PDA

View Full Version : L - Làm Sao Để Tha Thứ? (chương 7 của 12)



Dan Lee
04-02-2008, 07:00 PM
Chương VII

Một kinh nghiệm tha thứ thực sự



Tha thứ để giải phóng nơi bạn những sức mạnh của tình yêu.

Martin Gray

Thiên Chúa lớn hơn lòng của chúng ta...Tha thứ là niềm vui của Thiên Chúa, trước khi là niềm vui của con người... Chúa Giêsu mạc khải cho tất cả chúng ta gương mặt của Thiên Chúa, sẵn sàng vui mừng vì sự trở về của đứa con hoang đàng.

Gioan Phaolô II

Đọc một tác phẩm về tha thứ có thể là một việc rất hữu ích, nhưng không gì có thể thay thế được kinh nghiệm. Để thực hành, tôi đề nghị một kinh nghiệm dưới hình thức suy niệm. Trong sự tha thứ cũng như trong mọi thực hành đạo đức khác, như nguyện ngắm hay cầu nguyện, người ta không ứng biến, mà phải chuẫn bị trước. Tôi thực sự không biết từ đâu ra cái ý tưởng là người ta có thể thành công trong việc tha thứ ngay lập tức mà không có luyện tập trước.



1. Những chỉ dẫn để sống tốt một kinh nghiệm tha thứ :

Đây là vài chỉ dẫn liên quan đến việc suy niệm giúp bạn thành công trong việc tập luyện nầy :

1) Điều cốt yếu của kinh nghiệm hệ tại việc chăm chú theo dõi các chuyển động của con tim bạn, học hỏi những điều về bạn và chấp nhận bạn đúng như bạn đang là trong tiến trình của bạn. Trước hết, bạn hãy tránh việc bắt buộc mình tha thứ với bất cứ giá nào. Có thể sự tha thứ sớm rơi vào tâm hồn bạn như một trái chín, và như vậy càng hay. Cũng có thể bạn cảm thấy con tim bạn khép kín trước mọi cảm thông, và cũng tốt thôi. Bạn hãy chấp nhận mọi chuyển động nội tâm, dù thuộc loại gì đi nữa. Hoàn toàn quyết định thuận với kinh nghiệm, bạn hãy tự cho phép mình hõan nó lại ngay khi bạn cảm thấy cần.

2) Để tập luyện việc nầy, tôi khuyên bạn chọn một sự xúc phạm nhè nhẹ. Cũng như trong thời gian đầu các cuộc tập luyện thể lực, không ai liều lĩnh nâng cao một trọng lượng năm mươi kilô, hay chạy marathon ngay, thì đối với tha thứ cũng như vậy. Vậy bạn đừng bắt đầu muốn tha thứ ngay những xúc phạm nặng nề, như sự xúc phạm của tên bợm đã làm bạn tan nát cuộc đời hay sự xúc phạm của người bạn cũ đã tàn nhẫn với bạn suốt nhiều năm tháng. Tốt hơn bạn hãy chọn sự xúc phạm của của tên tài xế bạt mạng, của thằng bé nổi loạn hay của ông chủ cục cằn.

3) Hãy ghi âm bài suy niệm vào một cuộn băng để giúp bạn tập trung hơn.

4) Cuối buổi suy niệm, sẽ hữu ích cho bạn là nên viết một bài về các cảm tưởng của bạn. Lợi ích hơn nữa là chia sẽ các cảm tưởng đó với một người bạn. Việc đó sẽ giúp bạn đẩy xa hơn nữa những suy nghĩ của bạn.

5) Buổi suy niệm kéo dài khoảng hai mươi phút. Để công việc được diễn tiến dễ dàng, bạn hãy loại bỏ tất cả những gì có thể làm bạn chia trí, chuông diện thoại reo chẳng hạn. Giữ một tư thế thoải mái. Thích hợp hơn là nên ngồi, hai chân chạm đất và hai mắt nhắm lại.



2. Diễn tiến của buổi suy niệm :

Thong thả đi vào chính mình.

Từ từ tập trung chú ý tới những chuyển động của con tim.

Cảm nhận rõ những nhịp đập và nhiệt huyết của nó.




Rồi tự đặt cho mình những câu hỏi : "Sự tha thứ thể hiện cái gì cho tôi ? Nó có thể mang lại cho tôi phẩm chất mới mẻ nào của cuộc sống ?"




Hãy nhớ lại một kinh nghiệm hạnh phúc trong đó chính bạn đã được tha thứ.

Hãy để thời giờ thưởng thức niềm vui được tha thứ đó.

Hãy tưởng tượng ra một thế giới được làm nên bởi những tương quan hạnh phúc và tha thứ.




Bây giờ, hãy để trổi lên trong bạn gợi nhớ về con người mà bạn cảm thấy oán giận. Hãy nhìn con người đó. Hãy nghe con người đó. Tiếp tục cảm nhận những gì trổi lên trong bạn, trong tất cả sự thật.




Hãy để con người mà bạn đã vất bỏ khỏi trái tim đó tiến lại gần bạn, có mặt với kinh nghiệm sống và với nhiều tế nhị đối với bạn.




Ý thức những ách tắc có thể phát sinh trong tâm hồn bạn vào lúc nầy. Hãy để trào ra những xung động và tình cảm đang làm bạn sôi nổi. Hãy thong thả nhận dạng và chấp nhận chúng.




Nếu những cảm xúc của bạn quá mạnh, thì đừng đi xa hơn nữa. Hãy thong thả chịu đựng và đồng hóa chúng trước khi tiếp tục.

Nếu bạn cảm thấy dễ chịu, hãy tiếp tục để cho con người mà bạn muốn tha thứ đến gần. Tiếp tục quan sát những gì xảy ra trong bạn.

Khi bạn cảm thấy đã sẵn sàng, hãy để con người đó đi vào con tim bạn. Bạn hãy thỏ thẻ với y : "Tôi tha thứ cho bạn". Hãy nói với con tim của y và trong ngôn ngữ riêng của bạn, theo cách của bạn, hãy lặp lại với y : "Tôi tha thứ cho bạn tất cả những gì bạn đã làm trong quá khứ, cố ý hay vô tình, làm tôi đau đớn hay bị thiệt hại : những lời nói, những cử chỉ hay ngay cả những ý nghĩ của bạn. Tôi tha thứ cho bạn. Tôi tha thứ cho bạn".

Hãy ý thức đến độ chính con người đó đang đau khổ, sợ hãi và bị tổn thương.

Hãy để thời gian cho y đón nhận sự tha thứ của bạn và bị xúc động.




Thật cảm động, thật trọng đại, thật an ủi khi nhận thấy hai cõi lòng gặp lại nhau trong kính trọng và bình an !

Bạn sẽ thực hiện cho mình rằng sự xúc phạm đã hết, đã chấm dứt, đã được điều chỉnh và không còn đè nặng trên bạn nữa. Cái gì còn có thể oán giận bị xóa đi với sự tha thứ, bởi vì hai con tim đã gặp nhau, nhìn nhận nhau với nhiều thiện cảm.

Phải, mọi sự đã hết với sự tha thứ.




Rồi, với sự chúc lành của bạn, hãy để con người đó bây giờ ra đi như một con người đã được giải phóng, biến đổi, tươi trẻ lại với sự tha thứ của bạn. Bạn hãy để con người đó tiếp tục con đường của y, cầu mong y được hạnh phúc lớn nhất có thể.




Bạn hãy cho mình thời gian hưởng nếm sự chữa lành nầy và hãy cảm tạ Chúa đã ban cho bạn ân sủng nầy.



3. Những hậu quả theo sau buổi suy niệm :

Bạn hãy để một lúc suy nghĩ hầu gặt hái những hoa quả, hoặc chia sẻ với một người nào, hoặc ghi lại các cảm tưởng của bạn vào trong nhật ký. Đến đó, những câu hỏi nầy có thể hữu ích cho bạn :

Bạn đã sống điều gì trong suốt buổi suy niệm ?

- Nếu bạn cảm thấy được giải thoát, hãy khen ngợi bạn và chúc mừng sự tha thứ đó.

- Nếu bạn đã gặp phải những trở ngại, hãy khen ngợi sự can đảm của bạn và để thời gian nhận dạng rõ chúng.

Cái gì còn ách tắc ở trong bạn ? Hãy thong thả chấp nhận bạn trong sự ách tắc ấy.

Bạn phải làm gì để tháo gỡ ách tắc hay những ách tắc nầy ?

Bạn phải làm gì để tiến triển trong sự tha thứ ?

Sau khi đã biết những giai đoạn khác nhau phải vượt qua để tha thứ, bạn hãy tự hỏi xem bạn đã đạt tới giai đoạn nào rồi.



Phần Bảy