PDA

View Full Version : Âm Bản - Nguyễn Hữu Nhật



delta
02-19-2008, 04:58 PM
Âm Bản

Nguyễn Hữu Nhật


Việt Dương Nhân và Cát Bụi

Sau tập thơ Bốn Phương Chìm Nổi, Việt Dương Nhân trong những nhà thơ ở Paris, với sức sáng tác sung mãn, lại gửi đến quý bạn thơ thi phẩm, Cát Bụi, đã nói lên được nhân sinh quan của Việt Dương Nhân về thân phận con người trong cuộc đời tạm bợ nầy, Cát Bụi gửi đến lời chúc tốt :


Mong cầu đây đó vui cười.
Đừng cho Cát Bụi...ngậm ngùi ngày mai.

Việt Dương Nhân coi thơ như vầng trăng, như ánh mặt trời và thơ còn là chiếc thuyền đưa những tâm hồn đau khổ, từ bờ bên nầy, sang qua bờ bên kia hạnh phúc. Thơ đã giải thoát cho chính tác giả khỏi những băn khoăn, phiền muộn một đời ray rức :

Không thắc mắc, bồi hồi gì nữa.
Mà thấy nhẹ nhàng thanh thản...thôi.

Trong nỗi vui mừng tìm ra ý nghĩa tốt lành của đời sống riêng mình, Việt Dương Nhân hân hoan chia xẻ cùng mọi người :


Xin tặng cho đời...một vườn bông
Xin tặng cho đời...những nụ hồng
Xin tặng cho đời...hương thơm ngát
Xin tặng đời...lời hát êm trong...

Vườn hoa, nụ hồng, hương thơm và tiếng hát là những gì tượng trưng cho hạnh phúc con người mà Việt Dương Nhân, qua tập thơ Cát Bụi, muốn gửi tặng cho đời. Còn chính tác giả :


Cố quên bao chuyện âu sâu
Thả hồn theo gió hòa vào hư không.

Nỗi âu sầu không chỉ một đời riêng tác giả mà nó giàn rộng ra, cùng khắp quê hương, nơi mà Việt Dương Nhân vẫn gắn bó :


Ai về quê Mẹ xin cho gởi,
Một khối tình thương rải khắp nơi.

Khát vọng thanh bình cho một quê hương từng binh lửa lâu dài, nồi da sáo thịt, củi đậu lại nấu đậu chỉ vì thứ học thuyết mang từ bên ngoài vào mà anh em trong nhà tương tàn. Tựa hồ như đồng ruộng quê nhà chỉ hợp với tiếng hò, lời ca vọng cổ, tâm hồn nông dân đất Việt chưa thấm được cái cuồng động của nhạc Rock Tây phương, Tâm hồn Việt Nam là ‘’bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một dàn’’. Thứ học thuyết, giai cấp đấu tranh, gây oán chuốc thù chỉ càng làm cho đất nước suy yếu. Việt Dương Nhân lo lắng :


Một đời tâm trí chẳng an,
Khối sầu mãi đọng ngập tràn trong tim.

Nhà thơ sinh ra từ những mùa hoa đậu bắp ở Bình Chánh, Gia Định, những ngõ tre mát rượi ngày hè, những đêm trăng sáng ngó các ngọn dừa như đuôi chim công xòe ra trên nền trời đất bạc.
Việt Dương Nhân ra đời sớm, thân lập thân, sức mạnh duy nhất nơi tuổi thơ là tình cảm của một con người không chịu sống lệ thuộc vào người khác, Ba mất sớm. Mẹ có một đời riêng cũng không vui. Người chị dâu khe khắt. Với một tuổi thơ không có tuổi thơ, Việt Dương Nhân rời nhà, xa ruộng đồng và lên tỉnh, Bây giờ nhớ lại lòng còn buồn bã :


Tay nâng ly rượu, rượu cũng hững hờ !
Hớp vô một ngụm, cay bờ môi thâm...


Sài Gòn, trong thơ Việt Dương Nhân, như lãng quên, như nhung nhớ, vì ‘’ Sài Gòn là nơi chôn nhao, cắt rún’’. Còn Paris, ‘’còn Paris, con khôn lớn trên đời’’. Gia Định, Sài Gòn và Paris, ba địa danh lớn lao trong đời nhà thơ. Từ một em bé gái mười hai tuổi rời nhà cho tới nay một thiếu phụ trên năm mươi vẫn xa nhà. Nhưng nhờ thấm thấu tinh thần nhà Phật, Việt Dương Nhân hiểu rằng ''trong ba ngàn thế giới lớn, nơi đâu chẳng là nhà'', nhưng ngôi nhà thời thơ ấu và tình thương Mẹ vẫn thường dậy lên trong lòng tác giả bao mối cảm hoài :


Dĩ vãng buồn !
Gởi lại đất Sài Gòn !
Dĩ vãng sầu !
Cất dấu ở Paris !
Một đời hai dĩ vãng,
Sẽ chôn nơi chốn nào ?

Rún phải cắt, nhao có thể chôn, nhưng dĩ vãng dù buồn hay vui, người ta khó có thể chôn được nó, bởi vì nó là một phần của đời sống, hay chính nó kết lại thành đời sống. Việt Dương Nhân từng chôn chặt dĩ vãng ở trong lòng. Nó bật dậy, sống lại mạnh mẽ trong thơ, không ai chôn được dĩ vãng. Người ta biến nó thành một sức mạnh tâm hồn, đẹp như tình mẫu tử :


Căn phòng xưa cũ vẫn còn
Con về cho mẹ đở mòn xác tâm.

Người chối từ dĩ vãng cũng như một dân tộc chối từ lịch sử của mình ? Việt Dương Nhân đi nhiều nơi trên thế giới và dù muốn hay không, tác giả của tập thơ Cát Bụi cũng là dân sống ở Paris lâu năm, những xa hoa cũng từng trải, nhà thơ vẫn tâm sự chân tình về một dĩ vãng nhiều thua thiệt, đau buồn của mình. Không một lời trách cứ. Bởi Việt Dương Nhân coi mỗi đời người như một cánh lá. Từ khi xuân xanh tới lúc thu vàng :


Nhìn qua song cửa buổi chiều nay
Thấy bao chiếc lá hững hờ bay
Trên cành rơi xuống, dường kinh hãi
Như sợ chân người dẫm nát...thay !

Khoảnh khắc thấy được cái ngắn ngủi của đời sống, nhà thơ hiểu ra lẽ đạo, mọi vui buồn trong đời không lớn lao như người ta tưởng, và dù cho có lớn lao đến đâu, những vui buồn ấy cũng nằm trong cái mỏng manh, qua đi rất nhanh :


Nhìn bầu trời xanh xanh.
Tiếng chim hót trên cành.
Mùa xuân đi qua nhanh.
Kiếp người sao mỏng manh!

Chỉ có thơ, thơ chôn đi được nỗi buồn và làm sống lại niềm vui, ngay trong lúc sáng tác, Việt Dương Nhân trở thành một người cầm bút không phải vì muốn đua chen chữ nghĩa với đời, mà vì chính trong lòng có bao nhiêu điều nếu không viết ra thì khổ lắm. Trước hết là nuối tiếc một thời đã qua:


Đêm khuya im vắng buồn tanh,
Mượn cây bút nhỏ dệt thành bài thơ.
Thẩn thờ hồn mộng, tâm mơ,
Phải chi trở lại tuổi thơ thuở nào...

Một tuổi thơ không quần áo đẹp, không đồ chơi, không đủ ăn và hơn thế nữa, không được vỗ về, an ủi. Tự kiếm sống bằng hai bàn tay trắng. Nụ hoa vươn lên. Rồi nở. Nở không vì mình mong muốn. Mối tình đầu đời lỡ dở với dư vị đắng cay :


Tội thân hoa
Không dám nói một lời
Phải chấp nhận
Vì đời cần sự sống.

Ước mơ của người con gái, thuở Việt Dương Nhân mái tóc chớm xanh, trong thanh bạch không mong giàu có, trong thất thế không trông địa vị, chỉ một lòng thao thức được trở thành :


Chẳng phải vì một chút lợi danh.
Nó mơ từ độ tóc còn xanh.
Mơ thành thi sĩ, hay văn sĩ,
Mà sự học hành quá mỏng manh !

Bỏ học, đi làm, rồi vừa đi làm vừa đi học, trong hoàn cảnh nào cũng khó khăn. Cái khó khăn trước hết của một người có nhan sắc bị lưới đời vây bủa, cùng với trách nhiệm tự ràng buộc gánh vác, chia xẻ cùng những người thân yêu cơ cực, tất cả như một hàng rào ngáng đường tiến thân cho một thiếu nữ con nhà nghèo. Chúng ta trân trọng một tấm lòng thành thật :



Đời Kiều không nghĩa lý gì !
Còn em biết gọi là chi giữa đời ?
Kiều, mười lăm năm chơi vơi.
Em, bốn mươi sáu năm đời khá lâu.

Người nào không yêu quý mẹ mình thật là một bất hạnh lớn lao. Do tình cảnh ngoài ý muốn, những năm nhà thơ bé bỏng, bà mẹ không được ở gần để che chở, chăm sóc khiến nhà thơ phải sống nay đây, mai đó vất vả vô cùng. Vậy mà Việt Dương Nhân vẫn một lòng yêu quý mẹ, biết ơn sinh thành của mẹ. Năm tháng làm mòn mỏi thể xác nhưng tâm hồn nhà thơ vẫn phơi phới, nồng ấm tình người muôn thuở :


Thân con như đã rã rời,
Mà lòng vẫn giữa như thời xuân xanh.

Thời của xuân xanh, thời của tình yêu mới lớn, thời của giọt sương cũng ra châu ngọc, thời của cánh cò trắng vút bay trên hàng dừa nước, những cánh đồng lúa vàng Bình Chánh từ ngã ba Phước Cơ về Hưng Long, những địa danh nổi tiếng thời chiến như Bà tà, Tân Nhựt, tân Kiên... Nơi mà :


Bao nhiêu chất chứa tình thương,
Thương về quê Mẹ vấn vương vạn sầu...

Phần đông người ta muốn thời gian đi chậm, đồng nghĩ với sự kéo dài đời sống, tại sao Việt Dương Nhân lại mong ước :


Ta muốn gào lên cho vỡ đất trời
Cho tan nát hết cõi đời nầy đây
Thời gian hỡi ! sao cứ hững hờ bay
Hãy nhanh đi chớ, cho đời qua mau.

Câu trả lời thật giản dị, thời gian không phải là ‘’đơn vị sống’’ ở kiếp nầy, bởi tình yêu theo Việt Dương Nhân, không tính bằng năm, bằng tháng, mà được tính bằng những kiếp người


Xin hẹn kiếp sau ta sẽ nói,
Kiếp nầy đành gói trọn riêng thôi... !

Mười năm nhớ lại một người, của mùa thu cũ, nỗi nhớ khôn nguôi. Không nói ra được thì phải viết. Tình yêu là mâu thuẫn ? Ngày mong qua mau. Nhưng đêm thì muốn chậm lại :


Đêm nay nhớ lại một người,
Của mùa thu cũ hơn mười năm qua.

Bởi vì đêm có những giấc mộng, trong giấc mộng người thường gặp người, khi mộng tàn canh, người tỉnh dậy cô đơn :


Chợt tỉnh rồi, ôm thương nhớ bơ vơ
Lòng nuối tiếc, muốn đêm dài muôn thuở !

Thơ Việt Dương Nhân, có nhiều chỗ như văn nói mộc mạc, thiếu chải chuốt, nhưng cũng nhờ thế mà tiếng lòng của nhà thơ có được ngôn ngữ riêng biệt, không bị ảnh hưởng tiếng nói của bất kỳ nhà thơ nào. Nó là tiếng kêu tụ nơi tâm hồn tác giả :


Nhờ gió làm ơn gặp một người
Nói rằng: ta đợi mỏi mòn hơi
Hãy về cho kịp, không ta chết
Xin giúp dùm ta nhé gió ơi !

Tình yêu, trong đời một người đàn bà, dù thuở xuân hay buổi tàn thu, bao giờ cũng là một ám ảnh khôn nguôi, người đàn bà có thể chịu sống thiếu thốn mọi thứ, chỉ trừ tình cảm :


Hồn ta như đã lâng lâng
Bỏ chăn gối lạnh một lần nữa đây !

Nhưng một người đàn bà biết suy nghĩ, như Việt Dương Nhân, hai lần khổ hơn so với những phụ nữ khác không bận lòng vì tình yêu quê hương. Quê hương làm động tâm nhà thơ không chỉ hình ảnh bà mẹ già ở quê nhà chờ mong con cháu về xum họp. Quê hương không chỉ là những trẻ thơ tan tác trong chiến tranh và trôi dạt thời hậu chiến. Nó còn là tiếng ca ai oán của làn hơi ''vọng cổ hoài lang'' của ông sáu Lầu. Nhớ chồng khi nghe tiếng trống. Tiếng trống đêm thời Pháp thuộc đưa những người yêu nước đi đày. Nhà thơ cho biết ông nội của mình làm ''tay sai'' cho ''thực dân'' mà người cha lại đi ''kháng chiến'' chống Pháp. Nghịch cảnh gia đình đó không làm giảm lòng gắn bó của Việt Dương Nhân với quê mẹ Việt Nam. Nhà thơ cảm ơn Paris, đất dung thân, nhưng biết ơn Sài Gòn và tạ ơn quê nhà Gia Định. Nhớ mãi từ bát canh chua cá Ngác, tới miếng dừa nước trong veo. Mùi rơm rạ sau mùa gặt. Đặc biệt là vọng cổ, một loại hình nghệ thuật dân gian, giọng sầu thảm, nhưng hơn bất kỳ thứ dân ca nào trên thế giới, bởi sau khi cất lên được tiếng than người ta thấy nhẹ lòng. Vọng cổ, bản chất là thơ, có thể dựng thành ca kịch với nhiều thể điệu khác nhau. Nhị hồ, tức đàn cò, một thứ vĩ cầm Đông phương dìu dặt. Phải là người miền Nam mới thấm thấu được cái hay của vọng cổ. Nó đặc biệt như cây đàn guitar phím trũng, chứa đầy những thanh âm :
''Trưởng huynh ơi ! Đời em là một cánh chim đơn, với cuộc sống thăng trầm gặp bao cơn giông tố, giờ đây em xin bỏ đời cát bụi, cặm cuội ngồi nhà mà cầu nguyện thế gian, và cầu cho Quốc Thái Dân An, mong đất Mẹ Việt Nam có một vầng trăng sáng, rồi đây với những tháng ngày Nắng-Mới, đàn chim Việt sẽ vỗ cánh bay về''.
Vọng cổ, dưới ngòi bút Việt Dương Nhân, không hề ai oán. Thú vị vô cùng khi chúng ta hình dung, trên bờ sông Seine có một người phụ nữ phương Đông bề ngoài Tây hóa, mà trong lòng lại rất Việt Nam, vẫn âm thầm soạn các bài vọng cổ :
''Lấy lửa công minh mà đốt quyền độc trị, cho nước Việt mình có Dân chủ Tự do, và nhà nhà được cơm no áo ấm, hưởng mọi quyền người như tất cả nhân sinh, hơn hai mươi ba năm chiến chinh đà nguội lạnh, mà sao còn nghi ngút lửa thù căm...''
Việt Dương Nhân với tư cách nhà thơ hay soạn giả các bài ca vọng cổ, trước sau vẫn chỉ là người đa cảm, biết thương yêu và chia xẻ cùng thân thích, bạn bè, thương nhớ quê nhà và lòng cháy bỏng một niềm mơ ước chung cho cả dân tộc mình.
Hãy làm sao cho sáng ngời nước Việt, cho dân tộc mình một cuộc sống bình yên.
Nhưng ở đây, trong bài viết nhỏ nhoi nầy, tôi chỉ muốn nói tới một Việt Dương Nhân nhà thơ. Nhà thơ của Sài Gòn ba trăm tuổi 1668-1998, nơi mà nước mắt và tiếng cười của nhà thơ từng đổ ra, bật lên với bao kỷ niệm:


Yêu em từ thuở vào đời,
Khi cành hoa búp lả lơi gió chiều.
Áo dài tha thướt dập dìu,
Màu hoa cà tím mỹ miều nhởn nhơ.

Em là Gài Gòn, em là kỷ niệm, em là ngày sáng nắng bừng lên ở phía chân trời quê mẹ. Còn ta, Việt Dương Nhân, thường đêm thao thức nơi quê người, ngồi viết một mình, một bóng :


Ta còn ngồi viết mấy dòng,
Cho vơi đi bới nỗi lòng nầy đây !

Bạn đọc yêu thơ Việt Dương Nhân, qua Bốn Phương Chìm Nổi, còn tìm gặp được một tâm hồn sau bao đau thương vẫn :

Bây giờ còn mộng với mơ,
Dệt lên được mấy vầng thơ cuối đời.

Nhưng tới Cát Bụi, chúng ta chỉ thấy một Việt Dương Nhân thanh thản, không buồn vui, không mơ mộng, thoát ra khỏi được ảo ảnh ‘’chấp ngã’, vươn tới một không gian rộng lớn :


Cố gắng vượt qua lượn sóng đời,
Vượt luôn giông bão giữa trùng khơi
Thân còn hiện hữu trong trời đất,
Bốn bể lanh quanh thế mà thôi...!

Nếu không tự giải thoát được, theo Việt Dương Nhân, ngôi nhà cũng như cuộc đời, khi cuộc vui tàn, tiếng đàn, giọng hát lắng ngưng, những người khách xa dần rồi khuất hẳn, chỉ còn trơ lại chủ nhà với nỗi buồn nhiều hơn trước khi có cuộc vui :


Đêm nay nhà thật là vui,
Đàn ca ngân hát, ôi thôi tưng bừng.
Cuộc vui nào, khỏi tàn ngưng ?
Mình ta còn lại, bỗng dưng thấy buồn.

Không chỉ cuộc tình, mà toàn bộ cuộc sống, tự thân nó đã là Cát Bụi. Anh và em, ở đây, như bản thể và tha nhân, mình và người, giữa nhà thơ và sự mơ mộng chỉ còn lại sự nhớ thương :


Tỉnh rồi, anh biến đi dâu ?
Để em ở lại ôm sầu nhớ thương.


Nguyễn Hữu Nhật

delta
02-19-2008, 04:59 PM
Giới Thiệu Nhà Văn Việt Dương Nhân

Vũ Ký :::

Tôi được đọc tập truyện Gió Xoay Chiều của nhà văn Việt Dương Nhân trên bản thảo đã lâu, chưa kịp viết lời giới thiệu theo sự đề nghị của Cô thì nay nữ sĩ đã viết tiếp cuốn truyện dài Mai Ly và tập truyện ngắn Đàn Chim Việt.

Cảm nhận đầu tiên của người đọc qua các tác phẩm trên của Việt Dương Nhân là sự say mê và hấp dẫn trước một cây bút đa diện và đa dạng do cấu trúc nội dung thực sôi động các câu chuyện và do tưởng tượng phong phú của tác giả. Tôi bỗng nhớ đến lời một nhà phê bình văn học Tây Phương :’’Cảm tưởng đầu tiên của người đọc trước một sáng tác thường chính xác và đúng đắn hơn hết, khi cảm tưởng ấy là một nhận xét tốt đẹp về tác phẩm’’.

Có những nhà văn mà tâm thức sáng tạo khó khăn khởi nguồn trên đầu cán bút, có những nhà văn không mất công mà thực tế cuộc sống trên dòng mực lại tuôn trào dễ dàng dưới ngòi bút. Ở trường hợp trên, nhà văn phải sáng tạo sự sống cho các nhân vật. Ở trường hợp dưới, sự sống của nhà văn chính là thực tại không mài dũa, không chế biến các nhân vật trong tác phẩm của mình. Chính vì thế mà lời rào trước đón sau của nữ sĩ ở trang đầu : "Các nhân vật cũng như cốt truyện đều là hư cấu, nếu có sự trùng hợp nào là do ngẫu nhiên ngoài ý muốn của tác giả...". Tôi nghĩ lời nói này của VDN là không thực ! Có sự sáng tạo nào mà không là của thực tại, nhất là ở trường hợp nhà văn Việt Dương Nhân. Sự sáng tạo và cảm nghĩ của văn-thi-nhân bao giờ cũng chảy ra thanh thoát theo dòng đời dàn trải của chính con người văn nhân nghệ sĩ là tác giả.

Các truyện trong Gió Xoay Chiều, rồi Đàn Chim Việt, rồi đến truyện dài Mai Ly, tôi nghĩ rằng VDN không sáng tạo mà chính là sự sống của chính tác giả hay của những phần tâm cảm, ý thức, thể chất nào của người viết hòa nhập mật thiết với bao nhiêu nhân vật ở ngoài đời, bây giờ trải rộng ra trong những tác phẩm của Việt Dương Nhân.

Đó là hiện tượng thấu nhập, tương tác vô hình mà nhà văn cảm thức bằng trực giác sáng tạo để rồi thể hiện trong công trình trí tuệ của mình.

Tôi không mất công tường thuật - dù tóm tắt - nội dụng các truyện ngắn, truyện dài của VDN trong Gió Xoay Chiều, Đàn Chim Về và Mai Ly cũng như không dẫn chứng những tình tiết, cảnh ngộ, éo le, khúc mắc "những trường hợp lương tâm ", những khó xử của con tim rối nhùi mà nữ sĩ với tính nghệ thuật đặc biệt của mình đã dựng lên rất khéo trong tác phẩm. Tôi nhường cái bất ngờ thú vị ấy dẫn người đọc lạc bước đến những đoạn cuối đường đầy hấp dẫn trong cuộc đời các nhân vật của VDN.

Mỗi câu chuyện là một hay nhiều dòng đời, một hay nhiều cá tính, tâm lý, một hay nhiều môi trường, một hay nhiều hoàn cảnh của một hay nhiều con người mà hấp lực về tình cảm tròng tréo nhau có khi khắng khít khó vượt thoát, mà sự hoang tưởng về chiếm đoạt tình ái gây nên bao sự mất quân bình lý trí, mà nếp sống kim tiền xô bồ của xã hội biến đổi họ thành nạn nhân khốc liệt của gian manh xảo trá, của bụi đời lăn lóc..., mà tội ác và đạo lý gây nên một chiến trường tâm lý...

Chính vì thế mà khi bất chợt đọc đoạn đầu câu truyện của VDN là ta khó kiềm chế mà phải đọc gấp đến dòng cuối để biết thái độ xử sự, ứng phó của nhân vật ra sao ở đoạn kết. Phải chăng đó là sự mê hoặc của tiểu thuyết, truyện ngắn nói chung và đó cũng là chân tài của VDN ở đây nói riêng vậy.

Khi nói về một tác phẩm nổi danh của một văn hữu mình, văn hào Pháp André Gide hạ bút viết, thông thường và đơn giản : "Thần trí, tâm tư của tôi khác trước nhiều lắm, khác hơn hồi chưa đọc truyện ấy, khác vì tràn ngập thích thú, khoái trá và mộng mơ. Và đó là một câu truyện hay."(A. Gide).

Một số truyện của VDN với cấu trúc nội dung là lạ đã đạt được cái tác dụng thú vị ấy đối với người đọc. Và cái thú vị ấy ở đây cũng có khi làm người đọc mệt trí rất nhiều vì đọc giả phải nhớ lại bao hành động phức tạp rối nhùi của từng nhân vật như trong các truyện : Gió Xoay Chiều, Lá Rơi Về Cội, Nguyệt Hạ, Âm Thầm, Vẫn Chưa Muộn Màng...



Cái đa dạng và đa diện của nhà văn VDN mà tôi đã nói ở trên đạt đến một sự thăng hoa mâu thuẫn trong nghệ thuật : Người là nhà văn của đồng quê, một Tiền, Hậu Giang nào thấp thoáng con suối nhỏ, có rạch dừa mát rượi, điểm chút cánh bướm tình yêu nam nữ thẹn thùng dễ mến, mà cũng là của thành đô náo nhiệt, sôi động trong một cuộc sống xô bồ, từ quê hương Sàigòn mỹ miều, tội nghiệp đến Ba-Lê ánh sáng, hào hoa đọa lạc tội lỗi - Có Lê Xuyên, Hồ Biểu Chánh, Bà Tùng Long mà cũng có... Tôi xin cường điệu một chút : (Simon De Beauvoir, Françoise Sagan) trong văn chương của Việt Dương Nhân đó... Nữ sĩ cũng nhà văn của nghèo nàn, bụi đời, hạ lưu, của kẻ vô thần, ẩu bướng mà cũng là của kẻ phong lưu, tao nhã, trưởng giả "học làm sang". Và thỉnh thoảng VDN thích thuyết pháp về lẽ Đạo nhiệm mầu khi có cơ hội... Vì thế, dưới cái xô bồ hỗn tạp, cái thời thượng rởm của nền văn minh vật chất, ẩn dấu kín đáo đôn hậu cái tâm Phật, cái hướng thượng đạo lý cố hữu trong tâm thức kín đáo của nữ sĩ. Hãy nghe VDN lý sự :

"...Mọi sự trên đời đều có nhân có quả. Hãy ráng tu tâm và giữ tâm như đất. Còn ai có tâm hồn thi-văn thì khi nào cao hứng cứ viết. Nhưng đừng có tham vọng và tự cao, tự đại quá mà hại thân, và đôi khi còn làm buồn cho tha nhân nữa. "Tất cả những ai cưu mang làm văn chương nghệ thuật đều muốn dấn thân trong việc sáng tạo. Vậy chính họ phải cởi bỏ những tị hiềm để thoát xác thì con đường trước mặt mới sáng sủa hơn(*)". Làm thơ hay viết văn là đem Chân-Thiện-Mỹ để tặng cho đời và cũng tặng cho chính mình luôn nữa đó...''(Trích tn ''Tâm Như Đất'' trong tt ''Đàn Chim Việt'')

Việt Dương Nhân nói nhiều đến cảnh sống thị thành, từ cái chợ ở miền quê sơ sài, nàng sống thuở bé thơ đến Sài thành rộn rịp - và nói với rất nhiều trìu mến nhớ thương, tím thẩm bao hoài niệm đầy vơi lưu luyến. Rõ là một con người mà tâm cảm ray rức thiếu quê hương trong hiện tại chừ đây lạc loài trên một đất nước, lạc loài qua ánh sáng thủ đô Ba-Lê hoa lệ đầy đọa lạc và cạm bẩy (a lost man in a lost country). Hoặc, đôi lần nhà văn đoái nhìn về quê hương mà rớm lệ với bao cảnh cũ người xưa, còn mẹ già đang sống như ngọn đèn cạn dầu trước gió mà mòn mỏi trông con sẽ trở về gặp lại những phút cuối đời... Nhưng trong tâm ý bao giờ nữ sĩ cũng muốn trở về nguồn để nhớ làng mạc quê mùa mà chửi thằng V.C. hết thời, đứa B đi 30 thất thế, vùng kinh tế mới khô cằn nào đó mà nàng chỉ được nghe nói lại mà thôi :

- Chút nữa, anh qua bển gọi chỉ với vợ chồng cháu Triều và cháu Đại về đây đi. Em đã nghe má kể sơ sơ về chuyện gia đình anh rồi. Tối ngày anh cứ uống rượu say sưa, rồi đánh vợ. Nên bị người ta bắt nhốt anh trong nhà thương điên mấy lần phải không ?

- Đánh đâu mà đánh. Tại chị Ba mầy, nó chửi tao là thằng Việt-Cộng hết thời. Thằng Bộ-Đội-30 thất thế hoài. Ai chịu cho nổi. Nên đôi khi tao nổi điên lên đó... Chớ... chớ... tao nào muốn đánh vợ bao giờ !

- Chị Ba nói như vậy thì có sai chỗ nào đâu ? Anh có thấy anh hết thời, thất thế không ? Sự thật phũ phàng là như vậy, thì anh cứ nhận đi, mắc gì phải đánh vợ. Anh có biết, đàn ông mà đánh đàn bà là vũ-phu không ?

- Thôi, bữa nay có mầy về là ngày vui, đừng có nhắc tới chuyện đó nữa. à, má vẫn khỏe hả Quê ? Mà sao mầy không mời má về đây chơi ?

- Cha, anh muốn chạy tội hén ! Mai mốt anh Nam và anh Bắc trở về là anh hết chối. Nói chơi với anh, chớ anh em của tụi em sống trên mấy xứ Tự-Do, Dân-Chủ. Tụi em không có bắt bẻ hay hỏi tội anh đâu. Nhưng anh cũng phải làm cái gì để lấy công chuc tội chứ ?

- Thì tao cũng theo dõi tình hình. Nếu có gì hay hay là kêu gọi dân chúng đồng đứng lên chung. Và tao hy vọng sẽ có được thật sự Dân-Chủ, Tự-Do sau này. Mầy cũng biết quá rồi. Toàn dân Việt Nam, ai mà không mong muốn và khát khao có được những thứ đó.

- Ừa, ráng đi nha. Ở hải ngoại người ta cũng ủng hộ trong này lắm đó... à, về má, thì em có hỏi. Nhưng má không chịu đội... (Trích đoạn "Đàn Chim Việt ")



Đọc toàn bộ tác phẩm của Việt Dương Nhân, tôi nghĩ rằng nữ sĩ trước hết là một kịch tác gia hay một nhà văn chuyên viết chuyện phim để đạo diễn hay một nghệ sĩ xuất sắc với các tuồng cải lương nổi tiếng của miền Nam thuở trước hơn là một nhà văn viết truyện ngắn, truyện dài. Tình tiết trong các truyện éo le, khúc mắc, tròng tréo, tay ba, tay tư, gút và giải thỏa đáng thoát ra từ những động tác rối bời của các nhân vật gây nhiều bất ngờ thú vị cho người đọc. Đó cũng chính là cái tính - mâu thuẫn trong nghệ thuật khá độc đáo ở Việt Dương Nhân đó vậy. Và tạo được cao độ say mê thích thú khi đọc các truyện ngắn, truyện dài của nữ sĩ.



Giáo Sư Vũ Ký

Bruxelles, 5/2002

(*)Lời của Hồng Khắc Kim Mai