PDA

View Full Version : U Sầu - Trầm Cảm - Bùi Xuân Dương, MD



delta
02-05-2008, 11:27 AM
Bệnh U Sầu - Trầm Cảm

Bùi Xuân Dương, MD

Em có nghe tiếng sóng gầm gió thét
Vang vọng về trong mất mát lẻ loi
Tiếng giầy lê giữa phố vẫn đông người
Lang thang bước trong khung trời thương nhớ
(Xuân Dương)

Có lẽ đó là lời than, tiếng trách của gã thất tình khi người yêu lặng lẽ ra đi... Nhưng sự mất mát, nỗi buồn phiền chán nản, lẻ loi này có đáng kể không, khi so với những khủng hoảng của người Việt Nam sau biến cố 30 tháng Tư? Không ít thì nhiều, chúng ta đã hoặc đang ngậm ngùi với những ưu tư, buồn phiền, sầu não, mất mát, sót sa - mỗi khi tiếng thời gian gõ lại nốt nhạc trùng của thảm họa lịch sử khó quên này. Rồi như thế, cuộc sống vẫn trôi đi với những hỉ, nộ, ái, ố. Và có lẽ nhờ vào khả năng "quên mà sống," con người vẫn chưa hoàn toàn "chết ngộp" trong "bể khổ." Tuy nhiên trong một số người, những nỗi bất hạnh, những cơn khổ đau cứ thế tiếp tục chồng chất, đẩy họ vào hố sâu của cõi buồn phiền, không ánh sáng. Sự chán nản, nỗi đớn đau như thế sẽ tiếp tục giầy vò thể xác và tinh thần, khiến cuộc sống của họ trở nên không tưởng và tắc lối. Khi sự buồn rầu, chán nản trở nên quá thái và kéo dài quá lâu, những người này cần được cứu vớt. Họ đang mang trên người một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng: Bệnh u sầu.

Bệnh U Sầu là gì?
Buồn rầu là một trạng thái "không vui" mà có lẽ chúng ta ai ai cũng từng trải qua. Nếu nhẹ, chúng ta chỉ bị "sa sút" tinh thần đôi chút, rồi bình phục trở lại. Đó là những "mặn, ngọt, chua, cay" trong cuộc sống. Nếu "rút tỉa" kinh nghiệm từ những bài học đắng cay này, chúng ta sẽ trở nên minh mẫn và sáng suốt hơn. Nhưng nếu sự buồn phiền cứ tiếp tục chồng chất, cả tinh thần lẫn thể xác của chúng ta đều như bị thôi miên và lôi cuốn vào cơn lốc của đau khổ và thất vọng. Bấy giờ sự buồn bã không còn là một trong những "nổi trôi" của cuộc sống mà đã biến thành một căn bệnh.

Sự khác biệt chính yếu của những sự buồn bã "thông thường" và bệnh u sầu không hoàn toàn dựa vào thời gian và tình trạng nặng nhẹ của căn bệnh. U sầu được xem như là một căn bệnh, khi chúng ta không kiểm soát được sự suy nghĩ của chính mình. Bệnh nhân đôi khi cảm thấy buồn phiền một cách vô lý. Mỗi ngày một buồn hơn, chán nản hơn mà không hiểu tại sao.

Nguyên Nhân đưa đến bệnh U Sầu
Tuy với sự tiến triển vượt bực của y khoa, người ta vẫn chưa hiểu rõ những gì đã xẩy ra trong tế bào óc có thể đưa đến những cảm giác như yêu, thương, buồn, phiền, nhung nhớ, rầu rĩ, chán nản, thất vọng v.v. Khi não bộ bị tổn thương vì một lý do nào đó, một số hoá chất trong óc bị xáo trộn đưa đến nhiều triệu chứng và hậu quả khác nhau.

U sầu/trầm cảm cũng có thể được xem là một bệnh di truyền. Một bộ óc "yếu ớt" có thể dễ bị tổn thương bởi những biến cố hơn là một bộ óc "khỏe mạnh." Nếu chúng ta "thừa hưởng" những đặc tính di truyền tốt cho một bộ óc "cường tráng," chúng ta đỡ bị bệnh u sầu hơn. Những chấn thương của não bộ có thể gây ra từ một biến cố trầm trọng xẩy ra một cách bất ngờ (như mất nước, nhà cửa tan nát, gia đình ly tan v.v.), hoặc từ những tin buồn, chuyện không may, nỗi bất hạnh, lo lắng, buồn phiền, tức tối, giận d." hoặc sự bất mãn căng thẳng v.v.. chồng chất lên nhau từ năm này qua tháng nọ. Vì thế, bệnh u sầu - trầm cảm không phải là một bệnh tưởng tượng. Người bệnh thật sự bị bệnh, chứ không phải đang đóng kịch, để được sự chú ý của người chung quanh. Họ cũng rất muốn sống một cuộc đời hạnh phúc và vui vẻ như mọi người nhưng vì những thay đổi trong não bộ của họ đã lấy mất đi trí óc sáng suốt của họ.

Ai có thể bị Bệnh U Sầu?
Chúng ta ai ai cũng có thể bị. Người bị bệnh u sầu tuy thường cảm thấy cô đơn, nhưng họ không lẻ loi. Tại Hoa Kỳ, ít nhất 5.3% người lớn hoặc 17 đến 20 triệu người đang bị bệnh trầm cảm. Phái nữ với tỷ lệ 12% mỗi năm bị mắc bệnh u sầu nhiều hơn phái nam, với tỷ lệ 7% mỗi năm. Nói một cách khác, cứ 1 trong 5 người nữ sẽ có nguy cơ bị bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời của họ (lifetime risk). Người Việt Nam rải rác khắp nơi trên thế giới, sau biến cố 30 tháng tư, gặp rất nhiều trở ngại trong việc thích ứng với đời sống trên đất khách, quê người. Sự mất mát, nỗi khổ đau, tủi nhục và trở ngại về ngôn ngữ cũng như những khác biệt văn hóa đã là một trong những nguyên nhân chính đưa đến bệnh u sầu/trầm cảm của rất nhiều người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới. Theo bản tường trình chính thức của thành phố Queensland tại Úc, người Việt tị nạn tại Úc là một trong những di dân nghèo nhất tại đây, với trình độ học thức thấp kém, và thường phải làm những công việc hèn kém so với khả năng của họ. Khi gia nhập vào cuộc sống mới, những bậc phụ huynh vì yếu kém về sinh ngữ, cảm thấy bất lực vì lệ thuộc vào con cái. Họ trở nên bất mãn vì cảm thấy quyền dạy dỗ con cái theo truyền thống Khổng - Lão bị "tước đi." Giá trị gia đình và nhân phẩm cá nhân như bị đánh mất khi phải "ngửa tay xin tiền" từ những cơ quan từ thiện. Nỗi uất ức vì bất đồng ngôn ngữ, sự tức tối vì những kỳ thị chủng tộc, nhục nhã vì thiếu khả năng kiếm tiền nuôi gia đình, đau đớn về thể xác vì tuổi tác cũng như do những ngày tháng đầy đọa, hành hạ trong tù lao cộng sản, những ác mộng hằng đêm, v.v... đã và đang là những nguyên nhân chính đưa đến bệnh u sầu, trầm cảm của những người Việt tỵ nạn lớn tuổi. Những người phụ nữ bị hãm hiếp trên hành trình lưu lạc tìm tự do, cũng không thoát khỏi những cơn buồn phiền, chán nản và u sầu.

Tại Hoa Kỳ, Việt Nam là sắc dân tỵ nạn Á Châu đứng hàng thứ 4, sau Trung Hoa, Phillipines và Ấn Độ. Dựa theo tài liệu của ông Trần V. Thanh đăng tải trong Social Work Research (March 2003) u sầu/trầm cảm là một trong những bệnh tâm thần hàng đầu của người Việt Nam tỵ nạn tại Hoa Kỳ. Người Việt lại thường "đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại," nên xem bệnh u sầu là một sự tủi nhục cho gia đình. Vì thế, họ thường cắn răng chịu đựng và "khóc lẻ loi, một mình." Ngay cả trẻ em sinh trưởng tại hải ngoại, cũng có thể bị bệnh này. Theo thống kê gần đây, khoảng 4% các thanh niên thiếu nữ đang bị bệnh trầm cảm một cách nặng nề. Vì trẻ em thường có những cơn buồn "vô cớ," người lớn thường có khuynh hướng lơ là về những triệu chứng của bệnh u sầu trong lứa tuổi "nhức đầu" này. Dựa theo the National Cancer Institute, ít nhất 1.9% trẻ em từ 7 đến 12 tuổi, và từ 10 đến 15% học sinh trường trung học đã và đang bị bệnh u sầu trong một thời gian ngắn. Trong số này, một số trẻ em cần phải chữa trị gấp rút trước khi bệnh trở nên quá nặng. Dựa theo bác sĩ Norman Sartorius, cựu chủ tịch Hội Bệnh Tâm Thần Thế Giới (World Psychiatric Association), người Á Châu nói chung và người Việt Nam nói riêng, thường chấp nhận những triệu chứng của bệnh trầm cảm như những nắng mưa của cuộc sống nên không đi khám bệnh. Vì thế, nhiều người trong chúng ta có thể đang bị bệnh này, nhưng không nói ra vì ảnh hưởng bởi nền giáo dục và văn hóa của người Á Châu. Theo tôi nghĩ, đây là một sự chịu đựng không công bằng và khá tàn nhẫn (khi nghĩ rằng đây là một bệnh có thể chữa trị được). Triệu Chứng của Bệnh Trầm Cảm Khác với sự hiểu lầm của quần chúng, đây không phải là bệnh tưởng tượng, hoặc bệnh tâm thần tầm thường, dễ chữa. Chỉ cần ăn uống đầy đủ hơn, tập thể dục thường xuyên hơn, giải trí đều hòa hơn, làm việc hăng say hơn, vui chơi với bạn bè và người thân nhiều hơn, là tinh thần sẽ bớt "căng thẳng" và mọi chuyện sẽ "vui vẻ" trở lại như " bình thường." Xin thưa, đây không phải là bệnh dễ chữa. Vì nguyên nhân của bệnh rất phức tạp, và có thể đã ăn sâu trong tiềm thức, nên bệnh không thể tự nhiên "biến mất" được. Bệnh cần được theo dõi chặt chẽ và chữa bệnh đúng cách.

Nếu không được chữa, tinh thần người bệnh dần dần sa sút. Họ bắt đầu thu nhỏ về thế giới riêng tư với những ê chề, buồn bã, tuyệt vọng. Cuộc sống trở nên vô nghĩa, chán nản. Ban đầu họ chỉ có những tư tưởng như "sao cũng được," nhưng lâu dần, "Có tôi, hay không có tôi đời vẫn thế. Đã ai phải cần đến tôi." Từ tư tưởng "Không mợ, chợ vẫn đông người," họ có thể đi xa thêm một chút nữa. " Tôi chỉ là mối nhục cho gia đình, một một gánh nặng cho xã hội, không đáng sống." Những cảm giác chán đời có thể trở nên mỗi ngày một mãnh liệt hơn. Họ mất dần tự tin, và dần dần xa lánh đời sống chung quanh. Rồi khi quá tuyệt vọng, họ có thể tự tìm cho mình một cái chết, để chấm dứt những nỗi phiền đau không tưởng mà dường như "Trời Đất" chỉ dành riêng cho họ. May mắn thay, không phải ai mắc bệnh trầm cảm cũng bị nặng như vậy. Một số người chỉ có những triệu chứng rất nhẹ và mơ hồ. Họ ban đầu chỉ cảm thấy người không vui, lâng lâng như câu thơ "Hôm nay trời nhẹ lên cao; Ơ hay chẳng hiểu vì sao tôi buồn." Họ có thể chỉ buồn bã, ăn không ngon, ngủ không yên. Lâu dần, họ có thể cảm thấy "trống rỗng," sống không ngày mai, bức rức, bồn chồn, khó chịu, khó tập trung tư tưởng. Họ có thể cảm thấy buồn "rười rượi," thất vọng, chán nản, giận dữ không nguyên cớ. Đầu hoặc tứ chi có thể bị nhức mỏi, thiếu năng lực. Người bị bệnh u sầu thuờng lúc nào cũng cảm thấy buồn bã, chán chường, không tha thiết việc gì cả, họ cảm thấy nhỏ bé, thua kém bạn bè. Họ cũng thường cảm thấy yếu đuối về cả hai mặt: thể xác và tinh thần. Họ như người "không hơi," không tập trung được tư tưởng. Biếng ăn, mất ngủ và xuống cân. Bệnh nhân lớn tuổi thường cảm thấy khó chịu, đau đớn khắp cơ thể.

Cách Định Bệnh và Chữa Bệnh Đây là một căn bệnh rất thường xuyên và dễ nhầm lẫn với nhiều trạng thái khác nhau, nên lối định bệnh khá rắc rối. Người ta phân biệt thành rất nhiều bệnh u sầu khác nhau tùy theo nặng nhẹ, triệu chứng, nguyên nhân cũng như hoàn cảnh. Và vì thế lối chữa trị cũng trở nên không kém phức tạp. Vì khuôn khổ bài viết chúng tôi sẽ không đi vào chi tiết của mỗi loại bệnh u sầu. Người ta thường phân biệt nhiều loại bệnh khác nhau như major depression, bi-polar depression, manic depression, post-traumatic depression, post-partum depression, child depression, teen depression v.v. Nói một cách tổng quát, đây là một căn bệnh cần được theo dõi và chữa trị bởi nhiều chuyên gia khác nhau, cũng như cần được sự giúp đỡ và khuyến khích của gia đình. Người ta nhận thấy nếu người bệnh và người thân thường cởi mở hơn trong việc chữa bệnh, bệnh nhân sẽ cảm thấy thoải mái và chóng lành bệnh hơn.

Tâm lý trị liệu (psychotherapy)
Trong phương pháp này, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn và điều trị bởi bác sĩ tâm thần (phychiatrist), hoặc bởi nhà tâm lý học (psychologist) bằng những phương thức khác nhau. Chính yếu của phương pháp này là "nói." Khi nói chuyện, bệnh nhân có thể cùng người bác sĩ tâm lý đào xâu vào ký ức, hoặc "mổ sẻ" những lý do đưa đến những căng thẳng, phiền muộn gây ra bệnh u sầu. Tuy nhiên nói thì dễ, làm thì khó. Nhiều người cho rằng, chỉ có những kẻ hèn yếu mới cần phải đi "tâm sự" với một bác sĩ "điên." Nếu cảm thấy buồn phiền, một người đàn ông "thuần túy" chỉ cần uống vài chai bia là hết ngay. Than thở với một người khác không hề quen biết về những lẻ loi, mất mát, buồn phiền của mình, không khác gì mấy... "mụ đàn bà, lắm chuyện" nói lải nhải ở chợ trời. Thưa quý ông, không! Trăm lần không. Phải can đảm lắm, phải hùng dũng lắm mới có thể tuyên bố với người khác là: "tôi đang bị bệnh u sầu, trầm cảm, xin giúp tôi tìm lại niềm vui." Vâng quý vị thử đứng trước gương và lập lại câu nói trên xem. Vạn sự khởi đầu nan. Nếu vượt qua khỏi trở ngại đầu tiên này, gần như 50% bệnh u sầu của quý vị đã thuyên giảm. Đây không phải là mục gỡ rối tơ lòng như trong "dear Abby" hoặc "Talk Show của Quỳnh Hương - Quốc Thái, mà là những phương pháp trị liệu có phương pháp với mục đích xoá mờ những khúc mắc sâu sa, những tổn thương trầm trọng trong ký ức v.v.

Người "trong cuộc" thường càng tự g." càng rối bời, càng tuyệt vọng. Đa số những nguyên nhân đưa đến bệnh u sầu thường rất thầm kín, rất tế nhị, nhưng không kém phần phức tạp. Quá phức tạp để người bệnh tự giải quyết lấy. Nếu làm được họ đã không bị bệnh u sầu. Vì thế, ngoài thuốc men, tâm lý trị liệu đóng một vài trò quan trọng trong việc chữa bệnh u sầu, gây ra từ những tổn thương não bộ sau những biến cố tâm lý. Tùy theo bệnh lý, cũng như nguyên nhân của bệnh, nhiều phương thức khác nhau có thể được đem ra ứng dụng, từ yoga, thiền, tập thể dục, chữa bằng nhạc, đấm bóp v.v.

Thuốc men
Trong những năm gần đây nhiều loại thuốc chữa bệnh u sầu mới hơn, tốt hơn, và ít phản ứng phụ đã được ứng dụng một cách rất hiệu quả. Hai loại thuốc chính với khả năng thay đổi chất hoá học noradrenaline và serotonin trong não bộ. Người được chữa trị cảm thấy thoải mái và "yêu đời" hơn rất nhiều. Họ có thể ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn. Tìm lại sinh lực và cảm thấy khỏe mạnh hơn.

Tóm lại, bệnh u sầu, trầm cảm là một căn bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến thể xác, tinh thần, suy nghĩ, tâm linh, thể lực, đời sống hằng ngày và nhiều điều khác nhau nữa. Bệnh u sầu không phải là một cảm giác buồn phiền qua loa. Đây cũng không phải là một dấu hiệu của một tinh thần yếu ớt. Và bệnh không thể tự chữa trị được một cách dễ dàng.

:idea: