PDA

View Full Version : M - Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần



Dan Lee
03-25-2008, 10:04 AM
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (27)

261. Nhà vô địch xe đạp với Chúa Kitô

Tay đua xe đạp Eddy Merckx, người Bỉ, là một nhà siêu vô địch nổi tiếng thế giới với 4 lần đoạt giải Tour de France (Vòng Quanh Nước Pháp).

Được Đài Phát Thanh Vatican phỏng vấn, anh trả lời như sau.

- “Xin anh cho biết anh có tin Đức Kitô không?”

- “Đức Kitô luôn luôn hiện diện trong cả đời tôi. Tôi tin Ngài một cách sâu xa. Ngài có thật trong lịch sử. Ngài là Thiên Chúa.”

- “Có phải Ngài là nhân vật vĩ đại nhất lịch sử không?”

- “Không, không thể đem so sánh Ngài với các nhân vật khác. Ngài là Con Thiên Chúa. So sánh là vô lý… Nếu tiếng tăm của tôi có thể giúp cho Đạo Chúa được biết nhiều hơn, thì tôi sẵn sàng đi làm tông đồ bằng xe đạp trên khắp thế giới.”

262. “Vì tôi là một người lính công giáo.”

Người công giáo là người cầu nguyện luôn: cái gì, người công giáo cũng có thể bỏ được, nhưng sự cầu nguyện, thì người công giáo không bao giờ bỏ.

Khi đi quan sát mặt trận, một vị tướng kia nghe tiếng cầu nguyện của một người lính trẻ đang bị thương, nằm quằn quại. Vị tướng hỏi tại sao đau như vậy mà vẫn cầu nguyện, người lính trẻ bị thương trả lời:

- “Kính thưa đại tướng, hôm qua, khi lâm trận, tôi vừa chiến đấu vừa cầu nguyện. Giờ đây, bị thương, tôi không còn lâm trận nữa, nhưng tôi vẫn cầu nguyện vì tôi không phải là một người lính thường, nhưng vì tôi là một người lính công giáo.”

263. Một kế hoạch vĩ đại

Ngày kia, các binh sĩ trẻ tuổi của thống chế Turenne than phiền vì mình phải đi băng qua một bãi sình lầy rất sâu. Các binh sĩ lớn tuổi liền động viên những binh sĩ trẻ tuổi nầy:

- “Thống chế Turenne, đối với chúng ta, là một người cha rất chân thành. Các em phải tin chắc rằng nếu thống chế bắt chúng ta phải mệt mỏi như thế nầy, thì ông đang có một kế hoạch vĩ đại mà giờ đây, chúng ta chưa hiểu đó thôi.”

Thiên Chúa là Cha chúng ta trên trời. Ngài có những kế hoạch rất vĩ đại đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy hoàn toàn tín thác vào Cha toàn năng, toàn tri và toàn ái của chúng ta trên trời.

264. “Để có thêm một phòng dạy giáo lý!”

Một vị giám mục kia khuyên các linh mục một câu như sau:

-“Hãy bớt đi một chén thánh để có thêm một phòng dạy giáo lý!”

Các linh mục quản xứ chúng ta hãy xem thử mình có thể bớt được những cái gì để có thêm một nhà dạy giáo lý, để có thêm được nhiều phương tiện hữu hiệu để dạy giáo lý …

265. Bà mẹ quá cảm động, liền ôm con vào lòng!

Một bà mẹ kia dạy con mình về bài học so sánh.

Để kiểm tra, bà mẹ hỏi con đưa ra ví dụ. Người con suy nghĩ một chút rồi đưa ra ví dụ cảm động sau đây:

- “Nếu con nói con tốt, thì con nói một cách tích cực. Nếu con nói ba tốt hơn con, thì con so sánh. Nếu con nói mẹ là người mẹ tốt nhất trên trần gian nầy, thì con nói mẹ là người mẹ tuyệt vời nhất của con, không ai sánh được.”

Bà mẹ quá cảm động, liền ôm con vào lòng!

266. Không sợ chết!

Một vị thánh tu rừng kia được hỏi:

- “Vì sao gần chết rồi mà thầy còn vui vẻ như vậy?”

Vị thánh tu rừng nầy trả lời:

- “Vì tôi hằng nhớ đến sự chết trước mắt. Nếu nay sự chết đến, tôi không thấy sợ gì cả.”

Người công giáo chúng ta không sợ chết vì chúng ta biết chết không phải là hết như kẻ vô thần hay duy vật nghĩ, mà chết là bắt đầu sống một cuộc đời sống mới: đời sống của sự Phục Sinh huy hoàng!

267. “Đây là lần đầu tiên mà Lời Hứa Vĩ đại của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thực hiện!”

Một thiếu niên kia, học trong một trường ở Bắc nước Italia, có thói quen đạo đức dự thánh lễ Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng cùng các bạn học sinh nhân đức.

Khi ra đời làm việc, anh ta sống đời bê tha, tội lỗi. Ngân hàng mà trong đó anh ta đang làm việc, cất chức anh và cho anh làm người hầu bàn mà thôi. Sau một năm, anh ta bị đuổi thẳng. Về lại quê nhà, anh nghèo nàn xơ xác, bệnh tật nguy hiểm, và chờ chết một cách bất hạnh. Lúc nầy, anh ta mới 23 tuổi.

Vì quá cố chấp trong sa đọa và tội lỗi, anh ta nói rõ cho mọi người biết là anh ta không muốn giao hòa lại với Chúa.

Một người bạn cũ, giờ đây là linh mục, nghe vậy, liền tìm đến thăm anh.

Thấy bạn cũ vào thăm, anh nói chuyện, nhưng khi nghe bạn cũ nói về việc ăn năn trở về với Chúa để khỏi mất linh hồn đời đời, anh liền sừng sộ và đuổi ngay:

- “Tôi tiếp rước anh như một người bạn, chứ không phải như một linh mục. Tôi không muốn có linh mục ở đây. Đi ra! Đi ra!”

Người bạn linh mục trả lời:

- “Nếu bạn muốn tôi đi ra khỏi đây ngay, thì tôi đi. Thôi, vĩnh biệt bạn, người bạn khốn nạn của tôi.”

Trước khi ra khỏi cửa, người bạn linh mục đau buồn, nói vói lui một câu:

- “Đây là lần đầu tiên mà Lời Hứa Vĩ Đại của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thực hiện!”

Người bệnh sắp chết liền hỏi ngay:

- “Anh nói gì vậy?”

- “Tôi nói khi chúng ta còn học chung ở trường, chúng ta có dự thánh lễ và rước Chúa trong Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu để xin Chúa ban cho chúng ta được chết lành. Trước khi chết, bạn được nhắc nhủ về lòng thương xót vô biên của Chúa, thế mà bạn vẫn chống cự lại.”

Người bạn sắp chết khóc và thổn thức van nài:

- “Xin bạn giúp tôi! Xin bạn giúp tôi. Tôi thật là một đứa vô ơn khốn nạn. Xin đừng bỏ tôi. Cho tôi gặp ngay linh mục đang ở nhà thờ gần đây...”

Người tội lỗi nầy chịu Các Phép Sau Hết một cách sốt sắng. Anh ta còn sống thêm vài ngày nửa. Ngày nào, anh cũng xin cho được rước Chúa. Anh chết vào ngày 04 tháng giêng năm 1912 trong sự thánh thiện và an bình.

268. Ngày Chúa Nhựt của người công giáo là ngày Đức Giêsu của họ sống lại

Ngày Chúa nhựt là ngày mà người công giáo mừng Đức Giêsu Kitô phục sinh sống lại.

Biến cố Đức Giêsu phục sinh sống lại sau khi đã chết ba ngày, là một trong những tín điều quan trọng nhất của người công giáo. Vì thế, ngày Chúa nhựt như người công giáo nói, hoặc ngày chủ nhật như người ngoài công giáo nói, là ngày trọng nhất đối với người công giáo. Trong ngày Chúa nhựt nầy, người công giáo nào cũng có bổn phận phải đi dự Thánh Lễ tại Nhà Thờ.

Hiện nay, dưới chế độ Cọng sản nầy, nhiều học sinh công giáo phải chới với trong ngày Chúa nhật vì các em bị bắt buộc phải đi học trong ngày đó.

Tôi có tâm sự với các bạn linh mục quản xứ về vấn đề nầy. Một linh mục quản xứ đưa ra nhận xét sau đây:

- “Hiện giờ, các em học sinh công giáo của chúng ta rất dễ trở thành “vô đạo”. Vì sao? Vì trong các ngày thường, các em phải đi học “chính đạo”. Trong ngày Chúa nhựt, các em phải đi học “phụ đạo”. Vậy, một tuần bảy ngày, từ thứ hai cho đến ngày Chúa nhựt, các em học sinh của chúng ta không có ngày nào để “giữ đạo” được. Vậy các em học sinh của chúng ta, trong cái xã hội cộng sản nầy hiện nay, rất dễ trở thành “vô đạo” là cái chắc.”

Các linh mục chúng tôi, những mục tử chăn dắt đoàn chiên, nghe thì cười mĩm: cười mà tim đau hơn bị đâm thấu!

Điều nầy làm tôi sực nhớ tình trạng của người công giáo tại Ba Lan khi chính quyền cộng sản còn cai trị. Số là lúc đó, nhiều phương sách bó buộc được đem ra thi hành về những công tác dành riêng cho giới thanh niên trong ngày chủ nhật. Như vậy, việc thanh niên tham dự Thánh Lễ ngày chủ nhựt đã bị ngăn trở một cách xảo diệu.

Không biết chính quyền Cộng Sản Việt Nam hiện giờ thì thế nào đây?

269. Thái độ của người công giáo đối với Ngày Chúa Nhựt

Từ ngày Chúa Kitô phục sinh hiện ra lần đầu tiên với các tông đồ đang hội họp cho đến ngày nay – đã hai ngàn năm rồi - mỗi ngày đầu tuần, ngày Chúa Nhựt, ngày Chúa phục sinh hiện ra lần đầu tiên đó, người công giáo luôn luôn họp nhau lại để nghe Lời Chúa Hằng Sống và để tham dự Thánh Thể Hằng Sống. Đây là cuộc tuyên xưng Đức Tin quan trọng nhất đối với người công giáo, vì thế, người công giáo sẵn sàng chịu chết vì những cuộc tập họp nầy. Và lịch sử đã chứng minh rằng nhiều người công giáo đã chết vì niềm tin nầy.

Các thánh công nhận: ngày chết của người công giáo là bản sao của ngày Chúa nhựt họ đã sống. Nói một cách khác, người công giáo sống ngày Chúa nhựt thế nào, thì ngày chết của họ cũng giống như vậy: ngày Chúa nhựt, họ đến gặp Chúa; ngày họ chết, Chúa đến gặp họ.

270. Ý nghĩa Ngày Chúa Nhựt

Các linh mục quản xứ luôn dạy cho giáo dân biết những ý nghĩa của Ngày Chúa Nhựt để giáo dân tìm đủ mọi cách giữ Ngày Chúa Nhựt cho thật hoàn chỉnh và sốt sắng.

Có 9 ý nghĩa của Ngày Chúa Nhựt như sau:

1. Ngày của Chúa (ngày Chúa Nhựt là ngày dành riêng cho Chúa để thờ phượng Ngài / đây là ngày Chúa hẹn gặp loài người, không phải gặp từng cá nhân, nhưng gặp tất cả mọi người trong cộng đoàn)

2. Ngày ghi nhớ Đức Giêsu Kitô sống lại (ngay từ đầu Giáo Hội, các bổn đạo đã tập họp trong ngày Chúa nhựt để kỷ niệm việc Chúa sống lại)

3. Ngày của đức tin (đức tin của người công giáo dựa trên sự phục sinh của Chúa Kitô)

4. Ngày của sáng tạo mới (thế giới trong cuộc sáng tạo thứ nhất đã ra nhơ nhớp và tan rã vì tội lỗi. Trong ngày Chúa nhựt, Chúa phục sinh đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, đem lại một cuộc sáng tạo mới)

5. Ngày Tạ ơn (việc cộng đoàn họp nhau quanh bàn thờ để tạ ơn Chúa là điều quan trọng: biết bao nhiêu ơn lành hồn xác Chúa đã ban cho họ trong tuần vừa qua…)

6. Ngày của Thánh Thể (Qua Thánh thể, Chúa Kitô gặp lại những kẻ thuộc về Ngài, làm cho họ thông hiệp với nhau, làm cho họ chung nhau xây dựng Giáo Hội, đưa họ dần dần vào những điều kiện Phục Sinh)

7. Ngày của cộng đoàn (ngày sống chung với nhau trong Chúa, ngày đồng lòng và hoà hợp, bỏ qua tất cả những gì bất đông với nhau trong tuần, ngày hiệp nhất yêu thương nhau quanh bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể Chúa)

8. Ngày của niềm vui (ngày các môn đệ vui mừng tìm gặp lại Thầy của mình đã sống lại trong ngày Chúa nhựt. Không gì vui bằng khi có Chúa ở giữa chúng ta)

9. Ngày của sự sống đời đời (ngày Chúa nhựt loan báo và hình dung thế giới mới của đời sống vĩnh cửu: nhờ sự Phục sinh và Thăng Thiên của Chúa Kitô, chúng ta được bảo đảm sống lại trong vinh quang đời đời của Nước Chúa sau nầy)

LM Nguyễn Vinh Gioang