delta
03-10-2008, 03:55 PM
Cây Bồ Kếp Hoa Vàng
Lại có thư của Phúng bạn tôi từ Buôn Ma Thuột đất Tây Nguyên gửi ra. Lại vẫn là những dòng chữ gần đây bỗng líu ríu nét nọ lẫn nét kia, viết trên mảnh giấy rìa lờm xờm vết xé từ vở học trò. Cầm thư mà hình dung ông bạn mình vừa từ ngoài đồng ruộng bước vào nhà, đầu vẫn nguyên cái mũ lá rộng vành, trên người độc cái quần xà lỏn, uống xong bát nước chè lớn, khoát bàn tay to sều chai sần vì cày cuốc, bảo thằng con út mười ba tuổi đang ngồi học ở góc nhà: "Ê, cún! Cho bố mượn cái bút và cuốn vở, bố viết cái thư nào!". Nếu nhân loại có những người mang tiếng là hay bi quan, lại có người được tiếng là lạc quan hơn người, thì Phúng bạn tôi thuộc hạng người sau.
Lại na ná như trước, khoe đất đai tươi tốt, công việc thịnh đạt, đàn địch thì ít động tới, còn thơ ca hò vè thì dăm bữa nửa tháng lại có một bài, nhưng lần này Phúng giục tôi thu xếp vào chơi. Vào chơi mà xem Phúng đang vào vụ thu hoạch. Vào mà xem cà-phê mùa này trĩu trịt cành la cành bổng, thu hái xong ước trên một tấn. Ngô giống mới bắp dài hơn gang tay bẻ về vàng rực cả khoảng sân rộng trước nhà. Bao tải, thúng, địu căng ních, đầy phè rồi mà đậu xanh chưa đập vẫn còn chất mấy đống lớn ngoài hiên. Vào mà xem cả một vạn thước vuông đất đỏ hồng xuê tơi sau mưa bạc trong nắng vàng. Đàn gà ba trăm con, đỏ ối cả vườn cây ăn quả toàn lê, táo, đào, mận, cây nào cũng ngùn ngụt như đám lửa đang bốc ngọn. Cuộc sống rõ ràng như chính lệnh, cây cối, sản vật, muông thú vật nào ra vật ấy, còn con người thì tự hiển lộ, có cảm giác được tôn lên thành đấng bậc, sánh cùng cái lớn lao như vũ trụ, tự nhiên mà chẳng cạnh tranh ai!
Từ miền bắc, Phúng dắt díu vợ con vào vùng đất Krông Ana này ngay từ sau ngày thống nhất đất nước. Cũng là điều cực chẳng đã mà dấn thân liều lĩnh vào cuộc phiêu du. Cực chẳng đã vì lương anh giáo quèn không nuôi nổi cô vợ trẻ với ba đứa con đẻ ba năm liền. Lại thêm những eo sèo rắc rối, những định kiến chật hẹp trong các mối quan hệ. Còn liều lĩnh là bởi mới chỉ là nghe nói mà tin đó là vùng đất lành, đất vàng đất bạc, chứ đâu đã mục sở thị. Phúc thay cho những kẻ không trông thấy mà vẫn hằng tin! Anh giáo được chia cả một vùng đất rộng hơn hai chục héc-ta. Tất nhiên chỉ là đất hoang. Nhưng quả nhiên như trời sinh vạn vật bằng hiếu đễ, đất nuôi vạn vật bằng ăn mặc, thấm thoát trong vòng có dăm năm, cái gia đình anh giáo ấy đã vượt qua cảnh đói nghèo, bước sang thời kỳ thăng hoa, tròn đầy trong no ấm, sởn sơ, dư dật.
Đọc thư Phúng mà mừng cho Phúng. Con người nhất thiết phải được sống trong no đủ cái đã. Ấy thế! Nhưng mừng cho bạn mà không khỏi ngờ ngợ. Ngờ ngợ lắm. Vì ông bạn mình, từ thuở thiếu thời sống với nhau, và ngay trong những lá thư nao nức khoe khoang sự thành đạt trong công cuộc làm ăn, nét chữ thì rối rít, ngôn ngữ thì ồn ào, mà cốt cách vẫn không phải là kẻ chí thú làm ăn, vẫn không phải là người để cả tâm lực vào miếng cơm, manh áo, đồng tiền. Ngờ ngợ lắm. Vì cảnh trong thư như từ bàn tay vẽ ra, hư thực lẫn lộn, sinh thành nuôi dưỡng nhau, như cái hiện thực thứ hai, sản phẩm của một đầu óc lãng mạn, chứ không phải cảnh đời thật nó là như vậy.
Ngờ ngợ lắm. Vì tháng Bảy năm ấy liên tiếp mấy thư liền. Không kìm giữ được nữa, Phúng cho tôi biết kế hoạch làm ăn mới của mình và ráo riết giục tôi hãy nghĩ lại, hãy bỏ mảnh đất Thủ đô chật chội vào đây, chung sức với anh. Hai mươi héc-ta đất đã có sổ đỏ của Phúng sẽ biến thành một trang trại kiêm vùng du lịch sinh thái. Chà! Phúng sẽ chặt hết cây ăn quả. Phúng sẽ trồng cỏ nuôi bò. Tính ra nếu cứ ba mươi cân cỏ cho một cân thịt bò thì Phúng sẽ nuôi được hai trăm con bò. Phúng sẽ đào hai cái hồ lớn, một cái mười héc-ta, một cái năm héc-ta. Và theo khoa học, một mét nước cho một cân cá thì sẽ cơ man nào là cá. Nhưng cá ấy không để ăn, không để bán, mà là để nuôi cá sấu. Cá sấu! Trứng cá sấu ấp ba mươi quả, nở hai mươi tám. Một tháng tuổi giá đã một chỉ vàng một con... Còn một đôi sấu lớn hết cỡ, chừng một sải tay, giá những mười hai cây vàng. Chưa hết! Phúng sẽ trồng tre trên mấy quả đồi. Để trồng tre sẽ thuê máy đào lỗ của Pháp, giá thành chỉ năm trăm đồng, bằng giá một chén trà, một lỗ thôi. Khách du lịch sau khi thăm nơi nuôi cá sấu sẽ về nghỉ dưới bóng tre và thế là:
Ngày xưa theo mẹ hái măng
Giờ trồng tre mới phải chăng đỡ sầu.
Cây tre nào cũng cúi đầu
Che sương giá lạnh lá trầu thêm xanh.
Măng non khỏi bị nắng hanh
Bên nhau cùng mọc mai thành bụi to.
Cò ơi mày chớ có lo!
Tre ta ấm bụi nhà cò ấm hơn
Rúc ra rúc rích bầy chim
Võng đưa ta ngủ nổi chìm giấc mơ (*)
Ôi! Những vần thơ mộc mạc, giản đơn mà dồi dào cảm xúc của bạn tôi!
***
Chúng tôi cùng dạy với nhau ở một trường cấp hai huyện miền núi Xín Chải. Xín Chải, cái tên chẳng gợi một khái niệm rõ rệt, một ấn tượng nào. Nó cũng mờ nhạt cũng như cái trường cấp hai vẻn vẹn ba chục học trò, hai anh giáo cùng một cô giáo tên Dự của chúng tôi. Cô Dự hồi đó tuổi ba mươi, hơn chúng tôi sáu tuổi. Cô người Hà Nam theo gia đình lên đây khai hoang từ đầu những năm sáu mươi. Vóc mập mạp thôn nữ. Nhưng cô có khuôn mặt xinh xắn. Cô dạy thể dục và nữ công. "Các em chú ý. Khi ta uống rượu, rượu vào thẳng máu. Thở cũng vậy. Ô-xy vào thẳng máu. Xem thế đủ biết thở quan trọng như thế nào!". Đó là bài học cô đã dạy học trò và dạy luôn cả tôi và Phúng. Tôi dạy các môn khoa học xã hội. Phúng dạy các môn khoa học tự nhiên, biết chơi đàn và sáng tác thơ ca. Vóc thấp đậm, vai xuôi. Mặt tròn, mũi cao, mắt sáng, tóc xõa gáy. Ngày đến nhận việc ở trường, vai đeo ba lô, tay Phúng xách hộp đàn vi-ô-lông. A! Nghệ sĩ vi-ô-lông! Phố huyện xôn xao. Chẳng nề hà, cân nhắc điệu đàng, nghệ sĩ ra mắt luôn công chúng tắp lự. Chủ nhật ấy, dân phố và kẻ mua người bán vây quanh cái sân khấu mới dựng ở giữa sân chợ nghe loa phát bản tin cổ động bầu cử Hội đồng Nhân dân hai cấp xong là nghe Phúng cò cử cây nhị Tây bản nhạc Làng tôi xanh bóng tre.
Phố huyện chỉ là hai dãy nhà gianh áp mặt vào nhau, dài hơn trăm thước. Một cái loa hai nhăm oát mắc ở ngọn cây gạo đầu phố đủ cho cả phố nghe tin tức và tiếng đàn cò cưa của Phúng. Tình thân ái vừa mang tính cổ truyền nơi phố huyện vừa là nền nếp gần gụi trang nhã của nghề dạy học, càng dư thừa điều kiện nẩy nở, nên quan hệ giữa anh giáo và người phố huyện càng mau chóng trở nên thân mật. Thân mật lắm. Thân mật đến mức suồng sã. Đến mức gặp anh giáo đi chơi phố, có thể dúi ngay vào tay anh giáo cái bánh tẻ, phẩm oản, quả chuối hoặc gọi ra một chỗ ghé tai tưởng nói gì quan trọng, hóa ra hẹn chủ nhật tới này mời anh giáo đến đụng một góc cầy tơ. Phúng hoạt bát, quảng giao, hòa hợp với cuộc sống hồn nhiên chất phác nơi huyện nhỏ. Quen thân với tất cả mọi người. Nhiều lần, anh còn mượn được cả ngựa cả súng săn của gia đình học trò đi chơi, đi săn trong rừng.
Phố huyện Xín Chải nhỏ teo. Nhất cử nhất động của mỗi nhân vật ở đây đều được nhân lên thành bội số theo quy luật khuếch đại. Trên quả đồi sau phố có cái nhà thờ Ki-tô giáo đổ nát từ thời Tây, gần đây khi có thêm giáo dân từ miền biển Nam Định, Thái Bình lên khai hoang mới được dựng lại. Cũng chỉ là một gian nhà gỗ và một tháp chuông nhô cao mái nhọn hoăn hoắt bằng gỗ pơmu thôi. Nhưng tiếng chuông nhà thờ ngày hai buổi sáng chiều nhắc nhở con chiên đến giờ kinh nguyện cũng theo quy luật khuếch đại, nên sang sảng văng đảo, âm âm, inh inh trong mỗi căn nhà, mỗi hồn người.
Đó là những ngày sống vui vẻ nhẹ nhõm nhất trần đời của chúng tôi. Chẳng vướng bận, lo âu. Cũng chẳng có gì phải khắc khoải dằn vặt. Sáng lên lớp, chiều soạn bài. Tối họp hành với bà con hoặc thăm nom học trò. Cơm ăn ngày ba bữa có Dự nấu giùm. Lương thực thực phẩm được cung cấp theo tem phiếu. Mỗi năm năm mét vải đủ may một bộ cánh mới. Dưới vòm trời phố huyện miền núi, trôi đi trong êm đềm một đời sống tự nhiên thuần phác, xa cách hẳn sự vật lộn nhọc nhằn.
Chủ nhật mỗi tuần là những ngày thần tiên. Leo lên mình hai con ngựa thồ tầm thấp xấu mã và hiền lành, trên vai nghềnh ngàng hai khẩu súng kíp mượn của dân, chúng tôi thoát khỏi lốt những anh giáo xoàng xĩnh phố huyện, biến thành những chàng kỵ sĩ, những trang đại hiệp rong ruổi trong các khu rừng gần xa.
Phúng, tất nhiên là anh chàng khởi xướng ra những công cuộc này, Phúng truyền dẫn sang tôi niềm say mê và tình yêu cuộc sống giữa thiên nhiên. Hóa ra ông trời ăn ở cũng không đến nỗi thiên vị. Mảnh đất xa xăm tưởng là hoang vắng, buồn tẻ mà đâu có thiếu niềm vui. Bồ đề, gu đay, thành ngạnh chen cành nơi vùng rừng thấp vào độ thu sang ràn rạt tiếng vẫy cánh của bầy chim câu béo nục. Trên cao hơn, nơi sa mộc xanh như những bụm khói đặc và các giống thông thơm hắc mùi tinh dầu vu vu gió thổi là nơi con sóc đuôi bông nhảy nhót, truyền cành. Viền một vệt dài cạnh cái thung lũng hình lá đào là rặng doi cổ thụ mùa này lất phất bay cả ngàn chùm hoa bông trắng ngà hình chiếc đuôi chồn. Buộc ngựa ở cửa rừng, chúng tôi rẽ lau lách trước hết tìm đến con suối len lỏi giữa hai lèn đá. Giơ súng lên, Phúng lại chúc nòng xa rời điểm xạ, trong làn nước trong leo lẻo, có đàn cá chép đỏ hồng đang phất đuôi, múa vây, vô tư lượn lờ, đẹp như tranh vẽ. Ngẩn ngơ một lúc, Phúng lại kéo tôi đi. Tháng bảy trong những thung lũng nhỏ đã quang quẻ bóng lúa, lúc này đang dày đặc bóng con chim cu cặm cụi nhặt thóc rơi. Chim cu đi cả bầy, hàng trăm con. Nhưng từ trên cao nhìn xuống vùng ruộng xam xám mầu chân rạ chỉ thấy những cái đầu gật gật và tim chúng tôi dường như thót lại vì chợt vọng lại bên tai tiếng chân bầy chim chuyển vừa hối hả vừa rụt rè trên mặt đất.
Đoàng! Đoàng! Hai phát súng kíp nổ vang khoảng trời đẹp, phá vỡ yên tĩnh đang được nâng niu trên cả một vùng núi đồi. Buông súng, ngửa mặt nhìn trời, chúng tôi nhìn thấy những cánh chim vẫy đập loạn xạ, hốt hoảng nghiêng ngả, chòng chành. Lạ thay, bốc bay lên cao, cả trăm con chim vẫn trong tư thế bầy đàn và chỉ sau ít phút khiếp đảm, kinh hồn, đã lấy lại bình tĩnh nhanh chóng tạo thành một vùng lượn mềm mại, rồi quay tròn, cuối cùng đổ nghiêng xuống khu rừng lúp xúp bụi cây tầm thấp ở phía bên kia, đối diện với chúng tôi. "Chúng biến đâu mất rồi!". Nhổm dậy, Phúng kêu khe khẽ rồi đưa mắt kiếm tìm. Hai chúng tôi xách súng lom khom vượt qua mấy tràn ruộng vừa nãy đầy bóng chim. Gặp một bờ ruộng cao, chúng tôi nằm phục xuống, giấu mình và nhận ra bầu trời trên đầu mình bỗng nhiên ắng lặng như cõi vô hồn.
Không! Đàn chim cu không biến đi đâu hết! Cả tôi và Phúng đều đã nhìn thấy chúng. Rìa thung lũng bên kia, cạnh một thửa ruộng lớn ở chân bìa rừng, như từ trong chiêm bao, như được hưởng phép màu nhiệm, một cây bồ kếp cổ thụ vừa hiện ra. Cây bồ kếp thân lớn tày ôm, lá óng ánh sắc vàng kim khí, chóp nhọn đang giang cành mời mọc. Như những con thằn lằn, hai chúng tôi thận trọng bò tới. Rồi không ai bảo ai, chúng tôi cùng lật ngửa người trên mảnh ruộng dưới chân cây bồ kếp nọ. Và lập tức có cảm giác cả hơi thở của mình cũng biến mất trong khoảnh khắc. Im lặng đã được đổi lấy im lặng tuyệt đối, vĩnh hằng. Im lặng như cõi vô thanh. Đàn chim cu cả trăm con hiển nhiên đã biến thành tượng đá, ngậm mỏ, im phắc trong sự chở che hào hiệp quạnh hiu và bí ẩn của cây bồ kếp già trông xa hệt như kim tự tháp nhưng long lanh ánh vàng.
Ôi! Chúng tôi vừa bắt gặp điều siêu thường, xuất thế. Hòa tan vào cảnh quan kỳ lạ, trong trạng thái tôn thờ, ngưỡng vọng, chúng tôi đã bắt gặp cái phân tâm của tâm hồn mình. "Cây gì mà đẹp đẽ, lạ lùng đến thế kia! Domine non sum dignus. Ôi! Đức chúa trời, con không xứng đáng!". Mắt khim khíp, môi Phúng bỗng lật bật run rẩy. Một hạnh phúc trần thế và cao siêu, đã đạt tới là đây và thế là chẳng còn gì để nói với thời gian nữa rồi ư? Đó là những ngày Phúng bắt đầu yêu, và được yêu.
***
Khoảnh khắc thần tiên ấy thật sự khó hiểu với hệ diễn giải thông thường và mong manh quá. Vì chẳng bao giờ, chúng tôi còn gặp lại được nó nữa rồi. Chủ nhật sau đó, Phúng dậy sớm, nháy mắt bảo tôi: "Tớ đi đằng này cái nhé". Rồi xách cái hộp đàn đựng cây vi-ô-lông đi. Buổi trưa, Dự lên buồng tôi, vẻ hớt hải khác thường.
- Anh có biết Phúng đi đâu không?
- Chắc là đến một gia đình học sinh nào.
- Học sinh nào?
- Hay là đến nhà cô Tâm ở xóm Tân Lập?
- Tâm!
Mặt Dự tái nhợt. Chỏm gò mũi Dự lấm tấm mồ hôi. Tình yêu như rượu, như ô-xy hít thở vào thẳng mạch máu, tác động ngay đến cơ thể con người. Dự từ lâu đã thầm yêu Phúng. Cô giáo không thể chịu đựng nổi khi ở lớp Phúng dạy xuất hiện một nữ sinh như Tâm. Tâm ở trong đám học sinh từ Hải Hậu, Nam Định lên khai hoang mới nhập học. Một thiếu nữ đã nảy nở trọn vẹn ở tuổi mười bảy. Dong dỏng cao. Mái tóc dài óng mượt. Gương mặt trái xoan với cặp mắt nai hay nhìn xuống, cho ta ấn tượng đậm đà về vẻ nhu mì, mộ đạo, khác hẳn cái cảm tưởng khi ta nhác thấy cây thập tự bằng bạc buông từ cái cổ nõn nà xuống khuôn ngực trinh nữ tròn trịa nén căng nhục cảm sau làn áo mầu mận tím của cô.
Ngồi xuống, thở hắt ra, cô giáo ôm mặt nức nưởi:
- Không đến nhà Tâm, nhưng cũng là đến với Tâm. Anh Phúng anh ấy đến kéo đàn ở nhà thờ đấy, anh ơi!
Dừng lại, rồi ngoảnh mặt đi, nước mắt chan chan, Dự nghẹn ắng:
- Em sợ nhất là anh Phúng chấp nhận làm lễ cưới Tâm ở nhà thờ. Ở đây, huyện ai người ta cho phép thế. Anh ấy dại dột mà không biết mình dại dột, anh ơi.
Dự đã không quá lo xa.
Dự đã dự đoán vì đã nhận ra tính tình anh giáo Phúng. Phúng, cái bản tính hồn nhiên, ưa thích phiêu lãng, niềm say mê vẻ đẹp đẽ, cao quý sơ khởi. Phúng đã yêu Tâm cô bé học sinh lớp 7 xinh đẹp, con chiên ngoan đạo và từ đó chủ nhật nào cũng đến kéo đàn cho tốp trinh nữ trong nhà thờ Ki-tô giáo nọ tập hát những bài thánh ca. Tình yêu giống như rượu nặng, chẳng thể giấu giếm được. Huống hồ ở nơi phố huyện chật hẹp này. Biết làm sao được, khi theo quy tắc cổ điển, mọi thể chế xã hội từ trước đến nay chưa bao giờ biết vượt ra khỏi sự hạn hẹp của mình, luôn tỏ ra khôn ngoan, bằng bản năng, đã biết tự vệ cho lợi ích của mình. Đám cưới anh giáo Phúng lấy cô học trò tổ chức trong nhà thờ có vị linh mục làm phép bí tích. Đó là một đêm giá lạnh. Hai dãy nhà phố huyện thiêm thiếp dưới làn mưa rây xám mờ. Văng ra từ ngọn tháp nhà thờ le lói ánh bạch lạp là tiếng chuông mừng lanh lảnh và âm u, mịt mờ.
Đã mất đi rồi cái linh hồn tươi tắn, ngày tiếp ngày lúc này là những nỗi niềm nặng nhọc nối theo nhau.
Phúng về ở nhờ bên nhà vợ, tít tận xóm Tân Lập, cách huyện lỵ bảy cây số. Gặp nhau sau giờ lên lớp, nghĩ bạn mình có lỗi lầm gì bị phê phán công khai đâu mà sao cứ ngượng ngượng ngập ngập, lúng ta lúng túng như tiếp xúc với kẻ bị kết án trọng tội. Còn bạn thì như có điều gì ám ảnh không yên, nên cố tình lảng tránh, dạy xong là vội vội vàng vàng nhảy lên cái xe đạp tàng, hấp tấp đạp về.
Hóa ra điều khó khăn nhất của cuộc sống là lại ở chỗ phải đối mặt với những người chung quanh mình. Buồn thay, đó cũng lại là cái bí ẩn, không thể biết của cuộc sống. Phúng chểnh mảng dần việc dạy học. Tiếp đó, thay cho những chủ nhật đi bắt cá săn chim, giây phút xuất thần, sống ngoài trần thế hiếm hoi là những ngày Phúng trằn mình trong lao động khổ sai: chặt gỗ, hái củi, đánh gianh, nhặt trám, lấy măng đem bán ở chợ huyện. Bịt cái khăn rằn trên đầu theo kiểu người Giáy, ẽo ẹt gánh đôi sọt giang đến khu chợ gần. Hoặc lóc cóc theo con ngựa thồ đến những chợ xa hơn, hạ nạng thồ xuống, ngồi bên hai cái hũ sành nút lá chuối, ngước hai con mắt lờ ngờ lên, cất tiếng khàn khàn: "ờ! Cán bộ mày mua rượu đi! Rượu nấu bằng men lá, ngon lắm vớ". Dù là nhại lại giọng người Giáy, người Tày, theo thói quen quăng mình vào cuộc phiêu du bất tận, hoặc giả ngô ngọng đánh lận con đen thì cuối cùng cũng là vô tình thực hiện bước ngoặt đời người, biến mình thành kẻ khác.
Tuy nhiên, nói cho cùng thì rồi ai cũng có bước ngoặt của đời mình. Đối mặt với những người chung quanh, chống lại cái trật tự của hoàn cảnh chẳng phải là công cuộc của riêng Phúng. Chúng tôi lần lượt chia tay phố huyện nhỏ và ngôi trường phổ thông như đứa trẻ còi cọc, dẫu thêm tuổi đời vẫn lèo tèo mấy chục học trò, vài ba thầy cô giáo. Đầu tiên là cô giáo Dự. Sau đó là tôi. Dự thấm thoát đã ba mươi tám tuổi đời. Soi gương đã giật mình vì thấy đuôi mắt nứt kẽ. Một hôm đến tôi, bịt miệng rồi vẫn bật khóc tu tu: "Em đã đến nỗi nào mà ông Xủy, Chủ tịch Mặt trận huyện đánh tiếng hỏi làm vợ kế". Ông Xủy bảy mươi tuổi, mới góa vợ, cao lểu đểu, mắc bệnh vẩy nến, da dẻ mặt mũi chân tay lúc nào cũng chong chóc đỏ hỏn, hay cười ngỏn nghẻn, khoe: bệnh này không chữa được, không lây nhiễm, không gây chết người, khi đặt vấn đề tái hôn với cô giáo lỡ thì ở phố huyện.
- Anh ạ - Gạt nước mắt, Dự tâm sự - Em nhớ, hồi ấy em mười hai tuổi. Một hôm có một bà bạn đến chơi với mẹ em, bà dẫn theo anh con trai của bà hơn em chừng năm sáu tuổi. Trông anh ấy mặt mũi cũng khôi ngô, từa tựa như Phúng trường ta. Anh con trai thấy chiếc ghi-ta của bố em thì cầm lên đàn. Cũng như anh Phúng, anh ấy cũng có khiếu âm nhạc. Tiếng đàn nghe rất hay. Thấy em lắng nghe, anh ấy hỏi: "Thế em học lớp mấy?". Em đáp, em học lớp sáu. Anh ấy bảo đem sách toán cho anh xem. Chỗ nào không hiểu anh giảng lại cho, vì anh là cây toán của lớp. Tại sao anh ấy săn sóc em thế? Thì ra là hồi tản cư, gia đình em và gia đình bà nọ ở cùng nhau trên Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Hai gia đình đã hẹn dựng vợ gả chồng cho em và anh ấy từ lúc chúng em còn bé tí. "U hẹn thì u đi mà lấy người ta!". Xấu hổ và ức quá, em gắt với u em như thế.
Dừng lại, mắt đỏ hoe, Dự sụt sịt ai oán:
- Thế mà bây giờ gần bốn chục tuổi rồi, em một mình lẻ bóng. Em phải xin về xuôi thôi. Đồng rừng này không phải là đất của đàn bà con gái chúng em.
Đất này là đất của đàn ông. Vùng hoang dã này lúc nào cũng khuyết trống sức người. Chỉ có điều, đàn ông bỗng trở thành những kẻ chẳng còn được chút quyền lực nào với chính mình. Phúng mau chóng trở thành một gã lực điền thực thụ chỉ hùng hục trong lao động thổ mộc. Lao động, sản ra công, tạo ra hiệu quả kinh tế. Cắm đầu vào đất đai, công việc, ngoài ra chỉ còn thú vui đàn ông là làm chồng một cô vợ trẻ ham hố vô cùng chuyện chăn gối. Vì thật tình, chung quanh là trống không, trống không đến triệt để và tĩnh mịch nuôi dưỡng nhục cảm màu nhiệm hơn bầu không khí ồn ào sôi động rất nhiều lần.
Những ngày ấy và bóng hình của chúng kết tinh ở Phúng sau này trở đi trở lại nhiều lần trong câu chuyện đôi hồi của tôi và Dự. Dự hóa ra do trục trặc giấy tờ mà phải rời khỏi Xín Chải sau tôi. Bốn mươi ba tuổi nàng mới lấy chồng. Chồng nàng là một người đàn ông năm mươi tám tuổi mắc bệnh vô sinh, nhưng tráng kiện và máu mê. Ông khiến cho Dự kinh sợ đời sống tình ái vợ chồng. Vào thời kỳ tiền mãn kinh, nàng li dị chồng. Sống độc thân, trong một ngõ nhỏ vô danh ở thành phố, nàng càng ít bè bạn nên càng năng đến chơi với gia đình tôi.
- Anh không thể tưởng tượng được đâu. - Dự nói tiếp về Phúng: - Về sau, nếu gặp anh cũng không thể nhận ra được Phúng đâu, anh ạ. Nhất là khi anh ấy đi làm thợ sơn tràng.
- Làm thuê cho người ta?
- Thì thế. Làm thuê cho bọn khai thác gỗ lậu. Ở vùng núi đá Đản Khao ấy. Trời, tóc anh ấy để dài đến ngang vai. Mặt tróc hết da loang loang lổ lổ như lang ben. Anh ấy kể: núi đá toàn nghiến, đinh. Nhưng một tấc gỗ là một bát máu. Vì hạ được cây gỗ rồi còn cắt, gọt, rồi bắn, cậy, bẩy chán mới ra được cửa rừng. Thế mà còn phải đến non nửa số gỗ bị kẹt trong khe đá, rơi xuống vực không lấy được. Trong rừng tối u u. Chỉ nhìn thấy hai con mắt người là sáng như mắt thú. Thảng hoặc có thấy ngưa ngứa ở chân, cúi xuống tuốt hai chân thì hai bàn tay giơ lên thấy đỏ lòe máu muỗi hút của mình. Hai bàn tay máu, chứ làm gì có đàn địch với thơ ca nữa.
- Khổ!
- Khổ lắm! Chứ còn được phát nương, cày ruộng còn là sướng. Trông anh ấy mới thấy thương. Nào người có ra người. Phiên chợ, đem gỗ ra bán, đến chơi với em. Có lúc ngượng ngập, ứa nước mắt, định nói rồi quay đi. Giờ thì đã muộn rồi. Ông trí thức lại sống với cô nông dân. Mà cái cô này nó mới gớm ghê. Nó vắt kiệt sức lực của anh ấy.
Nghe trong giọng nói của Dự thấy cả nỗi ghen tức lẫn niềm xót xa. Một cô vợ trẻ năm này sang năm khác chỉ liên tục chửa đẻ nạo hút. Ba đứa con gái ốm đau sài đẹn liên tục. Lại đèo thêm ông bố vợ tám mươi tuổi điếc lác mù lòa. Lấy cái gì mà ăn mà không đi Tây Nguyên.
Với hoàn cảnh sống ấy, Phúng không thể không đi Tây Nguyên. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, niềm tin tưởng rằng trong bất cứ sự việc nào, ở nơi sâu thẳm của nó cũng có một sự thật ít được biết tới, đã chi phối suy đoán của tôi và đã tỏ ra là đúng trong trường hợp này. Cuộc chuyển cư đi Tây Nguyên của gia đình Phúng, dẫu thế nào cũng vẫn phảng phất một cuộc viễn du tinh thần, nhằm giải tỏa một ẩn ức, và có tính chất kiếm tìm. Phúng, gã đàn ông đang tìm cách hòa giải với định mệnh.
Tháng Mười năm nay, suy đoán của tôi đã có cơ hội được kiểm nghiệm. Vì sau bao năm trời xa cách, Phúng bằng xương bằng thịt đã hiện diện ngay trước mắt tôi đây. "Phúng đây! Phúng đây, có còn nhận ra tớ không?". Nghe tiếng đập cửa và tiếng gọi, tôi vội chạy ra mở cổng, Phúng đây thật rồi. Phúng với đôi chân chạng nạng, thập thễnh đang từ cái cổng gạch nhà tôi bước vào. Một khuôn mặt xương xẩu lút trong mớ tóc xõa bạc xác. Một bên vai trĩu nặng cái túi quần áo xanh bạc cũ kỹ. Một bàn tay để ngửa, với những ngõn tay chai sần cứng queo.
Con người lạc quan là con người tự coi mình là lớn, sánh vai cùng ba cái lớn trong vũ trụ là Đạo, Trời, Đất. Sách vở nói thế. Những lá thư của Phúng tự họa mình thành một đấng bậc như thế. Còn bây giờ thì hình như không phải thế. Đã bị đánh quỵ hoàn toàn rồi. Đã gặp phải cái ngặt nghèo của hoàn cảnh. Đã biến thành một kẻ thân tàn ma dại nạn nhân của thói lãng mạn, viển vông. Đã mệt mỏi, tiêu điều cạn kiệt và bệnh tật đầy mình. Cả đến những ngón tay. Chúng như những chiếc càng cua đã chết. Chúng không đủ sức co lại để ôm chén trà tôi đưa, chứ nói gì đến đàn địch. Hèn nào mà những dòng chữ viết trong thư của Phúng cứ ríu lại nét nọ lẫn nét kia, những dòng chữ miêu tả niềm vui cao cả lớn lao.
- Ra Hà Nội từ hôm nào?
- Mới. Nhưng rời Krông Ana thì đã năm tháng rồi.
- Thế đã đi những đâu?
- Lang thang khắp. Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định. Thỉnh thoảng, gặp một đứa học trò nó mời về quê nó chơi. Rồi tạt về quê mình. à, mà cho tớ tắm cái đã rồi kiếm cái gì vào bụng đi. Tớ đói và mệt quá rồi!
Vợ tôi từ trong buồng gọi tôi vào nghe điện thoại, kỳ thực tôi vừa vào đã níu lấy tôi, thì thầm riết róng:
- Này, có phải lão Phúng ông và bà Dự hay nhắc đến đấy phải không? Rõ khiếp. Gọi cửa gì mà thô lỗ thế. Họ hàng ân huệ gì mà đòi hỏi như ông tướng ấy. Người với ngợm gì trông khiếp quá. Vừa bẩn thỉu, cô hồn lại đờ đẫn như mắc bệnh tâm thần. Còn giọng nói, có để ý không, ngọng líu rồi. Mà em báo trước, lão ấy đến nhà mình là ở lại đây ăn vạ đấy.
- Ai bảo cô thế!
- Thì bà Dự có lần đến chơi, ông đi vắng bà ấy bảo chứ ai bảo. Vợ nó bỏ rồi. Mây gió lắm. Hâm lắm. Con vợ nó có nhân tình từ hồi ông và ông ấy dạy học ở tít tít trên Xín Chải Xín Chung gì ấy cơ. Thế nên mới chuyển vào Tây Nguyên. Viển vông lắm. Con cái nó cũng không chịu được. Mà bị xuất huyết não một lần rồi đấy. Xuất huyết rồi nên người nó mới ngẩn ngơ thế. Giờ thì lang thang. Cô Dự cô ấy bảo: Thư cho cô ấy lúc nói địa chỉ là nhà một cô giáo ở Quảng Bình. Lúc địa chỉ là một bà bán cá ở chợ Rồng.
Tôi sụt hẫng cả người vì kinh ngạc và hoang mang. Nhưng nghe tiếng Phúng gọi, vội bước ra phòng khách. Vừa tắm xong Phúng đang lắc cái đầu cho nước trong tai ộc ra. Và ngồi xuống đi-văng, kéo cái túi đựng quần áo xanh bạc, bàn tay với những ngón tay cứng đơ khó nhọc lắm mới lôi ra được một cuốn vở học trò nhàu nát, quăn queo, Phúng mấp máy môi:
- Ông... ông... nghe mình đọc... một bài thơ nhé.
Hai con mắt Phúng lấp lánh như vừa được tiếp nhận một nguồn thần quang từ nơi sâu thẳm phát ra. Cặp mắt say đắm, xuất thần, ngưỡng mộ, tôn thờ, không có một dấu hiệu mệt mỏi, bệnh tật nào. Nhưng tiếng nói của Phúng thì bây giờ tôi mới nhận ra, thật sự đã ngọng nghịu hẳn rồi, nghe dài dại lắm, nên vừa dõi theo vừa phải đoán chừng. Đã vậy mỗi tiếng phát ra lại là một nỗ lực phi thường vì nó quá nặng nhọc, khiến mặt Phúng tím đỏ lên như cơn áp huyết.
- à, mà cậu... chưa biết nhỉ? - Phúng ngập ngừng khó khăn: - Tâm... nó bỏ tớ... từ lâu rồi. Tuy thế... tớ vẫn qua... lại nhà mẹ đẻ cô ấy. Phải nói... bà là... một phụ nữ tuyệt... vời... Đây này...
Mẹ vợ tôi tốt quá
Không tưởng tượng ra đâu
Chẳng bao giờ cau có
Bà yêu từ con chó
Đến con chim trên trời
Một hôm tôi về chơi.
Bà gọi gà cục cục
Con chim chào mào đực
Nó gật gật cái đầu.
Gạo bà rắc như sao
Đàn chim sà ngay xuống
. Bà nhắc tôi chạy trốn.
Chim, gà kín cả sân.
Chẳng ai có bạc tiền.
Đủ mua cảnh như thế!
Ôi! Những câu thơ chân mộc, được phát ra từ đôi môi méo, ngọn lưỡi rụt và cái thanh quản mang di chứng bệnh tật của Phúng, nghe chẳng còn rõ nữa và thế là đã bay đi như đàn chim cu hôm nào, sau khi đã thực hiện hết chức năng truyền đạt, để lại một cảm giác trống vắng đến ngẩn ngơ trong tôi. Giống như hồi nào tôi và Phúng ngơ ngẩn trong cảm xúc siêu thường tan hòa vào cái lớn lao của tự nhiên trước cây bồ kếp hình kim tự tháp vàng hiện ra như một phép mầu nhiệm có đàn chim cu cả trăm con trốn lẩn. Thì ra là vậy, chung quy con người là thế, bao giờ thì nó cũng vẫn khăng khăng một bản chất hướng thượng, thờ phụng điều cao cả trong cuộc sống qua cảm quan sáng tạo của mình, có phải thế chăng?
(*) Thơ của Trần Ngọc Phúc
Lại có thư của Phúng bạn tôi từ Buôn Ma Thuột đất Tây Nguyên gửi ra. Lại vẫn là những dòng chữ gần đây bỗng líu ríu nét nọ lẫn nét kia, viết trên mảnh giấy rìa lờm xờm vết xé từ vở học trò. Cầm thư mà hình dung ông bạn mình vừa từ ngoài đồng ruộng bước vào nhà, đầu vẫn nguyên cái mũ lá rộng vành, trên người độc cái quần xà lỏn, uống xong bát nước chè lớn, khoát bàn tay to sều chai sần vì cày cuốc, bảo thằng con út mười ba tuổi đang ngồi học ở góc nhà: "Ê, cún! Cho bố mượn cái bút và cuốn vở, bố viết cái thư nào!". Nếu nhân loại có những người mang tiếng là hay bi quan, lại có người được tiếng là lạc quan hơn người, thì Phúng bạn tôi thuộc hạng người sau.
Lại na ná như trước, khoe đất đai tươi tốt, công việc thịnh đạt, đàn địch thì ít động tới, còn thơ ca hò vè thì dăm bữa nửa tháng lại có một bài, nhưng lần này Phúng giục tôi thu xếp vào chơi. Vào chơi mà xem Phúng đang vào vụ thu hoạch. Vào mà xem cà-phê mùa này trĩu trịt cành la cành bổng, thu hái xong ước trên một tấn. Ngô giống mới bắp dài hơn gang tay bẻ về vàng rực cả khoảng sân rộng trước nhà. Bao tải, thúng, địu căng ních, đầy phè rồi mà đậu xanh chưa đập vẫn còn chất mấy đống lớn ngoài hiên. Vào mà xem cả một vạn thước vuông đất đỏ hồng xuê tơi sau mưa bạc trong nắng vàng. Đàn gà ba trăm con, đỏ ối cả vườn cây ăn quả toàn lê, táo, đào, mận, cây nào cũng ngùn ngụt như đám lửa đang bốc ngọn. Cuộc sống rõ ràng như chính lệnh, cây cối, sản vật, muông thú vật nào ra vật ấy, còn con người thì tự hiển lộ, có cảm giác được tôn lên thành đấng bậc, sánh cùng cái lớn lao như vũ trụ, tự nhiên mà chẳng cạnh tranh ai!
Từ miền bắc, Phúng dắt díu vợ con vào vùng đất Krông Ana này ngay từ sau ngày thống nhất đất nước. Cũng là điều cực chẳng đã mà dấn thân liều lĩnh vào cuộc phiêu du. Cực chẳng đã vì lương anh giáo quèn không nuôi nổi cô vợ trẻ với ba đứa con đẻ ba năm liền. Lại thêm những eo sèo rắc rối, những định kiến chật hẹp trong các mối quan hệ. Còn liều lĩnh là bởi mới chỉ là nghe nói mà tin đó là vùng đất lành, đất vàng đất bạc, chứ đâu đã mục sở thị. Phúc thay cho những kẻ không trông thấy mà vẫn hằng tin! Anh giáo được chia cả một vùng đất rộng hơn hai chục héc-ta. Tất nhiên chỉ là đất hoang. Nhưng quả nhiên như trời sinh vạn vật bằng hiếu đễ, đất nuôi vạn vật bằng ăn mặc, thấm thoát trong vòng có dăm năm, cái gia đình anh giáo ấy đã vượt qua cảnh đói nghèo, bước sang thời kỳ thăng hoa, tròn đầy trong no ấm, sởn sơ, dư dật.
Đọc thư Phúng mà mừng cho Phúng. Con người nhất thiết phải được sống trong no đủ cái đã. Ấy thế! Nhưng mừng cho bạn mà không khỏi ngờ ngợ. Ngờ ngợ lắm. Vì ông bạn mình, từ thuở thiếu thời sống với nhau, và ngay trong những lá thư nao nức khoe khoang sự thành đạt trong công cuộc làm ăn, nét chữ thì rối rít, ngôn ngữ thì ồn ào, mà cốt cách vẫn không phải là kẻ chí thú làm ăn, vẫn không phải là người để cả tâm lực vào miếng cơm, manh áo, đồng tiền. Ngờ ngợ lắm. Vì cảnh trong thư như từ bàn tay vẽ ra, hư thực lẫn lộn, sinh thành nuôi dưỡng nhau, như cái hiện thực thứ hai, sản phẩm của một đầu óc lãng mạn, chứ không phải cảnh đời thật nó là như vậy.
Ngờ ngợ lắm. Vì tháng Bảy năm ấy liên tiếp mấy thư liền. Không kìm giữ được nữa, Phúng cho tôi biết kế hoạch làm ăn mới của mình và ráo riết giục tôi hãy nghĩ lại, hãy bỏ mảnh đất Thủ đô chật chội vào đây, chung sức với anh. Hai mươi héc-ta đất đã có sổ đỏ của Phúng sẽ biến thành một trang trại kiêm vùng du lịch sinh thái. Chà! Phúng sẽ chặt hết cây ăn quả. Phúng sẽ trồng cỏ nuôi bò. Tính ra nếu cứ ba mươi cân cỏ cho một cân thịt bò thì Phúng sẽ nuôi được hai trăm con bò. Phúng sẽ đào hai cái hồ lớn, một cái mười héc-ta, một cái năm héc-ta. Và theo khoa học, một mét nước cho một cân cá thì sẽ cơ man nào là cá. Nhưng cá ấy không để ăn, không để bán, mà là để nuôi cá sấu. Cá sấu! Trứng cá sấu ấp ba mươi quả, nở hai mươi tám. Một tháng tuổi giá đã một chỉ vàng một con... Còn một đôi sấu lớn hết cỡ, chừng một sải tay, giá những mười hai cây vàng. Chưa hết! Phúng sẽ trồng tre trên mấy quả đồi. Để trồng tre sẽ thuê máy đào lỗ của Pháp, giá thành chỉ năm trăm đồng, bằng giá một chén trà, một lỗ thôi. Khách du lịch sau khi thăm nơi nuôi cá sấu sẽ về nghỉ dưới bóng tre và thế là:
Ngày xưa theo mẹ hái măng
Giờ trồng tre mới phải chăng đỡ sầu.
Cây tre nào cũng cúi đầu
Che sương giá lạnh lá trầu thêm xanh.
Măng non khỏi bị nắng hanh
Bên nhau cùng mọc mai thành bụi to.
Cò ơi mày chớ có lo!
Tre ta ấm bụi nhà cò ấm hơn
Rúc ra rúc rích bầy chim
Võng đưa ta ngủ nổi chìm giấc mơ (*)
Ôi! Những vần thơ mộc mạc, giản đơn mà dồi dào cảm xúc của bạn tôi!
***
Chúng tôi cùng dạy với nhau ở một trường cấp hai huyện miền núi Xín Chải. Xín Chải, cái tên chẳng gợi một khái niệm rõ rệt, một ấn tượng nào. Nó cũng mờ nhạt cũng như cái trường cấp hai vẻn vẹn ba chục học trò, hai anh giáo cùng một cô giáo tên Dự của chúng tôi. Cô Dự hồi đó tuổi ba mươi, hơn chúng tôi sáu tuổi. Cô người Hà Nam theo gia đình lên đây khai hoang từ đầu những năm sáu mươi. Vóc mập mạp thôn nữ. Nhưng cô có khuôn mặt xinh xắn. Cô dạy thể dục và nữ công. "Các em chú ý. Khi ta uống rượu, rượu vào thẳng máu. Thở cũng vậy. Ô-xy vào thẳng máu. Xem thế đủ biết thở quan trọng như thế nào!". Đó là bài học cô đã dạy học trò và dạy luôn cả tôi và Phúng. Tôi dạy các môn khoa học xã hội. Phúng dạy các môn khoa học tự nhiên, biết chơi đàn và sáng tác thơ ca. Vóc thấp đậm, vai xuôi. Mặt tròn, mũi cao, mắt sáng, tóc xõa gáy. Ngày đến nhận việc ở trường, vai đeo ba lô, tay Phúng xách hộp đàn vi-ô-lông. A! Nghệ sĩ vi-ô-lông! Phố huyện xôn xao. Chẳng nề hà, cân nhắc điệu đàng, nghệ sĩ ra mắt luôn công chúng tắp lự. Chủ nhật ấy, dân phố và kẻ mua người bán vây quanh cái sân khấu mới dựng ở giữa sân chợ nghe loa phát bản tin cổ động bầu cử Hội đồng Nhân dân hai cấp xong là nghe Phúng cò cử cây nhị Tây bản nhạc Làng tôi xanh bóng tre.
Phố huyện chỉ là hai dãy nhà gianh áp mặt vào nhau, dài hơn trăm thước. Một cái loa hai nhăm oát mắc ở ngọn cây gạo đầu phố đủ cho cả phố nghe tin tức và tiếng đàn cò cưa của Phúng. Tình thân ái vừa mang tính cổ truyền nơi phố huyện vừa là nền nếp gần gụi trang nhã của nghề dạy học, càng dư thừa điều kiện nẩy nở, nên quan hệ giữa anh giáo và người phố huyện càng mau chóng trở nên thân mật. Thân mật lắm. Thân mật đến mức suồng sã. Đến mức gặp anh giáo đi chơi phố, có thể dúi ngay vào tay anh giáo cái bánh tẻ, phẩm oản, quả chuối hoặc gọi ra một chỗ ghé tai tưởng nói gì quan trọng, hóa ra hẹn chủ nhật tới này mời anh giáo đến đụng một góc cầy tơ. Phúng hoạt bát, quảng giao, hòa hợp với cuộc sống hồn nhiên chất phác nơi huyện nhỏ. Quen thân với tất cả mọi người. Nhiều lần, anh còn mượn được cả ngựa cả súng săn của gia đình học trò đi chơi, đi săn trong rừng.
Phố huyện Xín Chải nhỏ teo. Nhất cử nhất động của mỗi nhân vật ở đây đều được nhân lên thành bội số theo quy luật khuếch đại. Trên quả đồi sau phố có cái nhà thờ Ki-tô giáo đổ nát từ thời Tây, gần đây khi có thêm giáo dân từ miền biển Nam Định, Thái Bình lên khai hoang mới được dựng lại. Cũng chỉ là một gian nhà gỗ và một tháp chuông nhô cao mái nhọn hoăn hoắt bằng gỗ pơmu thôi. Nhưng tiếng chuông nhà thờ ngày hai buổi sáng chiều nhắc nhở con chiên đến giờ kinh nguyện cũng theo quy luật khuếch đại, nên sang sảng văng đảo, âm âm, inh inh trong mỗi căn nhà, mỗi hồn người.
Đó là những ngày sống vui vẻ nhẹ nhõm nhất trần đời của chúng tôi. Chẳng vướng bận, lo âu. Cũng chẳng có gì phải khắc khoải dằn vặt. Sáng lên lớp, chiều soạn bài. Tối họp hành với bà con hoặc thăm nom học trò. Cơm ăn ngày ba bữa có Dự nấu giùm. Lương thực thực phẩm được cung cấp theo tem phiếu. Mỗi năm năm mét vải đủ may một bộ cánh mới. Dưới vòm trời phố huyện miền núi, trôi đi trong êm đềm một đời sống tự nhiên thuần phác, xa cách hẳn sự vật lộn nhọc nhằn.
Chủ nhật mỗi tuần là những ngày thần tiên. Leo lên mình hai con ngựa thồ tầm thấp xấu mã và hiền lành, trên vai nghềnh ngàng hai khẩu súng kíp mượn của dân, chúng tôi thoát khỏi lốt những anh giáo xoàng xĩnh phố huyện, biến thành những chàng kỵ sĩ, những trang đại hiệp rong ruổi trong các khu rừng gần xa.
Phúng, tất nhiên là anh chàng khởi xướng ra những công cuộc này, Phúng truyền dẫn sang tôi niềm say mê và tình yêu cuộc sống giữa thiên nhiên. Hóa ra ông trời ăn ở cũng không đến nỗi thiên vị. Mảnh đất xa xăm tưởng là hoang vắng, buồn tẻ mà đâu có thiếu niềm vui. Bồ đề, gu đay, thành ngạnh chen cành nơi vùng rừng thấp vào độ thu sang ràn rạt tiếng vẫy cánh của bầy chim câu béo nục. Trên cao hơn, nơi sa mộc xanh như những bụm khói đặc và các giống thông thơm hắc mùi tinh dầu vu vu gió thổi là nơi con sóc đuôi bông nhảy nhót, truyền cành. Viền một vệt dài cạnh cái thung lũng hình lá đào là rặng doi cổ thụ mùa này lất phất bay cả ngàn chùm hoa bông trắng ngà hình chiếc đuôi chồn. Buộc ngựa ở cửa rừng, chúng tôi rẽ lau lách trước hết tìm đến con suối len lỏi giữa hai lèn đá. Giơ súng lên, Phúng lại chúc nòng xa rời điểm xạ, trong làn nước trong leo lẻo, có đàn cá chép đỏ hồng đang phất đuôi, múa vây, vô tư lượn lờ, đẹp như tranh vẽ. Ngẩn ngơ một lúc, Phúng lại kéo tôi đi. Tháng bảy trong những thung lũng nhỏ đã quang quẻ bóng lúa, lúc này đang dày đặc bóng con chim cu cặm cụi nhặt thóc rơi. Chim cu đi cả bầy, hàng trăm con. Nhưng từ trên cao nhìn xuống vùng ruộng xam xám mầu chân rạ chỉ thấy những cái đầu gật gật và tim chúng tôi dường như thót lại vì chợt vọng lại bên tai tiếng chân bầy chim chuyển vừa hối hả vừa rụt rè trên mặt đất.
Đoàng! Đoàng! Hai phát súng kíp nổ vang khoảng trời đẹp, phá vỡ yên tĩnh đang được nâng niu trên cả một vùng núi đồi. Buông súng, ngửa mặt nhìn trời, chúng tôi nhìn thấy những cánh chim vẫy đập loạn xạ, hốt hoảng nghiêng ngả, chòng chành. Lạ thay, bốc bay lên cao, cả trăm con chim vẫn trong tư thế bầy đàn và chỉ sau ít phút khiếp đảm, kinh hồn, đã lấy lại bình tĩnh nhanh chóng tạo thành một vùng lượn mềm mại, rồi quay tròn, cuối cùng đổ nghiêng xuống khu rừng lúp xúp bụi cây tầm thấp ở phía bên kia, đối diện với chúng tôi. "Chúng biến đâu mất rồi!". Nhổm dậy, Phúng kêu khe khẽ rồi đưa mắt kiếm tìm. Hai chúng tôi xách súng lom khom vượt qua mấy tràn ruộng vừa nãy đầy bóng chim. Gặp một bờ ruộng cao, chúng tôi nằm phục xuống, giấu mình và nhận ra bầu trời trên đầu mình bỗng nhiên ắng lặng như cõi vô hồn.
Không! Đàn chim cu không biến đi đâu hết! Cả tôi và Phúng đều đã nhìn thấy chúng. Rìa thung lũng bên kia, cạnh một thửa ruộng lớn ở chân bìa rừng, như từ trong chiêm bao, như được hưởng phép màu nhiệm, một cây bồ kếp cổ thụ vừa hiện ra. Cây bồ kếp thân lớn tày ôm, lá óng ánh sắc vàng kim khí, chóp nhọn đang giang cành mời mọc. Như những con thằn lằn, hai chúng tôi thận trọng bò tới. Rồi không ai bảo ai, chúng tôi cùng lật ngửa người trên mảnh ruộng dưới chân cây bồ kếp nọ. Và lập tức có cảm giác cả hơi thở của mình cũng biến mất trong khoảnh khắc. Im lặng đã được đổi lấy im lặng tuyệt đối, vĩnh hằng. Im lặng như cõi vô thanh. Đàn chim cu cả trăm con hiển nhiên đã biến thành tượng đá, ngậm mỏ, im phắc trong sự chở che hào hiệp quạnh hiu và bí ẩn của cây bồ kếp già trông xa hệt như kim tự tháp nhưng long lanh ánh vàng.
Ôi! Chúng tôi vừa bắt gặp điều siêu thường, xuất thế. Hòa tan vào cảnh quan kỳ lạ, trong trạng thái tôn thờ, ngưỡng vọng, chúng tôi đã bắt gặp cái phân tâm của tâm hồn mình. "Cây gì mà đẹp đẽ, lạ lùng đến thế kia! Domine non sum dignus. Ôi! Đức chúa trời, con không xứng đáng!". Mắt khim khíp, môi Phúng bỗng lật bật run rẩy. Một hạnh phúc trần thế và cao siêu, đã đạt tới là đây và thế là chẳng còn gì để nói với thời gian nữa rồi ư? Đó là những ngày Phúng bắt đầu yêu, và được yêu.
***
Khoảnh khắc thần tiên ấy thật sự khó hiểu với hệ diễn giải thông thường và mong manh quá. Vì chẳng bao giờ, chúng tôi còn gặp lại được nó nữa rồi. Chủ nhật sau đó, Phúng dậy sớm, nháy mắt bảo tôi: "Tớ đi đằng này cái nhé". Rồi xách cái hộp đàn đựng cây vi-ô-lông đi. Buổi trưa, Dự lên buồng tôi, vẻ hớt hải khác thường.
- Anh có biết Phúng đi đâu không?
- Chắc là đến một gia đình học sinh nào.
- Học sinh nào?
- Hay là đến nhà cô Tâm ở xóm Tân Lập?
- Tâm!
Mặt Dự tái nhợt. Chỏm gò mũi Dự lấm tấm mồ hôi. Tình yêu như rượu, như ô-xy hít thở vào thẳng mạch máu, tác động ngay đến cơ thể con người. Dự từ lâu đã thầm yêu Phúng. Cô giáo không thể chịu đựng nổi khi ở lớp Phúng dạy xuất hiện một nữ sinh như Tâm. Tâm ở trong đám học sinh từ Hải Hậu, Nam Định lên khai hoang mới nhập học. Một thiếu nữ đã nảy nở trọn vẹn ở tuổi mười bảy. Dong dỏng cao. Mái tóc dài óng mượt. Gương mặt trái xoan với cặp mắt nai hay nhìn xuống, cho ta ấn tượng đậm đà về vẻ nhu mì, mộ đạo, khác hẳn cái cảm tưởng khi ta nhác thấy cây thập tự bằng bạc buông từ cái cổ nõn nà xuống khuôn ngực trinh nữ tròn trịa nén căng nhục cảm sau làn áo mầu mận tím của cô.
Ngồi xuống, thở hắt ra, cô giáo ôm mặt nức nưởi:
- Không đến nhà Tâm, nhưng cũng là đến với Tâm. Anh Phúng anh ấy đến kéo đàn ở nhà thờ đấy, anh ơi!
Dừng lại, rồi ngoảnh mặt đi, nước mắt chan chan, Dự nghẹn ắng:
- Em sợ nhất là anh Phúng chấp nhận làm lễ cưới Tâm ở nhà thờ. Ở đây, huyện ai người ta cho phép thế. Anh ấy dại dột mà không biết mình dại dột, anh ơi.
Dự đã không quá lo xa.
Dự đã dự đoán vì đã nhận ra tính tình anh giáo Phúng. Phúng, cái bản tính hồn nhiên, ưa thích phiêu lãng, niềm say mê vẻ đẹp đẽ, cao quý sơ khởi. Phúng đã yêu Tâm cô bé học sinh lớp 7 xinh đẹp, con chiên ngoan đạo và từ đó chủ nhật nào cũng đến kéo đàn cho tốp trinh nữ trong nhà thờ Ki-tô giáo nọ tập hát những bài thánh ca. Tình yêu giống như rượu nặng, chẳng thể giấu giếm được. Huống hồ ở nơi phố huyện chật hẹp này. Biết làm sao được, khi theo quy tắc cổ điển, mọi thể chế xã hội từ trước đến nay chưa bao giờ biết vượt ra khỏi sự hạn hẹp của mình, luôn tỏ ra khôn ngoan, bằng bản năng, đã biết tự vệ cho lợi ích của mình. Đám cưới anh giáo Phúng lấy cô học trò tổ chức trong nhà thờ có vị linh mục làm phép bí tích. Đó là một đêm giá lạnh. Hai dãy nhà phố huyện thiêm thiếp dưới làn mưa rây xám mờ. Văng ra từ ngọn tháp nhà thờ le lói ánh bạch lạp là tiếng chuông mừng lanh lảnh và âm u, mịt mờ.
Đã mất đi rồi cái linh hồn tươi tắn, ngày tiếp ngày lúc này là những nỗi niềm nặng nhọc nối theo nhau.
Phúng về ở nhờ bên nhà vợ, tít tận xóm Tân Lập, cách huyện lỵ bảy cây số. Gặp nhau sau giờ lên lớp, nghĩ bạn mình có lỗi lầm gì bị phê phán công khai đâu mà sao cứ ngượng ngượng ngập ngập, lúng ta lúng túng như tiếp xúc với kẻ bị kết án trọng tội. Còn bạn thì như có điều gì ám ảnh không yên, nên cố tình lảng tránh, dạy xong là vội vội vàng vàng nhảy lên cái xe đạp tàng, hấp tấp đạp về.
Hóa ra điều khó khăn nhất của cuộc sống là lại ở chỗ phải đối mặt với những người chung quanh mình. Buồn thay, đó cũng lại là cái bí ẩn, không thể biết của cuộc sống. Phúng chểnh mảng dần việc dạy học. Tiếp đó, thay cho những chủ nhật đi bắt cá săn chim, giây phút xuất thần, sống ngoài trần thế hiếm hoi là những ngày Phúng trằn mình trong lao động khổ sai: chặt gỗ, hái củi, đánh gianh, nhặt trám, lấy măng đem bán ở chợ huyện. Bịt cái khăn rằn trên đầu theo kiểu người Giáy, ẽo ẹt gánh đôi sọt giang đến khu chợ gần. Hoặc lóc cóc theo con ngựa thồ đến những chợ xa hơn, hạ nạng thồ xuống, ngồi bên hai cái hũ sành nút lá chuối, ngước hai con mắt lờ ngờ lên, cất tiếng khàn khàn: "ờ! Cán bộ mày mua rượu đi! Rượu nấu bằng men lá, ngon lắm vớ". Dù là nhại lại giọng người Giáy, người Tày, theo thói quen quăng mình vào cuộc phiêu du bất tận, hoặc giả ngô ngọng đánh lận con đen thì cuối cùng cũng là vô tình thực hiện bước ngoặt đời người, biến mình thành kẻ khác.
Tuy nhiên, nói cho cùng thì rồi ai cũng có bước ngoặt của đời mình. Đối mặt với những người chung quanh, chống lại cái trật tự của hoàn cảnh chẳng phải là công cuộc của riêng Phúng. Chúng tôi lần lượt chia tay phố huyện nhỏ và ngôi trường phổ thông như đứa trẻ còi cọc, dẫu thêm tuổi đời vẫn lèo tèo mấy chục học trò, vài ba thầy cô giáo. Đầu tiên là cô giáo Dự. Sau đó là tôi. Dự thấm thoát đã ba mươi tám tuổi đời. Soi gương đã giật mình vì thấy đuôi mắt nứt kẽ. Một hôm đến tôi, bịt miệng rồi vẫn bật khóc tu tu: "Em đã đến nỗi nào mà ông Xủy, Chủ tịch Mặt trận huyện đánh tiếng hỏi làm vợ kế". Ông Xủy bảy mươi tuổi, mới góa vợ, cao lểu đểu, mắc bệnh vẩy nến, da dẻ mặt mũi chân tay lúc nào cũng chong chóc đỏ hỏn, hay cười ngỏn nghẻn, khoe: bệnh này không chữa được, không lây nhiễm, không gây chết người, khi đặt vấn đề tái hôn với cô giáo lỡ thì ở phố huyện.
- Anh ạ - Gạt nước mắt, Dự tâm sự - Em nhớ, hồi ấy em mười hai tuổi. Một hôm có một bà bạn đến chơi với mẹ em, bà dẫn theo anh con trai của bà hơn em chừng năm sáu tuổi. Trông anh ấy mặt mũi cũng khôi ngô, từa tựa như Phúng trường ta. Anh con trai thấy chiếc ghi-ta của bố em thì cầm lên đàn. Cũng như anh Phúng, anh ấy cũng có khiếu âm nhạc. Tiếng đàn nghe rất hay. Thấy em lắng nghe, anh ấy hỏi: "Thế em học lớp mấy?". Em đáp, em học lớp sáu. Anh ấy bảo đem sách toán cho anh xem. Chỗ nào không hiểu anh giảng lại cho, vì anh là cây toán của lớp. Tại sao anh ấy săn sóc em thế? Thì ra là hồi tản cư, gia đình em và gia đình bà nọ ở cùng nhau trên Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Hai gia đình đã hẹn dựng vợ gả chồng cho em và anh ấy từ lúc chúng em còn bé tí. "U hẹn thì u đi mà lấy người ta!". Xấu hổ và ức quá, em gắt với u em như thế.
Dừng lại, mắt đỏ hoe, Dự sụt sịt ai oán:
- Thế mà bây giờ gần bốn chục tuổi rồi, em một mình lẻ bóng. Em phải xin về xuôi thôi. Đồng rừng này không phải là đất của đàn bà con gái chúng em.
Đất này là đất của đàn ông. Vùng hoang dã này lúc nào cũng khuyết trống sức người. Chỉ có điều, đàn ông bỗng trở thành những kẻ chẳng còn được chút quyền lực nào với chính mình. Phúng mau chóng trở thành một gã lực điền thực thụ chỉ hùng hục trong lao động thổ mộc. Lao động, sản ra công, tạo ra hiệu quả kinh tế. Cắm đầu vào đất đai, công việc, ngoài ra chỉ còn thú vui đàn ông là làm chồng một cô vợ trẻ ham hố vô cùng chuyện chăn gối. Vì thật tình, chung quanh là trống không, trống không đến triệt để và tĩnh mịch nuôi dưỡng nhục cảm màu nhiệm hơn bầu không khí ồn ào sôi động rất nhiều lần.
Những ngày ấy và bóng hình của chúng kết tinh ở Phúng sau này trở đi trở lại nhiều lần trong câu chuyện đôi hồi của tôi và Dự. Dự hóa ra do trục trặc giấy tờ mà phải rời khỏi Xín Chải sau tôi. Bốn mươi ba tuổi nàng mới lấy chồng. Chồng nàng là một người đàn ông năm mươi tám tuổi mắc bệnh vô sinh, nhưng tráng kiện và máu mê. Ông khiến cho Dự kinh sợ đời sống tình ái vợ chồng. Vào thời kỳ tiền mãn kinh, nàng li dị chồng. Sống độc thân, trong một ngõ nhỏ vô danh ở thành phố, nàng càng ít bè bạn nên càng năng đến chơi với gia đình tôi.
- Anh không thể tưởng tượng được đâu. - Dự nói tiếp về Phúng: - Về sau, nếu gặp anh cũng không thể nhận ra được Phúng đâu, anh ạ. Nhất là khi anh ấy đi làm thợ sơn tràng.
- Làm thuê cho người ta?
- Thì thế. Làm thuê cho bọn khai thác gỗ lậu. Ở vùng núi đá Đản Khao ấy. Trời, tóc anh ấy để dài đến ngang vai. Mặt tróc hết da loang loang lổ lổ như lang ben. Anh ấy kể: núi đá toàn nghiến, đinh. Nhưng một tấc gỗ là một bát máu. Vì hạ được cây gỗ rồi còn cắt, gọt, rồi bắn, cậy, bẩy chán mới ra được cửa rừng. Thế mà còn phải đến non nửa số gỗ bị kẹt trong khe đá, rơi xuống vực không lấy được. Trong rừng tối u u. Chỉ nhìn thấy hai con mắt người là sáng như mắt thú. Thảng hoặc có thấy ngưa ngứa ở chân, cúi xuống tuốt hai chân thì hai bàn tay giơ lên thấy đỏ lòe máu muỗi hút của mình. Hai bàn tay máu, chứ làm gì có đàn địch với thơ ca nữa.
- Khổ!
- Khổ lắm! Chứ còn được phát nương, cày ruộng còn là sướng. Trông anh ấy mới thấy thương. Nào người có ra người. Phiên chợ, đem gỗ ra bán, đến chơi với em. Có lúc ngượng ngập, ứa nước mắt, định nói rồi quay đi. Giờ thì đã muộn rồi. Ông trí thức lại sống với cô nông dân. Mà cái cô này nó mới gớm ghê. Nó vắt kiệt sức lực của anh ấy.
Nghe trong giọng nói của Dự thấy cả nỗi ghen tức lẫn niềm xót xa. Một cô vợ trẻ năm này sang năm khác chỉ liên tục chửa đẻ nạo hút. Ba đứa con gái ốm đau sài đẹn liên tục. Lại đèo thêm ông bố vợ tám mươi tuổi điếc lác mù lòa. Lấy cái gì mà ăn mà không đi Tây Nguyên.
Với hoàn cảnh sống ấy, Phúng không thể không đi Tây Nguyên. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, niềm tin tưởng rằng trong bất cứ sự việc nào, ở nơi sâu thẳm của nó cũng có một sự thật ít được biết tới, đã chi phối suy đoán của tôi và đã tỏ ra là đúng trong trường hợp này. Cuộc chuyển cư đi Tây Nguyên của gia đình Phúng, dẫu thế nào cũng vẫn phảng phất một cuộc viễn du tinh thần, nhằm giải tỏa một ẩn ức, và có tính chất kiếm tìm. Phúng, gã đàn ông đang tìm cách hòa giải với định mệnh.
Tháng Mười năm nay, suy đoán của tôi đã có cơ hội được kiểm nghiệm. Vì sau bao năm trời xa cách, Phúng bằng xương bằng thịt đã hiện diện ngay trước mắt tôi đây. "Phúng đây! Phúng đây, có còn nhận ra tớ không?". Nghe tiếng đập cửa và tiếng gọi, tôi vội chạy ra mở cổng, Phúng đây thật rồi. Phúng với đôi chân chạng nạng, thập thễnh đang từ cái cổng gạch nhà tôi bước vào. Một khuôn mặt xương xẩu lút trong mớ tóc xõa bạc xác. Một bên vai trĩu nặng cái túi quần áo xanh bạc cũ kỹ. Một bàn tay để ngửa, với những ngõn tay chai sần cứng queo.
Con người lạc quan là con người tự coi mình là lớn, sánh vai cùng ba cái lớn trong vũ trụ là Đạo, Trời, Đất. Sách vở nói thế. Những lá thư của Phúng tự họa mình thành một đấng bậc như thế. Còn bây giờ thì hình như không phải thế. Đã bị đánh quỵ hoàn toàn rồi. Đã gặp phải cái ngặt nghèo của hoàn cảnh. Đã biến thành một kẻ thân tàn ma dại nạn nhân của thói lãng mạn, viển vông. Đã mệt mỏi, tiêu điều cạn kiệt và bệnh tật đầy mình. Cả đến những ngón tay. Chúng như những chiếc càng cua đã chết. Chúng không đủ sức co lại để ôm chén trà tôi đưa, chứ nói gì đến đàn địch. Hèn nào mà những dòng chữ viết trong thư của Phúng cứ ríu lại nét nọ lẫn nét kia, những dòng chữ miêu tả niềm vui cao cả lớn lao.
- Ra Hà Nội từ hôm nào?
- Mới. Nhưng rời Krông Ana thì đã năm tháng rồi.
- Thế đã đi những đâu?
- Lang thang khắp. Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định. Thỉnh thoảng, gặp một đứa học trò nó mời về quê nó chơi. Rồi tạt về quê mình. à, mà cho tớ tắm cái đã rồi kiếm cái gì vào bụng đi. Tớ đói và mệt quá rồi!
Vợ tôi từ trong buồng gọi tôi vào nghe điện thoại, kỳ thực tôi vừa vào đã níu lấy tôi, thì thầm riết róng:
- Này, có phải lão Phúng ông và bà Dự hay nhắc đến đấy phải không? Rõ khiếp. Gọi cửa gì mà thô lỗ thế. Họ hàng ân huệ gì mà đòi hỏi như ông tướng ấy. Người với ngợm gì trông khiếp quá. Vừa bẩn thỉu, cô hồn lại đờ đẫn như mắc bệnh tâm thần. Còn giọng nói, có để ý không, ngọng líu rồi. Mà em báo trước, lão ấy đến nhà mình là ở lại đây ăn vạ đấy.
- Ai bảo cô thế!
- Thì bà Dự có lần đến chơi, ông đi vắng bà ấy bảo chứ ai bảo. Vợ nó bỏ rồi. Mây gió lắm. Hâm lắm. Con vợ nó có nhân tình từ hồi ông và ông ấy dạy học ở tít tít trên Xín Chải Xín Chung gì ấy cơ. Thế nên mới chuyển vào Tây Nguyên. Viển vông lắm. Con cái nó cũng không chịu được. Mà bị xuất huyết não một lần rồi đấy. Xuất huyết rồi nên người nó mới ngẩn ngơ thế. Giờ thì lang thang. Cô Dự cô ấy bảo: Thư cho cô ấy lúc nói địa chỉ là nhà một cô giáo ở Quảng Bình. Lúc địa chỉ là một bà bán cá ở chợ Rồng.
Tôi sụt hẫng cả người vì kinh ngạc và hoang mang. Nhưng nghe tiếng Phúng gọi, vội bước ra phòng khách. Vừa tắm xong Phúng đang lắc cái đầu cho nước trong tai ộc ra. Và ngồi xuống đi-văng, kéo cái túi đựng quần áo xanh bạc, bàn tay với những ngón tay cứng đơ khó nhọc lắm mới lôi ra được một cuốn vở học trò nhàu nát, quăn queo, Phúng mấp máy môi:
- Ông... ông... nghe mình đọc... một bài thơ nhé.
Hai con mắt Phúng lấp lánh như vừa được tiếp nhận một nguồn thần quang từ nơi sâu thẳm phát ra. Cặp mắt say đắm, xuất thần, ngưỡng mộ, tôn thờ, không có một dấu hiệu mệt mỏi, bệnh tật nào. Nhưng tiếng nói của Phúng thì bây giờ tôi mới nhận ra, thật sự đã ngọng nghịu hẳn rồi, nghe dài dại lắm, nên vừa dõi theo vừa phải đoán chừng. Đã vậy mỗi tiếng phát ra lại là một nỗ lực phi thường vì nó quá nặng nhọc, khiến mặt Phúng tím đỏ lên như cơn áp huyết.
- à, mà cậu... chưa biết nhỉ? - Phúng ngập ngừng khó khăn: - Tâm... nó bỏ tớ... từ lâu rồi. Tuy thế... tớ vẫn qua... lại nhà mẹ đẻ cô ấy. Phải nói... bà là... một phụ nữ tuyệt... vời... Đây này...
Mẹ vợ tôi tốt quá
Không tưởng tượng ra đâu
Chẳng bao giờ cau có
Bà yêu từ con chó
Đến con chim trên trời
Một hôm tôi về chơi.
Bà gọi gà cục cục
Con chim chào mào đực
Nó gật gật cái đầu.
Gạo bà rắc như sao
Đàn chim sà ngay xuống
. Bà nhắc tôi chạy trốn.
Chim, gà kín cả sân.
Chẳng ai có bạc tiền.
Đủ mua cảnh như thế!
Ôi! Những câu thơ chân mộc, được phát ra từ đôi môi méo, ngọn lưỡi rụt và cái thanh quản mang di chứng bệnh tật của Phúng, nghe chẳng còn rõ nữa và thế là đã bay đi như đàn chim cu hôm nào, sau khi đã thực hiện hết chức năng truyền đạt, để lại một cảm giác trống vắng đến ngẩn ngơ trong tôi. Giống như hồi nào tôi và Phúng ngơ ngẩn trong cảm xúc siêu thường tan hòa vào cái lớn lao của tự nhiên trước cây bồ kếp hình kim tự tháp vàng hiện ra như một phép mầu nhiệm có đàn chim cu cả trăm con trốn lẩn. Thì ra là vậy, chung quy con người là thế, bao giờ thì nó cũng vẫn khăng khăng một bản chất hướng thượng, thờ phụng điều cao cả trong cuộc sống qua cảm quan sáng tạo của mình, có phải thế chăng?
(*) Thơ của Trần Ngọc Phúc