PDA

View Full Version : Nhức Đầu Migraine - Nguyễn Văn Đức, Bác Sĩ



delta
02-13-2008, 11:29 AM
Nhức Đầu Migraine

“Migraine” là bệnh nhức dữ một bên đầu, thường có buồn nôn, ói mửa đi kèm.

Bệnh migraine xảy ra nhiều, ở Mỹ, khoảng 18% phụ nữ, và 6% đàn ông bị nó hành hạ. Bệnh thường khởi đầu trong thời niên thiếu, song cũng may, có khuynh hướng giảm dần khi tuổi đời ta càng cao.

Nguyên nhân gây bệnh nhức đầu migraine chưa được hiểu rõ. Chỉ biết migraine có tính di truyền rất mạnh: 75-80% số người bị migraine có người thân trong gia đình cũng khốn khổ vì nhức đầu. Có lẽ, so với người thường, người mang bệnh migraine, do di truyền, thừa hưởng một hệ thống thần kinh nhạy cảm với nhiều yếu tố bên ngoài và bên trong cơ thể, chẳng hạn với thực phẩm ăn vào, sự thay đổi của thời tiết, những xáo trộn tâm lý-xã hội (psychosocial disruptions), hoặc những lên xuống của các kích thích tố trong người.

Hai hình thái migraine

Người bị migraine, nếu may, chỉ thỉnh thoảng nó mới đến thăm. Thường ra, nó đến thăm người bệnh đều đặn 1 đến 4 lần mỗi tháng, ở chơi 4-72 tiếng. Có người nhức đầu nhiều hơn thế nữa. Migraine có hai hình thái:

1. Migraine có triệu chứng báo hiệu:

20-30% số người bị migraine có các triệu chứng báo trước, trước khi cơn nhức đầu xảy ra.

Khoảng 10 đến 30 phút trước cơn nhức đầu, người bệnh thấy những lằn ánh sáng khác lạ nhấp nháy, hoặc các điểm sáng có hình thù, màu sắc khác nhau. Có người thấy mọi vật chung quanh chỉ còn một nửa, hay thấy như ánh sáng, nhất là ánh sáng mặt trời, chói chang hơn bình thường. Có người trông một thành hai (double vision), hoặc thấy những điều không có thực (hallucination). Có người bị tê, hay tự nhiên đâm ấp úng, không thể diễn tả tư tưởng của mình như bình thường. Thỉnh thoảng, có người liệt, mất thăng bằng trước cơn nhức đầu.

Sau triệu chứng báo hiệu, là cơn nhức đầu, kéo dài từ 4 đến 72 tiếng (3 ngày). Khác với nhức đầu loại căng thẳng (tension-type headache), thường xảy ra ban ngày, nhức đầu migraine có thể đánh thức ta dậy lúc ban đêm.

Cơn đau, khởi ở vùng mắt hay thái dương, sau đó mau chóng lan tỏa ra cả một bên đầu (hoặc bên phải, hoặc bên trái). Cũng có lúc trong cơn đau dữ dội, nhức đầu bò sang cả nửa đầu bên kia. Khác với nhức đầu loại căng thẳng, cơn nhức đầu migraine thường rất nặng, cho cảm giác như các mạch máu óc đang đập dữ dội, từng nhịp theo nhịp tim. Người bệnh có thể đau đến toát mồ hôi, thêm buồn nôn, ói mửa. Có người còn chóng mặt, tiêu chảy, đi tiểu liên miên. Những trường hợp nặng, người bệnh tê môi, lưỡi, mặt, hay các ngón tay bên phía đầu đau. Tay chân một bên người có thể yếu, và người bệnh thấy một thành hai. Suy nghĩ của người bệnh trong cơn nhức đầu chậm lại, việc sử dụng ngôn ngữ trở thành khó khăn.

Ánh sáng, tiếng động hoặc các cử động của cơ thể khiến cơn nhức đầu thêm nặng. Người bị cơn migraine hành lúc ấy chỉ muốn nằm im trong phòng tối yên tĩnh, đầu dấu dưới gối, không muốn ai làm phiền.

Sau cơn nhức đầu, có người như mới hồi sinh, dồi dào sinh lực, đói bụng muốn ăn. Vị khác lại như kiệt sức, mệt mỏi cả ngày sau. Sau một cơn đau dữ dội, có khi trí nhớ người bệnh mù mờ, không nhớ các sự việc xảy ra trong cơn nhức đầu.

2. Migraine không có triệu chứng báo hiệu:

Đa số người bị migraine (70-80%), trước cơn nhức đầu, không có những triệu chứng bất thường báo hiệu. Cơn nhức đầu của migraine không có triệu chứng báo trước giống cơn nhức đầu tả trên của migraine có triệu chứng báo trước, mức độ dữ dội cũng chẳng kém. Chỉ khác, trước đó, không có những triệu chứng báo trước.

Đôi khi nhức đầu migraine không có triệu chứng báo trước khó phân biệt với nhức đầu loại căng thẳng. Ta có thể dùng những tiêu chuẩn định bệnh sau của Hội Nhức đầu Quốc tế (International Headache Society) để nhận ra bệnh migraine:

- Người bệnh đã từng có ít nhất 5 cơn nhức đầu như vậy trong quá khứ.

- Nhức đầu thành từng cơn rõ rệt, kéo dài 4-72 tiếng. (Nhức đầu không thành cơn rõ rệt, triền miên ngày này sang ngày khác, thường là nhức đầu căng thẳng, không phải migraine).

Cơn nhức đầu có ít nhất 2 trong 4 đặc tính sau:

Nhức chỉ một bên đầu

Nhức kiểu giật (throbbing, pulsating), từng nhịp theo nhịp tim

Nhức từ vừa đến dữ dội, khiến người bệnh khó hay không làm việc được

(nhức đầu thường được chia làm 3 mức độ: nhẹ, vừa, dữ dội)

Nhức nhiều hơn với các hoạt động bình thường như cúi xuống, đi lên thang

- Cơn nhức đầu có ít nhất một trong những triệu chứng sau đi kèm:

Buồn nôn hay ói mửa

Khi bị nhức đầu, ánh sáng hay tiếng động làm người bệnh thêm khó chịu

- Thêm một điều kiện: bác sĩ nên thăm khám kỹ, để biết chắc người bệnh không bị bệnh nào khác gây nhức đầu: bướu óc, viêm xoang quanh mũi...


Những yếu tố khơi cơn nhức đầu


Tuy nguyên nhân gây bệnh nhức đầu migraine chưa được hiểu rõ, nhưng người ta nhận thấy một số yếu tố có thể khiến cơn nhức đầu dễ xảy ra:

- Căng thẳng: các căng thẳng (stress) có thể mời cơn nhức đầu đến. Song có người nhức đầu sau khi biến cố gây căng thẳng đã qua đi, hoặc sau một tuần làm việc mệt nhọc, căng thẳng.

- Ngủ: ngủ ít quá, ngủ nhiều quá, hoặc ngủ lung tung, lúc ngày lúc đêm (change of sleep schedule).

- Kích thích tố: phụ nữ bị migraine hay nhức đầu trong thời gian có kinh, hoặc trong tuần lễ trước lúc kinh ra. Dùng thuốc ngừa thai, dùng kích thích tố nữ progesterone sau khi tắt kinh có khi cũng dễ nhức đầu. Có người mang thai nhức đầu vào 3 tháng đầu của thai kỳ.

- Thực phẩm: cơn nhức đầu migraine có thể xảy ra khi ta ăn uống thất thường, lỡ bỏ một bữa ăn, hoặc khi ăn một số thực phẩm như bột ngọt, trái cây chua... Các thức uống như rượu (nhất là rượu vang), cà phê, trà, cola cũng gây cơn nhức đầu migraine cho một số người.

- Mùi: mùi xăng dầu, mùi dầu thơm, mùi khói thuốc lá...

- Môi trường: thời tiết thay đổi, ánh nắng, ánh phản chiếu (glare), tiếng động quá lớn hoặc liên tục...


Định bệnh

Sự định bệnh dựa vào lời kể của bạn là chính. Bạn kể bệnh mạch lạc, duyên dáng, sẽ khiến bác sĩ nghĩ nhanh đến bệnh migraine. Khi khám bạn, bác sĩ thường không thấy gì lạ, nhưng bác sĩ vẫn thăm khám kỹ, để biết chắc bạn không bị những bệnh quan trọng như bướu óc, giả bướu óc (pseudotumor cerebri), viêm xoang quanh mũi, viêm động mạch thái dương (temporal arteritis: một bệnh nguy hiểm, có thể gây mù)... Thử máu, chụp phim (Cat scan, MRI đầu) thường không cần thiết, không giúp gì thêm vào sự định bệnh, khi lời kể bệnh đã rõ ràng. Vì bệnh migraine không thấy được trên phim chụp, cũng không biểu lộ bằng những bất thường trong thử máu.

Bệnh migraine cần được phân biệt với nhức đầu loại căng thẳng (tension-type headache), xảy ra nhiều nhất trong các bệnh gây nhức đầu. Nhức đầu căng thẳng mơ hồ, không rõ rệt thành từng cơn 4-72 tiếng như nhức đầu migraine. Nhức đầu căng thẳng thường gây đau cả hai bên, hoặc khắp cả đầu. Cái đau của nhức đầu căng thẳng nằng nặng, dễ chịu hơn, không dữ như cái đau gây do migraine, đau giật theo nhịp tim đập. Nhức đầu căng thẳng không gây nôn mửa, sợ ánh sáng hoặc tiếng động, không đau hơn khi ta đi lại, hoạt động, cũng không gây mệt mỏi, kiệt sức sau đó. Thường trong cơn nhức đầu căng thẳng, ta tuy khó chịu, song vẫn tiếp tục làm việc được như thường.

Bệnh migraine cũng dễ lẫn lộn với bệnh viêm xoang quanh mũi (paranasal sinusitis). Viêm xoang quanh mũi cũng gây đau một bên đầu, nhưng người bệnh bị thêm nghẹt mũi, chảy nước mũi vàng, ho, hơi thở hôi.

Một bệnh đặc biệt gọi là “giả bướu óc” (pseudotumor cerebri, không phải là bướu óc, nhưng gây triệu chứng giống bướu óc, xảy ra ở người béo mập) cũng gây nhức đầu, có thể kèm buồn nôn, ói mửa, thị giác tạm thời kém đi (transient visual obscuration), hoặc nhìn một thành hai (diplopia). Khám đáy mắt, thấy hiện tượng “sưng đầu dây thần kinh thị giác” (papilledema), giống như khi bị bướu óc. (Do vậy, bác sĩ phải khám đáy mắt của bạn, mỗi khi bạn than nhức đầu).

Chữa trị

Sự chữa trị migraine nhắm 3 mục đích:

1. Kiểm soát các yếu tố khơi cơn nhức đầu:

Nhận diện, và nếu có thể, tránh các yếu tố gây cơn nhức đầu. Bạn nên làm một quyển “Nhật ký nhức đầu” (headache diary), ghi chép chứng nhức đầu của bạn. Nhức đầu hay xảy ra trong trường hợp nào? Đặc biệt để ý xem có sự liên quan giữa nhức đầu và thực phẩm bạn ăn, uống vào hay không. Nếu có, bạn thử tránh dùng thực phẩm này xem sao.

Bạn nên ăn uống đúng giờ giấc. Ăn trễ hoặc bỏ bữa, lượng đường trong máu xuống thấp, cơn nhức đầu migraine dễ hiện đến. Bạn ngủ ít quá chăng, xin ngủ cho đủ (nhu cầu ngủ tùy người, trung bình mỗi đêm khoảng 7-8 tiếng). Ngược lại, ngủ nhiều quá cũng không tốt. Ngủ nhiều, bạn quên ăn, đường tất nhiên xuống thấp trong máu.

Nếu có thể, tránh bớt những căng thẳng. Ta xếp đặt công việc hàng ngày hợp lý, việc nào cần làm trước, việc nào có thể từ từ làm sau. Đồng thời, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy, vội vàng, cuống quít.

2. Chữa cơn nhức đầu cấp tính:

Sự chữa trị các cơn nhức đầu cấp tính tùy mức độ nặng nhẹ của cơn nhức đầu:

- Nhẹ-đến-vừa (mild-to-moderate):

Bạn có thể thử Tylenol, Aspirin, “thuốc chống viêm không có chất steroid” (Advil, Nuprin, Naprosyn...) để làm giảm nhức đầu (nên thận trọng khi dùng Aspirin, “thuốc chống viêm không có chất steroid”, do thuốc có thể gây chảy máu bao tử). Buồn nôn, ói mửa, bạn cần thêm thuốc chống ói (trường hợp này, thuốc Reglan, 5-10 mg, dùng 15-20 phút trước khi uống Tylenol, Aspirin, Advil, Nuprin, Naprosyn..., rất tốt để chống ói). Sau 2-4 tiếng, nhức đầu vẫn chưa bớt, bạn cần đến những thuốc đặc biệt hơn dùng chữa migraine cấp tính.

- Dữ dội (severe):

Cần những thuốc đặc biệt hơn, dùng với sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ. Thuốc có nhiều dạng: uống, chích, hít vào phổi, hoặc nhét hậu môn. Nếu dùng thuốc uống để chữa cơn nhức đầu cấp tính, điểm cần chú ý là bạn nên uống thuốc sớm, khi cơn nhức đầu mới xuất hiện. Vì khi cơn nhức đầu đã lên đến một cường độ cao, thường có hiện tượng bao tử chậm chuyển động, khiến thuốc uống chậm xuống ruột non, do đó chậm hay kém được hấp thụ.

Gần đây, có nhóm thuốc triptans (sumitriptan, zolmitriptan...) mới ra đời, chữa cơn nhức đầu migraine thứ dữ rất hữu hiệu. Những thuốc chứa chất nha phiến và an thần (Tylenol số 2, số 3, Vicodin, Darvocet, butalbital...) hay gây hiện tượng nhức đầu lại khi thuốc tan (analgesic rebound headaches), và khiến ta dật dừ, nên hiện không còn được sử dụng nhiều như trước.

3. Ngừa các cơn nhức đầu:

Khi nhức đầu xảy ra hơn 2-3 lần mỗi tháng, khiến bạn khổ sở, mất vui, bạn cần được chữa với thuốc có tác dụng ngừa nhức đầu, để các cơn nhức đầu ít xảy ra hơn, có xảy ra cũng không đến nỗi nặng, không kéo dài, và dễ kiểm soát bằng những thuốc dùng chữa nhức đầu cấp tính kể trên. Xin nhớ, những thuốc ngừa các cơn nhức đầu phải dùng đều mỗi ngày, mới phát huy được tác dụng của chúng. Nhiều thuốc cần chờ 2-3 tuần mới có tác dụng tối đa.

Hiện 5 thuốc sau được các khảo cứu xem là hữu hiệu dùng ngừa cơn nhức đầu migraine: amitriptyline, propanolol, timolol, divalproate sodium, và methysergide.

Bạn đừng thất vọng, nếu thuốc ngừa nhức đầu không hoàn toàn ngừa được hẳn những cơn nhức đầu. Thuốc dùng đúng, ít ra cũng khiến những cơn nhức đầu thưa dần, khi xảy ra, cường độ cũng nhẹ hơn, dễ chế ngự hơn. Nếu các cơn nhức đầu xảy ra ít đi hơn 50%, ta đã đạt mục đích. (Nhớ dùng “Nhật ký nhức đầu” ghi chép, để xem các cơn nhức đầu có xảy ra ít hơn khi dùng thuốc ngừa nhức đầu bạn nhé).

Riêng những phụ nữ hay bị migraine vào những ngày trước hoặc trong lúc có kinh, có thể ngừa bằng cách dùng “thuốc chống viêm không có chất steroid” (non steroidal anti-inflamatory drugs) như Advil, Nuprin, Naprosyn... vào những ngày trước hay trong lúc có kinh. Những thuốc này cũng có tác dụng làm giảm đau bụng lúc có kinh. Tiện lắm, cho những vị vừa nhức đầu, vừa đau bụng lúc hành kinh.

Tiếc thay, vào thời buổi đã gửi được phi thuyền Pathfinder lên Hỏa tinh, cách xa trái đất hàng triệu triệu dặm, người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân gây bệnh migraine, vẫn chưa chữa dứt được căn bệnh. Song với những kiến thức và thuốc dùng hiện có, nhiều người từng khổ sở vì migraine đã tìm lại được niềm vui tưởng đã mất.