PDA

View Full Version : Phép Vua Thua Lệ Làng - Quách Nam Dung



delta
02-24-2008, 03:35 PM
Phép Vua Thua Lệ Làng

Quách Nam Dung

Xã hội Việt Nam ta có những nét thật độc đáo trong cách tổ chức và sinh hoạt mà chỉ có một cuộc sống hài hoà lâu dài thì người ta mới có thể thấu đáo được.

Luật được ghi chép thành văn ở nước ta không có bao nhiêu, mà phong tục tập quán lại quá nhiều; ngoài ra, xã hội ta lại thay đổi không ít thì nhiều khi bị ngoại bang xâm chiếm, nên đa số chúng ta không thể biết rõ rệt về cái xã hội lúc tương đối chưa bị phân hoá này.

Xã hội đó còn được thể hiện khá rõ rệt qua những áng văn chương bình dân truyền khẩu, mà câu tục ngữ ‘Phép Vua Thua Lệ Làng’ là một điển hình khá cụ thể. Câu tục ngữ này phản ảnh cái xã hội tổ tiên ta xưa kia, đến quan niệm lấy gia đình, làng xã làm gốc rễ cho nền tảng xã hội.

Câu tục ngữ gói ghém trong năm chữ này gồm hai vế: vế đầu ‘phép vua’ đối lại vế thứ hai ‘lệ làng’. Hai vế này được liên kết bởi chữ ‘thua’, tạo thành một thể so sánh, nói lên mối tương quan giữa ‘phép vua’ và ‘lệ làng’. Tiếng Việt là tiếng đơn âm mà đa thanh nên âm điệu đóng một vai trò khá quan trọng trong những câu ca dao tục ngữ. Về mặt âm điệu, chữ ‘thua’ vần với chữ ‘vua’, khi đến vế thứ nhì ‘lệ làng’ để kết thúc câu thì âm thanh trầm xuống .

‘Lệ’, một thứ luật bất thành văn, là những tập tục, truyền thống, và giao ước của người dân trong làng xã, trong khi ‘phép vua’ là luật lệ áp dụng cho cả một quốc gia. ‘Lệ’ khác ‘phép vua’ ở một điểm rất quan trọng là người dân thường vui vẻ tuân theo những phong tục của làng xã mình, trong khi thường ép mình chấp hành luật lệ nhà vua.

Theo sách sử ghi chép lại, nền tảng xã hội thời Hùng Vương, tức cách đây khoảng 5,000 năm, là nền tảng của làng thôn tự trị mà Lạc Hầu, Lạc Tướng là chúa tể ở địa phương mình. Dân ở địa phương nào thường chỉ biết người trực tiếp cai trị vùng mình ở. Người dân thường chỉ biết đến gia đình, rộng rãi hơn nữa là làng xã, còn khái niệm về quốc gia vẫn chưa được hình thành rõ nét lắm.

Cuộc sống làng xã Việt Nam tượng trưng cho một đời sống hợp đoàn, có thể được xem là bản chất tiêu biểu của xã hội ta thời bấy giờ. Những hình ảnh được khắc trên trống đồng Ngọc Lữ phản ảnh khá rõ nét lối sống hợp đoàn này. Trống đồng Ngọc Lữ có hình mặt trời ở giữa với những tia sáng toả chiếu chung quanh, mà hoạt động con người quay tròn xung quanh mặt trời này. Một vòng tròn ở sát ngoài trung tâm này có hình nhiều người đang nhẩy múa, thổi kèn ,hay đánh trống giữa bầy nai và loài thủy điểu. Bên cạnh cảnh ca vũ nhạc ấy là hình nhà sàn với người cầm chầy giã gạo, xen giữa là hình những chiếc thuyền chở người mang riù, cung tên, và lao. Đa số những người này mặc áo lông chim. Những hình người nhẩy múa, sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau như kèn, trống.. bên cạnh những người cầm chầy giã gạo, đã vẽ lên một bức tranh mộc mạc nhưng khá trung thực nếp sinh hoạt của người Văn Lang thời bấy giờ, mà những đặc điểm rõ nét nhất là người dân đó sống bằng nghề nông, và yêu thích một đời sống vui tươi lành mạnh, có tính cách cộng đồng. Những hình ảnh trên trống đồng này phản ảnh một cách mộc mạc nhưng trung thực một trong những biểu tượng tín ngưỡng của người dân ta xưa kia, đó là sự tôn sùng mặt trời, giống như người Nhật Bản, cùng thuộc chủng cổ Mã Lai, theo Bình Nguyên Lộc. Bức tranh sinh hoạt của người dân thời đó cũng được phát họa một cách khá sống động những chi tiết như người dân đó ở nhà sàn, sống bằng nghề nông và ngư nghiệp. Người dân đó sống đời hợp quần, thích cùng nhau múa hát. Người dân đó cũng có mối quan hệ thắm thiết với thiên nhiên như sông nước, chim chóc.

Vào khoảng thời gia lập quốc tương đối ổn định, tổ tiên ta đã để lại nhiều giai thoại thường hàm chứa phần nào những đặc tính của người dân ta thuở xưa, cũng như xã hội thời đó: nào là phương thức tuyển mộ nhân tài cứu nước, cũng như tinh thần tình nguyện cứu nước qua chuyện Phù Đổng Thiên Vương (Thánh Gióng), nào là mối tình chung thủy của Trọng Thủy, Mỹ Châu, hay cách thức tuyển chọn người cai trị quốc gia dựa trên tài và đức qua chuyện Bánh Dày Bánh Chưng.

Vào thời vua Tự Đức, tức chỉ cách đây hơn trăm năm, quyền tự trị của dân làng vẫn được xem là quan trọng. Theo Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược, tuy nước ta thời đó theo chế độ quân chủ chuyên chế, nhưng tổ chức xã hội lại có những điểm hợp với tinh thần dân chủ, nguyên Nho giáo đang được chú trọng vào thời đó, mà Nho giáo quan niệm lấy dân làm gốc để trị nước. Vào thời đó, quan của triều đình chỉ bổ nhiệm đến phủ huyện, còn từ tổng trở xuống thuộc quyền tự trị của người dân. Tổng gồm mấy làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng, do hội đồng kỳ dịch các làng cử ra coi việc thuế khóa, đê điều, và mọi việc trị an trong tổng. Phong tục, luật lệ làng nào được người dân làng đó tuân theo, triều đình thường không can thiệp đến, một phần cũng vì phương tiện truyền thông và giao thông chưa được mở mang. Mỗi làng xã chỉ cần làm tròn nghĩa vụ nộp sưu thuế và giao dịch với triều đình, còn mọi việc tự trị trong làng đều do dân điều hành. Thí dụ như mỗi làng xã phải tự lo bảo vệ xã thôn mình nên thường ở hai đầu làng đều phải đặt điếm canh để lo việc an ninh trong làng xã mình. Làng nào cũng có đình, là nơi thờ thần làng, và nơi hội hợp của các nhà chức trách trong làng.

Cuộc sống hợp đoàn của dân tộc ta còn được thể hiện khá rõ nét ở tinh thần tương thân tương trợ lẫn nhau,. Thường thì nếu người trong xóm làm gặp chuyện ma chay hay đình đám là dân trong làng kéo đến giúp đỡ; hay qua cách sinh hoạt ở làng xã, thường là trước năm 1945, dân ta thường tổ chức hội hè, hằng năm thường có nhiều kỳ tế lễ để dân làng có dịp tụ tập lại vui chơi.

Làng xã thường là do nhiều thị tộc hợp lại để thêm sức tự vệ. Gia đình, vì thế, là nền tảng của làng xã, của xã hội. Làng xã đã trở thành một đơn vị có khả năng tự trị như một nước nhỏ trong nột quốc gia lớn. Người dân ta thường tin tưởng vào những mãnh lực vô hình đã ràng buộc những thành viên trong gia đình với nhau:



Phi ân oán bất thành phụ tử
Phi duyên trái bất thành phu phụ


Vì tổ chức gia đình Việt Nam khá chặt chẽ như thế nên có những kỹ thuật bí truyền xưa nay không lọt ra ngoài phạm vi một họ, kể cả việc gia đình nào có thành viên phạm tội là cả họ phải chịu liên đới trách nhiệm, và làng xã cũng bị mang tiếng lây.

Tuy nhiên, chế độ làng xã tự trị này đã sinh ra nạn cường hào ác bá do những kẻ có thế lực hay giàu có, thường lũng đoạn chính quyền hầu áp chế người dân. Vì ‘Phép vua thua lệ làng’, triều đình không can thiệp đến chuyện cai trị ở làng xã, nên chuyện người dân thấp cổ bé miệng có khi là nạn nhân của những người thế lực này.

Dân ta vốn sống bằng nghề nông nghiệp. Theo Đào Duy Anh, một trong những đặc tính của nền văn hoá nông nghiệp là lấy gia tộc làm nền tảng xã hội. Vì sống bằng nghề nông, nên lực lượng nông dân vẫn chiếm đa số. Chính nền kinh tế nông nghiệp này đã sản sinh ra nền văn hoá khá bảo thủ của ta ngày xưa, theo Đào Duy Anh. Nền văn hoá ấy gồm những phong tục tập quán đã trở thành một phần đời sống của người dân, khiến cho người dân ta, qua bao nhiêu biến đổi của thời cuộc, dù ở hoàn cảnh khó khăn vẫn ẩn nhẫn chịu đựng, nên xã hội ấy tương đối có trật tự, không xẩy ra nhiều biến động như xã hội dựa vào nền kinh tế công nghiệp, vì người dân thường chỉ thích an cư lạc nghiệp làm ruộng. Chính cái tinh thần ‘hoài cổ’ ấy đã khiến xã hội ta tương đối khép kín vào thời bấy giờ, đã không thể tiến bộ mau chóng như xã hội Tây phương cùng thời. Nhưng cũng chính vì thế, dù bị ngoại bang thống trị , đất nước ta đã không bị đồng hoá dễ dàng. Lịch sử đã chứng minh rằng, sau hơn ngàn năm Bắc thuộc, những nét đặc thù của làng xã ta vẫn còn, ngôn ngữ ta vẫn còn, văn hóa Việt vẫn còn: làng xã đã trở thành những thành lũy kiên cố để bảo vệ đất nước.

Đặc tính của văn chương Việt Nam đã được biểu hiện qua câu tục ngữ này. Văn chương truyền khẩu, cả một kho tàng về kiến thức và kinh nghiệm mà ông cha ta đã để lại cho ta, qua câu tục ngữ này, đã vẽ lên được vài nét đặc thù của dân tộc ta thời bấy giờ. Ngoài nội dung sâu sắc, câu này còn ngắn gọn và có một âm điệu êm ái nên dễ đi vào tâm hồn người dân ta.

Đất nước ta đang trải qua những biến động lớn lao. Nơi quê nhà, cái xã hội vui tươi lành mạnh thời xa xưa giờ hầu như chỉ còn phảng phất trong tâm trí người dân. Riêng đối với những người Việt sống tại hải ngoại, hình thái xã hội đó cũng thay đổi khá nhiều vì những luật lệ và phong tục khác biệt ở nhưng nước Tây phương này. Tuy nhiên, hy vọng đó chỉ là những thay đổi phiến diện. Xã hội Việt Nam, với những gì lịch sử đã hun đúc từ ngàn xưa, những gì dân tộc ta đã chinh phục thì không dễ gì mai một được. Hy vọng gia đình Việt Nam, làng xã Việt Nam sẽ mãi mãi là đơn vị xã hội đầy đủ, trọn vẹn và có khả năng sinh tồn ngay cả trong hoàn cảnh thử thách ___ go nhất của đất nước.



Quách Nam Dung


Tài Liệu

Bình, Nguyên Lộc (1971) Nguồn Gốc Mã Lai của Dân Tộc Việt Nam. Xuân Thu tái bản: California.

Đào, Duy Anh (1938) Việt Nam Văn Hoá Sử Cương. Đại Nam tái bản: California.

Lê, Văn Siêu (1983) Việt Nam Văn Minh Sử Cương. Sống Mới: Arizona.

Trần, Trọng Kim (1971) Việt Nam Sử Lược. Quyển II. Đại Nam tái bản: California