PDA

View Full Version : K - Khi Satan đưa ra những chiêu bài lung lạc… Đức Kitô đã đối diện và xử lý như thế nào ?



Dan Lee
03-02-2008, 12:06 PM
Khi Satan đưa ra những chiêu bài lung lạc… Đức Kitô đã đối diện và xử lý như thế nào ?

Suy niệm Mùa Chay về đoạn Tin Mừng Mt 4, 1-11

Trong bao nhiêu lần, mỗi khi Mùa Chay trở về, tôi đã suy niệm đoạn Tin Mừng của Thánh Ma-thêu, kể lại chuyện Đức Kitô được Chúa Thánh Thần dẫn vào hoang địa để bị ma quỉ cám dỗ.

Từ năm nầy qua năm khác, nhiều câu hỏi đã được khảo sát và triển khai, trong tâm tư và cuộc sống Đức tin của tôi:

1) Đức Kitô đã hành xử làm sao, khi Ngài phải đối diện với những chiêu bài thử thách và ve vãn của Satan ?

2) Ngài đã thực hiện những bước đi tới như thế nào, để can trường khẳng quyết bản sắc đích thực và lối nhìn kiên định của Ngài ?

3) Dựa vào những nội lực thần thiêng nào đang hiện hữu trong tâm tư, Ngài có thể vô hiệu hóa hay là tháo gỡ nhiều cạm bẫy và mánh mung hiểm độc của ma quỉ ?

4) Vốn dĩ là Thiên Chúa, khi chấp nhận bị Satan cám dỗ, Đức Kitô đã « chia sẻ thân phận làm người », một cách thực sự và trọn vẹn. Khi làm như vậy, phải chăng Ngài chia sẻ với chúng ta, tất cả mọi điều kiện mong manh, khiêm hạ và thậm chí yếu hèn, NGOẠI TRỪ tội lỗi » ?

5) Xuyên qua vai trò bắc cầu hay làm trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại như vậy, phải chăng Đức Kitô đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đời sống Đức Tin của người tín hữu ? Nhờ vào đó, chúng ta có điều kiện, phương tiện và khả năng tiếp cận, nghĩa là ngày ngày tiến lại gần « cuộc sống của Thiên Chúa » hay là từng bước trở thành con cái của Ngôi Cha, giống như Ngài.

6) Sau khi chúng ta đã thấm nhuần « cách xử lý của Đức Kitô trước mỗi cám dỗ của Satan », sống Đức Tin vào Ngài không thể chỉ là ngôn từ ở đầu môi chót lưỡi, cơ hồ « thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng ». Trái lại, tôi cần làm gì, trong thực tế cụ thể ở đây và bây giờ, để có khả năng khẳng định mình giống như Thánh Phaolô: « Sống đối với tôi là Đức Kitô », hay là « Không phải tôi sống, chính Đức Kitô đang sống trong tôi » ?

7) Khi thấm nhuần Thánh Ý của Ngôi Cha và tràn đầy Chúa Thánh Thần, theo mẫu thức của Đức Kitô với 6 bước vừa được liệt kê, phải chăng người tín hữu đang thực hiện « Trời Mới và Đất Mới », cũng như trở thành « Con Người Mới », trên những chặng đường làm người ở trần thế nầy ? Chúng ta can trường bước tới như vậy, với anh chị em đồng hương và đồng loại, thậm chí với những người đang tố cáo hay là bách hại chúng ta, bằng cách này hoặc cách khác.

Trong khuôn khổ và giới hạn của bài chia sẻ nầy, tôi sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi trên đây, khi nhấn mạnh ba trọng điểm sau đây:

-Thứ nhất, thể theo Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên Chúa Ngôi Cha, Đức Kitô được Chúa ThánhThần dẫn vào hoang địa để bị ma quỉ cám dỗ.

-Thứ hai, khi « tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần » và « được Ngài hướng dẫn », Đức Kitô có mọi khả lực thực hiện « kế hoạch cứu độ nhân trần » mà Thiên Chúa Ngôi Cha đã cưu mang, từ trước muôn đời.

-Thứ ba, khi chúng ta đón nhận làm của mình thái độ, lối nhìn, tâm tình cũng như cách hành xử của Đức Kitô, một đàng chúng ta có thể vượt thắng mọi mưu chước quỉ quyệt và tầy đình của Satan, « giống như Ngài, với Ngài và nhờ Ngài ». Đàng khác, khi sống Đức Tin như vậy, chúng ta ngày ngày « bổ túc những gì đang còn thiếu sót », trong con người và cuộc đời của Đức Kitô. Ngày ngày chúng ta lãnh nhận sứ mệnh « tiếp nối công trình Cứu Độ của Ngài ». Cùng với Ngài, chúng ta đẩy lui dần dần bóng tối của Satan, trong mọi cõi lòng của anh chị em sống hai bên cạnh chúng ta và trên mọi nẻo đường của nhân loại, cho đến ngày Ngài trở lại lần thứ hai.


***

PHẦN THỨ NHẤT: THÁNH Ý CỦA THIÊN CHÚA NGÔI CHA LUÔN LUÔN CÓ MẶT TRONG TÂM HỒN ĐỨC KITÔ.

Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Đức Kitô bị một cơn đói hoành hành trong xác thân của Ngài. Chính lúc ấy, Satan xuất hiện và đề nghị một chiêu thức cổ điển, đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong những giai đoạn khác nhau của Lịch Sử Cứu độ.

Và trong những lần « cám dỗ » và « mê hoặc » ấy, Satan đã thành công:

-Lần thứ nhất tại Vườn Địa Đàng, chiêu bài « quả táo xinh đẹp, ngon ngọt và hấp dẫn » được trình bày trước hai con mắt thèm thuồng và khao khát của bà Êva. Thêm vào đó, lúc bấy giờ, Êva đang sống một mình lẻ loi, không có ông A-dong là người bạn đường ở bên cạnh, để có thể bàn hỏi, chia sẻ, trao đổi ý kiến qua lại. Ngoài ra, bà chỉ cần ngước mắt lên trời, gọi mời Thiên Chúa đến viếng thăm và soi sáng những quyết định của mình. Lập tức, Ngài sẽ hiện hình và đồng hành. Nếu có mặt và ở gần Ngài như vậy, Eva đã không bao giờ mắc mưu của Satan. Tội lỗi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội ngự trị trong tâm tư và cuộc đời của từng từng lớp lớp thế hệ con cháu cho đến ngày hôm nay.

-Lần thứ hai, trong sa mạc Xi-na-y, sau khi đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ của Ai-Cập, dân It-ra-en đã nhiều lần bỏ quên và phản bội Ngài, khi họ cắm lều, bên cạnh hai tảng đá lớn là Massa và Mêriba. Họ kêu ca, càm ràm, phàn nàn, trách móc…vừa khi của ăn chưa được cung cấp đầy đủ, nước uống chưa sẵn sàng trào tuôn ở trước cửa miệng của mình. Cũng trong vùng đất ở dưới chân Núi Horép, khi ông Môsê vắng mặt, họ đã cùng nhau gom góp vàng bạc và đúc ra con bò vàng. Trước Ngẫu Tượng vô tâm vô trí, do chính bàn tay của họ làm ra như vậy, họ sụp lạy và tôn thờ. Họ trục xuất Thiên Chúa Yavê khỏi tâm tư và cuộc đời. Họ không còn lắng nghe và cưu mang Thánh Ý của Ngài. Họ không ghi nhớ vào lòng những Lời Ngài dạy bảo, cũng như bao nhiêu kỳ công trọng đại, mà Ngài đã thực hiện cho họ và cha ông của họ, từ trước cho tới nay. Vô tình hay hữu ý, họ đã đồng hóa hoàn toàn với hai tảng đá khô khan, cằn cỗi và chai lỳ, là Massa và Mêriba có nghĩa là « Thách thức và Tố cáo » hay là « Phản loạn và Ngoan cố » trước mọi Lời mời gọi ân tình của Thiên Chúa.

Khác hẵn với bà Êva và dân It-ra-en, Đức Kitô trong những lúc bị Satan thử thách ở trong Sa Mạc, cũng như sau này tại Vườn Cây Dầu hay là trên Thánh Giá, vẫn không ngừng cưu mang Thánh Ý Nhiệm Mầu của Thiên Chúa Ngôi Cha trong tâm hồn.

-Lần thứ nhất, khi Satan dụ dỗ Ngài « làm phép lạ hóa đá thành bánh, để giải quyết cơn đói đang hoành hành, trong thân thể », Ngài bình tỉnh và cương quyết đáp lại: « Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời, do miệng Thiên Chúa phán ra » (Mt 4, 4).

- Lần thứ hai, Satan thúc giục Ngài thực hiện một chiêu thức ảo thuật, trước mọi con mắt của đoàn lũ chứng kiến, bằng cách gieo mình xuống từ chóp đỉnh Đền Thờ. Ngài thanh thản trả lời không cần đắn đo cân nhắc cái lợi và cái hại, trên bình diện làm người: « Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ».

-Lần thứ ba, Đức Kitô được đề nghị « quì xuống và sụp lạy trước mặt Satan », để có thể nhận lãnh mọi thứ của cải, danh vọng và chức quyền của vua chúa thế gian. Lần này, Ngài đã nghiêm nghị từ chối. Tuy nhiên, không một lần Ngài đã lớn tiếng la mắng, tức giận, xua đuổi, thậm chí một thoáng bạo động, mất bình tỉnh trong lãnh vực ngôn ngữ. Trái lại, Ngài chỉ nhẹ nhàng nhấn mạnh con đường mà Ngài đã quyết định và chọn lựa: « Ngươi phải thờ phượng một mình Thiên Chúa mà thôi ».

Với một loại ngôn ngữ khoa học kỹ thuật, mà tác giả người Mỹ, mang tên là Stephen R. COVEY, đã trình bày và giới thiệu trong nhiều tác phẩm có tầm cỡ quốc tế, chúng ta có thể xác định và gọi tên ba bước đi lên và đi tới của Đức Kitô, khi trả lời cho Satan:

- Bước khoa học thứ nhất là Sáng tạo, Chọn lựa và Quyết định, Khẳng quyết Bản Sắc đích thực của mình, thay vì vọng động, chập chờn, phản ứng một cách bốc đồng và tự động, vì bị kích thích, mê hoặc, đánh lừa từ bên ngoài. Lối nói trong tiếng Anh là Be Proactive.

- Bước thứ hai là “begin with the END in mind”, bắt đầu bước đi với một mục đích rõ ràng, có sẵn, được cưu mang trong tâm hồn. Theo lối nói của Kinh Thánh, Kế hoạch, Chương trình hay là Thánh Ý của Thiên Chúa Ngôi Cha là mục đích cuối cùng của Đức Kitô. Và không một lần, Ngài đi lạc ra ngoài con đường ấy, cho dù “một chấm, một phết”. Để diễn tả thực tại luôn luôn hiện hữu nầy, Thánh Gioan Tông đồ đã dùng một ngôn ngữ hơi khang khác một chút: “Thầy ở trong Cha Thầy. Và Cha Thầy ở trong Thầy”.

- Bước thứ ba là “Put first things first”, đặt Ưu Tiên Số Một lên hàng đầu tiên. Chính vì lý do quan trọng nầy, giữa việc “làm phép lạ” hóa đá thành bánh nhằm thỏa mãn cơn đói và “lắng nghe Thánh Ý của Thiên Chúa Ngôi Cha”, Ngài đã dứt khoát, rõ ràng, biết đâu là chọn lựa tất yếu của Ngài. Nói khác đi, Ưu Tiên số một luôn luôn có mặt như ngọn đèn soi sáng mọi lời nói và việc làm, và cũng là như một động lực thúc đẩy Ngài tiến tới, vượt qua mọi chướng ngại và khổ đau, phải chăng được tóm gọn trong câu nói: “Này, Con đến để làm theo Ý của Cha”?

Với ba bước đi tới nầy, làm sao Đức Kitô có thể gục ngã trước sức quyến rũ hay là ma lực của Satan? Để bắt chước Ngài, cũng như mang vào mình những tâm tình của Ngài, phải chăng chúng ta chỉ cần ngày ngày thanh luyện ba giai đoạn đầy ý thức và sáng tạo ấy, trong cuộc đời làm người, cũng như trên những chặng đường vác Thánh Giá đi theo Ngài?

***

PHẦN THỨ HAI: ĐỨC KITÔ "TRÀN ĐẦY VÀ THẤM NHUẦN CHÚA THÁNH THẦN".

Trên bình diện làm người, nhất là khi khổ đau kéo tới, như đám mây đen che phủ bầu trời một cách kín mít, Đức Kitô cũng như mỗi người trong chúng ta có thể chới với, lo sợ, đến độ mồ hôi và máu có thể toát ra từ các lỗ chân lông, như đã xảy ra trong Vườn Cây Dầu, vào cuối cuộc đời làm người của Ngài.

Mẹ Maria cũng đã có lần mất phương hướng trong chốc lát, vì những lời mời gọi bên ngoài, hay là vì Thánh Ý của Thiên Chúa Ngôi Cha, xem ra đi ngược lại với những điều kiện cụ thể và hiện thực của mình. Làm sao có thể chu toàn sứ mệnh sinh con, bởi vì Mẹ khấn nguyện không biết đến đời sống vợ chồng?

Và lúc bấy giờ câu hỏi phát xuất từ đầu óc và con tim của Mẹ là: “Quomodo? Việc ấy có thể thực hiện bằng cách nào?”

Với loại câu hỏi nầy, lý trí diễn tả ra ngoài bằng ngôn ngữ, nhu cầu được sáng soi, để khám phá đâu là con đường cần dấn bước. Đồng thời với loại câu hỏi ấy, chúng ta không nghi kỵ về Tình Yêu bao la và cao cả của Thiên Chúa. Do đó, Đức Tin của chúng ta không bị sứt mẻ hoặc nao núng. Nói khác đi, không một lần, trong cuộc đời, Mẹ đã mở lời thách thức, nghi kỵ kế hoạch của Thiên Chúa, như dân Ít-ra-en ở trong Sa mạc Xi-na-y, hay là như ông Da-ca-ry, khi được báo tin về đứa con sắp sinh ra.

Thiên Thần Ga-bry-en, thay mặt Thiên Chúa, đã trả lời câu hỏi Quomodo của Mẹ: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà”.

Trong vòng 30 năm, trên bình diện làm người, Đức Kitô đã học bài học ấy lui tới nhiều lần với Mẹ của Ngài, nhất là trong những lần hai Mẹ Con đọc Kinh Thánh và cầu nguyện với nhau. Chắc hẵn, trong vấn đề nầy cũng như trong bao nhiêu vấn đề khác, Mẹ dạy cho Con, nhưng Con cũng dạy lại cho Mẹ. Phương tiện “Phản Hồi” (Feed-back trong tiếng Anh) là cách học và cách dạy trao đổi qua lại hai chiều. Hẳn thực, với phương pháp sư phạm khoa học ngày nay, Người Mẹ cho Con ăn, bằng cách “đút cơm, đút cháo”. Và cũng chính trong lúc ấy, Đứa Con cũng đang nuôi sống Mẹ của mình, bằng nụ cười, bằng những câu nói bi bô, bập bẹ. Phản hồi là làm tiếng vọng. diễn tả ý kiến của người nói, sau khi chúng ta đã lắng nghe tìm hiểu, với tất cả trí óc và con tim.

Trong lãnh vực Đức Tin, Chúa Thánh Thần là sợi dây thắt chặt quan hệ Tình Yêu giữa hai Mẹ Con. Mẹ tràn đầy Chúa Thánh Thần, thì Con cũng tràn đầy Chúa Thánh Thần. Mẹ thấm nhuần Thánh Ý của Thiên Chúa Ngôi Cha, thì Đức Kitô cũng thấm nhuần mọi đường đi và nẻo về, mà Ngài đã lên Kế Hoạch nhằm cứu độ nhân trần.

Trong lãnh vực làm người, thể theo lối nhìn của Tâm lý đương đại, nhờ TƯ DUY CẤU TRÚC, người mẹ càng ngày càng biết làm mẹ hơn để dạy con. Người con càng ngày càng biết tổ chức và hội nhập những bài học làm người của mình, nghĩa là biến thành xương thịt và máu huyết của mình. Nhờ đó đứa con càng ngày càng tự lập và độc lập, bằng cách biết sáng tạo cuộc đời của mình. Không còn lệ thuộc, ngửa tay chờ đợi.

Trong tinh thần và lăng kính ấy, tư duy cấu trúc bao gồm những bước đi tới và đi lên một cách vững vàng, như sau:

- Bước thứ nhất là biết rõ KHỞI ĐIỂM của mình. Tôi hiện đang ở đâu? Tôi có những năng động nào? Tôi có những khó khăn, trì trệ nào cần khắc phục, để có thể tiến tới?

- Bước thứ hai là nắm vững điểm tôi cần tới nơi, còn mang tên là TẬN ĐIỂM hay là Cùng Đích của cuộc đời. Khi đã đạt tới Cùng Đích, tôi có những giá trị nào? Tôi sẽ cảm nhận những Niềm Vui nào và như thế nào? Tôi sẽ là ai, là gì, khi đã đạt được Cùng Đích?

- Bước thứ ba là ĐI từ khởi điểm đến tận điểm, với những giai đoạn như thế nào? Dùng phương tiện gì, đi bao lâu, đi với ai? Khi có những trở ngại, tôi khắc phục làm sao? Khi thấy mình lầm đường, tôi chuyển đổi bằng cách nào? Khi biết rõ mình đi đúng hướng, tôi cần củng cố hành trang nào, làm sao?

Trở lại với Con Đường Đức Tin, Chúa Thánh Thần là Ngọn Đèn soi đường chỉ lối cho tôi trong cuộc đời “ba chìm bảy nổi, tám lênh đênh”. Ngài là Nơi Nương Tựa, khi có những “bão bùng giông tố”. Ngài cũng là Sức Mạnh giúp tôi vượt qua những trở ngại dọc ngang, ngang dọc giữa cuộc đời. Cho dù Ngài vô hình, vô tượng, Ngài vẫn luôn có mặt với tôi, trong từng đóa hoa, trong từng ngọn cỏ, trong mỗi đám mây, trong mỗi bầu trời. Ai lắng mà không nghe Ngài? Ai nhìn mà không thấy Ngài? Ai tìm mà không gặp Ngài? Đức Kitô đã được Ngài hướng dẫn như vậy. Ngày hôm nay, trong đời sống Đức Tin, Ngài cũng đang có mặt với tôi y hệt như vậy. Cho nên Satan, với những chiêu bài rất tinh vi và tài tình, vẫn không thể nào vật ngã tôi xuống hố thẳm.

PHẦN THỨ BA: TÔI BỔ TÚC NHỮNG GÌ ĐANG "CÓN THIẾU SÓT TRONG CON NGƯỜI" CỦA ĐỨC KITÔ HAY LÀ TIẾP NỐI VAI TRTÒ LÀM TRUNG GIAN CỦA NGÀI.

Sau 30 năm sống ẩn dật bên cạnh Mẹ Maria, Thánh Giuse và với bà con làng xóm…như “một đứa con của Bác Thợ Mộc”, Đức Kitô đã ra khỏi nhà, hòa mình với đám đông. Khi tiếp xúc hay là va chạm vào Ngài, “người mù được thấy, người câm bắt đầu sử dụng ngôn ngữ, người điếc có khả năng nghe, người nghèo được chúc phúc, người tội lỗi được tha thứ…”. Sau một ngày hoạt động, tiếp xúc, trao đổi, dạy dỗ quần chúng, Ngài có thói quen rút lui, một mình, vào nơi hoang vắng, để soi bóng mình vào tấm gương “Thánh Ý của Thiên Chúa Ngôi Cha”, hay là kín múc lại “Sức Mạnh của Chúa Thánh Thần”.

Mẹ Ngài chỉ xuất hiện, đến tận nơi gặp mặt Ngài, một vài lần… trong suốt 3 năm. Nhưng bản thân tôi ghi nhớ mồn một “việc Mẹ tốc tả lên đường đi thăm viếng Bà Ê-Li-da-bét, sau khi được sứ thần của Thiên Chúa cho biết: Bà chị họ đã mang thai được 6 tháng. Và Mẹ đã ở lại giúp đỡ, cho đến khi Thánh Gioan Tiền hô ra đời và người cha là ông Da-ca-ry đã tìm lại được khả năng ngôn ngữ.

Phúc Âm chỉ kể thoáng qua vụ việc nầy. Tuy nhiên, sau khi đã nhận lãnh Thánh Ý của Thiên Chúa, bằng cách thưa “Xin Vâng”, cũng như sau khi “tràn đầy và thấm nhuần Chúa Thánh Thần”, Mẹ Maria đã và đang còn làm công việc “Chia Sẻ, Đồng Hành và Phục Vụ”. Và chỗ nào Mẹ có mặt, chỗ ấy “Trời Mới, Đất Mới, Con Người Mới” xuất hiện. Hữu xạ tự nhiên hương.

Tại Cana, Mẹ cũng mang Hương Thơm là Đức Kitô, cho bà con xa gần, chính lúc họ gặp khó khăn giữa buổi tiệc cưới, vì “Nhà hết rượu”.

Sau nầy, “thấm nhuần bài học của Mẹ”, Đức Kitô cũng dạy bảo các môn đệ của Ngài: “Các anh hãy đi khắp năm châu bốn bể, mang Tin Mừng cho mọi người”. Sở dĩ Đức Kitô đã trùng tuyên và thực thi bài học của Mẹ, vì Mẹ đã dạy Con, khi Mẹ “thấm nhuần Thánh Ý của Thiên Chúa Ngôi Cha”, và đồng thời Mẹ cũng “tràn đầy Chúa Thánh Thần”.

Tất cả những đứa con sinh ra từ bàn tay giúp đỡ, phục vụ và giáo dục, theo mẫu khuôn làm người của Mẹ Maria, sẽ có khả năng trở thành “NGÔN SỨ” được sai đi dọn đường cho Thiên Chúa, như Gioan Tiền Hô. Chỗ gồ ghề, được san bằng. Đường xiên xẹo sẽ được ngay thẳng.

Chủ Nhật 4 Mùa Chay - CH- 1694 ORSONNENS/FR, Thụy Sĩ

SÁCH THAM KHẢO:

1.-Stephen R. COVEY - The habits of Highly Effective People, Personal Workbook - Simon & Schuster, U.S.A 2003

2.-Stephen R. COVEY - First Things First - Simon & Schuster. U.S.A 1994

3.-L.S. VYGOTSKY - Pensée et Langage - ESF, Paris 1985

4.-NGUYỄN Văn Thành - Trẻ Em Tự Kỷ, Phương Thức Giáo Dục - Nhà XB Tôn Giáo, SG 2006
Nguyễn Văn Thành