PDA

View Full Version : Nhà Chúa Hay Nhà Chùa ?



violet09
02-22-2008, 11:13 AM
Nhà Chúa Hay Nhà Chùa ?



Nhân vụ khiếu kiện về nhà đất Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh, tọa lạc ở số 42 Nhà Chung Hà Nội, có người lên tiếng cho rằng vụ việc không chỉ liên quan giữa Tòa Tổng giám mục Hà Nội và chính quyền Thành phố Thủ đô, mà còn liên quan đến cả Phật giáo, vì cho rằng khu đất ở ấy xưa kia là đất Chùa Bảo Thiên (hay Báo Thiên?). Trong số những người nêu lên vấn đề này, có ông Lê Quang Vịnh, nguyên Trưởng ban Tôn giáo chính phủ, và mới đây, Hòa thượng Thích Trung Hậu, Trưởng ban văn hóa trung ương Phật giáo, đã thừa ủy nhiệm của HĐTS GHPGVN, gửi văn thư, đề ngày 16/2/2008, cho thủ tứơng Nguyễn Tấn Dũng, đề nghị “nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một thành phần trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên.”

Như vậy hàm ý muốn đưa Phật giáo vào một cuộc thảo luận tay ba, giữa chính phủ, với Công Giáo và Phật giáo.

Chuyện khu đất ở số 42 Nhà Chung Hà Nội xưa kia có là đất của chùa Bảo Thiên hay không, thì nhiều người nói tới. Nhưng làm thế nào đất Chùa lại trở thành đất Chúa, thì đó mới là điều quan trọng cần phải làm sáng tỏ. Và điều này mới thật khó. Người thi bảo Tây cưỡng chiếm và đem cho các cố Tây để xây nhà thờ; người thì bảo chùa đã bị hoang phế nên nhà sư đã đem bán đất cho các cố Tây; hay vì lý do nào khác không rõ nữa, đất Chùa đã trở thành đất Chúa. Mà nếu chỉ có Chúa với Phật, thì chẳng có gì mà nói, vì có người nói không sai: Phật thì chỉ có một gốc bồ đề, còn Chúa thì chỉ có cái hang đá Bê-lem, hay cùng lắm còn có cây thập giá, chứ các Ngài đâu cần nhà thờ nhà thánh, hay đền chùa nào đâu. Vả lại Thiền chẳng thường nói: "Phật không ở trong chùa, Phật không ở trong kinh, Phật không ở trong tượng” đó sao? Còn Chúa thì Người đa nói: “Trời là ngai Ta, đất là bệ dưới chân Ta, Ta đâu cần các người phải xây nhà cho Ta?” Người Việt Nam ngày nay có một thành ngữ dễ thương: “của chùa”, để nói về một đồ vật nào đó có thể xài chung, hay cũng tương tự như người ta bảo “của Trời cho”, ai cũng có quyền hưởng.

Chuyện đất Tòa Khâm sứ xưa kia có là của chùa Báo Thiên hay không, là chuyện của quá khứ đã qua đi hơn một trăm năm rồi, chẳng còn một chứng nhân lịch sử nào còn sống để mà nói lên sự thật cho chúng ta hay. Ông Tây, ông Sư hay ông Cố đều đã nằm dưới những nấm mồ, và thân xác đã mục nát với thời gian. Ngòai ra, cũng không ai tìm được những chứng cứ xác nhận chủ quyền khu đất này là của ai, trước và sau khi có chùa, cũng như trước và sau khi chùa biến thành đất Nhà Chung. Chứng từ duy nhất có tính pháp lý hiện nay, là giấy chủ quyền mà Tòa Tổng giám mục Hà Nội nắm trong tay.

Ai cũng biết vấn đề nguồn gốc, chủ quyền đất đai nhà cửa rất phức tạp nhiêu khê, không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả trên thế giới, trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế. Những chuyện tranh chấp về ranh giới, về chủ quyền trên đất liền và cả hải đảo, vẫn còn đang là những chuyện tranh chấp căng thẳng, đôi khi dẫm máu giữa các quốc gia, cụ thể nhất là chuyện giữa Paléttin và Ítraen, đặc biệt là Kosôvô hiện nay. Còn tại Việt Nam chúng, chưa nói tới chuyện của một trăm năm trước, ngay chuyện xảy ra từ 1975 đến giờ cũng còn rắc rối lung tung: người chết, người mất tích, kẻ đi lánh nạn, kẻ vượt biên, nhà cửa để lại, nhưng những người thừa kế hợp pháp nhiều khi cũng không được ở, và những người chủ mới cũng đôi khi nối tiếp nhau ở đó mà chẳng có giấy chủ quyền, đến nay có khi người đang được ở đó cũng chẳng biết chủ cũ là ai, và nguồn gốc ngôi nhà ra sao.

Một vấn đề khác cũng cần được lưu ý: mỗi thời, mỗi chế độ đều có những luật riêng. “Không ai tắm hai lần trong cùng một dòng sông”, Héraclite đã nói như vậy. Vì thế đem luật ngày nay để giải quyết những vụ việc xảy ra ở thời trước là không thích hợp.

Cái ngày xưa coi là hợp pháp, thì ngày nay có thể bị coi là bất hợp pháp, và ngược lại, cái bất hợp pháp lại có thể trở thành hợp pháp chỉ cần có một tờ giấy, hay một lời tuyên bố như vậy. Thật thế, dưới chế độ cũ ở Sài Gòn, các tướng tá cứ đảo chánh, cướp chính quyền, -mà theo hiến pháp hiện hành lúc bấy giờ, thì là bất hợp pháp, là phản lọan,- nhưng rồi ông chủ tịch hay tổng thống hoặc thủ tướng “cách mạng” ấy sửa đổi hiến pháp, và nghiễm nhiên trở thành nhà lãnh đạo mới hợp pháp như ai!

Tôi nói thế không có ý chối bỏ sự kiện khu đầt tọa lạc ở số 42 Nhà Chung Hà Nội, có thể đã là đất Chùa Bao Thiên. Nhưng sự việc xảy ra hôm nay, bắt đầu tự thực tế lịch sử, là khi chiến tranh Đông Dương I, tức là cuộc Kháng chiến chống Pháp chấm dứt vào ngày 20 tháng 7-1954, đưa quân giải phóng trở về thủ đô, thì Đức Khâm sứ Tòa Thánh John Dooley vẫn còn ở tại ngôi biệt thự số 42 Nhà Chung này, cho mãi tới năm 1959 mới ra đi, nhưng không phải tự ý, mà do bị chính phủ ta mời ra khỏi Việt Nam, cũng như trường hợp vị Khâm sứ Tòa Thánh cuối cùng tại Miền Nam, bị trực xuất năm 1975.

Trong bài viết của linh mục Trương Bá Cần, đăng trong Tuần san Công Giáo và Dân Tộc, số 1644, ra ngày 15-2-2008, có một câu mà tôi thắc mắc, và nghe nói nhiều người rất bất bình, phản đối kịch liệt. Tác giả bài báo viết: “Trong cuộc di cư năm 1954-1955 cũng như trong cuộc di tản sau 30-4-1975, tất cả các ngôi nhà vắng chủ mà không có người được sở hữu chủ ủy quyền, trên nguyên tắc, đều do Nhà nước quản lý, cả những ngôi nhà cho người nước ngoài thuê.” (Trang 8). Nguyên tắc nào vậy? Của Nhà nước hay của linh mục Trương Bá Cần? Nếu là nguyên tắc Nhà nước cách mạng ra thì vào ngày tháng, năm nào? Do Chủ tịch nước, Quốc hội, hay chính phủ ban hành? Dù cho là luật pháp của Nhà nước đi nữa, thì cũng xin được phép đặt vấn đề: dựa vào đâu mà Nhà nước tự coi mình là người đương nhiên có quyền quản lý những ngôi nhà vắng chủ? Chuyện người dân có quyển sở hữu nhiều nhà đất, là chuyện thường, và vì thế, họ có thể ở nhà này, tạm bỏ trống những ngôi nhà khác là chuyện bình thường, nhất là trong lúc lọan ly. Thậm chí có người còn tạm lánh ra nước ngòai, mang theo giấy chứng nhận chủ quyền nhà đất, và khi trở về chính quyền vẫn nhìn nhận quyền sở hữu ấy, như tôi biết rõ trường hợp của một anh họ. Theo tôi nghĩ, Nhà nước chỉ quản lý những đất đai nhà cửa của những người bị kết án và bị tịch thu tài sản mà thôi.

Trong trường hợp của Đức Khâm sứ John Dooley, cũng như trường hợp của Đức Khâm sứ Henri Lemaitre ở Sàigòn sau này, cả hai đều đã không tự ý bỏ đi, để lại vườn hoang nhà trống, cả hai cũng chẳng hề bị kết án và tịch thu tài sản, nhưng chỉ bị trục xuất khỏi Việt Nam. Đức Khâm sứ John Dooley còn được ở lại dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những hơn 4 năm sau khi Chính quyền cách mạng tiếp quản thủ đo, còn Đức Khâm sứ Henri Lemaitre thì phải rời khỏi Việt Nam không bao lâu sau ngày 30-04-1975.

Vậy thì phải xếp hai Tòa Khâm sứ ở Hà Nội và ở Sài Gòn thuộc lọai tài sản nào đây? Nhất là khi chưa có bang giao chính thức giữa Chính phủ ta và Tòa Thánh Vatican?

Theo tôi được biết, nếu người ta chưa có ý đồ phá dỡ Tòa Khâm sứ ở số 42 Nhà Chung để đầu tư xây dựng một công trình kinh doanh lớn, thì Nhà Chung Hà Nội và bà con giáo dân cũng không đến nỗi bức xúc và tiến hành việc yêu cầu trả lại cho Giáo hội tại thủ đô. Ngòai ra, chính sự việc Tòa Khâm sứ ấy, từ ngày được gọi là tiếp thu, trước tới nay đã được dùng làm cơ sở văn hóa, với những sinh họat ồn ào náo nhiệt, cả ngày lẫn đêm, gây phiền hà rất nhiều cho Nhà Chung, và đặc biệt là cho Đại chủng viện sát kề bên.

Trở lại vấn đề đất của Chùa hay đất của Chúa, tôi xin đặt thẳng vấn đề như sau: nếu như lịch sử chứng minh được rằng đất Nhà Chung Hà Nội, bao gồm cả Nhà Thờ Lớn, Tòa Tổng giám mục hiện nay và Tòa Khâm sứ đang tranh chấp, là đất Chùa Bảo Thiên và đã bị Tây chiếm đọat đem cho các cố Tây, và từ đó thuộc quyền sở hữu của Nhà Chung Hà Nội, thì tôi tin rằng Giáo hội Công Giáo chúng tôi sẽ chẳng ngần ngại gì mà không trả lại cho Phật giáo, cũng như Đức Tổng giám mục Duval đã trả lại ngôi nhà thờ Chánh tòa Alger cho Hồi giáo, sau khi Algérie được độc lập, vì lý do ngôi nhà thờ đó vốn là một đền thờ Hồi giáo. Tuy nhiên, cũng xin hỏi rằng: liệu mọi người, kể cả chính quyền Hà Nội và Chính phủ nữa, có đồng ý biến Nhà Thờ Lớn thành chùa, hoặc phá đi để xây chùa mới hay không?

Còn nếu lý luận, như ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng Ba Tôn giáo của Chính phủ,- cho rằng dứơi chế độ Xã hội chủ nghĩa, tất cả đất đai đều quyền sở hữu của Nhà nước,- thì chẳng còn gì phải bàn, Nhà nước cứ việc trưng dụng mọi đất đai nhà cửa của dân, cho dù là đất chùa hay đất nhà thờ, chẳng ai dám kiện tụng gì nữa. Nhưng tại sao khi qui hoặch đất đai để mở rộng phố xá, đô thị, hay lập khu công nghiệp, chính phủ lại phải bồi thường giải tỏa làm chi? Đất của Nhà nước thì cứ sử dụng như “đất chùa”, đâu cần phải thương lượng với ai!

Nhưng nếu luật pháp nước ta còn tôn trọng nguyên tắc bảo vệ quyền sở hữu của công dân, cấp sổ hồng sổ đỏ cho những người có nhà có đất, thì việc trả lại nhà đất ở số 42 Nhà Chung cho Nhà Chung, thì đó là điều hợp lẽ phải, và cũng hợp tình nữa, như Đức Giêsu đã nói: “Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Mt 22,21), nghĩa là đất Nhà Chung, thì trả về Nhà Chung!

Saigòn, ngày 20-02-2008
Lm Thiện Cẩm, OP.

violet09
02-22-2008, 11:30 AM
Phật Giáo Thắc Mắc Vụ Tòa Khâm Sứ??


2/22/2008
Tin Hà Nội - Theo dõi vụ tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, ngày hôm qua tình hình lại trở nên khúc mắc thêm, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi thư tới nhà nước và lập luận rằng khu đất Tòa Khâm sứ tọa lạc từng thuộc quyền sở hữu của Phật giáo. Trang web Phật tử Việt Nam vừa đăng bức thư của Giáo hội Phật giáo, gởi Thủ tướng Hà Nội. Lá thơ do Hòa thượng Thích Trung Hậu ký tên nói Phật giáo Việt Nam đã liên tục là sở hữu chủ của cơ sở này trong 825 năm, tức cho đến năm 1883 khi bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo là Giám mục Puginier sử dụng. Bức thư lập luận rằng căn cứ trên các tài liệu lịch sử, chùa Báo Thiên là một trong bốn di sản văn hóa lớn của Phật giáo được xây cất từ năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông, và khu đất Tòa Khâm sứ mọc lên từng là một phần đất mà chùa Báo Thiên tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn thước vuông, đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó. Bức thư cho rằng việc Giáo hội Công giáo đòi nhà nước phải giao trả Tòa Khâm sứ cũ ấy cho Thiên Chúa giáo, gây nhiều xôn xao trong quần chúng nhân dân. Với bức thư kể trên, Giáo hội Phật giáo nay đề nghị nhà nước xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên. Trong nhiều ngày qua giáo dân Công giáo đã tỏ ra mất kiên nhẫn vì việc tòa Khâm Sứ vẫn chưa được giải quyết, cho dù nhà nước đã hứa hẹn và nhiều người đang vận động để mở lại các cuộc biểu tình cầu nguyện trước Tòa Khâm Sứ, nhưng nay với việc tranh chấp này, nhiều người cho rằng Hà Nội đang muốn đưa tôn giáo ra để chống lại tôn giáo, để phía tòa Giám mục Hà Nội sẽ mất chánh nghĩa trong việc đòi lại khu đất trước đây.

SBTN