PDA

View Full Version : 2007 - một năm trầm của nhạc Việt



delta
01-15-2008, 04:47 PM
2007 - một năm trầm của nhạc Việt

Không một chương trình, tên tuổi, bài hát nào nổi bật, các giải thưởng cũng dần mất đi ý nghĩa so với tiêu chí đặt ra ban đầu. Sự "đóng băng" của nhạc Việt năm qua làm buồn lòng những ai quan tâm và đặt ra nhiều thách thức cho năm 2008.

Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, không phải đến năm nay mà sự "đóng băng" đó đã khởi nguồn cách đây 7 năm. "Không có nổi một thế hệ ngôi sao mới thì đủ biết V-pop đáng chán đến mức nào. Những triển vọng này nọ chỉ là ảo, một hình thức nói cho vui, như cách tự động viên mình. Thực chất, rõ ràng không tìm ra gương mặt thực tài", anh nói.


http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/phuongvy1.jpg
Năm 2008, Vietnam Idol Phương Vy sẽ phát hành album đầu tay.

Tiêu biểu, sức nóng của một số tên tuổi từng thu hút đông đảo khán giả bình chọn trong các cuộc thi lớn như Phương Vy, Thảo Trang, Hải Yến (Vietnam Idol), Hạ Trâm, Thu Hường (Ngôi sao Tiếng hát Truyền hình), nguội dần ngay từ khi cuộc thi chấm dứt. Họ cũng chưa trình làng một sản phẩm hay hoạt động nào để thể hiện mình.

Thậm chí, việc xuất hiện của Phương Vy ở cuộc thi tầm cỡ khu vực Asian Idol, cũng chỉ thể hiện được nét duyên dáng, nữ tính của cô. Nhiều khán giả tự hỏi có thể hy vọng bao nhiêu phần trăm vào một sức bật trong số các gương mặt mới này? "Vấn đề là người được giải sẽ làm gì, làm thế nào để phát triển, hay lại ôm mớ giải thưởng mà nuôi ảo tưởng mỗi ngày một lớn, rồi tắt ngúm khi chưa kịp làm gì", nhạc sĩ Quốc Bảo nói.

Còn nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nhận định: "Nhiều năm qua, chúng ta cứ quẩn quanh tự hỏi và tự trả lời khi nào tình hình âm nhạc mới tươi sáng. Nhưng đến khi bước chân ra khu vực, chỉ cần đối mặt với một sân chơi không quá lớn như Asian Idol thì chúng ta mới vỡ lẽ...". Theo anh, còn nhiều việc mà bất cứ những ai tâm huyết với nhạc Việt phải quan tâm hơn là cứ ảo tưởng về những giá trị có sẵn. Anh nói: "Sẽ không khó để có một tương lai tốt đẹp, nếu chúng ta biết bớt đi những tuyên ngôn, đơn giản như việc bỏ một cọng rác vào thùng".

Ảo tưởng đó được nhạc sĩ Dương Thụ nhìn nhận theo một chiều hướng khác: "Giới trẻ Việt Nam thông minh, nhanh nhạy và giỏi kỹ thuật. Thế nhưng, việc thiếu đi sức sáng tạo khiến họ trở nên vô cảm". Nhạc sĩ cũng cho biết sức sáng tạo không tự nhiên mà có. Nó phải sản sinh từ nền tảng văn hóa vững chắc và một nội tâm không trống rỗng. Người làm nghệ thuật, nhất là nhạc sĩ, phải biết nuôi dưỡng nội tâm của mình, phải đủ trải nghiệm để có được những cảm xúc từ đời sống và đưa vào ca khúc.

Năm 2007 rộn ràng nhiều liveshow nhưng không một chương trình nào nổi bật. Tuy Vì ta cần nhau (Hồng Nhung - Quang Dũng) được VTV3 chọn là một trong những sự kiện văn hóa của năm, Lam xưa (Thanh Lam) được đánh giá cao và bán hết vé ở cả Hà Nội và TP HCM, nhưng thực chất đó chỉ là sự xuất hiện cần thiết để khán giả ghi nhớ tên mình.

"Nếu xét trên mặt bằng chung trong năm nay thì có thể xem Vì ta cần nhau và Lam xưa là hai chương trình tốt. Nhưng bản thân Hồng Nhung và Thanh Lam từng làm được liveshow tốt nhiều hơn thế", nhạc sĩ Dương Thụ nói. Theo nhạc sĩ, hầu hết các liveshow ca nhạc trong năm rồi đều dừng lại ở mức bình thường, chưa thấy một sự nổi trội nào mang lại hiệu quả như Mỹ Linh Tour của năm 2006.


http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/lansongxanh2.jpg
Các giải thưởng mất dần uy tín.

Góp một phần không nhỏ trong không khí rộn ràng đó là các liveshow của nhiều tên tuổi hải ngoại. Tuy nhiên, những đêm nhạc của các tên tuổi như Khánh Hà, Lệ Thu, Đức Huy... không tránh khỏi tình trạng vắng khách. Dù vẫn được chào đón nồng nhiệt bởi khán giả quê nhà, nhưng gần nửa số ghế còn trống trong đêm Nối vòng Việt Nam của Khánh Hà ở Hà Nội hay Và con tim đã vui trở lại của Đức Huy tại TP HCM, cho thấy sự thờ ơ của khán giả.

Giải thích về vấn đề này, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng đó là do sự yếu kém ở mọi khâu, từ ý tưởng đến biên tập nội dung và thiết kế sân khấu của các đêm nhạc. Nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày một cao mà ý tưởng đầu tư thì lại nhạt dần. Nhiều đạo diễn được đánh giá cao như Phạm Hoàng Nam, Huỳnh Phúc Điền... cũng có vẻ cạn nguồn cảm hứng, không đem lại cảm xúc tươi mới cho các chương trình thực hiện trong năm. Chính điều này tạo ra cảm giác như có "sự thụt lùi" của tình hình âm nhạc Việt Nam trong năm 2007.

Các ca sĩ đàn anh, đàn chị cũng xuất hiện khá chừng mực trong năm qua và chưa tạo nên bước đột phá đáng kể. "Cô nàng chuông gió" Thu Minh, một hiện tượng của sân chơi Bài hát Việt 2006, lại tiếp tục để chuông ngân suốt năm 2007 mà không có thêm ca khúc nào ấn tượng khác. Album tổng hợp những khúc ballad ngọt ngào mà cô đề cập từ rất lâu vẫn là lời hứa dành cho fan.

Một số tên tuổi khác lại "bỏ quên" âm nhạc để xuất hiện với công chúng bằng một hình thức khác. Mỹ Tâm ra nhãn hiệu nước hoa mang tên mình, Đan Trường ồn ào nhất trong năm với vai trò đại sứ du lịch Hà Lan. Lời hứa của "mèo cả" Phương Uyên về việc kết hợp để xuất hiện trở lại thật ấn tượng của nhóm Ba Con Mèo vẫn còn bỏ ngỏ...

Các chương trình ca nhạc, trực tiếp hay phát lại xuất hiện đều đặn trên màn ảnh nhỏ, nhưng ý tưởng không gì mới lạ. "Chương trình nào cũng na ná như nhau, không nhận ra đâu là điểm đặc biệt và có đầu tư kỹ càng", anh Tấn Trung, giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM, nói. Nhiều khán giả truyền hình cũng cùng ý kiến với anh Trung.

Một số sân chơi âm nhạc có quy mô cũng không lôi kéo khán giả quan tâm nhiều như trước: Bài hát Việt 2007 chưa có được ca khúc ấn tượng và có sức lan tỏa mạnh mẽ như Chuông gió, Đám cưới chuột, Giấc mơ mang tên mình, Thềm nhà có hoa hồi năm 2006. Hay như chương trình Album Vàng, cơ cấu giải thưởng trao đều cho quá nhiều album cũng gây hoang mang cho khán giả vì không biết đâu mới là "vàng thật".


http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/mytam3.jpg
Hoạt động chính trong năm qua của Mỹ Tâm là ra mắt nhãn hiệu nước hoa MyTime.


Nhận xét về tình hình này, nhạc sĩ Quốc Bảo khá bi quan: "Tôi cho rằng phải chờ thêm vài năm nữa, mới mong nhạc Việt thoát ra khỏi tình trạng đóng băng đáng buồn này".

Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Dương Thụ thì tình hình không đến nỗi quá bi đát bởi vẫn còn những "con sóng ngầm" đang âm ỉ chảy, dự báo những hoạt động tích cực sắp tới.

Cụ thể, Bài hát Việt vẫn kéo dài đến năm thứ ba dù một số nghi ngờ về khả năng tồn tại của chương trình đến giờ vẫn còn. Quá trình hội nhập thế giới cũng bắt đầu có tín hiệu đáng mừng, như việc phát hành 3 album của Mỹ Linh ở thị trường Nhật Bản, hay kế hoạch tiếp tục hợp tác của Mỹ Tâm với êkíp Hàn Quốc sau thành công của album Vút bay. Mỹ Linh cũng hứa hẹn một liveshow hoành tráng để đánh dấu việc trở lại của chị ở thị trường trong nước...

"Những gì chưa hoặc không được ở năm cũ có thể hy vọng xuất hiện trong năm mới. Chúng ta không nên có cái nhìn quá ngắn mà hãy chú trọng tính lâu dài, biểu hiện qua quá trình chuẩn bị và sự đầu tư nghiêm túc. Chỉ cần phát triển theo hướng văn hóa cao, xác định đẳng cấp văn hóa mang tính quốc tế, thì ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một tương lai tươi sáng của nhạc Việt", nhạc sĩ Dương Thụ nói.

Nhiêu Huy
:idea: