PDA

View Full Version : L - Lại chuyện đất đai... Niềm vui chưa qua - Nỗi buồn đã tới!



Dan Lee
01-16-2008, 05:07 PM
LẠI CHUYỆN ĐẤT CỦA TÒA TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI
NIỀM VUI CHƯA QUA – NỖI BUỒN ĐÃ TỚI

http://vietcatholic.net/pics/80114DCSang.jpg

Theo tin “hành lang” tôi được biết: ngày 14/01/2008, Thủ Tướng chính phủ, ngài Nguyễn Tấn Dũng, đã cho mời Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn - Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) và Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt - Tổng Thư ký HĐGMVN tới Phủ thủ tướng để bàn về đất đai mà HĐGMVN đã xin sở hữu lại.

Ngài Thủ Tướng đã thông báo cho hai vị là Chính phủ sẵn sàng trao lại các đất của Tòa Khâm Sứ cũ, đất tại Thánh Địa La Vang và học viện Pio X Đà Lạt. Đồng thời, Thủ Tướng cũng yêu cầu HĐGM ra lệnh cho các nơi đang có đất tranh chấp phải ngừng các buổi cầu nguyện. Chính phủ hứa sẽ lập một Ủy ban gồm các bên hữu quan để cứu xét và mau chóng giải quyết các nơi tranh chấp.

Đứng trước những đề nghị trên, các vị Giám mục có mặt chắc đã hoan nghênh và cảm tạ thiện chí của Nhà nước, song không dám cam đoan ra lệnh cho các địa phương ngừng cầu nguyện. Thực ra, công việc này vượt quá thẩm quyền của HĐGMVN, bởi còn tùy thuộc vào quyết định của các Giám mục địa phương, nơi có những vấn đề về đất đai còn vướng mắc.

Nhân danh cá nhân, tôi rất tán thành ý kiến của hai vị, song cũng với tư cách cá nhân, tôi không ra lệnh hoặc yêu cầu, nhưng có quyền đề nghị và mong ước: lấy thiện chí mà đáp lại thiện chí, nhất là trong thời điểm cả nước đang chuẩn bị đón xuân Mậu Tý, để trong những ngày lễ tết thiêng liêng của Dân tộc, đồng bào được sống trong yên vui và hòa thuận.

Tôi mong ước:

Về phía chính quyền

• Nên rút các nhân viên an ninh (dưới mọi hình thức), để trả lại sự bình an cho các khu vực đang bị tranh chấp.

• Nên mở cổng khu Tòa Khâm Sứ cũ để người tín hữu có thể tự do đến cầu nguyện và bày tỏ lòng sùng kính trước tượng Đức Mẹ (nhất là dịp Đầu Xuân là lý do chính đáng). Thật là một hình ảnh không đẹp chút nào khi người giáo dân phải lấy lòng đường, vỉa hè làm nơi cầu nguyện. Cũng không nên dùng vũ lực để ngăn cản, vì trước sau mảnh đất này cũng được hoàn lại.

• Những khu vực đã được nhà nước hứa trao trả (mà nên nhanh chóng thực hiện) phải giữ nguyên hiện trạng, không được thay đổi, xây cất hoặc lấn chiếm.

• Tạo điều kiện cho những người có liên quan tới các buổi cầu nguyện có được cuộc sống bình thường như trước (như cho họ tạm trú, nghỉ trọ… ). Không nên tiếp tục điều tra, thẩm vấn hay có thái độ kỳ thị đối với những người này.

• Mau chóng thành lập các Ủy Ban để giải quyết các vụ tranh chấp đất đai Công giáo cho hợp tình hợp lý.

Về phía giáo hữu:

• Tạm thời chấm dứt các buổi cầu nguyện với các hình thức đang có. Đặc biệt, không để những hình thức cầu nguyện như thế này diễn ra trong những ngày Tết cổ truyền của Dân tộc. Như thế, cũng là cách chúng ta tạo điều kiện cho gia đình cũng như xã hội, cách riêng, cho những anh em cán bộ các cấp, cho các công nhân, xí nghiệp v.v… an tâm cùng với gia đình ăn Tết trong hòa bình và an vui, phù hợp với truyền thống của dân tộc Việt Nam.

• Trong khi đó, chúng ta hãy chuẩn bị các giấy tờ, hồ sơ, đơn từ về đất đai của địa phương mình đang có vấn đề chiếm dụng, sở hữu trái phép, để sẵn sàng nộp lên Ủy Ban thanh tra cứu xét một cách mau lẹ, hợp tình và hợp lý.

• Sau những ngày nghỉ Tết, các thủ tục sẽ được chúng ta tiến hành một cách phù hợp theo công bằng và bác ái.

Khi viết những dòng đề nghị này, bản thân tôi cũng như các vị lãnh đạo tôn giáo ở các giáo phận, giáo xứ, giáo họ khác đang có những vấn đề bức xúc về đất đai mà trong thời gian qua đã phải hy sinh rất nhiều, không khỏi cay đắng, phẫn uất trong lòng, Khi thấy chính quyền chỉ giải quyết những khu vực đất đai lớn lao do HĐGMVN yêu cầu, còn những địa phương mà những vấn đề đất đai, liên hệ đến sinh hoạt cuộc sống hàng ngày của chúng tôi lại không được, hay chưa được giải quyết… Song chúng tôi cũng sẵn sàng lấy thiện chí đáp lại thiện chí, ít ra trong những ngày Xuân, ngày Tết này. Hy vọng nhà nước sẽ mau chóng thực hiện các điều đã hứa hẹn.

Thực ra, (tôi có điều ân hận) nếu Ban Tôn Giáo, 6 năm về trước, lắng nghe ý kiến của Ủy Ban giáo dân chúng tôi để cứu xét vấn đề, thì biết đâu có thể tránh được những hậu quả không đáng có như ngày hôm nay? Nhưng dù sao thì như câu phương ngôn của Italia: “Megliore tardi que mai” “Muộn còn hơn không”.

Chẳng nói gì 6 năm trước, chỉ cách đây ít lâu thôi, nhân dịp Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng có thư yêu cầu hoàn lại khu đất Tòa Khâm Sứ cũ (thư có chữ ký của toàn thể các linh mục Tổng giáo phận Hà Nội), tôi được mời tới một cơ quan để tham khảo ý kiến. Tôi đã góp ý với quý cơ quan rằng: nên trả lại khu đất đó cho Tòa Giám Mục Hà Nội, để các vị xử dụng vào các mục đích nhân đạo (chứ không phải dành cho vị Khâm sứ nào đó trong tương lai). Tôi còn đề nghị chính quyền nên đặt biển cấm các xe cơ giới lưu thông trên tuyến phố Nhà Chung, vì khu vực này có nhiều các trường tiểu học, mẫu giáo và nhà trẻ. Tôi đã có dịp chứng kiến, mỗi khi tan trường, các em học sinh từ các trường tràn ra đường rất đông, trong khi đó, những phương tiện giao thông lưu thông một cách nhốn nháo, mất trật tự. Như thế, không những gây nguy hiểm cho bản thân các cháu nhỏ mà còn làm khó khăn cho các phụ huynh đến để đưa đón con em mình. Nếu khu vực Tòa Khâm Sứ cũ để cho Tòa Giám Mục xây một bệnh viện nhi đồng, tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe cho các mầm non của đất thủ đô thì tuyệt vời biết mấy. Và nếu làm được như vậy, khu vực này sẽ trở thành “Đất Thánh”, thành một môi trường lý tưởng cho các hoạt động của trẻ em, nhà chùa, tu viện, thánh đường, các họat động tôn giáo và bác ái … có phải hay hơn không?

Ít lâu sau, tôi được một vị cán bộ hồi đáp rằng: chúng tôi đã góp ý với lãnh đạo Quận và nhận được câu trả lời: “Đã trao phần đất đó cho các công ty đầu tư và có kế hoạch kinh tế lâu dài… Nếu trao trả cho Tòa Giám Mục, liệu chúng ta có đủ khả năng để đền bù cho các công trình đã xây dựng đó không?… Vậy nên, nếu có ý định trao trả thì nên tìm một mảnh đất khác mà cấp cho họ thì hơn!!!”

Và cho đến ngày nay, chúng tôi đã thấy rõ ý đồ kinh tế của họ. Như vậy, chính những vị “quân sư” nào đó sẽ phải chịu trách nhiệm đã gây ra tình trạng bất ổn, làm “nhọc lòng” chính quyền và xúc phạm tới tình cảm tôn giáo thiêng liêng của đồng bào công giáo thủ đô.

Những câu chuyện về đất đai chung quanh Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội quả thật, còn nhiều rắc rối, nhưng cũng nhiều chi tiết hấp dẫn mà tôi là người được biết nhiều. Trong những lần gặp gỡ, Đức Tổng Giám mục Hà Nội có nói với tôi rằng: "'Bố già' nên viết ra cho chúng con được biết. Sợ mai này bố 'về trời', không còn ai biết để viết cho chúng con được nữa”. Tôi còn hẹn để đó… khi nào về hưu chính thức sẽ quyết định.

Để kết luận, trước hết tôi thành thật xin lỗi các vị hữu quan cả về phía chính quyền và anh chị em giáo hữu, vì những dòng thực tâm này có thể không làm vui lòng các vị ở một vài lãnh vực. Tôi cũng xin chúc mừng và cảm tạ Đức Tổng Giám mục, các linh mục, nam nữ tu sĩ, anh chị em giáo dân thủ đô đã tích cực cầu nguyện, để qua các vị có trách nhiệm, Chúa sẽ ban cho chúng ta trong dịp Xuân này, một Ân Ban quý giá như tôi đã nói: “Lì Xì cho chúng ta quá lớn”.

Xin các vị tiếp cục cầu nguyên cho chúng tôi - những địa phương còn sống trong cay đắng và uất ức vì những khúc mắc về vấn đề đất đai chưa được giải quyết - sẽ chóng được Chúa an ủi, nâng đỡ, để đi tới thành công như lòng sở nguyện.

Viết xong những dòng kể trên, tôi mới được đọc văn thư số 273/UBND-VX đề ngày 11-01-2008 của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội gửi Đức Cha Chủ Tịch HĐGMVN và Đức Tổng Giám Mục Hà Nội. Lời lẽ trong thư đúng là mang tính “hành chính” - cứng cỏi, nặng về pháp lý hơn là tâm tình đối thoại. Nhất là, trong văn bản của quý vị đã có những sai lầm đáng tiếc. Ví dụ: “Ngài Tổng Giám Mục đã gửi thư không chỉ cho các giáo xứ thuộc giáo phận Hà Nội mà còn gửi tới các giáo phận khác kêu gọi các giáo sĩ và giáo dân tham gia vv…”. Tôi xin khẳng định: không nhận được lá thư nào của Đức Tổng Giám Mục có nội dung như vậy. Thứ đến, việc các tín hữu thủ đô tập trung cầu nguyện trước cổng sắt số nhà 42 (Tòa Khâm Sứ cũ) có phải là trái với Pháp Lệnh Tôn Giáo không? Tôi nghĩ Pháp Lệnh cho phép làm việc thờ phượng, đọc kinh cầu nguyện trong các nơi thờ tự, kể cả khuôn viên nhà thờ, nhà xứ, nơi các chức sắc cư ngụ. Đó là điều tất cả các xứ đạo trong cả nước đều thi hành.

Đất của Tòa Khâm Sứ cũ (số 42) thuộc khuôn viên Tòa Giám Mục vốn là mảnh đất liền một giải, và giáo dân đã tới cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ dưới gốc cây đa từ hàng trăm năm nay (Hang đá Đức Mẹ lập ra để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu chúng ta ra khỏi giặc Cờ Đen: chúng đã đại bại ngay ở chốn này). Trong suốt nhiều năm, giáo dân vẫn đến để cầu nguyện như vậy (ngay cả dưới thời kỳ của chính quyền Việt Nam) cho tới năm 1960 khu đất mới bị “đai lại” và được trao cho các cơ quan, công ty mà nay mới nghe thấy tên tuổi (còn các phòng văn hóa giáo dục thì mới gắn bảng sau lễ Giáng sinh 2007!).

Xuất phát từ chỗ coi mảnh đất 42 Nhà Chung (sic) là đất thuộc về Tòa Giám Mục và là nơi đã từng diễn ra các hoạt động tôn giáo nên các tín hữu thủ đô mới đến cầu nguyện, và vì đã bị ngăn cản (đóng cổng, canh giữ ngặt nghèo) nên họ mới đứng ngoài hàng rào mà cầu nguyện vọng vào, mặc dù không ai muốn như vậy. Hành vi đó của họ đã dẫn tới việc “vi phạm Pháp Lệnh Tôn Giáo” như văn thư đã nói tới. Thiết nghĩ, nếu cánh cổng của Tòa Khâm Sứ cũ vẫn cứ rộng mở thì đâu đến nỗi đoàn người phải đứng bên ngoài cầu nguyện vọng vào như vậy; chắc chắn họ sẽ vào hết bên trong mà cầu nguyện trong trật tự và an bình.

Đọc xong văn thư của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội vừa ban hành, tôi do dự như muốn rút lại những đề nghị và ước mơ kể trên. Chợt lòng nặng trĩu đau thương mà bi quan rằng: Mùa Xuân năm nay… không chừng, giữa lòng thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến của chúng ta, nhiều người sẽ phải đón Tết trong đau thương và nước mắt ?!

Xin Chúa thương xót tất cả mọi người chúng con!

Thái Bình ngày 14/1/2008
+F.X. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang