PDA

View Full Version : Giỗ Tổ Hùng Vương - Đền Hùng



delta
01-29-2008, 02:42 PM
Giỗ Tổ Hùng Vương

28 tháng tư 2004 (10 tháng 3 năm giáp thân)

Đền Hùng

Một nước trong quá trình lịch sử, có thể có nhiều triều đại, với nhiều vua chúa, nhiều thể chế, với nhiều nhà lãnh đạo, nhưng con dân chỉ có một Quốc Tổ mà thôi ... Giỗ Tổ là một hình thức biểu lộ tình yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam trong tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Ngày Mồng Mười Tháng Ba năm giáp thân (28 tháng 4 năm 2004), toàn thể Thành Viên Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt cùng với Đồng Bào Việt Nam không phân biệt tôn giáo, chính trị, giới tính, tuổi tác, giàu nghèo, trong hay ngoài nước ... kính cẩn dâng hương trước Bàn thờ Quốc Tổ nhân ngày lễ Giỗ Tổ lần thứ 4883.

“Dù ai buôn bán ngược suôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày Giỗ Tổ tháng ba thì về.”

Hùng Vương

Tiểu sử: Hùng Vương là tên gọi chung 18 đời Vua Hùng trong họ Hồng Bàng (2879-258 tr. Tây lịch). Nếu kể cả Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, có tất cả 20 đời Vua trong họ Hồng Bàng.
Theo truyền thuyết, Đế Minh là cháu 3 đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, lấy Tiên sinh ra Lộc Tục. Vua phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam tức Kinh Dương Vương.
Kinh Dương Vương kết hôn với Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm nối ngôi vua, xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân cưới bà Âu Cơ sinh được 100 con trai. Về sau, 50 con theo cha xuống biển và 50 con theo mẹ lên núi, đi về phương Nam lập ra nước Văn Lang.
Người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu, chia nước ra làm 15 Bộ, cha truyền con nối theo chế độ Phụ Đạo, có quan Lạc Tưóng, Lạc Hầu phụ tá và quan Bồ Chính là chức quan nhỏ trông coi Lạc dân, và gọi con trai là Quan Lang, con gái là Mỵ Nương. Hùng Vương truyền ngôi được 18 đời.
Công đức: Các vị vua Hùng có công lập nên nước Văn Lang, tức là nước Việt Nam ngày nay, nên gọi là Quốc Tổ Hùng Vương.
Đền thờ: Trên núi Ngũ Lĩnh, Huyện Phong Châu, Tỉnh Phú Thọ (Vĩnh Phú) Bắc Việt. Tại Hoa Kỳ, Đền Hùng ở Lillte Sàigòn do Hội CNAM thờ phụng.
Ngày Kỷ Niệm: Ngày mồng 10 tháng 3 Âm Lịch mỗi năm.

________________________________________
____________________

Nhân ngày Giỗ Tổ, tản mạn về
Người Việt Thời Cổ Sử

Người Việt thời Hồng Bàng (2879-258 tr.TL)
Theo truyền thuyết và theo các cuộc nghiên cứu cổ sử về nguồn gốc người Việt Nam, tổ tiên chúng ta thuộc về một giống người Việt xuất hiện rất sớm (khoảng 3000 năm trước Tây Lịch), ở miền Tây Tạng phía Bắc Trung Hoa, sống rải rác với các giống người Hán và người Tam Miêu.
Về sau, giống Hán hùng mạnh lên đã đánh đuổi người Tam Miêu xuống phía Nam. Giống Việt sống về nghề chài lưới và trồng lúa nước, đã di cư theo người Tam Miêu về phương Nam và lập ra một nước riêng biệt lấy tên là Văn Lang (Văn có nghĩa là văn vẻ, có học vấn, có văn hiến - Lang là một thứ ngọc thạch). Nước Văn Lang rất rộng lớn, phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành). Nước Văn Lang được thành lập vào năm 2879 trước Tây Lịch, tính tới năm 2004 đã được 4883 năm nên tính tròn là năm ngàn năm.
Giống người Việt bao gồm nhiều Bộ Tộc mà người Hán gọi chung là Bách Việt (Bách có nghĩa là nhiều, không nhất thiết là con số 100, giống như Bách tính là trăm họ, có nghĩa là dân chúng hay nhân dân). Người Việt Nam thuộc về Bộ Tộc Lạc Việt, cũng có tên khác (do người Hán gọi) là người Giao Chỉ.
Vị vua đầu tiên lập ra nước Văn Lang là Kinh Dương Vương, và vị vua kế tục là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân kết hôn với Bà Âu Cơ, theo truyền thuyết đã sinh ra 100 người con trai. Nước Văn Lang còn có tên gọi là Xích Quỷ (có lẽ do người Hán gọi như thế vì thấy người Lạc Việt có phong tục vẽ mình và nhuộm răng đen, ăn trầu ...).
Cũng theo truyền thuyết, Lạc Long Quân đưa 50 con xuống biển và Bà Âu Cơ đưa 50 con lên rừng. Truyền thuyết này có lẽ ám chỉ một biến cốù trọng đại nào đó đã xẩy ra đối với nước Văn Lang, và suốt mấy trăm năm ở thời kỳ thượng cổ này, lịch sử chìm trong quên lãng được gọi là thời khuyết sử (thời khuyết sử cũng giải thích sự vô lý về triều đại Hồng Bàng từ năm 2879 tới năm 258 trước Tây Lịch, tổng cộng 2622 năm chia cho 20 đời vua, mỗi đời vua trị vì tới 150 năm là điều khó xẩy ra).
Trong thời khuyết sử, có lẽ các Bộ tộc Việt (Bách Việt) thiếu đoàn kết và thôn tính lẫn nhau, nên chính trị gia thời đó đã nêu lên truyền thuyết Mẹ Âu Cơ sinh ra một bọc một trăm trứng, nở ra một trăm con, với mục đích tuyên truyền, kêu gọi các bộ tộc Việt đoàn kết với nhau vì cùng là anh em cùng một mẹ.
Tộc Lạc Việt trong nhóm Bách Việt, phân nửa đã di cư thêm một lần nữa từ vùng Động Đình Hồ, Lưỡng Quảng tới vùng châu thổ sông Hồng, đồng hóa những dân tộc sống lâu đời ở đây, vẫn giữ tên nước là Văn Lang, lập nghiệp và sống yên bình hàng ngàn năm. Nước Văn Lang bấy giờ, biên cương bị thu hẹp lại giới hạn ở miền Bắc và vài tỉnh phía bắc Trung phần VN ngày nay, kinh đô đóng ở Phong Châu, do các vị Vua Hùng dựng nên và trị vì theo chế độ phụ đạo cha truyền con nối, chia nước ra thành 15 Bộ, có các quan Lac Tướng, Lạc Hầu phụ tá, các Quan Bồ Chính phụ coi sóc dân, và gọi con trai (hoàng tử) là Quan Lang, con gái (công chúa) là Mị Nương.
Người Việt Nam nhớ ơn các vị vua Hùng đã có công xây dựng nước Văn Lang, nên đã xây đền thờ trên núi Ngũ Lĩnh (Phú Thọ) để thờ phụng. Hàng năm đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, dân chúng lại kéo nhau lũ lượt trẩy Hội đền Hùng, và cùng tôn vinh Vua Hùng là Quốc Tổ.
Tới năm 214 trước Tây Lịch, Vua Tần Thủy Hoàng sai tướng Đồ Thư đem quân đi đánh lấy Bách Việt. Nước Âu Lạc (Nhà Thục) cũng xin thần phục nhà Tần. Vua Tần chia đất Bách Việt và đất Âu Lạc ra làm 3 Quận là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây), và Tượng Quận (Âu Lạc). Như vậy, toàn thể đất Văn Lang (cũ và mới) tức đất Xích Quỷ thời Kinh Dương Vương đều bị phụ thuộc vào nhà Tần. Đây cũng là lý do tại sao người Việt luôn luôn cay đắng, muốn đòi về Lưỡng Quảng là phần đất của Tổ Tiên.
Cũng xin nói thêm, dân Bách Việt (trong đó có Lạc Việt), vì hoàn cảnh sinh sống phải ép mình ở lại phần đất Quảng Đông Quảng Tây, đã không chịu khuất phục nhà Tần, nên trốn vào rừng ở và nổi dậy giết Đồ Thư dành tự chủ. Thời nhà Triệu những người gốc Việt (người Nam Việt) ở Quảng Đông và Quảng Tây đã chống cự lại sự xâm lăng của nhà Hán rất mãnh liệt, và thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, những người gốc Việt ở Hợp Phố (Quảng Đông) đã cùng theo Hai Bà nổi dậy.
Thời nhà Tần xâm lăng Bách Việt tương đương với thời Vua An dương Vương Thục Phán (257-207 tr.TL) đã chiếm được nước Văn Lang của các vị vua Hùng và lập ra nước Âu Lạc.
Họ Hồng Bàng (2879-258 tr.TL) làm vua nước Văn Lang, tương đương với các đời vua bên Tàu từ vua Hoàng Đế (2697-2597 tr.TL) là vị khai sáng ra nước Tàu, tới vua Nghiêu (2357-2257 tr.TL), vua Thuấn (2256-2208 tr.TL), vua Vũ (2205-2197 tr.TL), vua Thang (1783-1754 tr.TL), Văn Vương (1186-1135 tr.TL), Vũ Vương với nhà Chu (1134-770 tr.TL), Đời Xuân Thu (722-481 tr TL), đời Chiến Quốc (403-256 tr.TL). Cũng nên biết thêm, đời Chiến Quốc bên Tàu vừa chấm dứt thì 1 năm sau ở phương Nam họ Thục (Thục Phán) chiếm nước Văn Lang. Đến khi nhà Tần mất ngôi năm 206 tr. TL (nhà Tiền Hán lên làm vua phương Bắc) thì cũng một năm sau ở phương Nam, nhà Thục (Thục Phán) cũng bị mất nước Âu Lạc vào tay Triệu Đà (năm 207 tr.TL). Triệu Đà lập ra nước Nam Việt (207 tr.TL). Đến năm 111 tr.TL nước Nam Việt bị nhà Hán thôn tính, trong đó nước Âu Lạc là một thành phần của nước Nam Việt nên cũng bị nội thuộc vào nhà Hán.
Trong suốt thời gian 2768 năm dựng nước (2879-111 tr.TL), người Lạc Việt đã can trường khắc phục thiên nhiên lập ra nước Văn Lang rộng lớn, và sau đó thu hẹp ở vị trí an toàn xa cách vùng ảnh hưởng của tộc Hán (gồm 15 Bộ ở Bắc Việt và bắc Trung Việt), rồi trở thành Âu Lạc, cũng như thuộc về nước Nam Việt. Mặc dù không biết rõ về tổ chức chính trị, quân sự và Xã Hội người Việt thời Thượng Cổ, nhưng xuyên qua các câu chuyện cổ tích và cách cư xử của người Hán đối với người Việt, chúng ta có thể hình dung ra một giống người Việt thời thượng cổ lập quốc đã có một nếp sống văn minh ,biết làm binh khí bằng đá (thời đá mài), biết đúc trống đồng (thời đồ đồng), chế thuyền đánh cá, trồng lúa nước, kinh doanh (truyện dưa hấu). Ngoài ra, người Việt còn mang một tinh thần bất khuất, cương quyết chống lại sự đồng hoá của tộc Hán, và có tài ngoại giao khôn khéo giữ vững được biên cương cũng như sự tự chủ của dân tộc dù cho phải sát nhập vào nước mới thành lập là Âu Lạc hay Nam Việt.

Người Việt thời Nhà Thục (257-207 tr.TL)
Sử cho biết Thục Phán không phải là người Việt, nhưng sau khi chiếm được nước Văn Lang đã sát nhập vào phần đất của mình ở phía Bắc (thuộc Quảng Tây?) lập ra nước Âu Lạc rồi xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Phong Khê và đem văn hóa ở quê hương cũ hoà mình đồng hoá với văn hóa của tộc Việt, để lo phát triển quê hương mới thành một nước hùng cường, tự trị với Bắc phương lúc đó do nhà Tần làm vua (Sau nhà Thục xin thần phục nhà Tần, nhưng vẫn giữ được quyền tự trị).
An Dương Vương xây Loa thành năm 255 tr.TL. Đây là một kiến trúc vừa mới lạ, vưà hiện đại thời bấy giờ, gồm có một toà thành cao, rộng hàng nghìn trượng, xây theo đường cuốn trôn ốc.
An Dương Vương còn biết xử dụng tên nỏ bằng tre, tên nhọn bịt đồng. Ngoài ra theo truyền thuyết, An Dương Vương có nỏ Thần (Nỏ liên thanh bắn một phát ra hàng trăm mũi tên rất chính xác?), khiến quân của Nhâm Ngao và Triệu Đà đánh không nổi. Sau Triệu Đà phải dùng kế “gián điệp”, giả vờ hòa và sai con trai là Trọng Thủy xin cầu hôn lấy công chúa nước Âu Lạc là nàng Mỵ Châu. Trọng Thủy dò hỏi được bí mật chiếc “nỏ thần”, đã mưu phá hư bộ phận lẫy nỏ, vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của quân đội nhà Thục, nên Triệu Đà đã chiếm được nước Âu Lạc để lập ra nước Nam Việt.
Bàn về câu chuyện nỏ thần, có hai ý kiến dựa theo khoa học ngày nay:
• Có thể người phát minh ra “nỏ thần” (Cao Nỗ?) đã chế ra đươc một chiếc nỏ “liên thanh” tương tự như súng Đại Liên hay Trung Liên ngày nay.
• Có thể người phát minh ra “nỏ thần” đã phát minh ra một dàn phóng tên bay (phi Tiễn), hoặc tên lửa (hỏa tiễn), bắn một phát ra hàng trăm mũi tên một lúc, có khả năng sát hại hàng trăm địch thủ. Vấn đề đặt ra là các mũi tên nhỏ (đào thấy rất nhiều ở vùng Cổ Loa) được sắp xếp thế nào để có thể bắn ra liên tục, hoặc bắn ra cùng một lượt? Có thể các mũi tên nhỏ bằng đồng được xếp sẵn trong một cái ống xoay quanh một trục (tựa như súng roulette), các mũi tên được phóng đi bằng sức hơi ép? Cũng có thể các mũi tên đồng được nhồi trong một chiếc ống như đầu viên đạn ngày nay, phía sau có vỏ đạn chứa thuốc nổ. Bộ phận kích hỏa (lẫy nỏ) làm nổ và gây sức ép bắn các mũi tên đi tương tự như ta bắn súng phóng lựu hay hỏa tiễn ngày nay? Nếu đúng vậy, người Lạc Việt phải được coi là cha đẻ của Hỏa Tiễn mới đúng!
Người Việt thời Âu Lạc nhà Thục, quả đã tiến bộ thêm một bực, nhờï giao lưu văn hóa giữa người Lạc Việt và các giống người phương Bắc đã thấm nhuần văn minh Hán tộc. Người Việt thời Nhà Thục còn hãnh diện về kiến trúc Loa thành có một không hai trong các kiến trúc thành quách trên thế giới. Ngoài ra, người Việt thời nhà Thục với Nỏ Thần, đã rất hãnh diện không những về phát minh khoa học (làm được nỏ liên thanh), mà câu chuyện nỏ thần với mối tình Mỵ Châu Trọng Thủy đã gây nhiều cảm hứng cho người đời sau về chuyện Tình Mỵ Châu Trọng Thủy, vừa thương tâm, vừa lãng mạn, hay hơn bất cứ chuyện tình nào trên thế giới.
Người Việt thời Nhà Triệu (207-111)
Nhà Triệu lập ra nước Nam Việt, bao gồm các Quận Nam Hải (Quảng Đông) và Tượng Quận (Âu Lạc).
Việt Nam Sử Lược (Trần Trọng Kim) viết: “Chẳng được bao lâu thì nhà Tần suy, nước Tàu có nhiều giặc giã, ở quận Nam Hải có quan úy là Nhâm Ngao thấy có cơ hội, muốn mưu đánh lấy Âu Lạc để lập ra một nước tự chủ ở phương Nam. Nhưng công việc chưa thành, thì Nhâm Ngao mất. Khi sắp mất, Nhâm Ngao giao binh quyền lại cho Triệu Đà để thay mình làm quan úy quận Nam Hải.”
Năm Quí Tị (208 tr.TL) là năm thứ 50 đời vua An Dương Vương. Triệu Đà đem quân sang đánh lấy nước Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt.
Như vậy, nước Nam Việt là một nước mới, được Triệu Đà thành lập sau khi sát nhập Quận Nam Hải (nơi Triệu Đà trấn nhậm) với nước Âu Lạc. Trường hợp này giống như Thục Phán đánh chiếm Văn Lang rồi sát nhập vào phần đất của họ Thục để thành lập ra nước Âu Lạc. Chỉ có sự khác biệt là họ Thục đóng đô ở Phong Khê (thuộc phần đất Văn Lang), trong khi họ Triệu đóng đô ở Phiên Ngung thuộc Nam Hải là lãnh thổ của họ Triệu.
Các Sử gia cũ như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Trần Trọng Kim…đều coi Nhà Triệu như một nhà chính thống trong Sử Việt.
Ngược lại, Ngô Thời Sĩ trong Việt Sử Tiêu Án, cũng như một số nhà viết sử hiện nay đều cho rằng nước ta bị Bắc Thuộc tức Nội thuộc nhà Triệu (Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn), hoặc Ngoại Thuộc nhà Triệu (Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam - Phạm Cao Dương).
Dù nước ta bị “nội thuộc” hay “ngoại thuộc” nhà Triệu, người Việt sinh sống tại phần đất Âu Lạc cũ, được Triệu Đà đối xử tử tế, khác với thời lệ thuộc nhà Hán hay lệ thuộc Pháp sau này (Triệu Đà chỉ cử hai viên sứ thần đến để trông coi sổ sách và thu thuế). Có thể nói người Việt trong thời gian này được sống “tự trị”, giữ nguyên tổ chức xã hội, phong tục tập quán cũ.
Còn người Nam Việt thì sao? Người Nam Việt có liên hệ gì với người Lạc Việt thuộc Âu Lạc (khi chưa mất nước)? Nếu giả thuyết có nước “Xích Quỷ”; nếu giả thuyết thuở Kinh Dương Vương lập quốc, người Lạc Việt và người Bách Việt có liên hệ chủng tộc, và nếu giả thuyết cương thổ nước ta thời khởi thủy rộng tới Động Đình Hồ, bao gồm luôn Lưỡng Quảng, thì chúng ta cũng có thể nêu lên giả thuyết coi người Nam Việt và Lạc Việt là “đồng bào”. Lữ Gia là người Nam Việt, nên đã cương quyết chống lại người Tàu (nhà Hán). Triệu Đà là người Tàu, làm vua nước Nam Việt, chỉ là một nhà “cai trị”, đại diện cho giai cấp “thống trị” như một số các nhà viết Sử nhận xét, vì thế chính thể nước Nam Việt thời đó rất đặc biệt: “Vua Tàu”, “dân Việt”, nước “Liên Bang” (khá giống Liên Bang Xô Viết đã bị sụp đổ ngày nay?).
Khả năng đồng hóa của người Việt thời Triệu Đà rất mạnh. Chính bản thân Triệu Đà đã bị phong tục tập quán người Nam Việt “đồng hoá” nên khi tiếp Sứ giả nhà Hán, ông đã ngồi “xếp vòng tròn” (một thói quen của người Việt).
Người Nam Việt chính là kẻ thù của nhà Hán (người Tàu). Nước Nam Việt nếu may mắn không bị người Tàu (Nhà Hán) xâm lăng và đô hộ, thì cho đến nay người Lạc Việt và người Nam Việt có lẽ đã hoà đồng thành một khối, và nước Việt Nam ta bao gồm luôn Lưỡng Quảng, được cường thịnh từ lâu rồi (đúng với mộng ước của người Anh Hùng Tây Sơn Nguyễn Huệ)!
Nói tóm lại, người Việt trải qua các thời đại từ Hồng Bàng, Nhà Thục tới Nhà Triệu, luôn luôn tỏ ra là một dân tộc có trình độ văn minh, với tinh thần “dĩ hoà vi quý”, nhưng lại bất khuất trước kẻ thù. Người Lạc Việt và người Bách Việt (sau thành người Nam Viêt) có nhiều điểm giống nhau về phong tục tập quán và tiếng phát âm, nên có thể có sự liên hệ về nguồn gốc và nòi giống.
Chúng ta rất hãnh diện về nòi giống Việt, nhờ có tiếng nói và nền văn hoá đặc thù và nhờ “văn chương truyền khẩu qua ca dao tục ngữ”, nên đã có khả năng sống tự cường độc lập, và khả năng “đồng hóa” những dân tộc sống tiếp cận. Cũng nhờ thế, người Việt giữ vững được nước, không bị Hán hóa dù phải chịu hàng ngàn năm Bắc thuộc.

Song Thuận

Tài liệu tham khảo:
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Nhà Xuất Bản KHXH 1998
- Việt Nam Sử Lược - Trần Trọng Kim - NXB Miền Nam 1971
- Việt Sử Toàn Thư - Phạm Văn Sơn - Tủ Sách Sử học
- Lịch Sử Dân tộc VN - Phạm Cao Dương - Truyền Thống Việt 1987
- Những Câu Chuyện Việt Sử - Trần Gia Phụng - tập 2, 1999
- Nho giáo - Trần Trọng Kim - Tập 1,
- Trung Quốc Sử Cương - Phan Quang - Đại Nam xuất bản
:alert:

delta
01-29-2008, 02:44 PM
Vua Hùng Dựng Nước


Vua Hùng dựng nước Văn Lang
Năm ngàn năm trước, huy hoàng trời Đông
Giang san một dải mênh mông
Bắc phương Hán tộc, Nam phương Lạc Hồng
Động Đình là ải biên cương
Phía Tây Ba Thục, tiếp dòng Trường Sơn!
Phía Nam giáp với Hồ Tôn
Nhìn ra Nam Hải, sóng dâng vơi đầy…
Bộ tộc Lạc Việt anh tài
Mình xâm rồng rắn khiếp loài kình ngư
Phong Châu là chốn kinh đô
Lạc Hầu, Lạc Tướng giúp vua trị vì
Các quan Bồ Chính, trưởng chi
Coi sóc làng xóm, vỗ về Lạc dân
Thuở còn trời đất hỗn mang
Nhà sàn ta ở, sống gần văn minh!
Cha truyền con nối yên bình
Chính trị "phụ đạo", dân tình thuần lương.
Hoàng Tử tên gọi Quan Lang
Mị Nương: công chúa, cành vàng ngày xưa
Hồng Bàng là họ nhà vua
Hăm sáu thế kỷ (2622 năm)
Trải qua hai mươi đời.
Thuần phong mỹ tục sáng ngời
Tổ Tiên: thờ phụng, Đạo Trời: niềm tin.
Đời đời tiết liệt trung trinh
Tinh thần bất khuất, đấu tranh chẳng sờn!

Ông cha dựng nước oai hùng
Cháu con hãnh diện, dốc lòng biết ơn
Ai ơi! Uống nước nhớ nguồn
Ăn quả nhớ kẻ vun trồng nên cây!

Vương Sinh

________________________________________
____________________

Thơ Xướng Họa: Giỗ tổ Hùng Vương

Công Đức Quốc Tổ

Quốc Tổ Hùng Vương dựng nghiệp nhà
Văn Lang truyền thuyết nước Nam ta
Phong Châu tên gọi kinh thành cũ
Ngũ Lĩnh là nơi biên ải xa
Thắt nút trị dân thời bình trị
Vung gươm đánh giặc lúc can qua
Tổ Tiên giữ nước bao công sức
Con cháu chung lòng kiến quốc gia
Vương Sinh

Nhớ Ngày Giỗ Tổ

Mỗi Giỗ ta đau, nhớ đất Nhà
Việt gian bán nước nước Nam ta
Danh lam Bản Dốc đâu còn nữa
Cửa ải Nam Quan biến mất xa
Thắt họng hại dân, trời chứng kiến
Bạo quyền phản Tổ, đất coi qua
“Tổ tiên giữ nước bao công sức”
Một thoáng tan tành nát quốc gia.
Anh Tú

Giỗ Tổ

Giỗ Tổ Hùng Vương khắp mọi nhà
Hướng về tưởng nhớ một lòng ta
Trầm khơi thơm toả Ba Vì ngát
Nến thắp sáng soi Tam Đảo xa
Cho giống anh hùng truyền thụ lại
Để nòi bất khuất kế thừa qua
Ảo huyền Nghĩa Lĩnh non thần đó!
Một chốn linh thiêng dựng thế gia

Sơn Khê
:alert: