PDA

View Full Version : Asia 57 Thế Giới Tình yêu - Duy Khiêm



delta
01-29-2008, 04:17 PM
ASIA 57 chủ đề “THẾ GIỚI TÌNH YÊU”

http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/ASIA57PROMO.jpg

sẽ được phát hành ngày "TÌNH YÊU" (Valentine Day) 14 tháng 2 năm 2008.

Duy Khiêm

Hí viện Long Beach Terrace Theater tại miền Nam Cali hôm nay lại tưng bừng nhộn nhịp như ngày trẩy hội vì với hai xuất hát của Trung Tâm Asia trực tiếp thu hình cho DVD Asia 57 diễn ra trong không khí tưng bừng của mùa lễ lạc cuối năm 2007, quan khách đến tham dự thật đông đảo và đường vào parking lot xe vào tấp nập.

Nhìn vào poster Asia Show 57, những dòng chữ tạo cho người xem một ấn tượng với chủ đề nổi bật là ca ngợi "Thế Giới Tình Yêu". Tình yêu là đề tài gắn liền với con người muôn thuở. Cuộc sống không có tình yêu thì con người như vô vị, như khô héo, dù sự gắn bó đó là tình thương giữa ông bà, cha mẹ và con cái, tình yêu dành cho quê hương, đất nước, cho tha nhân, tình yêu dành cho tôn giáo và nhất là tình yêu về đôi lứa. Tình yêu vốn mang đặc tính trừu tượng nối kết hai tâm hồn hoặc là nối kết tâm hồn với yếu tố siêu hình hay tâm linh, như khi nói về quê hương hay tôn giáo.

Khắp mọi nơi trên mặt địa cầu thì mọi người đều đã diễn tả và biểu lộ tình yêu theo nhiều hình thức cá nhân, những cảm tính cá biệt, bằng cách này hay cách khác, tùy hoàn cảnh hay địa hình hay địa vật, tùy theo ngôn ngữ diễn tả, hay phong tục hoặc tập quán tùy mỗi nơi có thể khác nhau, nhưng chung quy thì vẫn có thể nói rằng tất cả dành cho những cảm xúc dâng tràn nội tâm hay những rung động bâng khuâng được phát xuất từ con tim, để trao cho nhau những lời nói ngọt ngào, hay dịu dàng từ đáy lòng, hay ít ra những cái liếc mắt đưa tình mà đối tượng có thể cảm xúc được. Cho nên từ những nguồn cảm hứng, những rung động thổn thức dạt dào mà những văn nhân, những thi sĩ, những nhạc sĩ thường đem hết khả năng và tim óc với sự đam mê, với hứng khởi, hoặc ngay cả những kinh nghiệm trên tình trường mà mình đã gặp dù hạnh phúc hay khổ đau để sáng tác để đời những tác phẩm ngọt ngào hay cay đắng. Nhạc tình chan chứa cả kho tàng âm nhạc, trong nhiều bài ca đó bây giờ được chương trình Asia 57 đem ra trình làng qua chủ đề rất luyến lưu "Thế Giới Tình Yêu". Chương trình đã diễn ra khá dài, hơn 5 tiếng đồng hồ, với 60 tiết mục bao gồm rất nhiều chi tiết về các bài hát, phỏng vấn ca sĩ, trình chiếu video clips tài liệu, hài kịch, những giai thoại về văn học, vinh danh những tác giả sáng tác, và tất cả được tóm tắt qua 27 bài hát tiêu biểu về nhạc chủ đề như đã nói.

Một trong những chương trình đại nhạc hội rất thành công của Trung Tâm Asia là “Thế Giới Tình Yêu” (15 tháng 12, 2007) đã được thực hiện thành một bộ DVD Asia 57 để chuẩn bị phát hành khắp nơi trên thế giới vào dịp lễ “Ngày Tình Yêu” năm nay như sự mong đợi của rất nhiều khán thính giả suốt hai tháng trời vừa qua.

Đây là một chương trình hoàn toàn mới lạ về nhiều mặt với chủ đề ca ngợi “Thế Giới Tình Yêu” ở khắp mọi nơi. Có thể nói là từ ngàn xưa khi vừa mới mở mắt chào đời thì chúng ta đã có tình yêu. Tình yêu thương giữa cha mẹ, ông bà, con cái, tình yêu quê hương, đất nước, tha nhân. Khắp thế giới mọi người đã diễn tả và biểu lộ tình yêu theo nhiều cách khác nhau tùy theo địa hình, địa vật, ngôn ngữ, phong tục, tập quán… Tất cả những rung động, cảm xúc ấy đều phát xuất từ con tim để trao gửi cho nhau và được tạo thành những tác phẩm âm nhạc tuyệt vời trong bộ DVD Asia 57 này.

Điểm nổi bật hơn hết của Asia 57 là thành phần ca sĩ rất trẻ trung và chọn lọc. Những ca sĩ nhiều tuổi nhất trong chương trình này là Tam Phương (Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc), Vũ Khanh và kế tiếp là Bảo Yến, Nhã Phương, Tuấn Vũ. Số ca sĩ còn lại đều là những ca sĩ trẻ thuộc thế hệ đàn em, đàn cháu, đa số đều lớn lên ở hải ngoại sau này. Đặc biệt kỳ này sẽ có sự xuất hiện trở lại của nhóm tứ ca Asia 4 (nguyên thủy ngày xưa) sau một thời gian dài vắng bóng trên sân khấu Asia.

Các bài hát chọn lọc cho chủ đề “Thế Giới Tình Yêu” cũng rất đa dạng và phong phú bao gồm những bài hát về nói về tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương đất nước như “Paris có gì lạ không em?” của Nguyên Sa và Ngô Thụy Miên, “Khúc Thụy Du” của Anh Bằng và Du Tử Lê, “Kiếp Cầm Ca” của Huỳnh Anh, “24 Giờ Phép” của Trúc Phương, “Cà Phê Một Mình” của Ngọc Lễ, Phương Thảo, “Tình ca” của Phạm Duy, Liên Khúc “Tình Yêu” của Vũ Thành An và Trịnh Công Sơn.v.v…Được biết đó là những bài hát đã được rất nhiều khán giả viết thơ về yêu cầu Trung Tâm Asia thực hiện. Đây cũng là một chương trình rất tốn kém về nhiều mặt kỹ thuật, nghệ thuật so với các chương trình trước kia, nên chắc chắn sẽ khiến cho khán giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau hài lòng.

Điểm đặc sắc khác của chương trình này là rất ít những đoạn video clips tài liệu để mang đến những hình ảnh sống động cho những bài hát gây nhiều xúc động. Riêng phần phỏng vấn 11 ca sĩ của chương trình này sẽ là những phần rất hấp dẫn, khiến cho khán giả sẽ chú ý thật nhiều đến lời ăn, tiếng nói, bộ điệu, những suy nghĩ, cảm tưởng, kinh nghiệm, kỷ niệm vui buồn của họ. Mỗi người một vẻ từ Phương Hoài Tâm, Don Hồ, Như Quỳnh, Dạ Nhật Yến, Trish, Thùy Hương đến Cardin, Spencer, Đặng Thế Luân, Quốc Khanh và Nguyễn Hồng Nhung đã để lại những ấn tượng đáng nhớ trong lòng khán giả khắp nơi.

Liên khúc mở màn luôn luôn là những âm thanh, hình ảnh, màu sắc sống động để lôi cuốn mọi người vào chương trình với những ca sĩ trẻ trung qua những tình khúc bất hủ và thấm sâu vào lòng người từ nhiều năm qua của các nhạc sĩ Vũ Thành An và Trịnh Công Sơn. Ðặc biệt là 6 ca sĩ hát liên khúc mở màn “Thế Giới Tình Yêu” là Lâm Thúy Vân, Thiên Kim, Như Quỳnh, Nguyễn Hồng Nhung, Don Hồ và Quốc Khanh đã mặc những bộ y phục đại diện cho 5 châu lục địa như Á, Âu, Mỹ, Phi, Úc nên đã hấp dẫn người xem từ những giây phút đầu tiên của chương trình.

Bài hát "Paris Có gì Lạ Không Em", một trong những "top hits" của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, bài nhạc được phổ từ thơ của thi sĩ Nguyên Sa. Hãy nghe:

"Paris có gì lạ không em
Mai anh về, em có còn ngoan”

Và sự lãng mạn đáng yêu:
"Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
Tóc em anh sẽ gọi là mây…
Ngày sau hai đứa mình xa cách
Anh vẫn được nhìn mây trắng bay"

Theo video clip trình chiếu, nhà thơ Nguyên Sa có tên thật là Trần Bích Lan, sinh năm 1932 sau là giáo sư Triết Học và hiệu trưởng tư thục Văn Học, cũng là giáo sư Ðại Học Văn Khoa ở Sài Gòn. Nguyên Sa là một trong những nhà thơ nổi bật của hậu bán thế kỷ 20. Thơ tình của Nguyên Sa vẫn là nét quyến rũ trong văn chương lãng mạn và mang nét nhạc tính. Theo lời tâm sự của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên khi ông phổ nhạc bài thơ này như sau, trích từ trang Ðặc Trưng:

"Những năm 60, 70, bọn trẻ chúng tôi dù trưởng thành trong khói lửa chiến tranh, có ai không mơ một ngày được đặt chân đến Paris, được cùng người yêu dạo chơi phố phường Paris, hay lang thang bên bờ sông Seine nhớ đến một cuộc tình... Paris như một lời kêu gọi, một nơi chốn tìm về cõi tình yêu. Từ những mộng ước đó, bản nhạc thứ hai tôi phổ từ thơ Nguyên Sa đã thành hình. Có những bài thơ khi muốn phổ nhạc, người nhạc sĩ phải tìm điệu nhạc để chuyên chở ý thơ, hoặc phải thay đổi lời thơ để nhập vào ý nhạc... Riêng "Paris Có Gì Lạ Không Em" khi đọc lên tôi đã nghe phảng phất tiếng phong cầm rộn rã của nhịp 3 luân vũ. Trên phím dương cầm, giòng nhạc dồn dập, chạy dài trên 10 đầu ngón tay, tôi đã hoàn tất phổ bài thơ trong một ngày đầu xuân năm 1971".

Vào năm 1949 Nguyên Sa được gia đình gửi sang Pháp du học. Năm 1953 ông theo học Triết Học ở Đại học Sorbonne. Lập gia đình năm 1955 với cô Trịnh Thúy Nga ở Paris, đầu năm 1956, vợ chồng trở về Sài Gòn. Ông chọn Bút hiệu Nguyên Sa từ thời ở Pháp, mà ông giải thích rằng tất cả cuộc đời chỉ là một hạt cát, chữ Nguyên Sa có nghĩa là một hạt cát nguyên vẹn.

Giáo sư Trần Bích Lan từng dạy Triết cho nhiều trường trung học và Đại học Văn Khoa ở Saigon, sau này ông mở trường Văn Học trên đường Phan Thanh Giản. Năm 1966 nhập ngũ Khóa 24 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, phục vụ tại Trường Quốc Gia Nghĩa Tử từ năm 1967 đến tháng 4 năm 1975. Ông viết nhiều thể loại, từ truyện dài, truyện ngắn, sách nghiên cứu về Triết học, nhưng nổi tiếng nhất là những bài thơ tình lãng mạn mà ông viết cho người yêu và sau này trở thành người bạn đời mang tên Nga. Sau khi tỵ nạn sang Mỹ, ông định cư tại California và cộng tác với một số báo chí Việt ngữ, trước khi lập tờ báo riêng lấy tên là tạp chí Đời. Điều ít ai biết là ông rất yêu văn nghệ, và chủ trương một trung tâm băng nhạc cũng lấy tên là Đời. Chính ông là người sớm nhận ra tài năng của các tiếng hát trẻ, và góp công rất lớn trong việc giới thiệu những tên tuổi của thời đó như Hải Lý, Ngọc Lan và Tuấn Vũ.

Ông cùng với nhà văn Mai Thảo, được coi là hai cây cổ thụ của nền văn học nghệ thuật tại hải ngoại. Ông qua đời vào ngày 18 tháng 4 năm 1998, hưởng thọ 67 tuổi, trong niềm thương tiếc của mọi người.

*Những bài ngợi ca Tình Yêu đặc sắc của các tác giả Việt Nam:

Có thể nói là với chủ đề “Thế Giới Tình Yêu” mà không có bài hát “Tình Ca” của nhạc sĩ Phạm Duy là một thiếu sót lớn. Vì vậy, trong thời gian qua Trung Tâm Asia đã liên lạc được với gia đình nhạc sĩ Phạm Duy và đã được phép sử dụng bài hát này ở Asia 57. Trong giai đoạn từ năm 1953 tới 1960, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác rất nhiều bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước như Thuyền Viễn Xứ, Tình Hoài Hương, Trường ca Con Ðường Cái Quan.v..v…Nhưng hầu như rất nhiều thế hệ người Việt chúng ta đều yêu thích và vẫn thuộc nằm lòng vài câu hát trong bài “Tình Ca”. Có thể nói bài “Tình Ca” này đã bao gồm rất nhiều những ngôn từ và âm điệu tình yêu dành cho quê hương, đất nước và đồng bào. Vì vậy “Tình Ca” là bài hát thật đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa để kết thúc cho chương trình Asia 57 qua tiếng hát tuyệt vời của Vũ Khanh và toàn thể các nghệ sĩ hiện diện trên sân khấu. Hãy lắng nghe:

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi !
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi !

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi !

Rất nhiều người trong chúng ta vẫn còn nhớ hoặc nghe kể lại không khí thanh bình của miền Nam tự do vào những năm 1956-1959 là những năm thanh bình thịnh trị, đời sống từ thành thị đến thôn quê thật ấm no, hạnh phúc. Thủ đô Sài Gòn thời đó là trung tâm văn hóa nghệ thuật với những trí thức du học bên Tây vừa hồi hương, mang theo không khí lãng mạn và triết học hiện sinh từ bên Paris về. Trong số đó có nhà thơ Nguyên Sa. Ở chương trình Asia 57 này, thi sĩ Nguyên Sa được trang trọng vinh danh với sự nghiệp thơ văn qua nhiều tác phẩm và giai thoại đặc biệt về những bài thơ, chuyện tình yêu và bút hiệu “Nguyên Sa” của ông. Nhưng đặc sắc nhất là bài thơ “Paris Có Gì Lạ Không Em” được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ nhạc và được trình bày qua giọng hát rất điêu luyện của Ngọc Hạ. Ngọc Hạ đã mang đến khán giả hình ảnh và màu sắc rất Parisien qua bộ y phục dạ hội thật đẹp của cô.


Tình yêu quê hương đất nước lại được Bảo Yến diễn tả bằng một bài hát về thành phố Huế qua giọng hát rất Huế của cô. Trước đó ca sĩ Như Quỳnh đã được phỏng vấn lần đầu tiên trên sân khấu Asia sau hơn mười năm xa cách. Như Quỳnh đã nói về những kỷ niệm êm đẹp ở thành phố Huế và quê hương Quảng Trị của cô. Sau đó là một đoạn video clip về nạn bão lụt miền Trung đã xãy ra trong năm nay khiến nhiều người dân trong nước đã nghèo lại càng khổ sở nhiều hơn. Bảo Yến đã diễn tả bài hát “Rất Huế” của nhạc sĩ Anh Bằng, lần đầu tiên phổ theo một bài thơ của thi sĩ Phong Sơn.

Rất Huế là vì nón bài thơ
Buổi chiều nắng ngọt xuống sông mơ
Em về, dáng dấp trinh nguyên quá
Với bóng con đò trên bến xưa.

Rất Huế là vì tóc em xanh
Chảy dài trên áo trắng tinh anh
Tràng tiền hai lối em qua lại
Cánh buồm vờn bay nắng thuỷ tinh.

Nhưng sau khi rời sông Hương, núi Ngự để trở xuống miền đồng bằng sông Cửu Long, thì cách đây vài tháng có một tai nạn đau thương đã xãy ra ở Cần Thơ. Đó là một nhịp cầu bắt ngang qua sông Hậu Giang đang xây cất chưa xong, bỗng dưng bị sụp lở chôn sống vài chục mạng người và làm hàng trăm công nhân bị thương. Chưa có nhạc sĩ nào sáng tác những bài hát nói lên thảm nạn này. Nhưng ở Asia 57, hai ca sĩ Mỹ Huyền-Tuấn Vũ đã trình bày bài hát “Chiều Tây Đô” rất nổi tiếng của nhạc sĩ Lam Phương. Đó cũng là một mơ ước được trở lại quê hương ngày cũ với biết bao kỷ niệm xưa, khi chung quanh đã hoàn toàn thay đổi “Ngày xưa ta yêu từng viên đá nơi sân trường, nay sao nghe khác từ tên đường ?” và “Bao năm giải phóng như thế này phải không anh?” câu hỏi vẫn còn vang vọng trong tâm trí nhiều người.

Đất nước ta đã chịu cảnh triền miên khói lửa chiến tranh trong vài chục năm dài, nên những tình khúc của thời chinh chiến không thể nào phai nhạt trong tâm tư của nhiều thế hệ cha ông của chúng ta. Chiến cuộc khốc liệt nhất là những năm từ 1965 đến gần ngày mất nước. Lạ lùng thay là những tình khúc được sáng tác vào giai đoạn đó lại là những tình khúc tuyệt vời nhứt với đặc tính của sự lãng mạn, ray rức nhớ nhung và yêu đương cuồng nhiệt trong không khí chết chóc của đạn bom và tương lai khá mịt mờ trước mắt. Một trong những bài hát được nhiều người yêu mến là bài “24 Giờ Phép” của cố nhạc sĩ Trúc Phương. Bài hát này được giọng ca rất truyền cảm của ca sĩ trẻ Đan Nguyên trong bộ quân phục VNCH đơn ca. Đó cũng là câu chuyện của một người lính từ mặt trận xa xôi hay tiền đồn hẻo lánh được cấp trên cho nghỉ phép đúng 24 giờ để về thăm người yêu ở hậu phương. Gặp lại nhau, đôi tình nhân này chỉ còn lại 16 tiếng đồng hồ dành trọn vẹn cho nhau, quên cả trời đất bên ngoài. Bài hát có những câu hát diễn tả tình yêu trai gái rất bạo dạn như:

“Cửa tâm tư là mắt nên khi đối mặt
Chuyện buồn dương gian lẩn mất
Đưa ta đi về nguyên thủy loài người
Lời yêu khi muốn ngỏ vụng về
Ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay..”

Bốn giờ đi dài thêm bốn giờ về
Thời gian còn lại anh cho em tất cả em ơi
Ta đưa ta đến đỉnh tuyệt vời
Đêm lạc loài giấc ngủ mồ côi ..”

Ngoài những bài hát ca ngợi nhiều khía cạnh khác nhau của tình yêu ở khắp mọi nơi và mọi hoàn cảnh khác nhau trên thế giới, khán giả cũng chú ý đến những bài hát vừa mới được sáng tác và ra mắt lần đầu tiên ở chương trình này. Đó là bài “Anh Còn Yêu Em” của nhạc sĩ Anh Bằng và bài “Tiễn Em Ra Phi Trường” của nhạc sĩ Trúc Hồ. Có một giai thoại rất thú vị về bài hát mới nhứt của nhạc sĩ Trúc Hồ viết riêng cho tiếng hát Lâm Nhật Tiến ngày hôm nay. Các MC đã cho biết bài hát này được nhạc sĩ Trúc Hồ viết ra khi anh đang nằm trong bịnh viện. Vì vậy, không ai biết anh đã tiễn đưa ai và tiễn đưa lúc nào ở phi trường. Bài hát mang âm điệu trầm buồn của dòng nhạc trẻ Trúc Hồ viết về tình yêu, rất êm ái mượt mà:

“Tiễn em ra phi trường chiều nay
Lòng buồn vô hạn
Nhìn nhau không lời nói
Tiễn em ra phi trường chiều nay
Nụ hôn vội vàng
Tiếc nuối ..lúc chia tay..".

Thời nào, nơi nào tình yêu đôi lứa vẫn là những chuyện tình lâm ly bi đát, không bao giờ kể hết. Vì vậy những bản tình ca lại được các ca sĩ Y Phụng, Thiên Kim, Nguyên Khang, Dạ Nhật Yến, Quốc Khanh, Phương Thảo, Ngọc Lễ ... tiếp tục trình bày xen kẽ khắp chương trình. Khá nổi bật là bài “Giọt Buồn Không Tên” của nhạc sĩ Anh Bằng viết từ bốn chục năm về trước, hôm nay được tiếng hát trẻ Y Phụng diễn tả lại như sau:

“Vừa chiều hôm nao anh với tôi đi dạo phố
Hai đứa vòng tay âu yếm như đôi tình nhân
Cười tươi như cô gái thơ ngây vui tình xuân
Chúng mình thân quá thân

Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly
Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm café
Giọt buồn không tên lén tâm tư qua đêm đen
Mình thức đêm thật khuya ..."

*Những bài hát ngợi ca Tình Yêu trên thế giới:

Những bài hát về tình yêu của các nước trên thế giới đã được lựa chọn để dàn dựng nên các hoạt cảnh đặc sắc là nhạc tình của Hy Lạp, nhạc tình của nước Nga, nhạc tình của Hàn Quốc, Thái Lan, nhạc phim bộ Ðài Loan, nhạc Mỹ, nhạc Âu Châu của các ban nhạc lừng danh, nhạc trẻ mới vừa được sáng tác của Trish Thùy Trang…v.v…

Riêng bài hát Trung Hoa “Cánh Chim Bạt Gió” là một bài hát lần đầu tiên được nhạc sĩ Nam Lộc chuyển sang lời Việt và được Ngọc Huyền viết lời vọng cổ, để đôi song ca Ngọc Huyền- Đặng Thế Luân hát “tân cổ giao duyên”. Bài hát “Cánh Chim Bạt Gió” này là một bài nhạc phim trong tác phẩm của nữ văn sĩ Quỳnh Dao. Trước kia nhạc sĩ Nam Lộc đã rất nổi tiếng với “Mùa Thu Lá Bay” thì hôm nay khán giả sẽ ngạc nhiên với “Cánh Chim Bạt Gió” này. Ðây là câu chuyện phim về một cuộc tình dang dở trong đau xót của một nhạc sĩ tài ba nhưng vắn số. Lần đầu tiên khán giả thấy Đặng Thế Luân ca vọng cổ trên sân khấu Asia. Trước đây vài tháng, Ngọc Huyền và Đặng Thế Luân cũng đã hát chung nhiều bài cổ nhạc trong CD “Lá Trầu Xanh”. Các MC cũng đã phỏng vấn Ðặng Thế Luân về những cảm nghĩ của anh ở phần trình diễn này, nhứt là đã “can đảm” song ca cổ nhạc với giọng hát điêu luyện của Ngọc Huyền.

”Em yêu dấu ơi …hãy lắng nghe
Anh hát cho em, bài ca tạ từ …
Còn gì nữa ..cố nhân ta mất nhau rồi.
Cuộc tình cũng bay đi tựa như cánh chim.

Đừng trách anh mà chi, đừng vấn vương gì,
Phút giây biệt ly.
Dù cho tình anh, vẫn không nhạt phai.
Dù cho đời em, đã trao về anh.

Người yêu dấu ơi, muộn màng.
Trời cao sao nỡ, vội vàng
Làm cho đôi lứa, đành mất nhau từ đây.”(lời bài hát “Cánh Chim Bạt Gió” của Nam Lộc, 2007)

Một tiết mục rất độc đáo khác và được dàn dựng, tập luyện rất công phu là phần trình diễn của Băng Tâm. Cô đã hát một bài hát thịnh hành, vui nhộn, tươi trẻ của Thái Lan là bài “Sabaay-Sabaay”. Ở Thái Lan, không ai là không biết bài này do nam ca sĩ Thongchai McIntire, còn có nick-name là “Bird” nghĩa là “con chim”. Ðây là giọng hát hàng đầu của Thái Lan với số dĩa CD bán ra kỷ lục là hàng triệu dĩa. Âm nhạc của Thái Lan cũng có những âm điệu ngũ cung như nhạc cổ truyền Việt Nam, nên cũng rất gần gũi với “nhạc mùi” của Việt Nam. Lần đầu tiên bài hát này được nhạc sĩ Nam Lộc chuyển dịch sang lời Việt với tựa đề là “Tình Yêu – Tình Yêu” để đặc biệt dành riêng cho giọng hát Băng Tâm ở chương trình Asia 57. Ở màn trình diễn này, Băng Tâm đã cùng với 12 vũ công ca múa trong y phục nhiều màu sắc rực rỡ của dân tộc Thái Lan. Hai bàn tay của họ được trang điểm bằng những móng tay thật dài, uốn lượn theo từng động tác nhịp nhàng, như những lời ca sau đây do Băng Tâm hát lên theo giai điệu cha-cha-cha rất rộn ràng, trẻ trung:

”Tình yêu, Tình yêu!
Tình như viên thuốc bọc đường
Dẫu đắng bên trong, vẫn cứ trông mong,
Vẫn luôn vấn vương trong lòng.

Người yêu, người yêu!
Người cho em biết thật nhiều.
Biết nói quanh co, biết nỗi âu lo.
Dẫu có anh bên lòng….” (lời bài hát Tình Yêu, Tình Yêu của Nam Lộc, 2007)

Một bài tình ca rất nổi tiếng của Nhật Bản là “Sonyorana” đã được Ánh Minh và Lê Nguyên song ca với nhau. Hai ca sĩ trẻ này có vóc dáng, tác phong trình diễn rất ăn khớp và phối hợp rất nhịp nhàng với nhau, nên phần trình diễn của họ sẽ là một tiết mục đáng nhớ trong khung cảnh, trang phục, màu sắc và âm điệu đặc biệt của xứ Phù Tang.

Riêng ca sĩ trẻ Thùy Hương thì trình bày một bài hát tiếng Anh theo đúng sở trường của cô. Đó là một bài hát rất nổi tiếng và cũng rất quen thuộc với mọi người của ban Abba là bài “Money, Money, Money”. Đúng là tình yêu thời buổi hôm nay phải có tiền bạc mới nuôi sống được bền vững. Nhứt là giới trẻ phải lo làm việc bù đầu mới có đủ tiền tiêu xài và chạy theo thời trang đổi mới hàng ngày, hàng tuần.

I work all night, I work all day, to pay the bills I have to pay
Ain't it sad
And still there never seems to be a single penny left for me
That's too bad
In my dreams I have a plan
If I got me a wealthy man
I wouldn't have to work at all, I'd fool around and have a ball (Abba - Money, Money, Money)

Phần trình diễn của Đoàn Phi cũng rất đặc sắc, vì hôm nay Đoàn Phi đơn ca một bài hát rất nổi tiếng của nữ ca nhạc sĩ gốc Hy Lạp Elena Paparizou (người đã thắng giải nhất cuộc thi tuyển lựa tài năng mới toàn Âu Châu vào năm 2005) với phong cách rất lãng mạn và tình tứ của Âu Châu. Bài hát có tựa đề là Gigolo và lần đầu tiên do Việt Dzũng chuyển sang lời Việt với tựa đề là “Say Tình” để dành riêng cho tiếng hát Ðoàn Phi hôm nay.

Một ca sĩ khác được rất nhiều khán giả ái mộ và yêu cầu trở lại sau khi cô xuất hiện lần đầu ở Asia 56 là Nhã Phương sẽ đơn ca một bài hát nổi tiếng của ban The Carpenters vào năm 1974 là Jambalaya. Hôm nay bài hát này cũng được nhạc sĩ kiêm nhà báo Trường Kỳ dịch ra tiếng Việt lần đầu tiên với tựa đề là “Vui Chơi Tình Ta” và dành riêng cho Nhã Phương ở chương trình Asia 57 này.

Bài hát Dark Eyes là một bài hát phổ nhạc từ một bài thơ của thi sĩ Nga tên là Yevgeniy Pavlovich Grebyonka (1812-1848), sanh ở xứ Ukraine. Bài thơ này được in ra lần đầu tiên trong tạp chí văn chương Literaturnaya gazeta năm 1843. Sau đó nhạc sĩ Florian Hermann phổ nhạc thành một ca khúc rất trữ tình năm 1884 và được xem là giòng nhạc gypsy của người Nga. Đặc biệt là ở Âu Mỹ, bài hát này rất nổi tiếng với tên gọi là Natalie và đã được dịch ra hơn 100 thứ tiếng khác nhau. Trong chương trình này, sau khi đã trả lời đoạn phỏng vấn về những kỷ niệm của các lần lưu diễn sang Nga, Don Hồ đã trình bày bài hát này bằng tiếng Việt với tựa đề là “Niềm Thương Nhớ”. Sân khấu Asia đã biến thành khung cảnh bên Nga với sắc màu ảm đạm thê lương của vùng trời tuyết giá.


Vài năm gần đây, phong trào xem phim bộ của Nam Hàn, tức Đại Hàn hay Hàn Quốc, đã dâng cao trong cộng đồng người Việt ở khắp nơi. Một trong những bộ phim rất nổi tiếng là My Fair Lady với tựa đề Việt ngữ là “Nàng Tiên Của Tôi” do nam tài tử Lý Chuẩn Kỳ đóng vai chính cùng với các tài tử Lee Da Ha, Lee Dong Wook, Lee Jun Ki và Park Si Yeaon. Bản nhạc chánh của bộ phim này là bài “Never Say Good Bye” (Không bao giờ nói chia tay). Bài hát này vừa mới được nhạc sĩ MC Việt Dzũng chuyển dịch sang lời Việt cho chương trình Asia 57 và do nữ ca sĩ trẻ Doanh Doanh trình bày. Trong tiết mục này, Doanh Doanh đã biến thành một cô gái Đại Hàn với khung cảnh mùa Đông bên Hàn Quốc với những bông tuyết rơi trắng xóa. Bài hát cũng được sự phụ diễn bằng nhạc Rap tiếng Anh của Chosen One cùng vài cặp tình nhân tay trong tay đi qua đi lại trên sân khấu. Có vẻ như vừa lãng mạn vừa lạ lùng của những người tình ở xứ “kim chi”.


Có quá nhiều tiết mục đơn ca đặc sắc, nên không có trích đoạn cải lương ở DVD Asia 57 này . Nhưng một tiết mục không thể nào thiếu được là hài kịch "Quang Minh-Hồng Đào" với vở kịch vui "Tấm Thẻ Xanh". Đó là một khía cạnh khác của những chuyện tình cười ra nước mắt của những cuộc hôn nhân giữa người Việt ở Mỹ và người dân trong nước . Không ngờ câu chuyện về "tấm thẻ xanh" lại trở thành đề tài bàn luận trong những ngày gần đây với thoả thuận vừa mới ký của hai chính quyền Việt-Mỹ .

*Những bài hát gây thật nhiều xúc động:

(1). Bài hát “Khóc Mẹ Dân Oan” của Mặc Thiện.

Có thể nói một bài hát đã làm cho khán giả xúc động rất nhiều kèm với đoạn video clip minh họa là phần trình diễn của ca sĩ Như Quỳnh. Đây cũng là một vấn đề thời sự quan trọng trong nước đã được rất nhiều bà con đồng hương hải ngoại chú ý và quan tâm đến trong thời gian qua.

Đó là vấn đề những người dân thấp cổ bé miệng ở trong nước đã bị những cán bộ có thế lực và những người thân chính quyền cướp mất nhà cửa, ruộng vườn của họ từ nhiều năm qua để xây cất lên những tòa nhà đồ sộ, hoặc đem bán kiếm lời. Những người dân oan ức đó đã bị đuổi ra khỏi nhà của họ, sống vất vưỡng ngoài đường, nên họ đã cùng nhau hội tụ về Sài Gòn, Hà Nội để biểu tình, kêu oan. Nhưng họ đã không được chánh quyền giải quyết thỏa đáng mà trái lại còn bị hành hung tàn nhẫn. Trong đó có biết bao người mẹ, người chị phải chịu nạn bạo hành khổ đau hơn bao giờ hết.

Thời gian gần đây, bà con đồng hương hải ngoại ở nhiều nơi đã tổ chức những buổi gây quỹ để giúp đỡ cho các người dân oan khiếu kiện trong nước theo lời kêu gọi của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ. Tại Nam California, các nghệ sĩ của Trung Tâm Asia đã tổ chức một buổi trình diễn ngoài trời do nhạc sĩ Nam Lộc làm MC với hơn 5,000 người tham dự, để góp phần đóng góp vào công cuộc chung này.

Vì vậy, bài hát “Khóc Mẹ Dân Oan” của Mặc Thiện (là một tác giả trẻ hiện đang sống ở trong nước) đã được Như Quỳnh trình bày hôm nay như những lời tâm sự của các bà mẹ ở trong nước từ Nam ra Bắc, đang phải “kêu oan” với chính quyền khi tài sản họ bị cướp giựt đi tất cả.

Nhiều người đã nghe được tiếng kêu than khóc mẹ, Trung Tâm ca nhạc Asia đã nghe được tiếng kêu than khóc mẹ và hôm nay đây trên sân khấu Asia, nữ ca sĩ Như Quỳnh đã cất tiếng hát trầm buồn để kêu than khóc mẹ. Như Quỳnh đã hướng về quê hương, hướng về những bà mẹ khổ đau và hòa nhập lòng mình vào từng lời ca như sau:

“Một ngày trần gian khóc thương mẹ dân oan
Ngại gì sương gió nuôi con qua khổ nạn
Nay con sang giàu mẹ sống cảnh lầm than
Đời oan trái đã gieo bao oán hờn
Cưu mang con rồi nay con phủi công ơn

Vườn ruộng đất nhà tranh con hoán đổi
Mẹ sống sao đây khi đổi mười lấy một?
Mẹ đòi công lý chịu thêm nhiều uất hận
Hận kẻ vô tâm mẹ phơi thân giữa bão bùng

Trời lạnh giá tấm bạt thô không giữ được
Gió lùa mưa vào lạnh thấu cả tâm can
Tay mẹ run run đôi chân không vững được
Biết bám víu vào đâu khi mẹ tỏ tường đời?”
(bài hát “Khóc Mẹ” của Mặc Thiện, Như Quỳnh trình bày)



(2). Bài hát “Đêm Mưa” của Tuấn Khanh:

Một vấn đề nhức nhối khác được nhiều người quan tâm là chuyện những cô gái trẻ ở trong nước đã và đang tiếp tục bị bán đi các nước để làm vợ hoặc làm người hầu hạ cho những người đàn ông ngoại quốc.

Bên cạnh những tòa cao ốc đồ sộ, khách sạn năm sao rất huy hoàng, lộng lẫy ở Sài Gòn và Hà Nội, đêm đêm người ta vẫn trông thấy mặt trái của một xã hội đầy “phồn vinh giả tạo”. Đó là hình ảnh của những em bé không nhà, đang nằm ngủ co quắp bên cạnh lề đường, hình ảnh của những bà mẹ già lọm khọm đẩy xe bán buôn kiếm miếng ăn qua ngày, cho đến những cô gái trẻ trở thành những người bán thân nuôi miệng trong một xã hội đầy dẫy những tên tư bản đỏ ăn nằm trên xương máu của những người khác. Đó là chưa kể đến hàng chục ngàn em gái nhỏ bị bán sang Cam Bốt để hành nghề mãi dâm, hàng chục ngàn những thanh niên bị đưa đi xuất cảng lao động, những ổ mãi dâm của gái Việt mở ra tại Singapore, tại Đài Loan, tại Macao, tại Hàn Quốc.

Khắc khoải với những hình ảnh trên, nhạc sĩ trẻ Tuấn Khanh đã sáng tác ra nhạc phẩm “Đêm Mưa” để diễn tả nỗi niềm của những kẻ khốn khó đang lang thang trong đêm tối của cuộc đời. Bài hát này đã được Nguyễn Hồng Nhung trình bày với những lời ca như sau:

“Có khi đêm dài không hết
Mắt xanh ngó lên trần đời
Tự dưng sao lòng buồn thiu

Ôi tháng năm hao mòn yêu dấu
Người về tìm người nơi đâu
Bỗng dưng mắt cay giọt sầu

Ôi trăm năm nhân thế hát theo điệu buồn
Thì xin yêu thương nhau nhé cho đời vơi cay.

Suốt chương trình này, khán giả đã chìm đắm vào thế giới của tình yêu ở khắp mọi nơi qua những màu sắc, âm thanh, vũ điệu thật tuyệt vời. Bên cạnh đó là những mảnh đời khốn khổ của các bà mẹ “dân oan”, những mảnh đời bất hạnh của các người nghèo, những cái chết oan ức của nhiều người dân trong nước. Nhưng chương trình Asia 57 đã kết thúc với phần đối thoại của hai MC Nam Lộc và Thùy Dương lại khiến cho khán giả phải lưu tâm và suy gẫm.

Đó là dù cho chúng ta đang sinh sống ở bất cứ phương trời nào, hoặc ngay cả đồng bào ruột thịt trong nước, tất cả đều có chung một nỗi xót xa cho quê hương của mình. Bởi vì lãnh thổ của đất nước Việt Nam yêu dấu đang bị xâm phạm. Những tin tức gần đây cho biết là Trung Cộng đã ngang nhiên cưỡng chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những căm phẩn, tủi nhục dâng trào khắp nơi khi biết rằng qua những hồ sơ, văn kiện còn lưu trữ, chính những nhà lãnh đạo Việt Cộng đã đem dâng các hải đảo này cho quan thầy Trung Cộng từ lâu.

Chúng ta sẽ ngồi yên lặng để lắng nghe Vũ Khanh hát “Tình Ca”, để thưởng thức những động tác nhịp nhàng lượn quanh sân khấu của nhóm vũ công phụ họa, để gặp lại toàn thể nghệ sĩ góp mặt trong chương trình ngày hôm nay đang hợp ca bài hát sau cùng. Tất cả cùng hướng về những hình ảnh, âm thanh đẹp nhứt của quê hương, như âm vang câu hát truyện Kiều, như tiếng sáo diều vi vút ở làng quê, như tiếng ầu ơ của những bà mẹ khiến cho “ tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi…”.

Nhưng buồn thay, đất nước xinh đẹp tuyệt vời này đang bị mất dần về tay ngoại bang do thái độ khiếp nhược, tham tàn của nhà cầm quyền trong nước. Có lẽ những ấn tượng sẽ lưu lại trong lòng nhiều khán giả sau khi xem DVD Asia 57 là những hình ảnh của tình yêu tươi đẹp, vui vẻ hạnh phúc hoặc buồn đau chất ngất của đôi lứa yêu nhau. Nhưng bên cạnh đó còn có những hình ảnh đau thương, bi đát của những bà mẹ, các chị em gái đang sống đời cơ cực, tăm tối ở quê nhà hay tha phương lưu lạc nơi xứ người. Có thể nói rằng mỗi chương trình của Asia luôn luôn chất chứa vài thông điệp quan trọng dành cho chúng ta suy nghĩ hôm nay và thời gian sắp tới.

DK 25.1.2008


Song list

1. Liên Khúc mở màn : “Thế Giới Tình Yêu" (liên khúc Vũ Thành An + Trịnh Công Sơn) :
Như Quỳnh, Lâm Thúy Vân, Thiên Kim, Nguyễn Hồng Nhung, Don Hồ, Quốc Khanh.

2. Paris Có Gì Lạ Không Em? (Nguyên Sa-Ngô Thụy Miên) : Ngọc Hạ

3. Say Tình (Gigolo – Elena Paparizou & Việt Dzũng) : Ðoàn Phi

4. Hai Mươi Bốn Giờ Phép (Trúc Phương) : Ðan Nguyên

5. Tình Yêu! Tình Yêu (Sabaay! Sabaay!) (nhạc Thái Lan, lời Việt của Nam Lộc) : Băng Tâm

6. Rất Huế (thơ Phong Sơn, nhạc Anh Bằng) : Bảo Yến

7. Money – Money (nhạc và lời Abba) : Thùy Hương

8. Cánh Chim Bạt Gió (nhạc Trung Hoa, lời Việt của Nam Lộc) : Ngọc Huyền + Ðặng Thế Luân (song ca tân cổ giao duyên)

9. Tình (Văn Phụng) : Lâm Thúy Vân

10. Cà Phê Một Mình : Phương Thảo, Ngọc Lễ

11. Never Say Goodbye (nhạc Nam Hàn, lời Việt của Việt Dzũng) : Doanh Doanh & Chosen One

12. Tiễn Em Ra Phi Trường (sáng tác mới củaTrúc Hồ) : Lâm Nhật Tiến

13. Bad Boys Blue (bài hát của ban nhạc Âu Châu) : Asia Four (reunion)

14. Khóc Mẹ (nhạc và lời của Mặc Thiện): Như Quỳnh

15. Kịch vui “Chiếc Thẻ Xanh – The Green Card" : Quang Minh, Hồng Ðào, Quỳnh Anh, Jonathan.

16. Kiếp Cầm Ca (của Huỳnh Anh, điệu Flamenco tango) : Dạ Nhật Yến

17. Giọt Buồn Không Tên (Anh Bằng) : Y Phụng

18. Khúc Thuỵ Du và Anh Còn Yêu Em (mới sáng tác) (liên khúc Anh Bằng) : Thiên Kim, Nguyên Khang, Y Phương

19. Sayonara (Chia Tay Người Yêu, nhạc Nhật Bản) : Ánh Minh + Lê Nguyên

20. Thôi Thế Thì Chia Tay (Trúc Hồ) : Quốc Khanh

21. Dark Eyes (Niềm Thương Nhớ) (Nhạc gypsie của Nga, lời Việt của Việt Dzũng): Don Hồ

22. Ðêm Mưa (Tuấn Khanh) : Nguyễn Hồng Nhung

23. Ice Queen (nhạc và lời của Trish) : Trish Thùy Trang

24. Chúc Xuân (Thanh Sơn) : Phương Hoài Tâm, Ph Hồng Quế, Ph Hồng Ngọc (Tam Phương).

25. Jambalaya (Vui Chơi Tình Ta, nhạc của Carpenters, lời Việt mới viết của Trường Kỳ ©2007) : Nhã Phương

26. Chiều Tây Ðô (Lam Phương) : Tuấn Vũ + Mỹ Huyền

27. Tình Ca (Phạm Duy ©1953) : Vũ Khanh và toàn thể nghệ sĩ hợp ca để kết thúc chương trình

:idea:

NEP
01-29-2008, 10:45 PM
Chiều Tây Ðô (Lam Phương) : Tuấn Vũ + Mỹ Huyền :clap2: