delta
01-23-2008, 05:24 PM
Trong Vòng Tay Mẹ
Tiếng va chạm nồi soong từ căn nhà bếp vọng lên làm tôi bừng tỉnh cơn mộng. Tôi đang mơ thấy mình bị kiểm tra bài sáng hôm nay. Mở bừng đôi mắt, tôi bật ngồi dậy: “Thôi chết rồi, chưa học bài xong.” Nỗi lo sợ không thoát qua “trạm” còn lớn hơn cả cảm giác lạnh đang len lỏi vào từng thớ thịt. Với tay bấm công tắc đèn, rồi nhìn vội lên chiếc đồng hồ để trên bàn, tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm, “Tạ ơn Chúa, chỉ mới có bốn giờ mười lăm.” Lúc ấy, nhìn sang bên cạnh chỗ mẹ tôi nằm thì không thấy mẹ đâu. Từ phía nhà bếp, tiếng khua muỗng đũa lẻng kẻng và tiếng tí tách của vài thanh củi ướt chạm lửa hòa điệu với tiếng gió rít ngoài sân tạo thành một thứ âm thanh kỳ bí, mơ hồ.
Ngồi cuộn tròn trong chăn, trên tay cầm quyển sách lịch sử mà đôi mí mắt cứ muốn sụp xuống không tài nào mở ra được. Trời Đà Lạt mấy hôm gần đây bỗng nhiên trở lạnh một cách bất thường. Nghe nói Đà Lạt đang bị ảnh hưởng bão ở Miền Trung. Năm nào cũng vậy, vào độ tháng sáu, tháng bảy trở đi thì Đà Lạt mưa rơi tầm tã, cây cối ngã ngang ngã dọc làm cho người đi đường không có cảm giác an toàn; ngay cả những người đang ở trong nhà cũng không có lúc nào được bình an. Năm nay thời tiết lại càng tệ hại hơn, đã vào tháng muời một rồi nhưng bão tố vẫn chưa yên. Tội nghiệp cho căn phòng nhỏ bé của chúng tôi, những lớp mái tôn rỉ sét đã long đinh cứ từng chập dập dờn theo cơn gió xoáy. Thêm vào đó, từng luồng gió lạnh thổi vào, qua những khe hở của vách gỗ, làm cho da thịt tê buốt, nhói đau. Lúc ấy, tôi chỉ ước có thể được ngủ yên thêm một chút nữa, nhưng nỗi lo sợ sẽ bị kiểm tra bài hối thúc tôi phải chống trả lại cơn buồn ngủ ác liệt.
Mùi thơm của dầu mỡ phi với tỏi hành phảng phất đến bên giường làm cho tôi tỉnh hẳn. Xỏ chân vào đôi dép nhật màu trắng mẹ mới mua cho tôi chiều hôm qua, tôi cầm cuốn sách đi lần về phía gian nhà bếp. Bóng mẹ in nghiêng trên vách tường, đôi tay mẹ nhịp nhàng trộn chảo cơm chiêng. Vài cọng tóc mai xõa lòa xòa xuống khuôn mặt thon thon gầy gầy của mẹ, tô thêm vẻ hy sinh, chịu đựng cố hữu của bà. Vừa nhìn thấy tôi, bà cười triều mến, trách yêu:
- Con xuống đây làm gì cho lạnh, về phòng học bài đi, khi nào cơm xong thì mẹ sẽ đem lên cho con.
Hơi thở mẹ phà khói. Nhiệt độ trong nhà bếp không ấm lên được chút nào dẫu rằng lò củi vẫn đang phừng phừng rực lửa. Bên ngoài trời tối đen, từng cơn gió tốc vào vách làm cho căn bếp nhỏ dao động. Hình ảnh này đây như bao hình ảnh của mỗi buổi sáng, khi mà mặt trời còn đang rong chơi bên kia ngọn đồi, và khi mọi người trong nhà còn đang ngủ yên trong nệm ấm chăn êm, thì mẹ đã dậy, nấu cơm, gánh nước, chẻ củi. Hình ảnh lam lũ và âm thầm của mẹ đã trở thành quen thuộc đối với tôi. Mẹ của tôi là cô Tấm ngày xưa, trước khi nàng được thần tiên cứu giúp.
Trở về lại căn phòng nhỏ, tôi tự nhủ phải học bài cho xong để không phụ lòng mẹ đã thức dậy chuẩn bị điểm tâm cho tôi. Bài lịch sử trở nên thú vị và hấp dẫn khi tôi học tới đoạn Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Nguyễn Huệ được mệnh danh là vị anh hùng áo vải Tây Sơn, còn mẹ là nữ anh hùng trong lòng tôi.
Tôi sinh ra vào một ngày mùa đông năm 75. Mẹ kể rằng mùa đông năm đó lạnh giá. Đã có nhiều người già chết vì lạnh và vì đói. Có một sản phụ phải bỏ mạng vì lúc ấy kỹ thuật thấp kém, thiếu thuốc men, và khi người hộ sinh đang may lại vết cắt cho bà ta thì bị cúp điện, và vết may bị nhiễm trùng. Chỉ vài ngày sau thì bà ta qua đời. Mẹ bảo rằng sanh tôi rất khó. Người đỡ đẻ tiên đoán rằng tôi sẽ “lì” lắm vì sanh ra rồi mà không khóc. Bị bà mụ đánh cho hai phát mà cũng không chịu khóc. Đến khi khóc đòi bú thì mẹ lại không có sữa, may nhờ có một người sản phụ cùng phòng cho bú giùm. Ba tôi thì sau khi đi trình diện trước chính quyền Cộng Sản vào đầu tháng năm năm ấy thì bị mất tích luôn, không có tin tức gì về. Nói chung, tinh thần và vật chất của đa số dân Việt sau lúc đổi đời thê thảm lắm, người sống không bằng chết, người chết cũng không được yên.
Tôi lớn lên trong sự chở che và yêu thương của mẹ và bà ngoại. Ban ngày, mẹ giao tôi cho bà ngoại chăm sóc, còn mẹ thì tần tảo buôn bán để vừa lo cho tôi và còn thăm nuôi ba mãi tận miền Bắc. Ban đêm, tôi ngủ với bà ngoại. Cuộn tròn trong lòng bà, tôi tưởng đâu là đang ngủ với chính mẹ của mình. Tôi gọi bà bằng mẹ, còn gọi mẹ bằng chị – bắt chước cách xưng hô của cậu Thành và dì Thủy tôi. Hai dì cậu của tôi lúc đó cũng còn nhỏ, không thể giúp gì được cho bà ngoại và mẹ, ngoại trừ những công việc lặt vặt trong nhà. Mẹ trở thành trụ cột trong gia đình và thay thế người cha không biết mặt của tôi.
Năm tôi lên bốn mẹ đã cho tôi vào mẫu giáo. Khi tôi sáu tuổi thì được vào lớp một. Tuy tôi đã sáu tuổi nhưng nhỏ xíu và nhẹ tênh. Hơn nữa, lúc nào cũng được bà ngoại ẵm bồng nên trở thành thói quen. Đi đâu xa một chút cũng than lạnh để được người lớn bồng bế. Ngày đầu tiên đến trường tiểu học, mẹ ẵm tôi trên tay tuy rằng sáng hôm ấy tôi đã không giở trò than lạnh như những lần trước. Sợ tôi bị lạnh, mẹ ủ tôi vào hai vạt áo bành tô màu trắng mà mẹ đang mặc. Chiếc áo dài ngang đầu gối của mẹ. Bề ngang của nó rộng thùng thình, quá khổ người thanh mảnh của mẹ. Vì thế hai mẹ con mặc chung một áo mà vẫn không thấy chật. Cả thân hình bé nhỏ của tôi nằm gọn trong áo mẹ, chỉ có cái mặt là đưa ra ngoài để cho dễ thở.
Khí trời ban sáng của Đà Lạt lành lạnh. Sương phủ giăng giăng trên những nhánh thông. Đồi núi và nhà cửa cũng mờ mờ ảo ảo trong sương. Con gà trống trên tháp chuông nhà thờ ẩn hiện sau những rặng thông, nhấp nhô theo từng bước chân của mẹ. Vòng tay mẹ ôm chặt lấy tôi, hơi ấm của mẹ lan tỏa vào người tôi tạo nên một cảm giác dễ chịu. Không khí buổi sáng trong lành và tươi mát. Một làn gió nhẹ thoảng qua mơn man đôi gò má của tôi làm cho chúng săn lại. Tôi ôm chặt lấy cổ mẹ, dấu mặt vào mái tóc xõa bên bờ vai của bà, mùi thơm của chùm kết thoang thoảng nhẹ nhàng.
Trong tay mẹ, tôi đã thiếp đi từ lúc nào. Khi mẹ đặt tôi xuống đất, đôi mắt tôi vẫn còn đang lim dim. Quang cảnh trong sân trường thật náo nhiệt. Có rất nhiều phụ huynh trạc tuổi của mẹ, và cũng có rất nhiều học sinh trạc tuổi của tôi. Ai cũng xa lạ đối với tôi, chỉ có mẹ là người thân duy nhất trong ngôi trường rộng lớn này, tôi sợ hãi, nắm chặt lấy tay mẹ.
Sau khi nói chuyện với cô giáo xong, mẹ giao tôi cho cô. Đôi mắt mẹ nhìn sâu vào mắt tôi, nghiêm nghị nhưng trìu mến:
- Ngoan, con phải nghe lời cô Lam Giang nghe. Lát trưa cậu Thành sẽ đón con.
Thấy mẹ dợm bước ra đi, tôi muốn khóc và chạy theo mẹ, nhưng nhớ lại ánh mắt của mẹ khi nảy, tôi không dám hé lời. Đành lủi thủi theo chân cô giáo lạ.
Khi bóng mẹ đã khuất sau cổng trường, tôi tưởng chừng buổi sáng hôm ấy sẽ dài vô tận. Sau khi quen được vài người bạn mới, tâm trạng tôi mới bớt căng thẳng một chút. Buổi học đầu tiên trôi qua một cách êm ái.
Từ ngày hôm ấy, tôi được mẹ và bà ngoại giao cho những công việc vặt vãnh trong nhà chẳng hạn như xếp quần áo mới khô xong hay là quét nhà. Thỉnh thoảng, có những chiều thứ bảy tôi thường ra chợ phụ mẹ bán hàng. Nói là phụ, nhưng thật chất chỉ ra ngồi chơi, nhìn người ta qua lại. Đôi lúc lại còn vòi vĩnh đòi mẹ mua truyện tranh để đọc. Đến khoảng 6-7 giờ tối, khách đi chợ đã vãn, thì tôi phụ mẹ dọn hàng để về. Khi ngang qua cầu, gió từ hồ Xuân Hương thổi tốc lên lạnh buốt. Thế là tôi có dịp được trùm chung chiếc áo với mẹ.
Chiếc áo bành tô trắng theo mẹ từ sáng sớm tới chiều tối. Không biết nó đã theo mẹ từ lúc nào, nhưng khi tôi bắt đầu hiểu biết, thì đã thấy nó rồi. Tôi nhớ những buổi chiều mẹ đi bán về, lúc nào cũng có cái bánh hay bịch chè được mẹ lấy ra từ túi áo choàng. Mỗi ngày, nhìn vào túi áo của mẹ cộm cộm, là tôi thật vui vì biết trong ấy thế nào cũng có quà cho tôi. Có những buổi chiều mưa rơi tầm tã, phố xá cũng lạnh lẽo, buồn tênh. Bà ngoại và tôi thì đứng ngồi không yên, mong mẹ về cho sớm kẻo trời trở tối hay gặp cơn mưa lớn thì đường về sẽ gập ghềnh hơn. Bà ngoại thì cứ đi ra đi vào, tựa cửa nhìn xuống con dốc dẫn ra lộ chính. Bà chỉ thật sự an tâm trở vô để chuẩn bị cơm tối khi nhìn thấy bóng chiếc áo màu trắng của mẹ dưới con dốc nhỏ. Đường vào ngõ nhà tôi quanh co đồi dốc; cảm xúc của tôi cũng lên xuống nhấp nhô như những ngọn sóng ngoài đại dương khi thấy bóng trắng mờ mờ của mẹ lúc ẩn lúc hiện sau những lùm cây xám. Từ trên dốc nhìn xuống, bóng mẹ nhỏ bé và yếu đuối làm sao giữa bốn bên núi đồi trùng điệp. Bóng mẹ nhạt nhòa trong mưa trên con đường vắng sình lầy khúc khuỷu, vô tình đã tạo nên một bức tranh sơn thủy trữ tình về một thiếu phụ khổ hạnh, kiên cường, và cô đơn.
Chiếc áo của mẹ là tấm chăn ấm che chở tôi những khi lạnh. Nó còn cất giữ quà bánh cho tôi, mang đến tuổi thơ của tôi những niềm vui nho nhỏ. Nó còn là một dấu hiệu của sự bình an mỗi khi thấy mẹ trở về nhà sau một ngày vất vả. Nó là niềm hạnh phúc nhỏ của tôi.
Vào năm tôi học lớp hai, thì ba tôi được chuyển vào miền Nam. Mẹ cũng đi thăm ba thường xuyên hơn ở các miệt Sông Bé Đồng Nai. Những ngày mẹ đi xa, chiếc áo trắng được máng trên cánh cửa của phòng ngủ. Hễ nhìn thấy nó, tôi nhớ mẹ da diết, cồn cào gan ruột. Chiếc áo đã cũ, màu trắng của nó đã ngã sang úa vàng. Tuy bộ cúc vẫn còn nguyên vẹn nhưng khuy áo đã mòn. Hai miệng túi và hai cái lai tay đã bị sờn mép. Lúc trước tôi chỉ ham nhìn xem có quà cho tôi trong hai cái túi ấy hay không mà chưa bao giờ để ý đến bờ mép của chúng. Bây giờ, nhìn những cọng vải mục lơ thơ trên khuy áo và mép túi tôi thấy thương chiếc áo chi lạ.
Vào một ngày mùa hạ, mưa rơi tầm tã do ảnh hưởng bão của những vùng lân cận, thành phố chìm đắm trong mưa. Đường phố vắng tanh, thật buồn. Chỉ mới năm giờ chiều mà trời đã tồi sầm. Nhìn phía bên kia đồi thì các nhà đã lên đèn. Nhưng dãy nhà của chúng tôi hôm ấy thì bị cúp điện theo lịch trình. Những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ nhà của hàng xóm tạo cho khung cảnh thêm buồn rũ rượi. Những tiếng rít của tàn thông gặp gió tạo nên một âm thanh rùng rợn. Tôi tưởng tượng những tiếng hú của gió là những tiếng rên của oan hồn. Tôi sợ hãi nép sát vào bà ngoại và dì Thủy để tìm hơi ấm và cảm giác an toàn. Cũng như mỗi tháng, lần này mẹ không có ở nhà vì bà phải đi thăm ba tôi. Nằm nghĩ vẩn vơ, tôi nhớ mẹ muốn khóc. Tôi nhớ đến vòng tay ấm áp của mẹ ngày nào và cảm giác đê mê do hơi ấm của mẹ truyền sang – nỗi nhớ đưa tôi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.
Đang thiêu thiêu ngủ, bỗng đâu có tiếng lục đục từ nhà hàng xóm sát vách của gia đình tôi. Tiếp sau đó là tiếng kêu thất thanh “Ăn trộm, ăn trộm”. Sau đó là tiếng chân chạy thình thịch về phía căn bếp của chúng tôi. Từ trên giường bà ngoại bật dậy vội thắp cây đèn dầu. Cậu Thành cũng đã cầm sẵn một cây gậy đứng chặng nơi cửa. Dì Thủy của tôi cũng đã chạy xuống bếp để nghe ngóng động tịnh và thắp thêm vài ngọn đèn, hòng kẻ trộm thấy có ánh sáng sẽ không dám hành động. Đầu óc tôi lúc đó cũng quay cuồng, lo sợ nếu như kẻ trộm vào nhà mà lấy đi chiếc áo trắng của mẹ tôi thì sao. Mẹ sẽ không có áo để mặc đi bán. Mẹ sẽ bị lạnh khi đi qua cầu hoặc là khi gặp trời mưa... Hàng ngàn suy nghĩ xoay quanh nếu như mẹ không có chiếc áo ấy. Tôi nhảy thóc xuống giường, hối thúc bà ngoại:
- Ngoại ơi, coi thử cái áo măng tô trắng của mẹ con còn không?
- Mầng răng mà mất được hả con. Đi ngủ đi.
- Không! Con muốn coi cho chắc ăn, nếu không con không ngủ được.
Vừa nói, tôi vừa kéo tay bà ngoại đang cầm ngọn đèn dầu đến gần kẹt cửa. Khi chính mắt tôi thấy chiếc áo còn được treo trên cánh cửa, tôi mới yên tâm. Để được yên tâm hơn, tôi ôm chiếc áo ngủ cả đêm.
Sau một đêm mưa gió, quang cảnh của khu xóm tôi ở càng trở nên điêu tàn và xác xơ. Sáng hôm ấy, bà ngoại và tôi thức dậy sớm để đi lễ sáng lúc năm giờ mười lăm. Vừa mở cửa sau nhà bếp chuẩn bị ra đi, một quang cảnh lạ đập vào mắt hai bà cháu tôi. Những vết chân to lấm bùn đất đỏ của tên trộm còn in trên nền xi măng, nối dài từ hè của người láng giềng đến sau bếp nhà tôi rồi chạy dọc mãi sang đến các sân lân cận và ra tới con đường chính dẫn ra nhà thờ và chợ Đà Lạt. Dọc đường từ nhà thờ trở về nhà, đầu tôi quay cuồng bởi những giả thuyết kỳ lạ. Nếu như đêm trước tên trộm lẻn vào lấy được chiếc áo của mẹ, thì có lẽ tôi sẽ buồn lắm và sẽ khóc nhiều lắm vì chiếc áo tượng trưng cho hình bóng của mẹ, mất nó rồi, kể như tôi cũng mất đi một món vật quí nhất và thân thiết nhất. Nếu như hôm ấy hắn không lấy chiếc áo của mẹ, nhưng lại gây hại đến bà ngoại, cậu Thành hay là dì Thủy, thì cả gia đình tôi bây giờ sẽ không còn được bình an nữa. Nếu một trong ba người họ có mệnh hệ gì, chắc tôi sẽ đau lòng lắm vì họ như là một phần cơ thể của tôi. Chiếc áo mất rồi thì có thể tìm lại một chiếc áo khác để thay thế, nhưng một khi người thân yêu của mình mất rồi thì không làm sao có thể tìm một người khác để thay thế được.
Tối hôm qua tôi không có thì giờ nghĩ nhiều như vậy. Bây giờ tôi mới sực nhớ rằng bên cạnh chiếc áo sờn ngã màu của mẹ, gia đình tôi cũng còn biết bao nhiêu thứ khác cần được để ý tới chẳng hạn như thùng gạo được bà ngoại đặt nơi góc nhà bếp, nếu tên trộm rinh nó đi, ngày hôm sau chắc gia đình tôi không còn gì để ăn; hay là chiếc xe đạp cà rịch cà tang của cậu Thành, mất nó rồi, cũng trở thành một thảm họa cho gia đình tôi vì cả nhà tôi đều phải nhờ vào nó làm phương tiện di chuyển. Thật may cho gia đình tôi, tên trộm không lấy gì khi nó ngang qua nhà bếp chúng tôi. Tuy nhiên, gia đình người hàng xóm bị mất một số dụng cụ và vật liệu xây dựng.
Chiều hôm ấy, sau một trận mưa lớn, những dấu chân màu đỏ in trên đường lộ cũng bị nước rửa trôi đi, nhưng trong lòng tôi in đậm một cảm giác kỳ lạ của đêm hôm trước. Cảm giác sợ hãi về tên ăn trộm, xen lẫn vơí cảm giác lo sợ chiếc áo mà tôi thương sẽ bị đánh cắp, tiếp sau đó là cảm giác yếu đuối và khiếp sợ khi thấy bà ngoại, cậu và dì lo chuẩn bị bắt trộm để lại mình tôi trong bóng tối, hoàn toàn không có sức đề kháng.
Với độ tuổi của tôi khi ấy, sự sợ hãi, luyến tiếc, và thương yêu đều là những cảm giác rất mơ hồ và trừu tượng, tôi không thể nào xác định hay diễn tả chúng được. Vì thế, tôi không thể giải thích về sự quan tâm của tôi đến chiếc áo khi có người hỏi tôi về đêm có kẻ trộm viếng thăm.
Mẹ hỏi tôi:
- Sao con sợ cái áo của mẹ mất vậy? Nếu bị mất thì thôi, con phải lo bảo vệ cho con trước.
Bà ngoại tôi bồi thêm:
- Cái con ngu chi lạ. Trong nhà có biết bao nhiêu thứ không lo, chỉ lo hỏi coi cái áo có bị răng không.
Thật khó để mà cho họ hiểu rằng, giây phút mà tiếng kêu “Ăn trộm, ăn trộm” thất thanh vang lên, là lúc mà tôi đang nhớ tới mẹ da diết. Lúc ấy tôi đang nhớ đến dáng người thon nhỏ của mẹ và vòng tay ấm áp của mẹ cùng với làn hương của mùi chùm kết trên tóc mẹ. Do đó, mọi quan tâm của tôi đều đổ dồn về một vật duy nhất đó là chiếc áo choàng. Nó đã thay thế người mẹ vắng mặt của tôi.
Sự xuất hiện của tên ăn trộm đã đánh thức tình yêu thương gia đình trong lòng tôi. Tôi không biết rằng tôi đã nhớ mẹ đến mức nào cho đến khi tôi thật sự lo sợ cho chiếc áo sẽ bị đánh cắp. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới một ngày người thân của tôi sẽ xa rời tôi, nhưng rồi những dấu chân đỏ in trên mặt đường đã bắt tôi phải suy nghĩ và tập cho tôi bản tính biết quí trọng hiện tại và tư thế thức tỉnh để sẵn sàng đón những bất ngờ mà tương lai sẽ mang lại cho tôi.
Tất cả những gì xảy ra trong đêm hôm ấy, dần dần trở thành huyền thoại. Nhưng kể từ hôm đó tôi cũng thật sự trưởng thành về mặt tâm lý và tình cảm. Mỗi bài học trong cuộc hành trình vào đời của tôi, luôn luôn bắt tôi phải đặt dấu hỏi về chữ “nếu” rất trừu tượng nhưng cũng rất thực tiễn. Chẳng hạn như khi sáng, nếu tôi không bị đánh thức bởi tiếng động của mẹ, tôi vẫn có thể vùi mình trong chăn ấm, ngủ một giấc ngon lành cho tới giờ đi học, thì bài kiểm tra lịch sử của tôi hôm nay kể như không thể qua “trạm”. Ngay cả khi đang gật gà gật gù để học qua loa cho xong bài lịch sử để có thể nằm xuống mà ngủ tiếp – tôi tưởng tượng đến cảnh ngồi trong lớp rồi cắn bút, nhíu mày tìm cho ra câu trả lời, và rồi trở nên bực tức vì bị trí nhớ đánh lừa do cái tính cẩu thả, học bài sơ sài mà nên. Rồi tôi tiếp tục nhớ tới bóng mẹ in trên tường và hơi thở của mẹ tỏa khói trong một buổi sáng trời lạnh có bão, nếu tôi làm bài không được, thì đã phụ công nuôi dưỡng của mẹ rồi. Do đó, tôi bừng tỉnh, đôi mắt ngái ngủ của tôi cũng mở to, cố gắng đọc hết các bài đọc cần thiết và hiểu tường tận cả những tinh hoa và ẩn ý hàm chứa phía sau những dòng chữ đó.
Cũng do bởi thói quen hay dùng chữ “nếu” để minh họa những sự kiện sắp xảy ra hay đã xảy ra, cho nên sau khi tan học, tôi miên man nghĩ tới bài kiểm tra sẽ được trả về. Tôi nôn nóng chờ tới ngày cô sẽ phát bài, trong lòng tự hỏi, nếu như Vua Quang Trung đừng chết khi ông còn rất trẻ, không biết quê hương tôi sẽ tiến bao xa. Còn nếu như ông ta thua hai mươi vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu đó, thì dân tộc tôi sẽ tiếp tục bị thống trị bởi quân phương Bắc cho tới khi nào.
Niềm kiêu hãnh dân tộc pha lẫn chút tiếc nuối vẫn còn mãi âm ỉ trong lòng tôi như chất chua chua ngọt ngọt của những viên xí muội vẫn hay thường đọng lại trong cổ họng tôi mỗi lần tôi ngậm xong. Nhưng niềm kiêu hãnh về mẹ còn mãnh liệt gấp mấy trăm lần. Vòng tay ấm năm nào đã làm tôi thiếp đi trên đường đến trường – giờ đây trở thành mồi lửa làm thức tỉnh bản ngã của tôi và hong hồng trái tim tôi. Vòng tay ấy cho tôi một sự nhiệt tình với cuộc sống và với những người chung quanh tôi.
:idea:
Tiếng va chạm nồi soong từ căn nhà bếp vọng lên làm tôi bừng tỉnh cơn mộng. Tôi đang mơ thấy mình bị kiểm tra bài sáng hôm nay. Mở bừng đôi mắt, tôi bật ngồi dậy: “Thôi chết rồi, chưa học bài xong.” Nỗi lo sợ không thoát qua “trạm” còn lớn hơn cả cảm giác lạnh đang len lỏi vào từng thớ thịt. Với tay bấm công tắc đèn, rồi nhìn vội lên chiếc đồng hồ để trên bàn, tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm, “Tạ ơn Chúa, chỉ mới có bốn giờ mười lăm.” Lúc ấy, nhìn sang bên cạnh chỗ mẹ tôi nằm thì không thấy mẹ đâu. Từ phía nhà bếp, tiếng khua muỗng đũa lẻng kẻng và tiếng tí tách của vài thanh củi ướt chạm lửa hòa điệu với tiếng gió rít ngoài sân tạo thành một thứ âm thanh kỳ bí, mơ hồ.
Ngồi cuộn tròn trong chăn, trên tay cầm quyển sách lịch sử mà đôi mí mắt cứ muốn sụp xuống không tài nào mở ra được. Trời Đà Lạt mấy hôm gần đây bỗng nhiên trở lạnh một cách bất thường. Nghe nói Đà Lạt đang bị ảnh hưởng bão ở Miền Trung. Năm nào cũng vậy, vào độ tháng sáu, tháng bảy trở đi thì Đà Lạt mưa rơi tầm tã, cây cối ngã ngang ngã dọc làm cho người đi đường không có cảm giác an toàn; ngay cả những người đang ở trong nhà cũng không có lúc nào được bình an. Năm nay thời tiết lại càng tệ hại hơn, đã vào tháng muời một rồi nhưng bão tố vẫn chưa yên. Tội nghiệp cho căn phòng nhỏ bé của chúng tôi, những lớp mái tôn rỉ sét đã long đinh cứ từng chập dập dờn theo cơn gió xoáy. Thêm vào đó, từng luồng gió lạnh thổi vào, qua những khe hở của vách gỗ, làm cho da thịt tê buốt, nhói đau. Lúc ấy, tôi chỉ ước có thể được ngủ yên thêm một chút nữa, nhưng nỗi lo sợ sẽ bị kiểm tra bài hối thúc tôi phải chống trả lại cơn buồn ngủ ác liệt.
Mùi thơm của dầu mỡ phi với tỏi hành phảng phất đến bên giường làm cho tôi tỉnh hẳn. Xỏ chân vào đôi dép nhật màu trắng mẹ mới mua cho tôi chiều hôm qua, tôi cầm cuốn sách đi lần về phía gian nhà bếp. Bóng mẹ in nghiêng trên vách tường, đôi tay mẹ nhịp nhàng trộn chảo cơm chiêng. Vài cọng tóc mai xõa lòa xòa xuống khuôn mặt thon thon gầy gầy của mẹ, tô thêm vẻ hy sinh, chịu đựng cố hữu của bà. Vừa nhìn thấy tôi, bà cười triều mến, trách yêu:
- Con xuống đây làm gì cho lạnh, về phòng học bài đi, khi nào cơm xong thì mẹ sẽ đem lên cho con.
Hơi thở mẹ phà khói. Nhiệt độ trong nhà bếp không ấm lên được chút nào dẫu rằng lò củi vẫn đang phừng phừng rực lửa. Bên ngoài trời tối đen, từng cơn gió tốc vào vách làm cho căn bếp nhỏ dao động. Hình ảnh này đây như bao hình ảnh của mỗi buổi sáng, khi mà mặt trời còn đang rong chơi bên kia ngọn đồi, và khi mọi người trong nhà còn đang ngủ yên trong nệm ấm chăn êm, thì mẹ đã dậy, nấu cơm, gánh nước, chẻ củi. Hình ảnh lam lũ và âm thầm của mẹ đã trở thành quen thuộc đối với tôi. Mẹ của tôi là cô Tấm ngày xưa, trước khi nàng được thần tiên cứu giúp.
Trở về lại căn phòng nhỏ, tôi tự nhủ phải học bài cho xong để không phụ lòng mẹ đã thức dậy chuẩn bị điểm tâm cho tôi. Bài lịch sử trở nên thú vị và hấp dẫn khi tôi học tới đoạn Vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Nguyễn Huệ được mệnh danh là vị anh hùng áo vải Tây Sơn, còn mẹ là nữ anh hùng trong lòng tôi.
Tôi sinh ra vào một ngày mùa đông năm 75. Mẹ kể rằng mùa đông năm đó lạnh giá. Đã có nhiều người già chết vì lạnh và vì đói. Có một sản phụ phải bỏ mạng vì lúc ấy kỹ thuật thấp kém, thiếu thuốc men, và khi người hộ sinh đang may lại vết cắt cho bà ta thì bị cúp điện, và vết may bị nhiễm trùng. Chỉ vài ngày sau thì bà ta qua đời. Mẹ bảo rằng sanh tôi rất khó. Người đỡ đẻ tiên đoán rằng tôi sẽ “lì” lắm vì sanh ra rồi mà không khóc. Bị bà mụ đánh cho hai phát mà cũng không chịu khóc. Đến khi khóc đòi bú thì mẹ lại không có sữa, may nhờ có một người sản phụ cùng phòng cho bú giùm. Ba tôi thì sau khi đi trình diện trước chính quyền Cộng Sản vào đầu tháng năm năm ấy thì bị mất tích luôn, không có tin tức gì về. Nói chung, tinh thần và vật chất của đa số dân Việt sau lúc đổi đời thê thảm lắm, người sống không bằng chết, người chết cũng không được yên.
Tôi lớn lên trong sự chở che và yêu thương của mẹ và bà ngoại. Ban ngày, mẹ giao tôi cho bà ngoại chăm sóc, còn mẹ thì tần tảo buôn bán để vừa lo cho tôi và còn thăm nuôi ba mãi tận miền Bắc. Ban đêm, tôi ngủ với bà ngoại. Cuộn tròn trong lòng bà, tôi tưởng đâu là đang ngủ với chính mẹ của mình. Tôi gọi bà bằng mẹ, còn gọi mẹ bằng chị – bắt chước cách xưng hô của cậu Thành và dì Thủy tôi. Hai dì cậu của tôi lúc đó cũng còn nhỏ, không thể giúp gì được cho bà ngoại và mẹ, ngoại trừ những công việc lặt vặt trong nhà. Mẹ trở thành trụ cột trong gia đình và thay thế người cha không biết mặt của tôi.
Năm tôi lên bốn mẹ đã cho tôi vào mẫu giáo. Khi tôi sáu tuổi thì được vào lớp một. Tuy tôi đã sáu tuổi nhưng nhỏ xíu và nhẹ tênh. Hơn nữa, lúc nào cũng được bà ngoại ẵm bồng nên trở thành thói quen. Đi đâu xa một chút cũng than lạnh để được người lớn bồng bế. Ngày đầu tiên đến trường tiểu học, mẹ ẵm tôi trên tay tuy rằng sáng hôm ấy tôi đã không giở trò than lạnh như những lần trước. Sợ tôi bị lạnh, mẹ ủ tôi vào hai vạt áo bành tô màu trắng mà mẹ đang mặc. Chiếc áo dài ngang đầu gối của mẹ. Bề ngang của nó rộng thùng thình, quá khổ người thanh mảnh của mẹ. Vì thế hai mẹ con mặc chung một áo mà vẫn không thấy chật. Cả thân hình bé nhỏ của tôi nằm gọn trong áo mẹ, chỉ có cái mặt là đưa ra ngoài để cho dễ thở.
Khí trời ban sáng của Đà Lạt lành lạnh. Sương phủ giăng giăng trên những nhánh thông. Đồi núi và nhà cửa cũng mờ mờ ảo ảo trong sương. Con gà trống trên tháp chuông nhà thờ ẩn hiện sau những rặng thông, nhấp nhô theo từng bước chân của mẹ. Vòng tay mẹ ôm chặt lấy tôi, hơi ấm của mẹ lan tỏa vào người tôi tạo nên một cảm giác dễ chịu. Không khí buổi sáng trong lành và tươi mát. Một làn gió nhẹ thoảng qua mơn man đôi gò má của tôi làm cho chúng săn lại. Tôi ôm chặt lấy cổ mẹ, dấu mặt vào mái tóc xõa bên bờ vai của bà, mùi thơm của chùm kết thoang thoảng nhẹ nhàng.
Trong tay mẹ, tôi đã thiếp đi từ lúc nào. Khi mẹ đặt tôi xuống đất, đôi mắt tôi vẫn còn đang lim dim. Quang cảnh trong sân trường thật náo nhiệt. Có rất nhiều phụ huynh trạc tuổi của mẹ, và cũng có rất nhiều học sinh trạc tuổi của tôi. Ai cũng xa lạ đối với tôi, chỉ có mẹ là người thân duy nhất trong ngôi trường rộng lớn này, tôi sợ hãi, nắm chặt lấy tay mẹ.
Sau khi nói chuyện với cô giáo xong, mẹ giao tôi cho cô. Đôi mắt mẹ nhìn sâu vào mắt tôi, nghiêm nghị nhưng trìu mến:
- Ngoan, con phải nghe lời cô Lam Giang nghe. Lát trưa cậu Thành sẽ đón con.
Thấy mẹ dợm bước ra đi, tôi muốn khóc và chạy theo mẹ, nhưng nhớ lại ánh mắt của mẹ khi nảy, tôi không dám hé lời. Đành lủi thủi theo chân cô giáo lạ.
Khi bóng mẹ đã khuất sau cổng trường, tôi tưởng chừng buổi sáng hôm ấy sẽ dài vô tận. Sau khi quen được vài người bạn mới, tâm trạng tôi mới bớt căng thẳng một chút. Buổi học đầu tiên trôi qua một cách êm ái.
Từ ngày hôm ấy, tôi được mẹ và bà ngoại giao cho những công việc vặt vãnh trong nhà chẳng hạn như xếp quần áo mới khô xong hay là quét nhà. Thỉnh thoảng, có những chiều thứ bảy tôi thường ra chợ phụ mẹ bán hàng. Nói là phụ, nhưng thật chất chỉ ra ngồi chơi, nhìn người ta qua lại. Đôi lúc lại còn vòi vĩnh đòi mẹ mua truyện tranh để đọc. Đến khoảng 6-7 giờ tối, khách đi chợ đã vãn, thì tôi phụ mẹ dọn hàng để về. Khi ngang qua cầu, gió từ hồ Xuân Hương thổi tốc lên lạnh buốt. Thế là tôi có dịp được trùm chung chiếc áo với mẹ.
Chiếc áo bành tô trắng theo mẹ từ sáng sớm tới chiều tối. Không biết nó đã theo mẹ từ lúc nào, nhưng khi tôi bắt đầu hiểu biết, thì đã thấy nó rồi. Tôi nhớ những buổi chiều mẹ đi bán về, lúc nào cũng có cái bánh hay bịch chè được mẹ lấy ra từ túi áo choàng. Mỗi ngày, nhìn vào túi áo của mẹ cộm cộm, là tôi thật vui vì biết trong ấy thế nào cũng có quà cho tôi. Có những buổi chiều mưa rơi tầm tã, phố xá cũng lạnh lẽo, buồn tênh. Bà ngoại và tôi thì đứng ngồi không yên, mong mẹ về cho sớm kẻo trời trở tối hay gặp cơn mưa lớn thì đường về sẽ gập ghềnh hơn. Bà ngoại thì cứ đi ra đi vào, tựa cửa nhìn xuống con dốc dẫn ra lộ chính. Bà chỉ thật sự an tâm trở vô để chuẩn bị cơm tối khi nhìn thấy bóng chiếc áo màu trắng của mẹ dưới con dốc nhỏ. Đường vào ngõ nhà tôi quanh co đồi dốc; cảm xúc của tôi cũng lên xuống nhấp nhô như những ngọn sóng ngoài đại dương khi thấy bóng trắng mờ mờ của mẹ lúc ẩn lúc hiện sau những lùm cây xám. Từ trên dốc nhìn xuống, bóng mẹ nhỏ bé và yếu đuối làm sao giữa bốn bên núi đồi trùng điệp. Bóng mẹ nhạt nhòa trong mưa trên con đường vắng sình lầy khúc khuỷu, vô tình đã tạo nên một bức tranh sơn thủy trữ tình về một thiếu phụ khổ hạnh, kiên cường, và cô đơn.
Chiếc áo của mẹ là tấm chăn ấm che chở tôi những khi lạnh. Nó còn cất giữ quà bánh cho tôi, mang đến tuổi thơ của tôi những niềm vui nho nhỏ. Nó còn là một dấu hiệu của sự bình an mỗi khi thấy mẹ trở về nhà sau một ngày vất vả. Nó là niềm hạnh phúc nhỏ của tôi.
Vào năm tôi học lớp hai, thì ba tôi được chuyển vào miền Nam. Mẹ cũng đi thăm ba thường xuyên hơn ở các miệt Sông Bé Đồng Nai. Những ngày mẹ đi xa, chiếc áo trắng được máng trên cánh cửa của phòng ngủ. Hễ nhìn thấy nó, tôi nhớ mẹ da diết, cồn cào gan ruột. Chiếc áo đã cũ, màu trắng của nó đã ngã sang úa vàng. Tuy bộ cúc vẫn còn nguyên vẹn nhưng khuy áo đã mòn. Hai miệng túi và hai cái lai tay đã bị sờn mép. Lúc trước tôi chỉ ham nhìn xem có quà cho tôi trong hai cái túi ấy hay không mà chưa bao giờ để ý đến bờ mép của chúng. Bây giờ, nhìn những cọng vải mục lơ thơ trên khuy áo và mép túi tôi thấy thương chiếc áo chi lạ.
Vào một ngày mùa hạ, mưa rơi tầm tã do ảnh hưởng bão của những vùng lân cận, thành phố chìm đắm trong mưa. Đường phố vắng tanh, thật buồn. Chỉ mới năm giờ chiều mà trời đã tồi sầm. Nhìn phía bên kia đồi thì các nhà đã lên đèn. Nhưng dãy nhà của chúng tôi hôm ấy thì bị cúp điện theo lịch trình. Những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ nhà của hàng xóm tạo cho khung cảnh thêm buồn rũ rượi. Những tiếng rít của tàn thông gặp gió tạo nên một âm thanh rùng rợn. Tôi tưởng tượng những tiếng hú của gió là những tiếng rên của oan hồn. Tôi sợ hãi nép sát vào bà ngoại và dì Thủy để tìm hơi ấm và cảm giác an toàn. Cũng như mỗi tháng, lần này mẹ không có ở nhà vì bà phải đi thăm ba tôi. Nằm nghĩ vẩn vơ, tôi nhớ mẹ muốn khóc. Tôi nhớ đến vòng tay ấm áp của mẹ ngày nào và cảm giác đê mê do hơi ấm của mẹ truyền sang – nỗi nhớ đưa tôi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.
Đang thiêu thiêu ngủ, bỗng đâu có tiếng lục đục từ nhà hàng xóm sát vách của gia đình tôi. Tiếp sau đó là tiếng kêu thất thanh “Ăn trộm, ăn trộm”. Sau đó là tiếng chân chạy thình thịch về phía căn bếp của chúng tôi. Từ trên giường bà ngoại bật dậy vội thắp cây đèn dầu. Cậu Thành cũng đã cầm sẵn một cây gậy đứng chặng nơi cửa. Dì Thủy của tôi cũng đã chạy xuống bếp để nghe ngóng động tịnh và thắp thêm vài ngọn đèn, hòng kẻ trộm thấy có ánh sáng sẽ không dám hành động. Đầu óc tôi lúc đó cũng quay cuồng, lo sợ nếu như kẻ trộm vào nhà mà lấy đi chiếc áo trắng của mẹ tôi thì sao. Mẹ sẽ không có áo để mặc đi bán. Mẹ sẽ bị lạnh khi đi qua cầu hoặc là khi gặp trời mưa... Hàng ngàn suy nghĩ xoay quanh nếu như mẹ không có chiếc áo ấy. Tôi nhảy thóc xuống giường, hối thúc bà ngoại:
- Ngoại ơi, coi thử cái áo măng tô trắng của mẹ con còn không?
- Mầng răng mà mất được hả con. Đi ngủ đi.
- Không! Con muốn coi cho chắc ăn, nếu không con không ngủ được.
Vừa nói, tôi vừa kéo tay bà ngoại đang cầm ngọn đèn dầu đến gần kẹt cửa. Khi chính mắt tôi thấy chiếc áo còn được treo trên cánh cửa, tôi mới yên tâm. Để được yên tâm hơn, tôi ôm chiếc áo ngủ cả đêm.
Sau một đêm mưa gió, quang cảnh của khu xóm tôi ở càng trở nên điêu tàn và xác xơ. Sáng hôm ấy, bà ngoại và tôi thức dậy sớm để đi lễ sáng lúc năm giờ mười lăm. Vừa mở cửa sau nhà bếp chuẩn bị ra đi, một quang cảnh lạ đập vào mắt hai bà cháu tôi. Những vết chân to lấm bùn đất đỏ của tên trộm còn in trên nền xi măng, nối dài từ hè của người láng giềng đến sau bếp nhà tôi rồi chạy dọc mãi sang đến các sân lân cận và ra tới con đường chính dẫn ra nhà thờ và chợ Đà Lạt. Dọc đường từ nhà thờ trở về nhà, đầu tôi quay cuồng bởi những giả thuyết kỳ lạ. Nếu như đêm trước tên trộm lẻn vào lấy được chiếc áo của mẹ, thì có lẽ tôi sẽ buồn lắm và sẽ khóc nhiều lắm vì chiếc áo tượng trưng cho hình bóng của mẹ, mất nó rồi, kể như tôi cũng mất đi một món vật quí nhất và thân thiết nhất. Nếu như hôm ấy hắn không lấy chiếc áo của mẹ, nhưng lại gây hại đến bà ngoại, cậu Thành hay là dì Thủy, thì cả gia đình tôi bây giờ sẽ không còn được bình an nữa. Nếu một trong ba người họ có mệnh hệ gì, chắc tôi sẽ đau lòng lắm vì họ như là một phần cơ thể của tôi. Chiếc áo mất rồi thì có thể tìm lại một chiếc áo khác để thay thế, nhưng một khi người thân yêu của mình mất rồi thì không làm sao có thể tìm một người khác để thay thế được.
Tối hôm qua tôi không có thì giờ nghĩ nhiều như vậy. Bây giờ tôi mới sực nhớ rằng bên cạnh chiếc áo sờn ngã màu của mẹ, gia đình tôi cũng còn biết bao nhiêu thứ khác cần được để ý tới chẳng hạn như thùng gạo được bà ngoại đặt nơi góc nhà bếp, nếu tên trộm rinh nó đi, ngày hôm sau chắc gia đình tôi không còn gì để ăn; hay là chiếc xe đạp cà rịch cà tang của cậu Thành, mất nó rồi, cũng trở thành một thảm họa cho gia đình tôi vì cả nhà tôi đều phải nhờ vào nó làm phương tiện di chuyển. Thật may cho gia đình tôi, tên trộm không lấy gì khi nó ngang qua nhà bếp chúng tôi. Tuy nhiên, gia đình người hàng xóm bị mất một số dụng cụ và vật liệu xây dựng.
Chiều hôm ấy, sau một trận mưa lớn, những dấu chân màu đỏ in trên đường lộ cũng bị nước rửa trôi đi, nhưng trong lòng tôi in đậm một cảm giác kỳ lạ của đêm hôm trước. Cảm giác sợ hãi về tên ăn trộm, xen lẫn vơí cảm giác lo sợ chiếc áo mà tôi thương sẽ bị đánh cắp, tiếp sau đó là cảm giác yếu đuối và khiếp sợ khi thấy bà ngoại, cậu và dì lo chuẩn bị bắt trộm để lại mình tôi trong bóng tối, hoàn toàn không có sức đề kháng.
Với độ tuổi của tôi khi ấy, sự sợ hãi, luyến tiếc, và thương yêu đều là những cảm giác rất mơ hồ và trừu tượng, tôi không thể nào xác định hay diễn tả chúng được. Vì thế, tôi không thể giải thích về sự quan tâm của tôi đến chiếc áo khi có người hỏi tôi về đêm có kẻ trộm viếng thăm.
Mẹ hỏi tôi:
- Sao con sợ cái áo của mẹ mất vậy? Nếu bị mất thì thôi, con phải lo bảo vệ cho con trước.
Bà ngoại tôi bồi thêm:
- Cái con ngu chi lạ. Trong nhà có biết bao nhiêu thứ không lo, chỉ lo hỏi coi cái áo có bị răng không.
Thật khó để mà cho họ hiểu rằng, giây phút mà tiếng kêu “Ăn trộm, ăn trộm” thất thanh vang lên, là lúc mà tôi đang nhớ tới mẹ da diết. Lúc ấy tôi đang nhớ đến dáng người thon nhỏ của mẹ và vòng tay ấm áp của mẹ cùng với làn hương của mùi chùm kết trên tóc mẹ. Do đó, mọi quan tâm của tôi đều đổ dồn về một vật duy nhất đó là chiếc áo choàng. Nó đã thay thế người mẹ vắng mặt của tôi.
Sự xuất hiện của tên ăn trộm đã đánh thức tình yêu thương gia đình trong lòng tôi. Tôi không biết rằng tôi đã nhớ mẹ đến mức nào cho đến khi tôi thật sự lo sợ cho chiếc áo sẽ bị đánh cắp. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới một ngày người thân của tôi sẽ xa rời tôi, nhưng rồi những dấu chân đỏ in trên mặt đường đã bắt tôi phải suy nghĩ và tập cho tôi bản tính biết quí trọng hiện tại và tư thế thức tỉnh để sẵn sàng đón những bất ngờ mà tương lai sẽ mang lại cho tôi.
Tất cả những gì xảy ra trong đêm hôm ấy, dần dần trở thành huyền thoại. Nhưng kể từ hôm đó tôi cũng thật sự trưởng thành về mặt tâm lý và tình cảm. Mỗi bài học trong cuộc hành trình vào đời của tôi, luôn luôn bắt tôi phải đặt dấu hỏi về chữ “nếu” rất trừu tượng nhưng cũng rất thực tiễn. Chẳng hạn như khi sáng, nếu tôi không bị đánh thức bởi tiếng động của mẹ, tôi vẫn có thể vùi mình trong chăn ấm, ngủ một giấc ngon lành cho tới giờ đi học, thì bài kiểm tra lịch sử của tôi hôm nay kể như không thể qua “trạm”. Ngay cả khi đang gật gà gật gù để học qua loa cho xong bài lịch sử để có thể nằm xuống mà ngủ tiếp – tôi tưởng tượng đến cảnh ngồi trong lớp rồi cắn bút, nhíu mày tìm cho ra câu trả lời, và rồi trở nên bực tức vì bị trí nhớ đánh lừa do cái tính cẩu thả, học bài sơ sài mà nên. Rồi tôi tiếp tục nhớ tới bóng mẹ in trên tường và hơi thở của mẹ tỏa khói trong một buổi sáng trời lạnh có bão, nếu tôi làm bài không được, thì đã phụ công nuôi dưỡng của mẹ rồi. Do đó, tôi bừng tỉnh, đôi mắt ngái ngủ của tôi cũng mở to, cố gắng đọc hết các bài đọc cần thiết và hiểu tường tận cả những tinh hoa và ẩn ý hàm chứa phía sau những dòng chữ đó.
Cũng do bởi thói quen hay dùng chữ “nếu” để minh họa những sự kiện sắp xảy ra hay đã xảy ra, cho nên sau khi tan học, tôi miên man nghĩ tới bài kiểm tra sẽ được trả về. Tôi nôn nóng chờ tới ngày cô sẽ phát bài, trong lòng tự hỏi, nếu như Vua Quang Trung đừng chết khi ông còn rất trẻ, không biết quê hương tôi sẽ tiến bao xa. Còn nếu như ông ta thua hai mươi vạn quân Thanh vào Tết Kỷ Dậu đó, thì dân tộc tôi sẽ tiếp tục bị thống trị bởi quân phương Bắc cho tới khi nào.
Niềm kiêu hãnh dân tộc pha lẫn chút tiếc nuối vẫn còn mãi âm ỉ trong lòng tôi như chất chua chua ngọt ngọt của những viên xí muội vẫn hay thường đọng lại trong cổ họng tôi mỗi lần tôi ngậm xong. Nhưng niềm kiêu hãnh về mẹ còn mãnh liệt gấp mấy trăm lần. Vòng tay ấm năm nào đã làm tôi thiếp đi trên đường đến trường – giờ đây trở thành mồi lửa làm thức tỉnh bản ngã của tôi và hong hồng trái tim tôi. Vòng tay ấy cho tôi một sự nhiệt tình với cuộc sống và với những người chung quanh tôi.
:idea: