa hơn trong những gì tác giả Tin mừng muốn truyền đạt, nhất là tính cụ thể, hiện tại của vấn đề.
Đức Bê-nê-đi-tô XVI, trong cuốn sách mới phát hành “Đức Giêsu Thành Na-gia-rét” đã chú giải đề tài này với một hướng đi rất đặc biệt, mang đậm giá trị thần học cũng như mục vụ.
Cách trình bày và thứ tự các cơn cám dỗ có khác nhau, nhất là Mc quá ngắn gọn trong trình thuật này. Chúng ta dựa trên Mt để diễn giải và suy niệm. Ba cơn cám dỗ ma quỷ đưa ra, nói cách khác, ba hành động ma quỷ “gạ” Đức Giêsu làm, thực tế, Ngài sẽ làm sau này. Ngài có quyền làm những điều đó, nhưng không phải làm để đáp lại một thách thức, không nhằm gây một ấn tượng ngoạn mục.
-Cơn cám dỗ thứ nhất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Làm cho đá hoá thành bánh, đó là điều Đức Giêsu có thể làm. Nhưng Ngài chỉ làm cho bánh hóa ra nhiều cho những ai tín thác và đi theo Người, kể cả vào hoang địa (..). Không chỉ làm cho bánh hóa nhiều để nuôi đám đông dân chúng, Đức Giêsu, trong bữa tiệc ly đã làm cho bánh trở nên Mình và rượu trở nên Máu Người. Đây là một phép lạ thường xuyên, kéo dài trong lịch sử. Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta hiểu lời Đức Giêsu nói với tên cám dỗ “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4 trích dẫn Đnl 8,3)
-Cơn cám dỗ thứ hai:” Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi…”. Đức Giêsu không gieo mình xuống theo thách thức của tên cám dỗ. Người không muốn thử thách Chúa. nhưng sự “gieo mình” của Người chính là sự phó thác tuyệt đối trong giờ của thập giá. Ngài đã bước xuống vực sâu của cái chết, trong đêm tối bị bỏ rơi, không có chút gì để tự vệ. Người ý thức rằng, khi nhảy xuống, Người sẽ hoàn toàn rơi vào bàn tay nhân ái của Thiên Chúa. Thật ngỡ ngàng và kính phục biết bao khi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu trong cơn hấp hối tại Vườn Cây Dầu cũng như khi trên thập giá, đã một niềm phó thác hoàn toàn trong tay Cha.
-Cơn cám dỗ thứ ba: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi”. Đây là cơn cám dỗ về quyền lực. Đức Giêsu không thờ lạy ma quỷ để có quyền lực trần gian. Trái lại, sau khi phục sinh, Người đã quy tụ tất cả những người “thuộc về mình” trên núi (Mt 28,16) và Người nói: “Thày được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Người không chỉ có quyền thế mà tên cám dỗ đề nghị mà cả quyền năng trên trời. Nhưng quyền lực đó, Người chỉ có sau phục sinh. Đức Bê-nê-đi-tô viết: quyền lực này giả thiết đã có thập tự, phải có cái chết đi trước. Nó giả thiết một ngọn núi khác, đó là Golgotha, nơi Người bị cười nhạo, bị bỏ rơi. Và như chúng ta thấy, mặc dù Đức Giêsu không chịu khuất phục để thờ lạy ma quỷ, thì các sứ thần vẫn đến thờ lạy Người (câu 11).
Đức Giêsu không thi hành hoặc tỏ bày quyền năng của Người theo thách thức của ma quỷ. Người không cứu độ theo kiểu trần gian, theo quan niệm của con người.
Những cơn cám dỗ Đức Giêsu đã gặp phải cũng là những cám dỗ của Giáo Hội, của mỗi người chúng ta.
-“Nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Đây là một cám dỗ nghi ngờ chính sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong lịch sử, nhiều lần con người muốn thay quyền Thiên Chúa, muốn lật đổ Ngài. Họ chủ trương con người có thể làm được mọi sự. Đã một thời chúng ta nghe thuộc lòng cầu thơ của Tố Hữu: “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”; hoặc “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Chủ nghĩa duy vật không những loại bỏ Thiên Chúa, nhưng còn đẩy con người lìa xa Ngài do sự kiêu ngạo về hiểu biết của mình. Đức Bê-nê-đi-tô viết tiếp: “Phương Tây tin rằng họ có thể biến đá thành bánh, nhưng rồi họ đã đưa đá thay vì bánh” (tr 61)
Trong đời sống linh mục, chúng ta thường bị cám dỗ thay chỗ của Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta muốn giải quyết công việc theo kiểu trần gian, và chúng ta quyên rằng sự nghiệp truyền giáo, trước khi là công khó của con người, thì đã là công trình của Thiên Chúa, vì chính Ngài sai chúng ta đi. Những dự tính, những chương trình không cậy dựa vào Thiên Chúa, không nhằm vinh danh Ngài, sẽ chuốc lấy thất bại.
-Khi chú giải cơn cám dỗ thử thách Chúa, Đức Bê-nê-đi-tô đã trích dẫn lời của Joachim Gnilka, một nhà chú giải Tin Mừng: “ma quỷ xuất hiện dưới hình dạng một nhà thần học”. Cuộc tranh luận thần học giữa Đức Giêsu và ma quỷ sẽ là cuộc tranh luận trong mọi thời đại xoay quanh chú giải đúng đắn về Kinh Thánh, mà vấn đề nền tảng chú giải là hình ảnh Thiên Chúa. Cuộc tranh luận về chú giải cuối cùng là tranh luận về Thiên Chúa là ai.
Chúng ta đôi khi bị cám dỗ để trình bày một hình ảnh méo mó của Thiên Chúa. tại một số nước phương Tây, có nhiều tín hữu được gọi là Công giáo theo thực đơn (Catholiques à la carte), có nghĩa chỉ chấp nhận một phần các tín điều của Giáo Hội, hoăc chỉ chấp nhận Đức Giêsu mà không chấp nhận Giáo Hội. Con người thời nay đã muốn dựng nên Thiên Chúa thay vì chấp nhận mình là tạo vật của Ngài. Họ muốn tưởng tượng một Thiên Chúa theo ý của họ, theo tham vọng của họ, một Thiên Chúa để phục vụ con người chứ không phải để con người phụng sự và tôn vinh.
-Với cơn cám dỗ quyền lực, nay có lẽ cơn cám dỗ ghê gớm và mãnh liệt nhất. Giáo Hội đang bị lôi kéo để trở thành một thứ quyền lực. Đức Giáo Hoàng viết: “Đế quốc Kitô giáo (trong lịch sử) đã tìm cách biến đức tin trở thành động lực chính trị cho sự thống nhất đế quốc. Vương quốc Đức Kitô bấy giờ mang hình dạng một vương quốc chính trị với vinh quang của nó...Qua bao nhiêu thế kỷ, biết bao hình thức của cám dỗ này luôn xuất hiện, để đức tin được quyền lực bảo đảm, nhưng chính đức tin lại gặp nguy hiểm, phải chết ngạt trong vòng tay quyền lực.Cuộc chiến đấu cho Hội Thánh được tự do,cuộc chiến giúp cho vương quốc của Đức Giêsu không bị đồng hóa với bất cứ cơ cấu chính trị, ohải diễn ra trong mọi thời đại” (tr 66).
Có người đã nói một cách thi vị và lãng mạn: Giáo Hội không thể kết hôn với một thể chế chính trị nào, vì nếu làm như vậy, không sớm thì muộn, Giáo Hội sẽ trở thành góa bụa.
“Quyền lực” được Đức Bê-nê-đi-tô đề cập trên đây là quyền lực chính trị. Tuy vậy, còn biết bao nhiêu thứ quyền lực khác đang bao vây lôi kéo con người Linh mục chúng ta. Khi có chút quyền trong tay, người ta dễ dàng quyên nguồn gốc, quên sứ mạng của mình. Người ta có thể làm bất kỳ điều gì để có được quyền lực trong tay.
Đối với mỗi chúng ta, khi có một trách nhiệm hoặc một sứ vụ nào đó, chúng ta dễ bị cám dỗ thi hành quyền lực của mình. Tư tưởng “giáo sĩ trị” đôi khi vẫn còn tồn tại nơi chúng ta và đó chính là lý do ngăn cản hiệu quả của công cuộc truyền giáo.
Kết luận: Mát-thêu gọi ma quỷ là “tên cám dỗ”. Tên cám dỗ mang hình hài và gương mặt một con người, hoàn toàn cụ thể, sống động và quyết liệt. Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ bằng chính Lời Thánh Kinh. Khi chuyên tâm sống Lời Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng như Ngài
BÀI NĂM: ĐỨC GIÊSU, MỘT NGÔN SỨ VĨ ĐẠI XUẤT HIỆN GIỮA CHÚNG TA
Linh mục: con người của đối thoại
Thiên Chúa là Đấng vô hình. Không ai xem thấy Thiên Chúa bao giờ. Từ bao thế hệ, con người mò mẫm để khám phá ra gương mặt của Thiên Chúa. Họ tìm đủ mọi cách suy luận để gọi Thiên Chúa với những tên gọi khác nhau: ông Trời, Đấng Tạo hóa, Đấng Tối cao, Đấng Linh thiêng, Đấng cao cả…Người Do thái cũng gọi Chúa bằng nhiều danh xưng: Adonai, Elohim. Nhưng những danh xưng đó là do con người đặt ra để chỉ Thiên Chúa. Khi hiện ra với Môi-sen trong bụi gai cháy bừng, chính Thiên Chúa đã mạc khải Danh của Ngài cho Ông: “Ta là Đấng Tự Hữu”. Nhưng dù có được mạc khải thì loài người cũng chẳng hiểu gì hơn về Thiên Chúa.
“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).
Vâng, Thiên Chúa là Đấng vô hình. Qua Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình giữa chúng ta. Con người có thể chiêm ngưỡng, có thể tận tay rờ thấy Ngôi Lời Hằng Sống (x 1Ga,1,1). “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Ga 14,9). Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với con người bằng ngôn ngữ nhân loại để con người có thể hiểu biết ý định của Ngài.
Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy cung cách quan hệ của Đức Giêsu đối với nhiều thành phần khác nhau:
-Kịch liệt: đối với các kinh sư và biệt phái, với những người quá câu nệ lề luật mà quên đi ý nghĩa của luật là lòng thương. Người không ngần ngại gọi họ là “những nấm mồ tô vôi, chứa đầy những xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”. Một chuỗi những lời khiển trách “khốn cho các người…” (x Mt 23,13-32) cho chúng ta thấy một Đức Giêsu mạnh mẽ, gay gắt, đôi khi nặng lời trước thói giả hình.
-Cương quyết: trước những đối kháng của những người biệt phái, ngay cả Hê-rô-đê, Đức Giêsu không chùn bước. Ngài cương quyết đi lên Giê-ru-sa-lem
-Cảm thông: Đức Giêsu đã chạnh lòng thương trước nỗi đau của những người mù thành Giê-ri-cô (Mt 20,34), trước đám đông đi theo Chúa mà nay không có gì ăn; trước những người bệnh tật, quỷ ám, trước người mẹ goámất con. Người cảm thông không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng hành động, nhất là bằng phép lạ cất nỗi đau của họ. Với người phụ nữ Sa-ma-ri-a bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa hai dân tộc, đồng thời giới thiệu cho bà về nước hằng sống,về một nền phụng tự mới “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,1tt).
-Nhân từ: đối với trường hợp Giu-đa; với trường hợp Phê-rô, Đức Giêsu đưa mắt nhìn ông sau khi ông đã chối thày mình 3 lần (Lc 22,61). Với Giuđa con người phản bội, Người nói: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48).
Trong tất cả những cuộc gặp gỡ đối với mọi người, Đức Giêsu đều làm cho họ một điều gì đó. Nói cách khác, mỗi người đến nghe Đức Giêsu giảng, mỗi người tiếp cận với Người, đều được lãnh nhận nơi Người điều mình đang tìm kiếm. Có thể đó là nỗi khao khát sự thật, có thể đó là nhu cầu tinh thần hay vật chất, có thể đó là sự tổn thương tâm hồn cần nâng đỡ. Những người đó là Maria Mác-đa-la đã được chữa khỏi bảy quỷ (Lc 8,2), là cô gái điếm đã cảm nhận được tình thương và sám hối (x Lc 7,36), là người mù được chữa lành đã xin đi theo làm môn đệ Đức Giêsu (Ga 9,1tt), là người bị quỷ ám đã được chữa lành, là một Ni-cô-đê-mô đến gặp gỡ ban đêm và đã trở thành môn đệ. Ngay cả trong biến cố thập giá, vị Đại đội trưởng cũng phải tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Được mời gọi để trở nên hình ảnh sống động của Đức Giêsu giữa trần gian, Linh mục phải biết đối thoại với những người đủ tầng lớp khác nhau. Khả năng đối thoại được nhấn mạnh ngay trong tiến trình huấn luyện Linh mục. Sắc lệnh Đào tạo Linh mục, sau khi đã đề cập đến những đề nghị cụ thể trong một số môn học đã nói: “được chuẩn bị đầy đủ như thế, chủng sinh sẽ hiểu đúng được tâm thức của thời đại để đối thoại được với người đương thời” (số 15). Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes) cũng viết: “ Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết Người họ chung sống và phải đàm thoại với họ, để chính nhờ việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa ban cho các dân tộc.; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc âm chiếu soi những ơn huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế” (số 11).
Chúng ta có thể trích dẫn rất nhiều tài liệu và văn kiện của Giáo Hội liên quan đến đối thoại như một đường hướng và nhu cầu cấp thiết trong thời đại hôm nay. Đây là sự đối thoại trong sự tương kính (en respect réciproque) chứ không phải giáo huấn và càng không phải là tranh luận, xung đột.
-Đối thoại với anh em linh mục: một chuyên viên nghiên cứu đã kết luận: mỗi Giám mục phải bỏ ra 50% thời gian để giải quyết các bất hòa giữa các Linh mục hoặc giữa các Linh mục và giáo dân trong Giáo phận mình. Một khi đã làm Linh mục, chúng ta cảm thấy rất khó mà đối thoại với nhau: vì tự ái? Vì nể nang? Vì thiếu bác ái? Không thiếu những trường hợp đau lòng đã xảy ra trong mối quan hệ giữa anh em Linh mục với nhau.
-Đối thoại với giáo dân. Do ảnh hưởng của tư tưởng “giáo sĩ trị” tại nhiều nơi, vẫn còn tư tưởng Giáo Hội được chia ra làm hai phần: Giáo Hội giảng dạy và Giáo Hội được dạy dỗ (Eglise enseignante et Eglise enseignée). Ban Hành Giáo không được coi như những người cộng tác của hàng giáo sĩ, mà chỉ là những người giúp việc. Giáo dân chỉ là những thành viên thụ động trong cộng đoàn Giáo xứ
-Đối thoại với người ngoài Công Giáo: những hoạt động đại kết và đối thoại liên tôn ở Việt Nam còn ở mức quá khiêm tốn. Phải chăng đó là vì Linh mục chúng ta chưa vào cuộc? Sắc lệnh Ad Gentes: “Đáng đặc biệt tán thưởng nhưng giáo dân, trong các đại học hay viện khoa học, biết dùng những khảo cứu lịch sử hay khoa học tôn giáo mà cổ võ sự hiểu biết về các dân tộc và các tôn giáo: như thế là họ giúp các nhà rao giảng Phúc âm và chuẩn bị cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo”. (số 41). Sách Giáo lý của GHCG cũng viết: “sứ vụ truyền giáo cần có một cuộc đối thoại kính trọng đối với những người chưa chấp nhận Phúc âm. Những tín hữu có thể tiếp thu được những ích lợi cho bản thân mình từ những cuộc đối thoại này, đồng thời thấy rõ rằng tất cả những gì thuộc về sự thật và ân sủng nơi các dân tộc đã là sự hiện diện âm thầm của Thiên Chúa…” (số 856)
-Đối thoại với Chính quyền: Mỗi Giáo phận ở Việt Nam có một phương pháp riêng trong lãnh vực này. Tuy vậy, việc đối thoại trong tinh thần hiểu biết lẫn nhau luôn là một điều kiện cần thiết cho công việc mục vụ có hiệu quả.
-Nhưng một cuộc đối thoại quan trọng hơn cả mà Linh mục không được quên, đó là đối thoại thiêng liêng với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Đức Giêsu, mặc dù vất vả suốt ngày, vẫn kết hợp thâm sâu với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Mác-cô ghi lại: “sáng sớm, trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Chính trong cuộc đối thoại thiêng liêng này mà Linh mục kín múc được nghị lực cho cuộc đời dâng hiến. Nhờ đó mà ngài suy xét những công việc mình đã và đang làm. Cũng chính nhờ lời cầu nguyện mà Linh mục cảm thấy sự bất toàn và giới hạn của con người mình. “Sự đáp trả Lời Chúa căn bản nhất là lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện tạo nên một giá trị và yêu sách căn bản cho việc huấn luyện thiêng liêng. Chương trình huấn luyện phải hướng các ứng sinh lên chức Linh mục thêm hiểu biết và kinh nghiệm về ý nghĩa thực thụ của lời cầu nguyện Kitô giáo: đó là cuộc gặp gỡ sống động và cá nhân với Chúa Cha, nhờ Con duy nhất của Ngài, dưới tác động của Thánh Thần. Đó còn là một cuộc đối thoại làm cho chúng ta tham dự vào cuộc đối thoại thân tình nghĩa tử của Đức Giêsu đối với Cha Người. Linh mục còn có sứ mạng trở nên “người giáo dục cầu nguyện”. Nhưng Linh mục chỉ có thể huấn luyện người khác nơi trường học của Đức Giêsu cầu nguyện, nếu chính ngài không được huấn luyện và không tiếp tục tự mình huấn luyện tại trường học này. Chính vì vậy mà mọi người đang chờ mong từ các Linh mục: Linh mục là người của Thiên Chúa, là người thuộc về Thiên Chúa và làm cho người khác liên tưởng tới Thiên Chúa. Thư Do Thái, khi nói về Đức Kitô, đã trình bày Người như vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa (Dt 2,17). Nhưng tín hữu Kitô mong ước được thấy trong con người của Linh mục không chỉ một người đón tiếp họ, lắng nghe họ và tỏ cho họ thấy mối thiện cảm, nhưng còn là và nhất là một con người giúp họ hướng về Thiên Chúa và vươn lên tới Ngài. Vì vậy, Linh mục phải được huấn luyện để có sự kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa” (Pastores dabo vobis, số 47)
Lộ trình của đối thoại:
1-Đối thoại trước hết phải là thái độ nội tâm, với tình yêu mến và sự tôn trọng với người mình gặp gỡ. Như thế, đối thoại là sự đón nhận người khác, là thiện chí muốn tìm cách giải quyết một vấn đề. Nếu đối thoại với tâm trạng hiếu thắng, với mục đích đánh đổ người khác thì chỉ chuốc lấy thất bại.
“Này ông Gia-kêu, hãy xuống đi, vì hôm nay tôi muốn lưu lại nhà ông”: Đức Giêsu đã “đi bước trước” với một người đang mặc cảm mình thấp bé và bị lãng quên.
2-Đối thoại còn là nghệ thuật gợi chuyện và đặt vấn đề. Đây là một việc đòi hỏi sự tế nhị, thận trọng đúng mức mà vẫn giữ được sự cởi mở để dẫn người đối thoại vào bầu khí thân tình.
“Xin chị cho tôi chút nước uống…” Đức Giêsu đã xóa đi thành kiến giữa người Do Thái và Samaria bằng cách gợi chuyện.
3-Đối thoại còn là lắng nghe: đối thoại không phải là độc thoại, càng không phải là giáo huấn. Chính vì thế, người đối thoại còn phải lắng nghe.
“Thưa Thày, chúng tôi biết, Thày là một vị tôn sư…” Đức Giêsu để cho Ni-cô-đê-mô bắt đầu câu chuyện (x Ga 3,1 tt).
“Thưa Ngài, nếu Ngài ở đây thì em con không chết” Đức Giêsu lắng nghe một ngươi chị mất em giãi bày nỗi đau của mình (x Ga 11,21).
4-Đối thoại còn là biểu lộ lập trường của mình. Cách biểu lộ phải từ tốn, khiêm nhường, không áp đặt, nhưng biết tôn trọng và yêu thương tha nhân.
“Sa-tan, lui lại đàng sau Thày! Anh cản lối Thày, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của ThiênChúa, mà là của loài người” (Mt 16,23)
5-Sau cùng, đối thoại là biết nói lời cám ơn, hay lời an ủi khích lệ. Có thể cuộc đối thoại chưa đem lại hiệu quả trực tiếp như mong muốn, nhưng phải coi đó là cơ hội tốt để hiểu biết nhau hơn.
“Ta không kết tội chị. Chị hay về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11)
Xin kết luận bằng một tâm tình của Thánh Augustino:
“Đây là giới răn ngắn gọn được trao cho bạn:
Hãy yêu thương, rồi bạn có thể làm bất cứ những gì bạn muốn
Nếu bạn cần thinh lặng
Hãy thinh lặng vì yêu thương
Nếu bạn phải nói
Hãy nói vì yêu thương
Nếu bạn sắp khiển trách một ai đó
Hãy khiển trách vì yêu thương
Nếu bạn muốn tha thứ
Hãy tha thứ vì yêu thương
Bạn hãy luôn giữ trong tim cội rễ yêu thương
Vì những điều tốt đẹp,
Chỉ mọc lên từ cội rễ yêu thương.
BÀI SÁU: ĐỨC GIÊSU VỚI NGƯỜI NGHÈO
Linh mục với sứ mạng phục vụ người nghèo
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu không có tiền bạc. Thử tưởng tượng một vị thày, cùng với các môn đệ, nay đây mai đó, không biết sẽ sống ra sao khi không có tiền bạc? Những chi tiết liên quan đến tài sản chung của nhóm rất hiếm khi được nhắc tới trong Tin Mừng. Chúng ta thấy trường hợp Giu-đa: “vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giêsu nói với y: ‘Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ’, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo” (Ga 13,29). Vị thủ quỹ này cũng được nhận định không mấy tốt đẹp: “ Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6).
Đức Giêsu quả thực là người vô sản. Khi cần tiền để nộp thuế, Người bảo Phê-rô đi câu con cá, cạy miệng lấy đồng tiền đủ nộp thuế cho cả hai thày trò. Có những lúc đi đường, các môn đệ phải bứt lúa ăn cho đỡ đói, gây phản ứng nơi người Biệt phái (Lc 6,1tt).
Nếu có rất ít chi tiết nói về tài sản của Đức Giêsu và các môn đệ, thì rải rác trong Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều lần Người lên án những người giàu có, những người không biết thương xót (Mt 18,23-35). Đối với Tin Mừng, của cải là một cái bẫy nguy hiểm, nó là lý do dẫn con người đến hỏa ngục. Người có nhiều của cải thì khó vào Nước Trời, khó như con lạc đà chui qua lỗ kim vậy (Mt 19,24). Của cải làm cho người ta tối mắt đến mức sẵn sàng sát nhân để chiếm đoạt (Mt 21,33 tt). Giàu có, no nê và vui cười đã trở thành mối họa cho con người (6,24tt). Khi được nhờ vả phân xử chuyện chia gia tài, Người đã cảnh chừng thính giả hãy giữ mình, vì “chẳng phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu (Lc12,15).
Dựa trên hình ảnh về một Đức Giêsu nghèo, một số tác giả muốn chính trị hóa nhân vật Giêsu và họ đã khoác cho Người nhiều màu áo khác nhau. Vào thế kỷ 19, xuất hiện một số chủ trương coi Đức Giêsu như một người cộng sản. Trong cuốn Populaire, tác giả Cabet đã viết: “Chẳng lẽ các bạn lại không thấy trong Tin Mừng một Đức Giêsu, vị Giêsu được tôn thờ như một Thiên Chúa, loan báo sự huynh đệ và bình đẳng, và ngài kết án bọn trọc phú, đồng thời tôn vinh người nghèo và người bị áp bức, vị Giêsu ấy đã đề nghị một xã hội huynh đệ, sống thành cộng đoàn với các Tông đồ, tóm lại, Người chẳng là một nhà cộng sản đó sao?. Quả thật, Đức Giêsu là một nhà cộng sản, và các Tông đồ của Ngài, các Giáo phụ và những tín hữu sơ khai đều là cộng sản” (trích dẫn trong cuốn Jésus Christ à l’image des hommes của Bernard Sessboué, tr 69).
Các tác giả Tin Mừng không cho chúng ta biết sinh hoạt vật chất hằng ngày của Đức Giêsu và các môn đệ như thế nào. Thánh Luca có nhắc đến những người phụ nữ đi theo Đức Giêsu, có những người giàu có như “bà Giona vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê… và những phụ nữ này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,1-3).
Khi nêu lên mối nguy hiểm của tiền bạc, đúng hơn là nguy hiểm của một thái độ trọng tiền bạc mà khinh nhân nghĩa, Đức Giêsu luôn bênh vực những người nghèo, những bà goá, những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Người đã quan sát người đàn bà góa bỏ tiền vào thùng tiền công đức tại Đền thờ và khen bà đã bỏ nhiều hơn mọi người (..). Những người được hưởng ơn ban do phép lạ hầu hết là những người nghèo, những người bất hạnh.
Chúng ta cùng quan sát một người giàu và một người nghèo trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-za-rô (Lc 16). Tác giả Tin Mừng đã xây dựng nhân vật một cách tài tình để nói lên sự đối kháng giữa hai nhân vật, người giàu và người nghèo. Nhưng nếu ông phú hộ, xem ra chẳng thiếu thốn sự gì về vật chất, thì lại thiếu một điều quan trọng, đó là ông chẳng có tên gọi. Tên gọi chính là bằng chứng cho sự hiện hữu của một con ngừơi trên trần gian này. La-za-rô nghèo, nhưng chí ít cũng có một cái tên để cho người ta gọi. Ông phú hộ rơi vào Hades, một vị trí trung chuyển, chứ không phải là hỏa ngục (Gehenna) là nơi ở cuối cùng và vĩnh viễn của người chết. Từ Hades này, điều người giàu có kêu lên cùng Abraham cũng là điều mà con người thời nay thách thức Thiên Chúa: Nếu Ngài muốn chúng tôi tin vào Ngài và định hướng cuộc đời chúng tôi vào lời mạc khải của Thánh Kinh, thì Ngài phải hiện ra rõ ràng. Hãy gửi đến cho chúng tôi một ai đó từ bên kia thế giới, để nói với chúng tôi có thật như thế hay không”.
Qua câu trả lời được đặt trên môi miệng Abraham, Đức Giêsu muốn ngỏ với con người mọi thời đại rằng: “Ai không tin vào lời Thánh Kinh thì cũng không tin người đến từ bên kia thế giới. Các chân lý cao độ không thể đặt trong sự tất yếu khả giác, vì đó cũng chỉ là vật chất. Hơn nữa, chúng ta thấy chính Đức Giêsu đã từ bên kia thế giới để nói với chúng ta về Nước Trời, về Chúa Cha. Người là Đấng sống lại từ cõi chết để nói với chúng ta về cõi sống
-Noi gương Đức Giêsu, Linh mục trở nên người nghèo giữa những người nghèo. Người nghèo của Thiên Chúa là một thành ngữ chỉ những ai chọn Ngài làm gia nghiệp. Họ là những người khao khát và kiếm tìm Chúa trong cuộc đời. Những người nghèo luôn cảm thấy mình cần có Chúa, phụ thuộc vào Ngài. Đức Giêsu, Đấng đã trở nên người nghèo của Thiên Chúa. Chúng ta thường bị cám dỗ sống như người nhà giàu có, đầy đủ mọi sự mà quên đi người nghèo đang sống xung quanh. Những công trình xây cất, những cuộc lễ lạt, có những lúc trở nên vô nghĩa giữa một thôn làng nghèo, đang chạy ăn từng bữa. Đức Thánh Cha viết tiếp: “chúng ta không nhận ra sau gương mặt của La-za-rô mình đầy thương tích đang nằm trước cửa nhà giàu là mầu nhiệm của Đức Giêsu, Đấng ‘chịu khổ hình ngoài cửa thành’ (Dt 13,12), trần truồng bị treo trên thập giá, trở thành trò cười và khinh khi của đám đông, thân xác Người ‘đầy máu và thương tích’ đó sao? (sđd, tr 192). Người thanh niên giàu có đã tuân giữ hết các điều răn, để được sự sống đời đời làm gia nghiệp, một điều anh còn thiếu, đó là bán hết tài sản mà theo Đức Giêsu (x.Mc10,17 tt).
-Noi gương Đức Giêsu, Linh mục cần xây dựng tình liên đới với người nghèo. Ông phú hộ không bị kết án vì ông ta giàu có. Giàu có không phải là một tội. Cũng như nghèo khó không phải là điều đáng khinh bỉ. Điều Tin Mừng muốn nêu là ông đã dửng dưng vô trách nhiệm với người nghèo đang hằng ngày trực ở cửa nhà ông. Đức Thánh Cha viết trong cuốn “Đức Giêsu Thành Na-gia-rét”: “Dụ ngôn đánh động chúng ta, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi đến tình yêu và trách nhiệm đối với những anh chị em nghèo khổ – một số đông lớn lao trong công đoàn thế giới cũng như nhóm nhỏ trong đời sống thường nhật mà chúng ta gặp gỡ” (sđd, tr 198).
-Trong xã hội hôm nay, Linh mục có trách nhiệm giúp con người giải phóng khỏi cái nghèo, nghèo về kiến thức, nghèo tiền bạc, nghèo tình thương. Sứ mạng của Linh mục trước hết là nuôi dưỡng cộng đoàn bằng Lời Chúa và các Bí Tích. Tuy vậy, nhà xứ, nơi Linh mục cư ngụ, không phải một pháo đài yên ổn trước những gian nan của cuộc sống. Cũng giống người Do Thái đòi hỏi một dấu lạ (x Lc 11,29-30), hôm nay, những người sống xung quanh chúng ta cũng đang đòi hỏi cuộc đời của Linh mục phải là một dấu chỉ giữa thế gian, một dấu chỉ để cho mọi người xuyên qua đó tìm được niềm hy vọng. Chăm lo những nhu cầu thiêng liêng cho Dân Chúa, Linh mục cũng được mời gọi cộng tác phần mình để phát triển xã hội, làm thăng tiến con người, xây dựng nền văn minh tình thương, vì “phát triển là ơn gọi mới của hòa bình” (Đức Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio). Biết bao người đang thách thức chúng ta: “Xin hãy tỏ cho chúng tôi thấy Chúa Cha; xin hãy cử một người từ thế giới bên kia về nói với chúng tôi…”. Khi nói về sự khó nghèo như một mối phúc của Tin Mừng, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’ như sau: “Sự khó nghèo được nói ở đây, không bao giờ là một hiện tượng thuần tuý vật chất. Sự nghèo nàn vật chất không cứu độ được, cho dù sự thua thiệt trong thế giới này lôi kéo cách đặc biệt lòng thương xót của Thiên Chúa.Tâm hồn của những kẻ trắng tay có thể chai cứng, bị đầu độc, trở nên xấu xa – trong thâm tâm đầy sự thèm khát của cải, quên dần Thiên Chúa và bị của cải bên ngoài xâu xé” (Tr. 94).
Vâng, chúng ta phải là một con người đến từ Thiên Chúa, như chiếc thang Gia-cóp đầu kia bắc lên trời, đầu này chạm xuống đất để nói với con người về Thiên Chúa và để chuyển tải ước nguyện của con người lên Đấng Tối Cao. Không những chỉ chuyển tải ước nguyện của con người, chúng ta còn giúp họ phát triển phẩm giá và quyền lợi của họ trong cuộc sống mà Thiên Chúa đã trao ban.
BÀI BẢY: ĐỨC GIÊSU ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA
Linh mục và sứ mạng nên thánh
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Phê-rô chính ma quỷ cũng phải tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Thánh: “Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệu chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; Lc 4,34). Sự thánh thiện toát lên qua con người của Đức Giêsu, đến nỗi những kẻ thù của Người cũng phải thán phục: “Xưa hay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (Ga 7,46).
Thiên Chúa là Đấng chí thánh, Đức Giêsu là hiện thân của Đấng Chí Thánh. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa mang một khuôn mặt nhân loại. Đấng cao vời đã hạ cố để gặp gỡ con người và tâm tình với họ bằng chính ngôn ngữ của họ. Trong suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã tỏ cho công chúng về sự thánh thiện của Thiên Chúa. lý tưởng mà những ai theo Đức Giêsu muốn đạt tới, đó là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa: “Hãy nên trọn lành như Cha trên trời là đấng trọn lành” (Mt 5,48)
Khi nói với Chúa Cha, Đức Giêsu cũng tôn vinh Ngài là Đấng chí Thánh (Ga 17,12). Người có sứ mạng bảo vệ sự thánh thiện của Thiên Chúa bị hiểu cách sai lạc do tội lỗi của con người. Con người từ ban đầu đã xuyên tạc sự thánh thiện của Thiên Chúa và lòng tốt của Ngài. Đức Giêsu đã lên án một thứ phụng tự vụ hình thức, một thứ đạo đức giả (Ngài đã xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ). Theo Ngài, những hình thức đạo đức này làm lu mờ sự thánh thiện của Thiên Chúa, bởi lẽ con người tự xây dựng một hình ảnh về Thiên Chúa vật chất, một Thiên Chúa còn mang những nhu cầu, những tham vọng giống như con người.
Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra những đề nghị để giúp con người nên thánh. Các mối Phúc chính là những con đường ấy: sự nghèo khó; hiền lành; sầu khổ; khao khát nên công chính; xót thương; trong sạch; xây dựng hòa bình; bị bách hại vì sự sống công chính. Tuy vậy, nếu Đức Giêsu đề nghị con người áp dụng các mối phúc này, thì chính Người đã thực hiện các mỗi phúc ấy trước hết như mẫu gương. Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’ như sau: “Nếu ai cẩn thận đọc bản văn của Thánh Mát-thêu (5,3-12) sẽ thấy các lời chúc phúc này như bản tiểu sử nội tâm của Đức Giêsu, như tự tạng của Người. Người là Đấng không có nơi gối đầu (Mt 8,20), là kẻ nghèo khó thực sự nên có thể nói về chính mình: ‘Hãy đến với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường’ (Mt 11,29)….” (trang 92)
“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 17-19).
Nhờ Bí Tích Truyền chức, chúng ta được mang danh là Tư Tế thừa tác. “Tư Tế” là tên gọi của ba chức năng mà Bí Tích Thánh Tẩy ban cho chúng ta. Được mang danh là Tư Tế cho thấy sự thánh thiện là ơn gọi căn bản của Linh mục.
Thánh thiện trong đời Linh mục là một lệnh truyền. Sách Xuất hành đã ghi lại lệnh truyền cho các tư tế: “Ngay các tư tế đến gần Đức Chúa cũng phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, kẻo bị Đức Chúa đánh phạt” (Xh 19,22). Sự thánh thiện của Linh mục cũng như tín hữu được đặt trên chính nền tảng sự thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và yêu thương giải thoát: “Thật vậy, Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa các người từ đất Ai-cập lên, để Ta làm Thiên Chúa của các người; vậy các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,45). Là Linh mục, chúng ta được gọi để “chúng ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người” (Lc 1,75).
Là những người được mời gọi để thực hiện những gì Đức Giêsu đã làm, sự thánh thiện là một đòi hỏi thiết thực đối với Linh mục chúng ta. Chúng ta thường nghe một cách “lượng giá” lòng đạo đức của một cộng đoàn đức tin qua tiểu chuẩn đời sống linh mục: “một Linh mục thánh thiện, giáo dân trong xứ sẽ đạo đức; một Linh mục đạo đức, giáo dân trong xứ sẽ sốt sắng; một một Linh mục sốt sắng, giáo dân trong xứ sẽ bình thường; một Linh mục bình thường, giáo dân trong xứ sẽ khô khan; một Linh mục khô khan, giáo dân trong xứ sẽ thành ma quỷ. Kiểu nói này cho thấy Linh mục thánh thiện trong đời sống là một gương mẫu cần thiết cho một cộng đoàn đức tin. Tuy vậy không nên tự cho rằng bao giờ Linh mục cũng ở trên giáo dân một bậc. Có những giáo dân đạo đức hơn cả chính Linh mục chúng ta. Hơn nữa, lý tưởng trọn lành mà các tín hữu phải đạt tới không phải chỉ là “nên thánh giống cha xứ” mà “nên thánh như Cha trên trời, là Đấng trọn lành”.
-Nên thánh trong sự hiệp thông: Như Đức Giêsu, Đấng luôn thực thi ý muốn của Đấng đã sai mình, chứ không phải tìm ý riêng (x Ga 4,34), Linh mục phải luôn biết chọn lựa và thực hành những gì đẹp lòng Chúa. Nhờ đó, ngài trở nên thừa tác viên đích thực của Đức Kitô. “Vì chức vụ Linh mục là chức vụ của chính Giáo Hội, nên chức vụ đó chỉ có thể được chu toàn trong sự hiệp thông phẩm trật của toàn thể… nhờ tự ý khiêm nhượng và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm mà các Linh mục nên giống Chúa Kitô và có những cảm thức như Chúa Giêsu Kitô, Đấng “tự huỷ mình nhi nhận lấy thân phận tôi tớ, đã vâng lời cho đến chết (Pl 2,7-9)” (SL về chức vụ và đời sống Linh mục số 15).
Hiệp thông với Giám mục, Linh mục còn được mời gọi hiệp thông với anh em. Chỉ nam Linh mục đã nói rõ: Linh mục đoàn là một nơi đặc biệt để Linh mục có thể tìm được những phương thế đặc thù nên thánh và rao giảng Tin Mừng. Ở đó, Linh mục phải được giúp đỡ để lướt thắng những giới hạn và yếu đuối đi liền với bản tính con người, điều được đặc biệt cảm nhận ngày nay…(số 27).
Linh mục còn có trách nhiệm sống tình hiệp thông với giáo dân, với mọi người trong tinh thần phục thiện và đối thoại. Một Linh mục biết đối thoại với người khác là ngài đã bắt đầu loan báo và làm chứng về Tin Mừng. Người đối thoại tiên vàn phải là người cởi mở, nhờ đó giúp chúng ta lắng nghe người khác và đón nhận ý kiến của họ. Cởi mở giúp chúng ta đón nhận những gì phong phú của tha nhân, từ thế giới. Nhờ đó, con người chúng ta sẽ phong phú, thế giới của chúng ta sẽ tốt đẹp. Đối thoại cũng đòi hỏi sự khiêm tốn. Khiêm tốn để thấy mình không phải là tất cả, nhưng còn nhiều giới hạn và khiếm khuyết.
-Linh mục nên thánh nhờ dấn thân hoạt động tông đồ: “Như thế, nhờ thi hành những nhiệm vụ của Chúa Chiên nhân nhân lành, và trong chính khi thực thi bác ái mục vụ, các ngài tìm thấy mối giây hoàn thiện của Linh mục ràng buộc đời sống và hạot động của mình làm một” (SL về chức vụ và đời sống Linh mục số 14). Khi thi hành đức ái mục tử, Linh mục không chỉ CHO, mà còn LÃNH NHẬN rất nhiều. Đức ái mục tử là nguyên lý nội tại của đới sống thiêng liêng. Tông huấn Pastores Dabo vobis nhắn nhủ chúng ta: “Nguyên lý nội tại, nhân đức thôi thúc và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của Linh mục, xét như đã nên đồng hình đồng dạng vứi Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, chính là đức ái mục tử…” (PDV số 23). Trong xã hội Việtnam cũng như ở một số nước Au Mỹ hôm nay, Linh mục bị cám dỗ trở thành công chức. Công việc của ngài chỉ đơn thuần như một thứ dịch vụ. Cuộc sống của họ trở nên tẻ nhạt. “Quan niệm hiệp hòi này về căn tính và thừa tác vụ Linhmục có nguy cơ đưa cuộc sống Linh mục vào một sự trống rỗng thường được bù trừ bằng những lối sống không phù hợp với thừa tác vụ của mình” (Chỉ Nam Linh mục, số 44). Hơn bao giờ hết, Linh mục cần phải noi gương đức ái mục tử của Đức Giêsu. Chính khi thi hành đức ái mà chúng ta được nên thánh. Nhờ đó đời sống thiêng liêng của chúng ta trở nên phong phú hơn. Khi nhiệt thành phục vụ, chúng ta thấy đời mình có ý nghĩa với tha nhân. Niềm vui của đời dâng hiến được tìm thấy ngay chính nơi niềm vui của những người mà chúng ta phục vụ. Nhờ những cố gắng mục vụ, Linh mục đồng hóa đời mình với đức ái của Đức Kitô, mỗi ngày nên giống Người hơn.
-Linh mục nên thánh nhờ yêu mến Bí Tích Thánh Thể. Thư Mục Vụ của HĐGM Việtnam năm 2004, khi mời gọi mọi người yêu mến và tôn sùng Thánh Thể, có ngỏ lời với các Linh mục: “Là những người quản lý các màu nhiệm Thánh, các Linh mục phải nên chứng tá đặc biệt về đức tin, lòng sùng kính và yêu mến đối với Mầu nhiệm cực trọng này.Điều đó phải biểu lộ rỗ nét khi các ngài cử hành Thánh lễ, cầu nguyện trước Thánh Thể và đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân” (số 11). Để đời sống Linh mục không bị trở thành công chức, điều cần thiết là Linh mục phải sống màu nhiệm Thánh Thể. Chính từ nơi Thánh Thể mà chúng ta cảm nghiệm sự phong phú của đời tu, sống vì mọi người, qua sự hy sinh tận hiến. Đức Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp Giáo Hội từ Bí Tích Thánh Thể như sau: “Nếu Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, nó cũng là như thế đối với tác vụ Linh mục. Vì vậy, khi tạ ơn Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi muốn lặp lại rằng Thánh Thể là lẽ sống chính yếu và trung tâm của Bí Tích truyền chức được khai sinh thực sự ngay từ lúc thiết lập Thánh Thể và cùng với Thánh Thể” (số 31).
Mới đây nhất, ngày 8-12-2007, Bộ Giáo Sĩ đã ra một văn kiện kêu gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới hãy nỗ lực hơn nữa để cầu nguyện cho sự canh tân đời sống thiêng liêng của các Linh mục. Hoạt động thiêng liêng được nhấn mạnh là việc chầu Thánh Thể “để sửa chữa những lỗi lầm và thánh hóa các Linh mục”. Thánh Bộ cũng nhắc nhở các Giám mục hãy cổ võ lòng yêu mến Thánh Thể trong Giáo phận của mình.
Câu truyện về Đức Mahatma Gandhi: một người mẹ đến gặp ông để xin lời khuyên về việc dạy dỗ một đứa con ngang bướng. Ngài hẹn một tháng sau. Đúng hẹn,người mẹ trở lại. Ông Gandhi trả lời: nó ăn quá nhiều đường. Đừng để nó ăn đường nữa thì nó sẽ yên !” Nguời mẹ hỏi: “đơn giản vậy sao ngài không nói ngay, mà bắt tôi lặn lội đường xa lui tới?”, Ông đáp: “vì lúc đó tôi cũng đang ăn đường!”
Để kết luận, xin được trích dẫn lời Cha Chevrier. Ngài nói:
-xin hãy giúp tôi xây dựng một ngôi thánh đường. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cứu được thế giới.
Người ta ngạc nhiên hỏi::
-Ngôi thánh đường nào vậy?
Ngài nói tiếp:
-Tôi muốn làm hết sức để xây một ngôi thánh đường mà nền móng là những linh mục thánh thiện, các cột đỡ cũng là những Linh mục thánh thiện, nhà tạm cũng là những Linh mục thánh thiện, tòa giảng cũng là những Linh mục thánh thiện và bàn thờ cũng là những Linh mục thánh thiện. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cần thiết cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.
+GM. Giuse Vũ Văn Thiên
TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT
BÀI MỘT: ĐỨC GIÊSU, NHÀ GIẢNG THUYẾT
Linh mục với sứ mạng loan báo Lời Chúa
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, trong cuốn “Sen nở trời phương ngoại” nxb Lá Bối năm 2001 tại San Jose, khi nói về con người của Đức Phật, đã diễn giải như sau: “do sự thương tiếc quý trọng, yêu mến mà người ta đã đem những phép tắc thần thông phủ trùm lên con người của Bụt, và từ một con người. Bụt biến thành một siêu nhân, một Superman. Khi vòng hào quang phủ nhiều quá lên người, thì Bụt mất đi cái tính cách người của Bụt, cho nên giữa Bụt và chúng ta có một sự xa cách…” sau khi đã phân tích chi tiết những gì người ta thêm thắt vào cuộc đời của Đức Phật, Tác giả viết: “Trong Kitô giáo ta cũng thấy những hiện tượng tương tự. Khi Đức Kitô còn sống, có lẽ người ta đã không quý trọng Ngài bằng lúc Ngài đã qua đời. Lúc đó mười mấy đệ tử của Ngài và những người đã được gần gũi Chúa mới giật mình. Bấy giờ họ mới nhận thức được rằng những giây phút mình được gần Chúa, được ngồi ăn cơm với Chúa là những giây phút rất quý báu…. Cũng trong tâm trạng thương tiếc và kính phục đó, những đệ tử đầu tiên của Chúa đã khoác lên người của Chúa những vòng hào quang rất lớn…” (tr. 27 -29).
Những nhận định của một thiền sư Phật giáo là gợi ý cho chúng ta suy gẫm về hình ảnh Đức Giêsu như một nhà giảng thuyết. Quả thực, có những lúc chúng ta quên rằng Đức Giêsu đã thi hành sứ vụ giáo huấn của mình một cách rất bình dân, gần gũi với các thính giả. Những ngôn từ trong tiếng Việt có lẽ phần nào làm cho Chúa xa chúng ta: Chúa Giêsu; Đức Giêsu Phán; Người truyền cho ma quỷ… những ngôn từ được dùng hiện nay cũng đã được thay đổi. Tại Âu Châu, chữ “Sermon” hầu như không được dùng, mà chúng ta chỉ thấy chữ “homélie” hay “prédication”. Chúng ta cùng chiêm ngưỡng chân dung một nhà giảng thuyết mà Tân ước muốn giới thiệu:
-Nhà giảng thuyết bình dân: Đức Giêsu không dùng lối nói văn hoa bóng bẩy, nhưng ưa dùng những lối nói bình dân, gợi hình. Người áp dụng những câu ngạn ngữ của người đương thời: Thày lang ơi hãy chữa mình đi; con lạc đà chui qua lỗ kim; áo cũ vải mới, rượu cũ bình mới; người mù mà dắt người mù; Ngôn sứ không được trọng vọng tại quê hương. Đức Giêsu luôn gần gũi với mọi người: Người đến nhà bà Martha và Maria; Người ngồi bắt chuyện với người phụ nữ Samaria; Người tranh luận với Ông Ni-cô-đê-mô. Các Tin Mừng cho thấy một nhân vật lỗi lạc nhưng rất bình dân
-Nhà giảng thuyết có uy quyền: nếu Đức Giêsu không ưa lối nói văn hoa bóng bẩy trong giảng thuyết, thì lời giảng của Người lại rất có uy quyền. Mọi người nghe đều cảm phục và như thấy có sức mạnh thần kỳ qua lời nói của Người. Người truyền lệnh cho ma quỷ, cho bệnh tật, cho bão tố. (Lưu ý trong truyền thống Thánh Kinh, bệnh tật hay bão tố được hiểu như Sự Dữ, như một thứ thần minh). Kết quả là bão tố, bệnh tật phải vâng lời Người.
-Lời giảng thuyết đều dẫn đến việc tuyên xưng đức tin của các thính giả. Các Tin Mừng, nhất là nơi Gioan, đều nhấn mạnh đến hiệu quả của những lời Đức Giêsu giảng dạy. TM Gioan ghi lại cho chúng ta thấy một tiến trình: lời giảng – dấu lạ – lời tuyên xưng đức tin. ( trong Ga. có 7 dấu lạ, không kể dấu lạ thứ 8 sau ngày Phục Sinh, thường được coi là phụ thêm sau này)
Ngày thụ phong Linh mục, chúng ta đã được nghe thẩm vấn: “con có muốn tỏ ra xứng đáng và khôn ngoan chu toàn nhiệm vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc âm và trình bày đức tin công giáo không?” (Lễ nghi truyền chức Linh mục). Rao giảng Lời Chúa là một trong 3 sứ mạng chính yếu của Linh mục.
Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, vào thế kỷ 16, những người theo trào lưu Cải cách Tin Lành muốn phủ nhận tính chất hy tế của Thánh lễ và phủ nhận chức linh mục hữu hình và công khai. Đặc biệt là Luther chỉ coi chức Linh mục là thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa (ministère de la Parole). Trong bối cảnh đó, công đồng Trentô đã định nghĩa Linh mục như “người cử hành Thánh Thể và tha tội”. Tuy vậy, Công đồng cũng nhắc các Giám mục. Linh mục quản xứ rằng nhiệm vụ chính yếu của họ là rao giảng Lời Chúa.
Nếu Công đồng Trentô nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Linh mục và các Bí tích, thì Vatican II lại suy tư về chức Linh mục trong một không gian rộng lớn hơn, tức là trong mầu nhiệm Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội trong ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và quản trị. Như vậy, cùng một lúc, Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa, thừa tác viên các Bí Tích và là người lãnh đạo cộng đoàn. Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn hậu Thượng HĐGM “Pastores dabo vobis” đã nói đến chức năng đầu tiên của Linh mục là rao giảng Tin Mừng: “Trước hết Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục được hiến thánh và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mời gọi mọi người vâng phục đức tin và hướng dẫn các tín hữu để mỗi ngày họ một hiểu biết và thông hiệp sâu xa hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được Đức Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta” (số 26).
-Linh mục là thừa tác viên loan báo Lời Chúa chứ không phải loan báo lời của cá nhân mình. Linh mục loan báo Lời Chúa nhân danh Đức Kitô (in persona Christi) và nhân danh Giáo Hội (in persona Ecclesiae). Có nhiều khi chúng ta bị cám dỗ lấy tòa giảng làm nơi bày tỏ ý kiến của mình. Thậm chí đây đó có trường hợp giảng đài là nơi phân phát Lời Chúa đã trở thành vũ khí để cha xứ lăng mạ hay trả thù giáo dân. Cũng có nơi giảng đài là nơi “bới móc” những vụ việc tiêu cực xã hội. Giáo dân đến với Thánh lễ để được nghe Lời Chúa. họ muốn được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống, Lời hy vọng, nhưng nhiều người đã thất vọng. Hãy nghe Tông huấn “Pastores dabo vobis” nhắc nhở: “Linh mục phải là người đầu tiên tin vào Lời Chúa với ý thức tròn đầy rằng những lời lẽ trong thừa tác vụ của mình không phải là “của mình” nhưng là của Đấng đã sai mình. Linh mục không phải làm chủ Lời Chúa; Linh mục là người phục vụ Lời. Không phải Linh mục là người duy nhát chiếm hữu Lời Chúa: Linh mục là người mắc nợ Lời Chúa đối với Dân Thiên Chúa” (số 26)
-Với tư cách là thừa tác viên Lời Chúa, đời sống Linh mục cũng phải phản ánh chính Lời mình rao giảng. Tôi tớ Lời Chúa phải là những người yêu mến và tuân theo Lời Chúa. Lời giảng của Linh mục chỉ có tính thuyết phục và có hiệu quả khi chính Ngài tuân giữ và thực hiện. Đức Giêsu đã lên án gay gắt những kỳ mục và người biệt phái: “những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay lay thử” (Mt 23,3-4). Trong ngày lãnh nhận chức Phó tế, Đức Giám mục nói khi Ngài trao cuốn Phúc âm cho chúng ta: “Con hãy nhận lấy Phúc âm Chúa Kitô mà con vừa lãnh quyền rao giảng, vậy con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy” (Nghi thức phong chức Phó tế). Đức Phaolô VI, trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng” đã viết: “Ngày nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng: thế kỷ này khao khát sự trung thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất cả.
Chúng ta phải tỉnh táo trước những “dấu chỉ thời đại” ấy. Am thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta: các người có thực sự tin điều các người loan báo không? Các người có sống điều các người tin tưởng không? Hơn bao giờ hết. Làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng có hiệu quả thâm sâu. Bằng ngả này, chúng ta lại chịu trách nhiệm, đến một mức độ nào đó, về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta công bố”. (số 76). Là người gieo giống, chúng ta cũng phải là một mảnh đất màu mỡ để đón nhận Lời nơi chính tâm hồn mình.
Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’: “Các Thánh là những người giải thích đích thực Thánh Kinh – Les saints sont les interprètes authentiques de l’Ecriture Sainte” (Bản Việt ngữ, Tr. 95).
Sứ điệp của Đại Hội Truyền giáo tại Á châu lần thứ I tại Thái lan (10-2006) đề nghị một phương pháp truyền giáo có hiệu quả thiết thực hơn: “Chúng tôi tìm cách rao giảng Tin Mừng theo phương thức của Á Châu, một phương thức khơi dậy tâm trí bằng những cầu chuyện kể, các dụ ngôn các biểu tượng, một phương thức tiêu biểu của lối sư phạm Á Châu, như ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ. Đó chính là phương thức chia sẻ đức tin của chúng tôi cho những người khác, một đường lối đối thoại đích thực”.
Thực ra, đó chính là phương pháp mà Đức Giêsu đã áp dụng cách đây 20 thế kỷ. Phương pháp này đã làm cho vị Ngôn sứ thành Na-gia-rét trở nên gần gũi với mọi người để cảm thông với họ trong hành trình cuộc đời.
BÀI HAI: ĐỨC GIÊSU: ĐẤNG TỰ KHIÊM TỰ HẠ
Linh mục với lời mời gọi từ bỏ
Lời Chúa: Phl 2,6-12
Thư gửi giáo đoàn Philiphê kêu mời độc giả Kitô hữu hãy sống hợp nhất yêu thương, tránh mọi cãi vã ghen tỵ, sống vì người khác chứ không vì mình. Để nêu một mẫu gương tuyệt vời cho những lời khuyên này, tác giả đã nêu chính Đức Giêsu Kitô như mẫu mực hoàn hảo của tất cả mọi Kitô hữu: Người là thân phận Thiên Chúa mà lại không đòi cho được quyền hành của thân phận ấy. Trái lại, Người đã hạ mình, sống thân phận con người… để Thiên Chúa Cha đuợc tôn vinh.
Những điều trình bày về một Đức Kitô khước từ vinh quang Thiên Chúa để nhận lấy thân phận tôi đòi làm chúng ta dễ dàng liên tưởng tới một nhân vật ở khởi đầu lịch sử, đó là Adam.
+Adam là tạo vật mà lại muốn được như Thiên Chúa
-Đức Giêsu là Thiên Chúa lại muốn sống như tạo vật
+Adam muốn nâng mình lên
-Đức Giêsu muốn hạ mình xuống
+Adam trong tay chẳng có gì (quyền hành, danh dự, vật chất) nhưng muốn có mọi sự, biết mọi sự, thấy mọi sự.
-Đức Giêsu có mọi sự, nhưng đã tự huỷ ra không.
+ Sự kiêu ngạo của Adam là nguyên nhân của sự chết
- sự khiêm hạ của Đức Giêsu là nguyên nhân của sự sống.
Thư Rôma 5,15 đã liên hệ điều đó: “Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người”.
Chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng, suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô luôn sống vì Chúa Cha, để Chúa Cha được tôn vinh. Vinh quang của Cha là lý tưởng sống của Người. Thánh ý Chúa Cha là lương thực hằng ngày của Người (Ga 4,34) Người sống vì Chúa Cha, để Cha được tôn vinh. Ngay cả lúc hấp hối trong Vườn Cây Dầu, khi bản tính nhân loại của Người run sợ trước chén đắng, Người vẫn thưa: “xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (Lc 22,42). Đối với Đức Giêsu, chỉ có Thiên Chúa là đối tượng yêu mến duy nhất của Người. Lời cầu nguyện của Đức Giêsu là lời cầu nguyện “Shema, Israel !” của dân Do Thái (x Đnl 6,14). Cầu nguyện đối với Đức Giêsu là lắng nghe từng giây từng phút chân lý mạc khải này: “Thiên Chúa là Đấng duy nhất”, và trong suốt cuộc đời, Đức Giêsu đã biến lời cầu nguyện đó thành hành động. Đối với Người, ngoài Thiên Chúa, không có gì là quan trọng, kể cả quyền lực (César) tiền bạc (Mammon). Sự trung tín của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được chính những kẻ thù ghét Người xác nhận: khi ở bên chân thập giá và chứng kiến cuộc khổ nạn, các Thượng tế và Luật sĩ chế nhạo Người và họ thốt lên: “nó đã cậy trông Thiên Chúa, xin Ngài cứu hắn nếu Ngài yêu thương” (Mt 29,43)
Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Đức Giêsu được diễn tả như Người Con làm tất cả để tôn vinh Cha. Việc tôn vinh ấy thể hiện cách cụ thể qua sự chu toàn bổn phận mà Chúa Cha đã trao phó: “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4). Chúa Cha tôn vinh Chúa Con, Chúa Con tôn vinh Chúa Cha. Vinh quang Thiên Chúa lan tỏa nơi con người, nơi những môn đệ của Đức Giêsu. Đến lượt mình, những ai theo Đức Giêsu sẽ tôn vinh Thiên Chúa qua chính đời sống chứng tá của mình, nhất là qua nghĩa cử tử đạo (x. Ga 21,19).
Và, cách hành sử của Thiên Chúa thật kỳ diệu: Nếu Đức Giêsu đã tự huỷ, sinh sinh mọi sự, trút bỏ mọi sự, thì Thiên Chúa lại đem mọi sự đặt dưới chân Người. Thánh Phaolô đã chiêm ngưỡng cuộc phong vương trọng thể Chúa Cha dành cho Con của Ngài: “… đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô…” (Ep 1,10). Chính sự khiêm hạ và vâng lời cho đến chết của Đức Giêsu là một nghĩa cử tôn vinh Thiên Chúa Cha. Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đức Chúa, để rồi mọi môi miệng đều tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa để Chúa Cha được tôn vinh.
Thưa các Cha, là Linh mục, chúng ta được mời gọi diễn tả qua đời sống của mình một Đức Kitô đang sống. Qua cuộc đời của chúng ta, tâm tình của Đức Giêsu được thể hiện cách sinh động. Chúng ta hãy cùng noi gương người trong sự từ bỏ,phó thác.
-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu trước hết là sự hy sinh, chết đi cho thế gian: chiếc áo dòng màu đen, là màu tang chế, là màu của khổ hạnh, là màu của sự chết. Bước lên Bàn thánh trong ngày thụ phong là chúng ta cam kết sẽ chết đi mỗi ngày cùng với hy tế của Đức Giêsu, để rồi, mỗi năm, khi kỷ niệm ngày giáp năm thụ phong, khi tham dự tuần tĩnh tâm Linh mục, chúng ta thấy cái tôi của mình nhỏ dần đi, nhường chỗ cho hình ảnh sống động của Đức Giêsu đang lớn dần lên. Đó chính là sứ mạng của Gioan Tẩy Giả: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30).
-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu còn là sự phó thác hoàn toàn cho chương trình của Thiên Chúa. Chúng ta chỉ là dụng cụ trong tay Chúa. những gì chúng ta làm tại Giáo xứ, do công lao vất vả của mình, nhưng còn do chính Chúa tác động. Linh mục hôm nay có nguy cơ bị cám dỗ cho rằng những gì mình làm được là do chính bản thân và tài năng riêng của mình. Chính vì thế, khi gặp phải thất bại, chúng ta bi quan chán nản. Có những việc làm, những hoạt động được mang danh là tông đồ, nhưng lại thiếu chiều kích siêu nhiên, hoặc không phát biểu được đới sống nội tâm của các tín hữu.
-Sự từ bỏ của Linh mục noi gương Đức Giêsu còn là sự tận tâm dấn thân phục vụ Dân Chúa. Tại một số nước phát triển, nhiệm vụ của Linh mục có nguy cơ bị coi như công chức hành chánh. Giáo Hội bị coi như một thứ dịch vụ ma chay cưới hỏi. Chính vì thiếu nhiệt tâm tông đồ mà đời sống linh mục trở nên đơn điệu, bậc độc thân không còn được tôn trọng và trung tín. Mối quan hệ giữa Cha Xứ và giáo dân trở nên lạnh lẽo, thiếu tình người.
Kết luận: hình ảnh Đức Kitô khiêm hạ giúp chúng ta thấy sứ mạng của Linh mục. Một Linh mục thánh thiện không thể khước từ Thập giá, không thể khước từ sự từ bỏ dấn thân phục vụ con người để vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện nơi con người của họ. “Vinh quang Chúa chính là con người sống một cuộc sống vui tươi (St Irénée: Gloria Dei Vivens homo ‘Adversus Haereres 4, 20,7’).
BÀI BA: ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG THIÊN SAI
Linh mục là người được sai đi
(Lc 4,16-22)
Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai muôn dân mong đợi. Những môn đệ đầu tiên được Người mời gọi “Hãy đến mà xem” (Ga 1,39) hôm sau về đã kháo với nhau: “chúng tôi đã gặp Đấng Messia” (Ga 1,41). Sứ mạng thiên sai này sau đó được nhiều người nhìn nhận, ngay cả người phụ nữ Samaria là một người ngoại (Ga 4,1-42), nhưng cũng là đề tài tranh cãi của nhiều người (x Ga 7).
Đức Giêsu luôn ý thức về sứ mạng Thiên sai của mình. Trước những đe dọa, những chống đối, Người không do dự, không chùn bước. Người không bằng lòng về những thành quả đã đạt được, nhưng tiếp tục ra đi, tiếp tục đến với các làng mạc. Trước sự đe dọa của bạo chúa Hêrôđê, Người đã thẳng thắn tuyên bố: “hãy đi nói với con cáo ấy thế này: hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên ngày mai và ngay mốt, tôi còn phải tiếp tục đi…” (Lc13,31-33). Tại Hội đường Nazareth nhân dịp về thăm quê hương, Đức Giêsu đã áp dụng những lời Ngôn sứ Isaia để nói về chính sứ mạng được sai đi của Người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi… Ngài sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt…”(Lc 4,18-19). Trước sự ngỡ ngàng kinh ngạc của cử tọa, Người đã tuyên bố: “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Với lời tuyên bố ấy, Người đã thể hiện sứ mạng của mình là đến để khai mở thời hồng ân các Ngôn sứ đã loan báo.
Trong lời cầu nguyện được ghi lại trong Tin Mừng Thánh Gioan, thường được gọi là “lời cầu nguyện tư tế” (ch 17), Đức Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và những ai sẽ tin vào họ được nhận biết Ngài được Cha sai đến trần gian.
Để thực hiện sứ mạng Chúa Cha đã trao phó, Đức Giêsu mời gọi sự cộng tác của con người. Những môn đệ đầu tiên theo Chúa, những người cộng sự với Người, là những người nam, nữ, người già, người trẻ, nhất làm nhóm dân chài đánh cá tại bờ Biển Hồ Galiliêa. Họ đã được mời gọi bỏ mọi sự mà theo Người, để cùng với Người xây dựng Nước Trời, xây dựng vương quốc Chúa Cha, là vương quốc bình an, sự thật và sự sống. Lời sai đi được nêu cụ thể trong giờ phút ly biệt giữa thày và môn sinh được các tác giả Tin Mừng kể lại: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thày đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).
“Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” Lệnh truyền của Đấng Cứu thế được thông chuyển đến chúng ta, thưa các Cha. Qua nghi thức đặt tay và lời nguyện của Đức Giám mục trong nghi thức truyền chức, chúng ta được thông ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần và được biến đổi, trở nên những người được sai đi loan báo Lời Chúa. sự sai đi này khơi nguồn từ Chúa Cha, qua Đức Giêsu, qua Giám mục. Ngôn từ bình dân nhà đạo thường gọi văn thư bổ nhiệm linh mục đi xứ là “bài sai”. Một số vị đại diện Chính quyền cũng thường dùng từ này. Vậy, Linh mục lãnh nhận sự sai đi để làm gì?
-Trước hết, Linh mục như những cộng sự viên của Giám mục, như những cánh tay nối dài để cùng cộng tác với Giám mục trong sứ vụ truyền giáo. Khi đến với một cộng đoàn Giáo xứ. Linh mục có trách nhiệm nối kết họ với Giám mục của mình. Chính vì vậy, Ngài làm việc trong sự hiệp thông và vâng lời. Sách chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống Linh mục đã nêu rõ: “Vì trực thuộc một Linh mục đoàn nhất định, Ngài (Giám mục) phục vụ một Giáo Hội địa phương. Giáo Hội này tìm ra nguyên lý và nền tảng cho sự hiệp nhất của mình với Giám mục, người thi hành trên Giáo Hội này, toàn bộ quyền thông thường, riêng biệt và trực tiếp,cần cho nhiệm vụ của Ngài…” (số 62). Người được sai đi luôn ý thức mình chỉ là người cộng sự trong một chương trình lớn của Giáo phận, vì ích lợi chung. Trong Giáo Hội, có những trường hợp người được sai đi “đánh cắp” sản nghiệp của chủ. Có những Linh mục, vì không bằng lòng với Giám mục, khoanh vùng Giáo xứ của mình như một vùng cấm địa. Hơn thế nữa, còn gây khó khăn khi giáo dân của mình đến liên hệ với Giám mục Giáo phận. chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện những tên tá điền bất lương. Khi ông chủ sai người đến để nhận lợi tức, họ đã đánh đập, thậm chí giết chết cả con của ông chủ ngoài khu vườn của ông (x.Mc 12,1-12). Xin đừng quên, khi trao cho Phê-rô quyền chăn dắt đàn chiên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh ba lần: “Hãy chăn dắt chiên của Thày” (Ga 21,15 tt), chứ không phải chiên của Phê-rô.
-Linh mục còn được sai đi để sống như một thành viên của xứ đạo. Bài sai của Giám mục trao cho chúng ta một xứ đạo, để rồi chúng ta coi xứ đạo đó như gia đình của mình, mọi người giáo dân trong xứ như anh chị em của mình, mọi người lương dân như những người mà mình phải yêu thương và đem ánh sáng Tin Mừng cho họ. Một xứ đạo bao gồm những người đạo đức, người còn khô khan, người ngăn trở hôn phối, người vãng lai, người thường trú… tất cả được trao phó cho chúng ta. Chúng ta hãy có tâm tình của Đức Giêsu, ý thức mình được sai đến với họ. Những Giáo xứ toàn tòng có nhiều điểm lợi cho đời sống đức tin, nhưng cũng có thể bị biến thành một pháo đài công giáo trong mối tương quan với những người xung quanh.
-Được sai đi, đương nhiên cũng có thể được rút lại. Nhu cầu của giáo phận, của giáo xứ, tình hình địa phương, hoặc đôi khi vì những lý do tế nhị, đòi hỏi phải thuyên chuyển linh mục. Việc luôn ý thức mình được sai đi sẽ giúp chúng ta sẵn sàng “lên đường” trong sự phó thác và trách nhiệm. Đây đó đã xảy ra những chuyện không đẹp khi một linh mục được điều động chuyển xứ. Với quan niệm ngày nay, việc thuyên chuyển linh mục đã trở thành những sinh hoạt bình thường của các giáo phận.
Kết luận: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi (Ga 13,16). Chấp nhận sứ mạng được sai đi là chấp nhận thân phận của Vị Ngôn Sứ Thành Nazareth, là chấp nhận thập giá. Những khó khăn xảy đến có thể làm chúng ta thất vọng. Nhưng ơn Chúa đủ cho chúng ta “Hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33). Xin cho chúng ta được trang bị bằng nghị lực mới nghị lực do Chúa Thánh Thần thông ban. Ngài là sức mạnh, là sự soi sáng cho chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Amen
BÀI BỐN: ĐỨC GIÊSU VỚI CƠN CÁM DỖ
Linh mục với những thách đố hôm nay
Mt. 4,1-11
Hằng năm, vào Chúa nhật thứ nhất của Mùa Chay, Phụng vụ giúp chúng ta chiêm ngắn hình ảnh Đức Giêsu đối diện với những cơn cám dỗ, sau khi Người ăn chay 40 đêm ngày trong hoang địa. Chúng ta thường chia sẻ với cộng đoàn giáo dân về những cám dỗ Đức Giêsu đã gặp, cũng là những cơn cám dỗ đã trở thành thường xuyên trong đời mỗi người, xoay quanh 3 “nết xấu”: mê ăn uống, mất lòng tin, tham quyền lực. Lối cách nghĩa truyền thống này không sai, nhưng có lẽ cần phải đi xa hơn trong những gì tác giả Tin mừng muốn truyền đạt, nhất là tính cụ thể, hiện tại của vấn đề.
Đức Bê-nê-đi-tô XVI, trong cuốn sách mới phát hành “Đức Giêsu Thành Na-gia-rét” đã chú giải đề tài này với một hướng đi rất đặc biệt, mang đậm giá trị thần học cũng như mục vụ.
Cách trình bày và thứ tự các cơn cám dỗ có khác nhau, nhất là Mc quá ngắn gọn trong trình thuật này. Chúng ta dựa trên Mt để diễn giải và suy niệm. Ba cơn cám dỗ ma quỷ đưa ra, nói cách khác, ba hành động ma quỷ “gạ” Đức Giêsu làm, thực tế, Ngài sẽ làm sau này. Ngài có quyền làm những điều đó, nhưng không phải làm để đáp lại một thách thức, không nhằm gây một ấn tượng ngoạn mục.
-Cơn cám dỗ thứ nhất: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Làm cho đá hoá thành bánh, đó là điều Đức Giêsu có thể làm. Nhưng Ngài chỉ làm cho bánh hóa ra nhiều cho những ai tín thác và đi theo Người, kể cả vào hoang địa (..). Không chỉ làm cho bánh hóa nhiều để nuôi đám đông dân chúng, Đức Giêsu, trong bữa tiệc ly đã làm cho bánh trở nên Mình và rượu trở nên Máu Người. Đây là một phép lạ thường xuyên, kéo dài trong lịch sử. Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta hiểu lời Đức Giêsu nói với tên cám dỗ “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4 trích dẫn Đnl 8,3)
-Cơn cám dỗ thứ hai:” Nếu Ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống đi…”. Đức Giêsu không gieo mình xuống theo thách thức của tên cám dỗ. Người không muốn thử thách Chúa. nhưng sự “gieo mình” của Người chính là sự phó thác tuyệt đối trong giờ của thập giá. Ngài đã bước xuống vực sâu của cái chết, trong đêm tối bị bỏ rơi, không có chút gì để tự vệ. Người ý thức rằng, khi nhảy xuống, Người sẽ hoàn toàn rơi vào bàn tay nhân ái của Thiên Chúa. Thật ngỡ ngàng và kính phục biết bao khi chúng ta chiêm ngưỡng Đức Giêsu trong cơn hấp hối tại Vườn Cây Dầu cũng như khi trên thập giá, đã một niềm phó thác hoàn toàn trong tay Cha.
-Cơn cám dỗ thứ ba: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi”. Đây là cơn cám dỗ về quyền lực. Đức Giêsu không thờ lạy ma quỷ để có quyền lực trần gian. Trái lại, sau khi phục sinh, Người đã quy tụ tất cả những người “thuộc về mình” trên núi (Mt 28,16) và Người nói: “Thày được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Người không chỉ có quyền thế mà tên cám dỗ đề nghị mà cả quyền năng trên trời. Nhưng quyền lực đó, Người chỉ có sau phục sinh. Đức Bê-nê-đi-tô viết: quyền lực này giả thiết đã có thập tự, phải có cái chết đi trước. Nó giả thiết một ngọn núi khác, đó là Golgotha, nơi Người bị cười nhạo, bị bỏ rơi. Và như chúng ta thấy, mặc dù Đức Giêsu không chịu khuất phục để thờ lạy ma quỷ, thì các sứ thần vẫn đến thờ lạy Người (câu 11).
Đức Giêsu không thi hành hoặc tỏ bày quyền năng của Người theo thách thức của ma quỷ. Người không cứu độ theo kiểu trần gian, theo quan niệm của con người.
Những cơn cám dỗ Đức Giêsu đã gặp phải cũng là những cám dỗ của Giáo Hội, của mỗi người chúng ta.
-“Nếu ông là con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Đây là một cám dỗ nghi ngờ chính sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong lịch sử, nhiều lần con người muốn thay quyền Thiên Chúa, muốn lật đổ Ngài. Họ chủ trương con người có thể làm được mọi sự. Đã một thời chúng ta nghe thuộc lòng cầu thơ của Tố Hữu: “bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm”; hoặc “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”. Chủ nghĩa duy vật không những loại bỏ Thiên Chúa, nhưng còn đẩy con người lìa xa Ngài do sự kiêu ngạo về hiểu biết của mình. Đức Bê-nê-đi-tô viết tiếp: “Phương Tây tin rằng họ có thể biến đá thành bánh, nhưng rồi họ đã đưa đá thay vì bánh” (tr 61)
Trong đời sống linh mục, chúng ta thường bị cám dỗ thay chỗ của Thiên Chúa. Có những lúc chúng ta muốn giải quyết công việc theo kiểu trần gian, và chúng ta quyên rằng sự nghiệp truyền giáo, trước khi là công khó của con người, thì đã là công trình của Thiên Chúa, vì chính Ngài sai chúng ta đi. Những dự tính, những chương trình không cậy dựa vào Thiên Chúa, không nhằm vinh danh Ngài, sẽ chuốc lấy thất bại.
-Khi chú giải cơn cám dỗ thử thách Chúa, Đức Bê-nê-đi-tô đã trích dẫn lời của Joachim Gnilka, một nhà chú giải Tin Mừng: “ma quỷ xuất hiện dưới hình dạng một nhà thần học”. Cuộc tranh luận thần học giữa Đức Giêsu và ma quỷ sẽ là cuộc tranh luận trong mọi thời đại xoay quanh chú giải đúng đắn về Kinh Thánh, mà vấn đề nền tảng chú giải là hình ảnh Thiên Chúa. Cuộc tranh luận về chú giải cuối cùng là tranh luận về Thiên Chúa là ai.
Chúng ta đôi khi bị cám dỗ để trình bày một hình ảnh méo mó của Thiên Chúa. tại một số nước phương Tây, có nhiều tín hữu được gọi là Công giáo theo thực đơn (Catholiques à la carte), có nghĩa chỉ chấp nhận một phần các tín điều của Giáo Hội, hoăc chỉ chấp nhận Đức Giêsu mà không chấp nhận Giáo Hội. Con người thời nay đã muốn dựng nên Thiên Chúa thay vì chấp nhận mình là tạo vật của Ngài. Họ muốn tưởng tượng một Thiên Chúa theo ý của họ, theo tham vọng của họ, một Thiên Chúa để phục vụ con người chứ không phải để con người phụng sự và tôn vinh.
-Với cơn cám dỗ quyền lực, nay có lẽ cơn cám dỗ ghê gớm và mãnh liệt nhất. Giáo Hội đang bị lôi kéo để trở thành một thứ quyền lực. Đức Giáo Hoàng viết: “Đế quốc Kitô giáo (trong lịch sử) đã tìm cách biến đức tin trở thành động lực chính trị cho sự thống nhất đế quốc. Vương quốc Đức Kitô bấy giờ mang hình dạng một vương quốc chính trị với vinh quang của nó...Qua bao nhiêu thế kỷ, biết bao hình thức của cám dỗ này luôn xuất hiện, để đức tin được quyền lực bảo đảm, nhưng chính đức tin lại gặp nguy hiểm, phải chết ngạt trong vòng tay quyền lực.Cuộc chiến đấu cho Hội Thánh được tự do,cuộc chiến giúp cho vương quốc của Đức Giêsu không bị đồng hóa với bất cứ cơ cấu chính trị, ohải diễn ra trong mọi thời đại” (tr 66).
Có người đã nói một cách thi vị và lãng mạn: Giáo Hội không thể kết hôn với một thể chế chính trị nào, vì nếu làm như vậy, không sớm thì muộn, Giáo Hội sẽ trở thành góa bụa.
“Quyền lực” được Đức Bê-nê-đi-tô đề cập trên đây là quyền lực chính trị. Tuy vậy, còn biết bao nhiêu thứ quyền lực khác đang bao vây lôi kéo con người Linh mục chúng ta. Khi có chút quyền trong tay, người ta dễ dàng quyên nguồn gốc, quên sứ mạng của mình. Người ta có thể làm bất kỳ điều gì để có được quyền lực trong tay.
Đối với mỗi chúng ta, khi có một trách nhiệm hoặc một sứ vụ nào đó, chúng ta dễ bị cám dỗ thi hành quyền lực của mình. Tư tưởng “giáo sĩ trị” đôi khi vẫn còn tồn tại nơi chúng ta và đó chính là lý do ngăn cản hiệu quả của công cuộc truyền giáo.
Kết luận: Mát-thêu gọi ma quỷ là “tên cám dỗ”. Tên cám dỗ mang hình hài và gương mặt một con người, hoàn toàn cụ thể, sống động và quyết liệt. Đức Giêsu đã chiến thắng cám dỗ bằng chính Lời Thánh Kinh. Khi chuyên tâm sống Lời Chúa, chúng ta sẽ chiến thắng như Ngài
BÀI NĂM: ĐỨC GIÊSU, MỘT NGÔN SỨ VĨ ĐẠI XUẤT HIỆN GIỮA CHÚNG TA
Linh mục: con người của đối thoại
Thiên Chúa là Đấng vô hình. Không ai xem thấy Thiên Chúa bao giờ. Từ bao thế hệ, con người mò mẫm để khám phá ra gương mặt của Thiên Chúa. Họ tìm đủ mọi cách suy luận để gọi Thiên Chúa với những tên gọi khác nhau: ông Trời, Đấng Tạo hóa, Đấng Tối cao, Đấng Linh thiêng, Đấng cao cả…Người Do thái cũng gọi Chúa bằng nhiều danh xưng: Adonai, Elohim. Nhưng những danh xưng đó là do con người đặt ra để chỉ Thiên Chúa. Khi hiện ra với Môi-sen trong bụi gai cháy bừng, chính Thiên Chúa đã mạc khải Danh của Ngài cho Ông: “Ta là Đấng Tự Hữu”. Nhưng dù có được mạc khải thì loài người cũng chẳng hiểu gì hơn về Thiên Chúa.
“Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).
Vâng, Thiên Chúa là Đấng vô hình. Qua Đức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Thiên Chúa đã trở nên hữu hình giữa chúng ta. Con người có thể chiêm ngưỡng, có thể tận tay rờ thấy Ngôi Lời Hằng Sống (x 1Ga,1,1). “Ai thấy Thày là thấy Cha” (Ga 14,9). Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa muốn nói với con người bằng ngôn ngữ nhân loại để con người có thể hiểu biết ý định của Ngài.
Tin Mừng cũng cho chúng ta thấy cung cách quan hệ của Đức Giêsu đối với nhiều thành phần khác nhau:
-Kịch liệt: đối với các kinh sư và biệt phái, với những người quá câu nệ lề luật mà quên đi ý nghĩa của luật là lòng thương. Người không ngần ngại gọi họ là “những nấm mồ tô vôi, chứa đầy những xương người chết và đủ mọi thứ ô uế”. Một chuỗi những lời khiển trách “khốn cho các người…” (x Mt 23,13-32) cho chúng ta thấy một Đức Giêsu mạnh mẽ, gay gắt, đôi khi nặng lời trước thói giả hình.
-Cương quyết: trước những đối kháng của những người biệt phái, ngay cả Hê-rô-đê, Đức Giêsu không chùn bước. Ngài cương quyết đi lên Giê-ru-sa-lem
-Cảm thông: Đức Giêsu đã chạnh lòng thương trước nỗi đau của những người mù thành Giê-ri-cô (Mt 20,34), trước đám đông đi theo Chúa mà nay không có gì ăn; trước những người bệnh tật, quỷ ám, trước người mẹ goámất con. Người cảm thông không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng hành động, nhất là bằng phép lạ cất nỗi đau của họ. Với người phụ nữ Sa-ma-ri-a bên bờ giếng Giacóp, Đức Giêsu đã phá đổ bức tường ngăn cách giữa hai dân tộc, đồng thời giới thiệu cho bà về nước hằng sống,về một nền phụng tự mới “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4,1tt).
-Nhân từ: đối với trường hợp Giu-đa; với trường hợp Phê-rô, Đức Giêsu đưa mắt nhìn ông sau khi ông đã chối thày mình 3 lần (Lc 22,61). Với Giuđa con người phản bội, Người nói: “Giuđa ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” (Lc 22,48).
Trong tất cả những cuộc gặp gỡ đối với mọi người, Đức Giêsu đều làm cho họ một điều gì đó. Nói cách khác, mỗi người đến nghe Đức Giêsu giảng, mỗi người tiếp cận với Người, đều được lãnh nhận nơi Người điều mình đang tìm kiếm. Có thể đó là nỗi khao khát sự thật, có thể đó là nhu cầu tinh thần hay vật chất, có thể đó là sự tổn thương tâm hồn cần nâng đỡ. Những người đó là Maria Mác-đa-la đã được chữa khỏi bảy quỷ (Lc 8,2), là cô gái điếm đã cảm nhận được tình thương và sám hối (x Lc 7,36), là người mù được chữa lành đã xin đi theo làm môn đệ Đức Giêsu (Ga 9,1tt), là người bị quỷ ám đã được chữa lành, là một Ni-cô-đê-mô đến gặp gỡ ban đêm và đã trở thành môn đệ. Ngay cả trong biến cố thập giá, vị Đại đội trưởng cũng phải tuyên xưng: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Được mời gọi để trở nên hình ảnh sống động của Đức Giêsu giữa trần gian, Linh mục phải biết đối thoại với những người đủ tầng lớp khác nhau. Khả năng đối thoại được nhấn mạnh ngay trong tiến trình huấn luyện Linh mục. Sắc lệnh Đào tạo Linh mục, sau khi đã đề cập đến những đề nghị cụ thể trong một số môn học đã nói: “được chuẩn bị đầy đủ như thế, chủng sinh sẽ hiểu đúng được tâm thức của thời đại để đối thoại được với người đương thời” (số 15). Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội (Ad Gentes) cũng viết: “ Như chính Chúa Kitô đã dò xét tâm hồn con người và đối thoại với họ đúng theo kiểu loài người để dẫn họ đến ánh sáng thần linh, thì các môn đệ của Người đã thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, cũng phải hiểu biết Người họ chung sống và phải đàm thoại với họ, để chính nhờ việc đối thoại chân thành và nhẫn nại đó, các môn đệ học biết những ân huệ phong phú mà Thiên Chúa ban cho các dân tộc.; đồng thời các môn đệ phải cố gắng đem ánh sáng Phúc âm chiếu soi những ơn huệ đó, giải thoát chúng và đem chúng về quy phục Chúa Cứu Thế” (số 11).
Chúng ta có thể trích dẫn rất nhiều tài liệu và văn kiện của Giáo Hội liên quan đến đối thoại như một đường hướng và nhu cầu cấp thiết trong thời đại hôm nay. Đây là sự đối thoại trong sự tương kính (en respect réciproque) chứ không phải giáo huấn và càng không phải là tranh luận, xung đột.
-Đối thoại với anh em linh mục: một chuyên viên nghiên cứu đã kết luận: mỗi Giám mục phải bỏ ra 50% thời gian để giải quyết các bất hòa giữa các Linh mục hoặc giữa các Linh mục và giáo dân trong Giáo phận mình. Một khi đã làm Linh mục, chúng ta cảm thấy rất khó mà đối thoại với nhau: vì tự ái? Vì nể nang? Vì thiếu bác ái? Không thiếu những trường hợp đau lòng đã xảy ra trong mối quan hệ giữa anh em Linh mục với nhau.
-Đối thoại với giáo dân. Do ảnh hưởng của tư tưởng “giáo sĩ trị” tại nhiều nơi, vẫn còn tư tưởng Giáo Hội được chia ra làm hai phần: Giáo Hội giảng dạy và Giáo Hội được dạy dỗ (Eglise enseignante et Eglise enseignée). Ban Hành Giáo không được coi như những người cộng tác của hàng giáo sĩ, mà chỉ là những người giúp việc. Giáo dân chỉ là những thành viên thụ động trong cộng đoàn Giáo xứ
-Đối thoại với người ngoài Công Giáo: những hoạt động đại kết và đối thoại liên tôn ở Việt Nam còn ở mức quá khiêm tốn. Phải chăng đó là vì Linh mục chúng ta chưa vào cuộc? Sắc lệnh Ad Gentes: “Đáng đặc biệt tán thưởng nhưng giáo dân, trong các đại học hay viện khoa học, biết dùng những khảo cứu lịch sử hay khoa học tôn giáo mà cổ võ sự hiểu biết về các dân tộc và các tôn giáo: như thế là họ giúp các nhà rao giảng Phúc âm và chuẩn bị cuộc đối thoại với những người ngoài Kitô giáo”. (số 41). Sách Giáo lý của GHCG cũng viết: “sứ vụ truyền giáo cần có một cuộc đối thoại kính trọng đối với những người chưa chấp nhận Phúc âm. Những tín hữu có thể tiếp thu được những ích lợi cho bản thân mình từ những cuộc đối thoại này, đồng thời thấy rõ rằng tất cả những gì thuộc về sự thật và ân sủng nơi các dân tộc đã là sự hiện diện âm thầm của Thiên Chúa…” (số 856)
-Đối thoại với Chính quyền: Mỗi Giáo phận ở Việt Nam có một phương pháp riêng trong lãnh vực này. Tuy vậy, việc đối thoại trong tinh thần hiểu biết lẫn nhau luôn là một điều kiện cần thiết cho công việc mục vụ có hiệu quả.
-Nhưng một cuộc đối thoại quan trọng hơn cả mà Linh mục không được quên, đó là đối thoại thiêng liêng với Thiên Chúa qua lời cầu nguyện. Đức Giêsu, mặc dù vất vả suốt ngày, vẫn kết hợp thâm sâu với Chúa Cha trong lời cầu nguyện. Mác-cô ghi lại: “sáng sớm, trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Chính trong cuộc đối thoại thiêng liêng này mà Linh mục kín múc được nghị lực cho cuộc đời dâng hiến. Nhờ đó mà ngài suy xét những công việc mình đã và đang làm. Cũng chính nhờ lời cầu nguyện mà Linh mục cảm thấy sự bất toàn và giới hạn của con người mình. “Sự đáp trả Lời Chúa căn bản nhất là lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện tạo nên một giá trị và yêu sách căn bản cho việc huấn luyện thiêng liêng. Chương trình huấn luyện phải hướng các ứng sinh lên chức Linh mục thêm hiểu biết và kinh nghiệm về ý nghĩa thực thụ của lời cầu nguyện Kitô giáo: đó là cuộc gặp gỡ sống động và cá nhân với Chúa Cha, nhờ Con duy nhất của Ngài, dưới tác động của Thánh Thần. Đó còn là một cuộc đối thoại làm cho chúng ta tham dự vào cuộc đối thoại thân tình nghĩa tử của Đức Giêsu đối với Cha Người. Linh mục còn có sứ mạng trở nên “người giáo dục cầu nguyện”. Nhưng Linh mục chỉ có thể huấn luyện người khác nơi trường học của Đức Giêsu cầu nguyện, nếu chính ngài không được huấn luyện và không tiếp tục tự mình huấn luyện tại trường học này. Chính vì vậy mà mọi người đang chờ mong từ các Linh mục: Linh mục là người của Thiên Chúa, là người thuộc về Thiên Chúa và làm cho người khác liên tưởng tới Thiên Chúa. Thư Do Thái, khi nói về Đức Kitô, đã trình bày Người như vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa (Dt 2,17). Nhưng tín hữu Kitô mong ước được thấy trong con người của Linh mục không chỉ một người đón tiếp họ, lắng nghe họ và tỏ cho họ thấy mối thiện cảm, nhưng còn là và nhất là một con người giúp họ hướng về Thiên Chúa và vươn lên tới Ngài. Vì vậy, Linh mục phải được huấn luyện để có sự kết hiệp thâm sâu với Thiên Chúa” (Pastores dabo vobis, số 47)
Lộ trình của đối thoại:
1-Đối thoại trước hết phải là thái độ nội tâm, với tình yêu mến và sự tôn trọng với người mình gặp gỡ. Như thế, đối thoại là sự đón nhận người khác, là thiện chí muốn tìm cách giải quyết một vấn đề. Nếu đối thoại với tâm trạng hiếu thắng, với mục đích đánh đổ người khác thì chỉ chuốc lấy thất bại.
“Này ông Gia-kêu, hãy xuống đi, vì hôm nay tôi muốn lưu lại nhà ông”: Đức Giêsu đã “đi bước trước” với một người đang mặc cảm mình thấp bé và bị lãng quên.
2-Đối thoại còn là nghệ thuật gợi chuyện và đặt vấn đề. Đây là một việc đòi hỏi sự tế nhị, thận trọng đúng mức mà vẫn giữ được sự cởi mở để dẫn người đối thoại vào bầu khí thân tình.
“Xin chị cho tôi chút nước uống…” Đức Giêsu đã xóa đi thành kiến giữa người Do Thái và Samaria bằng cách gợi chuyện.
3-Đối thoại còn là lắng nghe: đối thoại không phải là độc thoại, càng không phải là giáo huấn. Chính vì thế, người đối thoại còn phải lắng nghe.
“Thưa Thày, chúng tôi biết, Thày là một vị tôn sư…” Đức Giêsu để cho Ni-cô-đê-mô bắt đầu câu chuyện (x Ga 3,1 tt).
“Thưa Ngài, nếu Ngài ở đây thì em con không chết” Đức Giêsu lắng nghe một ngươi chị mất em giãi bày nỗi đau của mình (x Ga 11,21).
4-Đối thoại còn là biểu lộ lập trường của mình. Cách biểu lộ phải từ tốn, khiêm nhường, không áp đặt, nhưng biết tôn trọng và yêu thương tha nhân.
“Sa-tan, lui lại đàng sau Thày! Anh cản lối Thày, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của ThiênChúa, mà là của loài người” (Mt 16,23)
5-Sau cùng, đối thoại là biết nói lời cám ơn, hay lời an ủi khích lệ. Có thể cuộc đối thoại chưa đem lại hiệu quả trực tiếp như mong muốn, nhưng phải coi đó là cơ hội tốt để hiểu biết nhau hơn.
“Ta không kết tội chị. Chị hay về và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11)
Xin kết luận bằng một tâm tình của Thánh Augustino:
“Đây là giới răn ngắn gọn được trao cho bạn:
Hãy yêu thương, rồi bạn có thể làm bất cứ những gì bạn muốn
Nếu bạn cần thinh lặng
Hãy thinh lặng vì yêu thương
Nếu bạn phải nói
Hãy nói vì yêu thương
Nếu bạn sắp khiển trách một ai đó
Hãy khiển trách vì yêu thương
Nếu bạn muốn tha thứ
Hãy tha thứ vì yêu thương
Bạn hãy luôn giữ trong tim cội rễ yêu thương
Vì những điều tốt đẹp,
Chỉ mọc lên từ cội rễ yêu thương.
BÀI SÁU: ĐỨC GIÊSU VỚI NGƯỜI NGHÈO
Linh mục với sứ mạng phục vụ người nghèo
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giêsu không có tiền bạc. Thử tưởng tượng một vị thày, cùng với các môn đệ, nay đây mai đó, không biết sẽ sống ra sao khi không có tiền bạc? Những chi tiết liên quan đến tài sản chung của nhóm rất hiếm khi được nhắc tới trong Tin Mừng. Chúng ta thấy trường hợp Giu-đa: “vì Giu-đa giữ túi tiền, nên có vài người tưởng rằng Đức Giêsu nói với y: ‘Hãy mua những món cần dùng trong dịp lễ’, hoặc bảo y bố thí cho người nghèo” (Ga 13,29). Vị thủ quỹ này cũng được nhận định không mấy tốt đẹp: “ Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (Ga 12,6).
Đức Giêsu quả thực là người vô sản. Khi cần tiền để nộp thuế, Người bảo Phê-rô đi câu con cá, cạy miệng lấy đồng tiền đủ nộp thuế cho cả hai thày trò. Có những lúc đi đường, các môn đệ phải bứt lúa ăn cho đỡ đói, gây phản ứng nơi người Biệt phái (Lc 6,1tt).
Nếu có rất ít chi tiết nói về tài sản của Đức Giêsu và các môn đệ, thì rải rác trong Tin Mừng, chúng ta thấy nhiều lần Người lên án những người giàu có, những người không biết thương xót (Mt 18,23-35). Đối với Tin Mừng, của cải là một cái bẫy nguy hiểm, nó là lý do dẫn con người đến hỏa ngục. Người có nhiều của cải thì khó vào Nước Trời, khó như con lạc đà chui qua lỗ kim vậy (Mt 19,24). Của cải làm cho người ta tối mắt đến mức sẵn sàng sát nhân để chiếm đoạt (Mt 21,33 tt). Giàu có, no nê và vui cười đã trở thành mối họa cho con người (6,24tt). Khi được nhờ vả phân xử chuyện chia gia tài, Người đã cảnh chừng thính giả hãy giữ mình, vì “chẳng phải dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu (Lc12,15).
Dựa trên hình ảnh về một Đức Giêsu nghèo, một số tác giả muốn chính trị hóa nhân vật Giêsu và họ đã khoác cho Người nhiều màu áo khác nhau. Vào thế kỷ 19, xuất hiện một số chủ trương coi Đức Giêsu như một người cộng sản. Trong cuốn Populaire, tác giả Cabet đã viết: “Chẳng lẽ các bạn lại không thấy trong Tin Mừng một Đức Giêsu, vị Giêsu được tôn thờ như một Thiên Chúa, loan báo sự huynh đệ và bình đẳng, và ngài kết án bọn trọc phú, đồng thời tôn vinh người nghèo và người bị áp bức, vị Giêsu ấy đã đề nghị một xã hội huynh đệ, sống thành cộng đoàn với các Tông đồ, tóm lại, Người chẳng là một nhà cộng sản đó sao?. Quả thật, Đức Giêsu là một nhà cộng sản, và các Tông đồ của Ngài, các Giáo phụ và những tín hữu sơ khai đều là cộng sản” (trích dẫn trong cuốn Jésus Christ à l’image des hommes của Bernard Sessboué, tr 69).
Các tác giả Tin Mừng không cho chúng ta biết sinh hoạt vật chất hằng ngày của Đức Giêsu và các môn đệ như thế nào. Thánh Luca có nhắc đến những người phụ nữ đi theo Đức Giêsu, có những người giàu có như “bà Giona vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê… và những phụ nữ này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giêsu và các môn đệ” (Lc 8,1-3).
Khi nêu lên mối nguy hiểm của tiền bạc, đúng hơn là nguy hiểm của một thái độ trọng tiền bạc mà khinh nhân nghĩa, Đức Giêsu luôn bênh vực những người nghèo, những bà goá, những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Người đã quan sát người đàn bà góa bỏ tiền vào thùng tiền công đức tại Đền thờ và khen bà đã bỏ nhiều hơn mọi người (..). Những người được hưởng ơn ban do phép lạ hầu hết là những người nghèo, những người bất hạnh.
Chúng ta cùng quan sát một người giàu và một người nghèo trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-za-rô (Lc 16). Tác giả Tin Mừng đã xây dựng nhân vật một cách tài tình để nói lên sự đối kháng giữa hai nhân vật, người giàu và người nghèo. Nhưng nếu ông phú hộ, xem ra chẳng thiếu thốn sự gì về vật chất, thì lại thiếu một điều quan trọng, đó là ông chẳng có tên gọi. Tên gọi chính là bằng chứng cho sự hiện hữu của một con ngừơi trên trần gian này. La-za-rô nghèo, nhưng chí ít cũng có một cái tên để cho người ta gọi. Ông phú hộ rơi vào Hades, một vị trí trung chuyển, chứ không phải là hỏa ngục (Gehenna) là nơi ở cuối cùng và vĩnh viễn của người chết. Từ Hades này, điều người giàu có kêu lên cùng Abraham cũng là điều mà con người thời nay thách thức Thiên Chúa: Nếu Ngài muốn chúng tôi tin vào Ngài và định hướng cuộc đời chúng tôi vào lời mạc khải của Thánh Kinh, thì Ngài phải hiện ra rõ ràng. Hãy gửi đến cho chúng tôi một ai đó từ bên kia thế giới, để nói với chúng tôi có thật như thế hay không”.
Qua câu trả lời được đặt trên môi miệng Abraham, Đức Giêsu muốn ngỏ với con người mọi thời đại rằng: “Ai không tin vào lời Thánh Kinh thì cũng không tin người đến từ bên kia thế giới. Các chân lý cao độ không thể đặt trong sự tất yếu khả giác, vì đó cũng chỉ là vật chất. Hơn nữa, chúng ta thấy chính Đức Giêsu đã từ bên kia thế giới để nói với chúng ta về Nước Trời, về Chúa Cha. Người là Đấng sống lại từ cõi chết để nói với chúng ta về cõi sống
-Noi gương Đức Giêsu, Linh mục trở nên người nghèo giữa những người nghèo. Người nghèo của Thiên Chúa là một thành ngữ chỉ những ai chọn Ngài làm gia nghiệp. Họ là những người khao khát và kiếm tìm Chúa trong cuộc đời. Những người nghèo luôn cảm thấy mình cần có Chúa, phụ thuộc vào Ngài. Đức Giêsu, Đấng đã trở nên người nghèo của Thiên Chúa. Chúng ta thường bị cám dỗ sống như người nhà giàu có, đầy đủ mọi sự mà quên đi người nghèo đang sống xung quanh. Những công trình xây cất, những cuộc lễ lạt, có những lúc trở nên vô nghĩa giữa một thôn làng nghèo, đang chạy ăn từng bữa. Đức Thánh Cha viết tiếp: “chúng ta không nhận ra sau gương mặt của La-za-rô mình đầy thương tích đang nằm trước cửa nhà giàu là mầu nhiệm của Đức Giêsu, Đấng ‘chịu khổ hình ngoài cửa thành’ (Dt 13,12), trần truồng bị treo trên thập giá, trở thành trò cười và khinh khi của đám đông, thân xác Người ‘đầy máu và thương tích’ đó sao? (sđd, tr 192). Người thanh niên giàu có đã tuân giữ hết các điều răn, để được sự sống đời đời làm gia nghiệp, một điều anh còn thiếu, đó là bán hết tài sản mà theo Đức Giêsu (x.Mc10,17 tt).
-Noi gương Đức Giêsu, Linh mục cần xây dựng tình liên đới với người nghèo. Ông phú hộ không bị kết án vì ông ta giàu có. Giàu có không phải là một tội. Cũng như nghèo khó không phải là điều đáng khinh bỉ. Điều Tin Mừng muốn nêu là ông đã dửng dưng vô trách nhiệm với người nghèo đang hằng ngày trực ở cửa nhà ông. Đức Thánh Cha viết trong cuốn “Đức Giêsu Thành Na-gia-rét”: “Dụ ngôn đánh động chúng ta, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi đến tình yêu và trách nhiệm đối với những anh chị em nghèo khổ – một số đông lớn lao trong công đoàn thế giới cũng như nhóm nhỏ trong đời sống thường nhật mà chúng ta gặp gỡ” (sđd, tr 198).
-Trong xã hội hôm nay, Linh mục có trách nhiệm giúp con người giải phóng khỏi cái nghèo, nghèo về kiến thức, nghèo tiền bạc, nghèo tình thương. Sứ mạng của Linh mục trước hết là nuôi dưỡng cộng đoàn bằng Lời Chúa và các Bí Tích. Tuy vậy, nhà xứ, nơi Linh mục cư ngụ, không phải một pháo đài yên ổn trước những gian nan của cuộc sống. Cũng giống người Do Thái đòi hỏi một dấu lạ (x Lc 11,29-30), hôm nay, những người sống xung quanh chúng ta cũng đang đòi hỏi cuộc đời của Linh mục phải là một dấu chỉ giữa thế gian, một dấu chỉ để cho mọi người xuyên qua đó tìm được niềm hy vọng. Chăm lo những nhu cầu thiêng liêng cho Dân Chúa, Linh mục cũng được mời gọi cộng tác phần mình để phát triển xã hội, làm thăng tiến con người, xây dựng nền văn minh tình thương, vì “phát triển là ơn gọi mới của hòa bình” (Đức Phaolô VI, Thông điệp Populorum progressio). Biết bao người đang thách thức chúng ta: “Xin hãy tỏ cho chúng tôi thấy Chúa Cha; xin hãy cử một người từ thế giới bên kia về nói với chúng tôi…”. Khi nói về sự khó nghèo như một mối phúc của Tin Mừng, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’ như sau: “Sự khó nghèo được nói ở đây, không bao giờ là một hiện tượng thuần tuý vật chất. Sự nghèo nàn vật chất không cứu độ được, cho dù sự thua thiệt trong thế giới này lôi kéo cách đặc biệt lòng thương xót của Thiên Chúa.Tâm hồn của những kẻ trắng tay có thể chai cứng, bị đầu độc, trở nên xấu xa – trong thâm tâm đầy sự thèm khát của cải, quên dần Thiên Chúa và bị của cải bên ngoài xâu xé” (Tr. 94).
Vâng, chúng ta phải là một con người đến từ Thiên Chúa, như chiếc thang Gia-cóp đầu kia bắc lên trời, đầu này chạm xuống đất để nói với con người về Thiên Chúa và để chuyển tải ước nguyện của con người lên Đấng Tối Cao. Không những chỉ chuyển tải ước nguyện của con người, chúng ta còn giúp họ phát triển phẩm giá và quyền lợi của họ trong cuộc sống mà Thiên Chúa đã trao ban.
BÀI BẢY: ĐỨC GIÊSU ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA
Linh mục và sứ mạng nên thánh
Đọc Tin Mừng, chúng ta thấy Phê-rô chính ma quỷ cũng phải tuyên bố Đức Giêsu là Đấng Thánh: “Ông Giê-su Na-gia-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệu chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; Lc 4,34). Sự thánh thiện toát lên qua con người của Đức Giêsu, đến nỗi những kẻ thù của Người cũng phải thán phục: “Xưa hay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (Ga 7,46).
Thiên Chúa là Đấng chí thánh, Đức Giêsu là hiện thân của Đấng Chí Thánh. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa mang một khuôn mặt nhân loại. Đấng cao vời đã hạ cố để gặp gỡ con người và tâm tình với họ bằng chính ngôn ngữ của họ. Trong suốt cuộc đời dương thế, Đức Giêsu đã tỏ cho công chúng về sự thánh thiện của Thiên Chúa. lý tưởng mà những ai theo Đức Giêsu muốn đạt tới, đó là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa: “Hãy nên trọn lành như Cha trên trời là đấng trọn lành” (Mt 5,48)
Khi nói với Chúa Cha, Đức Giêsu cũng tôn vinh Ngài là Đấng chí Thánh (Ga 17,12). Người có sứ mạng bảo vệ sự thánh thiện của Thiên Chúa bị hiểu cách sai lạc do tội lỗi của con người. Con người từ ban đầu đã xuyên tạc sự thánh thiện của Thiên Chúa và lòng tốt của Ngài. Đức Giêsu đã lên án một thứ phụng tự vụ hình thức, một thứ đạo đức giả (Ngài đã xua đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ). Theo Ngài, những hình thức đạo đức này làm lu mờ sự thánh thiện của Thiên Chúa, bởi lẽ con người tự xây dựng một hình ảnh về Thiên Chúa vật chất, một Thiên Chúa còn mang những nhu cầu, những tham vọng giống như con người.
Trong công cuộc loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đưa ra những đề nghị để giúp con người nên thánh. Các mối Phúc chính là những con đường ấy: sự nghèo khó; hiền lành; sầu khổ; khao khát nên công chính; xót thương; trong sạch; xây dựng hòa bình; bị bách hại vì sự sống công chính. Tuy vậy, nếu Đức Giêsu đề nghị con người áp dụng các mối phúc này, thì chính Người đã thực hiện các mỗi phúc ấy trước hết như mẫu gương. Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’ như sau: “Nếu ai cẩn thận đọc bản văn của Thánh Mát-thêu (5,3-12) sẽ thấy các lời chúc phúc này như bản tiểu sử nội tâm của Đức Giêsu, như tự tạng của Người. Người là Đấng không có nơi gối đầu (Mt 8,20), là kẻ nghèo khó thực sự nên có thể nói về chính mình: ‘Hãy đến với tôi vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường’ (Mt 11,29)….” (trang 92)
“Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17, 17-19).
Nhờ Bí Tích Truyền chức, chúng ta được mang danh là Tư Tế thừa tác. “Tư Tế” là tên gọi của ba chức năng mà Bí Tích Thánh Tẩy ban cho chúng ta. Được mang danh là Tư Tế cho thấy sự thánh thiện là ơn gọi căn bản của Linh mục.
Thánh thiện trong đời Linh mục là một lệnh truyền. Sách Xuất hành đã ghi lại lệnh truyền cho các tư tế: “Ngay các tư tế đến gần Đức Chúa cũng phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, kẻo bị Đức Chúa đánh phạt” (Xh 19,22). Sự thánh thiện của Linh mục cũng như tín hữu được đặt trên chính nền tảng sự thánh thiện của Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và yêu thương giải thoát: “Thật vậy, Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa các người từ đất Ai-cập lên, để Ta làm Thiên Chúa của các người; vậy các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11,45). Là Linh mục, chúng ta được gọi để “chúng ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người” (Lc 1,75).
Là những người được mời gọi để thực hiện những gì Đức Giêsu đã làm, sự thánh thiện là một đòi hỏi thiết thực đối với Linh mục chúng ta. Chúng ta thường nghe một cách “lượng giá” lòng đạo đức của một cộng đoàn đức tin qua tiểu chuẩn đời sống linh mục: “một Linh mục thánh thiện, giáo dân trong xứ sẽ đạo đức; một Linh mục đạo đức, giáo dân trong xứ sẽ sốt sắng; một một Linh mục sốt sắng, giáo dân trong xứ sẽ bình thường; một Linh mục bình thường, giáo dân trong xứ sẽ khô khan; một Linh mục khô khan, giáo dân trong xứ sẽ thành ma quỷ. Kiểu nói này cho thấy Linh mục thánh thiện trong đời sống là một gương mẫu cần thiết cho một cộng đoàn đức tin. Tuy vậy không nên tự cho rằng bao giờ Linh mục cũng ở trên giáo dân một bậc. Có những giáo dân đạo đức hơn cả chính Linh mục chúng ta. Hơn nữa, lý tưởng trọn lành mà các tín hữu phải đạt tới không phải chỉ là “nên thánh giống cha xứ” mà “nên thánh như Cha trên trời, là Đấng trọn lành”.
-Nên thánh trong sự hiệp thông: Như Đức Giêsu, Đấng luôn thực thi ý muốn của Đấng đã sai mình, chứ không phải tìm ý riêng (x Ga 4,34), Linh mục phải luôn biết chọn lựa và thực hành những gì đẹp lòng Chúa. Nhờ đó, ngài trở nên thừa tác viên đích thực của Đức Kitô. “Vì chức vụ Linh mục là chức vụ của chính Giáo Hội, nên chức vụ đó chỉ có thể được chu toàn trong sự hiệp thông phẩm trật của toàn thể… nhờ tự ý khiêm nhượng và vâng phục trong tinh thần trách nhiệm mà các Linh mục nên giống Chúa Kitô và có những cảm thức như Chúa Giêsu Kitô, Đấng “tự huỷ mình nhi nhận lấy thân phận tôi tớ, đã vâng lời cho đến chết (Pl 2,7-9)” (SL về chức vụ và đời sống Linh mục số 15).
Hiệp thông với Giám mục, Linh mục còn được mời gọi hiệp thông với anh em. Chỉ nam Linh mục đã nói rõ: Linh mục đoàn là một nơi đặc biệt để Linh mục có thể tìm được những phương thế đặc thù nên thánh và rao giảng Tin Mừng. Ở đó, Linh mục phải được giúp đỡ để lướt thắng những giới hạn và yếu đuối đi liền với bản tính con người, điều được đặc biệt cảm nhận ngày nay…(số 27).
Linh mục còn có trách nhiệm sống tình hiệp thông với giáo dân, với mọi người trong tinh thần phục thiện và đối thoại. Một Linh mục biết đối thoại với người khác là ngài đã bắt đầu loan báo và làm chứng về Tin Mừng. Người đối thoại tiên vàn phải là người cởi mở, nhờ đó giúp chúng ta lắng nghe người khác và đón nhận ý kiến của họ. Cởi mở giúp chúng ta đón nhận những gì phong phú của tha nhân, từ thế giới. Nhờ đó, con người chúng ta sẽ phong phú, thế giới của chúng ta sẽ tốt đẹp. Đối thoại cũng đòi hỏi sự khiêm tốn. Khiêm tốn để thấy mình không phải là tất cả, nhưng còn nhiều giới hạn và khiếm khuyết.
-Linh mục nên thánh nhờ dấn thân hoạt động tông đồ: “Như thế, nhờ thi hành những nhiệm vụ của Chúa Chiên nhân nhân lành, và trong chính khi thực thi bác ái mục vụ, các ngài tìm thấy mối giây hoàn thiện của Linh mục ràng buộc đời sống và hạot động của mình làm một” (SL về chức vụ và đời sống Linh mục số 14). Khi thi hành đức ái mục tử, Linh mục không chỉ CHO, mà còn LÃNH NHẬN rất nhiều. Đức ái mục tử là nguyên lý nội tại của đới sống thiêng liêng. Tông huấn Pastores Dabo vobis nhắn nhủ chúng ta: “Nguyên lý nội tại, nhân đức thôi thúc và hướng dẫn đời sống thiêng liêng của Linh mục, xét như đã nên đồng hình đồng dạng vứi Đức Giêsu Kitô là Đầu và Mục Tử, chính là đức ái mục tử…” (PDV số 23). Trong xã hội Việtnam cũng như ở một số nước Au Mỹ hôm nay, Linh mục bị cám dỗ trở thành công chức. Công việc của ngài chỉ đơn thuần như một thứ dịch vụ. Cuộc sống của họ trở nên tẻ nhạt. “Quan niệm hiệp hòi này về căn tính và thừa tác vụ Linhmục có nguy cơ đưa cuộc sống Linh mục vào một sự trống rỗng thường được bù trừ bằng những lối sống không phù hợp với thừa tác vụ của mình” (Chỉ Nam Linh mục, số 44). Hơn bao giờ hết, Linh mục cần phải noi gương đức ái mục tử của Đức Giêsu. Chính khi thi hành đức ái mà chúng ta được nên thánh. Nhờ đó đời sống thiêng liêng của chúng ta trở nên phong phú hơn. Khi nhiệt thành phục vụ, chúng ta thấy đời mình có ý nghĩa với tha nhân. Niềm vui của đời dâng hiến được tìm thấy ngay chính nơi niềm vui của những người mà chúng ta phục vụ. Nhờ những cố gắng mục vụ, Linh mục đồng hóa đời mình với đức ái của Đức Kitô, mỗi ngày nên giống Người hơn.
-Linh mục nên thánh nhờ yêu mến Bí Tích Thánh Thể. Thư Mục Vụ của HĐGM Việtnam năm 2004, khi mời gọi mọi người yêu mến và tôn sùng Thánh Thể, có ngỏ lời với các Linh mục: “Là những người quản lý các màu nhiệm Thánh, các Linh mục phải nên chứng tá đặc biệt về đức tin, lòng sùng kính và yêu mến đối với Mầu nhiệm cực trọng này.Điều đó phải biểu lộ rỗ nét khi các ngài cử hành Thánh lễ, cầu nguyện trước Thánh Thể và đem Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân” (số 11). Để đời sống Linh mục không bị trở thành công chức, điều cần thiết là Linh mục phải sống màu nhiệm Thánh Thể. Chính từ nơi Thánh Thể mà chúng ta cảm nghiệm sự phong phú của đời tu, sống vì mọi người, qua sự hy sinh tận hiến. Đức Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp Giáo Hội từ Bí Tích Thánh Thể như sau: “Nếu Thánh Thể là trung tâm và chóp đỉnh của đời sống Giáo Hội, nó cũng là như thế đối với tác vụ Linh mục. Vì vậy, khi tạ ơn Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tôi muốn lặp lại rằng Thánh Thể là lẽ sống chính yếu và trung tâm của Bí Tích truyền chức được khai sinh thực sự ngay từ lúc thiết lập Thánh Thể và cùng với Thánh Thể” (số 31).
Mới đây nhất, ngày 8-12-2007, Bộ Giáo Sĩ đã ra một văn kiện kêu gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới hãy nỗ lực hơn nữa để cầu nguyện cho sự canh tân đời sống thiêng liêng của các Linh mục. Hoạt động thiêng liêng được nhấn mạnh là việc chầu Thánh Thể “để sửa chữa những lỗi lầm và thánh hóa các Linh mục”. Thánh Bộ cũng nhắc nhở các Giám mục hãy cổ võ lòng yêu mến Thánh Thể trong Giáo phận của mình.
Câu truyện về Đức Mahatma Gandhi: một người mẹ đến gặp ông để xin lời khuyên về việc dạy dỗ một đứa con ngang bướng. Ngài hẹn một tháng sau. Đúng hẹn,người mẹ trở lại. Ông Gandhi trả lời: nó ăn quá nhiều đường. Đừng để nó ăn đường nữa thì nó sẽ yên !” Nguời mẹ hỏi: “đơn giản vậy sao ngài không nói ngay, mà bắt tôi lặn lội đường xa lui tới?”, Ông đáp: “vì lúc đó tôi cũng đang ăn đường!”
Để kết luận, xin được trích dẫn lời Cha Chevrier. Ngài nói:
-xin hãy giúp tôi xây dựng một ngôi thánh đường. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cứu được thế giới.
Người ta ngạc nhiên hỏi::
-Ngôi thánh đường nào vậy?
Ngài nói tiếp:
-Tôi muốn làm hết sức để xây một ngôi thánh đường mà nền móng là những linh mục thánh thiện, các cột đỡ cũng là những Linh mục thánh thiện, nhà tạm cũng là những Linh mục thánh thiện, tòa giảng cũng là những Linh mục thánh thiện và bàn thờ cũng là những Linh mục thánh thiện. Chỉ có ngôi thánh đường này mới cần thiết cho mọi người, ở mọi nơi và trong mọi lúc.
+GM. Giuse Vũ Văn Thiên