PDA

View Full Version : Nghiêm Phú Phi - Bậc thầy khó quên, cái neo đã chìm



delta
01-24-2008, 04:29 PM
Nghiêm Phú Phi - Bậc thầy khó quên, cái neo đã chìm

Quỳnh Giao


Năm 2008 này mở đầu với nhiều chuyện không vui.

Tin Lê Quỳnh mất làm gia đình chúng tôi bồi hồi vì nhiều kỷ niệm cùng người nghệ sĩ ấy. Trong nhà, chúng tôi nói chuyện với nhau về cô Trúc và cháu Victor, khi ấy còn rất nhỏ. Thế rồi, tin Nghiêm Phú Phi qua đời vào buổi sáng khi chuẩn bị đi dự tang lễ của Lê Quỳnh đã ập xuống như sét đánh!

Cả tuần qua, giới nghệ sĩ bàng hoàng xúc động trước tin ông qua đời. Nói là giới nghệ sĩ là nói chung, chứ những người thương tiếc ông thật ra nhiều vô kể! Từ đám sinh viên Quốc Gia Âm Nhạc ngày trước cho tới những người làm việc trong các đài phát thanh của Sàigòn. Từ nghệ sĩ tại các phòng trà trước 75, đến các nghệ sĩ trẻ, những trung tâm âm nhạc sinh hoạt ở hải ngoại... và nhất là những nhạc sinh ông đã đào tạo từ năm 1956 đến nay, trong đó có người viết bài này...

Vì vậy, lần này xin phép độc giả và thân hữu gần xa để nói chuyện riêng tư.

Ngày ấy người viết mới lên mười, được mẹ đem đến chú học đàn. Học trò thường gọi Nghiêm Phú Phi bằng thầy, chỉ duy nhất có mình gọi thầy bằng “chú”.

Chú Phi người gốc Bắc, mà nói đặc giọng Nam. Chú rất ít nói, và thường chỉ nhỏ nhẹ dạy bảo học trò cách tập, dáng ngồi... Học với ông một năm thì chuyển qua học với bà Ðỗ Thế Phiệt, là dì ruột của mình, cũng vừa về nước sau chú Phi một năm.

Hàng tuần, người viết vẫn gặp chú trong trường nhạc và ở đài phát thanh. Khác với các giáo sư dương cầm tốt nghiệp từ Pháp về, thường chỉ dạy đàn trong trường nhạc và tư gia, chú Phi còn đàn trong các ban nhạc của các đài phát thanh Quốc Gia, đài Quân Ðội, đài Tự Do và đài truyền hình... Và hằng đêm, chú đội mũ đeo kính đen đánh đàn ở phòng trà Ðêm Mầu Hồng. Như một nghệ sĩ trong một quán nhạc rất... Paris.

Chú Nghiêm Phú Phi không chủ trương chỉ có nhạc cổ điển mới là chính phái, mà luôn luôn coi trọng âm nhạc Việt Nam. Chú Phi tốt nghiệp về hòa âm tại Pháp, khi trở về viết hòa âm cho các bài dân ca thì đều có nét chung là rất công phu, độc đáo. Hãy nghe lại Trường Ca Mẹ Việt Nam hay Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy do Nghiêm Phú Phi hòa âm, chúng ta mới thấy thế nào là nghệ thuật hòa âm đã chắp cánh cho âm nhạc.

Tuy bận rộn với thời khóa biểu như con thoi, chú Phi còn là nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Hải Sơn của đài phát thanh Quốc Gia. Ông vừa viết hòa âm vừa làm nhạc trưởng. Ngày ấy, Quỳnh Giao mới chỉ mười sáu, hàng tuần ngóng giờ lên đài hát ban Hải Sơn với các cô chú và anh chị. Là người nhỏ nhất trong ban lại được chú giao cho những bài hợp ca, bè hai, bè ba rất khó. Hát ban Hải Sơn là một niềm vui kỳ lạ vì phần hòa âm thật công phu, dàn nhạc lớn với cả chục vĩ cầm.

Những trường ca như Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy hay Hội Trùng Dương của Phạm Ðình Chương thì phải là hòa âm của Nghiêm Phú Phi mới phát huy hết nghệ thuật của tác giả, khiến người nghe thấy được sự hùng vĩ tuyệt vời của đất nước.

Cũng tại đài phát thanh Quốc Gia, ngày ấy có một nữ xướng ngôn viên xinh đẹp, giọng Nam vô cùng gợi cảm, được mời riêng để giới thiệu trong các chương trình ca nhạc. Nữ xướng ngôn viên khác thì đọc tin tức, chứ riêng Ngọc Sương được đề cử giới thiệu nhạc. Hàng ngày, cô đến đọc lời giới thiệu các chương trình nhạc trong đó có ban Hải Sơn. Và, con người ít nói ở trên kia để ý đến cô lúc nào, trong đài chả ai là không biết.

Nhưng với tính ít nói đã thành thần thoại, chú Phi tỏ tình thế nào thì các danh tài cùng thời như Mộc Lan, Châu Hà hay Anh Ngọc đều thắc mắc. Họ đố nhau xem bao giờ cá cắn câu! Mà thắc mắc cũng dễ hiểu, vì cô Sương xinh đẹp nên lúc ấy có rất nhiều người theo đuổi. Sau cùng, con người ít nói ấy đã thắng tất cả các đối thủ!

Khi nhạc sư Ðỗ Thế Phiệt qua đời năm 1970, chú Phi thay thế chức vụ giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ và tại chức cho tới khi tan hàng năm 1975. Ông và gia đình kẹt lại đến năm 1985 mới sang Mỹ định cư.

Những người bạn cùng chia sẻ năm tháng thê lương ấy đều có chung một kinh nghiệm: Nghiêm Phú Phi là người chừng mực và nghiêm túc nhất. Ông nghe tất cả mọi đài phát thanh quốc tế và ghi âm hàng đêm! Có tin đồn gì về tin tức từ bên ngoài thì đạp xe tới hỏi ông là rõ. Có hay không, đúng hay sai, ông Phi là người mà mình có thể kiểm chứng vì nghe và nhớ hết! Trong cảnh tù đầy chung, khung cửa sổ ra thế giới bên ngoài là Nghiêm Phú Phi! Một người khác nay cũng vừa hội ngộ với chú Phi ở cõi bên kia là nhạc sĩ Lê Thương.

Hãy nhớ lại Sàigòn tang thương sau 1975 để nhớ đến những người nghệ sĩ này, với cái tai được đào tạo để nghe những gì tốt đẹp nhất của con người! Thương lắm!

Lúc mới sang Mỹ, thầy trò chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Kể cho nhau nghe bao nhiêu chuyện.

Cô chú Phi lén nghe đài VOA hằng đêm, chuyện gì bên Mỹ cũng theo dõi. Cô chú biết Quỳnh Giao và Mai Hương đi hát những nơi nào, lên đài trả lời phỏng vấn với Lê Văn ra sao... Và đúng năm 1985 ấy, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền lén gửi ra ngoại quốc tập thơ “Vang Vang Trời Vào Xuân” với bút hiệu Trần Kha, được Cung Tiến phổ nguyên tập thành một song's cycle (liên khúc). Cũng khó hát như thơ Thanh Tâm Tuyền!

Năm đó, trưởng ban Việt ngữ đài VOA là Lê Văn bèn tổ chức một buổi trình bày để giới thiệu liên khúc tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Thành phần ca sĩ là Mai Hương và Quỳnh Giao với dương cầm Nghiêm Phú Phi. Phải nói là nhạc sĩ Cung Tiến rất cẩn trọng với những sáng tác của ông. Chính ông đã viết luôn phần dương cầm cho liên khúc, nên ngoài Nghiêm Phú Phi, không thể tìm người đàn đúng nguyên bản của tác phẩm, ngoại trừ phải mời tới nhưng nhạc sĩ đã tốt nghiệp nhạc viện và tập dượt công phu mới trình bày nổi. Tiếng đàn điêu luyện và tính tình hiền lành của chú chiếm cảm tình mọi người. Phần hai là phần trình diễn của cặp Lê Uyên Phương, vốn là bạn thân của Cung Tiến.

Hăng hái vì thành quả của buổi Vang Vang Trời Vào Xuân, Lê Văn tổ chức 40 năm âm nhạc Phạm Ðình Chương. Lần này thành phần nghệ sĩ đông đủ hơn, gồm ban hợp ca Thăng Long hải ngoại (Hoài Bắc, Hoài Trung, Mai Hương), ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng (Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao) và Lệ Thu. Ban nhạc cũng đông đủ hơn với Nghiêm Phú Phi, Ðan Thọ, Hoàng Thi Thao, Dương Ðức Trường và một tay trống của địa phương.

Người giới thiệu chương trình là Mai Thảo, nhà văn nổi tiếng nói thẳng, nói chẳng lấy lòng của chúng ta lại rất quý trọng Nghiêm Phú Phi, một người không thích uống rượu!

Buổi hát thành công rực rỡ, tiếng vang lan tận đến bên Âu Châu. Lê Văn được mời là người tổ chức và đem cả chương trình 40 năm âm nhạc Phạm Ðình Chương hát tại Âu Châu trong hai tuần. Lần này không có Lệ Thu mà thêm phần dân ca với Diễm Chi, và phần nhạc chiến đấu với Nguyệt Ánh. Phái đoàn đi từ Mỹ, đến Ðức Quốc hát ở Munich, Stuggart, rồi đi Thụy Sĩ hát ở Bernes và Bales, và sau cùng là Pháp hát ở tỉnh Troyes, và ngày cuối cùng hát ở rạp Maubert tại Paris.

Chúng tôi di chuyển bằng máy bay, bằng xe lửa và bằng xe hơi, đi xuyên qua các làng nhỏ, cảnh đẹp như trong truyện. Chú Phi và cô Sương vừa đến Pháp là bị rơi mất giấy tờ. Mới chân ướt chân ráo ra đến nước ngoài, chuyện giấy tờ làm chú cũng lo. Nhưng bà Lê Văn rất tháo vát, nói tiếng tây như đầm, đến consulat một buổi là xong! Ðoàn đi đến đâu cũng được tán thưởng nên nghệ sĩ vui vô cùng. Ăn cơm Tây, uống rượu Tây mà hát nhạc Việt thì là Tiên rồi. Nhưng Tiên thì cũng có lúc đau ốm: sau khi Nguyệt Ánh bị đầy bụng, không tiêu, thì Hoài Trung bị đau lưng, đêm nằm dưới đất cứng, không nằm nệm được. Vậy mà chú Phi, với cái chân bị tật, vẫn khỏe mạnh như thường.

Mỗi ngày sau khi đi đường dài cả 10 tiếng mới đến nơi, nghỉ một chút là trình diễn ngay. Ca sĩ còn có bài hát bài không phải hát, chứ nhạc sĩ, nhất là người đàn dương cầm coi như phần chính của ban nhạc thì không được nghỉ một bài nào cả. Ðêm nào cũng được kết thúc chương trình bằng trường ca Hội Trùng Dương với các giọng ca tràn đầy sức mạnh, với giọng Hoài Trung như sóng nước mênh mông và tiếng dương cầm Nghiêm Phú Phi vũ bão, bao la như nước vỡ bờ làm khán giả xúc động đến rưng lệ...

Có đi và chung sống như trong một gia đình, mới thấy cô Sương đúng là người vợ hiền, như cái xương sống của chú Phi. Chú chỉ đàn thôi, chứ việc lớn nhỏ nào cũng do cô chu toàn. Từ bài bản tới miếng ăn miếng uống, nhất nhất là gọi cô Sương. Cả ngày nghe chú gọi “mẹ, mẹ, ra làm cái này, lấy cái kia....” lúc nào cô cũng vui vẻ làm, coi chú như ông vua vậy.

Sau này, khi Quỳnh Giao ra mắt đĩa nhạc Hành Trình Phạm Duy tại Houston, với sự tham dự của Phạm Duy, thì cũng chú Phi đã chống gậy bay qua đàn dương cầm cho cô cháu hát. Ông từng nói rất vui, rằng xưa kia đã đờn cho mẹ hát, nay đờn cho con gái!

Ðấy là những kỷ niệm và báu vật không thể quên được của một người đã được biết và làm việc chung với Nghiêm Phú Phi trong hơn nửa thế kỷ.

Nhưng Nghiêm Phú Phi còn hơn vậy.

Ông bị polio và phải chống nạng, điều ấy, ai cũng biết. Ông là bậc sư về nhạc cổ điển Tây phương, tốt nghiệp ở những lò đào tạo danh tiếng nhất của Pháp, và rất khó tính khi dạy nhạc. Ðiều ấy, chúng ta cũng có thể biết, học trò đích thực của trường Quốc Gia Âm Nhạc thì càng biết. Nhưng ông là nhạc sĩ có tâm hồn Việt Nam và muốn đưa âm nhạc Việt Nam lên ngang tầm thế giới. Một số người yêu nhạc và hiểu nhạc thì có thể hiểu được ước nguyện đó của ông. Ông có một số tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng những bài divertissements dựa vào âm giai ngũ cung hoàn toàn Á đông, nhưng chỉ được trình bày đôi lần trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc, có nhiều bản còn chưa được phổ biến...

Ðiều mà ít ai biết, Nghiêm Phú Phi còn là một cái neo.

Ông ràng chúng tôi lại với nhau, với kỷ niệm và tình cảm của năm xưa. Bất cứ ai đã từng làm việc trong trường Quốc Gia Âm Nhạc hay đài phát thanh thời xưa mà ghé thăm miền Nam California đều liên lạc với Nghiêm Phú Phi. Ông giữ mối giao tình bền chặt với từng người và liên lạc với mọi người để gần xa, từ Úc, từ Âu hay từ Việt Nam, đều có những buổi hội ngộ rưng rưng nước mắt, ngay tại nhà ông.

Khi ấy, Nghiêm Phú Phi im lặng như một ông Phật, nhìn cô Sương hầu hạ mọi người trong sự náo nhiệt đầy cảm động. Chúng tôi mà còn gặp lại được nhau, và biết tin tức của nhau, chính là nhờ Nghiêm Phú Phi. Ông mất đi, giới yêu nhạc và yêu nghề của thời xưa đã mất một cái neo.

Ðúng 10 năm trước, Mai Thảo ra đi đã đem theo cái neo ràng buộc nhiều anh chị em cầm bút với nhau. Bây giờ đến lượt Nghiêm Phú Phi trong lãnh vực âm nhạc và phát thanh.

Làm sao chúng tôi không khỏi thấy một sự trống vắng, một nỗi bơ vơ?

Trong khi viết bài này lại còn được tin, là ở miền Ðông bên kia nhà thơ Vương Ðức Lệ cũng vừa từ giã chúng ta, buổi trưa Chủ Nhật 20. Ông cũng là một người bạn đáng quý trong các nhân vật đã từng phục vụ trong ngành phát thanh, tại đài Sàigòn, trước năm 1975...

Năm 2008 này mở màn với quá nhiều mất mát...
:idea:

domdombay2
02-16-2010, 08:09 AM
Cám ơn bài viết này về thầy Phi... Tôi không biết là thầy đã mất hơn 2 năm rồi...Tôi có dịp may được học đàn piano với thầy một thời gian ngắn sau 1975 ở nhà thờ Huyện Sĩ, Saigon. Tôi không theo nghề âm nhạc, nhưng rất quí thương thầy. Xin giữ mãi trong lòng những kỹ niệm của thầy Phi.

lait
02-17-2010, 12:24 AM
Mới vào diễn đàn thấy cái tựa "Nghiêm Phú Phi" lạ lạ
bấm vào đọc thứ coi, khi đó mới biết được nền âm nhạc Việt Nam ta có nhiều nhân tài vậy

cảm ơn chú nhiều
tiện đây lait cũng đưa tên của bực lão thành Nghiêm Phú Phi, nèn âm nhạc "gia hưởng" của VN vào google tìm thì tìm được thôn tin nầy, nên tạm phép post vào đây
nha chú delta



2008-03-09
Theo
Thy Nga, phóng viên đài RFA

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/InMemoryOfComposerNghiemPhuPhi_TNga-20080309.html/NghiemPhuPhi200.jpg
Nhạc sư Nghiêm Phú Phi khi làm Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Hình do gia đình cung cấp.

Nghiêm Phú Phi chào đời năm 1930 tại Saigon trong một gia đình gốc Hà Đông vào Nam lập nghiệp. Cha mẹ và các em nói tiếng Bắc nhưng ông lại nói rặt giọng Nam kỳ do giao du với rất nhiều bạn người Nam.

Nhận thấy cậu bé có khiếu âm nhạc, một người trong gia quyến là giáo sư Nguyễn Văn An đã hướng dẫn về nhạc lý và đàn, rồi giới thiệu đến nhạc sư Võ Đức Thu để học piano cổ điển.

Từ năm 15 tuổi, trong khi họ̣c Trung học tại trường Pétrus Ký, Nghiêm Phú Phi đã đi đàn piano vào buổi tối để kiếm tiền túi. Và suốt vài ba năm sau đó thì đi đàn tại các vũ trường ở Saigon, Chợ Lớn, ĐaKao.

Năm 19 tuổi, một thân một mình, chàng trai rời cảng Saigon sang Pháp, thi vào Viện Âm Nhạc Paris. Trong thời gian theo học tại Pháp, ông có soạn nhạc cho cuốn phim Việt Nam tựa đề là “Một trang nhật ký”.

Đến năm 55 thì ông tốt nghiệp ưu hạng về trình diễn Piano và hòa âm, từ viện nổi tiếng ấy. Trở về Saigon, ông tham gia mọi thứ trong lãnh vực chuyên môn của mình, từ dạy piano, đàn trong phòng trà và các club Mỹ, đến đàn và điều khiển ban nhạc trong các đài phát thanh, truyền hình; đệm piano cho chương trình ngâm thơ; soạn nhạc cho các bộ phim, ...

“Divertimento 2” sáng tác vào năm 1965 ...

Các trường ca lừng danh của Việt Nam như “Hòn Vọng phu” của Lê Thương, “Mẹ Việt Nam” và “Con đường cái quan” của Phạm Duy, “Hội trùng dương” của Phạm Đình Chương, … là do Nghiêm Phú Phi hòa âm.

Và ông cũng hòa âm nhiều nhạc bản mà chúng ta hay nghe, như “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương. Mời quý vị thưởng thức nhạc khúc này do ông đàn trong một buổi họp mặt văn nghệ tại Paris năm 1998.

“Nửa hồn thương đau” …

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi chẳng từ chối việc gì trong khả năng chuyên biệt của mình. Không chỉ loại nhạc thính phòng, ông nói là với các bài ở thể loại thấp mà nhờ đến ông thì ông hòa âm sao để nâng giá trị bài đó lên. Việc này, chúng ta đã thấy thể hiện, như bài “Nửa đêm ngoài phố” của Trúc Phương chẳng hạn, nhờ tài hòa âm của Nghiêm Phú Phi mà nổi tiếng, và tên tuổi ca sĩ hát bài ấy là Thanh Thúy cũng được đưa lên theo. Đó cũng là trường hợp của Nhật Trường, Hoàng Oanh, … Trầm Tử Thiêng khi mới viết nhạc, đã nhờ ông tiếp tay hòa âm cho bài bản của mình.

Nhận thấy tài năng ấy, nghệ sĩ Hoàng Thi Thơ đã mời nhạc sư Nghiêm Phú Phi cộng tác trong những buổi trình diễn ở trong nước cũng như lưu diễn tại các nước ngoài. Hòa âm và trình bày nhạc dân tộc cũng là điều mà Nghiêm Phú Phi ấp ủ tuy rằng ông tốt nghiệp bên Tây, và không biết sử dụng nhạc cụ cổ truyền Việt Nam.

Năm 1965, Nghiêm Phú Phi được cử làm Phó Giám đốc Viện Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Saigon. Đầu năm 1970, do yêu cầu của đài “Tiếng nói Tự Do” mà ông cộng tác đã lâu, Nghiêm Phú Phi trình làng “Liên khúc số 1” gồm các bài dân ca ba miền, có 8 đoạn là Bắc, Trung, Nam, thôn, thị, chiến, bình, và hoan.

Nhạc khúc “Thôn” với điệu “Cò lả” dân ca miền Bắc …

Năm 1970, nhạc sư Đỗ Thế Phiệt qua đời, và Nghiêm Phú Phi lên thay thế trong chức vụ Giám đốc Viện Quốc gia Âm Nhạc và Kịch nghệ Saigon.

Nhạc sĩ Nguyễn Châu, một người thuộc thế hệ kế tiếp trong công cuộc kết hợp nhạc Đông và Tây, cho biết

Dạ thưa chị Thy Nga, thưa quý thính giả đài RFA, khi giáo sư Nghiêm Phú Phi về làm giám đốc trường Quốc gia Âm Nhạc thì trường gồm có ba ngành: ngành Tây phương, ngành Kịch nghệ, và ngành Quốc nhạc.

Trên phương diện là giám đốc, giáo sư Nghiêm Phú Phi cố gắng để làm sao cho các ngành nhạc phát triển và đồng thời có sự hòa hợp với nhau. Thì giáo sư cũng tìm tòi về các nhạc cụ cổ truyền. Khi đó thì chúng tôi mới là phụ giảng tại trường Quốc gia Âm nhạc thôi, nhưng giáo sư Nghiêm Phú Phi cũng đến từng giáo sư dạy ngành Quốc nhạc để mà tìm hiểu các loại nhạc cụ. Sau đó, giáo sư cũng có viết một số bài giao hưởng trong đó có những nhạc cụ Tây phương và nhạc cụ Việt Nam.

Thy Nga : Xin ông chia sẻ vài kỷ niệm đã có với nhạc sư Nghiêm Phú Phi.

Nhạc sĩ Nguyễn Châu : Bài mà giáo sư Nghiêm Phú Phi viết đồ sộ nhất là khi chúng tôi đi trình diễn, nhất là trình diễn trong Dinh Độc Lập - hình như bài đó là bài “Ngày hội non sông” (tôi không nhớ rõ vì khi đó, tôi còn nhỏ quá). Tôi đánh đờn kìm, rồi qua đờn cò, có sáo, đờn tranh, đờn bầu hợp cùng với dàn nhạc giao hưởng Tây phương gồm có violon, viola, cello, bass, kèn, vân vân, …

Ngoài việc phối hợp hai nhạc cụ thì khi viết cho dàn nhạc giao hưởng Tây phương, hay viết cho tam tấu, tứ tấu, giáo sư cũng viết những chủ đề liên quan đến Việt Nam, thí dụ như viết trên ngũ cung, hay là có các sáng tác mới trong đó có ngũ cung và những ngũ cung phát triển để áp dụng với dàn nhạc Tây phương.

Thy Nga : Năm 1971, nhạc sư Nghiêm Phú Phi soạn “Liên khúc số 2” viết về những giai đoạn trong cuộc đời con người từ thuở nằm nôi tới khi từ trần. Kế đến là soạn một thể loại mà tới lúc đó, chưa người Việt nào làm: đó là nhạc khúc “Apollo 14” với những âm thanh khoa học giả tưởng.

Qua năm 74 thì ông sáng tác “Fantasia 1” cho tứ tấu đàn giây trong đó cũng đem kỹ thuật của Việt Nam ứng dụng trên ngũ cung.


http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/InMemoryOfComposerNghiemPhuPhi_TNga-20080309.html/NghiemPhuPhi150.jpg
Nhạc sư Nghiêm Phú Phi sau này ở hải ngoại. Hình do gia đình cung cấp.

“Fantasia 1” …

Biến cố tháng Tư 1975 xảy tới, nhạc sư Nghiêm Phú Phi cùng gia đình bị kẹt lại. Thời gian đầu rất khó khăn, rồi thì ông cũng xoay sở dạy đàn tại nhà thờ Huyện Sĩ và tại tư gia.

Tới năm 1985 thì sang Mỹ định cư, và chỉ vài tháng sau, Nghiêm Phú Phi đã thành lập được trường dạy nhạc trên đường Bolsa, con đường chính của thủ phủ người Việt tỵ nạn ở hải ngoại. Ngay các năm đầu tiên ở nước ngoài, ông đã không ngại tình trạng di chuyển khó khăn của mình mà tham gia chuyến công tác cứu người vượt biển.

Đời sống bị thay đổi lớn lao, tâm tư ông ra sao? chúng ta có thể cảm thấy qua nhạc khúc mà ông đặt tên là “Fantasia 2” tức “Thế giới đảo điên” vào năm 1993.

Nhạc sĩ Nguyễn Châu : “Fantasia 2” bài này, Đoàn Văn nghệ Lạc Hồng chúng tôi đã hợp tác với trường Quốc gia Âm Nhạc để làm chương trình biểu diễn vào năm 1993.

Khi chúng tôi qua đây gặp giáo sư Nghiêm Phú Phi, hai thày trò có bàn là làm cái bài nào mà trong đó có nhạc cụ Tây phương và nhạc cụ Việt Nam thì giáo sư cho biết bài tên gọi là “Thế giới đảo điên”. Tâm tư giáo sư lúc đó cũng hơi phức tạp về nhãn quan cuộc sống ở Mỹ thành ra giáo sư đặt cái tựa đó.

Bài rất hay, phát triển rất lạ trong đó giáo sư viết cho chúng tôi đờn nguyệt, chị Nguyễn thị Mai đờn tranh, và một người học trò đờn bầu, hợp cùng tiếng violon, viola, cello. Hôm vừa rồi, để tưởng niệm giáo sư Nghiêm Phú Phi, chúng tôi trình diễn rất nhiều bài, trong đó có bài này.

“Fantasia 2” …

Sáng sớm ngày 16 tháng Giêng dương lịch 2008, trong khi sửa soạn đi đám tang người bạn thân là tài tử Lê Quỳnh thì ông ngã trong buồng tắm, và tin dữ tới với người thân quen, bạn bè nghệ sĩ, cùng nhạc sinh nhiều thế hệ. Một cuộc đời khép lại trong sự tiếc nuối vô vàn …

Công trình nhạc sư Nghiêm Phú Phi để lại, là sáng tác hoặc hòa âm 5 trường ca, và hơn một ngàn nhạc khúc các loại.

“Nửa hồn thương đau” ….

Trong âm thanh nhạc khúc “Nửa hồn thương đau” do nhạc sư Nghiêm Phú Phi đàn, Thy Nga xin kết thúc chương trình về ông ... chào tạm biệt quý thính giả …
© 2008 Radio Free Asia

Nếu muốn tìm hiểu thêm
mời bạn bấm vào đây (http://tranquanghai.info/p1572-thy-nga-:-nhac-su-nghiem-phu-phi-va-cac-tac-pham-de-lai-cho-nen-am-nhac-viet-nam.html) để tìm hiểu thêm