PDA

View Full Version : L - Làm Sao Để Chắc Chắn Được Ơn Cứu Độ .



Dan Lee
04-02-2008, 03:33 PM
LÀM SAO ĐỂ CHẮC CHẮN ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ?



Hỏi: Nhân kỷ niệm Chúa Phục Sinh và lễ kính lòng thương xót của Chúa, xin cha cho biết: nếu Chúa Kitô đã hy sinh chịu chết thay cho loài người như vậy, vì Chúa rất yêu thương con người như thánh Faustina đã loan truyền về lòng thương xót của Chúa, thì ta còn phải lo ngại gì về phần rỗi của mình nữa?

Trả lời: Trước khi trả lời câu hỏi trên, tôi thấy cần nói lại ở đây một lần nữa về lý do khiến Chúa Giêsu-Kitô đã giáng trần cũng như thực trạng của con người sau khi Chúa đã hoàn tất công trình cứu chuộc qua sự chết và phục sinh của Người.

Như chúng ta đã biết: vì tội lỗi của con người mà Chúa Kitô, tức Đấng Thiên Sai (Messiah) đã xuống thế làm Con Người để đền tội cho toàn thể nhân loại như thánh Gio-an đã viết:

“Chính Chúa Giêsu-Kitô là của lễ đền tội cho chúng ta

Không những vì tội lỗi chúng ta mà thôi

Nhưng còn vì tội lỗi của cả thế gian nữa.” (1 Ga 2:2)

Mặt khác, Chúa hy sinh chịu chết như vậy cũng vì Thiên Chúa quá yêu thương loài người nên đã “sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” ( 1Ga 4:10). Chính nhờ sự hy sinh cao cả này mà chúng ta được tha thứ tội lỗi, được giao hòa lại với Thiên Chúa và được hy vọng sống hạnh phúc đời đời với Ngài trên Thiên Quốc.

Phải nói là được hy vọng thôi chứ chưa chắc chắn đạt được hạnh phúc ấy bao lâu chúng ta còn sống trên trần thế và trong thân xác có ngày phải chết này.

Thật vậy, Phép Rửa mà Chúa Giêsu ban, dù đã tẩy sạch mọi tội cá nhân cũng như tội nguyên tổ và hình phạt của tội này, nhưng không trả lại cho con người “tình trạng ngây thơ, công chính ban đầu” (original justice or innocence), một tình trạng ơn phúc mà Adam và Eva đã được hưởng trước khi phạm tội bất phục tùng. Sự sa ngã của hai người không những đã mang tội và sự chết vào trần gian mà còn phá hủy nặng nề bản chất thiện hảo ban đầu mà Thiên Chúa đã ban tặng khi tạo dựng lên họ. Vì thế, con người vẫn hoàn toàn yếu đuối và dễ sa ngã sau khi đã được rửa tội như giáo lý của Giáo Hội đã dạy sau đây:

“Tuy nhiên, nơi người đã được rửa tội, một số những hậu quả của tội vẫn còn tồn tại, như những đau khổ, bệnh tật, sự chết, hoặc những yếu đuối gắn liền với sự sống, như yếu đuối trong tính tình… nhất là khuynh hướng nghiêng chiều về tội lỗi mà truyền thống quen gọi là nhục dục, hay nói cách ẩn dụ, là ‘lò phát sinh tội lỗi’ (fomes peccati) được để lại cho ta phải chiến đấu với nó. Nhục dục không có khả năng làm hại cho những người không chiều theo nó mà còn chống lại cách can đảm nhờ ơn sủng của Chúa Kitô. ..” ( x SGLGHCG, số 1264).

Đây là thực trạng không ai chối cãi được. Nói rõ hơn, dù Chúa Kitô đã chết để chuộc tội cho cả loài người, dù phép rửa có tác dụng tẩy sạch mọi tội lỗi – gồm tội nguyên tổ và mọi tội cá nhân – (x. Sđd, số 1263), nhưng con người vẫn còn nguyên những yếu đuối kể trên sau khi đã được rửa tội. Nghĩa là vẫn có nhiều nguy cơ khiến con người rơi vào vòng tội lỗi vì bản chất yếu đuối, vì gương xấu của thế gian và nhất là vì những cám dỗ của ma quỉ ví “như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự, vì biết rằng toàn thể anh em trên trần gian đều trải qua cùng một loại thống khổ như thế.” (1Pr 5: 8-9).

Đó là lời khuyên của Thánh Phêrô xưa kia nhưng vẫn còn nguyên giá trị thực tế cho chúng ta sống ngày nay. Chính vì thực trạng này mà Thánh Phaolô cũng đã phải thú nhận như sau: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn thì không phải chính tôi làm điều đó nhưng là tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7: 19-20).

Như vậy, muốn được cứu độ để sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng, con người phải chiến đấu không ngừng để chống lại những khuynh hướng xấu còn tồn tại nơi bản chất của mình, chống lại những cám dỗ của ma quỉ luôn dùng gương xấu của thế gian và triệt để khai thác bản chất yếu đuối nơi con người để mong đẩy xa con người ra khỏi tình thương và kính sợ Thiên Chúa là Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối.

Thiên Chúa rất yêu thương loài người và mong muốn “cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.” (1 Tm 2:4). Nhưng nếu con người không cộng tác với Chúa trong ơn cứu độ này thì Chúa không thể cứu ai được. Lý do là Thiên Chúa phải tôn trọng tự do của con người. Ngài không ép buộc ai phải yêu mến Ngài và nhận ơn cứu độ. Ngài chỉ mời gọi chúng ta giống như Vua kia mở tiệc cưới cho hoàng tử và sai gia nhân đi mời khách đến dự cho thật đông đủ. Nhưng những người được mời đã viện mọi lý do để từ chối tham dự tiệc vui này. (x. Mt 22: 1-14; Lc 14:15-24).

Nói khác đi, nếu con người sử dụng quyền tự do lựa chọn của mình để khước từ, không muốn vào dự “Bàn Tiệc Nước Trời” thì Thiên Chúa đành phải tôn trọng thôi. Như thế ơn cứu độ không đương nhiên đến với ai sau khi lãnh bí tích rửa tội, mà chỉ đến với những người thực tâm muốn thi hành những cam kết của bí tích này mà thôi.

Những cam kết đó là tin và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và cương quyết từ bỏ ma quỉ là kẻ xúi dục và gây ra mọi tội lỗi. Đó là cách cụ thể con người muốn cộng tác vào ơn cứu độ để được sống muôn đời. Không có sự cộng tác này, Thiên Chúa không thể cứu ai được.

Cứ nhìn vào thực tế ngày nay ở khắp mọi nơi, người ta sẽ thấy rõ làn ranh giữa những người muốn đáp lời mời gọi của Chúa để tham dự “Bàn Tiệc Nước Trời” và những người đang từ chối với nhiều lý do. Đó là những người đang chối bỏ Thiên Chúa bằng chính cuộc sống của họ, đang ngụp lặn trong “văn hóa sự chết” để đi tìm tiền bạc, danh vọng, chức quyền và vui thú vật chất bất chính hơn là đi tìm Chúa là nguồn hạnh phúc và giầu sang đích thực. Có thể nhiều người trong họ trước kia đã chịu phép rửa tội, đã thực hành đức tin một thời gian. Nhưng nay vì hấp lực của đồng tiền và lạc thú vô luân, họ đang chối bỏ Thiên Chúa cách hùng hồn bằng chính đời sống của họ. Nếu cứ tiếp tục chối bỏ Thiên Chúa như thế cho đến hơi thở cuối cùng thì dù Chúa Kitô có chết thêm nhiều lần nữa cũng vô ích cho những người này mà thôi.

Tóm lại, dù Thiên Chúa yêu thương con người đến tuyệt vời trong Chúa Kitô-Giêsu như Thánh nữ Faustina Kowalska (1905-1938) đã loan truyền về lòng thương xót của Chúa (Divine Mercy) mà Giáo Hội mừng kính trong Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh, và dù cho Chúa Kitô đã hy sinh chịu chết thay cho mọi người thì vẫn không ai được cứu độ nếu không cộng tác với Chúa trong ơn này như đã trình bày ở trên. Và đây mới là điều đáng lo ngại cho những ai đang từ chối phần đóng góp của mình vào ơn cứu độ.

Tình thương của Thiên Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô được tạm ví như giòng suối vô tận tuôn chảy ngày đêm xuống vực sâu thẳm. Nhưng nếu người ta không cúi xuống để múc lấy mà uống thì sẽ chết khát bên giòng suối ngập nước kia, vì nước không có nhiệm vụ phải nhảy vọt lên khỏi giòng suối để chảy vào miệng những ai đang khát nằm đợi bên bờ.

Vậy để khỏi chết khát, thì trước tiên phải có nước uống. Nhưng cũng phải có công đi tìm nguồn nước này và phải múc lấy mà uống cho khỏi chết khát, vì nước không có chức năng đi tìm và tự động chảy vào miệng ai được.

Do đó, cần thiết phải cậy nhờ lòng thương xót của Chúa, nhờ công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô như giòng suối cứu sống nói trên. Nhưng cũng phải nỗ lực cộng tác vào ơn cứu độ này bằng quyết tâm yêu mến Chúa, yêu thương anh chị em đồng loại và xa lánh mọi tội lỗi bao lâu còn sống trên trần thế này.

Không thể khoán trắng cho lòng thương xót của Chúa và công nghiệp cứu chuộc của Chúa Kitô để không làm gì cả, hay tệ hại hơn nữa, là sống ngược lại với lòng thương xót và công nghiệp ấy để mặc sức hành động theo những đòi hỏi của nhục dục, lôi cuốn của thế gian và mưu chước của ma quỉ.

Lm. Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn