PDA

View Full Version : Công dụng chữa bệnh của dưa leo



delta
02-06-2008, 04:52 PM
Công dụng chữa bệnh của dưa leo

Dưa leo là một thức ăn rất thông dụng và còn là một vị thuốc có giá trị. Thành phần dinh dưỡng gồm:
Protein (đạm) 0,8g; glucid (đường) 3,0g; xenlulo (xơ) 0,7g; năng lượng 15 kcalo; canxi 23mg; phospho 27mg; sắt 1mg; natri 13mg; kali 169mg; ( caroten 90mcg; vitamin B1 0,03mg; vitamin C 5,0mg.
Dưa leo có tác dụng lọc máu, hòa tan acid uric và các urat, lợi tiểu, an thần nhẹ.
Y học cổ truyền gọi nó là hồ qua (hoặc hoàng qua), có tính hàn, vị ngọt, ít độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, mát da thịt, lợi tiểu, chữa phù thũng, sưng trướng, chữa kiết lỵ (do nhiệt), đau bụng do ruột bị kích thích; dưa leo còn sử dụng để dưỡng da: đắp ngoài trị da nhờn, nếp nhăn, tàn nhang, nấm ngoài da.
Chúng ta có thể tham khảo một số bài thuốc sau đây để áp dụng:
Bài 1: Chữa chứng phù thũng, bụng trướng, tay chân phù
Dưa leo 150 - 200g. Xắt nhỏ, nấu với một bát giấm nuôi, để vừa sôi là được. Dùng ăn điểm tâm (cả nước lẫn cái). Tác dụng lợi tiểu.
Bài 2: Chữa trẻ nhỏ đi lỵ mùa nắng
Dưa leo non 1kg. Rửa sạch, xắt nhỏ, đổ mật mía vào cho xâm xấp, nấu sôi 10 phút, ăn nhiều lần trong 1 - 2 ngày.
Bài 3: Chữa ngộ độc thức ăn
Lá dưa leo 100g. Giã nhuyễn, vắt nước uống, gây nôn mửa, tống chất độc ra ngoài.
Bài 4: Chữa phỏng lửa
- Cách 1: Dưa leo 2 trái. Xắt nhỏ, giã nhuyễn vắt lấy nước đắp vào chỗ phỏng. Đợi khô, lại đắp nước dưa leo vào, da sẽ không bị rát và bỏng rộp.
- Cách 2: Dưa leo 3 trái. Hái vào ngày tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 Âm lịch) để dành trong bình trát kín miệng treo ở ngoài hiên, khi dùng lấy dưa giã nát hòa với nước hay dầu mè cho sền sệt, bôi vào vết phỏng, mau lành.
Bài 5: Chữa chứng "nấm ngoài da"
Dưa leo 1 trái. Xắt nhỏ, giã nhuyễn, đắp cả nước lẫn cái lên chỗ da bị nấm 20 phút, ngày làm 1 lần, làm liên tục cho đến khi hết. (Rửa sạch và lau khô chỗ da bị nấm trước khi đắp nước dưa leo).
Bài 6: Dùng bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa
Dưa leo xào chua ngọt với thịt heo, tôm tươi, cà chua, hành tây... Món ăn này có tác dụng bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa, ăn biết ngon.
Bài 7: Dùng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị mắt đỏ
Dưa leo trộn gỏi (làm nộm) với cà rốt, tôm tươi, thịt nạc, mè rang, đậu phộng. Có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trị mắt đỏ.
Bài 8: Phối hợp với thuốc để chữa sốt
Khi dùng thuốc chữa chứng sốt, nên dùng nước ép từ trái dưa leo làm nước giải khát, có tác dụng hỗ trợ cho việc làm hạ thân nhiệt.
Bài 9: Sử dụng làm mỹ phẩm
Trị da nhờn: Dưa leo 1 trái, nước 0,5 lít. Thái lát trái dưa. Nấu dưa leo với nước (trong 10 phút) để nước còn nóng, rửa mặt hàng ngày.
Trị nếp nhăn trên mặt: Dưa leo cắt từng khoanh mỏng, đắp lên vùng da nhăn khoảng 20 phút mỗi ngày (vào buổi tối trước khi đi ngủ).
Trị tàn nhang: Dưa leo thái mỏng, ngâm trong sữa bò tươi (khoảng 20 phút), rồi lấy nước cốt bôi lên vùng tàn nhang, sau 30 phút rửa mặt bằng nước ấm.
Dưỡng da mặt: Dưa leo 200g, rửa sạch, bằm nhỏ. Hạnh nhân 50g, rửa sạch, giã nhỏ. Hai thứ trên trộn lẫn, đun sôi 5 phút, để nguội, lấy vải mỏng lọc lấy nước, thêm vào 200ml cồn 900 (loại dùng trong y tế) và 1g tinh dầu hoa hồng. Bôi dung dịch này lên mặt khoảng 10 phút rồi rửa mặt bằng nước ấm.
Khi dùng dưa leo, nên lưu ý:
- Vì có tính hàn nên không dùng cho người tỳ vị hư hàn (nhất là trẻ em), thận hư yếu.
- Do hàm lượng canxi cao, dưa leo có tác dụng tốt với trẻ em chậm lớn, người già. Người huyết áp cao nên dùng (vì làm lợi tiểu).