PDA

View Full Version : N - Nghĩ về chuyện Tòa Khâm Sứ



Dan Lee
01-27-2008, 10:07 PM
Nghĩ về chuyện Tòa Khâm Sứ

Tin tức về vụ Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội hai hôm nay dồn dập truyền về. Chúng tôi ở Sài-gòn cũng nhấp nhổm không yên về những diễn biến ở thủ đô. Giờ này Công Đoàn Dân Chúa Hà Nội đang ở vào thế dầu sôi lửa bỏng. Chúng tôi ở xa hiện trường, không thể chứng kiến tận mắt để tường thuật với bạn đọc Ephata những sự việc lạ lùng này, chỉ xin chia sẻ vài cảm nghĩ.

Những gì đang diễn ra ở Tòa Khâm Sứ ( và ở Thái Hà, ở Hà Đông v.v... ) là hệ quả của quá trình Cách Mạng. Nhìn lại lịch sử các cuộc Đại Cách Mạng, như Cách Mạng Pháp ( 1789 ), Cách Mạng Nga và Liên sô ( 1917 về sau... ), Cách Mạng Trung Quốc ( 1949... ) thì thấy đều đi qua ba giai đoạn: một giai đoạn đầu phá hủy những cái cũ, tiếp đó là một giai đoạn gian nan và bề bộn để cho một xã hội khác trước thành hình, rồi sớm hay muộn, xã hội mới này bắt đầu đi vào giai đoạn phải xây dựng là chính, thì sẽ nhận ra rằng những điều trước đây đã phá hủy không phải điều nào cũng xấu, cũng có hại, trái lại, có những điều tốt, và có ích cho cuộc sống, nhưng vào giai đoạn phá hủy, người ta đã không phân biệt, khi đó sẽ phải tìm cách gây dựng lại những gì đã bị đả phá một cách oan uổng.

Mao Trạch Đông từng nói rằng Cách Mạng không phải là một cái gì tế nhị lịch sự như một bữa tiệc sang trọng. Cho nên cả ba giai đoạn đó đều để lại cho cá nhân và xã hội nhiều trăn trở quằn quại mới đạt được mục đích mình nhắm t1. Ở nước ta, phải chăng giai đoạn đả phá mang tên là “chuyên chính vô sản”, và giai đoạn xây dựng, trong đó có việc phục hồi nhiều giá trị đã mất, ngày nay kết tinh trong khẩu hiệy xây dựng xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thân phận của các cộng đồng tôn giáo trong quá trình Cách Mạng cũng đi qua ba giai đoạn đó. Cũng như ngày xưa chúng ta cải cách ruộng đất, rồi bao cấp, rồi bây giờ lại kinh tế thị trường nhiều thành phần. Cũng như ngày xưa kịch liệt phê bình Khổng Tử rồi bây giờ dựng lại Văn Miếu. Cũng như ngày xưa phá tán những di sản của dòng họ Nguyễn Tiên Điền rồi bây giờ xây đài kỷ niệm và bảo tàng Nguyễn Du v.v...

Vì có một thời “chuyên chính” nên Nhà Chung Hà Nội cứ nằm rạp trong cơn bão táp mà chịu mất Tòa Khâm Sứ. Đức Cha Nguyễn Văn Sang tường thuật trong “Hồi Ức”:

“Đến một ngày tất cả các thành phần trong Nhà Chung Hà Nội, từ Đức Giám Mục, các Linh Mục, nam nữ Tu Sĩ đều được chính quyền triệu tập ra trụ sở suốt từ sáng đến trưa. Khi các ngài về đến nhà vào khoảng 12 giờ trưa, đã thấy một bức tường cao ngăn giữa Tòa Giám Mục và Tòa Khâm Sứ được mọc lên, bên trên có gắn giây thép gai, còn chừa lại một khoảng trống, đủ để làm một lối nhỏ thông giữa Tòa Giám Mục với Tòa Khâm Sứ. Mọi người hằng ngày vẫn có thể qua lối này để sang cầu nguyện với Đức Mẹ tại núi đá bên Tòa Khâm Sứ.

Song sau một thời gian, chính quyền đánh tiếng đe dọa Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn rằng: phải tháo dỡ núi đá và tượng Đức Mẹ chuyển sang phía Nhà Chung, nếu để đó, họ sẽ không chịu trách nhiệm về việc các phần tử xấu có thể xâm phạm. Đức Hồng Y... đã vội vàng cho di chuyển núi đá và tượng Đức Mẹ về phía bên cạnh Tòa Giám Mục như chúng ta thấy ngày nay. Khi việc di dời kết thúc cũng là lúc bức tường ngăn được xây kín lại. Thế là: Đất lại có “Đai”. Chả hiểu những việc đó dựa trên cơ sở của luật nào, chỉ biết rằng căn bản của mọi sự là luật chuyên chính !”

Cũng vậy, cha già Vũ Ngọc Bích, DCCT, đành chịu mất mảnh đất ngày nay là Xí Nghiệp May Chiến Thắng, để rồi cho đến ngày chết vẫn nhất mực không chịu nhận là mình đã dâng hiến bất cứ cái gì. Cứ nói trắng ra rằng đó là do “chuyên chính” thì mọi sự sẽ rõ ràng thôi !

Ngày nay, qua giai đoạn chuyên chính rồi, thì người dân muốn lên tiếng, muốn tỏ thái độ. Và giai đoạn nào thì cũng có những quằn quại của nó. Giáo Dân trong suốt thời gian dài yên lặng xót xa cho di sản thiêng liêng của cha ông, của tiền nhân trong Đức Tin. Nhưng những mảnh đất xưa kia là đối tượng của “chuyên chính” lại cũng thành những con gà đẻ trứng vàng cho những ai đó.

Có nghĩa là ba giai đoạn Cách Mạng ấy không chỉ là những giai đoạn trong tư tưởng, mà nó còn được quy ra tiền, ra lợi lộc. Cũng Đức Cha Nguyễn Văn Sang đã cho thấy rõ điều ấy khi ngài tường thuật lại những cố gắng làm trung gian của mình. Nói cho cùng thì sự tiền bạc và lợi lộc đang chi phối xã hội này thì ai cũng biết.

Nếu nói về quyền lợi, thì hiển nhiên các vị Giáo Sĩ và Tu Sĩ ở Hà Nội chẳng có mấy quyền lợi vật chất trong vụ việc này. Nếu chỉ có cá nhân các vị thì chẳng cần gì phải nhiều đất, mỗi người vài mét vuông cũng đủ, Giáo Dân cũng chẳng có quyền lợi vật chất gì ở đây, họ chẳng sở hữu, chẳng kinh doanh, chẳng bán chác cái gì cả. Ở đây họ chỉ tha thiết với những giá trị tinh thần và tâm linh là những thứ mà xã hội đã quá nhiều lần coi nhẹ, đã lãng quên quá nhiều, nhưng ngày nay đang rõ là cái cộng đồng đang thiếu và đang cần. Và họ đã nồng nhiệt và cảm thấy như được cởi trói đến vậy, vì tâm linh của họ đã bị dồn nén quá lâu.

Cho tới lúc này, rạng sáng thứ hai 28.1.2008, chưa biết được những vụ việc ở Hà Nội sẽ ngã ngũ ra sao. Những tình trạng đó nếu không xảy ra ở chỗ này thì cũng xảy ra ở chỗ khác. Trong sự vận hành chung của xã hội, tùy theo người ta có tìm ra được những giải pháp thỏa đáng, gọn gàng hay không, mà những phiền toái, ẩn ức sẽ được tiết kiệm hay sinh sôi nẩy nở.

Sài-gòn 28.1.2008
Lm Vũ Khởi Phụng DCCT