PDA

View Full Version : C - Chúa đồng hành với người tội lỗi



Dan Lee
01-12-2008, 02:46 PM
Lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa

Chúa đồng hành với người tội lỗi

Dường như Chúa Giê-su có duyên nợ với người tội lỗi từ đầu đến cuối. Từ ngày khởi đầu cuộc đời công khai cho đến lúc nhắm mắt tắt hơi trên thập giá, lúc nào Chúa Giê-su cũng đồng hành, cùng hoà mình với người tội lỗi. Thế nên chẳng lạ gì người đương thời gọi Ngài là “bạn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi” (Matthêu 11, 19)

Sau quãng thời gian ẩn dật lâu dài tại Na-da-rét, Chúa Giê-su lên đường thi hành sứ vụ. Việc đầu tiên Chúa Giê-su thực hiện trong giai đoạn quan trọng nầy là đến bên bờ sông Gio-đan, trà trộn giữa những người thu thuế, những tay cướp của giết người, những người đàng điếm, những tên côn đồ và với bao nhiêu người tội lỗi khác để nối gót dòng người tội lỗi, bước xuống lòng sông Gio-đan, chịu dìm mình trong nước và nhờ Gioan làm phép rửa cho mình như thể Ngài là người lắm tội.

Đến khi tuyển chọn tông đồ, thiếu gì người có quá khứ tốt lành đức hạnh, thế mà Chúa Giê-su lại chọn Lê-vi, một người thu thuế tội lỗi làm môn đệ của mình.

Trong số những phụ nữ tháp tùng Chúa Giê-su và đoàn môn đệ “cùng rảo qua các thành phố, làng mạc để rao giảng Tin Mừng, lại có cả Chị Maria Mađalêna, người đã được Chúa Giê-su cứu chữa cho thoát đến những bảy quỷ (!) và một số phụ nữ khác” (Luca 8, 1-3). Chúa đón nhận những chị em nầy như những người bạn đồng hành trên chặng đường thi hành sứ vụ.

Có lần ngồi dự tiệc trong nhà ông Si-môn biệt phái, Chúa Giê-su để cho một phụ nữ đầy tai tiếng quỳ khóc dưới chân, lấy nước mắt tưới ướt chân Ngài, lại lấy tóc thay khăn lau chân, xức cả dầu thơm sang quý lên đôi bàn chân và thậm chí không ngớt hôn chân Ngài. (Luca 7, 36-50)

Chúa Giê-su còn tỏ ra thân thiện với cả Trưởng Ty thuế vụ thành Giê-ri-cô là Da-kêu và không ngần ngại đến trọ tại nhà con người tội lỗi khét tiếng nầy (Luca 19, 1-10)

Thái độ thân thiện, gần gũi và cởi mở của Chúa Giê-su đối với người tội lỗi khiến “họ năng lui tới với Ngài, nên những người biệt phái và kinh sư xầm xì với nhau: “Ông nầy hay đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Luca 15, 1-3), hoặc người ta còn quy kết nặng nề hơn: “Đây là tay ăn nhậu, bàn bè của quân thu thuế và phường tội lỗi” (Matthêu 11, 19) và thậm chí, người ta còn xem Ngài là kẻ bất lương: “Nếu ông nầy chẳng làm điều ác, thì chúng tôi đã không nộp cho quan”. (Gioan 18,30)

Cuối cùng, trong cuộc khổ nạn, Chúa Giê-su lại trở thành người bạn đồng hành với hai tên tử tội, cùng vác thập giá với họ trên cùng một chặng đường, cùng chịu đóng đinh với họ chung một giờ trên đồi Can-vê và cùng chia sẻ với hai tội nhân ấy cái chết vô cùng thảm khốc trên thập giá.

Tất cả những sự kiện đó chứng tỏ tình thương bao la và sâu thẳm Chúa Giê-su dành cho hết mọi người, kể cả những người tội lỗi là hạng người bị dân Do-Thái ghét bỏ, lên án và loại trừ.

Phải nói rằng tình thương của Ngài dành cho người tội lỗi trọn vẹn đến nỗi Ngài đã “yêu thương họ cho đến cùng”, chẳng khác gì đã yêu thương các môn đệ thân tín (Gioan 13, 1). Vì thế, trước khi nhắm mắt tắt hơi, Ngài vẫn xót thương họ – kể cả những kẻ lăng nhục, kết án, hành hạ và đóng đinh Ngài - nên đã khẩn thiết nài xin Chúa Cha tha thứ những lỗi lầm của họ. (Luca 23, 34).

Lạy Chúa Giê-su là Đấng cao cả thánh thiện vô cùng,

Chúa đã hoá thân làm người và mang lấy tội lỗi thế gian. Chúa đã đồng hành với người tội lỗi, đã sống chan hoà với họ và dùng tình thương, sự quý trọng để cảm hoá những tâm hồn đáng thương đó.

Xin cho con đừng bao giờ quên rằng mình cũng là một người tội lỗi cần được hoán cải và đón nhận lòng xót thương của Chúa.

Xin cho con đừng đặt mình vào vị thế người công chính, đứng lên nơi cao cách biệt các tội nhân mà lên án anh chị em sa ngã lỗi lầm.

Xin cho con trở thành một bàn tay nối dài của Chúa, biết vươn ra để nắm lấy những bàn tay của những người sa ngã đang cần cứu vớt đỡ nâng.

LM Inhaxiô Trần Ngà