PDA

View Full Version : DĐ - Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô: Những chế độ bách hại tôn giáo



Dan Lee
03-22-2008, 01:38 PM
Đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô: Bản cáo trạng dành cho những chế độ bách hại tôn giáo

Khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô đi đàng Thánh Giá tại hí trường Côlôsêô ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, ngài sẽ không chỉ lần theo dấu những đau khổ của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng còn là những khổ đau của Giáo Hội Chúa trên trần gian, cách riêng Giáo Hội của Chúa tại Hoa Lục.

Suy niệm trong 14 chặng đàng Thánh Giá năm nay đã được viết bởi Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, Giám Mục Hồng Kông. Trong lời nói đầu, vị Hồng Y 76 tuổi này cho biết khi được Đức Thánh Cha yêu cầu ngài viết bài suy niệm cho 14 chặng đàng Thánh Giá năm nay, “Tôi đã không chút ngần ngại nhận lãnh công việc này”.

“Tôi nhận ra rằng đó là cách thức mà Đức Thánh Cha diễn đạt ưu tư cá nhân ngài về Lục Địa Á Châu bao la, và cách riêng hành động long trọng này bao gồm tình thương cảm Kitô Giáo đối với người tín hữu tại Trung Hoa. Đức Giáo Hoàng muốn tôi mang tiếng nói của anh chị em ở xa xăm đến hí trường Côlôsêô này”.

Trong 14 chặng đàng Thánh Giá năm nay, theo dấu vết những đau khổ mà Chúa Giêsu đã phải gánh chịu trong cuộc Thương Khó, người ta cũng thấy được tình trạng thiếu tự do tôn giáo và bất công gây ra bởi nhà nước cộng sản, sự phản bội của những “Giuđa bán Chúa”, đau thương của những tín hữu bị bách hại, hy vọng và vinh quang của các tín hữu, những người trung tín dù phải trả giá đắt cho niềm tin của mình. Tắt một lời, như nhận định của thông tấn xã Công Giáo Asia-News, toàn bộ thực tại của Giáo Hội tại Trung Hoa đã được gói gọn trong 14 chặng đàng Thánh Giá năm nay.

Trong lời nguyện mở đầu, Đức Hồng Y Quân viết rằng Đàng Thánh Giá kết hợp các tín hữu trong việc kính nhớ “những tôi tớ của Chúa, những người vì lòng trung tín của mình, đã bị phanh thây xẻ thịt nơi đây, trong nhiều thế kỷ đã qua giữa những tiếng gầm thét của đàn sư tử đói và tiếng kêu gào của khán giả”.

“Côlôsêô đã được nhân thành nhiều phiên bản qua biết bao thế kỷ, bất cứ nơi nào anh chị em chúng ta, trong những miền khác nhau của thế giới, tiếp tục bị bách hại tàn tệ, cuộc Thương Khó của của Chúa Kitô bị kéo dài thêm. Cùng với những anh chị em bị bách hại trên trên thế giới này, chúng ta hãy bắt đầu cuộc hành trình trên đường Thương Khó với niềm xúc động sâu xa, trên con đường Chúa đã từng đi qua với một lòng đầy yêu thương”.

Tiếng kêu Trung Hoa

Bài suy niệm của Đức Hồng Y Quân không theo trình tự thông thường trong việc suy niệm Đàng Thánh Giá.

Chặng thứ nhất được dành kính nhớ Chúa Giêsu chịu đau khổ trên núi Cây Dầu, và ngay tại đó, Đức Hồng Y đã để cho tiếng kêu của người Trung Hoa được lắng nghe tại Côlôsêô, cùng với tiếng kêu than của những tín hữu Kitô bị bách hại.

“Trong Lá Thư gởi người Công Giáo tại Trung Hoa, Đức Thánh Cha Bênêđíctô đã nhắc lại thị kiến của Thánh Gioan trong sách Khải Huyền khi vị tông đồ rơi lệ trước cuốn sách không thể mở được của lịch sử nhân loại, 'mysterium iniquitatis.' (mầu nhiệm sự gian tà). Chỉ có Chiên con bị sát tế mới mở được dấu ấn. Trong nhiều miền trên thế giới, Hiền Thê của Đức Kitô đang trải qua những giờ phút đen tối của bách hại... Xin cho chúng ta hãy tỉnh thức và hãy đồng hành với Hiền Thê của Đức Kitô trong lời cầu nguyện của chúng ta”.

Nơi chặng thứ Năm, Chúa Giêsu bị Philatô xét xử.

“Philatô dường như đầy quyền uy. Ông ta ở vị thế cầm trong tay sự sống chết của Chúa Giêsu. Ông ta nhạo cười cái tước hiệu ‘Vua dân Do Thái’. Nhưng thực ra, ông ta rất yếu, bị nhiều xâu xé và phải cúi đầu tuân phục. Ông ta sợ Đại Đế Tibêriô, ông ta sợ cả người dân, ông ta sợ các thượng tế dù trong lòng khinh miệt những kẻ ấy. Ông ta trao Chúa Giêsu để đem đi đóng đinh dù biết Ngài là người vô tội”.

“Trong cố gắng tuyệt vọng để cứu Chúa Giêsu, ông ta cuối cùng đã phải tha cho một tên tử tội. Ông ta tìm cách rửa tay dính đầy máu người vô tội trong tuyệt vọng. Philatô là hình ảnh của tất cả những kẻ dùng thẩm quyền của mình như một khí cụ đạt đến quyền lực bất chấp công lý”.

Tra tấn

Trong chặng thứ Sáu, Chúa Giêsu bị đánh đòn và chịu đội mão gai. Đức Hồng Y đã dùng hình ảnh này để hướng cộng đoàn tại Côlôsêô đến những tra tấn dã man người Kitô hữu phải gánh chịu tại các nước cộng sản.

“Đánh đòn ngày nay là một sự trừng phạt tàn bạo. Roi dã man của người La Mã đã xé nát thịt da của con người. Và mão gai bên cạnh gây ra những đau đớn nhức nhối cũng là một sự sỉ nhục vương quyền chí thánh của Chúa Giêsu. Những hình thức tra tấn ngày nay tiếp tục xuất hiện từ tâm can tàn bạo của con người – và những hình thức tra tấn tâm lý cũng không kém dã man so với những hình thức tra tấn thể lý. Và quá thường chính những nạn nhân sau này đến lượt họ lại là những người tra khảo”

“Có phải những khổ đau này đều là vô nghĩa? Không Chúa Giêsu tiếp tục gom lại những khổ đau này và thánh hóa đủ loại khổ đau của những người đau yếu, những ai chết trong gian lao, những ai bị phân biệt đối xử; nhưng những đau khổ nổi bật hơn hết là những khổ đau vì danh Ngài”.

“Qua đau khổ của các vị tử đạo, Giáo Hội được chúc phúc; xin cho máu của các vị là hạt giống cho những người Kitô hữu mới. Chúng ta mạnh mẽ tin rằng những đau khổ của họ, ngay cả trong lúc bị coi là thất bại hoàn toàn sẽ là vinh quang thực sự cho Giáo Hội của Người”.

Gần gũi với Chúa Giêsu

Trong chặng thứ 11, Chúa Giêsu hứa thiên đàng cho người trộm lành. Điều này vang lên một niềm hy vọng.

“Người trộm này là kẻ gian ác. Anh ta tiêu biểu cho những người làm chuyện xấu xa, nói thẳng ra là tất cả chúng ta. Anh ta có may mắn là được gần Chúa Giêsu trong giây phút cuối đời, nhưng cả chúng ta, chúng ta cũng có cái may mắn đó. Cũng như anh, chúng ta hãy kêu lên: Lạy Chúa, xin nhớ đến con, khi Chúa về vương quốc của Chúa. Chúng ta cũng sẽ được Chúa đáp lại như đã đáp lại anh trộm lành”.

Khi chúng ta đi đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, xin Chúa giúp chúng ta không những lần theo dấu những đau khổ của Chúa Giêsu, mà còn là những khổ đau của Giáo Hội Chúa trên trần gian, cách riêng Giáo Hội của Ngài tại quê hương Việt Nam thân yêu.

Đặng Tự Do