PDA

View Full Version : T - Tín hữu Kitô hầm trú của Thiên Chúa



Dan Lee
01-26-2008, 03:48 PM
TÍN HỮU KITÔ HẦM TRÚ CỦA THIÊN CHÚA

Xuyên qua con đường hẽm của thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, chằng chịt người đi bộ và đi xe đạp với những sinh hoạt lặng lẽ về đêm, tôi lần mò tìm ra căn nhà tôi muốn đến.

Bước vào căn phòng đầy băng ghế gỗ sơ sài, tôi thấy có mặt khoảng 20 người, đang quỳ trên nền nhà bằng bêtông: các sinh viên mặc quần jeans, những người trẻ mặc đồ bộ và các phụ nữ cao tuổi. Tất cả đang sốt sắng đọc kinh và hát thánh ca. Tôi hiểu ngay mình đang chứng kiến tận mắt hình ảnh sống động ”hầm trú” của Giáo Hội Kitô tại Trung Quốc, giống y như đời sống trong các hang toại đạo xưa kia của các tín hữu Kitô tiên khởi tại đế quốc La Mã.

Tất cả tín hữu Kitô tham dự buổi cầu nguyện đều biết rõ đây là cuộc họp bị ngăn cấm. Công an nhà nước có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và bắt giam mọi người, đặc biệt vị lãnh đạo tinh thần đang hướng dẫn buổi cầu nguyện. Đó là mục sư Lâm Hiến Cao. Với dáng người gầy còm nhưng bên trong lại dấu ẩn cả một kho tàng đức tin bất khuất, kiên dũng. Sau bản thánh ca cuối cùng, mục sư Lâm nói với các tín hữu:

- Giống như xưa kia Đức Chúa GIÊSU rảo quanh các làng mạc phố xá của Thánh Địa để rao giảng Tin Mừng như thế nào, ngày nay, chúng ta cũng phải mang Tin Mừng của Đức Chúa GIÊSU đến cho mọi người khác y như vậy!

Giọng nói rõ ràng cương quyết của mục sư Lâm vang lên trong đêm khuya, mang một sức mạnh vô song. Nó xuất phát từ vị chủ chăn từng sống 20 năm tù trong các trại lao động khổ sai của chế độ cộng sản Trung Quốc. Không một quyền lực vô thần nào, không một áp bức đe dọa nào có thể lay chuyển Đức Tin kiên dũng của mục sư. Mục sư Lâm Hiến Cao trở thành vị chủ chăn Tin Lành nổi tiếng của Giáo Hội Kitô thầm lặng Trung Quốc, và là biểu tượng của Đức Tin Kitô, bất khuất trước các quyền lực sự dữ đang hoành hành tại Trung Quốc.

Năm 1949, lúc vừa nắm quyền, đảng Cộng sản Trung Quốc bắt đầu ngay các cuộc đàn áp dữ dội. Hàng ngàn hàng vạn tín hữu Tin Lành và Công Giáo bị bắt giam vì trung thành với Đức Tin. Năm đó mục sư Lâm đang sống yên hàn ở Hong Kong. Nhưng tiếng Chúa gọi mục sư trở lại với đàn chiên tại Trung Quốc. Mục sư không ngần ngại tuân phục thánh ý THIÊN CHÚA, trở về Quảng Châu, vào năm 1950, lúc bấy giờ đang ngụp lặn trong một cuộc cách mạng đẫm máu và đàn áp tôn giáo.

5 năm sau - tháng 9 năm 1955 - mục sư Lâm bị bắt và bị ở tù trong vòng 16 tháng. Vừa được trả tự do, mục sư lại bị bắt và bị kết án 20 năm lao động khổ sai trong một hầm mỏ than. Thời gian này, để khỏi trở thành điên, mục sư Lâm thường đọc thầm, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ, những câu Kinh Thánh thuộc lòng. Trong vòng 20 năm trời, trước không biết bao nhục hình phải chịu, mục sư Lâm không bao giờ chối bỏ Đức Tin, cũng không bao giờ tiết lộ bất cứ danh tánh nào của các tín hữu Kitô.

Được trả tự do vào ngày 29-5-1978, mục sư Lâm dạy Anh ngữ một thời gian, với dụng cụ duy nhất là cuốn Kinh Thánh. Sau đó, mục sư bắt đầu lại các hoạt động mục vụ. Ngày 22-2-1990, sau buổi kinh chiều, các công an ùa vào nhà mục sư lục soát và tịch thu tất cả đồ đạc, sách báo tôn giáo. Họ liên tục chất vấn và ngăn cấm mục sư không được giảng dạy Kinh Thánh. Trước mọi ngăm đe, đàn áp, mục sư Lâm chỉ điềm tĩnh trả lời:

- Tôi từng sống 20 năm trong các trại tù của các ông. Do đó không còn gì có thể làm tôi sợ hãi nữa!

Trước khi rời căn nhà mục sư Lâm Hiến Cao, tôi hỏi:

- Mục sư có nghĩ mình sẽ bị bắt trở lại không?

Mục sư trả lời:

- Có thể lắm! Nhưng chúng tôi là tín hữu Kitô, do đó, khó khăn thử thách sẽ giúp chúng tôi tiến đến gần Đức Chúa GIÊSU KITÔ hơn.

Ngừng một lúc, mục sư Lâm bắt tay từ biệt tôi và chậm rãi nói:

- Xin hãy cầu nguyện thật nhiều cho chúng tôi!

Chứng từ của ông Fergus Bordewich.

... ”Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Chúa KITÔ. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung một tinh thần, một lòng một dạ, cùng nhau chiến đấu vì Đức Tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em. Về bất cứ điều gì, đừng sợ những kẻ chống đối anh em: đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong, còn đối với anh em, thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ. Điều ấy là ân huệ THIÊN CHÚA ban. Quả thế, nhờ Đức Chúa KITÔ, anh em đã được phúc chịu đau khổ vì Người. Nhờ vậy, anh em được tham dự cùng một cuộc chiến mà anh em đã thấy tôi phải đương đầu trước kia, và nay anh em nghe biết là tôi vẫn còn tiếp tục” (Thư gửi tín hữu Philipphê 1,27-30).

(”Les Clandestins de Dieu”, Reader's Digest SÉLECTION, 1/1992, trang 41-46)
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt