delta
02-24-2008, 02:46 PM
Tôi “Suýt” Làm Diễn Viên!
Thiện Giao
Đóng phim phải vừa "thực" vưà "giả"
“Thực,” là phải nhập vai, phải biến mình thành một người khác. Hiển nhiên là người trong phim. “Giả,” tức là phải mang một không khí và cốt cách “điện ảnh.” Tức là tạo một phong cách rất... “phim.”
Những bộ phim mang chất liệu lịch sử thường khó thể hiện. Nhất là giai đoạn lịch sử quá gần gũi, khi mà những nhân chứng và người trong cuộc vẫn còn sống.
Ðâu là lịch sử? và đâu là điện ảnh? Câu trả lời nằm ở tài năng của người đạo diễn.
Hàm Trần, một đạo diễn trẻ đang rất thành công trong thời gian gần đây, mang nhiều “duyên nợ” với loại đề tài này. Bộ phim ngắn “Ngày Giỗ” do anh đạo diễn đã vào được đến bán kết giải Oscar năm rồi. “Ngày Giỗ,” như nhiều khán giả Việt Nam đã xem qua, thể hiện một bi kịch “huynh đệ tương tàn” của cả một dân tộc qua câu chuyện của một gia đình.
Hàm Trần đang làm một cuộc hành trình mới, "Journey from the Fall". Hàng triệu người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đều có thể là diễn viên của cuộc hành trình này, vì tất cả đều đã một thời là nhân chứng và là người trong cuộc.
Ðạo diễn Hàm Trần, theo lời diễn viên Kiều Chinh: “Ðã cho những diễn viên đóng lại chính vai trò đời mình.”
Chất “thực” và chất “lịch sử” nằm ngay trong kinh nghiệm sống của mỗi diễn viên. Ðạo diễn Hàm Trần chỉ cần tạo chất liệu điện ảnh. Anh tuyển các diễn viên không nhất thiết phải có kinh nghiệm phim ảnh, nhưng nhất thiết phải có kinh nghiệm cuộc sống.
Những diễn viên được tuyển chọn đã từng là những Thuyền Nhân. Họ sẽ phải làm thuyền nhân đến hai lần trong cuộc đời họ.
Ðạo diễn Hàm Trần đã chọn diễn viên như thế nào?
Tôi đã đến thử vai, đã được chọn cho một vai nhỏ trong phim. Nhưng rồi tôi không theo được đoàn quay phim đến Thái Lan để chính thức tham gia bộ phim, vì tôi đang bận việc học tại Ðại Học Fullerton. Tôi đã “lỡ” một dịp đóng phim. Nhưng tôi được một kinh nghiệm “thử vai” với Hàm.
Hàm sẽ còn làm nhiều phim trong đời. Một ngày nào đó, nếu các bạn muốn tham gia đóng phim do Hàm đạo diễn, câu chuyện kể dưới đây sẽ chỉ cho bạn một ít kinh nghiệm về người đạo diễn trẻ này.
Một buổi sáng thứ Bảy của tháng bảy, tôi đến ghi danh tại phòng thử vai cho bộ phim “The Journey From The Fall” tại một căn phòng trong khách sạn Ramada.
“Chào anh.” Hàm mở lời nhẹ nhàng. “Anh có bao giờ vượt biên chưa?”
“Một lần, nhưng không xong.” Tôi trả lời.
“Này nhé, tôi muốn anh thử, trong vài phút, một cảm xúc nào đó anh đã trải qua. Vui hoặc buồn!” Hàm đề nghị. “Anh cứ suy nghĩ đi, rồi chọn một cảm xúc anh muốn thử.” Hàm nói với tôi từ phía bên kia chiếc bàn, bên cạnh anh là nhà sản xuất Lâm Nguyễn.
Chỉ trong vài phút, tôi cần phải chọn một cảm xúc. Tôi suy nghĩ, rồi nói với Hàm: “Buồn nhé!”
“Ừ, vậy thì anh hãy tưởng tượng lại một điều gì trong quá khứ đã làm cho anh buồn. Nên nhớ lại một kinh nghiệm thực. Anh cứ từ từ, anh có thời gian.” Hàm nói nhỏ dần. Tôi hiểu, anh bắt đầu tạo không khí. Bây giờ, căn phòng này sẽ chỉ có tôi và quá khứ của tôi. Hàm và Lâm sẽ là người ngoài cuộc. Tôi thấy Hàm bắt đầu mở camera.
Tôi sẽ phải quyết định ngay. Tôi sẽ phải chọn một, trong rất nhiều kinh nghiệm, đã làm cho tôi phải rơi nước mắt. Những kinh nghiệm chia ly có lẽ vẫn xảy ra nhiều nhất cho người Việt Nam. Người ta đưa tiễn người thân, ra sân bay hay ra bến tàu, để ra đi sang một miền đất nằm phía bên kia địa cầu.
Tôi cũng vậy. Tôi đã tiễn nhiều người thân ra đi. Rồi đến phiên tôi lại đóng vai trò của người ra đi. Tôi cứ suy nghĩ như vậy và ngay lập tức, tôi rơi trở lại khung cảnh phi trường Tân Sơn Nhất của chín năm trước, ngày tôi lên đường sang Mỹ. Tôi hình dung lại khung cảnh đưa tiễn. Chỉ có mỗi mình tôi ra đi, còn toàn thể gia đình ở lại. Ba tôi, mẹ tôi, các anh và em tôi...
Trở lại cảm xúc này không khó. Tôi vẫn thường hình dung, và thậm chí, nằm mơ thấy cảnh chia tay này trong thời gian định cư tại Hoa Kỳ. Và tôi thấy mình buồn ghê gớm.
Bên kia chiếc bàn, Hàm đã bắt đầu quay phim tôi từ lúc nào không hay.
Tôi gần như quên rằng Hàm và Lâm đang quan sát tôi. Nhưng không thể hoàn toàn “bỏ quên” họ. Tôi vẫn còn “lấn cấn.” Tôi tự hỏi: “Không biết có cần phải nói điều gì. Chứ ngồi làm thinh yên lặng và... buồn như thế này thì làm sao đóng phim.”
Tôi thoát ra khỏi quá khứ, quay sang Hàm: “Tôi có cần phải nói điều gì không?” Chưa dứt lời, Hàm đã đưa ngón tay lên miệng ra hiệu im lặng. Anh nói: “Keep going.”
Thì ra, Hàm không cần tôi phải nói. Trong cách nhìn của một đạo diễn, ánh mắt và tâm trạng đã nói tất cả thay lời.
Chốc chốc, Hàm lại nói, giọng rất nhỏ để không phá vỡ tâm trạng tôi: “Ba mẹ anh đã tiễn anh đi. Ba mẹ anh đã nói gì lúc chia tay. Hãy nhớ lại những giây phút ấy...”
Hàm rất thông minh. Anh nhập vai ngay cùng với tôi. Anh nhắc tôi những điều sẽ khiến tôi cảm động.
Vài phút sau, tôi quay sang Hàm: “Vậy thôi.” Hàm nhìn tôi, không nói gì. Anh không muốn cắt đứt cảm xúc của tôi. Rồi Hàm nói nhỏ, giọng từ tốn: “Anh làm lại nhé.”
Cứ như thế, Hàm yêu cầu tôi lặp lại cảm xúc ấy. Tôi bắt đầu thấy mệt, rất mệt. Không phải vì tôi phải thử vai, mà bởi vì tôi phải ép mình sống lại cảm xúc cũ một cách liên tục.
Sau khoảng bốn lần thử, Hàm để tôi ra về.
Hai tuần sau, tôi nhận được cú điện thoại của Lâm, producer của bộ phim. Lâm yêu cầu tôi đến thử vai một lần nữa.
Lần này, tôi sẽ phải đóng một phân cảnh nhỏ trong phim. Tôi sẽ là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Và tôi sẽ phải quyết định ra đi hay ở lại vào giây phút hấp hối của Sài Gòn. Tôi sẽ phải có vợ, có con. Tôi sẽ phải quyết định ở lại để tiếp tục cuộc chiến đấu. Vợ và con và mẹ tôi sẽ phải ra đi trên những chiến hạm đang neo ngoài khơi.
Hàm chọn cho tôi cảnh chia tay vì tôi đã thử tâm trạng chia tay trong lần thử vai cách đây hai tuần.
Hàm giới thiệu tôi với một cô gái trẻ đang ngồi sẵn trong phòng. Ðây là lần đầu tiên tôi gặp cô ấy. Hàm bảo tôi: “Vợ anh đấy! Hôm nay anh sẽ đóng thử với cô ấy.” Rồi Lâm đưa cho tôi một phân cảnh nhỏ. Lâm nói với tôi: “Anh đọc và học thuộc lòng. Take time. Khi nào anh cảm thấy thoải mái, xin cho biết để chúng ta bắt đầu làm việc.”
Tôi ra ngoài, đọc đi đọc lại phân cảnh. Phân cảnh không dài, nhưng đầy tiết tấu cảm xúc. Vừa buồn, vừa giận, vừa bối rối. Tôi sẽ phải rất cương quyết, nhưng đồng thời phải rất yếu mềm trong giây phút chia tay với vợ con và mẹ.
Tôi trở lại phòng của Hàm. Như lần trước, Hàm và Lâm ngồi bên kia bàn. Bên này, tôi và “vợ tôi” sẽ bắt đầu cuộc đối thoại của 30 năm trước.
Trong nửa giờ đồng hồ, chúng tôi thử cảnh này khoảng 6 lần. Và trong sáu lần này, sự khắt khe và chuyên nghiệp của Hàm bắt đầu xuất hiện. Cảm xúc là tất cả những gì quan trọng trong phân cảnh này. Ðối với Hàm, cảm xúc có tiết tấu riêng, nó giống như bản nhạc. Hàm đã bắt chúng tôi thử đi thử lại chỉ vì sự “trật nhịp” trong giây phút vợ tôi hãi hùng trước quyết định ở lại của tôi. Hàm nói: “Trước giây phút cao điểm của tâm trạng ấy, “vợ” tôi cần để một khoảng thời gian im lặng.”
Sự bùng nổ tâm trạng phải xảy ra đúng vào lúc “dấu lặng” kết thúc.
Như lần thử vai trước, tôi bắt đầu thấy căng thẳng và mệt mỏi. Tôi bị cuốn hút, và cả sợ nữa, bởi những giọt nước mắt của “vợ” tôi. Mỗi lần thử xong, Hàm cho ý kiến ngay. Tôi thấy trên gương mặt Hàm sự phấn khích cao độ. Nơi Hàm, sự chừng mực, lòng đam mê và cả tính chuyên nghiệp đã tạo nên sự thích thú nơi người thử vai.
Hai tuần sau, vẫn là “producer” Lâm gọi lại cho tôi. Anh cho hay tôi được chọn cho một cảnh trong phim. Tôi sẽ phải theo đoàn quay phim sang Thái Lan trong bốn tuần. Nơi ấy, một phim trường với những trại tị nạn ngày xưa đã được tái tạo. Từng gốc cây, từng thảm cỏ, từng mái tranh đã được tái tạo y hệt quang cảnh tị nạn của mấy mươi năm trước. Giữa tháng Chín, những thước phim đầu tiên của “The Journey From The Fall” sẽ được khởi quay.
Cũng vào thời điểm này, khóa học Mùa Thu của tôi tại Ðại Học Fullerton cũng sẽ bắt đầu. Tôi lúng túng và chọn lựa. Cuối cùng, tôi chọn ở lại để đi học. Một người bạn của tôi cằn nhằn: “You have no sense of priority. Mầy chẳng biết sắp xếp thứ tự ưu tiên gì cả.”
Một buổi tối trung tuần tháng Chín, trong giảng đường Ðại Học Fullerton, vị giáo sư đáng kính của tôi bắt đầu bài giảng đầu tiên của khóa học. Tôi bâng quơ hình dung đất nước Thái Lan xa xôi. Có lẽ, cũng vào giờ này, Hàm Trần và đoàn làm phim “The Journey From The Fall” cũng bắt đầu quay những thước đầu tiên tái tạo lại lịch sử cuộc di tản vô tiền khoáng hậu của một dân tộc.
Tôi đã bỏ lỡ một cơ hội đóng phim do nhà đạo diễn trẻ tuổi Hàm Trần chỉ huy. Tôi đã đi thử vai vì quá yêu mến bộ phim ngắn đầu tay của anh, bộ phim “Ngày Giỗ.”
Từ trên bục giảng, vị giáo sư bắt đầu giảng bài học vỡ lòng cho các sinh viên: “Kinh tế học có 10 nguyên tắc cơ bản...”
Thiện Giao
Đóng phim phải vừa "thực" vưà "giả"
“Thực,” là phải nhập vai, phải biến mình thành một người khác. Hiển nhiên là người trong phim. “Giả,” tức là phải mang một không khí và cốt cách “điện ảnh.” Tức là tạo một phong cách rất... “phim.”
Những bộ phim mang chất liệu lịch sử thường khó thể hiện. Nhất là giai đoạn lịch sử quá gần gũi, khi mà những nhân chứng và người trong cuộc vẫn còn sống.
Ðâu là lịch sử? và đâu là điện ảnh? Câu trả lời nằm ở tài năng của người đạo diễn.
Hàm Trần, một đạo diễn trẻ đang rất thành công trong thời gian gần đây, mang nhiều “duyên nợ” với loại đề tài này. Bộ phim ngắn “Ngày Giỗ” do anh đạo diễn đã vào được đến bán kết giải Oscar năm rồi. “Ngày Giỗ,” như nhiều khán giả Việt Nam đã xem qua, thể hiện một bi kịch “huynh đệ tương tàn” của cả một dân tộc qua câu chuyện của một gia đình.
Hàm Trần đang làm một cuộc hành trình mới, "Journey from the Fall". Hàng triệu người Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới đều có thể là diễn viên của cuộc hành trình này, vì tất cả đều đã một thời là nhân chứng và là người trong cuộc.
Ðạo diễn Hàm Trần, theo lời diễn viên Kiều Chinh: “Ðã cho những diễn viên đóng lại chính vai trò đời mình.”
Chất “thực” và chất “lịch sử” nằm ngay trong kinh nghiệm sống của mỗi diễn viên. Ðạo diễn Hàm Trần chỉ cần tạo chất liệu điện ảnh. Anh tuyển các diễn viên không nhất thiết phải có kinh nghiệm phim ảnh, nhưng nhất thiết phải có kinh nghiệm cuộc sống.
Những diễn viên được tuyển chọn đã từng là những Thuyền Nhân. Họ sẽ phải làm thuyền nhân đến hai lần trong cuộc đời họ.
Ðạo diễn Hàm Trần đã chọn diễn viên như thế nào?
Tôi đã đến thử vai, đã được chọn cho một vai nhỏ trong phim. Nhưng rồi tôi không theo được đoàn quay phim đến Thái Lan để chính thức tham gia bộ phim, vì tôi đang bận việc học tại Ðại Học Fullerton. Tôi đã “lỡ” một dịp đóng phim. Nhưng tôi được một kinh nghiệm “thử vai” với Hàm.
Hàm sẽ còn làm nhiều phim trong đời. Một ngày nào đó, nếu các bạn muốn tham gia đóng phim do Hàm đạo diễn, câu chuyện kể dưới đây sẽ chỉ cho bạn một ít kinh nghiệm về người đạo diễn trẻ này.
Một buổi sáng thứ Bảy của tháng bảy, tôi đến ghi danh tại phòng thử vai cho bộ phim “The Journey From The Fall” tại một căn phòng trong khách sạn Ramada.
“Chào anh.” Hàm mở lời nhẹ nhàng. “Anh có bao giờ vượt biên chưa?”
“Một lần, nhưng không xong.” Tôi trả lời.
“Này nhé, tôi muốn anh thử, trong vài phút, một cảm xúc nào đó anh đã trải qua. Vui hoặc buồn!” Hàm đề nghị. “Anh cứ suy nghĩ đi, rồi chọn một cảm xúc anh muốn thử.” Hàm nói với tôi từ phía bên kia chiếc bàn, bên cạnh anh là nhà sản xuất Lâm Nguyễn.
Chỉ trong vài phút, tôi cần phải chọn một cảm xúc. Tôi suy nghĩ, rồi nói với Hàm: “Buồn nhé!”
“Ừ, vậy thì anh hãy tưởng tượng lại một điều gì trong quá khứ đã làm cho anh buồn. Nên nhớ lại một kinh nghiệm thực. Anh cứ từ từ, anh có thời gian.” Hàm nói nhỏ dần. Tôi hiểu, anh bắt đầu tạo không khí. Bây giờ, căn phòng này sẽ chỉ có tôi và quá khứ của tôi. Hàm và Lâm sẽ là người ngoài cuộc. Tôi thấy Hàm bắt đầu mở camera.
Tôi sẽ phải quyết định ngay. Tôi sẽ phải chọn một, trong rất nhiều kinh nghiệm, đã làm cho tôi phải rơi nước mắt. Những kinh nghiệm chia ly có lẽ vẫn xảy ra nhiều nhất cho người Việt Nam. Người ta đưa tiễn người thân, ra sân bay hay ra bến tàu, để ra đi sang một miền đất nằm phía bên kia địa cầu.
Tôi cũng vậy. Tôi đã tiễn nhiều người thân ra đi. Rồi đến phiên tôi lại đóng vai trò của người ra đi. Tôi cứ suy nghĩ như vậy và ngay lập tức, tôi rơi trở lại khung cảnh phi trường Tân Sơn Nhất của chín năm trước, ngày tôi lên đường sang Mỹ. Tôi hình dung lại khung cảnh đưa tiễn. Chỉ có mỗi mình tôi ra đi, còn toàn thể gia đình ở lại. Ba tôi, mẹ tôi, các anh và em tôi...
Trở lại cảm xúc này không khó. Tôi vẫn thường hình dung, và thậm chí, nằm mơ thấy cảnh chia tay này trong thời gian định cư tại Hoa Kỳ. Và tôi thấy mình buồn ghê gớm.
Bên kia chiếc bàn, Hàm đã bắt đầu quay phim tôi từ lúc nào không hay.
Tôi gần như quên rằng Hàm và Lâm đang quan sát tôi. Nhưng không thể hoàn toàn “bỏ quên” họ. Tôi vẫn còn “lấn cấn.” Tôi tự hỏi: “Không biết có cần phải nói điều gì. Chứ ngồi làm thinh yên lặng và... buồn như thế này thì làm sao đóng phim.”
Tôi thoát ra khỏi quá khứ, quay sang Hàm: “Tôi có cần phải nói điều gì không?” Chưa dứt lời, Hàm đã đưa ngón tay lên miệng ra hiệu im lặng. Anh nói: “Keep going.”
Thì ra, Hàm không cần tôi phải nói. Trong cách nhìn của một đạo diễn, ánh mắt và tâm trạng đã nói tất cả thay lời.
Chốc chốc, Hàm lại nói, giọng rất nhỏ để không phá vỡ tâm trạng tôi: “Ba mẹ anh đã tiễn anh đi. Ba mẹ anh đã nói gì lúc chia tay. Hãy nhớ lại những giây phút ấy...”
Hàm rất thông minh. Anh nhập vai ngay cùng với tôi. Anh nhắc tôi những điều sẽ khiến tôi cảm động.
Vài phút sau, tôi quay sang Hàm: “Vậy thôi.” Hàm nhìn tôi, không nói gì. Anh không muốn cắt đứt cảm xúc của tôi. Rồi Hàm nói nhỏ, giọng từ tốn: “Anh làm lại nhé.”
Cứ như thế, Hàm yêu cầu tôi lặp lại cảm xúc ấy. Tôi bắt đầu thấy mệt, rất mệt. Không phải vì tôi phải thử vai, mà bởi vì tôi phải ép mình sống lại cảm xúc cũ một cách liên tục.
Sau khoảng bốn lần thử, Hàm để tôi ra về.
Hai tuần sau, tôi nhận được cú điện thoại của Lâm, producer của bộ phim. Lâm yêu cầu tôi đến thử vai một lần nữa.
Lần này, tôi sẽ phải đóng một phân cảnh nhỏ trong phim. Tôi sẽ là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Và tôi sẽ phải quyết định ra đi hay ở lại vào giây phút hấp hối của Sài Gòn. Tôi sẽ phải có vợ, có con. Tôi sẽ phải quyết định ở lại để tiếp tục cuộc chiến đấu. Vợ và con và mẹ tôi sẽ phải ra đi trên những chiến hạm đang neo ngoài khơi.
Hàm chọn cho tôi cảnh chia tay vì tôi đã thử tâm trạng chia tay trong lần thử vai cách đây hai tuần.
Hàm giới thiệu tôi với một cô gái trẻ đang ngồi sẵn trong phòng. Ðây là lần đầu tiên tôi gặp cô ấy. Hàm bảo tôi: “Vợ anh đấy! Hôm nay anh sẽ đóng thử với cô ấy.” Rồi Lâm đưa cho tôi một phân cảnh nhỏ. Lâm nói với tôi: “Anh đọc và học thuộc lòng. Take time. Khi nào anh cảm thấy thoải mái, xin cho biết để chúng ta bắt đầu làm việc.”
Tôi ra ngoài, đọc đi đọc lại phân cảnh. Phân cảnh không dài, nhưng đầy tiết tấu cảm xúc. Vừa buồn, vừa giận, vừa bối rối. Tôi sẽ phải rất cương quyết, nhưng đồng thời phải rất yếu mềm trong giây phút chia tay với vợ con và mẹ.
Tôi trở lại phòng của Hàm. Như lần trước, Hàm và Lâm ngồi bên kia bàn. Bên này, tôi và “vợ tôi” sẽ bắt đầu cuộc đối thoại của 30 năm trước.
Trong nửa giờ đồng hồ, chúng tôi thử cảnh này khoảng 6 lần. Và trong sáu lần này, sự khắt khe và chuyên nghiệp của Hàm bắt đầu xuất hiện. Cảm xúc là tất cả những gì quan trọng trong phân cảnh này. Ðối với Hàm, cảm xúc có tiết tấu riêng, nó giống như bản nhạc. Hàm đã bắt chúng tôi thử đi thử lại chỉ vì sự “trật nhịp” trong giây phút vợ tôi hãi hùng trước quyết định ở lại của tôi. Hàm nói: “Trước giây phút cao điểm của tâm trạng ấy, “vợ” tôi cần để một khoảng thời gian im lặng.”
Sự bùng nổ tâm trạng phải xảy ra đúng vào lúc “dấu lặng” kết thúc.
Như lần thử vai trước, tôi bắt đầu thấy căng thẳng và mệt mỏi. Tôi bị cuốn hút, và cả sợ nữa, bởi những giọt nước mắt của “vợ” tôi. Mỗi lần thử xong, Hàm cho ý kiến ngay. Tôi thấy trên gương mặt Hàm sự phấn khích cao độ. Nơi Hàm, sự chừng mực, lòng đam mê và cả tính chuyên nghiệp đã tạo nên sự thích thú nơi người thử vai.
Hai tuần sau, vẫn là “producer” Lâm gọi lại cho tôi. Anh cho hay tôi được chọn cho một cảnh trong phim. Tôi sẽ phải theo đoàn quay phim sang Thái Lan trong bốn tuần. Nơi ấy, một phim trường với những trại tị nạn ngày xưa đã được tái tạo. Từng gốc cây, từng thảm cỏ, từng mái tranh đã được tái tạo y hệt quang cảnh tị nạn của mấy mươi năm trước. Giữa tháng Chín, những thước phim đầu tiên của “The Journey From The Fall” sẽ được khởi quay.
Cũng vào thời điểm này, khóa học Mùa Thu của tôi tại Ðại Học Fullerton cũng sẽ bắt đầu. Tôi lúng túng và chọn lựa. Cuối cùng, tôi chọn ở lại để đi học. Một người bạn của tôi cằn nhằn: “You have no sense of priority. Mầy chẳng biết sắp xếp thứ tự ưu tiên gì cả.”
Một buổi tối trung tuần tháng Chín, trong giảng đường Ðại Học Fullerton, vị giáo sư đáng kính của tôi bắt đầu bài giảng đầu tiên của khóa học. Tôi bâng quơ hình dung đất nước Thái Lan xa xôi. Có lẽ, cũng vào giờ này, Hàm Trần và đoàn làm phim “The Journey From The Fall” cũng bắt đầu quay những thước đầu tiên tái tạo lại lịch sử cuộc di tản vô tiền khoáng hậu của một dân tộc.
Tôi đã bỏ lỡ một cơ hội đóng phim do nhà đạo diễn trẻ tuổi Hàm Trần chỉ huy. Tôi đã đi thử vai vì quá yêu mến bộ phim ngắn đầu tay của anh, bộ phim “Ngày Giỗ.”
Từ trên bục giảng, vị giáo sư bắt đầu giảng bài học vỡ lòng cho các sinh viên: “Kinh tế học có 10 nguyên tắc cơ bản...”