PDA

View Full Version : Hát Bộ hay Hát Bội - Lương Thư Trung



delta
02-19-2008, 05:10 PM
Hát Bộ hay Hát Bội

Lương Thư Trung

Nói đến tục ngữ, ca dao là nói đến một nền văn chương truyền khẩu với những đặc tính bình dị, đơn sơ mà trong sáng, ý nhị, thâm trầm.Ở đó hàm chứa những tình cảm chân thật, cao quí, với muôn vàn chất liệu cùng kinh nghiệm sống xác thực, phong phú. Mãi hoài, tục ngữ, ca dao vẫn giữ vị trí độc tôn trong suốt dòng sông văn chương VIỆT NAM từ xa xưa cho tới bây giờ và mãi về sau, dù vật đổi sao dời ...

Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng hiểu tục ngữ ca dao, nếu chúng ta không đi vào thực tế của người dân quê, không hòa nhập vào hoàn cảnh của nông thôn, cùng những phong tục, tập quán của làng, của xóm trong từng địa phương.

Trồng trầu thả lộn với tiêu
Con theo hát bộ, mẹ liều con hư

Dù tôi không tinh tường, nhưng với một vài điều đọc được qua vài tài liệu cùng kinh nghiệm trồng trầu, trồng tiêu trong thời gian tôi về quê làm ruộng, xin nêu với các anh chị và các bạn cùng bạn Lê Tạo một vài ý mà bạn cầu cứu.

Trước hết, theo sách “Phong tục Miền nam qua mấy vần ca dao” của Đoàn Văn Hội, câu ca dao trên được ghi như sau:

“Trồng trầu trồng lộn với tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư"

1. Xuất xứ.

Theo sách “Phong tục Miền nam qua mấy vần ca dao” của tác giả Đoàn văn Hội, phần “Phong tục thôn quê”, tác giả đã giới thiệu tổng quát: “Mặc dù ca dao Nam Việt chuyên tả tình tả cảnh, song ca dao còn là tiếng nói của các bạn bình dân, nó là sản phẩm của đồng ruộng, của làng mạc sau lũy tre xanh, nên nó phản ảnh cả phong tục tập quán của dân quê nơi thôn dã”... Chẳng hạn, người dân quê miền Nam quan niệm “xướng ca vô loại”, nên đã nghiêm cấm con cái, không cho con cái làm nghề hát bội:

“Trồng trầu trồng lộn với tiêu
Con theo hát bội, mẹ liều con hư”

Theo cuốn “Thuần phong mỹ tục VIỆT NAM” của Sơn Nam, trong phần “Lễ xây chầu”, ông viết:

“Nét đặc trưng của đình miếu Nam Việt (kể luôn Bình thuận của Trung Việt, là địa bàn của Gia Định Thành do Tả Quân Lê văn Duyệt cai quản) là dịp cúng lễ Kỳ yên tại các đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh hằng năm ,phải có lề Xây chầu, Đại bội rồi đến Hát bội. Vì vậy, người điều khiển ban cúng tế cần hiểu khái quát (nếu không muốn nói là chi tiết) về lễ nhạc, về xây chầu và hát bội.” Từ đó, ta thấy “hát bội” là hình thái văn nghệ có mặt thường trực, gần gũi trong các đình làng miền Nam.
Ngoài ra, căn cứ vào các chữ dùng trong câu ca dao, ta thấy chữ dùng rất nôm na, không cầu kỳ, giống như lời nói thường của những người nhà quê ở làng xóm miền Nam, một thứ ngôn ngữ rặt “miệt vườn”.

Từ những nguồn gốc và nhận xét trên cho phép ta kết luận câu ca dao vừa nêu có xuất xứ từ miền Nam.

2. Hát bộ hay hát bội

Theo tự điển của Thanh Nghị:

Bộ: là dáng dấp hiện ra bên ngoài, điệu bộ (manière d’être).
Hát bộ: Lối hát có điệu bộ (chantave gestes).

Bội: Cuộc diễn trò, hát với điệu bộ (chỉ dùng trong tiếng hát bội) {théâtre}.
Hát bội: Là hát có tuồng, có lớp lang, diễn theo các truyện tích xưa (théâtre classique).

Theo nhà văn Sơn Nam trong “Thuần phong mỹ tục Việt Nam”:

“Hát bội phải gắn bó với tế lễ. Nếu tế lễ là lời cầu nguyện được ban phước, dân làng hứa tuân thủ kỹ cương, giữ thuần phong mỹ tục thì hát bội phải minh họa những lời hứa ấy với hình tượng cụ thể, không phải là những từ ngữ sáo rỗng, mơ hồ .Bởi vậy cần lựa chọn tuồng tích thích hợp. Thí dụ như tuồng “Thần nữ dâng ngũ linh kỳ” thường được các đoàn hát bội hát trong dịp lễ cúng đình Kỳ yên vì lẽ tình lý giữa mẹ con, chồng vợ, cùng việc nước đều vẹn toàn, phù hợp với tâm lý cùng đạo lý của xã hội đương thời” (......) Tế lễ mà thiếu hát bội và phần mở đầu là xây chầu quả là thiếu sót lớn.”
Theo Tự điển thành ngữ điển tích của Diên Hương có lược kể về hát bội để hát cho nhà vua xem. Đời nhà TRẦN đội hát bội đầu tiên được thành lập có tên là đội Hát Bội Thanh Bình. Riêng nhà NGUYỄN từ:

- Đời MINH MẠNG, đội lính hát bội được 137 người:50 đồng ấu và 87 lính, có một ông Chánh Quản và một ông Phó Quản.
- Đời THIỆU TRỊ, đội lính hát bội 120 người :50 đồng ấu, 70 lính hát.
- Đời TỰ ĐỨC, 100 người: 50 đồng ấu, 50 lính hát.
- Đời ĐỒNG KHÁNH, thì giữ đội hát bội của vua TỰ ĐỨC để lại.
- Đời THÀNH THÁI, đội hát bội cũng 100 người.
- Đời DUY TÂN, giữ nguyên đội hát bội của vua THÀNH THÁI.
- Đời KHẢI ĐỊNH,đội hát bội có 116 người: 50 đồng ấu, 66 lính hát.
- Đời BẢO ĐẠI, giữ đội hát bội của vua KHẢI ĐỊNH.

Chừng vua BẢO ĐẠI thoái vị ngày 24-8dl-1945, thì đội hát bội cũng tan rã. Sau này, đội hát bội này chung đậu với nhau lo cúng tế thường năm, chứ không được ân ban như trước.”

Tóm lại, qua các tài liệu mà tôi đọc được, không thấy tài liệu nào dùng chữ “hát bộ”.Tất cả thống nhất trong chữ dùng là “hát bội”, kể cả trong ca dao.

3. Tại sao lại ví von trầu, tiêu vào việc hát hò ?

Trầu và tiêu là hai loại đây leo nhưng có những đặc tính khác nhau về công dụng cũng như sinh thái và môi trường.

Tiêu là loại thực vật trồng để lấy trái, lấy hạt làm gia vị. Tiêu rất dễ trồng và trồng bất cứ nơi nào miễn là có mô đất cao, đừng đọng nước, có nọc cây khô hoặc cây sống để dây tiêu bám vào đó mà leo. Do đó, để tận dụng đất vườn, người nông dân trồng tiêu theo gốc mít, gốc xoài, gốc cau, gốc vông nem v...v... Tiêu có thể sống ở chỗ rậm rạp, thiếu ánh sáng mặt trời mà vẫn xanh tốt, vẫn có trái chín đỏ dây, đỏ nhánh nếu được vun bón, tưới nước đầy đủ.

Trái lại trầu thì khác. Trầu phải trồng có vườn riêng biệt. Nọc trầu phải bằng gốc tre gai, hoặc những loại cây lâu mục như cây tràm lụt hoặc cây vông nem nhưng phải mé nhánh vông nem thường xuyên vì sợ nhánh vông che khuất ánh nắng, trầu không chịu trong rập. Chổ làm vườn trầu phải quang đảng, không đọng nước. Có như vậy trầu mới tốt, lá mới vàng. Trầu mà trồng lộn với tiêu, trầu không tốt được, trầu không vàng, lá sẽ nhỏ và có màu da lươn nên được gọi là trầu lươn. Người sành điệu, không ai ăn trầu lươn. Và trầu lươn cũng không dùng vào việc lễ nghĩa được. Vì rằng trầu ngoài việc để ăn với cau, theo tập tục của người VIỆT, trầu còn là biểu tượng của lễ nghĩa trong giao tiếp, cưới hỏi. Người ta tới thăm nhau, việc đầu tiên họ chào nhau bằng miếng trầu. Chẳng vì thế, mà trong tục ngữ, ca dao có đề cập rất nhiều về miếng trầu. Sau đây là một vài thí dụ:

“Miếng trầu là đầu câu chuyện.”
hoặc: “Miếng trầu nên dâu nhà người.”
hoặc: “Miếng trầu chạm ngõ là miếng trầu bỏ đi.”
“Mâm trầu, hủ rượu đàng hoàng,
Cậy mai đến nói phụ mẫu nàng thì xong.”

Tóm lại, người nông dân họ rất thực tế, bình dị, đơn giản, chất phác. Thấy chung quanh mình cái gì dễ nhận là có dịp họ đem so sánh, áp dụng vào đời sống thường nhật trong việc giáo dục, dạy dỗ con cái theo lễ nghĩa. Họ thấy trầu mà trồng lộn với tiêu, trầu vô dụng, không dùng vào đâu được, còn mất công tưới nước, vun phân. Thà thôi đi để cho đây tiêu còn có thêm chút phân, chút đất, tiêu xanh tiêu tốt, lợi ích hơn.

Quan niệm xưa, việc đào hát diễn tuồng là việc “xướng ca vô loại”, bị khinh miệt. Những người đi hát sống một đời bềnh bồng, rày đây mai đó, ăn quán ngũ đình, không bờ không bến. Nhà nào có con gái theo đào hát bội thì cha mẹ coi như con mình hư hỏng rồi, như trầu trồng lộn với tiêu, trầu lươn, trầu trong rập ,trong mát rồi, trầu bỏ đi.

Trên đây là một vài ý thô thiển như một góp nhặt nhỏ nhoi và xin các bạn vui lòng bổ khuyết thêm.

Lương Thư Trung