Dan Lee
02-07-2008, 01:19 PM
NĂM TÝ KÝ CHUYỆN CHUỘT THUỘC KINH THÁNH
Tý là năm đứng đầu của thập nhị địa chi. Năm Tý có con vật biểu tượng là con Chuột. Chuột là con vật nhỏ, di chuyển bằng bốn chân, có lông tơ mịn thường mầu xám, mõm nhọn, mắt nhỏ đen tròn, vành tai mỏng hình trái xoan, đuôi dài bọc bằng vảy chứ không phủ bằng lông, nhỏ như cái đũa, thon dần thành nhọn ở mút cùng. Chuột ăn ngũ cốc, phá hại mùa màng… Việt Nam ta từ thuở rất xa xưa cho đến nay vẫn còn là một nước nông nghiệp, nên không ai lạ gì con chuột.
Chuột sinh sống khắp nơi, nhưng để dễ kiếm mồi nên thường lén lút ở những nơi xó xỉnh gần gũi người, như gầm chạn góc bếp, trong hang lỗ nương đồng… Chỉ nội cái tội phá hoại cũng đủ làm người ta không ưa gì con chuột. Thế nhưng không hiểu sao người xưa lại coi con chuột là con vật cầm tinh cho năm Tý, năm đứng đầu hoa giáp.
Chả là nhiều bạn bè thấy kẻ hèn này năm nào cũng bi bô nói đến con vật cầm tinh trong năm âm lịch theo Kinh Thánh, có người còn thách chúng tôi năm Tý mà moi được con chuột từ Kinh Thánh ra mới đúng là dòng dõi có tổ tiên biết đọc Evan. Chúng tôi cũng chỉ biết hứa là sẽ cố gắng. Hứa là phải thi hành, chúng tôi ra sức tìm tòi và Trời đã không phụ lòng thành. Nên chúng tôi lại có dịp hầu chuyện quý vị nhân ngày đầu Năm Mới có con chuột hành khiển.
Chúng tôi muốn giữ tập tục từ lâu là ngày Tết đầu năm Tý, phải ký thuật một vài chuyện về con chuột. Theo truyền thống Nhà Đạo, chúng tôi nói về chuyện chuột thuộc Kinh Thánh.
Chuột là loài vật dơ
Trên đồng quê Việt Nam, chuột được các tay sính rượu coi là món nhậu khoái khẩu, nhưng nhiều các bà các cô vẫn sợ chuột vì coi nó là vật gớm tởm, không dám đụng đến. Phải chăng những người này chịu ảnh hưởng từ Kinh Thánh? Một trong những sách đầu tiên trong Cựu Ước là sách Lê-vi, đã nói đến con chuột khi chép các luật lệ dân It-ra-en phải tuân giữ để làm tròn bổn phận dân Chúa. Ngay cả đồ ăn thức uống cũng được chỉ vẽ tường tận loài vật nào sạch, loài vật nào là dơ. Không được ăn thịt những con vật nào, những loài vật nào được dùng làm thực phẩm…
Đối với loài vật bốn chân thuộc bộ nhai lại và bộ móng guốc theo sinh vật học ngày nay, thì Kinh Thánh cho ta biết loài nào thuộc bộ nhai lại đồng thời có móng guốc chẵn như trâu, bò…mới được kể là loài vật sạch. Loài nào có nhai lại mà không có móng guốc chẵn, hoặc chỉ có móng guốc chẵn mà không nhai lại thì liệt vào loài vật dơ. Đã thuộc loại động vật dơ thì không những bị cấm dùng làm thực phẩm, mà còn cấm không được đụng tay chân vào chúng nữa. Sách Lê-vi nói rõ về con chuột: “con chuột đồng có nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai, nên hãy coi nó là vật không sạch” (Lv 11,5). Điều này Sách Đệ nhị luật cũng nhắc lại như thế: “Nhưng các ngươi sẽ không ăn các giống này trong các loài nhai lại và có móng xẻ hai: lạc đà, thỏ, chuột đồng, vì tuy chúng thuộc loài nhai lại nhưng lại không có móng xẻ hai” (Đnl 14,7). Đúng ra, ngày nay người ta xếp chuột vào bộ gặm nhấm, nhưng có lẽ người xưa chỉ quan sát thấy mõm con chuột (và cả thỏ) lúc nào cũng cử động, nên nghĩ là nó nhai lại (Chuột, thỏ…có răng cửa dài ra cả đời nên chúng phải mài răng vào với nhau khiến mõm cử động luôn luôn, mới giữ được răng bình thường). Nếu chuột không thuộc loài nhai lại, nó có được kể vào hàng vật sạch không? Hãy mở sách Lê-vi sẽ thấy liệt kê tiếp một cách rõ ràng: “Trong số các vật nhỏ nhoi trên mặt đất, các ngươi phải coi những vật này là ô uế: chuột chũi, chuột nhắt, chuột chù…”(Lv 11,29).
Chuột là con vật nhỏ bé, lại được xếp vào loại nhơ nhớp, bị nhiều người tìm cách tiêu diệt, nên lúc nào cũng "len lét như chuột ngày". Đến bao giờ chuột mới thoát được cảnh đời đen tối ấy?
Chuột trong Thánh vịnh
Thánh vịnh là 150 bài thơ thuộc Kinh Thánh Cựu Ước. Thời Trung cổ, người ta coi tác giả các Thánh vịnh là vua Đa-vít. Đúng ra theo các nhà Kinh Thánh học thì có khá nhiều Thánh vịnh được sáng tác trong thời kỳ dân It-ra-en lưu đầy bên Ba-by-lon, và cả sau đó nữa. Nghĩa là không phải tất cả các Thánh vịnh đều do vua Đa-vít sáng tác.
Các nhà chú giải Kinh Thánh đã chia các Thánh vịnh thành 4 đề mục chính:
- Những Thánh vịnh tán tụng việc tạo dựng của Thiên Chúa.
- Những Thánh vịnh diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người.
- Những Thánh vịnh về lịch sử dân Chúa.
- Những Thánh vịnh tiên báo về Đấng Cứu Thế.
Thánh vịnh 103 (104) đã tán tụng những kỳ công Chúa làm trong việc tạo thiên lập địa: núi đá chon von, suối tuôn thác đổ, rừng xanh bát ngát, đại dương mênh mông…rồi chim trời, thú rừng, cá biển…tất cả đều được Chúa quan phòng chăm sóc.
“Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất”.
Trong những loài vật lan tràn trên mặt đất ấy, dĩ nhiên có cả loài chuột, chúng cũng biết tìm phương tiện để bon chen sống còn:
“Núi chon von giống dê rừng tìm đến,
Hốc đá sâu loài chuột bóng ẩn mình” (Tv 103-104, 18).
Chuột bóng là tên Việt Nam ta gọi một loại chuột rừng, lông màu nâu tối, dọc theo sống lưng lông sẫm hơn, bụng có lông xám đen, hoặc nâu nhạt, đuôi dài có màu hồng. Loài chuột này thường kéo cả đàn đi kiếm ăn. Nơi chúng ở là các hốc đá có sẵn, hay đào hang dưới các tảng đá lớn.
Trong các bản dịch Kinh Thánh sang Việt ngữ, chữ “chuột” không được dịch đồng nhất cho cùng một loại động vật được gọi là chuột.
Chuột trong sách Tiên tri I-sai-a
I-sai-a là một tiên tri lớn, ông thuộc hàng quý tộc tại thủ đô Giê-ru-sa-lem, ông có ảnh hưởng sâu rộng cả về chính trị lẫn ngoại giao của It-ra-en. Về phương diện tôn giáo I-sai-a cao rao Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, là Đấng toàn năng, là Vua uy quyền. Còn con người bị tội lỗi làm ra nhơ uế, Thiên Chúa đòi họ sám hối để được thanh tẩy, hầu được dự phần vào sự thánh thiện của Chúa. Tiên tri nhấn mạnh đến đời sống đạo đức bên trong, lên án mọi tế tự hình thức. Những ai không đi theo đường lối Chúa, kẻ đó trêu cơn thịnh nộ của Người:
“Những ai tự phụ rằng
mình thánh thiện thanh sạch
Sau cửa núp trong vườn
ăn vụng đồ gớm ghiếc:
nào thịt heo
nào thịt thú dơ bần
nào thịt chuột
nên chúng chết cùng nhau.
Lời Chúa đúng phong phóc” (Is 66,17).
Các kẻ tế tự trong vườn, tiến lễ bằng thịt thuộc loài nhơ nhớp như thịt chuột, thịt heo…là những kẻ chọc giận cơn thịnh nộ Yavê Thiên Chúa. Vì thế chúng sẽ bị Ngài giáng phạt. (xem Is 65,3-6).
Khi Giavê Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ với thế gian, những kẻ thờ quấy tin nhăng, tế tự bất xứng ấy, sẽ chui rúc vào hang sâu hốc đá tránh mặt oai nghiêm đằng đằng sát khí của Chúa. Và để trốn cơn giận của Chúa, chúng đem huỷ diệt các tượng thần mà chúng tôn thờ:
“Ngày ấy người ta sẽ quăng đi tượng các tà thần, bằng vàng bằng bạc chúng làm ra để thờ, cho lũ dơi đàn chuột” (Is 2,20).
Trong bản dịch theo Kinh Thánh phổ thông thì dơi chuột trong câu này cũng là tượng thần người ta sùng bái mà họ đem đi phá huỷ: “người ta sẽ huỷ diệt các tượng thần vàng bạc gồm cả chuột với dơi mình đã tự chế tạo để sùng bái”.
Năm con chuột vàng
Năm con chuột vàng là câu chuyện về chuột có nhiều chi tiết, được kể trong sách Sa-mu-en quyển thứ nhất. Chuyện có liên hệ đến Hòm Bia Thánh, một báu vật của dân It-ra-en, nơi Thiên Chúa Yavê hiện diện ở giữa dân Người.
Cuối thời tiên tri Ê-li, người Phi-li-tinh giao chiến với It-ra-en. It-ra-en bị thua nặng nên đã cử người đến Si-lô thỉnh Hòm Bia Giao Ước, đem ra mặt trận, có ý xin Chúa cho thắng trận. Không ngờ, một lần nữa, lại bị thất bại nặng nề hơn lần trước. Người Phi-li-tinh cướp được cả Hòm Bia Thánh, đem về Át-đốt, đặt trong miếu thần Đa-gôn, làm thần Đa-gôn bị đổ nát, dân chúng miền Át-đốt bị tai họa, theo bản dịch của Trần Đức Huân từ bản Phổ Thông thì: “Trong các trang trại nơi đồng ruộng khắp xứ, các thứ chuột sinh ra lúc nhúc, chết chóc hỗn loạn trong thị xã” (1Sm 5,6) “Còn những người không bị chết cũng bị bệnh dịch hạch, tiếng la lối trong các thành thị vọng thấu trời” (1Sm 5,12).
Để tránh cho dân chúng khỏi mắc bệnh, người Phi-li-tinh phải dời Hòm Bia Thánh sang thành khác, nhưng đến đâu thì chuột xuất hiện đến đó, đi hết thành nọ đến thành kia, nên tai họa do chuột gây ra lan rộng khắp nơi. Cuối cùng họ phải mời các tư tế và cả thầy bói đến, để bàn nhau trả Hòm Bia Thánh cho dân It-ra-en. Sau khi bàn cãi, họ đã đồng ý đem trả Hòm Bia Thánh lại cho người It-ra-en, có kèm theo của lễ đền tội là “phải theo số các quan tỉnh dân Phi-li-tinh mà chế năm cái khối u bằng vàng và năm con chuột bằng vàng, vì hết thảy các ngươi, cả quan trưởng đều bị một tai hoạ ghê sợ như nhau. Phải chế các khối u như các hạch xoài các ngươi mắc phải, các con chuột phải chế giống như chuột đang phá phách xứ sở, để tôn vinh Thiên Chúa It-ra-en. May ra Người sẽ nhẹ tay với các ngươi...” (1Sm 6,4).
Người Phi-li-tinh đem trả Hòm Bia Thánh, “họ đặt Hòm Bia Thánh lên xe cùng với cái tráp đựng các con chuột bằng vàng và hình tượng các khối u của họ” (1Sm 6,11).
Năm khối u bằng vàng do cư dân năm thành Phi-li-tinh phải cúng. “Ngoài ra còn có các con chuột bằng vàng, tính theo số tất cả năm vương hầu thuộc các thành người Phi-li-tinh, từ thành kiên cố cho đến thành bỏ ngỏ (1Sm 6,18). Chúng ta biết rằng, người Phi-li-tinh muốn tránh khỏi chuột phá hoại, họ đã di chuyển Hòm Bia Thánh chạy từ thành nọ đến thành kia, qua tới năm thành, mỗi thành có một vương hầu cai quản, vì thế mỗi vương hầu ấy phải lãnh trách nhiệm dâng cúng một con chuột vàng làm lễ chuộc tội.
Với mục đích trích ra những câu Kinh Thánh có nói đến năm con chuột vàng trong Sách Sa-mu-en, chúng tôi chỉ tóm tắt như trên chứ không đi sâu vào các chi tiết. Quý vị nào muốn đọc chi tiết hơn, xin mở sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, các chương: 4, 5 và 6. (1Sm 4, 1Sm 5 và 1Sm 6).
Con chuột nhắt trong tù
Tiếp nối chuyện chuột thuộc Kinh Thánh, chúng tôi xin kể vài mẩu chuyện về chuột với các Thánh như thế nào.
Dưới triều vua Tự Đức bách hại Đạo Công giáo, người tín hữu bị truy lùng rất gắt gao, bắt phải bỏ đạo, nhất là các thừa sai người ngoại quốc. Linh mục thừa sai người Pháp có tên Việt Nam là Phan Thế Ven, tên thật của ngài là Théophane Vénard. Cha Ven bị bắt tháng 11 năm 1860, bị đóng ngay vào cũi, giải lên Hà Nội. Cũi giam cha đặt tại sân công đường dinh quan Án sát. Cha phải chịu nắng thiêu, mưa lạnh, sương buốt, gió lùa…trong cái cũi trống trải ngoài trời, không mái che liếp chắn.
Thời gian bị giam giữ, cha thường hát Thánh ca, lần chuỗi Văn Côi. Đôi khi cha cũng được đón tiếp các bà đạo đức đến thăm và tiếp tế cho một ít lương thực. Thời giờ còn lại cha cũng tìm cách nào đó để đầu óc thư giãn. Gần cũi giam cha, có một con chuột nhắt ngày nào cũng đến tìm hạt rơi hạt vãi từ số lương thực ít ỏi của cha, về đêm là dĩ nhiên, nhưng cả ban ngày những khi vắng người, chuột cũng tìm đến. Con chuột mới đầu cũng nhút nhát rụt rè, nhưng thấy cha chẳng làm gì nó. Sau vài lần, con chuột quen và mạnh dạn nhảy nhót làm vui cho cha.
Một lần bà Xinh đến thăm cha, thấy con chuột nhắt ở gần cũi, phái nữ vốn không ưa chuột, bà định lấy cây gậy đập chết con chuột. May mà cha Ven vội ngăn cản:
- Đừng đánh đuổi nó, cứ để nó làm vui cho cha những lúc cha ở một mình.
Còn bà Nghiên kể thêm rằng, cha Ven đã sai con chuột nhắt ấy lượm cỗ tràng hạt cha để rơi xuống gầm cũi. Con chuột đã vâng lời, chui vào gầm cũi tha cỗ tràng hạt lên đem lại cho cha. Cỗ tràng hạt này cha đã trao cho bà Nghiên, cùng với cuốn sách nguyện và cây Thánh giá, trước khi cha ra pháp trường ngày mồng 2 tháng 2 năm 1861.
Bang trưởng chuột
Trong hạnh tích Thánh Mactinô đệ Phôrê, vị Thánh lai da đen quê ở thành Lima trong nước Pêru, bên châu Mỹ La-tinh có kể: Thánh nhân là một Trợ sĩ trong Dòng Đaminh, có tinh thần bác ái siêu việt, không những thương yêu người nghèo khổ mà tình bác ái còn lan đến cả thú vật hoang dã. Một dạo, không biết chuột ở đâu kéo từng đàn đến Tu viện Rất Thánh Văn Côi (Santo Rosario), nơi thầy phục vụ, chúng khoét rương, cạp tủ, gặm phá đồ đạc, cắn nát sách vở, áo quần…Các thầy được lệnh phải ra công giệt chuột. Thầy Trợ sĩ Mactinô nghe được lệnh ấy, thầy thấy thương đàn chuột, chỉ vì phá hại nên bị giệt, thầy tìm phương thế làm sao cho lũ chuột ấy được an toàn. Đang suy nghĩ cách cứu đàn chuột, thì may quá, có một chú chuột nhắt chay lạc vào phòng thầy. Thầy gọi nó lại, sai nó đi tìm con chuột đầu đàn.
Con chuột đầu đàn đến phòng thầy. Thầy nói với nó:
- Sao các con lại phá phách thế? Đã đến ngày nguy khốn cho các con, vì các thầy đang sắm cạm bẫy, bả độc để tiêu giệt các con..Hãy kéo nhau đến khu đồi hoang cạnh tu viện mà sống. Ta sẽ nuôi sống các con, nếu các con không làm hại tu viện nữa.
Lũ chuột vâng lời thầy. Chuột lớn, chuột nhỏ lũ lượt bò men theo chân tường, ra khỏi tu viện, đến nơi thầy Mactinô đã chỉ.
Ngay hôm sau, thầy Mactinô ra đồi hoang ấy, phát bỏ cây dại, cuốc đất trồng hoa mầu: nào củ mì, củ khoai, cây ngô, cây lúa…đề mùa nào thức ấy, lũ chuột có đầy đủ thức ăn. Từ đó lũ chuột ấy không những giữ lời hứa không làm hại tu viện mà cũng không đi phá phách hoa mầu cùa dân cư vùng đó nữa.
Thấy thầy Mactinô sai khiến được bầy chuột cách lạ lùng, các thầy gọi đùa thầy là “bang trưởng chuột”.
Vật dơ trở thành sạch
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chuột là loài vật chẳng thấy được lợi ích gì. Ngoài luật buộc không được ăn thịt chuột, không được đụng đến chuột nếu muốn mình khỏi ra nhơ uế, chuột còn phá hoại mùa màng, làm hư hao lương thực, thực phẩm, gieo rắc bệnh tật giết hại con người. Dân Chúa thời ấy phải tuân giữ các luật về vật dơ, vật sạch. Nhưng đến thời Tân Ước thì luật đó không còn buộc. Điều này đã thấy trình thuật ở sách Tông đồ Công vụ, trong một thị kiến của Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi (xem Cv 10,9-16). “Bởi chưng mọi điều Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành, không có gì phải loại bỏ, nếu biết tạ ơn mà dùng, vì được tác thánh nhờ Lời Thiên Chúa và sự nguyện cầu” (1Tm 4,4-5).
Năm Tý, con chuột được lên chức hành khiển theo lịch Á Đông, chắc chắn nó cũng có ưu điểm, chẳng hạn họ hàng nhà chuột đã có nhiều hy sinh đóng góp cho ngành y khoa, làm con vật thí nghiệm để giúp ích cho nhân loại.
Kính chúc quý bà con đồng bào Việt Nam ta một năm mới thật nhiều may mắn như “chuột sa hũ nếp”, để bắt đầu từ chu kỳ địa chi này, dân tộc ta có được cuộc sống Ấm no Hạnh phúc như nguyện vọng của mọi người.
(Chuyện Chuột thuộc Năm Tý, Tủ Sách Họ Hoàng Bồ Ngọc)
Hoàng Đức Trinh
Tý là năm đứng đầu của thập nhị địa chi. Năm Tý có con vật biểu tượng là con Chuột. Chuột là con vật nhỏ, di chuyển bằng bốn chân, có lông tơ mịn thường mầu xám, mõm nhọn, mắt nhỏ đen tròn, vành tai mỏng hình trái xoan, đuôi dài bọc bằng vảy chứ không phủ bằng lông, nhỏ như cái đũa, thon dần thành nhọn ở mút cùng. Chuột ăn ngũ cốc, phá hại mùa màng… Việt Nam ta từ thuở rất xa xưa cho đến nay vẫn còn là một nước nông nghiệp, nên không ai lạ gì con chuột.
Chuột sinh sống khắp nơi, nhưng để dễ kiếm mồi nên thường lén lút ở những nơi xó xỉnh gần gũi người, như gầm chạn góc bếp, trong hang lỗ nương đồng… Chỉ nội cái tội phá hoại cũng đủ làm người ta không ưa gì con chuột. Thế nhưng không hiểu sao người xưa lại coi con chuột là con vật cầm tinh cho năm Tý, năm đứng đầu hoa giáp.
Chả là nhiều bạn bè thấy kẻ hèn này năm nào cũng bi bô nói đến con vật cầm tinh trong năm âm lịch theo Kinh Thánh, có người còn thách chúng tôi năm Tý mà moi được con chuột từ Kinh Thánh ra mới đúng là dòng dõi có tổ tiên biết đọc Evan. Chúng tôi cũng chỉ biết hứa là sẽ cố gắng. Hứa là phải thi hành, chúng tôi ra sức tìm tòi và Trời đã không phụ lòng thành. Nên chúng tôi lại có dịp hầu chuyện quý vị nhân ngày đầu Năm Mới có con chuột hành khiển.
Chúng tôi muốn giữ tập tục từ lâu là ngày Tết đầu năm Tý, phải ký thuật một vài chuyện về con chuột. Theo truyền thống Nhà Đạo, chúng tôi nói về chuyện chuột thuộc Kinh Thánh.
Chuột là loài vật dơ
Trên đồng quê Việt Nam, chuột được các tay sính rượu coi là món nhậu khoái khẩu, nhưng nhiều các bà các cô vẫn sợ chuột vì coi nó là vật gớm tởm, không dám đụng đến. Phải chăng những người này chịu ảnh hưởng từ Kinh Thánh? Một trong những sách đầu tiên trong Cựu Ước là sách Lê-vi, đã nói đến con chuột khi chép các luật lệ dân It-ra-en phải tuân giữ để làm tròn bổn phận dân Chúa. Ngay cả đồ ăn thức uống cũng được chỉ vẽ tường tận loài vật nào sạch, loài vật nào là dơ. Không được ăn thịt những con vật nào, những loài vật nào được dùng làm thực phẩm…
Đối với loài vật bốn chân thuộc bộ nhai lại và bộ móng guốc theo sinh vật học ngày nay, thì Kinh Thánh cho ta biết loài nào thuộc bộ nhai lại đồng thời có móng guốc chẵn như trâu, bò…mới được kể là loài vật sạch. Loài nào có nhai lại mà không có móng guốc chẵn, hoặc chỉ có móng guốc chẵn mà không nhai lại thì liệt vào loài vật dơ. Đã thuộc loại động vật dơ thì không những bị cấm dùng làm thực phẩm, mà còn cấm không được đụng tay chân vào chúng nữa. Sách Lê-vi nói rõ về con chuột: “con chuột đồng có nhai lại, nhưng không có móng chẻ hai, nên hãy coi nó là vật không sạch” (Lv 11,5). Điều này Sách Đệ nhị luật cũng nhắc lại như thế: “Nhưng các ngươi sẽ không ăn các giống này trong các loài nhai lại và có móng xẻ hai: lạc đà, thỏ, chuột đồng, vì tuy chúng thuộc loài nhai lại nhưng lại không có móng xẻ hai” (Đnl 14,7). Đúng ra, ngày nay người ta xếp chuột vào bộ gặm nhấm, nhưng có lẽ người xưa chỉ quan sát thấy mõm con chuột (và cả thỏ) lúc nào cũng cử động, nên nghĩ là nó nhai lại (Chuột, thỏ…có răng cửa dài ra cả đời nên chúng phải mài răng vào với nhau khiến mõm cử động luôn luôn, mới giữ được răng bình thường). Nếu chuột không thuộc loài nhai lại, nó có được kể vào hàng vật sạch không? Hãy mở sách Lê-vi sẽ thấy liệt kê tiếp một cách rõ ràng: “Trong số các vật nhỏ nhoi trên mặt đất, các ngươi phải coi những vật này là ô uế: chuột chũi, chuột nhắt, chuột chù…”(Lv 11,29).
Chuột là con vật nhỏ bé, lại được xếp vào loại nhơ nhớp, bị nhiều người tìm cách tiêu diệt, nên lúc nào cũng "len lét như chuột ngày". Đến bao giờ chuột mới thoát được cảnh đời đen tối ấy?
Chuột trong Thánh vịnh
Thánh vịnh là 150 bài thơ thuộc Kinh Thánh Cựu Ước. Thời Trung cổ, người ta coi tác giả các Thánh vịnh là vua Đa-vít. Đúng ra theo các nhà Kinh Thánh học thì có khá nhiều Thánh vịnh được sáng tác trong thời kỳ dân It-ra-en lưu đầy bên Ba-by-lon, và cả sau đó nữa. Nghĩa là không phải tất cả các Thánh vịnh đều do vua Đa-vít sáng tác.
Các nhà chú giải Kinh Thánh đã chia các Thánh vịnh thành 4 đề mục chính:
- Những Thánh vịnh tán tụng việc tạo dựng của Thiên Chúa.
- Những Thánh vịnh diễn tả mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người.
- Những Thánh vịnh về lịch sử dân Chúa.
- Những Thánh vịnh tiên báo về Đấng Cứu Thế.
Thánh vịnh 103 (104) đã tán tụng những kỳ công Chúa làm trong việc tạo thiên lập địa: núi đá chon von, suối tuôn thác đổ, rừng xanh bát ngát, đại dương mênh mông…rồi chim trời, thú rừng, cá biển…tất cả đều được Chúa quan phòng chăm sóc.
“Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng !
Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan,
những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất”.
Trong những loài vật lan tràn trên mặt đất ấy, dĩ nhiên có cả loài chuột, chúng cũng biết tìm phương tiện để bon chen sống còn:
“Núi chon von giống dê rừng tìm đến,
Hốc đá sâu loài chuột bóng ẩn mình” (Tv 103-104, 18).
Chuột bóng là tên Việt Nam ta gọi một loại chuột rừng, lông màu nâu tối, dọc theo sống lưng lông sẫm hơn, bụng có lông xám đen, hoặc nâu nhạt, đuôi dài có màu hồng. Loài chuột này thường kéo cả đàn đi kiếm ăn. Nơi chúng ở là các hốc đá có sẵn, hay đào hang dưới các tảng đá lớn.
Trong các bản dịch Kinh Thánh sang Việt ngữ, chữ “chuột” không được dịch đồng nhất cho cùng một loại động vật được gọi là chuột.
Chuột trong sách Tiên tri I-sai-a
I-sai-a là một tiên tri lớn, ông thuộc hàng quý tộc tại thủ đô Giê-ru-sa-lem, ông có ảnh hưởng sâu rộng cả về chính trị lẫn ngoại giao của It-ra-en. Về phương diện tôn giáo I-sai-a cao rao Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, là Đấng toàn năng, là Vua uy quyền. Còn con người bị tội lỗi làm ra nhơ uế, Thiên Chúa đòi họ sám hối để được thanh tẩy, hầu được dự phần vào sự thánh thiện của Chúa. Tiên tri nhấn mạnh đến đời sống đạo đức bên trong, lên án mọi tế tự hình thức. Những ai không đi theo đường lối Chúa, kẻ đó trêu cơn thịnh nộ của Người:
“Những ai tự phụ rằng
mình thánh thiện thanh sạch
Sau cửa núp trong vườn
ăn vụng đồ gớm ghiếc:
nào thịt heo
nào thịt thú dơ bần
nào thịt chuột
nên chúng chết cùng nhau.
Lời Chúa đúng phong phóc” (Is 66,17).
Các kẻ tế tự trong vườn, tiến lễ bằng thịt thuộc loài nhơ nhớp như thịt chuột, thịt heo…là những kẻ chọc giận cơn thịnh nộ Yavê Thiên Chúa. Vì thế chúng sẽ bị Ngài giáng phạt. (xem Is 65,3-6).
Khi Giavê Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ với thế gian, những kẻ thờ quấy tin nhăng, tế tự bất xứng ấy, sẽ chui rúc vào hang sâu hốc đá tránh mặt oai nghiêm đằng đằng sát khí của Chúa. Và để trốn cơn giận của Chúa, chúng đem huỷ diệt các tượng thần mà chúng tôn thờ:
“Ngày ấy người ta sẽ quăng đi tượng các tà thần, bằng vàng bằng bạc chúng làm ra để thờ, cho lũ dơi đàn chuột” (Is 2,20).
Trong bản dịch theo Kinh Thánh phổ thông thì dơi chuột trong câu này cũng là tượng thần người ta sùng bái mà họ đem đi phá huỷ: “người ta sẽ huỷ diệt các tượng thần vàng bạc gồm cả chuột với dơi mình đã tự chế tạo để sùng bái”.
Năm con chuột vàng
Năm con chuột vàng là câu chuyện về chuột có nhiều chi tiết, được kể trong sách Sa-mu-en quyển thứ nhất. Chuyện có liên hệ đến Hòm Bia Thánh, một báu vật của dân It-ra-en, nơi Thiên Chúa Yavê hiện diện ở giữa dân Người.
Cuối thời tiên tri Ê-li, người Phi-li-tinh giao chiến với It-ra-en. It-ra-en bị thua nặng nên đã cử người đến Si-lô thỉnh Hòm Bia Giao Ước, đem ra mặt trận, có ý xin Chúa cho thắng trận. Không ngờ, một lần nữa, lại bị thất bại nặng nề hơn lần trước. Người Phi-li-tinh cướp được cả Hòm Bia Thánh, đem về Át-đốt, đặt trong miếu thần Đa-gôn, làm thần Đa-gôn bị đổ nát, dân chúng miền Át-đốt bị tai họa, theo bản dịch của Trần Đức Huân từ bản Phổ Thông thì: “Trong các trang trại nơi đồng ruộng khắp xứ, các thứ chuột sinh ra lúc nhúc, chết chóc hỗn loạn trong thị xã” (1Sm 5,6) “Còn những người không bị chết cũng bị bệnh dịch hạch, tiếng la lối trong các thành thị vọng thấu trời” (1Sm 5,12).
Để tránh cho dân chúng khỏi mắc bệnh, người Phi-li-tinh phải dời Hòm Bia Thánh sang thành khác, nhưng đến đâu thì chuột xuất hiện đến đó, đi hết thành nọ đến thành kia, nên tai họa do chuột gây ra lan rộng khắp nơi. Cuối cùng họ phải mời các tư tế và cả thầy bói đến, để bàn nhau trả Hòm Bia Thánh cho dân It-ra-en. Sau khi bàn cãi, họ đã đồng ý đem trả Hòm Bia Thánh lại cho người It-ra-en, có kèm theo của lễ đền tội là “phải theo số các quan tỉnh dân Phi-li-tinh mà chế năm cái khối u bằng vàng và năm con chuột bằng vàng, vì hết thảy các ngươi, cả quan trưởng đều bị một tai hoạ ghê sợ như nhau. Phải chế các khối u như các hạch xoài các ngươi mắc phải, các con chuột phải chế giống như chuột đang phá phách xứ sở, để tôn vinh Thiên Chúa It-ra-en. May ra Người sẽ nhẹ tay với các ngươi...” (1Sm 6,4).
Người Phi-li-tinh đem trả Hòm Bia Thánh, “họ đặt Hòm Bia Thánh lên xe cùng với cái tráp đựng các con chuột bằng vàng và hình tượng các khối u của họ” (1Sm 6,11).
Năm khối u bằng vàng do cư dân năm thành Phi-li-tinh phải cúng. “Ngoài ra còn có các con chuột bằng vàng, tính theo số tất cả năm vương hầu thuộc các thành người Phi-li-tinh, từ thành kiên cố cho đến thành bỏ ngỏ (1Sm 6,18). Chúng ta biết rằng, người Phi-li-tinh muốn tránh khỏi chuột phá hoại, họ đã di chuyển Hòm Bia Thánh chạy từ thành nọ đến thành kia, qua tới năm thành, mỗi thành có một vương hầu cai quản, vì thế mỗi vương hầu ấy phải lãnh trách nhiệm dâng cúng một con chuột vàng làm lễ chuộc tội.
Với mục đích trích ra những câu Kinh Thánh có nói đến năm con chuột vàng trong Sách Sa-mu-en, chúng tôi chỉ tóm tắt như trên chứ không đi sâu vào các chi tiết. Quý vị nào muốn đọc chi tiết hơn, xin mở sách Sa-mu-en quyển thứ nhất, các chương: 4, 5 và 6. (1Sm 4, 1Sm 5 và 1Sm 6).
Con chuột nhắt trong tù
Tiếp nối chuyện chuột thuộc Kinh Thánh, chúng tôi xin kể vài mẩu chuyện về chuột với các Thánh như thế nào.
Dưới triều vua Tự Đức bách hại Đạo Công giáo, người tín hữu bị truy lùng rất gắt gao, bắt phải bỏ đạo, nhất là các thừa sai người ngoại quốc. Linh mục thừa sai người Pháp có tên Việt Nam là Phan Thế Ven, tên thật của ngài là Théophane Vénard. Cha Ven bị bắt tháng 11 năm 1860, bị đóng ngay vào cũi, giải lên Hà Nội. Cũi giam cha đặt tại sân công đường dinh quan Án sát. Cha phải chịu nắng thiêu, mưa lạnh, sương buốt, gió lùa…trong cái cũi trống trải ngoài trời, không mái che liếp chắn.
Thời gian bị giam giữ, cha thường hát Thánh ca, lần chuỗi Văn Côi. Đôi khi cha cũng được đón tiếp các bà đạo đức đến thăm và tiếp tế cho một ít lương thực. Thời giờ còn lại cha cũng tìm cách nào đó để đầu óc thư giãn. Gần cũi giam cha, có một con chuột nhắt ngày nào cũng đến tìm hạt rơi hạt vãi từ số lương thực ít ỏi của cha, về đêm là dĩ nhiên, nhưng cả ban ngày những khi vắng người, chuột cũng tìm đến. Con chuột mới đầu cũng nhút nhát rụt rè, nhưng thấy cha chẳng làm gì nó. Sau vài lần, con chuột quen và mạnh dạn nhảy nhót làm vui cho cha.
Một lần bà Xinh đến thăm cha, thấy con chuột nhắt ở gần cũi, phái nữ vốn không ưa chuột, bà định lấy cây gậy đập chết con chuột. May mà cha Ven vội ngăn cản:
- Đừng đánh đuổi nó, cứ để nó làm vui cho cha những lúc cha ở một mình.
Còn bà Nghiên kể thêm rằng, cha Ven đã sai con chuột nhắt ấy lượm cỗ tràng hạt cha để rơi xuống gầm cũi. Con chuột đã vâng lời, chui vào gầm cũi tha cỗ tràng hạt lên đem lại cho cha. Cỗ tràng hạt này cha đã trao cho bà Nghiên, cùng với cuốn sách nguyện và cây Thánh giá, trước khi cha ra pháp trường ngày mồng 2 tháng 2 năm 1861.
Bang trưởng chuột
Trong hạnh tích Thánh Mactinô đệ Phôrê, vị Thánh lai da đen quê ở thành Lima trong nước Pêru, bên châu Mỹ La-tinh có kể: Thánh nhân là một Trợ sĩ trong Dòng Đaminh, có tinh thần bác ái siêu việt, không những thương yêu người nghèo khổ mà tình bác ái còn lan đến cả thú vật hoang dã. Một dạo, không biết chuột ở đâu kéo từng đàn đến Tu viện Rất Thánh Văn Côi (Santo Rosario), nơi thầy phục vụ, chúng khoét rương, cạp tủ, gặm phá đồ đạc, cắn nát sách vở, áo quần…Các thầy được lệnh phải ra công giệt chuột. Thầy Trợ sĩ Mactinô nghe được lệnh ấy, thầy thấy thương đàn chuột, chỉ vì phá hại nên bị giệt, thầy tìm phương thế làm sao cho lũ chuột ấy được an toàn. Đang suy nghĩ cách cứu đàn chuột, thì may quá, có một chú chuột nhắt chay lạc vào phòng thầy. Thầy gọi nó lại, sai nó đi tìm con chuột đầu đàn.
Con chuột đầu đàn đến phòng thầy. Thầy nói với nó:
- Sao các con lại phá phách thế? Đã đến ngày nguy khốn cho các con, vì các thầy đang sắm cạm bẫy, bả độc để tiêu giệt các con..Hãy kéo nhau đến khu đồi hoang cạnh tu viện mà sống. Ta sẽ nuôi sống các con, nếu các con không làm hại tu viện nữa.
Lũ chuột vâng lời thầy. Chuột lớn, chuột nhỏ lũ lượt bò men theo chân tường, ra khỏi tu viện, đến nơi thầy Mactinô đã chỉ.
Ngay hôm sau, thầy Mactinô ra đồi hoang ấy, phát bỏ cây dại, cuốc đất trồng hoa mầu: nào củ mì, củ khoai, cây ngô, cây lúa…đề mùa nào thức ấy, lũ chuột có đầy đủ thức ăn. Từ đó lũ chuột ấy không những giữ lời hứa không làm hại tu viện mà cũng không đi phá phách hoa mầu cùa dân cư vùng đó nữa.
Thấy thầy Mactinô sai khiến được bầy chuột cách lạ lùng, các thầy gọi đùa thầy là “bang trưởng chuột”.
Vật dơ trở thành sạch
Trong Kinh Thánh Cựu Ước, chuột là loài vật chẳng thấy được lợi ích gì. Ngoài luật buộc không được ăn thịt chuột, không được đụng đến chuột nếu muốn mình khỏi ra nhơ uế, chuột còn phá hoại mùa màng, làm hư hao lương thực, thực phẩm, gieo rắc bệnh tật giết hại con người. Dân Chúa thời ấy phải tuân giữ các luật về vật dơ, vật sạch. Nhưng đến thời Tân Ước thì luật đó không còn buộc. Điều này đã thấy trình thuật ở sách Tông đồ Công vụ, trong một thị kiến của Thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi (xem Cv 10,9-16). “Bởi chưng mọi điều Thiên Chúa dựng nên đều tốt lành, không có gì phải loại bỏ, nếu biết tạ ơn mà dùng, vì được tác thánh nhờ Lời Thiên Chúa và sự nguyện cầu” (1Tm 4,4-5).
Năm Tý, con chuột được lên chức hành khiển theo lịch Á Đông, chắc chắn nó cũng có ưu điểm, chẳng hạn họ hàng nhà chuột đã có nhiều hy sinh đóng góp cho ngành y khoa, làm con vật thí nghiệm để giúp ích cho nhân loại.
Kính chúc quý bà con đồng bào Việt Nam ta một năm mới thật nhiều may mắn như “chuột sa hũ nếp”, để bắt đầu từ chu kỳ địa chi này, dân tộc ta có được cuộc sống Ấm no Hạnh phúc như nguyện vọng của mọi người.
(Chuyện Chuột thuộc Năm Tý, Tủ Sách Họ Hoàng Bồ Ngọc)
Hoàng Đức Trinh