PDA

View Full Version : C - Chính quyền gửi người tới vấn kế Giám mục Thái Bình về giải pháp cho Tòa Khâm Sứ



Dan Lee
01-31-2008, 12:13 AM
NHẬT KÝ CỦA ĐỨC CHA FX. NGUYỄN VĂN SANG
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN THÁI BÌNH
Ngày 30/01/2008

Suốt buổi sáng hôm nay, theo tục lệ đã có từ nhiều năm, tôi và các linh mục giáo phận đội trời mưa trong cái lạnh thấu xương “lóc cóc” đi tới các cơ quan: Đảng ủy, Ủy Ban Nhân dân, Mặt trận, Tôn giáo vv… để chúc tết các vị lãnh đạo tại Hưng Yên và Thái Bình. Hai địa bàn này không có nhiều khó khăn phải giải quyết, nếu có thì cũng đối thoại được với nhau để dần dần thu xếp êm đẹp. Đó là điều mọi người đều ước muốn.

Buổi chiều, Tòa Giám Mục Thái Bình được đón tiếp một phái đoàn Sở Công an đến đáp lễ và chuyển quà cũng như bức thiệp chúc tết của các vị lãnh đạo trên Bộ. Sau vài câu chúc mừng lẫn nhau, vị đại diện Công an tỉnh Thái Bình cho biết: “Trên” muốn hỏi cụ Giám mục xem ai đã viết hộ bức thư ngỏ mới đây gửi Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt? Tôi trả lời: Chả lẽ tôi lại không viết được một bức thư nhỏ như vậy sao, sau khi đã trải qua cuộc đời viết lách! Tôi khẳng định bức thư ngỏ do tôi biên soạn và ký tên đóng dấu đàng hoàng. Vị đại diện lại cho biết: Vụ xô xát ngày 25 tháng 1 vừa qua có thể do một vài thành phần phản động, như chị phụ nữ người Mường, thực ra không phải là người dân tộc, lại có bàn tay của ông luật sư Lê Quốc Quân… Tôi có trả lời: Những khuynh hướng chính trị nào khác có thể gián tiếp, có thể trực tiếp gây ra, song khởi đầu như tôi đã viết: do sự thiếu kiềm chế của một số nhân viên bảo vệ và một vài người dân đã dẫn tới sự nóng nảy của hàng ngàn người dân, khiến tình hình an ninh trở nên phức tạp, không kiểm soát được - việc đó thật đáng tiếc.

Chúng tôi lại đổi đề tài để nói tới diễn biến của những liên hệ tốt đẹp giữa Chính quyền và Tòa Giám Mục. Rồi đột nhiên vị cán bộ cho biết (có lẽ đây mới là lý do của cuộc thăm viếng này): trên Bộ muốn biết ý kiến của cụ xem cụ có phương pháp nào để giải quyết vấn đề đất Tòa Khâm Sứ cũ không?

Tôi giải thích cho các vị hiện diện rằng: Tôi không phải là trung gian của nhà nước cũng như của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Nhưng cách đây mấy tuần, vì lo lắng cho sự ổn định an ninh của đất nước, cũng như cuộc sống tốt đẹp của đồng bào Công giáo và của các vị cán bộ các cấp, nhất là dịp đón Xuân sắp tới, tôi tự đề ra giải pháp trong bài viết: “Bước đầu hòa giải đã sớm thất bại”. Các đề nghị đó nhằm xin hai bên tự chế, rút bớt củi cho đống lửa không bốc lên cao. Nhưng lại không được sự đáp ứng tích cực nào của đôi bên, nên tôi đã thưa với Đức Tổng Giám Mục rằng: từ nay con ước mong các đề nghị của hai bên nên trao đổi trực tiếp thì tốt hơn; đồng thời, tôi cũng từ chối lời mời của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tới trụ sở chúc Tết và bàn những giải pháp tốt đẹp. Tiếc thay đã xảy ra sự kiện ngày 25/1/2008 và sau đó ngọn lửa cứ ngày một bùng lên mãnh liệt.

Vị cán bộ đại diện đã thúc ép tôi đưa ra một giải pháp thực tế. Tôi nói: phía Đức Tổng Giám mục Hà Nội và Hội đồng cố vấn chắc đã có những giải pháp tốt đẹp. Riêng đối với Nhà Nước, đặc biệt với UBND Thành phố Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm nên tự chế, đừng “diễu võ giương oai” tỏ vẻ khiêu khích đối với bà con giáo dân Hà Nội cũng như cộng đồng thế giới, bởi qua các hình ảnh, các bài viết trên mạng Internet… những thông tin về Tòa Khâm Sứ đã loan truyền khắp nơi trên thế giới. Chính bản thân tôi nhiều lần đi qua phố Nhà Chung, phố Nhà Thờ, nhất là ngày 27/1/2008, tôi nhận thấy có rất nhiều xe của các lực lượng an ninh, truyền thông; thêm vào đó còn có sự góp mặt của nhiều cán bộ mặc quân phục đi đi lại lại. Họ bố trí các loại máy camera, các thiết bị truyền thông khác, thậm chí trong mảnh đất của Tòa Khâm Sứ cũ nhiều vị đứng túm tụm, mũ bảo hiểm đội sùm sụp trên đầu, nét mặt đằng đằng sát khí khiến cho bà con và dư luận hình dung ra một cuộc xung đột giữa người cùng một mẹ Việt Nam sắp xảy ra. Đứng trước tình hình căng thẳng như vậy, lại thêm những hình ảnh và báo chí đưa tin một cách không trung thực, cả trong lẫn ngoài nước… (Tòa Tổng Giám Mục đã có văn thư phản bác), tất cả những sự kiện đó xem ra thách thức lòng tin của bà con giáo hữu, càng đẩy ngọn lửa bừng cháy lên cao hơn. Chính tôi đã có kinh nghiệm như vậy khi đến Tòa Khâm Sứ cũ vào ngày 28/1/2008, chỉ thấy lèo tèo vài chục phụ nữ, dăm ba cụ già, mươi vị trung niên, ấy vậy mà sau hai công văn “cứng rắn” của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm, cộng với những quyết định của Công an khu vực muốn điều tra khởi tố… tôi thấy bà con giáo hữu lại tập trung con số càng đông hơn, có lúc lên tới hàng nghìn người. Họ đến cầu nguyện cả ngày lẫn đêm, bất chấp rét mướt, đói ăn, thiếu mặc như một số các báo chí trong nước đã “thương hại dùm”.

Do đó theo ý kiến của tôi chứ không phải vị trung gian nào khác là:

Về phía chính quyền: Nên tự kiềm chế, rút bớt những phương tiện mang tính “diễu võ giương oai”, hoặc bất cứ áp lực tâm lý nào khác, kể cả các bài phát biểu, phát thanh, truyền hình cũng như báo chí, những công văn cứng rắn… bởi tất cả những việc làm kể trên chẳng những không giải quyết được vấn đề, trái lại còn như “đổ thêm dầu vào lửa”. Tôi bảo đảm phía bà con tín hữu cũng sẽ cầu nguyện trong an bình, trật tự và sốt sắng, chắc chắn sẽ không xảy ra điều gì đáng tiếc. Các chiến sĩ an ninh có thể an tâm trở về ăn tết vui vẻ cùng gia đình.

Tôi cũng được biết có vị cán bộ cao cấp trong Bộ Công an đi công tác nước ngoài về, thấy tình hình “nóng bỏng” như vậy đã ra lệnh không được hành động vào giờ “G”, mà phải tìm cách tháo gỡ trong trật tự và bình an. Rồi từ đó hai bên ngồi lại bình tĩnh giải quyết thấu tình đạt lý chắc sẽ đi tới giải pháp tốt đẹp như lòng mong muốn. Dũng cảm và khoan dung thay tấm lòng của người cán bộ, hết mình vì nước vì dân, thật đáng làm gương cho mọi người.

Theo nhận định của cá nhân tôi: Nhìn chung cả hai bên đều cứng nhắc trong cách dùng từ để giải quyết mọi việc. Bên Tòa Tổng Giám Mục thì muốn xin hoặc trả lại đất đai của Tòa Giám Mục. Còn bên Chính quyền muốn để cho chính quyền sở tại giải quyết v.v… Thiết nghĩ, nếu hai bên cùng ngồi lại để giải quyết chính căn nguyên sự việc là làm cho Tòa Giám Mục sở hữu lại một cách thực tế mảnh đất đang tranh chấp. Còn việc xin lại, hoàn lại, cấp lại v.v… đó chỉ là những cách nói, cần gì phải tranh chấp. Chúng ta có ngồi ở hiệp định Giơ-ne-vơ hay Pa-ri với các mưu sĩ nước ngoài nào đâu mà phải cẩn thận từng li, từng tý, từng chấm phẩy, từng câu … kẻo phải thiệt thòi danh dự hoặc đất đai của tổ quốc đâu?! Mong các vị lưu ý với ước vọng như vậy.

Tiễn chân phái đoàn ra cửa, tôi lại tiếp phái đoàn của mấy người thân ở Hà Nội. Họ cũng đưa ra một tin khiến tôi phải viết thêm mấy dòng nữa vào bài nhật ký này.

Có lần một số giáo hữu xôn xao khi nghe một ông công an tên là Sơn nào đó cho biết: “Ông Sang đã viết Nhà thờ lớn Hà Nội xây trên đất chùa Báo Thiên”.

Thực ra trong bài “Hồi ức về Đất đai….” Tôi có trưng lại ý kiến của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả cuốn lịch sử tiểu thuyết “Mẫu Thượng Ngàn” từ trang 315 - 318 nói về lai lịch việc xây Nhà Thờ Lớn Hà Nội.

Sau đó, tôi kết luận: “Xem như vậy (có nghĩa là do ông Nguyễn Xuân Khánh tường thuật lại, chứ không phải tôi) Ngôi nhà thờ Chính tòa Hà Nội đã được xây trên mảnh đất của NGÔI CHÙA VÔ CHỦ, đã có đơn xin của các bô lão cho giỡ bỏ chùa, rồi được chính quyền (dù lúc đó người Pháp còn cai trị) chấp nhận trao cho Đức Cha Phước. Cũng như vô số đất đai ngày nay, vốn của ai, do ai, mà trên đó mọc lên các dinh thự, nhà cửa, của cả chính quyền cũng như dân chúng, nếu đòi lại, phá bỏ… thì tình hình thủ đô của chúng ta có còn được khang trang và sạch đẹp như ngày hôm nay?

Trước đây chính quyền cũng đã giải quyết vụ việc khi một số chủ đòi lại đất của thánh địa La Vang (Huế) và đã trấn an HĐGMVN và Đức Tổng Giám mục Huế rằng: những vụ việc ấy thuộc lịch sử không được giải quyết.

Tiễn chân khách ra về, ngoài trời mưa nặng hạt và nhiệt độ xuống thấp, cơn giá lạnh ập tới làm tôi xót xa nhớ tới đám người đang cầu nguyện và hát thánh ca trên khu đất Tòa Khâm Sứ cũ. Vây quanh họ là các chiến sĩ an ninh cũng đang co ro trong tấm áo mưa chống chọi với mưa gió. Họ đứng đó chỉ để canh mấy ông bà cụ già, vài thanh niên nam nữ trong tay không một tấc sắt. Họ có biết đâu rằng, những người tín hữu ấy đang sốt sắng cầu nguyện cho đất nước, cho chính quyền, cho bản thân và cho cả những nhân viên an ninh đang trông coi mình nữa…

Ôi! phải chăng đó là hình ảnh “đẹp” của mùa Xuân khi những ngày Tết đã cận kề?

Xin Chúa ban ơn, giúp những người hữu trách biết tìm ra hướng giải quyết tốt đẹp cho dù vấn đề có phức tạp đến đâu, để thay vì những căng thẳng, nghi kị, họ đem lại cho nhau vui mừng và hạnh phúc.

Thái Bình ngày 31/1/2008
GM. FX. Nguyễn Văn Sang
Giám Mục Thái Bình
+GM F.X. Nguyễn Văn Sang