PDA

View Full Version : DĐ - ĐỒ TỂ DUYỆT KHÔNG NHẬN THƯỞNG



Dan Lee
01-13-2008, 01:53 AM
ĐỒ TỂ DUYỆT KHÔNG NHẬN THƯỞNG

http://vietcatholic.net/pics/Moon-02.gif

Có một đồ tể giết dê, người ta gọi là Đồ Tể Duyệt. Khi Sở Chiêu vương bị bức phải lưu vong đến quốc gia khác, thì ông ta cùng đi với Sở Chiêu vương, về sau Sở Chiêu vương trở về nước Sở làm vua, bèn muốn thưởng cho những người trung tín đã đi theo ông ta, Đồ Tể Duyệt cũng có tên trong số ấy.

Nhưng Đồ Tể Duyệt cự tuyệt, ông ta nói: “Đại vương mất đi quốc thổ, tôi mất đi công việc giết dê; đại vương về nước nắm quyền, tôi cũng trở lại với nghề giết dê, chức vụ của tôi đã được khôi phục, thì có gì mà được thưởng chứ.” Triệu vương muốn sứ giả gò ép ông ta nhận, Đồ Tể Duyệt trả lời: “Đại vương mất lãnh thổ quốc gia không phải lỗi tại tôi, tôi không đáng bị phạt. Đại vương được lại quốc thổ không phải công lao của tôi, cho nên tôi cũng không nhận khen thưởng.”

Thế là, Chiêu vương muốn sứ giả triệu ông ta về tiếp kiến, Đồ Tể Duyệt cự tuyệt nói: “Pháp lệnh của nước Sở quy định, chỉ có trọng thưởng người tài lập đại công mới lên triều đình tiếp kiến, mà tôi thì vô tài vô dũng, hồi đó vì sợ địch quân mới bỏ gia đình cố hương mà chạy, chứ không có tâm để đi theo đại vương, nên thật ra không có tư cách để yết kiến đại vương.”

Chiêu vương rất thích cách đối xử của ông ta, nên muốn mời ông ta ra làm quan, nhưng Đồ Tể Duyệt nói: “Tôi biết làm quan thì tôn quý hơn đồ tể nhiều, bổng lộc so với đồ tể thì cũng thu vào nhiều hơn, nhưng tôi lại không dám tham lam, tôi vẫn muốn trở lại chợ để làm đồ tể thì tốt hơn nhiều.”

(Trang tử: Nhường vương)

Suy tư:

Chiêu vương rất thích cách đối xử của Đồ Tể Duyệt, mặc dù ông đồ tể giết dê ba lần không nghe lời của Chiêu vương để nhận thưởng và làm quan.

Thông thường cái tính tự ái thường nhiều hay ít, lớn hay nhỏ đều tùy thuộc vào chức vụ và đạo đức của người ấy, làm vua thì tự ái sẽ lớn cao như núi, làm quan thì tự ái sẽ như các ngọn đồi. Chính những tự ái này của các ông vua và các ông quan vô đạo đức đã làm khổ không biết bao nhiêu là bá tánh: có người bị bắt bỏ tù vì tự ái của ông quan, có người bị chém đầu vì tự ái của ông vua, lại có người tha phương cầu thực vì đất đai hương hỏa của tổ tiên để lại đã bị quan địa phương chiếm đoạt làm của riêng mình...

Người Ki-tô hữu luôn biết rằng: “càng cao danh vọng càng nhiều gian nan”, cho nên họ luôn nhớ cầu nguyện co các chủ chăn của mình luôn sống khiêm tốn, thánh thiện và yêu thương, không để tự ái mù quáng lãnh đạo cộng đoàn, bởi vì một khi đã để tự ái lãnh đạo, thì cũng có nghĩa là họ đang đem sói rừng thả giữa bầy chiên của mình: cấu xé nhau vì quyền lợi, phân hóa cộng đoàn mất đoàn kết...

Lời dạy của Chúa Giê-su vẫn còn đây: “Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên...”(Ga 10, 11)

Cầu nguyện cho các vị mục từ của mình, cũng như cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo quốc gia là bổn phận của mỗi người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.