PDA

View Full Version : Y - Ý kiến của Giám Mục Thái Bình về việc giải quyết đất đai Tòa TGM Hà Nội



Dan Lee
01-13-2008, 08:06 PM
Ý kiến của Giám Mục Thái Bình về việc giải quyết đất đai Tòa TGM Hà Nội

VIỆC ĐẤT ĐAI TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
VÀ VIỄN TƯỢNG VIỆT NAM ĐẶT NGOẠI GIAO VỚI TÒA THÁNH

http://vietcatholic.net/pics/80112DCSang.JPG

Trong bài Hồi ức mới đây, tôi đã trình bày một số lý do về pháp lý cũng như tình cảm, cần phải để cho Tòa Giám Mục Hà Nội sở hữu khu đất của Tòa Khâm Sứ cũ. Tôi cố ý tránh những danh từ gây tranh cãi: “xin lại”, “trả lại”, “hoàn lại”, “cấp phát” v.v.. thay bằng danh từ “sở hữu”.

Thế nhưng, có một số vị, có thể có thiện chí đã lý luận rằng: “Đất của vị Khâm sứ đại diện cho Tòa Thánh cũ, đợi bao giờ Việt Nam thu xếp xong vấn đề ngoại giao với Tòa Thánh, lúc đó sẽ đặt vấn đề về pháp lý và ngoại giao; việc gì phải đấu tranh, cầu nguyện để xin sở hữu”.

Kèm theo luận điệu này là tin đồn (có lẽ xuất phát từ ý kiến đề nghị của chính Thủ Tướng) có thể giải quyết theo hướng: “Đất của Vatican cứ đợi bao giờ có quan hệ ngoại giao sẽ xem xét cấp phát, trong khi chờ đợi, tạm giao cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội quản lý xử dụng”. Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã phát biểu một câu rất hay rằng: “Đất của Tòa Tổng Giám Mục chứ không có liên hệ gì đến Tây đến Tầu nào cả”.

Sau đây tôi muốn làm rõ ý kiến đó một cách vắn tắt:

Đất bên Tòa Khâm Sứ cũ là thuộc đất của Tòa Tổng Giám Mục sở hữu đã lâu đời, ít ra từ thời Đức cha Phước, nghĩa là từ khoảng năm 1883 (liên hệ đến biến cố xây dựng Nhà thờ lớn Hà Nội). Từ đó đến nay, Tòa Giám Mục vẫn sở hữu và xử dụng. Trước đây có thể lấy tên các cha Thừa Sai cho tiện quản lý và dễ dàng trong thời kỳ Pháp thuộc. Song không ai coi các khu đất này là của các Cố Tây (các cố, các cụ v.v.. đều là thành phần của giáo phận Hà Nội, cùng thuộc về một Hội Thánh Roma). Lại nữa, như lần trước đã nói: Từ năm 1960, qua việc thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam, Tòa Thánh đã chính thức trao Giáo Hội Việt Nam cho người Việt. Các Tòa Giám Mục không còn gọi là Tòa Đại điện Tông Tòa, mà là Tòa Giám Mục Chính Tòa. Ví dụ: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình v.v.. Các Giám mục có toàn quyền theo giáo luật về các đất đai, cơ sở tài sản trong giáo phận, trừ những gì liên quan tới các dòng tu trực thuộc Tòa Thánh.

Đối với đất Tòa Khâm Sứ cũ càng rõ rệt hơn. Trước khi Đức Khâm Sứ thiết lập trụ sở, đất đó vẫn là sở hữu của Tòa Giám Mục. Không ai đã “cấp đất” cho Tòa Khâm Sứ để nói là “của Tây”. Trong thời gian Đức Khâm sứ ở đó, ngài đã rất tế nhị; mỗi khi muốn thay đổi, xây dựng hay sửa chữa nơi nào trong khu nhà đó, ngài đều bàn hỏi với các cha quản lý Nhà chung Hà Nội. Và khi rời khỏi Việt Nam, ngài đã viết thư cám ơn Tòa Giám Mục đã cho ngài mượn nhà làm nơi cư ngụ và làm việc.

Đằng khác, không có văn bản nào của chính quyền Việt Nam cấp đất ấy cho Tòa Khâm Sứ để gọi là “của Tây” cả; đơn giản là vì lúc đó (thời điểm năm 1950) chính quyền Việt Nam chưa có mặt ở Hà Nội; còn chính quyền Pháp không đặt vấn đề nội bộ của Giáo Hội Rôma. Sau khi Đức Khâm sứ rời khỏi Hà Nội, đất đó vẫn thuộc sở hữu của Tòa Giám Mục Hà Nội và trên thực tế, chính quyền Việt Nam vẫn để cho Tòa Giám Mục xử dụng phần đất của Tòa Khâm Sứ hàng chục năm trời. Sau đó, không biết vì lý do gì, chính quyền đã phải dùng tới phương thế hạ sách (có thể là nghe theo lời tư vấn của một vài vị “quân sư quạt mo” nào đó) để “đai” lại đất của Tòa Giám Mục rồi cấp lại cho các công ty làm kinh tế như hiện nay. Vì những lý do kể trên, chúng ta phải khẳng định một điều rằng: Việc lập lại quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh và Việc đất cát của Tòa Giám Mục Hà Nội là hai việc khác nhau hoàn toàn.

Vậy nên sau này, khi quan hệ ngoại giao giữa hai bên được thiết lập, Tòa Khâm Sứ muốn đặt ở đâu là do Chính phủ và Tòa Thánh cùng quyết định. Tòa Giám Mục Hà Nội có thể đồng ý hoặc không nhất trí việc Tòa Thánh đặt trụ sở ở đây. Ngay cả trụ sở của Hội Đồng Giám Mục, các giám mục chúng tôi cũng không muốn giam mình vào khu đất chật chội này. Nên đã từ lâu, chúng tôi mong muốn xây dựng một tòa nhà xứng đáng hơn để có điều kiện làm việc.

Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội còn nhiều việc phải làm, nhất là trong thời đại văn minh tiến bộ, đất nước càng ngày càng mở ra, Giáo Hội Việt Nam nói chung, Tòa Tổng Giám Mục nói riêng cũng đóng góp vào bộ mặt tươi đẹp của đất nước và thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tôi xin nói nhỏ với mọi người câu nói bất hủ của Đức Hồng y Giuse M. Trịnh Văn Căn trong lúc đi bách bộ cùng tôi, ngài đã chỉ vào Tòa Khâm Sứ cũ mà nói: “Sau này, có thiết lập ngoại giao với Tòa Thánh, cũng không nên để Tòa Khâm Sứ ở liền mảnh đất này. Hai cơ quan đầu não: Tòa Khâm Sứ ở cạnh Tòa Hồng Y không hay lắm, bởi vì còn những mối quan hệ, rồi khách khứa, tin tức v.v lôi thôi, lôi thôi lắm” . Tôi có đem chuyện này nói với một vị lãnh đạo. Vị đó khen rằng: “Thế mới biết đầu óc của Cụ Hồng y Căn rất sâu rộng, bao quát mọi vấn đề” .

Việc trả lại quyền sở hữu đất cho Tòa Giám Mục Hà Nội là một việc làm cần thiết và cấp bách, nhất là trong dịp xuân Mậu Tý sắp tới. Thiết nghĩ, không cần phải đợi tới khi Nhà Nước ta thiết lập ngoại giao với Tòa Thánh hoàn tất mới giải quyết.

Chúng tôi thông cảm với quý vị chính quyền, bởi nhất là trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đất đai ở Việt Nam ngày càng trở nên phức tạp và tế nhị. Về việc này, không phải chỉ riêng Việt Nam chúng ta, mà còn ở nhiều nơi khác trên thế giới, nhất là ở những đất quốc gia trước đây thuộc hệ thống các nước XHCN như: Liên-xô, Ba-lan, Cộng hòa Séc v.v… phải lập ra những Ủy Ban gồm các phía để dễ bề giải quyết mà vẫn chưa xong. Nay ở Việt Nam, những đất cát dính dáng tới tôn giáo cũng phức tạp và tế nhị không kém. Cách đây 6 năm, khi còn là Chủ tịch UB Giáo dân của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong một phiên họp, tôi đã đề nghị với Ban Tôn Giáo (mà đại diện là ông Nguyễn Đăng Doanh, lúc đó đang là phó trưởng Ban Tôn Giáo của Chính phủ) lập một Ủy Ban liên ngành, trong đó có các tôn giáo, nhất là Công giáo, để cùng xem xét vấn đề vốn rất nhạy cảm này. Đừng để cho các bên liên hệ làm đơn từ các địa phương, rồi chính quyền cứ “ngâm cứu” hàng chục năm không trả lời, không giải quyết, khiến nhân dân khiếu kiện, làm mất an ninh trật tự”... Thế nhưng, những đề nghị đó Ban Tôn giáo cũng chẳng xem sao.

Gần đây nhất, trong một buổi họp có mặt của quý vị đại diện cho Ban Tôn giáo (bây giờ ông Nguyễn Đăng Doanh là Trưởng Ban) và một vị phó Chủ Tịch UBND Thành phố (lần đầu tiên, một vị trong chính quyền có mặt, chắc là để tìm hiểu những tâm tư nguyện vọng của dân để có hướng giải quyết !?), tôi cũng lặp lại đề nghị đó và còn bức xúc nói một vài câu thô thiển rằng: “Vấn đề Việt Nam được vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, ngay cả vấn đề đang tiến tới việc thiết lập ngoại giao với Tòa Thánh hay việc ông này, vị kia làm Khâm sứ, đại sứ v.v…. những người tín hữu nông dân chúng tôi ở nơi đồng chua nước mặn như Thái Bình, có lẽ vì dốt nát chăng, nhưng cảm thấy ít liên quan tới đời sống cụ thể của chúng tôi như đang mất nhà thờ, mất nhà xứ, mất nhà thương, mất trường học v.v… Và đã mấy chục năm nay chưa được “Ta” giải quyết thì trông gì đến mấy ông Sứ thần Tây, hay Khâm Sứ ngoại quốc” . Các Đức Giám mục có mặt lúc đó đã tỏ ra thông cảm và ủng hộ tôi bằng những tràng pháo tay rầm rầm.

Nhân danh một người Việt Nam yêu mến đất nước và tôn trọng luật pháp, trật tự an ninh của quốc gia, tôi cảm thấy đau lòng khi chứng kiến các vụ xin đất, đòi nhà, càng ngày càng “nở rộ”. Các vụ kiện tụng về đất đai đang tạo thành một làn sóng mạnh mẽ, diễn ra ở khắp nơi, mặc dù không ai muốn. Tôi có chảy nước mắt thực sự, chứ không phải “nước mắt cá sấu” .

Mùa xuân Mậu Tý đang đến gần. Nhà nhà, người người, đang nô nức chào đón xuân sang. Thủ đô Hà Nội của chúng ta hôm nay cũng đang bước vào những ngày chuẩn bị cuối cùng, để mừng kỷ niệm 1000 Thăng Long – Hà Nội. Mong rằng việc để lại cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội sở hữu các đất đai của mình, cụ thể là Tòa Khâm Sứ cũ và các nơi khác đang có vấn đề như Thái Hà, Hà Đông, Hải Phòng, Thái Bình v.v… sẽ mở đầu một Mùa Xuân mới trong An vui, Hạnh phúc, không chỉ cho người Công giáo Việt Nam mà còn cho tất cả những ai là con cháu Tiên Rồng.

Thái Bình 12/1/2008
+ FX. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang