PDA

View Full Version : C - Điều gì đã xẩy ra? Lửa đã tràn và Nhà nước truyền thông ngược!



Dan Lee
01-26-2008, 04:57 PM
ĐIỀU GÌ ĐÃ XẨY RA? LỬA GIẬN ĐÃ TRÀN VÀ NHÀ NƯỚC TRUYỀN THÔNG NGƯỢC

Buổi cầu nguyện lịch sử

Cuộc cầu nguyện ngày 25 tháng 1 năm 2008, sẽ là một cột mốc trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, sẽ được nhắc tới như một biến cố giữa những dòng thăng trầm của đời sống một Giáo hội dưới thời Cộng sản.

Như bao buổi cầu nguyện khác đã được tiến hành từ hơn một tháng nay, buổi cầu nguyện trưa ngày 25 tháng 1 năm 2008 là buổi cầu nguyện ôn hòa của giáo dân sau buổi lễ mừng Hồng Y Phao lô Phạm Đình Tụng 90 tuổi và các năm chẵn trong các mốc cuộc đời tận hiến của Ngài. Một vị Hồng Y là người đã khôn ngoan dẫn dắt Giáo hội Việt Nam đi qua một giai đoạn khắc nghiệt nhất trong lịch sử cận đại của mình. Và việc “XIN” lại tài sản Tòa Khâm sứ của Tổng Giáo phận Hà Nội, là điều mà Hồng Y đã đeo đuổi suốt cả cuộc đời Ngài từ khi tại vị cho đến nay.

Cuộc cầu nguyện đang diễn ra êm đẹp, không có bất cứ lời nói nào khiếm nhã ngoài tiếng đọc kinh và hát Thánh ca, dù lực lượng công an dày đặc thì bỗng nhiên, một chị người dân tộc Mường với lòng yêu kính Đức Mẹ đang bị cầm tù trong hàng rào sắt, ngăn cách đoàn con, đã leo lên hàng rào ôm bó hoa vào dâng lên Đức Mẹ.

Ngay lập tức, như một đàn hổ đói, một loạt “bảo vệ” nam và nữ đã xông ra bắt chị vào một góc quán phở hết sức hung dữ và bạt tai chị. Cả hàng ngàn người nôn nóng nhìn theo, những tiếng thét từ trong nhà “Văn hóa” hay quán phở gần đó thét lên lanh lảnh “đánh chết nó đi” càng làm cho giáo dân sốt ruột.

Một thanh niên đã vượt hàng rào vào ứng cứu chị, lại một “đàn hổ đói” khác đã bẻ ngược tay anh kéo vào phía quán phở và diễn trò đánh hội đồng vào bụng, ngực… đập đầu vào tường đến chảy máu tai.

Không thể chịu đựng hơn được nữa để nhìn việc đánh người trước mắt. Hàng loạt giáo dân đã phải chạy đến cổng phía sau quán phở nơi anh thanh niên đang bị đánh, chiêng trống gõ liên hồi náo động. Mấy công an đứng canh chừng để một bọn đánh đập dã man người thanh niên sau cánh cổng, chúng còn chửi một cách hỗn láo với những người yêu cầu họ thả người ra. Cơn phẫn uất như không kìm nén thêm, giáo dân đã phải đạp tung cửa bịt tôn để chui vào cứu người.

Đến khi đó, như lũ cắn trộm bị đưa ra trước ánh sáng, chúng mới hè nhau tháo chạy. Phía ngoài, giáo dân như nước vỡ bờ, hè nhau đẩy hai cánh cửa sắt đã bị chặn lại bằng những khối bê tông nặng để vào phía trong.

Trong đám hội đồng có ba đứa con gái đã xông ra bắt chị người Mường. Một đứa khoảng 20-25 tuổi, ngay từ khi anh thanh niên vào đã tát vào mặt anh, nhưng khi giáo dân tràn vào, không chạy kịp đã chui vào căn nhà giường chiếu ngổn ngang như căn nhà thổ để trốn, một tên cao to đứng chặn ngay trước cửa.

Thật không may và khốn nạn cho nó, trong lửa giận bừng bừng vì chị giáo dân chưa được thả, người ta bắt hắn phải mở cửa ra tìm chị giáo dân nọ. Khi cánh cửa bị mở, nó bị đám đông kéo ra, hứa hẹn một trận đòn nhừ tử thì nó hét lên như bị chọc tiết. Thì ra, nó chuyên đi đánh người, nhưng khi bị tóm, hắn sợ hãi những trận đòn như hắn đã bao lần vô tư tặng kẻ khác.

Cũng may có các giáo dân khác đứng đó can ngăn kịp thời và không chấp vặt, nên hắn chỉ bị vài cái tát cảnh cáo cái vô nhân tính của nghiệp chó săn. Dù vậy, thì có lẽ suốt đời nó cũng phải nổi da gà mỗi khi đọc lại câu chuyện “một bữa no… đòn” của Nguyễn Công Hoan. Khi được thả ra, nó ba chân bốn cẳng chạy trốn, thật nghịch cảnh với vẻ hung hăng trước đó mấy phút.

Người thanh niên được đưa ra, máu me đầy tai, mặt và người bầm tím. Dòng người tràn vào ngày càng đông với khí thế bừng bừng, các cụ già râu tóc bạc phơ, các phụ nữ hăng hái dưới mưa lạnh đã đưa vào một cây Thánh Giá bằng sắt dựng ngay trên lối vào cửa chính Tòa nhà Khâm sứ.

Cuộc nói chuyện trong gian nhà kho và những điều hài hước

Trên loa, tiếng của các linh mục luôn yêu cầu giáo dân bình tĩnh, không manh động, yêu cầu xe cứu thương của Tòa Tổng Giám mục đến ngay đưa nạn nhân bị đánh đi cấp cứu. Các linh mục đứng chặn các cửa, không để giáo dân vào bậc thang tòa Nhà Khâm sứ để phòng sự phá phách trong cơn giận giữ của đám đông.

Với khí thế uất hận bừng bừng, hàng ngàn giáo dân đã yêu cầu đưa ngay những đứa đánh người ra để nhận mặt, yêu cầu trả lại tài sản đã bị cướp mất gồm máy quay và chiếc kính. Nhưng khi hỏi đến hai cán bộ cỡ cao cấp, đã có mặt từ đầu khi buổi cầu nguyện chưa tiến hành, trước sắc giận bừng bừng của Giáo dân thì họ chỉ dám xưng danh “tôi là bảo vệ”.

Giáo dân càng phẫn uất hơn, yêu cầu chính quyền đến giải quyết, nhưng tịnh không thấy ai, dù cảnh sát vẫn đứng hàng đàn bên ngoài nhìn vào lúng túng. Cuối cùng, thì hai cán bộ kia cũng nhận là người đứng ra có thể giải quyết việc tìm lại tài sản. Mọi người kéo nhau vào căn nhà dùng chứa bàn ghế hỏng, một chiếc ghế dùng để nằm và bộ bàn ghế mây. Giáo dân kéo vào ầm ầm phía sau, họ hơi hoảng và đề nghị chỉ để các linh mục vào giải quyết.

Cuộc nói chuyện của các linh mục, rất ôn hòa, từ tốn, nhưng kiên quyết và các cán bộ đã phải chấp nhận gọi điện thoại, để tìm cái máy quay phim về. Giáo dân kiên quyết không chịu khi để các cha trong nhà kho, yêu cầu lên mở Tòa Khâm sứ, yêu cầu cán bộ xưng danh, yêu cầu cán bộ tôn trọng người khác phải bỏ mũ bảo hiểm ra khỏi đầu khi làm việc (chắc họ sợ cái đòn cắn trộm gia truyển chăng?). Dùng dằng mãi, với lý do không có chìa khóa, không biết ai cầm… mãi hai cán bộ mới chịu mở Tòa Khâm sứ vào đó.

Vào trong mới thấy cảnh tượng hoành tráng của nội thất Tòa Khâm sứ. Một câu khẩu hiệu lớn băng ngang trên tường đỏ rực với hàng chữ vàng: “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” cùng ba bức tường vô vàn cờ thưởng, bằng khen… không đọc rõ về công trạng gì? Vào đó, khi có đầy đủ các đồng chí Công an cấp bộ, cấp quận và các cán bộ khác, hai cán bộ này mới dám xưng danh.

Một cán bộ Công an cao cấp gọi điện cho Cha Quế, để nghị bà con giải tán đi, tôi sẽ đền cái máy tốt hơn, đẹp hơn, nhưng giáo dân kiên quyết không chịu. Cuối cùng, thì cái máy quay phim cũng “tự tìm về” treo lủng lẳng ở hàng rào, để một ông quán phở nhìn thấy chỉ cho công an? Qủa thật là ngoạn mục, giữa chốn xô bồ, khi bị lấy mất, các đồng chí bảo vệ chuyền tay nhau mọi người nhìn thấy, nhưng khi bị truy bức áp lực, nó tự chạy về hàng rào? Chắc nó cũng biết là số phận nó không thể ở cùng chủ mới chăng?

Và trò truyền thông biến nạn nhân thành thủ phạm

Khi vụ việc Tòa Khâm sứ, đất đai Thái Hà, Hà Đông được khởi động, tất cả các báo không một phóng viên nào được tìm hiểu, làm tin bài, cũng giống như vụ dân biểu tình yêu nước chống Trung Quốc cướp nước vậy. Rồi khi vụ việc xẩy ra giữa thanh thiên bạch nhật trước con mắt của hàng ngàn con người giáo dân và lương dân, cũng như dân cư xung quanh và quan khách, các hãng truyền thông quốc tế, thì cơ quan truyền thông ở Việt nam của Nhà nước vốn chẳng đặng đừng đã phải làm những kịch bản “rửa mặt”.

Một ngày sau, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội đã làm được một bản tin với kịch bản của trò chơi 180 độ. Những quy kết, những công văn, những người trả lời phỏng vấn… được đưa lên nói lại những điều ngược với những gì người ta chứng kiến.

Lại còn cả việc “đánh nhân viên nhà nước trọng thương phải nằm bệnh viện”? Thật lạ lùng, khi giáo dân và linh mục hỏi những ai đã đánh người, cần đưa ra để lập biên bản, thì các cán bộ bảo: "Đó không phải là người của chúng tôi, họ ở đâu đến không biết” nên đã bị chất vấn “Trong khu vực các ông quản lý, tại sao người nào đánh người ngang nhiên lại bảo không biết”? thì họ nại ra là “khu vực này tới ba cơ quan và nhà dân đang chiếm giữ” nên đó không phải là người của chúng tôi. Tất nhiên, họ quên là hàng loạt công an nổi chìm đang đứng ngoài, nếu nghe điều đó, sẽ như việc nhục mạ họ về nghiệp vụ.

Vụ việc được yêu cầu lập biên bản, nhưng các cán bộ không chịu.

Vậy mà chỉ một ngày sau, đã có mấy “nhân viên nhà nước bị đánh trọng thương”? Chắc giáo dân phải đến hỏi thăm xem ai đã bị nạn chăng? Nếu có, chắc gì các đồng chí cán bộ đã dám chỉ ra? Vẫn biết cách tuyên truyền xưa nay của Cộng sản, nhưng quả thật không thể tưởng tượng được chiêu này.

Có thể ngay ngày mai, hàng loạt báo chí sẽ được câu gậy thần chỉ huy như một bầy rắn ngóc đầu lên để đồng loạt “nói lên sự thật” vốn đã được chế biến qua bàn tay của hệ thống Tư tưởng và Tuyên huấn. Nhưng những gì xảy ra, đã được người dân, và cả thế giới chiêm ngưỡng qua những hình ảnh sống động đã truyền đi trên khắp mạng lưới toàn cầu, dù họ có cho rằng đó là xuyên tạc sự thật, nhưng họ sẽ không thể có bằng chứng để chứng minh điều mình nói như những hình ảnh sống động kia.

Cái trò bịt miệng thiên hạ lại để chửi càn và phun máu đã lạc hậu từ lâu, may ra chỉ đánh lừa được đám dân đen đã bị chính sách ngu dân hóa mấy chục năm qua. Còn những người có hiểu biết, có lương tri, dù họ không nói ra, nhưng mấy khi lừa gạt được họ. Chỉ tổ làm cho họ thêm khinh bỉ mà thôi.

Với những người tín hữu, thì điều đó như một bằng chưng sống để họ củng cố “niềm tin yêu” vào Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Xưa nay, danh không chính thì làm sao để ngôn thuận được bao giờ.

Một ngày đã qua trong lịch sử, để đón nhận những ngày mới hứa hẹn đầy cam go và sắt máu với cái công văn của Thành phố Hà Nội buộc “tháo dỡ trước chiều ngày 27 tháng 1 năm 2008 chăng”?

Những người dân và tín hữu đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính họ, thì với họ, trò đấy cũng không thể khuất phục được lòng ai. Bởi một điều đơn giản: Sự khuất phục thể xác, không thể đem lại niềm tin yêu từ tâm hồn.

Hãy chờ xem, những màn nào sẽ được công diễn.

Hà Nội, Ngày 26 tháng 1 năm 2008
J.B. Nguyễn Hữu Vinh