Dan Lee
01-31-2008, 06:06 PM
HẠNH PHÚC
CN IV A
Là con người, ai cũng mong muốn hạnh phúc và nỗ lực đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của mỗi người. Khi con người chiều theo cơn cám dỗ của loài rắn, đó chính là lúc hạt mầm hạnh phúc không còn đủ “thiên thời địa lợi” để đơm hoa kết trái. Bất hạnh và gian dối theo về, ùa vào cuộc đời, chảy xuôi dòng lịch sử. Con người bắt đầu dệt những ước mơ, chắt chiu từng kỷ niệm, hồi tưởng về quá khứ, một quá khứ in đầy dấu chân hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì giữa đa đoan và trắc trở, giữa bền vững và mong manh, giữa ích kỷ và bao dung?
1. Quan niệm về hạnh phúc: Có người cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền của, nhiều vàng bạc, lúa thóc đầy kho; hạnh phúc là quyền lực, địa vị danh vọng. Có người nghĩ hạnh phúc là có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con thơ, ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Có người lại quan niệm hạnh phúc là sức khoẻ, là sự bình an thư thái của tâm hồn; hạnh phúc là sự hoà hợp giữa thể xác và tâm hồn, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội, giữa cái tôi và vũ trụ bao la. Theo truyền thống Ấn Độ, hạnh phúc là Sukha, đó là trạng thái giống như một bánh xe mà trong đó mọi sự đều ăn khớp với nhau: vành xe, ổ trục và các đũa xe đều tốt và nằm đúng vị trí, hoà hợp với các thành phần khác, do đó mà bánh xe chạy trơn tru. Còn đau khổ là Dukha, đó là tình trạng một bánh xe trục trặc vì có những thành phần hư hỏng hay không ăn khớp với những thành phần khác. Tần Thuỷ Hoàng cho xây vạn lý trường thành, sai người đi tìm thuốc trường sinh bất tử để mong thoả ước mơ được hạnh phúc, được sống bất tử. Với Nhà văn Philippe Delerm, hạnh phúc là điều thật đơn giản, là tổng cộng các niềm vui nhỏ gộp lại. Năm phút nằm dài trên bãi cỏ xanh nhìn mây trời lãng đãng trôi, hớp ngụm bia ngon, thưởng thức một bản nhạc hay… đều có thể làm hưng phấn, tạo được niềm vui hạnh phúc. Kim Thánh Thán, nhà phê bình Trung Hoa đã từng có 33 phút vui tinh thần mà ông cho đó là phút giây thực sung sướng trong đời. Thú vui đó là thưởng thức thiên nhiên, dưới ánh trăng non, tay bầu rượu túi thơ, cùng bạn hữu trao đổi kinh sử văn thơ, cùng uống trà để quên đi sự huyên náo của phồn hoa, lòng thấy thanh thản (x. quan niệm về hạnh phúc, nội san chia sẽ số 23). Có muôn lối nhìn về hạnh phúc tuỳ theo quan niệm mỗi người.
2. Đi tìm về hạnh phúc. Hạnh phúc không như bông hoa có thể dễ dàng hái được ở bên đường, không giống như chiếc áo, chiếc xe đạp hay cái nhà có thể vẽ ra thành hình hài màu sắc có thể mua bán. Hạnh phúc là điều cảm thấy được trong tâm hồn, nó thuộc chiều sâu cõi lòng tuỳ thuộc thái độ sống đối với cuộc đời. Con người phải ra công chăm sóc vun trồng thì cây hạnh phúc mới đơm hoa kết trái. Hạnh phúc chính là khát khao được sống, được hiện diện, được yêu thương. Đi tìm hạnh phúc cũng là đi tìm sự sống. Sống là tồn tại, có tồn tại mới có yêu thương, có tương quan, có sinh trưởng. Đi tìm hạnh phúc cũng như đi tìm tình yêu. Khi người ta yêu nhau, mọi sự đều trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp “yêu nhau yêu cả đường đi; yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Hạnh phúc là tình yêu. Tình yêu nối dài những ước mơ, ước mơ thường hướng con người về hạnh phúc. Hạnh phúc chính là sự sống và là tình yêu. Tình yêu và sự sống như đôi cánh đưa con người bay vào khung trời hạnh phúc.
3. Tám mối phúc thật. Đức Phật Thích Ca mở đầu bài thuyết pháp đầu tiên tại Bênarêch bằng câu: Vạn sự vô thường vạn sự thường, nghĩa là mọi sự thay đổi không ngừng nên mọi sự chỉ là khổ. Sinh lão bệnh tử, con người sinh ra để rồi già yếu, bệnh tật và cuối cùng là phải chết. Đời là bể khổ, muốn có hạnh phúc, ra khỏi bể khổ, cần diệt lòng tham sân si. Khổ diệt lòng tham muốn mới thoát khỏi bến mê, khỏi u minh chốn hồng trần. Đức Kitô trên “Núi Bát Phúc” đã thuyết giảng điệp ca hạnh phúc “Tám mối phúc thật”: Phúc cho ai… (Mt 5, 1-12). Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Đức Phật coi đời là bể khổ. Đức Giêsu nhìn thấy màu hồng trong cái thanh bạch của tâm hồn nghèo khó. LmThiện Cẩm đã nhận định rằng: Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực và thời gian, sức lực để nghiên cứu suy tư bàn cãi về hai bài giảng đầu tiên của Đức Phật và của Đức Giêsu. Tuy nhiên, có lẽ chẳng mấy ai hiểu chính xác nội dung ý nghĩa hai bài giảng có tính cách ngôn sứ ấy. Vì thực ra cả Đức Phật và Đức Giêsu đều không chú ý đề ra một lý thuyết về vấn đề hạnh phúc và đau khổ mà chỉ chia sẻ cho anh em nhân loại chính kinh nghiệm sống của mình. Kinh nghiệm của Đức Phật là kinh nghiệm của một người đã đạt tới chân như, vượt ra ngoài thế giới vô thường của những đam mê mù quáng, của sự phân chia đối kháng. Còn kinh nghiệm của Đức Giêsu là kinh nghiệm của một người thấy được cái tồn tại trong cái mất mát, thấy được sự sống trong cái chết.
Điệp ca trên núi của Đức Giêsu đã trở thành Hiến Chương Nước Trời: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai hiền lành. Phúc cho ai… điệp ca vang vọng mãi ở trên núi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho các môn đệ và cho nhân loại qua muôn thế hệ. Tất cả Tám Mối Phúc đều có hai vế: vế thứ nhất là nhân, vế thứ hai là quả; vế thứ nhất là gieo, vế thứ hai là gặt; vế thứ nhất là mình vì người khác, vế thứ hai là người khác vì mình; vế thứ nhất là đau khổ, vế thứ hai là hạnh phúc. Các mệnh đề trong vế một phải hiểu ngầm là vì Chúa, vì tha nhân, nghèo vì tha nhân, hiền lành đau khổ vì tha nhân. Nếu không do tự nguyện vì Chúa, vì tha nhân thì sự nghèo, sự hiền lành, sự đau khổ, bách hại ta phải chịu đều là đau khổ chứ không phải là phúc đức. Chẳng hạn, mối phúc thứ nhất là nghèo vì người khác, sống nghèo cho người khác thì mới là phúc thật, còn sống nghèo để dành dụm tiền của ngày càng nhiều thì đó là trọc phú, là hà tiện chứ không phải là sống nghèo theo Tin mừng. Cái nghèo mà Đức Giêsu nói đến là nghèo vì yêu thương tha nhân. Nghèo vì cho đi vì muốn làm lợi ích cho người khác thì cái nghèo đó mới gọi là Đức Khó Nghèo. Vì thế giữa Đức Khó Nghèo và Đức Bác Ái có tương quan với nhau. Khó nghèo để bác ái, khó nghèo mà không bác ái thì trở thành hà tiện. Hà tiện là một trong bảy mối tội đầu. Vì thế tâm hồn nghèo khó của Tin mừng là tâm hồn sẵn sàng chấp nhận mất mát thời giờ, vật chất, sức lực, của cải, tài năng vì yêu thương tha nhân, vì mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Một người có tinh thần phục vụ cao, dám hy sinh cho người khác, chắc chắn người đó sẽ được mọi người quý trọng, yêu mến, được tín nhiệm, được giao những trọng trách.
Một người như vậy thì Nước Trời trong lòng họ, tinh thần họ luôn bình an, hạnh phúc, tràn đầy niềm vui vì sống cho hạnh phúc của người khác. Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy, những người ích kỷ suốt ngày chỉ nghĩ tới mình, tới hạnh phúc hay nỗi đau của mình đều là những người đau khổ nhất. Còn những người có tâm hồn vị tha, chỉ nghĩ đến người khác, đến hạnh phúc và đau khổ của người khác, không còn thời giờ để nghĩ đến mình thì những người ấy luôn luôn hạnh phúc thoải mái trong tâm hồn và thành công trong cuộc đời. Người Kitô hữu chúng ta cần tập thói quen sống vì Chúa, vì tha nhân và thường xuyên tìm đủ mọi cách để người xung quanh mình được hạnh phúc. Sống như thế không những được hạnh phúc ở đời này mà còn đời sau nữa. Đường lên thiên đàng thì nhỏ và chật hẹp, vất vả hơn đường xuống hoả ngục đầy thênh thang bóng mát. Chọn lựa theo Chúa Giêsu là đón nhận cho đời mình chính nguồn hạnh phúc chân thật và sự sống phong phú dồi dào. Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người để giúp con người sống hạnh phúc. Sau khi sống lại, Người mở đường dẫn lối cho chúng ta đi về hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa Tình Yêu và Sự sống.
LM Giuse Nguyễn Hữu An
CN IV A
Là con người, ai cũng mong muốn hạnh phúc và nỗ lực đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc là khát vọng ngàn đời của mỗi người. Khi con người chiều theo cơn cám dỗ của loài rắn, đó chính là lúc hạt mầm hạnh phúc không còn đủ “thiên thời địa lợi” để đơm hoa kết trái. Bất hạnh và gian dối theo về, ùa vào cuộc đời, chảy xuôi dòng lịch sử. Con người bắt đầu dệt những ước mơ, chắt chiu từng kỷ niệm, hồi tưởng về quá khứ, một quá khứ in đầy dấu chân hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì giữa đa đoan và trắc trở, giữa bền vững và mong manh, giữa ích kỷ và bao dung?
1. Quan niệm về hạnh phúc: Có người cho rằng hạnh phúc là có thật nhiều tiền của, nhiều vàng bạc, lúa thóc đầy kho; hạnh phúc là quyền lực, địa vị danh vọng. Có người nghĩ hạnh phúc là có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con thơ, ruộng vườn thẳng cánh cò bay. Có người lại quan niệm hạnh phúc là sức khoẻ, là sự bình an thư thái của tâm hồn; hạnh phúc là sự hoà hợp giữa thể xác và tâm hồn, giữa cá nhân và cộng đồng xã hội, giữa cái tôi và vũ trụ bao la. Theo truyền thống Ấn Độ, hạnh phúc là Sukha, đó là trạng thái giống như một bánh xe mà trong đó mọi sự đều ăn khớp với nhau: vành xe, ổ trục và các đũa xe đều tốt và nằm đúng vị trí, hoà hợp với các thành phần khác, do đó mà bánh xe chạy trơn tru. Còn đau khổ là Dukha, đó là tình trạng một bánh xe trục trặc vì có những thành phần hư hỏng hay không ăn khớp với những thành phần khác. Tần Thuỷ Hoàng cho xây vạn lý trường thành, sai người đi tìm thuốc trường sinh bất tử để mong thoả ước mơ được hạnh phúc, được sống bất tử. Với Nhà văn Philippe Delerm, hạnh phúc là điều thật đơn giản, là tổng cộng các niềm vui nhỏ gộp lại. Năm phút nằm dài trên bãi cỏ xanh nhìn mây trời lãng đãng trôi, hớp ngụm bia ngon, thưởng thức một bản nhạc hay… đều có thể làm hưng phấn, tạo được niềm vui hạnh phúc. Kim Thánh Thán, nhà phê bình Trung Hoa đã từng có 33 phút vui tinh thần mà ông cho đó là phút giây thực sung sướng trong đời. Thú vui đó là thưởng thức thiên nhiên, dưới ánh trăng non, tay bầu rượu túi thơ, cùng bạn hữu trao đổi kinh sử văn thơ, cùng uống trà để quên đi sự huyên náo của phồn hoa, lòng thấy thanh thản (x. quan niệm về hạnh phúc, nội san chia sẽ số 23). Có muôn lối nhìn về hạnh phúc tuỳ theo quan niệm mỗi người.
2. Đi tìm về hạnh phúc. Hạnh phúc không như bông hoa có thể dễ dàng hái được ở bên đường, không giống như chiếc áo, chiếc xe đạp hay cái nhà có thể vẽ ra thành hình hài màu sắc có thể mua bán. Hạnh phúc là điều cảm thấy được trong tâm hồn, nó thuộc chiều sâu cõi lòng tuỳ thuộc thái độ sống đối với cuộc đời. Con người phải ra công chăm sóc vun trồng thì cây hạnh phúc mới đơm hoa kết trái. Hạnh phúc chính là khát khao được sống, được hiện diện, được yêu thương. Đi tìm hạnh phúc cũng là đi tìm sự sống. Sống là tồn tại, có tồn tại mới có yêu thương, có tương quan, có sinh trưởng. Đi tìm hạnh phúc cũng như đi tìm tình yêu. Khi người ta yêu nhau, mọi sự đều trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp “yêu nhau yêu cả đường đi; yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng; yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”. Hạnh phúc là tình yêu. Tình yêu nối dài những ước mơ, ước mơ thường hướng con người về hạnh phúc. Hạnh phúc chính là sự sống và là tình yêu. Tình yêu và sự sống như đôi cánh đưa con người bay vào khung trời hạnh phúc.
3. Tám mối phúc thật. Đức Phật Thích Ca mở đầu bài thuyết pháp đầu tiên tại Bênarêch bằng câu: Vạn sự vô thường vạn sự thường, nghĩa là mọi sự thay đổi không ngừng nên mọi sự chỉ là khổ. Sinh lão bệnh tử, con người sinh ra để rồi già yếu, bệnh tật và cuối cùng là phải chết. Đời là bể khổ, muốn có hạnh phúc, ra khỏi bể khổ, cần diệt lòng tham sân si. Khổ diệt lòng tham muốn mới thoát khỏi bến mê, khỏi u minh chốn hồng trần. Đức Kitô trên “Núi Bát Phúc” đã thuyết giảng điệp ca hạnh phúc “Tám mối phúc thật”: Phúc cho ai… (Mt 5, 1-12). Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ. Đức Phật coi đời là bể khổ. Đức Giêsu nhìn thấy màu hồng trong cái thanh bạch của tâm hồn nghèo khó. LmThiện Cẩm đã nhận định rằng: Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực và thời gian, sức lực để nghiên cứu suy tư bàn cãi về hai bài giảng đầu tiên của Đức Phật và của Đức Giêsu. Tuy nhiên, có lẽ chẳng mấy ai hiểu chính xác nội dung ý nghĩa hai bài giảng có tính cách ngôn sứ ấy. Vì thực ra cả Đức Phật và Đức Giêsu đều không chú ý đề ra một lý thuyết về vấn đề hạnh phúc và đau khổ mà chỉ chia sẻ cho anh em nhân loại chính kinh nghiệm sống của mình. Kinh nghiệm của Đức Phật là kinh nghiệm của một người đã đạt tới chân như, vượt ra ngoài thế giới vô thường của những đam mê mù quáng, của sự phân chia đối kháng. Còn kinh nghiệm của Đức Giêsu là kinh nghiệm của một người thấy được cái tồn tại trong cái mất mát, thấy được sự sống trong cái chết.
Điệp ca trên núi của Đức Giêsu đã trở thành Hiến Chương Nước Trời: Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho ai hiền lành. Phúc cho ai… điệp ca vang vọng mãi ở trên núi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho các môn đệ và cho nhân loại qua muôn thế hệ. Tất cả Tám Mối Phúc đều có hai vế: vế thứ nhất là nhân, vế thứ hai là quả; vế thứ nhất là gieo, vế thứ hai là gặt; vế thứ nhất là mình vì người khác, vế thứ hai là người khác vì mình; vế thứ nhất là đau khổ, vế thứ hai là hạnh phúc. Các mệnh đề trong vế một phải hiểu ngầm là vì Chúa, vì tha nhân, nghèo vì tha nhân, hiền lành đau khổ vì tha nhân. Nếu không do tự nguyện vì Chúa, vì tha nhân thì sự nghèo, sự hiền lành, sự đau khổ, bách hại ta phải chịu đều là đau khổ chứ không phải là phúc đức. Chẳng hạn, mối phúc thứ nhất là nghèo vì người khác, sống nghèo cho người khác thì mới là phúc thật, còn sống nghèo để dành dụm tiền của ngày càng nhiều thì đó là trọc phú, là hà tiện chứ không phải là sống nghèo theo Tin mừng. Cái nghèo mà Đức Giêsu nói đến là nghèo vì yêu thương tha nhân. Nghèo vì cho đi vì muốn làm lợi ích cho người khác thì cái nghèo đó mới gọi là Đức Khó Nghèo. Vì thế giữa Đức Khó Nghèo và Đức Bác Ái có tương quan với nhau. Khó nghèo để bác ái, khó nghèo mà không bác ái thì trở thành hà tiện. Hà tiện là một trong bảy mối tội đầu. Vì thế tâm hồn nghèo khó của Tin mừng là tâm hồn sẵn sàng chấp nhận mất mát thời giờ, vật chất, sức lực, của cải, tài năng vì yêu thương tha nhân, vì mưu cầu hạnh phúc cho người khác. Một người có tinh thần phục vụ cao, dám hy sinh cho người khác, chắc chắn người đó sẽ được mọi người quý trọng, yêu mến, được tín nhiệm, được giao những trọng trách.
Một người như vậy thì Nước Trời trong lòng họ, tinh thần họ luôn bình an, hạnh phúc, tràn đầy niềm vui vì sống cho hạnh phúc của người khác. Kinh nghiệm trong cuộc sống cho thấy, những người ích kỷ suốt ngày chỉ nghĩ tới mình, tới hạnh phúc hay nỗi đau của mình đều là những người đau khổ nhất. Còn những người có tâm hồn vị tha, chỉ nghĩ đến người khác, đến hạnh phúc và đau khổ của người khác, không còn thời giờ để nghĩ đến mình thì những người ấy luôn luôn hạnh phúc thoải mái trong tâm hồn và thành công trong cuộc đời. Người Kitô hữu chúng ta cần tập thói quen sống vì Chúa, vì tha nhân và thường xuyên tìm đủ mọi cách để người xung quanh mình được hạnh phúc. Sống như thế không những được hạnh phúc ở đời này mà còn đời sau nữa. Đường lên thiên đàng thì nhỏ và chật hẹp, vất vả hơn đường xuống hoả ngục đầy thênh thang bóng mát. Chọn lựa theo Chúa Giêsu là đón nhận cho đời mình chính nguồn hạnh phúc chân thật và sự sống phong phú dồi dào. Đức Giêsu là Thiên Chúa làm người để giúp con người sống hạnh phúc. Sau khi sống lại, Người mở đường dẫn lối cho chúng ta đi về hạnh phúc viên mãn trong Thiên Chúa Tình Yêu và Sự sống.
LM Giuse Nguyễn Hữu An