PDA

View Full Version : N - Người Công giáo Việt Nam: Quyền sở hữu và càu nguyện vì công lý (1)



Dan Lee
02-03-2008, 10:06 AM
NGƯỜI VIỆT NAM C ÔNG GIÁO

CHƯƠNG VIII: QUYỀN SỞ HỮU VÀ CẦU NGUYỆN VÌ CÔNG LÝ

I. QUYỀN SỞ HỮU.

1. Mục Đích Phổ Quát của Của Cải Vật Chất.

Ngay đầu Kinh Thánh, chúng ta đọc được lời nầy: « Hãy lan tràn khắp mặt đất, khắc phục trái đất » (St 1, 28). Lời đó dạy chúng ta rằng tất cả vũ trụ này được tạo dựng cho con người: con người có bổn phận phải dùng tài năng của mình để tăng giá trị của vũ trụ, và dùng việc làm của mình mà hoàn thành vũ trụ để hưởng dùng. Nếu trái đất đã tạo dựng nên để cung cấp phương tiện sinh sống và công cụ thăng tiến cho mỗi người, thì mỗi người có quyền tìm thấy ở đó những điều kiện cần thiết cho mình. Công Đồng Vatican II cũng đã nhắc lại điều đó rằng: « Thiên Chúa đã tạo dựng trái đất và mọi vật trên đó là để mọi người và mọi dân tộc sử dụng, vì thế của cải trần gian phải tràn đầy đồng đều trong tay mọi người, theo luật công bằng, là một luật đi liền với bác ái » (Vui Mừng và Hy Vọng số 69). Định luật này phải được ưu tiên trên mọi quyền hạn khác, bất cứ là quyền nào, kể cả quyền tự do buôn bán. Các quyền khác không những không được cản trở mà trái lại phải giúp định luật này thể hiện dễ dàng, và bổn phận xã hội quan trọng và cấp bách nhất là phải qui hướng các quyền nói trên về cùng đích tiên khởi của chúng. (Phát triển các dân tộc, Populorum Progressio, số 22)

2. Quyền Sở Hữu.

Nhờ lao động và nhờ tận dụng khả năng trí tuệ, con người có khả năng thống trị trái đất và biến nó thành một nơi thích hợp: « Bằng cách đó, con người biến một phần trái đất thành của mình, chính xác hơn là biến phần trái đất mà mình đã thu được thông qua lao động; đây chính là nguồn gốc của sở hữu » (Thông điệp Bách Niên, Centesimus Annus, số 31):

« Sở hữu hay một quyền lợi nào đó trên tài sản vật chất đảm bảo cho mỗi người một lãnh vực cần thiết cho tự lập cá nhân và gia đình, cần thiết phải coi đó như một mở rộng tự do con người. Sau cùng quyền tư hữu thôi thúc thi hành trách nhiệm. Quyền sở hữu là một trong những điều kiện của tự do chính trị.

Quyền sở hữu cũng có một vai trò xã hội nội tại có nền tảng trong luật dụng đích tài sản công cộng. Một khi lãng quên tính cách xã hội đó thì lắm khi quyền sở hữu trở nên cơ hội cho những tham vọng và nguyên nhân đưa đến những xáo trộn trầm trọng và nên cớ cho nhiều người phủ nhận quyền sở hữu…

Trong một vài miền kinh tế đang phát triển, có những chấp hữu ruộng đất mênh mang mà vì lý do tư lợi, nên chỉ được khai thác một phần hoặc hoàn toàn bỏ hoang, trong khi một số lớn dân chúng thiếu ruộng đất hoặc chỉ có một phần nhỏ ».

II. GIÁO HUẤN CỦA CHÚA KITÔ

1. Chúa Cứu thế đã không kết án chế độ tư hữu. Nếu chế độ này bất công và đi ngược luật tự nhiên thì chắc chắn Ngài đã phê phán rồi. Chúa đã thẳng thắn bài trừ tất cả những sự việc bất công và lạm quyền tư lẫn công của những người cùng thời đại với Ngài. Ngài đã kết tội bè đảng Biệt phái giả hình, những chính sách công bình giả tạo, những thái độ kiêu căng, chế độ ly hôn… Nhưng tại sao Ngài lại không kết tội quyền tư hữu nếu quyền này chỉ là một chính sách bóc lột và ăn cướp?

Trái lại, trong nhiều dịp khác nhau, Chúa đã mặc nhiên chấp nhận cho con người quyền thủ đắc của cải và gia tài tư hữu. Giachêô, người tư hữu thuế, đã thưa cùng Chúa rằng: « Thưa Thầy, tôi xin lấy nửa gia tài tôi mà cho người nghèo, và nếu tôi có làm thiệt hại ai bất cứ việc gì, tôi sẽ đền trả gấp tư ». Chúa đã ban khen người này về quyết định đó rằng: « Hôm nay, sự cứu rỗi đã vào nhà này, vì người này cũng là con cháu Abraham » (Luc. 19, 1-10). Như thế Giachêô đã được cứu rỗi trong khi chỉ làm phúc có nửa gia tài của mình. Điều đó chứng minh rằng ông có quyền được hưởng dùng một nửa gia tài còn lại.

2. Chúa Giêsu đã xác định bổn phận xã hội của quyền sở hữu khi Ngài nói đến những nhiệm vụ mà người có của phải thi hành đối với tha nhân. Lập trường của Chúa rất trái ngược với chủ trương của phái Rabbini cho rằng người có của được hưởng dùng của cải mình một cách vô giới hạn. Ngài nói một cách rõ rệt: ề Phải làm phúc bố thí những của còn dư dật. (Luc. 9, 4). Kh nói lời đó, Chúa đã dùng thể cách mệnh lệnh ềHãy làm phúc. Do đó, lấy những của dư dật để giúp đỡ người nghèo đích thực là một giới răn. Của dư đạt là tất cả những gì không cần thiết để chu cấp cho đời sống bản thân và gia đình, phù hợp với nhu cầu của chức vị.

Đàng khác, đặc tính xã hội của quyền sở hữu đã mặc nhiên chứa đựng trong một quan niệm phổ quát là tình Huynh đệ đại đồng, một trong những chân lý trọng yếu Phúc Âm Chúa Kitô. Trong tình nghĩa anh em chân thành thì những danh từ ‘của anh, của tôi’ đã mất hẳn ý nghĩa vị kỷ của câu nói, vì một người anh em giầu có không thể nhẫn tâm để anh em mình bị nghèo nàn đói khổ.

3. Đời sống của các tín hữu đầu tiên tại Giêrusalem là một bằng chứng cụ thể, minh chứng hiệu lực tất nhiên của lời Chúa Cứu thế giảng dạy. Thánh Luca có thuật lại rằng: “Người tin theo đạo thì đông lắm, mọi người đều liên kết với nhau như cùng một tâm trí, một linh hồn. Chẳng ai coi của mình là của riêng, nhưng coi mọi của họ có như của chung mọi người… Trong tín đồ, không ai bị thiếu thốn cả, bởi những người có ruộng hay nhà đều bán đi, bán được bao nhiêu tiền cũng đem đến đặt dưới chân các vị Tông đồ, rồi tùy theo sự cần dùng của mỗi người mà phân phát cho (Tông đồ công vụ IV, 32, 35).

Ta nên nhớ là việc tập trung của cải nơi các tín hữu đầu tiên là kết qủa của một tinh thần bác ái cao cả, cử chỉ đó có tính cách hoàn toàn tự do và tự động, không phải là một chế độ bó buộc hay gò ép. Điểm này đã được minh xác trong nhiều chứng lý của Tông đồ công vụ.

Dụ ngôn kho báu và ngọc quý

(44) Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
(45) Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp.
(46) Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
Hai dụ ngôn này, theo nghĩa đen, đề cập đến Quyền sở hữu theo luật đất đai tại nhiều quốc gia tân tiến, kể cả Việt-Nam Cộng hòa. Ở đây, Đức Kitô ví như Nước Trời.

III. HỌC THUYẾT XÃ HỘI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Trong Thông điệp ‘Tân Sự’, (Rerum Novarum, số 14 và 15), Đức Lêô XIII đã viết:

« Người ta cũng không nên đối nghịch tính hợp pháp của quyền tư hữu với sự kiện Thiên Chúa đã ban đất cho toàn thể nhân loại sử dụng và thụ hưởng. Nếu người ta nói rằng Thiên Chúa đã ban đất để sử dụng chung cho mọi người, điều này có nghĩa là con ngươi không phải chiếm giữ nó cách hồ đồ, nhưng hàm ý là Thiên Chúa không ấn định phần riêng cho người nào.

Thiên Chúa đã ban cho con người và những thể chế các dân tộc, tùy theo sự khôn ngoan mà ấn định giới hạn của cải. Hơn nữa, dù bị phân chia thành những tư sản, đất đai vẫn để phục vụ công ích cho mọi người, bởi vì không người nào mà không được nuôi sống bằng huê lợi đồng ruộng. Ai không có đất thì bổ sung bằng lao động. Do đó, người ta có thể khẳng định rằng lao động là phương tiện phổ quát để lo cho nhu cầu sự sống, hoặc người ta lao động trên phần đất của mình hay là trong nghề nào đó mà phần thù lao chỉ lấy từ những sản phẩm đất và dùng những sản phẩm đó trao đổi với nhau.

Do tất cả điều nói đó, một lần nữa người ta thấy quyền sở hữu hoàn toàn phù hợp với thiên nhiên. »

Các Đức Giáo Hoàng kế vị Đức Lêo XIII đã lặp lại xác quyết hai phần này: sự cần thiết và sự hợp pháp của quyền sở hữu, và cũng như những giới hạn đặt ra cho quyền đó. Công Đồng cũng nhắc lại một cách minh bạch học thuyết lâu đời bằng những lời lẽ lặp lại như sau: « Khi sử dụng những vật bên ngoài mà ta làm chủ một cách hợp pháp, phải coi nó không phải chỉ là của riêng chúng ta nhưng còn là của chung, theo nghĩa nó có thể làm lợi không những cho người làm chủ mà còn cho những người khác nữa » (Vui Mừng và Hy Vọng số 69). Và xa hơn: «Quyền tư hữu cũng như quyền làm chủ của cải bảo đảm cho mỗi người một lãnh vực cần thiết để cá nhân và gia đình được tự trị. Các quyền này cũng phải được coi như nằm trong phạm vi quyền tự do của con người. Theo bản chất, tài sản riêng cũng có tính cách xã hội, đặt trên luật lệ hưởng chung của cải » (Vui Mừng và Hy Vọng số 71).

Qua Thông điệp ‘Divini Redemptoris’ (19.0.1937), Đức Piô XI đã viết: « Những ai giàu có không nên xem của cải trần gian như là hạnh phúc duy nhất, nhưng họ phải coi mình như những người quản lý sau này sẽ phải trả lẽ với Đấng gia chủ tối cao; họ phải sử dụng gia sản của mình như những phương tiện quí báu Thiên Chúa đã ủy thác để làm việc phúc đức, họ phải phân chia những của dư dật cho người nghèo khổ, thể theo huấn giới của Phúc Âm. »

Phần Tóm tắc. Giáo Hội Công giáo, căn cứ vào lời giảng dạy của Chúa Cứu thế, luôn xác định: Quyền sở hữu là một quyền tự nhiên, đã do Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo vạn vật đã thiết lập nên. Quyền đó rất phù hợp với lý lẽ tự nhiên vì:

a. Tài sản riêng là một động cơ thúc đẩy con người siêng năng làm việc để đem lại lợi ích cho bản thân, rất cần thiết cho việc tăng gia mức sản xuất về mọi ngành hành động.

b. Chế độ sở hữu lại là một biện pháp cần thiết để dung hoà trật tự xã hội với tự do cá nhân, cần lao với phẩm giá con người.

c. Sự phân chia của cải một cách công bình là một yếu tố quan trọng để củg cố và phát huy an ninh xã hội, trái lại chế độ cộng đồng tài sản thường phát sinh những tình trạng thù ghét và bất bình.

Bởi thế, Giáo Hội Công giáo bác bỏ những chủ nghĩa hay chính sách kinh tế liên quan đến quyền sở hữu như:

a. Chủ nghĩa tự do vì quá đề cao quyền tự do cá nhân nên không ấn định những giới hạn quyền lợi và nhiệm vụ cho vấn đề sở hữu. Do đó, đã gây nên nhiều bất công trong xã hội.

b. Chủ nghĩa cộng sản vì muốn phá hủy quyền sở hữu đất đai của mọi người để tập trung vào một tay chính phủ, nên đã đi đến chỗ thất bại trong áp bức và đau thương (dân oan, đất đai của các tôn giáo…).

Trong văn thư số 576/VP-75 quyết định cho xử dụng các trường Tư thục Công giáo trong toàn Giáo phận để trở thành trường công lập, Đức Tổng Giám mục Phalô Nguyễn văn Bình khẳng định: « Chúng tôi tán thành việc công lập hóa tư thục như một phương tiện thực thi chủ trương miễn học phí của Chính phủ, và chúng tôi sẵn sàng để Nhà Nước sử dụng các cơ sở của Tư thục Công giáo trong Giáo phận Sài gòn, vào công tác giáo dục, ngay từ niên khóa 1975-1976 này. » (CG và DT số 1312). Tuy nhiên, hôm 31.12.2007, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn thiện Nhân có nói với báo Thanh Niên, (xin trích): « Tôi xin nói rõ cho đến nay, học phí bậc phổ thông thực tế không liên quan đến chi phí đào tạo vì nó dựa trên khả năng chi trả của người dân, chứ không dựa vào chi phí thật cho việc dạy và học ở các trường là bao nhiêu. Mức học phí Trung học Cơ sở hiện nay là 20.000 đồng/tháng ở thành thị và nông thôn, 8.000 đồng/tháng ở miền núi; học phí Trung học Phổ thông là 35.000 đồng/tháng* ở thành thị và 15.000 đồng/tháng ở miền núi.
Học sinh nghèo, diện chính sách đều được giảm học phí. Trong số 15,2 triệu học sinh tiểu học đến Trung học Phổ thông ở các trường công lập có 9,4 triệu em được miễn, giảm học phí; chiếm 62% tổng số Học sinh ». (chấm dứt trích) (Thanh Niên 01/01/2008). Ngoài học phí, còn có những đóng góp khác mà phụ huynh phải chi trả.

* Lương tối thiểu, từ ngày 01.01.2008, của người lao động tại các đơn vị sự nghiệp là 540.000 đồng/tháng.

Lời nói của Đức Cha phù hợp với Học thuyết xã hội Công giáo như chúng ta đã nói trên. Nhưng, than ôi, sự việc đã không xãy ra như ý muốn của vị Tổng Giám mục khả kính… Gần ba mươi ba năm đã trôi qua, kinh tế Việt-Nam đã phát triển nhiều, học phí vẫn còn và có khả năng gia tăng.

(còn tiếp) (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=20182)
Hà Thảo Minh