PDA

View Full Version : Nhiều Xã Ăn Chặn Trắng Trợn Tiền và Hàng Cứu Trợ



violet09
03-13-2008, 05:10 PM
Nhiều Xã Ăn Chặn Trắng Trợn Tiền và Hàng Cứu Trợ


Wednesday, March 12, 2008

Căn nhà này chỉ còn tấm vách phía trước, toàn bộ phía sau đã bị sập nhưng chủ nhà không nhận được tiền hỗ trợ theo chỉ thị của huyện và tỉnh, vì không chịu chia 70% cho “tập thể cốt cán thôn Kinh Nhuận”. (Hình: báo Tiền Phong)

QUẢNG BÌNH, (NV) - Ông Ðậu Minh Ngọc, chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch vừa hứa với báo giới Việt Nam sẽ kiểm tra ngay việc nhiều xã ở huyện này ăn chặn tiền và hàng cứu trợ các nạn nhân thiên tai, đồng thời sẽ xử lý nghiêm khắc những sai phạm này.

Trên số ra ngày 12 tháng 3, tờ Tiền Phong cho biết, giống như nhiều tờ báo khác, họ đã nhận được vô số thư tố giác cán bộ nhiều xã ở huyện Quảng Trạch ăn chặn tiền, hàng cứu trợ. Ðáng lưu ý là khi tờ báo này cử phóng viên đi điều tra, các cán bộ xã ở Quảng Trạnh cùng thản nhiên thừa nhận hành vi bất lương và bất nhân này...

Trong trận lũ chưa từng có, xảy ra vào tháng 8 năm 2007, thôn Kinh Nhuận, xã Cảnh Hóa bị biến thành một ốc đảo, trơ trọi giữa biển nước. Sau lũ, thôn này có 5 gia đình bị mất nhà. Huyện Quảng Trạch và tỉnh Quảng Bình quyết định hỗ trợ cho mỗi gia đình có nhà bị sập hoặc bị lũ cuốn trôi 10 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi nhận tiền, mỗi gia đình trong số năm gia đình bị mất nhà phải “trích nộp” lại 7 triệu đồng cho “tập thể cốt cán thôn Kinh Nhuận”. Họ chỉ thực nhận 3 triệu đồng. Ông Phạm Văn Phong, một trong năm người có nhà bị sập không đồng ý với yêu cầu kể trên và vì vậy, kế toán xã Cảnh Hóa cương quyết không trao tiền hỗ trợ cho gia đình ông Phong.

Không chỉ có các gia đình mất nhà bị ép “trích nộp” 70% tiền hỗ trợ, các gia đình khác, có thiệt hại nhẹ hơn, được hỗ trợ từ 1 đến 2.5 triệu cũng bị “tập thể cốt cán thôn Kinh Nhuận” ép chia lại.

Khi được hỏi về điều này, ông Hồ Văn Pháp, trưởng thôn Kinh Nhuận, giải thích: “Ðây là do các gia đình... tự nguyện san sẻ với các gia đình khác trong thôn. Làm thế là để bù đắp thiệt hại cho công bằng”. Tuy nhiên bốn gia đình mất nhà đã nhận tiền cùng khẳng định, lãnh đạo thôn Kinh Nhuận buộc họ làm như thế, chứ không có ai tự nguyện.

Ai là người được “san sẻ” cho “công bằng”? Phóng viên tờ Tiền Phong đã điều tra và tiết lộ, đó là các thành viên trong ban cán sự thôn gồm: trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn, công an thôn, hội nông dân thôn, hội người cao tuổi thôn, Hhội phụ nữ thôn, hội cựu chiến binh thôn... Tính ra, mỗi thành viên đã nhận 680,000 đồng. Sau đó, các suất còn lại được chia cho thân thích, họ hàng của “tập thể cốt cán thôn Kinh Nhuận”.

Ông Hồ Văn Pháp, trưởng thôn và ông Phạm Trọng Cư, bí thư chi bộ thôn, thừa nhận đã chia 73 suất, mỗi suất 680,000 đồng, cho người quen, kể cả kế toán xã là Phan Ðình Phòng. Ông Phòng không chỉ nhận tiền mà còn là người bày ra cách chia chác tiền cho “tập thể cốt cán thôn Kinh Nhuận”.

Tình trạng này đã xảy ra tại nhiều xã khác ở huyện Quảng Trạch như: Quảng Minh, Quảng Trung. Ông Hồ Ngọc Sỹ, chủ tịch xã Quảng Trung thừa nhận, vợ ông và vợ của bí thư Ðảng ủy xã, vợ của phó bí thư Ðảng ủy xã, vợ của công an xã, vợ của phó chủ tịch xã là những người được ghi tên vào danh sách để giới thiệu cho Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Ðức phát tiền mặt. Tại các xã Quảng Minh và Quảng Trung, ngoài thân nhân của lãnh đạo xã, còn có hàng chục người được giới thiệu đi nhận quà là trưởng thôn, thành viên ban chấp hành hội chữ thập đỏ xã.

Tờ Tiền Phong kể rằng, theo điều tra của họ, trong số những người được xã giới thiệu là “nạn nhân thiên tai” để nhận sự hỗ trợ của Hội Sự Nghiệp Từ Thiện Minh Ðức, chỉ có 1 trường hợp là gia đình có người tàn tật, số còn lại đều không thuộc diện hộ nghèo, neo đơn, hay bệnh tật trong xã.

Cũng theo tờ Tiền Phong, việc ăn chặn tiền, hàng cứu trợ tại các xã ở huyện Quảng Trạch đang lan nhanh như “vết dầu loang”, cán bộ lãnh đạo nhiều xã hoàn toàn vô cảm trước sự khốn khổ của dân chúng, “gạt phắt” những người cần cứu giúp ra để hưởng lợi. (G.Ð)