PDA

View Full Version : C - Các năm cuối đời của thánh Agostino



Dan Lee
01-17-2008, 08:38 PM
Các năm cuối đời của thánh Agostino

Buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 16-1-2008

Sáng thứ tư 16-1-2008 đã có 8000 tín hữu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần với Đức Thánh Cha Biển Đức XVI trong đại thính đường Phaolo VI. Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục nói về cuộc đời thánh Giáo Phụ Agostino: việc chọn người kế vị, dành thời giờ để nghiên cứu Kinh Thánh, viết các khảo luận chống lại các bè phái lạc giáo và chuẩn bị đối diện với cái chết trong thinh lặng và cầu nguyện. Đức Thánh Cha nói:

Bốn năm trước khi qua đời, thánh Agostino đã muốn chỉ định người kế vị. Vì thế ngày 28 tháng 9 năm 426 người tụ tập dân chúng lại trong Vương Cung Thánh Đường Hòa Bình tại Ippona để giới thiệu với tín hữu vị đã được người chỉ định cho nhiệm vụ này. Thánh nhân nói: ”Trong cuộc đời này chúng ta tất cả đều phải chết, nhưng ngày cuối cùng của cuộc sống là điều không chắc chắn đối với tất cả. Dầu vậy trong tuổi thơ người ta hy vọng đạt tới tuổi trẻ; trong tuổi trẻ người ta hy vọng đạt tuổi thanh niên; trong tuổi thanh niên người ta hy vọng đạt tuổi trưởng thành; trong tuổi trưởng thành người ta hy vọng đạt tuổi già. Không chắc có đạt được nó không, nhưng người ta hy vọng. Trái lại tuổi già không có thời gian nào khác đàng trước để có thể hy vọng; cả chuỗi ngày của nó cũng không chắc chắn... Do ý Chúa tôi đã tới thành phố này trong tuổi sung sức của đời mình; nhưng tuổi trẻ của tôi đã qua rồi, và giờ đây tôi đã già” (Ep 213,1). Đến đây thánh Agostino giới thiệu linh mục Eraclio như người kế vị mình. Cộng đoàn vỗ tay tán đồng và lập lại 23 lần ”Xin cám tạ Thiên Chúa! Xin chúc tụng Chúa Kitô!”. Cộng đoàn cũng tán đồng ý định của thánh Agostino muốn dành các năm cuối cùng của cuộc đời cho việc nghiên cứu Kinh Thánh.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Thật thế các năm sau theo đó là bốn năm sinh hoạt trí thức ngoại thường: thánh Agostino đã kết thúc các tác phẩm quan trọng, và bắt đầu các tác phẩm khác, công khai tranh luận với các người rối đạo, luôn tìm đối thoại và can thiệp để đem lại hòa bình trong các tỉnh Phi châu bị các bộ tộc man rợ quấy nhiễu. Chính trong chiều hướng đó thánh nhân đã viết thư cho quận công Dario đến Phi châu để giảng hòa giữa quận công Bonifacio với triều đình Roma, vì ông này đang bị các bộ lạc Mauri lợi dụng cho các lợi lộc của họ. Thánh Agostino viết: ”Tước hiệu vinh quang lớn nhất là giết chết chiến tranh bằng lời nói, thay vì giết người bằng gươm, và đem lại hay duy trì hòa bình với hoà bình thay vì với chiến tranh. Dĩ nhiên cả những người chiến đấu, nếu họ tốt lành, chắc chắn họ cũng tìm kiếm hòa bình, nhưng với giá cả của việc đổ máu. Còn ngài trái lại, ngài được mời đến để ngăn cản cảnh đổ máu ai đó” (Ep 229,2). Nhưng niềm hy vọng giảng hòa tại các vùng đất Phi châu thất bại: vào tháng 5 năm 429 rợ Vandal do chính quận công Bonifacio mang tới cứu viện, vượt eo biển Gibilterra và tràn vào nước Mauritania. Cuộc xâm lăng lan tràn nhanh chóng sang các tỉnh khác của Phi châu. Vào tháng 5 hay tháng 6 năm 430 ”các người tàn phá đế quốc Roma” đã bao vây thành phố Ippona.

Quận công Bonifacio, đã giao hòa trễ tràng với triều đình, cũng đến ẩn náu trong thành Ippona và đem hết sức mình ra ngăn chặn quân xâm lăng. Tác giả Possidio tả nỗi đớn đau của thánh Agostino như sau: ”Nước mắt đã là bánh ăn thường ngày của người và giờ đây tới lúc kiệt sức, hơn ai khác người lê bước trong đắng cay và buồn thương của tuổi già” (Vita 28,6). ”Vì người của Thiên Chúa thấy các cuộc tàn sát và phá hủy các thành phố, nhà cửa tại đồng quê bị giật sập, dân chúng bị giết hay phải chạy trốn và tản mác; các nhà thờ không có linh mục và thừa tác viên, các trinh nữ và nan tu sĩ bị phân tán tứ phía; trong đó có những vị chết vì bị tra tấn, vị khác nữa thì bị chết bằng gươm, vị khác nữa bị nhốt tù, mất sự toàn vẹn của linh hồn cũng như thân xác và cả lòng tin nữa, và bị quân thù bắt làm nô lệ” (ibid., 28,8). Đức Thánh Cha kể tiếp về cuộc đời thánh Agostino như sau:

Cả khi già cả và mệt mỏi thánh Agostino vẫn ở trong vị thế chiến đấu, tự an ủi mình và người khác với lời cầu nguyện và với việc suy niệm các chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng. Thánh nhân nói về thế giới già nua - thế giới Roma già nua - như người đã làm nhiều năm trước đó để an ủi các người tị nạn từ Italia tới, khi quân rợ Goti vùng Alarico xâm lăng thành phố Roma. Trong tuổi già có nhiều bệnh tật: ho hen, bị hạn hẹp, âu lo và kiệt sức. Nhưng nếu thế giới có gìa đi, thì Chúa Kitô vẫn trẻ trung muôn thuở. Và thánh nhân mời gọi mọi người đừng sợ hãi khước từ trẻ trung trở lại bằng cách kết hiệp với Chúa Kitô (x. Erm.81,8). Như thế tín hữu Kitô không được ngã lòng ngay cả trong những tình huống khó khăn, nhưng phải lo trợ giúp người cần được trợ giúp. Đó cũng là điều thánh nhân trả lời cho Đức Cha Onorato, Giám Mục Tiabe, khi Đức Cha hỏi trong thời bị quân rợ xâm lăng thì một Giám Mục, Linh Mục hay người của Giáo Hội có thể trốn chạy để cứu lấy mạng mình hay không. Khi xảy ra như vậy, thì hoặc là mọi người đều có thể chạy đến các nơi an toàn; nhưng nếu có người cần được trợ giúp thì không được bỏ rơi họ, mà phải cùng trốn hay cùng chịu các tai ương khốn khó mà Cha gia đình muốn họ phải chịu (Ep 228,2). Và đó là bằng chứng cao cả nhất của tình yêu thương (Ibid., 3). Dọc dài các thế kỷ, đã có biết bao nhiêu linh mục lắng nghe và thi hành sứ điệp này của thánh Agostino.

Thành Ippona đã kháng cự cuộc bao vây đó của quân rợ. Nhà và tu viện của thánh Agostino đã mở rộng cửa tiếp đón các Giám Mục xin tá túc, trong đó có cả Giám Mục Possidio, môn đệ của thánh Agostino, và là người đã để lại chứng từ liên quan tới các ngày cuối cùng của thánh nhân. Đức Cha Possidio kể rằng vào tháng thứ 3 của cuộc bao vây thánh Agostino phải đi nằm vì bị sốt. Người lợi dụng lúc này để cầu nguyện nhiều hơn. Thánh nhân hay lập lại rằng không có ai, cho dù là Giám Mục, Linh Mục tu sĩ hay giáo dân, dù có cung cách sống xem ra không thể đáng trách thế nào đi nữa, mà có thể đối đầu với cái chết mà không cần sám hối một cách thích hợp. Vì thế người lập đi lập lại các thánh vịnh sám hối, như đã làm nhiều lần với dân chúng (Vita 31,2).

Bệnh càng nặng vị Giám Mục sắp chết càng cảm thấy cần thinh lặng và cầu nguyện. Để khỏi bị quấy rầy khoảng 10 ngày trước khi qua đời, thánh nhân xin các người hiện diện đừng cho ai vào phòng ngoài giờ của các bác sĩ tới khám bệnh và lúc đem thức ăn. Ý muốn của người đã được thi hành và trong suốt thời gian đó thánh nhân đã cầu nguyện (ibid., 31,3). Người qua đời ngày 28 tháng 8 năm 430: sau cùng con tim cao cả của người đã an nghỉ trong Thiên Chúa.

Đức Cha Possidio cho biết sau đó đã có thánh lễ cầu nguyện cho thánh Agostino và đám táng (Vita 31,5). Xác người sau đó đã được đem về đảo Sardaigna và năm 725 được rời về Pavia, trong Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô trên Trời vàng, nơi hiện nay người vẫn an nghỉ. Cuốn tiểu sử đầu tiên về thánh nhân kết thúc như sau: ”Người để lại một hàng giáo sĩ đông đúc cũng như các tu viện nam nữ đầy các người sống đời hãm mình vâng lời các đấng bề trên, cùng với các thư viện chứa đầy sách và các diễn văn của người và của các vị thánh khác, qua đó nhờ ơn Chúa, người ta biết được công nghiệp và sự cao cả của người trong Giáo Hội, và trong đó các tín hữu luôn tìm thấy người còn sống (Vita 31,8). Chúng ta cũng lấy lại tư tưởng này của Giám Mục Possidio: cả chúng ta nữa chúng ta cũng thấy thánh Agostino còn sống. Khi đọc các bút tích của thánh Agostino, tôi không có ấn tượng người là một vị đã chết cách đây 1600 năm, nhưng tôi cảm thấy người như là một người của ngày nay: một người bạn, một người đồng thời nói với tôi, nói với chúng ta qua lòng tin tươi mát và thời sự của người... Chúng ta thấy tính cách thời sự thường hằng nơi lòng tin của người, lòng tin đến từ Chúa Kitô, Ngôi Lời Vĩnh Cửu Nhập Thể, Con Thiên Chúa và Con của loài người. Và chúng ta có thể thấy rằng lòng tin này không phải là của hôm qua, cả khi đã được giảng dậy hôm qua; nó luôn luôn là của ngày hôm nay, vì Chúa Kitô thực sự là hôm nay hôm qua và mãi mãi. Ngài là Đường là Sự Thật và là Sự Sống.

Như thế thánh Agostino khuyến khích chúng ta tin tưởng nơi Chúa Kitô luôn hằng sống và như vậy tìm ra con đường cuộc sống.

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu hiện diện bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải