PDA

View Full Version : M - Một khi ảo tưởng đã qua đi, những gì sẽ còn lại?



Dan Lee
02-17-2008, 01:21 PM
Một khi các ảo tưởng đã qua đi, những gì sẽ còn lại?

Trước hết, một điều chúng ta cần phải khẳng định là sứ mệnh trọng yếu của Giáo Hội giữa lòng trần thế, là làm chứng nhân cho Đức Kitô, cho Tin Mừng Cứu Rỗi của Người. Do đó, Giáo Hội đóng vai trò người hướng dẫn chỉ lối cho trần thế, chứ Giáo Hội không nhất thiết luôn luôn phải chạy theo những thay đổi của não trạng trần thế và tìm cách đáp ứng bằng mọi giá các đòi hỏi thay đổi không ngừng của thời đại. Vâng, Giáo Hội chỉ cho con đường dẫn đưa thế giới ra khỏi cơn khủng hoảng. Tuy nhiên, Giáo Hội cũng cần phải ý thức được lầm lỗi của mình, hầu Giáo Hội có thể phát huy được sức mạnh có khả năng chi phối nền văn hóa nhân loại mà Giáo Hội hằng nắm giữ.

Trở lại vấn đề. Các ảo tưởng là một vấn đề cũng cũ kỹ như chính con người vậy. Nhưng rồi một khi người ta đề xuất ra những tư duy mới mẻ nào đó và nhờ thế mở ra những nhãn quan mới về cuộc sống, thì việc hiện thực những tư duy mới mẻ đó được gọi là một hành động «cách mạng», mà điểm đầu tiên phải quy chiếu thuộc về lãnh vực lý trí và tự do của «Homo faber» và của «Homo scientiae». Nhưng một lý trí chủ quan, tức một lý trí chỉ dựa trên chính mình, và một sự tự do không tuân theo bất cứ một quy luật hay điều lệ nào – những điều kiện nền tảng tất yếu của một xã hội - thì cả hai đều không hành động đúng chức năng và phạm vi của mình.

Theo thánh Toma Aquinô thì con người là một lữ hành (viator) luôn bước đi trên một con đường kép - một bên là con đường của sự suy luận phù hợp với lý trí và một bên khác là con đường của đức tin – và con đường kép đó cùng nhắm dẫn tới một mục đích duy nhất. Nhưng con đường của con người là con đường sám hối quay trở về với nguồn chân lý, cứu cánh của mình. Vì thế, nếu con người đánh mất sự ý thức này, con người sẽ đánh mất đi chính nội tâm của mình và sẽ rơi vào trong vực sâu của sự hiện hữu của mình. Vì cùng một con đường, nhưng nó có thể dẫn đưa chúng ta đi lên hay cũng có thể dẫn chúng ta vào vực thẳm hư vô. Chính triết gia thời danh Hy-lạp Heraklit Von Ephesos (540-480: trước Công nguyên), cũng đã ý thức được như thế. Vâng, cùng một con đường có thể dẫn con người dừng chân lại trong cái đã đạt được hay trong cái đang nằm trong tư duy. Con người bị đẩy vào thế bị động, bị đặt vào tình trạng căng thẳng ngay từ giây phút chào đời.

Biến động năm 1968 ở Tây Phương, một bước ngoặt văn hóa bất khả lùi lại

Trong khoảng thời gian từ năm 1968 đến năm 2008 hôm nay, bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi một bước ngoặt về văn hóa xảy ra, một bước ngoặt đã đưa tới một sự thay đổi bất khả lùi lại. Bước ngoặt đó đã trình bày cho tầng lớp thanh niên cũng như người có tuổi một tư tưởng vĩ đại về một cuộc cách mạng đầy ảo tưởng. Dĩ nhiên, không theo nghĩa một cuộc xung đột hay một cuộc nổi dậy bằng vũ lực của các tầng lớp đại chúng - như cuộc «cách mạng văn hóa» đẫm máu và phản văn hoá của nhà độc tài Mao Trạch Đông ở Trung Hoa - nhưng theo nghĩa văn hóa thực sự, nghĩa là truyền bá cho con người một hình thức tư duy và một kiểu sống hoàn toàn mới. Nhưng, phải chăng con đường dẫn đi lên và đi xuống cũng chỉ là một con đường? Thế hệ «cách mạng» - có người cũng gọi la thế hệ nổi loạn - năm 1968 đã trở nên già nua, và chính tư tưởng «cách mạng» do chính họ sử dụng - hay điều khiển họ - vào những năm xa xôi ấy cũng đã cũ kỹ và các hiệu năng của nó cũng đã dần dà phôi phai mờ nhạt đi. Thế giới ngày nay đã đưa ra một con đường theo kiểu cách khác.

Vâng, thời đại toàn cầu hóa là định nghĩa và là sắc thái mới của thế hệ hôm nay. Trước hết người ta cho rằng hiện tượng toàn cầu hóa quả thực là một hình thức và một không gian hoàn toàn mới mẻ cho việc trao đổi và điều động chất sám của nhân loại. Và hiện tượng toàn cầu hóa cũng đã mau mắn cho thấy rằng, điều được «toàn cầu hóa» nhanh nhất chính là tình trạng luân lý đạo đức của nhân loại, một điều mà có lẽ triết gia Kant sẽ gọi là: Con người đã tìm được chỗ định cư trong thế giới của mình.

Và sự định cư mới mẻ này của con người vượt lên trên các nền văn hóa, các tôn giáo và các ý thức hệ. Vâng, một ý thức hệ duy nhất có thể tồn tại là không ý thức hệ gì cả. Đối với đại đa số thế hệ hôm nay, các lý tưởng trừu tượng, như các ý thức hệ, không còn sức hấp dẫn nữa; trái lại, điều lôi cuốn họ và khiến họ theo đuổi, là sự hạnh phúc thực tiễn của cuộc sống cụ thể. Cả tư tưởng toàn cầu hóa cũng đe dọa trở thành một tư duy chi tiết, bị chi phối bởi chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa vật chất, mà trong đó «trật tự mới của thế giới» chỉ do một số ít người nắm giữ để mưu ích lợi cho cá nhân mình. Trong một khuynh hướng xã hội nặc mùi vật chất như thế, sự đòi hỏi khả năng, tình trạng vô mục đích và vô định hướng, vấn đề tôn giáo, v.v… đều được kê khai như những món hàng trong siêu thị. Đồng thời tiềm năng bạo lực của con người – «con vật» duy nhất có sở thích tiềm ẩn về chém giết – gia tăng nhanh và tìm gặp được đặc biệt nơi tầng lớp người trẻ một chỗ thuận lợi để xuất hiện. Tất cả đều là hậu quả của tình trạng dửng dưng, bất cần của con người, và đồng thời cũng là một sự bộc lộ não trạng ý thức hệ hay tôn giáo cực đoan, như chúng ta chứng kiến hiện nay nơi một số tín đồ Hồi giáo.

Dĩ nhiên, một số câu hỏi được đặt ra cho các Kitô hữu là: Cái «bản đồ» đời sống Kitô hữu và đời sống Giáo Hội của họ ra sao? Đời sống Giáo Hội đã bị và đang bị tổn hại như thế nào? Qua con đường nào Giáo Hội có thể hồi tưởng lại được, nghĩa là quay trở về trong chính cung lòng của mình, để tìm ra được con đường chân lý? – Đàng khác, chính chân lý là con đường!

Ngay khi bắt đầu thiên niên kỷ mới, Đức Gioan Phaolô II - trong Tông Thư kết thúc Năm Thánh 2000 «Novo millenio ineunte» - đã vạch ra một con đường và hoạch định biên giới của nó: «Duc in altum» - (Hãy chèo thuyền ra khơi). Cùng với Chúa Cứu Thế, Đức Thánh Cha đã mời gọi nhân loại hãy can đảm mạo hiểm tiến bước vào một giai đoạn mới của thế giới và của con người. Hãy chèo thuyền ra ngoài biển cả của những cái mới lạ vô danh và hãy thả lưới: «Lời nói đó (của Đức Kitô) ngày nay lại vang vọng trong tai chúng ta và mời gọi chúng ta: Hãy đầy lòng biết ơn tưởng nhớ tới quá khứ, nhiệt tâm sống giây phút hiện tại và đầy tin tường hướng về tương lai, vì chỉ có một Đức Giêsu Kitô: hôm qua, hôm nay và mãi mãi muôn đời!»

Dĩ nhiên, Đức Gioan Phaolô II không giới thiệu cho nhân loại một thứ lạc quan rẻ tiền và có tính cách mị dân. Nhưng Đức Thánh Cha vạch ra một đường hướng chỉ đạo để toàn thể Kitô giáo bước theo, hầu không bị rơi vào trong «vương quốc thế gian», một vương quốc phản loạn chống lại Thiên Chúa.

«Omnia et in omnibus Christus» - Đức Kitô là tất cả và trong tất cả mọi người. Con tim của lịch sử nhân loại được tỏ hiện trên dung nhan của Con Thiên Chúa làm người. Nói cách khác, cái nhìn của Đức Kitô luôn đầy cảm thông và đầy yêu thương. Trong ánh mắt của Người, nhân loại có thể tìm gặp được một câu giải đáp cho những chờ đợi và khắc khoải của mình. Nói cách khác, Đức Kitô là câu giải đáp thoả đáng duy nhất, mà nhân loại cầu mong. Đúng vậy, không phải sự ảo tưởng hay khí cụ của bất cứ ý thức hệ nào khác, nhưng là chính đức Kitô, chân lý mặc xác phàm, sẽ chỉ cho nhân loại con đường chân lý của Người. «Duc in altum» - Hãy chèo thuyền ra khơi và hãy sống trong sự tìm kiếm thánh nhan Thiên Chúa.

Tất cả những sào huyện cũ của các thứ ý thức hệ - tinh thần quốc gia quá khích (Đức quốc xã), chủ nghĩa cộng sản duy vật vô thần (Liên Sô), khuynh hướng thần học vô thần (phong trào 1968), v.v… đều đã đã bị giải thể và phá tán. Những chế độ chính trị tàn bạo, từng tìm cách loại bỏ tính chất cá biệt để mong đạt tới niềm hy vọng nội tại, cũng đã lùi vào quá khứ. Thay thế vào chỗ của tất cả ý thức hệ đó là một suy tư có cơ cấu về sự tiến bộ, trong đó sự mới mẻ có thể tìm được đất đứng, hầu có thể trở thành một phần của văn hóa tiến bộ. Vào thập niên sáu mươi, quyền bính đã bị đặt thành vấn đề, vì người ta quan niệm rằng, quyền bính không phải là một điều chỉ thuộc về những giai cấp nắm giữ quyền hành hay những định chế truyền thống trong xã hội như gia đình, nhưng là những hình thức giao lưu, các hình thái hay dạng thức và những xung động mang tính cách sư phạm. Qua đó, người ta thấy rằng con nguời ngày nay có khuynh hướng tương đối hóa tất cả mọi quan hệ và mọi liên lạc trong xã hội.

Tuy nhiên, chủ nghĩa tương đối hóa này không phải là hiệu quả duy nhất của một thái độ chủ quan. Nhưng lý do của thái độ chủ quan hệ ở việc đặt tính cách khách quan lệ thuộc vào lãnh vực trực thuộc dụng cụ thuần túy. Việc loại bỏ nền văn hóa tinh thần một cách chủ quan sẽ dẫn tới sự độc đoán của chủ nghĩa duy vật, một chủ nghĩa thường chứa đựng một sự mâu thuẩn nội tại. Một đàng, sự thống trị độc đoán mới này sẽ chèn ép và tìm cách xóa bỏ dần nền văn hóa Tây Phương cũng như gốc rễ Kitô giáo của nó, và một đàng khác, nó gây cho người ta có một ấn tượng là chính nền văn hóa đó tự đào thải chính mình, như Đức Bênêđíctô XVI thường nói. Nhân danh một khoa học đã rời bỏ phạm vi chuyên môn của mình và đã trở thành «một cái gì khác», thì nền tảng của chính thế giới Tây Phương đã bị đưa bán đứng và bị tấn cống một cách dữ dội. Một vũ trụ quan trọng về luân lý và đạo đức hoàn toàn phù hợp với luật lệ của đạo lý tự nhiên, sẽ là một cản trở cơ bản chống lại chủ nghĩa duy vật nặc mùi ý thức hệ và khoa học nắm giữ quyền chi phối toàn diện. Kitô giáo nói chung và Giáo Hội Công giáo nói riêng vốn nắm giữ trong mình luật luân lý tự nhiên, điều kiện để hiện thực bản sắc hiện hữu của mình, vì thế Giáo Hội đã trở thành kẻ thù số một của chủ nghĩa duy vật.

Đức Bênêđíctô XVI đã chỉ cho nhân loại biết rằng, họ không được phép để cho mình bị lôi cuốn bởi một «kiểu sống hời hợt» do khoa học và kỹ thuật đưa ra. Bởi vì một kiểu sống như thế không chứa đựng trong mình sự tự do thật sự, nhưng sẽ đưa dẫn tới vực thẳm của sự nô lệ, trong đó con người sẽ trở thành hỏa ngục cho nhau. Đức Thánh Cha quả quyết rằng: «Sự tiến bộ tích luỹ chỉ xảy ra trong lãnh vực vật chất mà thôi». Còn «trong lãnh vực nhận thức đạo đức và quyết định luân lý, người ta không còn có khả năng tích luỹ tương tự như thế, vì lý do đơn giản là sự tự do của con người luôn luôn mới mẻ và quyết định của sự tự do cũng phải luôn luôn mới mẻ» (TĐ. Spe Salvi, số 24).

Sai lầm của Giáo Hội trong vòng những thập niên vừa qua: Giáo Hội không nhận ra được những khúc mắc của não trạng hiện đại

Đối với Đức Bênêđíctô XVI, tự do không phải là một sở hữu vật chỉ cần chiếm giữ được một lần là đủ, nhưng nó luôn luôn đòi hỏi một sự chấp thuận mới của ý chí trong việc thực thi sự thiện hảo. Bởi vì, nếu sự tự do bị áp đặt, thì sự tự do chỉ được hiện thực trong một khuôn khổ đã được dựng sẵn, và như thế sự tự do sẽ mất đi ý nghĩa của nó và không còn là tự do nữa. Đức Bênêđíctô XVI đã thức tỉnh tất cả các thế hệ hãy khẩn cấp quan tâm đế sự cần thiết, là phải đạt được sự tự do. Con người không được hoàn toàn khoán trắng cho các cấu trúc, bởi vì «Tình trạng tốt đẹp của xã hội loài người và tình trạng đạo đức của thế giới sẽ không bao giờ được bảo đảm chỉ nhờ vào các cấu trúc mà thôi, dù chúng có tốt đến đâu đi nữa» (Spe Salvi 24). Và «con người không thể đơn giản được cứu rỗi từ bên ngoài» (Spe Salvi 25). Một khoa học đúng đắn «có thể đóng góp nhiều vào việc xây dựng thế giới và con người có nhân bản hơn. Nhưng khoa học cũng có thể hủy diệt con người và thế giới, trừ khi nó được hướng dẫn bởi những sức mạnh bên ngoài nó. Ngược lại, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng Kitô giáo trong thời tân tiến, khi trực diện với những thành công của khoa học trong việc xây dựng thế giới một cách tiến bộ hơn, trên một quy mô rộng lớn, đã hạn chế sự chú ý đến các cá nhân và ơn cứu độ của họ. Khi làm như thế, Kitô giáo đã giới hạn chiều kích niềm hy vọng của mình và không nhận ra đầy đủ sự cao cả trong sứ mệnh của mình – ngay cả khi Kitô giáo tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong việc đào tạo và chăm sóc cho những người yếu thế và đau khổ.» (Spe Salvi 25).

Con đường của Kitô giáo và của Giáo Hội trong tương lai tùy thuộc vào việc đề xuất ra được «chiều kích hy vọng». Nghĩa là: Sự tự phụ hay tự mãn trong phương diện Giáo Hội và thần học là một thái độ đi ngược lại sứ mệnh truyền giáo mà Đức Kitô đã giao phó, là mang đến cho nhân loại niềm hy vọng. Đức Thánh Cha kêu mời toàn thể Kitô giáo hãy rao truyền chân lý của Ngôi Lời mặc xác phàm với một sự xác tín sâu xa, vì chân lý của ơn cao cả đó không chỉ mang đến cho nội tâm con người sự phong phú, nhưng nó còn phong phú hoá cả toàn thể nhân loại nữa. Chính Đức Kitô đã được Chúa Cha trao phó cho sứ mệnh mang sứ điệp đó vào trong thế gian, khi Người nhập thế và mặc lấy xác phàm.

Trong những thập niên vừa qua, Giáo Hội đã phạm những sai lầm. Đó là Giáo Hội đã không nhận chân được những khúc mắc của não trạng tân thời. Các «vũ khí» của Giáo Hội đã trở nên vô hiệu lực. Nền thần học của giáo Hội hoặc trở nên quá trừu tượng sâu kính, hoặc có tính cách duy trí – xa vời với chân lý và sứ mệnh của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội không còn nhận chân ra được «đức tin và lý trí» như là chủ đề chính yếu của mình, nếu Giáo Hội bỏ rơi lòng đạo đức của những người đơn sơ bé nhỏ, nếu Giáo Hội chỉ rao giảng, chứ không sống điều mình rao giảng, nếu Giáo Hội không bắt đầu lại một cách mới mẻ trong sứ mệnh phụng sự Thiên Chúa, trong chương trình Phụng Vụ, thì Giáo Hội không còn gì khác để có thể tự phân biệt được với những sinh hoạt thế gian nữa. Giáo Hội sẽ mất hết khí giới của mình và như thế Giáo Hội sẽ mất dần cả đất đứng nữa. Cuộc sống bị tục hóa một cách nhanh chóng khủng khiết và làn sóng bỏ đạo ồ ạt hiện nay tại lục địa Âu Châu Kitô giáo là lời cảnh cáo nghiêm trọng. Trong bức thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđíctô XVI đã dứt khoát đòi hỏi thế giới Kitô giáo nói chung và Giáo Hội nói riêng cần phải tự phê bình chính mình. Điều đó có nghĩa là trước hết phải biết mở rộng con mắt để nhìn thấy được rằng, sau bao nhiêu năm sống trên sự hời hợt nông cạn, trên sự giả tạo và trên thái độ bất quan tâm trước sự hy sinh mất mát của các tầng lớp tín hữu, đức tin cần phải được canh tân và sưởi ấm lại một cách mới mẻ và đầy sức sống. Đời sống tâm linh có những đòi hỏi nhất định của nó và nêu lên cho người tín hữu một trách nhiệm rõ ràng, đó là phải luôn ý thức đầy đủ về niềm hy vọng hằng tác động trong chúng ta. Nhưng phải chăng vẫn còn sống động trong chúng ta một niềm hy vọng nào đó? Hay tất cả mọi nhận thức về niềm hy vọng đã hoàn toàn bị chôn vùi sâu dưới đống gạch đổ nát của vô ý thức?

Đức Bênêđíctô muốn cho các Kitô hữu nhận ra được những đòi hỏi cao cả, xuất phát từ việc:

• Con Thiên Chúa từ trong cung lòng đầy ân sủng của Chúa Cha đã được sinh ra cho con người;

• Người là Đấng đã làm cho chân lý trở nên hữu hình trên chính con người của Người;

• Người đã chịu chết cho tất cả những ai đón nhận Người, hầu mang lại hạnh phúc cho toàn thể nhân loại.

Để không có gì trong vũ trụ này có thể dửng dưng đối với thành quả này được, Đức Thánh Cha đã không ngừng khơi dậy tâm thức tôn giáo nơi các Kitô hữu trong tập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới này. Kitô giáo cần phải có khả năng thuyết phục được thế giới biết chấp nhận chân lý cơ bản này, đó là: Đức Kitô là câu giải đáp duy nhất và là cứu cánh cho mọi tìm kiếm của con người. Sự khao khát tình yêu thương, sự cứu rỗi và sự sung mãn, tư tưởng về vĩnh cửu, sự tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống, v.v… Đó là tất cả những điểu Đức Thánh Cha muốn trao ban tận tay con người như hành trang trên bước đường đời của họ. Mỗi người Kitô hữu đã được mời gọi đi khám phá ra dung nhan Đức Kitô.

Thiên Chúa nhập thể là câu giải đáp cho tất cả mọi thắc mắc, là nguyên ủy của sự tự do và là nền tảng của niềm hy vọng

Con người cần phải hành động ra sao? «Cum Petro et sub Petro» - với Phêrô và dưới Phêrô, tất cả mọi Kitô hữu phải đặt Thiên Chúa lên địa vị hàng đầu trong tất cả mọi tương quan của cuộc sống. Giáo Hội cần tới các cơ cấu, nhưng các cơ cấu không được trở thành mục đích tuyệt đối. Mầu nhiệm phải là tâm điểm. Con đường của người Kitô hữu chạy qua một «sự khai tâm», giúp anh hòa hợp với lịch sử trong thế giới riêng tư của anh. Người Kitô hữu không đơn giản mô phỏng theo các yếu tố của vũ trụ và «Kitô hóa» chúng một cách áp đặt. Anh không đi nhà thờ, không sử dụng «musica sacra» như phương tiện để tìm lại chính mình. Anh cũng không quỳ trước Phép Thánh Thể, «như thể» có Chúa ngự trong đó.

Không! Người Kitô hữu thực sự tìm lại được chính mình khi anh đến với Thiên Chúa. Thiên Chúa không phải là phương tiện cho anh tìm lại được chính mình, nhưng là mục đích sự tìm kiếm của anh. Vì anh hiện hữu trong Thiên Chúa. Do đó, tìm gặp được Thiên Chúa là tìm gặp được chính mình. Con đường phụng vụ không phải là con đường của một cuộc tổ chức gặp mặt chung trong một chỗ công cộng, nhưng là nơi của sự định hướng chung cùng tiến về Đấng Duy Nhất. Trên con đường phụng vụ, vị Linh mục hướng dẫn cộng đồng Dân Chúa cùng hướng nhìn và tiến về cùng Thiên Chúa, Đấng hằng thôi thúc lôi kéo họ qua tác động của Thánh Linh. «Thân mình mầu nhiệm» của Đức Kitô, tức Giáo Hội, qui tụ tất cả mọi Kitô hữu vào trong một cộng đồng của ân sủng Thiên Chúa. Cuộc sống này kêu mời tất cả các Kitô hữu hãy nổ lực xây dựng thế giới.

Trong Tông thư « Novo Millenio Ineunte» Đức Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng một chủ thuyết duy lý của nền văn hóa tân thời đã tạo ra cho đức tin vào Thiên tính Đức Kitô những thách đố nặng nề, ngược lại với trong quá khứ, người ta đã có khuynh hướng giảm thiểu hay chối bỏ nhân tính cụ thể của Đức Kitô lịch sử. Bởi vậy, cùng với thánh Phaolô, Đức Gioan Phaolô II đã minh xác rằng trọng tâm đức tin của Giáo Hội là tin nhận Ngôi Lời đã thực sự mặc lấy xác phàm và «đã chấp nhận tất cả mọi chiều kích nhân loại, ngoại trừ tội lỗi.» Đức Giêsu là con người mới, Đấng «kêu mời nhân loại đã được cứu rỗi tham dự vào cuộc sống thần linh của Người». Do đó, từ nay các nguyên tắc cơ bản của khoa nhân chủng học chân chính phải được đặt nền móng trên mầu nhiệm nhập thể, vì chính Thiên Chúa tác động trong đó, và qua Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, con người đã được cứu rỗi, được dự phần vào cuộc sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Dựa theo chiều kích cứu độ đó, các Thánh Phụ đã quả quyết rằng: Chỉ vì Con Thiên Chúa đã thực sự làm người, nên trong Người và qua Người, con người mới có thể thực sự trở nên con Thiên Chúa

Nói tóm lại, chỉ một mình Đức Giêsu, Thiên Chúa làm người, là câu giải đáp duy nhất cho tất cả mọi vấn nạn, cho mọi khao khát và mọi tình cảm của cuộc sống con người, là nguyên ủy của sự tự do và nền tảng của niềm hy vọng. Mọi chân lý của nhân loại đều phải đặt cơ sở trên Logos Thiên Chúa, trên Vị Thẩm Phán chí công độc nhất, vì Người là Chân Lý tối hậu của mọi chân lý.

Lm Nguyễn Hữu Thy