PDA

View Full Version : L - Làm Sao Để Tha Thứ? (Chương 5 của 12)



Dan Lee
04-02-2008, 06:38 PM
Chương V


Làm sao lượng định những điều xúc phạm ?



Người ta tha thứ như họ yêu thương.

Honoré de Balzac

Người Kitô hữu cần tạo ra hòa bình ngay cả khi cảm thấy mình là nạn nhân của người sinh sự vô lý. Chúa đã hành xử như thế.

Gioan Phaolô II

Một người trong số cựu nữ sinh viên của tôi đã viết : "Thưa cha, sau khi suy nghĩ chín muồi, cuối cùng con quyết định viết cho cha để tha thứ cho cha vì đã cho con "trôi" trong cuộc thi vừa rồi". Tôi rất đổi ngạc nhiên vì sự ngây ngô và giọng điệu tự do quá trớn của nàng. Tôi không hiểu tại sao tôi lại phải được tha thứ vì một thất bại mà nàng đáng phải chịu. Bây giờ tôi mới hiểu rằng không những chỉ có những tha thứ giả trá mà cũng còn có những lý do giả trá để tha thứ nữa. Như trong trường hợp vừa trích dẫn, người ta liều mình tầm thường hóa sự tha thứ và sử dụng tha thứ cách không ý thức. Vậy cần thiết phải có biện phân rõ ràng giữa những hoàn cảnh phải tha thứ và những hoàn cảnh không có gì phải nại đến thực hành thiêng liêng trọng đại nầy.

Chúng ta hãy xem vài thí dụ trong đó sự tha thứ không có lý do gì hiện hữu, bởi vì người ta xứng đáng trả giá cho hành động của mình. Tôi lái xe vượt quá tốc độ và phải nhận một biên bản phạt vi cảnh ; tôi đánh bạc và bị thua ; tôi bị ông chủ khiển trách vì trễ giờ làm việc quá nhiều. Đó là bao nhiêu hoàn cảnh khiến tôi phải bị thất vọng, tức giận, tổn thương trong tự ái của tôi. Nhưng chúng ta có thực sự tin rằng viên cảnh sát, chủ sòng bạc và ông chủ phải xin lỗi tôi về những điều sĩ nhục mà tôi đã tự chuốc lấy cho mình không ? Câu trả lời quá rõ ràng rồi. Sự tha thứ chỉ được thực hành trong trường hợp của những xúc phạm bất công thôi. Tuy nhiên cũng chính trong những hoàn cảnh đó, lời xin lỗi sẽ bị bắt buộc, nếu viên cảnh sát đã mắng chửi tôi, chủ sòng bạc đã gian lận và ông chủ đã sĩ nhục tôi công khai.



1. Những xúc phạm bởi những người được yêu thương :

Sự tha thứ mặc lấy những màu sắc và hình thức khác nhau tùy theo do những người thân tình hay chỉ là những khách lạ gây nên. Ai có thể làm chúng ta bị tổn thương sâu xa hơn những người được chúng ta yêu thương ? Chúng ta đã kết dệt với họ những mối liên hệ tình cảm. Một cách nào đó họ đã làm nên một phần của chúng ta. Chúng ta đã bao bọc họ bằng một vầng quang lý tưởng và rồi chúng ta nghĩ là có thể chờ đợi rất nhiều vào họ. Chính vì thế, tính nghiêm trọng của thương tổn do tính nghiêm trọng khách quan của xúc phạm được kể là nhẹ hơn so với sự cao cả của những chờ đợi, dù những chờ đợi nầy có thực hiện được hay không.

Những trường hợp chờ đợi quá mức thật là nhiều. Con cái lý tưởng hóa cha mẹ chúng như thế, rồi đòi hỏi ở cha mẹ sự bao dung và tình yêu vô điều kiện. Đối lại, phần đông cha mẹ mong ước con cái sẽ hoàn toàn đáp ứng đúng kỷ luật của mình và thực hiện thay mình những mộng ước mà mình đã thất bại trong việc cụ thể hóa ra trong cuộc sống của chính mình. Cũng thế, tình yêu đam mê thật phong phú trong những ước mơ không thực tế. Các vợ chồng và những tình nhân hy vọng luôn luôn được đoán hiểu trong những ước muốn của họ mà không cần phải bộc lộ ra. Họ muốn luôn luôn được hiểu, được yêu mến, được tán dương, được an toàn nhờ sự hiện diện thường xuyên của người phối ngẫu. Tôi để bạn liệt kê ra những chờ đợi và hy vọng tiềm ẩn được nuôi dưỡng bởi những tình nhân, cha mẹ, con cái, chị em, anh em và bạn bè. Điều quan trọng phải lưu ý nơi đây là sự tha thứ đóng một vai trò không thể thiếu được trong các mối liên hệ thân tình, tùy cường độ của chúng và số lần những cơ hội va chạm nhau.

Dĩ nhiên cần phải giữ cho khỏi biến thành bi kịch những buồn chán nho nhỏ hay những nỗi thất vọng chóng qua hằng ngày : Người chồng về trễ giờ cơm chiều hay nhớ lầm ngày sinh nhật của vợ ; trẻ con làm bẩn sàn nhà vừa mới rửa xong ; người sử dụng sau cùng xe chung của gia đình đã quên đổ xăng. Lúc nầy chắc ai cũng cảm thấy khó chịu, bị tước đoạt và ngay cả bạo lực nữa. Không nên quá quan trọng hóa những rắc rối cỏn con như thế. Nhưng cũng không được hoàn toàn không biết đến. Chúng có thể là dấu hiệu của một vấn đề trong quan hệ với nhau mà ta phải xem xét, giải quyết và có thể điều chỉnh bằng một sự tha thứ. Đó cũng là trường hợp, nếu, sau khi đã lưu ý các vị hữu trách về những sai sót của họ, mà nhận thấy không có chút thay đổi nào trong cách điều hành của họ. Lúc ấy cần xem xét hoàn cảnh và giải quyết nó, dù phải nại đến sự tha thứ, nếu cần.

Xảy ra là những sự kiện không đáng kể của cuộc sống hằng ngày có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Một bác sĩ giải phẩu tâm sự với tôi rằng ông nghĩ phải ly thân với vợ vì nàng là một người ngủ quá muộn. Thường khi vào giường là nàng đánh bật ông dậy khỏi giấc ngủ quí báu của ông. Đôi khi còn rất sớm, nàng đã đánh thức ông dậy đòi nói chuyện, nhất là để thu xếp một bất hòa. Người đàn ông tội nghiệp lại cần những đêm nghỉ ngơi để tập trung tinh thần và sự khéo léo của đôi tay. Cứ xảy ra như vậy khiến ông đâm ghét bà vợ đến độ nghĩ rằng bà muốn hủy diệt nghề nghiệp của ông.

Có những sự thiếu quan tâm còn nghiêm trọng hơn nữa. Hãy nghĩ đến những sự phản bội và thiếu thành thật giữa những người yêu nhau. Các lầm lỗi của họ gây nên những thương tổn đau đớn và kéo dài, bởi vì người ta thường nghĩ cách tự nhiên rằng cha mẹ, bạn thân, đồng nghiệp phải về phe với mình, dù gì xảy ra đi nữa. Đã có sự nối kết giữa họ một thứ hợp đồng mặc nhiên bảo vệ lẫn nhau, dù có mặt hay vắng mặt. Tôi cũng đã bị tổn thương và phiền muộn như thế bởi sự không kín đáo của một người bạn cũ. Trong câu chuyện thân tình, tôi đã tâm sự một điều bí mật với anh ta, thế mà anh ta lại vội vả thổ lộ với một người mà tôi lại rất ác cảm. Tôi phải thú thật rằng từ đó tôi chẳng còn can đảm yêu cầu anh ta giải thích về sự không kín đáo của anh ta, đến đổi tình bạn của chúng tôi bị phá hỏng nặng nề.

Phải nói gì về những sự phản bội ? Không có gì nặng nề cho bằng hay biết mình bị phản bội bởi một người mình quí mến nhiều. Chẳng hạn bạn nghe rằng một người bạn thân nói sau lưng bạn, rằng vợ bạn lừa dối bạn với một người bạn của bạn, rằng đồng nghiệp của bạn dùng bạn làm bàn đạp để mưu đồ quyền lực…

Có những sự thiếu thành thật về phía những người gần gủi mang những hình thức tinh vi hơn, nhưng cũng không kém làm mếch lòng, như cười nhạo và châm chọc cay đắng. Những thứ đó thật nặng nề để mà chịu đựng, ngay cả với những người phải chứng kiến. Tôi rất khó chịu khi có mặt trong các cuộc vợ chồng cãi cọ nơi công cộng, ví dụ một bà vợ ám chỉ những vụng về sinh lý của chồng, một người chồng dễu cợt những lỗi ngôn ngữ của người vợ người nước ngoài của mình. Những người chứng kiến cũng không chịu nổi những cảnh như vậy, huống chi đối với người phối ngẫu bị lăng nhục!

Dĩ nhiên, những hành vi bạo lực giữa những người yêu nhau phải được kể vào số những xúc phạm độc ác nhất và tồi tệ nhất. Các cuộc thống kê đưa ra những con số kinh hoàng về số phụ nữ bị bạo hành bởi chồng hay bạn trai của mình. Ngoài ra, các cuộc thống kê còn im lặng đối với những sự bạo hành bằng lời nói và tâm lý đi trước những màn thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Sau cùng, phải nói gì về nạn dịch lạm dụng tình dục đối với trẻ em mà xã hội của chúng ta đã quyết định đưa ra công khai ?

Cho đến đây, chúng ta mới nói đến những thiếu sót trầm trọng đối với tình yêu của những người gần gủi. Một số hoàn cảnh phân ly nào đó xem ra không đòi hỏi được chăm sóc bằng một sự tha thứ, vì chúng không có chủ tâm. Hãy lấy trường hợp sự ra đi của những đứa con lớn. Ngay cả khi biết là phải lẽ đứa con phải tung cánh bay ra khỏi tổ ấm gia đình, con tim của mỗi phần tử trong gia đình vẫn se thắt đau đớn. Biết bao đám cưới mà cuộc ra đi của người con trai hoặc người con gái của gia đình buồn nhiều hơn là người ta muốn nhìn thấy.

Cuộc chia ly bởi cái chết của một người thân yêu làm chổi dậy cả một lô tình cảm, như sợ hãi, đau thương, giận dữ và mặc cảm có lỗi. Chính vì thế, trong khi trị liệu nỗi đau tang chế, tôi mời gọi những người còn sống chu toàn một nghi thức tha thứ để vượt thắng nỗi tức giận và cảm tưởng có lỗi của họ. Trong khi xin lỗi người thân yêu quá cố, họ tự giải thoát khỏi sự buộc tội chính mình là đã không yêu thương người thân hơn được. Và trong khi tha thứ cho người thân yêu quá cố, họ loại bỏ được nỗi tức giận của họ là đã bị người thân yêu bỏ rơi.



2. Những xúc phạm bởi những người xa lạ :

Một người lái xe ẩu tả cắt ngang đường của bạn, một khách hàng vội vả dành mất chỗ xếp hàng của bạn trước quầy trả tiền, một người tài xế xe buýt trả lời bạn cách thô lỗ, một điện thoại viên trả lời bạn bằng tiếng Anh trong khi bạn xin được phục vụ bằng tiếng Pháp. Dĩ nhiên đó là những buồn chán không đòi hỏi những tiến trình tha thứ dài dòng. Ngay lúc ấy, bạn cảm thấy bực bội khó chịu, nhưng rồi bạn sớm quên đi ngay những hỗn xược đó. Bạn tự nhủ rằng đó là những kẻ xa lạ.

Vậy sự xúc phạm đến từ một người xa lạ phải nghiêm trọng hơn thế để làm bạn mất sự an bình nội tâm. Sự xúc phạm đó phải biểu lộ một đụng chạm đến toàn thể vật lý, tâm lý, xã hội hay luân lý. Chẳng hạn như trường hợp một vụ trộm bẻ khóa đột nhập gia cư. Chắc chắn người ta tiếc sự mất mát các đồ vật bị đánh cắp, nhất là nếu liên quan đến những đồ vật quí báu vì giá trị tình cảm mà người ta gắn bó với chúng. Nhưng điều va chạm sâu xa nhất, chính là ý thức về sự xâm phạm lãnh địa của mình. Sự xúc phạm càng đụng đến con người, người ta càng bức xúc : những hành vi xúc phạm đến những người được yêu mến, tấn công thanh danh họ, tàn nhẫn đối với thân thể, sờ mó tình dục, hảm hiếp, v.v… Sự an toàn bản thân bị đe dọa, những giới hạn của con người mình bị xâm phạm, một cách nào đó bị bóc trần và phó mặc cho người khác. Sự xấu hổ và kinh hoàng do đó mà ra gây nên trở ngại rất lớn cho việc tha thứ, như chúng ta sẽ thấy. Cuối cùng chúng ta ghi nhận rằng tính nghiêm trọng của thương tổn thường gặp thấy rất nặng nề vì những gợi nhớ không được chữa lành đúng cách của thời thơ ấu.

Điều lăng nhục do một người xa lạ trở thành gây chấn thương hơn khi người ta không thấy được lý do. Làm sao bạn muốn tha thứ cho những tên khủng bố chính trị đã bắt đi, hành hạ và giết chết các phần tử của gia đình bạn ? Francine Cockenpot, một nữ nhạc sĩ kiêm thi sĩ người Pháp đã thử tha thứ. Sau khi thoát chết khỏi tay một kẻ bạo hành vô danh, nàng cảm thấy buộc lòng phải thiết lập một mối tương quan với kẻ hoàn toàn vô danh đó. Để đi vào liên lạc với nó và xua đuổi nỗi quẫn bách của mình, nàng bắt đầu viết cho nó, biết rất rõ rằng các thư của nàng sẽ không bao giờ đến tay người nhận. Nàng nói : "Ngay khi về tới nhà, như để trừ khử nỗi kinh hoàng của mình, tôi chụp ngay cây viết chì và xấp giấy rồi bắt đầu viết. Cho đến năm hay sáu lá thư mỗi đêm, không thể đọc lại, vì tôi đã bị mất một con mắt. Tôi viết cho kẻ bạo hành tôi, kẻ vô danh mà tôi chẳng biết chút gì về nó, ngay cả giọng nói của nó, bởi vì nó không trả lời cho tôi khi tôi la lên "nhưng tại sao ông muốn giết tôi ?"



3. Những xúc phạm đã mất đi trong quá khứ :

Dù sự xúc phạm đến từ một người thân yêu hay bởi một kẻ hoàn toàn xa lạ, luôn luôn cần phải nhớ rằng nó có khả năng động viên các hoài niệm và gợi lên một phản ứng giây chuyền. Những vết thương cũ mà người ta tưởng là đã bị dồn nén và chôn chặt nay lại tĩnh thức, cùng lúc gia tăng nỗi kinh hoàng và hổn loạn. Bấy giờ sự xúc phạm được nhận ra qua cái nhìn sợ sệt và phóng đại lên của đứa trẻ đang sống trong chính mình.

Đó là điều đã xảy ra với một cán sự xã hội, khi điều trị, đã kể lại với tôi rất nhiều khó khăn trong quan hệ y gặp phải với các cấp trên thuộc nam giới của y. Y nhấn mạnh đến sự thiếu ngay thẳng của các cấp trên đó, là điều xem ra giải thích sự ít tín nhiệm của y đối với họ. Mệt mõi vì những xung đột thường xuyên với ban điều hành, y xin tôi giúp y khám phá ra cội rễ của thái độ ngờ vực của y đối với các cấp trên của y. Y đã lâu dài tìm kiếm nguyên nhân bằng những cố gắng nội quan, nhưng y vẫn có cảm tưởng lẫn quẫn trong vòng tròn.

Bấy giờ tôi xin anh ta sống lại hiện trường tình cảm ngờ vực của anh, và từ lúc đó trở đi, anh dần dần lùi lại quá khứ của mình và vạch ra tất cả những biến cố trong đó anh đã cảm nhận sự nghi ngờ đối với các quyền bính. Anh đã phải bắt đầu lại nhiều lần trước khi được thành công, bởi vì biến cố đầu tiên vẫn bị che giấu kỷ. Trong một lần kia, anh đột nhiên bắt đầu khóc nức nở : Anh vừa sống lại biến cố bất hạnh. Lúc lên bảy tuổi, sau khi anh bị cắt bỏ hạch hạnh, lúc tỉnh dậy anh thấy chỉ có một mình cô độc và đau đớn trong một phòng bệnh viện. Anh đã hết sức hoảng sợ. Ba của anh đã không đến thăm anh lúc anh tĩnh lại như ông đã hứa. Anh đã chờ đợi suốt cả buổi chiều, rồi suốt cả buổi tối, nhưng vô ích. Hơn nữa, bác sĩ giải phẩu cũng đã hứa đem cho anh kem lạnh, nhưng cũng chẳng thấy đâu. Cô y tá cũng chỉ viếng thăm vài lúc ngắn ngủi. Trong khi cảm thấy bị bỏ rơi như thế, cậu bé con đã lấy quyết định sẽ không còn tín nhiệm vào các người lớn nữa, nhất là những người đàn ông. Sau khi đã khóc rất nhiều, cuối cùng anh hiểu ra được do đâu mà đến sự ngờ vực đối với những người đàn ông có quyền bính hằng ám ảnh anh. Bấy giờ, anh có thể tha thứ cho bố của anh và bác sĩ giải phẩu vì đã không giữ lời, đồng thời sống lại những cuộc xung đột khác trong quá khứ với các cấp trên hầu tháo gỡ chúng đi.

Câu chuyện của người đàn ông nầy không phải là duy nhất đâu. Trong phần lớn trường hợp, sự không thể tha thứ tìm thấy nguồn gốc của nó trong những vết thương cũ hoặc những mất mát của tuổi thơ ấu.


Phần Năm