PDA

View Full Version : Hoàng Cầm Với Lá Diêu Bông - Trần Công Nhung



delta
02-19-2008, 05:12 PM
Hoàng Cầm Với Lá Diêu Bông

Trần Công Nhung

Nghe Tên Hoàng Cầm là nhớ “Lá Diêu Bông”. “Lá Diêu Bông” như thế nào, chắc không ai biết mà ngay tác giả tìm suốtđời cũng không thấy “Lá Diêu Bông”, cho dù đôi lần có tìm ra thì “người tình” cũng bảo không phải. “Lá Diêu Bông” mãi mãi là một huyền thoại. Huyền thoại không có trong đời thường mà sao ai cũng thương cũng nhớ, cũng muốn hiểu muốn tìm:



Váy Đình Bảng buông chùng cửa Võng

Chị thẩn thơ đi tìm

Đồng chiều

Cuống rạ

Chị bảo

-Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông

Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy lá

Chị chau mày

-Đâu phải Lá Diêu Bông

Mùa đông sau Em tìm thấy lá

Chị lắc đầu

trông nắng vẫn bên sông

Ngày cưới chị

Em tìm thấy lá

Chị cười

se chỉ ấm trôn kim

Chị ba con

Em tìm thấy lá

Xòe tay phủ mặt

Chị không nhìn

Từ thuở ấy

Em cầm chiếc lá

Đi đầu non cuối bể

Gió quê vi vút gọi

Diêu Bông hời...!

Ới Diêu Bông....



Hơn mười năm trước trong chuyến về chơi Bắc Giang, tôi được nghe một đoạn nhà thơ Hoàng Cầm trả lời đài BBC, đài này hỏi về ẩn ý trong bài “Lá Diêu Bông”, vì có nhiều người lý giải và gán cho bài thơ, nội dung mang màu sắc chính trị, trong số có nhạc sĩ Phạm Duy. Nhà Thơ Hoàng Cầm đã trả lời chẳng có ẩn dụ gì cả, nó là mối tình của Nhà Thơ lúc còn bé(1). Mười ba năm sau, tình cờ tôi có dịp thăm tác giả “Lá Diêu Bông”, vào một ngày sau Tết con Gà (2005).

Tôi đi với một người quen đến hẻm 43 Lý Quốc Sư, từ khách sạn tôi ở, đi bộ mất 20 phút. Vừa đến đầu hẻm, thấy có chiếc xe lăn, một người đàn ông theo sau đẩy. Anh bạn nói ngay:

-Cụ vừa đi đâu về.

-Cụ Hoàng Cầm?

-Vâng, tôi quên nói ông, Cụ bị té gãy chân, phải ngồi xe lăn.Chúng tôi vào tới thì chiếc xe lăn đã vào nhà và cửa đã khóa trái. Người bạn lên tiếng gọi, sau khi nhận ra giọng quen, một chiếc chìa khóa buộc dây dài từ cửa sổ trên cao vứt xuống. Chúng tôi lên gác, căn phòng bề ngang vừa kê một giường đơn, một bàn tròn nhỏ. Đây là nơi ăn ngủ làm việc của nhà thơ, cũng là nơi đặt bàn ăn của cả nhà. Sau cánh cửa ngăn là phòngvợ chồng con trai Cụ. Giang sơn Cụ xếp gọn trên chiếc giường rộng mét hai. Người bạn giới thiệu sơ về tôi, Cụ chào qua, không nói gì vì cả nhà đang dùng cơm trưa, và cụ vừa ở Đại HộiNhà Văn về, người con trai hỏi:

-Hôm nay Cụ có gặp các ông lớn không?

Người phụ tá trả lời:

-Cụ được Nông Đức Mạnh ôm hôn hai lần. Cả Đại Hội, Tổng Bí Thư chả hỏi ai, chỉ hỏi thăm Cụ.

Người con dâu không hiểu đùa hay thật thêm vào:

-Thế là Cụ sướng nha, lại còn được tặng cái túi xách.

Mỗi đại biểu dự hội được một túi du lịch nho nhỏ bằng Simili, có lẽ hàng Trung Quốc, màu xám, một dây kéo bình thường, không có gì đáng gọi là quà văn nghệ, nhất là đối với một nhà thơ lão thành cỡ Hoàng Cầm.

Trong Xã Hội Chủ Nghĩa, những việc “ban phát” tỉ mẩn như thế thường được lưu ý, người “thụ hưởng” ít nhiều cũng cảm thấy hả hê phấn khởi. Có lẽ từ đó đẻ ra tâm lý kèn cựa, tranh chấp, dòm ngó nhau. Sống trong hoàn cảnh khó khăn, người yếu “nội lực”khó mà đứng vững trước những bức bách về vật chất cũng như tinh thần.


Cụ Hoàng Cầm năm nay đã 84 tuổi, cụ vẫn viết, vẫn sáng tác đều đặn. Ăn uống đạm bạc, Cụ ăn mỗi bữa một bát cháo lớn nhưng món không thể thiếu là thuốc đen. Mỗi ngày Cụ tiêm hai cữ. Nhà Thơ phải thuê riêng một người để tiêm thuốc và theo giúp đỡ Cụ lên xe xuống xe mỗi khi cần đi đâu.

Người phụ tá chuẩn bị bàn đèn. Xưa giờ nghe nói giới viết lách thường giao du với nàng Tiên Nâu, nhưng, chưa hề một lần thấy tận mắt. Hôm nay là lần đầu tôi được nhìn rõ bộ khay đèn và theo dõi cung cách làm thuốc, tiêm thuốc, chuyện không bao giờ ngờ.


Nhà Thơ nằm dài trên giường nghỉ ngơi, người đàn ông đứng tuổi soạn khay đèn, mới nhìn qua đã thấy ngay “bàn đèn không chuyên”, nghĩa là bộ khay đèn kết hợp bởi nhiều thứ đồ dùng ngày nay. Khay không phải khay gỗ chạm trổ ngày xưa mà cái chậu nhựa vuông, nông, dùng để bê bia Carlsberg trong nhà hàng. Đèn cũng loại chế tạo từ lon, chai, dọc tẩu lớn bằng ngón chân cái, dài chừng 50cm, có gắn nồi thuốc như chiếc bình độc ẩm da chu, một cái ly cao cắm nhiều que đồng để vê và tiêm thuốc. Người tiêm thuốc dùng que cắt nhỏ một viên thuốc nguyên cỡ hạt tiêu, hơ nóng rồi lăn qua lại nhiều lần trên cái đĩa con. Khi thuốc đã “chín” nở nhuyễn, anh ấn viên thuốc vào miệng nồi, anh nằm xuống sàn nhà, quay đầu dọc tẩu cho Cụ ngậm rồi châm lửa. Nhà Thơ hít một hơi dài, từ từ nhả khói trong trạng thái tâm hồn lơ mơ. Có lẽ đây là lúc “đi mây về gió” mà giới văn nhân thi sĩ mô tả xưa nay. Nhìn cảnh cụ Hoàng Cầm nằm hút, tôi mới hiểu rõ lời giải thích câu “Tửu tứ trà tam a phiến nhị” năm xưa của nhà cổ ngoạn Vương Hồng Sển (2). A phiến phải hai người và chỉ hai người thôi.

Người tiêm người hút hoặc hai người tiêm cho nhau. Có một quen, trước 75 anh là phi công, thườngđưa các ông Tỉnh Trưởng đi công tác,và đã có dịp giao du với nàng Tiên Nâu, anh bảo: “Khi hít hết một hơi là người cứ như đang lái máy bay, mà lái một cách bay bướm nghĩa là lượm một cách đẹp mắt. Đúng như các cụ nói, đi mây về gió. Các cụ có lái may bay đâu mà nói không sai”.

Người tiêm lại nạo hết “xái “ trong nồi, trộn thành một viên lớn, tiếp tục cắt thuốc vê lên miệng nồi đã hơ nóng, khi thấy được lại tiêm cho Cụ.

Tôi thấy một cữ Cụ hút cũng đến 10 điếu, nhưng chỉ có một điếu nguyên, còn thì “xái”. Anh bạn cho biết, vì hút “xái” mới sinh nghiện, còn hút thuốc nguyên thì bình thường. Các dân tộc trồng thuốc họ hút như ăn cơm, không ai nghiện cả. Xong cữ thuốc đen, đến thuốc Lào, Cụ ngồi tựa lưng vào thành giường, tự nhồi thuốc, tự châm hút. Khói thuốc Lào tỏa quanh người Cụ, trông rất hay, chân dung Nhà Thơ bồng bềnh lãng mạn hơn khi nằm tiêm thuốc. Từ lúc mới vào, tôi đã xin, Cụ cho phép chụp ảnh thoải mái. Cụ hít một lúc mấy hơi thuốc Lào mới bắt đầu chuyện trò.


-Thưa Cụ, mỗi ngày tính ra tiền thuốc khoảng bao nhiêu?

-Trăm nghìn.

-Thưa, nếu không hút thì cụ thấy thế nào?

-Không ăn uống được, không làm việc được.

-Như vậy hút cũng như uống thuốc bệnh, để có sức sáng tác?

-Đúng thế.

-Thưa, nhỡ gặp khi khó khăn khan hiếm thì lấy thuốc đâu ra?

-Điều này không lo, đã có người đủ thẩm quyền giúp mua.


Tôi hỏi như thế là nghĩ đến sức khỏe Cụ, hết thuốc là hết xăng, xe dù có đắt giá bao nhiêu cũng chỉ là đống sắt vụn. Vừa chuyện trò vừa bấm máy, có thuốc vào nét tinh anh sắc bén lộ hẳn trên gương mặt Nhà Thơ. Cụ luôn luôn cười, thịt da trên mặt đầy đặn hơn trong khi thân mình chân tay teo tóp. Thân già mà đầu óc rất trẻ. Nghĩ thế, mà thật thế nên tôi định hôm sau sẽ trở lại cho Cụ xem mấy bức ảnh chụp cô gái Liêu Trai (3). Qua chuyện “Lá Diêu Bông”, tôi hỏi thẳng Cụ:


- Thưa Cụ, cháu đọc được một bài viết về “Lá Diêu Bông” ở hải ngoại, bảo rằng, nội dung bài thơ là mối tình của Cụ chứ không ám chỉ gì cả.

- Đúng như vậy, anh nào viết chắc có nghe cuốn băng tôi nói chuyện.

- Thế nhưng Cụ đã phải tù tội vì “Lá Diêu Bông”?

- Vâng, không những tù mà còn bị cấm in tác phẩm suốt 30 năm. Thành thử nhiều thế hệ không biết Hoàng Cầm là ai.(4)

- Cụ có thể cho cháu biết sơ tình tiết của “Lá Diêu Bông”.


Nhà Thơ thẳng người dậy, hít một hơi thuốc Lào rồi trầm ngâm mấy giây như hồi tưởng:

- Vào khoảng tháng 8 năm 82, tự nhiên Công An đến lục xét rồi bắt tôi đi mà không cho biết lý do. Tôi bị nhốt vào nhà giam và buộc làm kiểm điểm. Tôi không hiểu kiểm điểm về việc gì, nhưng mỗi ngày phải viết kiểm điểm. Tháng này qua tháng nọ, rồi họ đưa cho tôi tập thơ Về Kinh Bắc, bảo kiểm điểm từng bài, từng chữ trong đó. Sau nhiều ngày tháng suy gẫm kiếm tìm, tôi thấy có gì sai trái đâu, toàn những bài thơ tình. Một hôm tôi chợt nghĩ, có lẽ bài “Lá Diêu Bông”, do ý nghĩa mơ hồ tạo ramối nghi ngờ chăng. Tôi viết kiểm điểm ngay bài thơ, và quả nhiên, anh thiếu tá công an vui vẻ cảm ơn tôi, còn nói thêm: “Tết này thế nào anh cũng được về”.


Nhưng tôi vẫn tiếp tục bị giam. Không còn viết kiểm điểm, tôi nghĩlà chuyện đã giải quyết xong, vậy mà tôi phải trả thêm 1 năm tù nữa, một món nợ tôi không hề mượn bao giờ.

- Trước sau Cụ bị giam bao lâu?

- Mười tám tháng.

- Thực sự thì do đâu Cụ bị oan?

- Do bài thơ chưa in nhưng lọtra hải ngoại, có người đem bình luận diễn giải, tuy không đúng với chủ đích của tác giả nhưng lại đúng với thực tế. Người ta bảo Hoàng Cầm làm bài “Lá Diêu Bông” là ám chỉ Đảng. Chị là Đảng, em là Nghệ Sĩ, Nghệ Sĩ được Đảng yêu thương, Đảng bảo gì nghe nấy, nhưng chẳng bao giờ được gì (dù có bỏ xác vì Lá Diêu Bông)


Đến lúc bị tù, làm đúng bài kiểm điểm, sắp được ra, lại cũng do hải ngoại có thư gửi chính phủ yêu cầu thả tự do cho Hoàng Cầm. Tố Hữu nổi cơn thịnh nộ phán: “Nhốt nó thêm 1 năm nữa vì tội có nước ngoài can thiệp”.


Tôi phân vân, không hiểu sao ông Tố Hữu oán ghét căm thù người cùng môn phái đến thế. Về sau anh bạn cho biết, do Tố Hữu ganh tỵ tài năng. Nam Cao chết cũng vì Tố Hữu (5). Hồi còn giữ chức Phó Thủ Tướng đặc trách kinh tế, Tố Hữu nắm quyền sinh sát trong tay, giới nghệ sĩ liệu mà giữ gìn “ăn nói”. Nhưng Tố Hữu làm những bài thơ nô dịch, xem rẻ tổ tiên nên nhiều người phản bác, trong số có Hoàng Cầm. Tố Hữu viết:

Thuở Anh chưa ra đời (ý nói cách mạng tháng 10 Nga)

Trái Đất còn nức nở

Nhân loại chửa thành người


Hoàng Cầm vặn lại: “Anh của ông ra đời năm 1917, thế trước năm 17 “nhân loại chửa thành người” thì là gì? Khỉ à. Con Hồng cháu Lạc, 4000 năm văn hiến của anh đâu”. Câu chuyện đến tai, Tố Hữu ức lắm, tìm cơ hội trù dập Hoàng Cầm. Tôi nghĩ, con người dù cầm bút hay cầm cày, khi đã chấp nhận làm nô dịch cho danh lợi thì nhân phẩm không còn gì để nói, và, họ sẵn sàng làm mọi chuyện tồi tệ cho quyền lợi riêng tư của mình. Tố Hữu tiếp tục ngấm ngầm hại nhà thơ Hoàng Cầm bằng cách không cho in tác phẩm suốt mấy mươi năm. Mãi đến năm 2003 nhà xuất bản Hội Nhà Văn mới sưu tầm in 3 tập Hoàng Cầm : Tập 1: Thơ, tập 2: Truyện Thơ Kịch, tập 3 : Văn Xuôi. Trong tập Thơ lại không có bài Lá Diêu Bông mà chỉ có bài: Bao giờ nói hết chuyện Diêu Bông (trang 245), bài thơ có 5 đoạn xin trích đoạn 1:

Dẫu anh biết Diêu Bông không thực

Sao Diêu Bông cứ thức hồn em

Cứ sao băng mãi đường đêm

Cứ trăng lên đậu cành mềm xuân quê

Cứ lơi áo cởi trưa hè

ngực trần vỗ yếm gọi về tuổi hoa

Cứ hương thiên lý đường xa

Cứ lưng chừng đợi ngọc ngà hồ ly

Cứ môi hôn yên chi chụm cánh

dẫn anh về chuốt mảnh chiếu gon

Hương nhu xoải tóc lưng tròn

cái đêm hôm ấy mắt mòn men tê


Hôm sau tôi trở lại mở Laptop cho Cụ xem mấy tấm ảnh chụp cô gái tóc dài, nhân thể nhờ Cụ điểm xuyết mấy câu gọi là “tức cảnh sinh tình”. Cụ xem ảnh, tôi đọc 4 câu thơ, nhưng Cụ không còn nghe, Cụ ngắm nhìn rất kỹ người trong ảnh. Nét mặt Cụ tươi tỉnh và sáng hẳn ra. Cụ bảo “đưa gần lại tôi thấy cho rõ”õ. Tôi để máy slide show, hình ảnhquay lại đến mấy lượt. Tôi biết Cụ thích lắm, Cụ khen nhiều câu. Rồi Cụ bình phẩm. Tôi vừa nghe, vừa chụp ảnh. Nhà Thơ và anh bạn trao đổi nhau về nét tướng nhân dáng người con gái. Và, lần đầu tôi nghe những “Tố mao chiết yêu cự huyệt, trường túc bất tri lao” Tôi thấy vui, bao nhiêu chuyện khổ ải, thăng trầm, bao nhiêu lợi danh người đời chúng tôi đều quên, quên luôn cả Thơ, để đi vào cái đẹp lung linh huyền ảo muôn thuở mà có người lên tám đã mê say. Sẵn bút nhà thơ Hoàng Cầm ký tặng tôi 3 bộ sách của ông do Hội Nhà Văn in.


Con người đích thực của nghệ thuật, dù trong hoàn cảnh có cay nghiệt chăng nữa, vẫn mộtlòng say mê tôn vinh cái Đẹp, chỉ có cái Đẹp mới khích lệ vỗ về an ủi người sáng tác. Cái Đẹp chính là thứ lá dâu tuyệt hảo để Tằm nhả tơ vàng. Xin đa tạ những đóa hoa nghiêng nước nghiêng thành, những đóa hoa rừng, những đóa hoa dại, những người mẫu yêu quý đó đây trên những chặng đường tôi đã đi qua và xin đứng xa thật xa... kẻo nữa:

Diêu Bông hời...!

Ới Diêu Bông...


Trần Công Nhung ( Tháng Tư -2005)



(1) Bản chất của tôi là đam mê có lúc đến yếu đuối. Tôi vốn đa tình, mới 8 tuổi đã biết mê nhan sắc, 12 tuổi đã biết buồn đau về nỗi trống vắng yêu thương của một người nữa (Mấy Dòng Tâm Sự trang 619 thư gửi Đặng Tiến Phạm Duy, trong Hoàng Cầm tác phẩm Văn Xuôi)

(2) Làm Lồng (BVNCCK trang20)

(3) Chuyện Liêu Trai QHQOK 4

(4) Trong phòng cụ Hoàng Cầm có một bức ảnh Tướng Võ Nguyên Giáp ngồi thiền, tôi thấy đẹp xin chụp lại. Khi ra làm ảnh tại hiệu Nguyên Cầu đường bà Triệu, mấy cô trong cửa hàng khen ảnh Tướng Giáp, tôi hỏi còn đây là ai thì không ai biết. Lúc nghe tôi nói Hoàng Cầm người nổi tiếng của Hà Nội, các cô ngạc nhiên : “Bếp Hoàng Cầm hả chú”. Người Hà Nội chỉ biết Hoàng Cầm là loại bếp tránh khói trong thời chiến không ai biết Hoàng Cầm nhà thơ .

(5) Tìm mộ Nam Cao QHQOK 5