PDA

View Full Version : Nhạc Việt và những phiên chợ tù mù... - Đỗ Phong



delta
02-03-2008, 11:17 AM
Nhạc Việt và những phiên chợ tù mù...


Những ngày qua, thị trường nhạc Việt vẫn khá sôi động với nhiều chương trình ca nhạc, live show, mini show được tổ chức, cùng với sự ra đời hàng lọat album của những ca sĩ có tên tuổi hoặc đang khẳng định tên tuổi…

Thế nhưng, cái “đều đều” của những màn phun khói, tạo lửa trên sân khấu hay sự ra lò của những CD mang tiếng được đầu tư “dữ dội”… chỉ làm cho khán giả thêm “chán ngán, thất vọng” … vì "lượng" nhiều mà thiếu "chất", và vì chỉ thấy đa phần là những chiêu thức loay hoay rao bán chào mời đậm màu thị trường mà hòan tòan thiếu vắng những nỗ lực tìm tòi sáng tạo đích thực của những nghệ sĩ thực thụ...


http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/nhac1.jpg


Trước tiên, có thể ghi nhận sự ra đời ồ ạt của hàng lọat album với hình ảnh, màu sắc và những chiêu “tiếp thị, câu khách” đủ lọai đủ kiểu khác nhau. Nào là “Lạc mất em” của Đàm Vĩnh Hưng, “Khi” của Quang Dũng, “Non stop” và “Kim cương đen” của Hồ Quỳnh Hương hay “Gia đình tôi” của Phương Uyên, rồi thì album của một số ca sĩ khác như : Lâm Vũ, Trần Tâm, Duy Mạnh, Ưng Hòang Phúc, Ưng Đại Vệ…


Nếu chỉ tính riêng trong tháng 5 này số album phát hành đã hơn con số 15, đấy là chưa kể đến CD của những ca sĩ vừa mới “chân ướt chân ráo” bước vào thị trường âm nhạc.

Sao lớn có, sao nhỏ có, đến sao vừa “le lói” cũng tự trang bị cho mình một đứa con tinh thần. Nếu như sao lớn với những lời tuyên bố hùng hồn về mức đầu tư quay clip, chụp hình bìa và bao cả vé máy bay cho cánh nhà báo đến dự buổi ra mắt album, thì sao nhỏ lại khiêm tốn quảng bá hình ảnh bằng cách “dán khắp cột điện”.

Chạy đua với sự lớn mạnh của “ca sĩ” theo kiểu “người người đi hát” là việc ra đời của những giải thưởng với mục đích tôn vinh. Trước đây, có thể kể đến Làn sóng xanh, Mai vàng, Cống hiến …gần đây là Album vàng, Bài hát Việt, Ngôi sao tiếng hát truyền hình…. Mỗi giải thưởng có một cách thể hiện, thu hút công chúng khác nhau nhằm đánh dấu quá trình hoạt động, cũng như chặng đường mà ca sĩ đã trải qua với “sự bình chọn của khán giả” bằng nhiều cách…



http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/nhac2.jpg

Giải thưởng liên tục ra đời để có thể sánh kịp số lượng ca sĩ. Rồi kéo theo đó là những chiêu tiếp thị, quảng bá rầm rộ. Đến đây không thể không nhắc đến sự có mặt của nhà đài, khi mà nhu cầu giải trí của công chúng tăng lên vùn vụt so với sự thiếu thốn chương trình, thì cái bắt tay của nhà đài và công ty “lăng xê” được cho là giải pháp. Rồi “Thế giới Vpop”, “Alô @ Ngôi sao”, “Bài hit và ca sĩ”…cũng nỗ lực tìm chỗ đứng trong lòng “khán giả trẻ”…


So kè với những chương trình ca nhạc lớn, những đêm nhạc “mini” xuất hiện với tần số cao tại các phòng trà ca nhạc thành phố. Điểm mạnh cuả những mini show này chính là sự xuất hiện của các ca sĩ “lão thành” từng “vang bóng một thời” từ hải ngoại về nước và một yếu tố không thể không nhắc đến là ” phòng trà ca nhạc thì không e ngại chuyện thời tiết…”

Không thể phủ nhận sự đa dạng, phong phú, những “hiệu ứng” từ các chương trình ca nhạc, giải thưởng tôn vinh, những live show, mini show…xuất hiện thời gian gần đây. Nếu chỉ nhìn vào bề nổi số lượng, chắc hẳn chúng ta đã có thể an tâm“ăn mừng" về sự phong phú, đa dạng của nhạc Việt, thế nhưng với những ai đã cất công tìm mua và tìm nghe nhạc thật sự thì vẫn phải "đỏ mắt đi tìm"...


http://i214.photobucket.com/albums/cc72/delta38_1/nhac3.jpg

Rõ ràng sự ra đời hàng loạt của album với tuyên bố đầu tư ở mức cao là đều hết sức đáng mừng, hơn nữa trong những album này càng ngày càng có nhiều bài hát do chính “thân chủ” sáng tác. Tuy nhiên, thử hỏi có ai biết được chính xác con số đầu tư thực sự của một album? Và, những album được "đánh giá cao" có bao nhiêu bài tạo “hit”, phát hành được bao nhiêu CD? Phải chăng đó là một “ẩn số” không lời đáp được cổ vũ bởi những chiêu PR lòe thiên hạ.

Ca sĩ liên tục ra đời, album liên tục xuất xưởng dẫn đến những hệ quả tất yếu về chất lượng vì sự “thiếu thốn” tác phẩm. Vậy là ca sĩ chạy đi sáng tác, bí quá thì “đào bới” lại những bài hát xưa rồi “remix” cho mới hay chắp ghép nhạc theo kiểu “râu ông này cắm cằm bà kia”. Cao hơn nữa là những “cú đúp” album được đánh bóng, lăng xê lên tận mây.

Ngược lại với việc ca sĩ tự sáng tác, là “phong trào” nhạc sĩ sáng tác “riết rồi chán” chạy đi làm ca sĩ nhằm thể hiện đúng chất của ca khúc, mà trong số họ thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Album ra nhiều, thế là xuất hiện những cuộc thi, những giải thưởng “vàng này bạc nọ”. Đi suốt một chặng dường dài với những ý kiến khen chê khác nhau của nhiều người, những giải thưởng tưởng chừng như tôn vinh lại làm cho khán giả, ca sĩ chán nản vì bội thực và vì những trò “mượn mác kiếm tiền”.

Cạnh tranh với những chương trình mang “mác” lớn là những mini show được tổ chức liên tục tại các phòng trà. Với lời “rao” khá hoành tráng như “không gì thay thế” của những giọng ca “một thời vang bóng”, mini show có vẻ gần gũi với khán giả và ít tốn kém để thực hiện, thế nên việc ca sĩ “ùn ùn” tổ chức mini show tất yếu sẽ trở thành “phong trào”. Tuy nhiên nhiều người lại lo ngại cho chất lượng cuả những chương trình “ít tốn mà thu lợi nhiều” này.

Ngoài những chương trình ca nhạc trên, phải kể đến cuộc thi Sao mai – tiếng hát truyền hình toàn quốc đang tạo được độ “hot” với khán giả cả nước. Tuy không được quảng bá rầm rộ như những chương trình trước, thế nhưng Sao mai lần này cũng thu hút được sự chú ý của khán giả và bước đầu, đã góp phần phát hiện những nhân tố mới cả ở dòng dân gian, nhạc nhẹ, lẫn thính phòng, thế nhưng họ vẫn mới chỉ là những “đóm lửa le lói”…

Và như thế, những phiên chợ ca nhạc thị trường vẫn không ngừng nhóm họp, vẫn tấp nập kẻ bán người mua, người rao bán vẫn không ngớt cho rằng mình chỉ cung cấp "hàng xịn", còn người mua vẫn không ngớt thấp thỏm lo sợ mình sẽ mua nhầm "hàng nhái", hàng "dỏm" hoặc đã mua "hớ", nhưng biết làm sao, chẳng lẽ không đi chợ?!...

Đỗ Phong
:idea: