PDA

View Full Version : Giới Blogger Việt Nam Thảo Luận Tẩy Chay Rước Ðuốc Olympics Tại Saigon



violet09
03-22-2008, 10:49 AM
Giới Blogger Việt Nam Thảo Luận Tẩy Chay Rước Ðuốc Olympics Tại Saigon


3/22/2008

Tin Saigon - Ngày 29 tháng Tư sắp tới, ngọn đuốc Olympics sẽ được đưa vào Saigon trong chương trình chạy tiếp sức đưa đuốc thiêng đi khắp thế giới. Trong khi Thế Vận Hội là một sự kiện thể thao lớn vinh danh hoà bình và tinh thần thượng võ, dư luận thế giới lại không mấy hài lòng với cách thức hành xử của Trung Cộng là nước tổ chức năm nay. Riêng tại Việt Nam, các trang blog và diễn đàn Internet kêu gọi biểu tình chống hoặc tẩy chay sự kiện ngọn đuốc được rước vào Saigon. Dư luận của các cuộc biểu tình chống Trung Cộng trong các vụ Hoàng Sa Trường Sa vẫn còn âm ỉ. Từ khoảng một tháng nay, thế giới của các blogger, của các diễn đàn trên Internet Việt Nam bàn tán sôi nổi về một sự kiện, mà dù muốn dù không, chắc chắn sẽ diễn ra tại Saigon vào ngày 29 tháng 4 này. Cuộc bàn cãi lại xôn xao hơn, kiên quyết hơn trong một tuần trở lại đây, khi chính quyền Trung Cộng thẳng tay đàn áp những người Tây Tạng biểu tình chống sự cai trị của Bắc Kinh. Căng thẳng trong vụ Tây Tạng lên cao trong khi ngày hội Olympics đang đến gần. Ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 sẽ được thắp sáng vào ngày 24 tháng Ba tại Hy Lạp, viễn du vòng quanh thế giới, đến Saigon ngày 29 tháng 4, đến Tây Tạng ngày 19 tháng 6, và kết thúc cuộc hành trình vào đúng ngày 6 tháng Tám tại Bắc Kinh, thủ đô của quốc gia tổ chức tổ chức Olympics. Nhà thơ Uyên Vũ từ Saigon đưa ra nhận định rằng rất nhiều bạn bè, blogger, văn nghệ sĩ. Mọi người đều bất mãn trước hành động như thế. Nếu ở một đất nước không xảy ra vụ Hoàng Sa Trường Sa, thì với tinh thần thể thao Olympic hoàn toàn trong sáng, vô vị lợi đáng hoan nghênh. Thế mà trong Olympic Bắc Kinh, lịch trình rước đuốc đi ngang qua các đảo này. Người dân Việt Nam xem đây là hành động tủi nhục và nghĩ Trung cộng không coi Việt Nam ra gì cả.



Trên Internet, các tác giả vừa ẩn danh vừa công khai, kêu gọi biểu tình chống việc rước đuốc hoặc tẩy chay không tham dự sự kiện ngọn đuốc Olympics đi vào Việt Nam. Tất cả bắt nguồn từ vụ tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa hai quốc gia Việt Trung. Một số diễn đàn kêu gọi sinh viên, học sinh trên toàn quốc bãi khóa vào ngày 29 tháng Tư. Có người gợi ý rằng các blog nổi tiếng trong giới Việt ngữ hãy cùng nhau phổ biến tin tức biểu tình hoặc tẩy chay. Hình thức thông tin trên Internet là điều dễ hiểu trong hoàn cảnh Việt Nam. Không một ai có thể ra mặt chính thức phản đối sự kiện này. Ngay cả trên Internet, những người đưa ra ý kiến cũng cẩn thận nhắc nhau hãy giữ lòng tin. Nhưng ngay trên mạng thế giới ảo, có những điều hoàn toàn không ảo, đó là các nhân viên an ninh mạng thuộc bộ Công An, tham gia như những blogger bình thường nhằm truy cập thông tin. Các văn nghệ sĩ và blogger trong nước hiểu rõ điều đó, nhưng họ vẫn cảm thấy phải hành động. Từ Việt Nam, nhà văn Nguyễn Viện khẳng định hành động tẩy chay vụ rước đuốc là điều cần thiết. Ông nói sau khi Trung Cộng chính thức hợp thức hoá hành chánh Hoàng Sa và Trường Sa vào Việt Nam, thì bất cứ người Việt Nam nào cũng cần phải tẩy chay Olympic Bắc Kinh chứ không nói là rước đuốc nữa. Tin cho bít Trung cộng đã in một bản đồ để phát cho du khách tham gia Olympics, trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xem các vùng hải đảo ấy như là một phần lãnh thổ của Trung Cộng. Ðiều này đã làm cho giới trí thức và giới trẻ ở Việt Nam hết sức bất mãn và đưa đến những lời kêu gọi tẩy chay này.


SBTN

violet09
03-22-2008, 10:56 AM
Một Chính Quyền Bất Xứng

Trần Bình Nam

Thời gian gần đây có ba sự việc đáng chú ý về chính quyền tại Việt Nam.

Vụ Trung quốc cưỡng chiếm Trường Sa bằng nghị quyết sát nhập rơi vào quên lãng. Và chính quyền Việt Nam đã không có một hành động nào về mặt quốc tế để chuẩn bị một cái thế cho Việt Nam bảo vệ quần đảo Trường Sa và giành lại quần đảo Hoàng Sa đã mất. Ngoài những lời tuyên bố “bạc nhược” có tính hình thức chính quyền Việt Nam đã không đưa nội vụ ra Liên hiệp quốc với những bằng chứng rằng Việt Nam có chủ quyền không thể chối cãi trên hai quần đảo Hoàng Trường Sa để nếu sau này khi Trung quốc dùng vũ lực lấn chiếm các cụm đảo Việt Nam đang trú đóng tại Trường Sa thì Việt Nam đã có sẵn một “hồ sơ” để yêu cầu quốc tế can thiệp.

Nột vụ rơi vài im lặng, một sự im lặng có lợi cho Trung quốc, vì đối với quốc tế Trung quốc có nghị quyết ngày 2/12/2007 thành lập huyện Tam Sa, trong khi Việt Nam không có một bằng chứng quốc tế nào trên giấy tờ.

Lập trường của Hà Nội được phổ biến bán chính thức qua một cuộc phỏng vấn của ông Sỹ Hoàng, một cựu đảng viên cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam ở hải ngoại (không ai biết tên thật và ông ta đang làm gì tại Canada cho chính quyền Việt Nam) phỏng vấn nguyên ủy viên Bộ chính trị Phạm Thế Duyệt, cựu chủ tịch Mặt trận Tổ quốc qua một cuộc hội thoại Palltalk trong tháng 1, 2008 người ta lờ mờ thấy rằng hình như trong vụ này có một sự thông đồng giữa Trung quốc và Việt Nam để Trung quốc ra nghị quyết chủ quyền về Hoàng Sa Trường Sa để chận đứng các dự tính của Hoa Kỳ về quần đảo Trường Sa (1).

Giả thuyết này có cơ sở nếu để ý rằng nghị quyết thành lập thành phố Tam Sa cấp huyện trực thuộc tỉnh Hải Nam của Trung quốc chưa bao giờ phổ biến chính thức (2) và chính Hà Nội đã tiết lộ sự hiện hữu của nghị quyết này để phản đối. Và trong khi phong trào sinh viên và nhân dân trong cũng như ngoài nước bùng lên phản đối Trung quốc thì chính quyền tỉnh Hải Nam thông cáo rằng họ không nhận được lệnh gì từ trung ương (Bắc Kinh) về việc thành lập thành phố mới (3). Hà Nội cũng luôn luôn tuyên bố sự hợp tác giữa Việt Nam và Trung quốc về mọi lãnh vực (kể cả lĩnh vực lãnh thổ?) đều được tính toán trên tầm chiến lược. Người ta tự hỏi tầm chiến lược này là tầm chiến lược nào để Trung quốc công khai bằng văn bản sát nhập đất đai của đất nước mình mà không mạnh mẽ phản kháng.

Nếu giả thuyết này đúng thì Việt Nam đã mắc mưu của Trung quốc, vì lộng giả thành chân Trung quốc đã nghiễm nhiên là chủ nhân của quần đảo Trường Sa. Di chúc căn dặn của vua Trần Nhân Tôn 8 thế kỷ trước đang biến thành sự thật: "Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra nơi biên ải …”

Lịch sử cũng như sự việc trước mắt cho thấy cách hành xử của chính quyền Việt Nam trong vụ Hoàng Sa Trường Sa rằng hoặc chính quyền Việt Nam quá ngây thơ hoặc đã bị những phần tử thân Trung quốc len lõi vào làm nội ứng để bán nước. Nếu một ngày nào đó nhân một cơ hội lịch sử Trung quốc chiếm Việt Nam đặt một bộ máy cai trị giống như bộ máy họ đang đặt tại Tây Tạng trong 58 năm qua thì Trung quốc cũng lập luận rằng Việt Nam vốn thống thuộc Trung quốc như bộ máy tuyên truyền của Trung quốc hôm nay đang ra rả mỗi lần nhân dân Tây Tạng đứng lên đòi độc lập .

Thứ hai là việc lo cho dân. Chương trình xuất cảng lao động nói là để xóa đói giảm nghèo đã đưa bao nhiêu thanh thiếu nữ Việt Nam ra nước ngoài hoặc theo chương trình xuất cảng lao động hoặc làm cô dâu xứ người, nhiều nhất là Mã Lai Á, Đại Hàn và Đài Loan, và một số nước ở Trung đông.

Là công dân Việt Nam ở nước ngoài đáng lẽ các thanh thiếu niên này phải được các tòa đại sứ Việt Nam tại các nước liên hệ theo dõi, săn sóc và bảo vệ khi cần thiết. Và nếu có sự việc gì xẩy đến cho họ chính quyền Việt Nam phải là người đầu tiên quan tâm can thiệp và an ủi giúp đỡ. Nhưng hình như các tòa đại sứ Việt Nam không biết có sự hiện diện của họ. Khi đến nước người họ bị ức hiếp, bị bạc đãi như những “tân nô lệ”, chính quyền Việt Nam không hề ngó ngàng tới xem như không phải việc của mình. Cho đến khi các cơ sở truyền thông lên tiếng và các hội thiện nguyện của người Việt ở nước ngoài như Ủy ban Cứu Người Vượt Biển của ông tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng (4), Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Tại Á châu (Coalition to Abolish a Modern-day Slavery in Asia - CAMSA) (5) và các đài phát thanh Việt Ngữ như đài BBC, VOA, và nhất là RFA loan tin thì bộ Ngoại giao và bộ Lao động Thương binh Xã hội Việt Nam mới bắt đầu quan tâm .

Năm 2006 khi quân đội Do Thái dội bom Lebanon, chính quyền Việt Nam có giúp đỡ hồi hương những người Việt làm lao động ở đó, nhưng chỉ làm sau khi các đài Việt ngữ quốc tế lên tiếng thăm hỏi phỏng vấn. Mới đây, gần hai trăm phụ nữ làm việc tại Jordan cho một hãng may của người Đài Loan bị chủ ép lương và không tôn trọng khế ước đã đình công phản đối và bị chủ nhân gọi cảnh sát đến đàn áp đánh đập có thương tích, ông Nguyễn Đình Thắng với tư cách thành viên của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Tại Á châu lên tiếng kêu cứu, tòa đại sứ Việt Nam tại Ai Cập theo lệnh bộ Ngoại giao Việt Nam mới cử một nhân viên ngoại (ông Trần Việt Tú) đến Jordan can thiệp.Tại Mã Lai Á, có ít nhất 120.000 công nhân nam nữ Việt Nam đang lao động. Tin tức ghi nhận trong những năm gần đây số người chết do tai nạn lao động và với những lý do không rõ ràng khác lên đến hằng trăm người, nhưng tòa đại sứ Việt Nam tại Mã Lai Á và Bộ ngoại giao Việt Nam hình như không biết có việc đó cho đến khi báo chí và các hãng thông tấn nước ngoài qua sự báo động của ông Nguyễn Đình Thắng lên tiếng mới bắt đầu mở cuộc điều tra.

Trường hợp đáng thương tâm nhất là những thiếu nữ lấy chồng người Đài Loan và Nam Hàn. Một số bị nhà chồng bạc đãi, có khi bị cả họ nhà chồng hiếp, đánh đập xem như họ được mua làm nô lệ tình dục, thậm chí có trường hợp bị giết chết. Tháng 7 năm 2006 một thiếu nữ Việt Nam 19 tuổi lấy một người chồng Đại Hàn 47 tuổi đã bị chồng đánh chết khi cô không chịu nổi sự hành hạ của chồng và đòi trở về nước. Trước một sự việc xúc động như vậy người ta vẫn không thấy tòa đại sứ Việt Nam ở Đại Hàn lên tiếng. Thậm chí trong phiên tòa xử người chồng giết vợ (12 năm tù ở) tòa đại sự Việt Nam cũng không cử đại diện đến tham dự. Khi một đài nước ngoài hỏi một vụ nghiêm trọng liên quan đến công dân nước mình như vậy sao tòa đại sứ Việt Nam lại tỏ ra lơ là như thế thì một đại diện của tòa đại sứ Việt Nam trả lời là tòa đại sứ “không được tòa án Đại Hàn thông báo.”

Các vụ việc trên cho thấy chính quyền Việt Nam do đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo không quan tâm một cách thích đáng đến công dân nước mình ở nước ngoài. Sự vô cảm này là một thái độ vô trách nhiệm khó hiểu, vì ngay các chế độ độc tài trên thế giới dù rất tàn bạo trong nước cũng từng tỏ ra mạnh dạn can thiệp và bênh vực khi công dân của họ bị ức hiếp ở nước ngoài. Tại sao có trường hợp bất xứng như vậy? Chỉ có một cách giải thích là các giới chức Việt Nam đã cấu kết ăn chia với các công ty xuất cảng lao động và các công ty làm trung gian giới thiệu thiếu nữ Việt Nam lập gia đình với người nước ngoài và nay bị bịt miệng để việc làm ăn được trót lọt .

Điều bất xứng khác là động thái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công du mấy nước Âu châu đầu tháng 3/2008. Tại Anh ngày 5 tháng 3 khi trả lời một cuộc phỏng vấn của phóng viên Humphrey Hawksley thuộc quốc tế vụ của đài BBC, ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố báo chí Việt Nam được hoàn toàn tự do. Trả lời câu hỏi: “Việt Nam đã được ngân hàng thế giới đề cao trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cũng như là ổn định thì liệu có cần kiểm soát báo chí và giam giữ những người bất đồng chính kiến hay không?” ông Nguyễn Tấn Dũng trả lời:

“Việt Nam chúng tôi có luật báo chí, chúng tôi chỉ yêu cầu báo chí thực hiện theo đúng như luật báo chí của Việt Nam. Có thể nói ở Việt Nam có một cái tự do báo chí rất tốt. Chúng tôi chỉ ‘yêu cầu’ tất cả báo chí làm theo đúng luật pháp mà đã hiện hành ở Việt Nam. Có lẽ ngài cũng biết là không phải là nhiều nước có luật báo chí. Luật báo chí của Việt Nam là một luật báo chí rất cởi mở. Nhiều nhà lãnh đạo của các nước gặp tôi cũng đều nói với tôi rằng Việt Nam có luật báo chí có thể nói rất là thông thoáng mà ngay nước họ cũng không có.”

Nội dung trả lời của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu lộ ông là một con người cộng sản chân chính là nói dối mà không biết ngượng. Phóng viên Humphrey Hawksley biết và cả thế giới đều biết chính quyền Việt Nam là một trong những chính quyền chà đạp quyền tự do ngôn luận mạnh tay nhất trên thế giới. Hơn 600 tờ báo tại Việt Nam đều nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng cộng sản Việt Nam và toàn đăng những tin tức dối gạt dư luận cho hợp đường lối của đảng. Tự do ngôn luận tại Việt Nam đã được nhà báo Đào Hiếu, một đảng viên cộng sản nay đang phục vụ tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ, miêu tả trong cuốn tự truyện “Lạc đường” của ông như sau: “… nghe cái gì cũng trái, con mắt nhìn cái gì cũng thấy có gai. Tôi đi chùa tập thiền trong gần một năm, học theo Nam Tông, đọc Trung Bộ kinh, Bát chánh Đạo, luyện Tứ Niệm xứ… nhưng mỗi sáng giở tờ báo ra, đọc vài cái tít lớn là vứt đi vì ngày nào cũng tràn ngập chuyện vớ vẩn, chuyện tham ô, chuyện lừa đảo. Viết lách thì như bồi bút. Buổi tối bật tivi lên. Lại nói dối. … Lại trái cái lỗ tai. Không thể nhĩ thuận được, bèn đi học thiền.” (6)

Sự nói dối trắng trợn của ông Dũng có lẽ là nguyên nhân tại sao báo chí các nước Âu châu (đặc biệt ở Anh và Đức) không viết bài tường thuật đầy đủ chuyến đi của ông như họ thường làm đối với các chuyến công du của một vị thủ tướng các nước khác. Chuyến đi của ông được báo Anh và Đức đăng như tin ngoài lề. Tài nói dối không biết ngượng của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm mất uy tín quốc gia.

Nhiệm vụ tối thiểu của bất cứ một chính quyền nào - kể cả những chính quyền độc tài - là bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ sự an toàn cho công dân trong cũng như ngoài nước và sau cùng bảo vệ uy tín của quốc gia trước cộng đồng thế giới.

Chính quyền Việt Nam trong tay đảng cộng sản Việt Nam qua việc không làm tròn nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ; qua việc bỏ bê công dân đi lao động hoặc đi lấy chồng ở nước ngoài; và sau cùng làm mất uy tín quốc gia bằng những thủ đoạn dối trá dấu đầu lòi đuôi như những lời tuyên bố ngồi xổm trên sự thật của ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Anh quốc về chính sách đối với báo chí chứng tỏ chính quyền Việt Nam hiện nay là một chính quyền bất xứng.

Một chính quyền bất xứng không có chỗ đứng trong lòng nhân dân và không đáng tồn tại. Nó chỉ còn tồn tại nhờ bạo lực của súng đạn và nhà tù.

Trần Bình Nam, 20-3-2008

violet09
03-22-2008, 12:32 PM
Giới Blogger Việt Nam thảo luận tẩy chay rước đuốc Olympics tại Sài Gòn

2008.03.21

Thiện Giao, phóng viên đài Á Châu Tự Do

Ngày 29 tháng Tư sắp tới, ngọn đuốc Olympics sẽ được đưa vào Sài Gòn trong chương trình chạy tiếp sức đưa đuốc thiêng đi khắp thế giới.

Sinh viên thanh niên VN tập trung trước Nhà Hát Thành Phố sáng 19-1, mang theo các biểu ngữ phản đối Trung Quốc xâm chiếm Việt Nam và kêu gọi tẩy chay Olympics Bắc Kinh. Photo courtesy of Diễn Đàn x-cafevn.
Trong khi Thế Vận Hội là một sự kiện thể thao lớn vinh danh hoà bình và tinh thần thượng võ, dư luận thế giới lại không mấy hài lòng với cách thức hành xử của Trung Quốc, là nước đăng cai năm nay.

Riêng tại Việt Nam, các trang blog và diễn đàn Internet kêu gọi biểu tình chống, hoặc tẩy chay sự kiện ngọn đuốc được rước vào Sài Gòn. Dư luận của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong các vụ Hoàng Sa, Trường Sa, rõ ràng, vẫn còn âm ỉ.


Bàn tán sôi nổi

Từ khoảng một tháng nay, thế giới của các blogger, của các diễn đàn trên Internet Việt Nam bàn tán sôi nổi về một sự kiện, mà, dù muốn dù không, chắc chắn sẽ diễn ra tại Sài Gòn vào ngày 29 tháng Tư này.

Cuộc bàn cãi lại xôn xao hơn, kiên quyết hơn, trong một tuần trở lại đây, khi chính quyền Trung Quốc thẳng tay đàn áp những người Tây Tạng biểu tình chống sự cai trị của Bắc Kinh. Căng thẳng trong vụ Tây Tạng lên cao, trong khi ngày hội Olympics đang đến gần.

Ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 sẽ được thắp sáng vào ngày 24 tháng Ba tại Hy Lạp, viễn du vòng quanh thế giới, đến Sài Gòn ngày 29 tháng Tư, vào Tây Tạng ngày 19 tháng Sáu, và kết thúc cuộc hành trình vào đúng ngày 6 tháng Tám tại Bắc Kinh, thủ đô của quốc gia đăng cai tổ chức Olympics.

Nhà thơ Uyên Vũ, từ Sài Gòn, đưa ra nhận định:

“Tôi có trao đổi với một số người, bạn bè, blogger, văn nghệ sĩ. Mọi người đều bức xúc trước hành động như thế. Nếu ở một đất nước không xảy ra vụ Hoàng Sa, Trường Sa, thì với tinh thần thể thao Olympic hoàn toàn trong sáng, vô vị lợi đáng hoan nghênh.

Thế mà trong Olympic Bắc Kinh, lịch trình rước đuốc đi ngang qua các đảo này. Tôi và những người tôi nói chuyện đều cho đây là hành động tủi nhục. Và chúng tôi nghĩ họ không coi Việt Nam ra gì cả.”

“Về vấn đề rước đuốc Olympic Bắc Kinh vào thành phố Hồ Chí Minh, sau khi Trung Quốc chính thức hợp thức hoá hành chánh Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Trung Quốc, thì bất cứ người Việt Nam nào cũng cần phải tẩy chay Olympic Bắc Kinh chứ không nói là rước đuốc nữa. Tôi cho rằng đây là một hành động nhục nhã.”

Nhà văn Nguyễn Viện

Biểu tình chống Trung Quốc

Trên Internet, các tác giả, vừa ẩn danh, vừa công khai, kêu gọi biểu tình chống việc rước đuốc hoặc tẩy chay không tham dự sự kiện ngọn đuốc Olympics đi vào Việt Nam. Tất cả bắt nguồn từ vụ tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa hai quốc gia Việt – Trung.

Một số diễn đàn kêu gọi sinh viên, học sinh trên toàn quốc bãi khoá vào ngày 29 tháng Tư. Có người gợi ý rằng, các blog nổi tiếng trong giới Việt ngữ hãy cùng nhau phổ biến tin tức biểu tình hoặc tẩy chay.

Hình thức thông tin trên Internet là điều dễ hiểu trong hoàn cảnh Việt Nam. Không một ai có thể ra mặt chính thức phản đối sự kiện này. Ngay cả trên Internet, những người đưa ra ý kiến cũng cẩn thận nhắc nhau, hãy giữ lấy “lòng tin” và “cách xây dựng lòng tin.”

Nhưng ngay trên mạng thế giới ảo, có những điều hoàn toàn không ảo, đó là các nhân viên an ninh mạng thuộc bộ Công An, tham gia như những blogger bình thường nhằm truy cập thông tin. Các văn nghệ sĩ, blogger trong nước hiểu rõ điều đó, nhưng họ vẫn cảm thấy phải hành động.

Từ Việt Nam, nhà văn Nguyễn Viện khẳng định, trong bối cảnh tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, hành động tẩy chay vụ rước đuốc là điều cần thiết:

“Về vấn đề rước đuốc Olympic Bắc Kinh vào thành phố Hồ Chí Minh, sau khi Trung Quốc chính thức hợp thức hoá hành chánh Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào Trung Quốc, thì bất cứ người Việt Nam nào cũng cần phải tẩy chay Olympic Bắc Kinh chứ không nói là rước đuốc nữa. Tôi cho rằng đây là một hành động nhục nhã.”


Hành trình đuốc Olympic tại Sài Gòn

Thông tin trên mạng cho biết hành trình rước đuốc tại Sài Gòn vào ngày 29 tháng Tư như sau: Bắt đầu lúc 4 giờ chiều, hành trình kéo dài 15km với điểm xuất phát là đường Nguyễn Tất Thành, đi qua Cầu Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nguyễn Hữu Thọ, Cầu Kinh Tẻ, Khánh Hội, Hoàng Diệu, Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Đồng Khởi và kết thúc lúc 7 giờ tối cùng ngày trước nhà hát Thành Phố.

Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, sinh sống tại Sài Gòn, phát biểu rằng, nhất thiết, người Việt Nam phải có thái độ phản kháng:

“Mình có bài bác thì cũng như không. Quan niệm phản kháng thì nên có, còn hành động, như mình thấy trong thời gian qua, Cộng Sản họ không chấp nhận đâu.”

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ:


Olympics, một sự kiện thể thao mang tầm vóc quốc tế, thường bị chi phối bởi các yếu tố chính trị. AFP PHOTO.
“Tinh thần thượng võ chỉ tồn tại khi người ta có thể cư xử với nhau trên tinh thần thượng võ. Olympic là tinh thần thượng võ, và không có lý do gì chúng ta lại đi ủng hộ một quốc gia tổ chức mà họ không thể hiện tinh thần thượng võ, hoà bình đó.”


Đuốc Olympics sẽ đi qua Hoàng Sa?

Dư luận Việt Nam hiện đang xôn xao về một tin đồn, rằng ngọn đuốc Olympics, vào một thời điểm nào đó trong hành trình đi qua các quốc gia, sẽ ghé đến, hoặc đi ngang qua khu vực Hoàng Sa đang là điểm tranh chấp của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trên thực tế, thông tin chính thức của Olympics Bắc Kinh cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa không hề là điểm dừng chân của ngọn đuốc. Tuy nhiên, theo thông tin từ một nguồn khả tín, đã được kiểm chứng, là bản đồ Trung Quốc, được in để phát cho du khách tham gia Olympics, có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xem các vùng hải đảo ấy như là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Thể thao, đặc biệt là tinh thần thượng võ Olympics được nhìn nhận ra sao trong hình ảnh của nước chủ nhà Trung Quốc? Nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, bộc bạch:

“Có một quan điểm thế này, tôi thấy hơi lạ. Thể thao sẽ dẫn dắt những chuyện khác, sẽ thay đổi cách nhìn của chính quyền Trung Quốc. Tôi nghĩ chẳng ăn nhập gì đâu.

Cộng Sản có hay không có thể thao, mọi chuyện đều không đổi. Ngày xưa có “ngoại giao bóng bàn,” nay Bình Nhưỡng có “ngoại giao âm nhạc.”


Olympics và chính trị

Việc tẩy chay không phải là hiếm trong lịch sử Olympics thế giới. Trong một bài viết cách đây ít lâu, nhà báo Đinh Từ Thức đã dẫn ra vài cuộc tẩy chay. Chẳng hạn, Thế vận 1956 tại Australia: Các nước Ai Cập, Lebanon, và Iraq tẩy chay vì Anh, Pháp đổ bộ Kênh Suez. Các nước Tây Ban Nha, Hoà Lan và Thụy Sĩ tẩy chay vì Liên Xô đàn áp Hungary. Trung Cộng tẩy chay vì sự hiện diện của Đài Loan.

Thế vận hội 1980 tại Moscow, Liên Xô: Hoa Kỳ tẩy chay vì Liên Xô xâm lăng Afghanistan năm 1979. Thế vận hội 1984 tại Los Angeles, Hoa Kỳ: Liên Xô tẩy chay để trả đũa Mỹ về kỳ trước. Nhưng lý do chính thức được nêu ra là "quan tâm về sự an nguy của các lực sĩ tới một môi trường chống cộng."

Tuy nhiên, theo bài báo của ông Đinh Từ Thức, cuộc tẩy chay hồi năm 1936 trong Thế Vận Hội Berlin lại có nhiều điểm tương đồng hơn cả đối với Bắc Kinh 2008.

Bài báo viết, chính sách kỳ thị chủng tộc của Quốc xã khiến dư luận quốc tế công phẫn. Phong trào tẩy chay bùng nổ tại nhiều nước Âu châu, như Anh, Pháp, Thụy Điển, Tiệp Khắc và Hòa Lan, kêu gọi dời địa điểm Thế vận hội tới một nước khác. Thậm chí, một dự án gọi là “Thế Vận Nhân Dân” đã ra đời, tổ chức một Thế vận hội khác tại Tây Ban Nha, cũng vào mùa hè 1936, để đối đầu với Bá Linh 1936. Dự án không thành vì nội chiến Tây Ban Nha.

Năm nay, Olympics Bắc Kinh đang đối mặt với phong trào tẩy chay rất cao. Lý do tẩy chay cũng khá giống, là về dân chủ và nhân quyền. Nổi bật hơn cả là vụ diệt chủng tại Darfur, Sudan.

Mới đây, đạo diễn điện ảnh Steven Spielberg, sau một thời gian ngắn nhận lời làm cố vấn nghệ thuật cho lễ khai mạc Thế Vận Hội, đã tuyên bố rút lui, vì Trung Quốc đã không làm hơn nữa để chấm dứt nạn diệt chủng ở Darfur.

Thái độ tẩy chay của Spielberg đã gây chấn động dư luận thế giới, và khiến Bắc Kinh lên tiếng ngỏ ý tiếc. Dư âm chưa dứt, thì tiếp theo là cuộc đàn áp tàn bạo của chính quyền Trung Quốc đối với các cuộc biểu tình của người dân và tăng sĩ Tây Tạng.

Sài Gòn, cuối tháng Tư này chắc hẳn rất nóng. Không chỉ vì khí hậu, không chỉ vì ngọn đuốc Olympics, mà còn vì dư âm các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong vụ Hoàng Sa – Trường Sa vẫn còn âm ỉ trong giới thanh niên Việt Nam.

Tiếng Việt

violet09
03-22-2008, 03:39 PM
Hãy tiếp tay phổ biến gấp đến kẻ cầm cây đuốc bán nước!!!!

Xin kêu gọi các bạn:

Hãy copy bài viết dưới đây và gởi đến cho 6 người đã nhận lời cầm cây đuốc bán nước chạy:

16:00 đến 19:00, 29/4/2008

15km từ đường Nguyễn Tất Thành,
- Cầu Tân ThuậnHuỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh
- Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ
- Cầu Kinh Tẻ, Khánh Hội, Hoàng Diệu
-Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Đồng Khởi .

Kết thúc trước Nhà hát Thành phố lúc 19:00.

Sau đây là 6 người nhận lời cầm cây đuốc bán nước chạy:

1-Lê Minh Phiếu, luật sư (leminhphieu@yahoo.com)
2-Nguyễn Chiến Thắng, giải cuộc thi trí tuệ Việt Nam 2004
3- Phạm Thị Huệ, tuyên truyền vien HIV-AIDS
4-Trương Gia Bình, doanh nhân
5-Mỹ Tâm, ca sĩ
6-Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, sinh viên tin học

Hãy post bài VÌ QUỐC VẬN, PHẢI TẨY CHAY THẾ VẬN lên càng nhiều diễn đàn càng tốt, để tạo dư luận việc cầm cây đuốc bán nước chạy là hành động bán nước hèn hạ! Để sau này họ, những người cầm cây đuốc bán nước chạy, có bị người đời nguyền rủa thì họ cũng không thể nói là họ vô tư không biết gì!

VÌ QUỐC VẬN, PHẢI TẨY CHAY THẾ VẬN

Chưa đầy 5 tháng nữa, hoạt động thể thao lớn nhất hành tinh sẽ khai diễn ở Bắc Kinh.

Từ nhiều năm trước, chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực trên nhiều mặt nhằm quảng bá cho một đất nước đang dẫn đầu thế giới CS, với dân số đông nhất hành tinh.

Những vận động trường tầm cỡ, kèm theo là các công trình phụ trợ được hối hả dựng lên.

Người dân Bắc Kinh được khuyến cáo học thêm Anh ngữ, học cách giao tiếp và ứng xử cho phù hợp.

Ngay cả ngày khai mạc cũng được chọn để gây ấn tượng cho tâm lý và tín ngưỡng của người Á Đông: 08.08.08

Vạn sự tưởng chừng trơn tru tốt đẹp, bỗng nhiên Bắc Kinh nhận ra rằng: con tàu Thế Vận do mình làm đầu kéo năm nay phải chạy trên những quãng đường dằn xóc ghê gớm trước khi về đến ga cuối.

Phản Ứng Của Quốc Tế

Cú xóc đầu tiên đến từ đảo quốc lân cận. Khi phát giác hành trình của ngọn đuốc sẽ đi ngang qua Đài Loan, chính quyền ở đây đã phản ứng rất kiên quyết. Bản tin trên tờ The Wall Street Journal (13/03/2008) nói rằng, chính quyền Đài Loan đã dứt khoát từ chối không cho ngọn đuốc Thế Vận 2008 được phép đi vào bán đảo Đài Loan. Đơn giản chỉ vì họ không muốn thế giới hiểu rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Cộng.

Cú dằn dữ dội hơn đến từ vùng đất được mệnh danh là “Nóc nhà của thế giới”. Dân tộc Tây Tạng chưa hề bị đồng hóa, và hơn bao giờ hết họ đang bày tỏ khao khát giành độc lập. Ngoài việc rước ngọn đuốc Tự do cho Tây Tạng xuất phát từ đỉnh Olympia để chạy song song với đuốc Thế Vận 2008, người Tạng khắp nơi trên thế giới đồng loạt đứng lên đòi độc lập. Từng đoàn người đi bộ từ Ấn Độ băng qua biên giới để đến Tây Tạng, lên tiếng phản đối chính sách cai trị mà Trung Quốc đang áp đặt lên quê hương mình. Bạo động bùng phát tại thủ đô Lhasa, Bắc Kinh phải sử dụng đến quân đội và ban hành lệnh thiết quân luật. Súng đã nổ và máu của những người đòi độc lập lại đổ trên đường phố Lhasa.

Thế giới tự do đổ dồn ánh mắt quan ngại về Trung Quốc. Nhiều quốc gia đã lên tiếng kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội 2008. Trong đó, nhiều nước tố cáo vai trò hậu thuẫn của Bắc Kinh cho chế độ diệt chủng ở Darfur.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ, bà Nancy Pelosi, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án vụ đàn áp của Trung Quốc nhắm vào những người biểu tình chống chính phủ ở Tây Tạng, và nói rằng vụ xung đột này là một thách thức đối với lương tâm của nhân loại.

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới kêu gọi các giới chức chính trị tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh để phản đối việc nhà cầm quyền Trung Quốc đàn áp những người biểu tình tại Tây Tạng.

Ngoài ra, các nhân vật nổi tiếng cũng bày tỏ sự bất mãn trước các ứng xử của Bắc Kinh.

Đầu tiên là sự rút lui của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg vào tháng 2/2008. Mặc dầu trước đó ông đã nhận làm cố vấn nghệ thuật cho buổi lễ khai mạc và bế mạc, nhưng ông ta cho rằng Trung Quốc chưa tỏ rõ thiện chí để chấm dứt đổ máu tại Darfur. Bắc Kinh vẫn tiếp tục mua dầu hỏa của Sudan và cung cấp phần lớn vũ khí cho cuộc xung đột tại Darfur.

Rồi Hoàng Tử Charles cũng tuyên bố không tham dự. Ông ủng hộ vị lãnh đạo tinh thần Dalai Lama, người đang sống lưu vong kể từ cuộc nổi dậy chống Trung Quốc bất thành vào năm 1959.

Tại một buổi trình diễn ở Thượng Hải hồi đầu tháng 3/2008, nữ ca sĩ Bjork của Iceland đã hô to 'Tây Tạng’,Tây Tạng’ nhiều lần vào lúc trình diễn ca khúc có tựa là ‘Tuyên bố Độc lập.’ Bộ Văn hóa Trung Quốc đã nổi giận và thông báo sẽ siết chặt kiểm soát đối với những buổi trình diễn và các ca sĩ nước ngoài.

Theo DCVOnline, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên trên thế giới tuyên bố sẽ không đến dự khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh vào mùa hè năm nay để phản đối Trung Quốc đàn áp nhân dân Tây Tạng.

Thái độ của thanh niên và trí thức Việt Nam

Không lường trước được những rắc rối kể trên, và nhất là quá tin tưởng vào khả năng cai trị của người đồng chí CSVN, Bắc Kinh đã đi một nước cờ sai lầm vào cuối năm 2007. Ra tuyên bố Tam Sa để sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa, dự định nhân dịp Thế Vận Hội sẽ giới thiệu bản đồ vùng lãnh hải mới cho thế giới. Những tưởng rằng Lê Dũng chỉ đọc lời “cực lực phản đối” qua loa lấy lệ như những lần trước, rồi sóng biển Đông sẽ nhấn chìm tất cả.

Điều Bắc Kinh không ngờ đến là thanh niên và trí thức Việt Nam đâu còn cam chịu khoanh tay, nhắm mắt ngoan ngoãn tin vào hơn 700 cơ quan ngôn luận trong nước nhất tề bưng bít sự thật.

Hai cuộc biểu tình trước Đại sứ quán TQ ở Hà nội và Lãnh sự quán TQ ở Sài gòn vào sáng Chủ nhật 9/12/2007 như một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt chính quyền Bắc Kinh. Hà nội lâm vào thế “trên đe dưới búa”. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao TQ nói gần nói xa: “Chúng tôi nhận thấy các tuyên bố khác nhau của Việt Nam trong các thời điểm lịch sử khác nhau…”

Điều Hà nội muốn giấu kín suốt 50 năm có nguy cơ đổ bể. Vì thế, trong các đợt biểu tình kế tiếp, quân đội, công an và mật vụ được huy động tối đa. Những người biểu tình ôn hòa để phản đối quân xâm lược ngơ ngác nhìn phản ứng của chính quyền, có người hoài nghi: “Công an và quân đội của Việt Nam hay là của Trung Quốc?”

Niềm tin của tầng lớp trí thức đối với chính quyền tuột dốc thê thảm. Những người trước đây không thèm quan tâm gì đến chính trị, bây giờ cũng không thể nhịn được cơn phẫn uất. Qua các diễn đàn trên mạng lưới Internet, họ không ngần ngại gọi đám lãnh đạo CSVN là những kẻ “dâng đất nhượng biển, bán nước cầu vinh”…

Không khí phản đối TQ lại được hâm nóng trở lại khi chính quyền Việt Nam trơ trẽn ủng hộ và tiến hành tổ chức đón ngọn đuốc Beijing 2008, theo lịch trình sẽ đến Sài gòn vào ngày 29/4/2008.

Biểu tình phản đối ngọn đuốc của quân xâm lược rước qua lãnh thổ Việt Nam là điều cần thiết, vì các lý do sau:


Chứng tỏ cho Bắc Kinh thấy rằng người Việt Nam không dễ dàng chịu khuất phục trước âm mưu xâm lấn lãnh thổ, dù nó được thực hiện tinh vi dưới bất kỳ hình thức nào.

Cơ hội bày tỏ chánh nghĩa cho toàn thế giới, qua đó đặt áp lực lên nhà cầm quyền Trung Quốc về chính sách đối ngoại dựa trên vị thế nước lớn của họ.

Cuộc biểu tình cần phải quy mô nhằm tạo được tiếng vang lớn. Chưa thể lấy lại Hoàng Sa, nhưng cần phải có dấu mốc để duy trì quyết tâm, tránh để bị nhấn chìm vào quên lãng như tình trạng 34 năm qua.

Làm thế nào để mỗi khi binh lính TQ muốn xả súng vào thường dân Việt Nam trên biển Đông, họ phải e dè hơn!
Không ái ngại cho những kẻ cam tâm cầm đuốc chạy theo vết xe đổ của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
Chỉ day dứt: Làm sao cảnh cáo được kẻ gây ra tội ác, khi ngọn lửa bạo tàn của nó vẫn cháy ngang ngược trên đầu người bị hại?