PDA

View Full Version : Mùa Lạnh Và Cảm Cúm - Phạm Phong Dinh



delta
02-05-2008, 05:28 PM
Mùa Lạnh Và Cảm Cúm

Phạm Phong Dinh

Mỗi năm cứ vào dịp cuối thu, những chiếc lá lìa cành bay lả tả, những con đường ngập tràn xác lá úa vàng hực trong ánh trời chiều, đã làm dâng lên trong lòng mỗi chúng ta những nguồn thơ chan chứa. Ý thơ tuôn dào dạt. Nàng thơ lãng đãng trôi. Nhưng còn có một thứ cũng theo những vầng thơ phun... ra từ buồng phổi, tạo thành một chuỗi âm thanh rền rền muốn rách cái cổ họng tội nghiệp của chúng ta. Đi đâu bạn cũng rất có thể nghe được những tràng liên thanh uất... nghẹn đó từ những người chung quanh, hoặc vả chính bạn cũng đang thi đua làm cái công chuyện ấy một cách rất tức... tối và đau khổ, vì bạn không sao có thể dừng được. Phải, đúng, bạn đang ho, ho tưng bừng hoa lá cành, nước mắt nước mũi trào ra, ho thấu trời... xanh mà thượng đế nào có biết cho. Nhưng tại sao chúng ta lại ho dữ thế trong mùa lạnh nhỉ. Đã thế mà bạn còn cảm thấy trong con người trần tục của bạn gây gây sốt, tứ chi mình mẫy xương xẩu bải hoải đau nhức. Những bạn có tinh thần ăn...uống thì còn khổ hơn, vì cái lưỡi đáng giá ngàn vàng của bạn ăn đến đâu mùi vị của thức ăn nó cứ vô duyên nhạt nhẽo đến đó. Nên bạn chẳng thiết ăn uống nữa. Có thể bạn đang bị cảm hay cúm đấy. Bạn bỏ ăn. Cùng lắm là bạn chỉ có thể xực... cháo, hoặc xực... phở thật nóng, để gọi là làm cho đổ mồ hôi giải cảm.

Thông thường thì những cái làm chúng ta vô cùng khó chịu vừa mới kể ở trên đột ngột xuất hiện sau một đêm bạn ngủ một giấc ngon lành, có những cơn mộng đẹp êm đềm. Nhưng một buổi sáng thức dậy, bạn bỗng cảm thấy mũi bạn nghẹt cứng, nước mũi thì thụt, cổ họng ran rát, người hâm hấp sốt. Cuối cùng, một cái ách xì đầu tiên quợn lên từ trong buồng phổi làm bạn phải tống một tiếng kêu lớn vang dội, làm thức giấc người đẹp đang nằm say sưa... ngáy bên cạnh bạn. Rồi những cơn ho từ từ, chầm chậm kéo đến. Lúc đầu chỉ khúc khắc ho tao nhã một cách rất ư là văn nhân nghệ sĩ. Nhưng những ngày sau bạn ăng ẳng với một nhịp độ nhiều hơn, vì thế bạn đành phải gọi vào hãng xin nghỉ tạm vài ngày. Bạn cũng đừng buồn số phận hẩm hiu, vì cùng với bạn hàng năm có đến hàng triệu người bị cảm cúm. Người ta thống kê được mỗi năm khoảng trên 50 triệu ngày làm đã bị mất do chỉ riêng bệnh cảm cúm không thôi. Các em học sinh cũng đã phải nghỉ ở nhà đến hơn 60 triệu ngày. Một trong những ghi nhận ngộ nghĩnh nhất là trường hợp chuyến bay Apollo 9 dự định phóng ngày 27.2.1969 đã phải đình hoãn, vì ba phi hành gia Hoa Kỳ xuất hiện với cùng triệu chứng cảm. Cơ quan Hàng Không Không Gian NASA (National Aeronautics and Space Administration) buộc phải dời chuyến bay đến một tuần sau. Có điều lạ là cảm và cúm không gây bệnh đồng đều cho con người như những loại bệnh dịch khác. Có người rất nhạy cảm với cảm cúm, nhưng có người lại ít bị dính. Trẻ em dễ bị cảm cúm hơn người lớn, vì cơ thể các em non nớt và chưa phát triễn hết để đủ sức tự vệ. Những người thường ru rú trong nhà, tứ thời tám tiết chẳng có chịu đi đâu, thật kỳ quái, lại dễ “dính” cảm cúm hơn những người hàng ngày đi ra ngoài giá lạnh. Những dân tộc sống ở vùng Bắc Cực hay Nam Cực lạnh thấu ông bà ông vải nhưng lại rất ít bị cảm lạnh. Thế mới kỳ không chứ. Cái tư tưởng cho rằng trời lạnh là chúng ta “trúng” lạnh đã không thể giải thích được hiện tượng này. Nhưng tại sao bệnh cảm cúm cứ phải xảy ra trong mùa lạnh mà không phải trong mùa nóng. Nhưng quí bạn đừng... lo. Trong mùa nóng cơ thể ngọc ngà của chúng ta cũng có loại phản ứng gọi là “trúng” nóng (heat stroke) rất ghê gớm, hẹn các bạn mùa hè năm 2003 chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhé. Các nhà khoa học sau nhiều thập niên nghiên cứu đã có câu trả lời. Trong mùa lạnh, có hàng trăm loại vi khuẩn (virus) hoạt động và gây ra bệnh cảm cúm. Những vi khuẩn này rất mám mồi và dễ lây truyền từ người này sang người kia. Người ta đã gọi cảm cúm là dạng dịch bệnh chỗ công cộng, vì càng có mặt ở chỗ đông người bao nhiêu, thì bạn càng dễ bị dính cảm cúm từ người bệnh lẫn lộn trong đó bấy nhiêu.

Nhưng vi khuẩn (virus) là cái con gì mà ghê gớm dữ vậy. Nó với con vi trùng (bacteria) khác nhau chỗ nào, hay có bà con gì với nhau không. Câu trả lời là khác nhau và hoàn toàn là người dưng nước lã. Con vi trùng là một con sinh vật hoạt động ở thể đơn bào. Nó có thể tự sinh sản lấy bằng cách phân làm đôi, rồi cứ thế mà nảy nở lên hoài. Khi vào cơ thể thì nó tiết ra những độc tố làm suy yếu các tế bào, hay tấn công hệ miễn nhiễm cơ thể (immune system) của chúng ta, từ đó gây bệnh. Thí dụ như vi trùng dịch tả, dịch hạch, bệnh lao, bệnh thương hàn, sốt rét, v.v.. Đặc biệt con vi trùng gây thổ tả E. coli có rất nhiều trong những loại thực phẩm kém vệ sinh, nó tiết ra độc chất botulinum làm cho các bắp thịt của chúng ta bị tê liệt, rồi dẫn đến tử vong. Nhưng đối với phái đẹp thì nó lại là một ân nhân vô cùng vĩ... đại đó quí bạn ạ. Người ta lấy một lượng cực nhỏ botulinum chích vào hai bên mép mắt của quí bà quí cô làm tê liệt các bắp thịt trên má. Khi quí người đẹp nhoẻn một nụ cười mê hồn cỡ như Bao Tự, quí ông sẽ không bao giờ thấy những vết nhăn của thời gian hiện ra trên mặt của quí bà nữa. Tha hồ cho quí ông mê nhé.

Nhưng con vi khuẩn thì lại là một con không giống ai, nửa vật nửa...ngợm nửa đười ươi. So với vi trùng thì vi khuẩn nhỏ hơn nhiều ngàn lần. Có thể lấy hình ảnh một con kiến đang bò trên một trái dưa hấu để làm cuộc so sánh. Phải kính hiển vi điện tử mới có thể nhìn thấy được vi khuẩn. Vi khuẩn không phải là một con sinh vật bình thường. Nó là một con quái vật, là một khối cứng ngắt nhỏ xíu không thể tự sinh sản như vi trùng, vì trong cơ thể nó không đủ hai yếu tố bắt buộc là DNA và RNA. DNA ( dioxynucleic acid) là dạng mật mã di truyền tiêu chuẩn. Khi một tế bào cơ thể chúng ta, hay con vi trùng tự sinh sản, DNA tách ra làm hai nhánh hình xoắn ốc như chiếc cầu thang. RNA (ribonucleic acid) có nhiệm vụ như là một nhà kiến trúc. Nó phải làm sao gom góp vật chất tạo thành hai nhánh khác ráp vừa khít hai nhánh vừa tách ra của DNA làm nên hai cặp DNA mới giống y hệt như cặp DNA cũ . Như vậy là ta đã có được hai tế bào. Cứ thế mà sinh sản nhiều lên. Còn virus là một con vật rất đáng nguyền rủa. Nó chỉ có trong ruột nó hoặc DNA hoặc RNA. Nó có thể sống nhiều năm ở dạng bất động, chờ thời cơ thuận tiện chúng sẽ nổi dậy làm thịt chúng ta liền. Thí dụ những con vi khuẩn cảm cúm chỉ hoạt động trong mùa lạnh. Khi vào được cơ thể chúng ta, nó bèn chun tuốt luốt vào trong ruột tế bào, DNA hay RNA của nó bắt tế bào chúng ta phải sản xuất vật chất cho nó, để làm thành một hay nhiều con virus mới trong vòng vài phút hay vài giờ. Những con virus này lại dùng chiến thuật biển... người tràn vô những tế bào khác. Cứ thế tiến trình sinh sản vi khuẩn tiếp tục. Cứ tưởng tượng cơ thể chúng ta là nhà máy đang sản xuất xe hơi chạy xăng chẳng hạn, nhưng khi những con virus VXI nó xông vào giải phóng và nhất định biểu chúng ta phải sản xuất xe cút kít kéo bằng tay. Sau khi è cổ ra sản xuất xe cút kít mà không được cho ăn uống gì hết, không làm theo năng lực ăn theo nhu cầu quái gì hết, tế bào cơ thể lăn đùng ra chết thẳng cẳng. Tế bào chết dần mòn làm chúng ta sinh bệnh. Nếu không có cách gì tống khứ bọn cút kít ra khỏi thân thể, thì chúng ta cũng đành, hỡi ơi , lăn đùng ra và rất có thể trực chỉ thiên đàng. Thí dụ như con vi khuẩn HIV gây bệnh AIDS, hay những con vi khuẩn cúm chẳng hạn. Một khác biệt rất lớn nữa là vi trùng (bacteria) có thể bị giết chết bằng thuốc men, trụ sinh (antibiotic), nhưng con vi khuẩn thì khoa học chưa tìm được thuốc gì để giết chúng. Con vi khuẩn HIV người ta chỉ có thể dùng một hỗn hợp nhiều loại thuốc gọi là “cocktail” để làm chậm sức tấn công của nó, chứ không giết được nó. Hầu hết vi khuẩn đều có cấu trúc là một khối cầu cứng như thép, thuốc men rất khó bắn thủng cái vỏ của nó. Những bạch huyết cầu trong cơ thể chúng ta chuyên ăn thịt những con vi trùng khá dễ dàng, nhưng đụng phải những khối cầu cứng như sắt ấy đành chịu thua, trái lại còn bị chúng giết chết.

Trở lại với bệnh cảm (cold), có hơn 200 loại vi khuẩn gây bệnh cảm, nhưng trong đó có hai loại hung hăng nhất là con virus rhino và con corona. Chúng gây nên 50% bệnh cảm lên nhân loại. Rhino theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “cái mũi”, vì cảm làm mũi chúng ta nghẹt cứng. Con rhino gây cảm trong mùa lạnh, trong khi con corona gây cảm trong mùa nóng.. Sáu loại vi khuẩn khác chịu trách nhiệm 10% bệnh cảm. Còn 40% cuối cùng gây cảm sổ mũi (sniffles) vẫn còn là một bí mật lớn. Vì có quá nhiều con vi khuẩn gây cảm hay cúm, nên cho dù khoa học có điều chế ra được một thuốc ngừa (vaccine) cho một loại cảm này, thì chúng ta vẫn bị vướng loại cảm hay cúm khác như thường. Vi khuẩn cảm thường lây truyền giữa người với người không phải qua không khí, mà thường do va chạm qua bàn tay. Một anh chàng ho sù sụ và hỉ mũi như điên, đã làm cho vi khuẩn cảm bắn ra bám tùm lum lên khắp các vật chung chung quanh. Chúng ta, những con người vô cùng khỏe mạnh, lỡ chạm tay lên những chỗ đó, rồi chúng ta đưa một ngón tay lên sờ lổ mũi theo thói quen, hay quệt lên khóe mắt. Con vi khuẩn cảm lập tức chui vào chỗ mà chúng ta vừa ưu ái đưa chúng vào. Con vi khuẩn cúm (influenza, hay flu) càng táo tợn hơn. Vì rất nhẹ, nên nó lửng lơ trong không khí, chúng ta hít vào liền bị vướng bệnh. Trong hãng xưởng hay văn phòng, chỉ cần một cô nàng sì sụt khúc khắc hay hỉ mũi rèn rẹt, coi như những anh chàng hào hoa ngồi chung quanh rất có nhiều hy vọng cũng xục xạc y hệt như nàng. Kể cũng vui chán chứ hả. Vì vậy điều quan trọng các bác sĩ khuyên chúng ta nhớ, là luôn rửa tay sạch sẽ và chớ bao giờ đưa tay lên mũi hay mắt sau khi đã cầm nắm vật gì trong chỗ công cộng.

Nhưng tại sao cứ mỗi lần bị cảm cúm, thì mũi chúng ta nghẹt cứng, mũi quí bà sưng đỏ lên trông rất giống như vừa cãi nhau một trận với đức ông chồng (chắc vừa sạch túi ở... casino chẳng hạn) và chắc là đã khóc một trận dữ dội. Rồi còn nước mũi cứ ào ào tràn ra từ hai cái hốc mũi, làm chúng ta cứ phải sì sịt mãi. Đó là chưa kể những cơn đau nhức toàn thân thể hay một phần nào đó. Chúng ta đều biết cái mũi chia ra làm hai cái hốc (nostrils) được phân chia bằng một bức vách gọi là septum có cấu tạo như sụn. Ở hầu hết mỗi chúng ta, có khi nào quí bạn “để ý” thấy rằng mình đang thở bằng một cái hốc mũi không, mặc dù quí bạn chẳng có cảm cúm gì ráo trọi ? Cái màn sụn septum đã len... lén bịt kín một bên hốc mũi, gọi là để cho cái hốc mũi này được nghỉ xả hơi, trong vòng 3 – 4 tiếng đồng hồ. Nghĩ ngơi chán chê rồi, cái hốc mũi bị bịt kín mở ra làm lao động vinh quang tiếp, còn cái kia được nghỉ ngơi là huy hoàng. Cơ thể chúng ta đã tính toán rất chi li và khoa học, rằng thở một mũi cũng đã đủ sống chán rồi. Nhưng khi vi khuẩn cảm hay cúm tràn vào hốc mũi, cơ thể lập tức bơm thêm máu đến vùng mũi để phòng vệ, hai cái vách mũi bị sưng phồng lên khép kín đường dẫn không khí, làm cho chúng ta giờ đây bị nghẹt cứng cả hai hốc mũi. Nhưng cũng không sao, chúng ta vẫn còn có thể thở bằng... miệng được mà. Tuy nhiên vì miệng không có hệ thống màng nhày và lông như mũi để cản bớt tác nhân gây bệnh, nên việc thở bằng miệng chỉ là một chuyện chẳng đặng đừng mà thôi. Chứ có ai muốn ngáp ngáp như con cá lên bờ bao giờ. Những thuốc nhỏ mũi làm cho màng mũi dãn nở ra, giúp cho chúng ta thở được, nhưng lại không giúp được gì cho công cuộc phản công diệt địch. Vì máu tụ nhiều nên cái mũi bị dọc dừa của quí bà sưng đỏ lên, trông đẹp tựa như em khóc lúc giận anh. Màng nhầy trong hốc mũi sẽ sản xuất lập tức một loại nước mũi vàng nhạt deo dẽo gọi là mucus. Nước mũi làm chúng ta rất khó chịu, nhưng thật sự chúng là những chiến sĩ diệt ác đấy quí bạn. Mucus sẽ tiết ra một loại phân hóa tố (enzyme) có khả năng tiêu diệt một số con vi trùng xâm nhập vào, chất nhày sẽ níu kéo giữ dính những tác nhân gây bệnh không cho chúng vào sâu trong cơ thể. Vì tiết nhiều, chất nhày tràn xuống vùng khí quản vướng vào chỗ thanh quản làm chúng ta ngứa ngáy, phổi phản ứng bằng cách tống những đợt khí ra để đẩy chất nhày ra khỏi miệng. Vì vậy chúng ta bị ho. Nhưng tại sao cơ thể chúng ta lại đau nhức nhĩ. Thì đã nói rồi. Cơ thể chúng ta làm việc “chùa” cho bọn vi khuẩn, mà bọn vi khuẩn này chúng nghèo kiết xác, chỉ biết bóc lột tế bào chúng ta đến chết. Khi tế bào chết nó gây hiệu ứng mệt mỏi đau nhức cùng khắp. Một phản ứng sinh học của cơ thể gọi là viêm (inflammation) là tác nhân gây đau nhức. Khi các tế bào bị viêm, tức sưng lên vì vi khuẩn tấn công, cơ thể tiết ra một vài loại hóa chất báo lên não, não làm cho chúng ta có cảm giác đau.

Vì triệu chứng của cảm và cúm khá là giống nhau, nên chúng ta hơi kho khó nhận biết và tự đánh giá mình đang vướng cái nào. Cảm là một cơn bệnh âm thầm, nó đến từ từ sau vài ngày con vi khuẩn vào cơ thể chúng ta. Vi khuẩn cảm giết chết nhiều tế bào mucus và bắt đầu gây cảm giác bệnh cho cơ thể. Tuy vậy thân nhiệt cơ thể không lên cao, chúng ta vẫn còn cảm thấy có thể chịu đựng được. Ở các em nhỏ thì vì cơ thể còn non nớt, nên cơ thể các em phản ứng và gây sốt cao hơn người lớn. Sốt là dạng phản ứng dùng cái nóng của nhiệt để giết chết mầm bệnh, nhưng cũng có thể giết chết tế bào cơ thể, vì vậy sốt làm cho chúng ta, nhất là các em mệt mỏi, bỏ ăn. Mùa hè những cơn nhiệt nóng thổi qua đại lục Bắc Mỹ nung nóng cơ thể chúng ta lên. Đến một lúc chịu không thấu, các cơ quan trong người gần như bị “hấp” chín nên ngừng hoạt động, từ đó gây ra cái chết gọi là trúng nóng (heat stroke). Những triệu chứng của cúm dữ dội và đột ngột hơn. Có thể buổi sáng bạn đang mạnh khỏe nhởn nhơ yêu đời, bỗng nhiên buổi chiều bạn có cảm giác như cơ thể đang bị một cú sốc, sốt nóng hừng hực, ho dữ dội, các bắp thịt đau nhức ơi là nhức, tha hồ bạn trăn trở xoay tới xoay lui như cái bánh tráng hướng nào cũng đau, làm bạn vô cùng đau... khổ và giận dữ. Cúm có thể gây ra những cơn dịch rất lớn làm chết hàng triệu người, nhưng cảm thì không. Như cơn đại dịch cúm khủng khiếp đã hoành hành toàn thế giới trong suốt hai năm 1918 và 1919. Mấy xếnh xáng Trung Hoa thì gọi nó là Cúm Dệch Bổn (Nhật Bổn), các đấng võ sĩ đạo lại gọi nó là Cúm Mỹ. Người Mỹ chối bai bải, nói đó chính là Cúm Tây Ban Nha. Dù cho cúm nào mặc lòng, trận dịch đó đã giết chết 20 triệu người khắp các nước. Tại San Francisco, dịch cúm đã tiêu diệt hai phần ba dân số trong hạn tuổi 20 đến 40 mươi, không rõ vì sao. Trong thời kinh hoàng đó, cơ quan y tế công cộng ở New York đã kêu gọi thanh niên nam nữ đừng nên hôn nhau nữa. Nhưng nếu đã lỡ muốn hôn nhau, thì nên đặt một cái khăn chận ỡ giữa hai đôi... môi. Thế mới có chán không chứ. Hiện nay thì trận dịch Tây Ban Nha vẫn còn là một bí ẩn đối với con người.

Nhưng tại sao thường thường thì cứ ngày Thứ Hai chúng ta mới bị cảm cúm, con số công nhân bị bệnh gọi tới tấp vô hãng xin nghĩ, với cái giọng khàn khàn nghèn nghẹt rất tội nghiệp. Các bạn đã đoán đúng. Là vì hai ngày cuối tuần quí bạn chở phu nhân cùng các nhóc tì đi bát phố, mua sắm, đi chợ búa. Hay những cô cậu độc thân tìm đến những chỗ giải trí vui chơi, xi nê, quán rượu. Ở tất cả những chỗ công cộng ấy đều đã có tùm lum những con vi khuẩn cảm cúm mà đã được những người bệnh vải ra lảng đảng chung quanh. Chúng ta hít thở những con vi khuẩn cúm vào mũi miệng, hay chúng ta cầm nắm những vật đã có những con vi khuẩn cảm đang nằm rung... đùi tà tà trên đó. Xong ngày cuối tuần vui vẻ, đến ngày Thứ Hai, bạn cảm thấy đột ngột long thể của bạn coi bộ không mấy khá, nên bạn đành phải ở nhà.

Cho đến thời điểm hiện tại, thì loại thuốc thường được biết đến nhiều nhất dùng trị cảm hay cúm là aspirin (acetyl salicilic acid). Những dạng thuốc thuộc thế hệ thứ hai là ibuprofen (như Advil) và acetaminophen (như Tylenol). Aspirin là loại thuốc lạ kỳ, vì người ta đã biết dùng nó từ gần hai ngàn năm nay dưới một dạng thô sơ nào đó, nhưng mãi đến năm 1971 thì các nhà khoa học mới khám phá ra khả năng chống đau nhức và viêm. Aspirin ngăn chận không cho cơ thể sản xuất những hoá chất làm cơ thể bị viêm, từ đó chúng ta không cảm thấy đau nhức. Loại thuốc ibuprofen cũng có cùng tác dụng, trong khi đó thì loại acemitanophen có khả năng hạ sốt rất hay.

Tuy nhiên những loại thuốc này không phải là thuốc trị cảm cúm, mà chúng chỉ làm dịu những triệu chứng như sốt nóng, đau nhức, vì không một loại thuốc nào có thể giết chết những con vi khuẩn. Như vậy thì làm sao để thoát khỏi những cơn cảm cúm đây. Từ mấy trăm năm nay, người ta vẫn tin rằng hãy cứ nên nằm tĩnh dưỡng và uống thật nhiều nước. Uống nhiều nước cốt trái cây giúp chất nhày mucus trong mũi, vướng ở cổ họng tan loãng làm dịu bớt ho. Trong trái cây có rất nhiều sinh tố C mà các nhà dược học tin rằng giúp ích cơ thể chống chỏi với cảm cúm, cũng như nhiều thứ bệnh khác. Sữa tuy bổ dưỡng nhưng trong trường hợp này không nên uống nhiều, vì nó giúp sản xuất thêm nhiều chất nhày mucus. Trung Tâm Y Khoa Mount Sinai ở Miami, Florida, cho rằng uống nước ấm hay ăn súp nóng làm cho nước mũi chảy ra ngoài nhanh hơn. Điều này trùng hợp với y khoa cổ truyền Đông phương, khi các thầy thuốc cho bệnh nhân cảm cúm ăn cháo bỏ nhiều hành tiêu. Nhưng đối với những bạn có tinh thần ăn uống, thì chuyện xực một tô hủ tiếu Mỹ Tho hay một tô phở bò cũng có tác dụng tương đương, mà lại khoái khẩu nữa. Ngoài ra các loại dược liệu thảo mộc Đông phương từ nhiều ngàn năm nay cũng là một nguồn thuốc quí giúp điều trị cảm cúm. Nguyên tắc y lý Đông phương tổng quát dựa trên căn bản điều hòa âm dương, củng cố tinh, khí, thần của cơ thể con người, làm cho chúng trở lại thăng bằng thì cơn bệnh sẽ hết.

Ngoài thuốc chủng, hiện nay còn có một loại thuốc có thể làm cúm hết nhanh và làm dịu những triệu chứng. Đó là loại thuốc amantadine và rimantadine. Amantadine ngăn chận không cho con vi khuẩn cúm chui vào tế bào cơ thể chúng ta, do đó nó không thể tái sinh sản và làm tế bào cơ thể bị chết, và chúng ta mau hết bệnh. Tuy nhiên cho đến nay amantadine chỉ được dùng ở Nga, chưa được FDA chấp thuận cho dùng ở Hoa Kỳ, bởi lẽ nó có một vài phản ứng thuốc (side effects) và phải dùng liên tục từ 6 đến 12 tuần trong lúc có dịch cúm, thời gian kéo quá dài.Vì cảm cúm do vài trăm loại vi khuẩn gây ra, nên rất khó mà có một loại thuốc chủng ngừa nào (vaccin) có thể ngừa tất cả loại cảm cúm. Đối với cúm, thì hiện nay hàng năm các hãng xưởng, công sở đều có chương trình chủng ngừa cúm cho công nhân, viên chức. Tuy nhiên vì cúm bộc phát mỗi năm từ mỗi nguồn virus khác nhau, cho nên mỗi năm chúng ta đều được chích ngừa dạng thuốc chủng tương xứng. Nhưng đều đó không có nghĩa là những con vi khuẩn cúm loại khác sẽ “ngán” chúng ta mà không dám xông vào tấn công. Hàng năm Cơ Quan Quản Trị Dược Phẩm và Thực Phẩm Hoa Kỳ FDA (Food and Drug Administration) và Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ CDC (Centers of Disease Control) quyết định tung ra công chúng loại chủng ngừa cúm nào cho thật thích hợp. Tỉ lệ thành công có thể lên đến 70% nếu năm đó FDA tiên đoán đúng những loại vi khuẩn nào sẽ xuất hiện, căn cứ vào “thành tích” của những con vi khuẩn trong năm cũ, và những báo cáo đầu tiên về loại cúm vừa xuất hiện ở Nam Bán Cầu. Nếu quí bạn xui xẻo nằm trong số 30% còn lại, những con vi khuẩn cúm khác sẽ có thể nhào vô tấn công bạn. Nhưng bạn là người ăn... hiền ở lành, chắc bạn sẽ nằm trong số 70%, chứ chẳng lẽ nào.

Phạm Phong Dinh
05 May 2003 - 23:07