PDA

View Full Version : L - Làm Sao Để Tha Thứ? (Giai đoạn tám của 12)



Dan Lee
04-02-2008, 09:43 PM
Giai đoạn tám


Tìm ra trong cuộc sống mình một ý nghĩa cho sự xúc phạm



Thách đố … là quấn vào nhau những sợi tinh tế của một cuộc đời tan nát để làm thành một công trình giàu ý nghĩa và ý thức trách nhiệm.

Gordon Allport

Tiến trình tha thứ của bạn đã qua nhiều giai đoạn. Sau khi đã quyết định không trả thù, bạn đã nghĩ đến làm một cuộc trở về can đảm với chính mình và bạn đã cảm nhận rằng vết thương của bạn đang trên đường được chữa lành. Nhờ những sự ý thức liên tiếp và nhờ sự chấp nhận đau khổ nội tâm của bạn, bạn đã nhận ra bạn sẵn sàng hiểu kẻ xúc phạm bạn. Như vậy bạn đã đặt được các nền móng và các điều kiện tâm lý cho sự tha thứ của bạn. Suốt trong giai đoạn thứ tám, tôi mời bạn vượt quá quan điểm thuần túy tâm lý để khám phá ra ý nghĩa tích cực của sự xúc phạm đã nhận chịu hoặc để mang lại cho nó một ý nghĩa. Bạn học được cái gì từ lời chửi mắng nầy, từ sự xúc phạm nầy, từ sự phản bội nầy, từ sự bất trung nầy ? Bạn tính sử dụng nó thế nào để trưởng thành và để thực hiện chính mình cách sâu xa ?

Điều mà tôi xin bạn, chính là phát hiện ra những hậu quả tích cực có thể có mà sự xúc phạm sản xuất ra trong cuộc đời bạn. Bạn sẽ sử dụng thất bại nầy cho lợi ích của bạn thế nào ? Những hậu quả độc hại chỉ tồn tại cho những kẻ chọn không tiến lên phía trước và than vãn cho số phận của mình. Thay vì nhượng bộ cho cơn cám dỗ nầy, điều quan trọng là nhớ lại rằng không có sai lầm và thất bại nào không giấu ẩn những yếu tố tăng trưởng.

Tìm được ý nghĩa tích cực của thất bại hệ tại việc khám phá ra sự phong phú ẩn giấu của nó. Vậy bạn đừng để bị chận dừng lại bởi những kẻ bảo rằng : "Chẳng có gì tốt để kỳ vọng nơi một nỗi bất hạnh cả". Tôi bảo đảm cho bạn điều nghịch lại rằng thương tổn của bạn có thể trở nên nguồn suối tăng trưởng. Biết bao nhiêu người đã nhìn thấy cuộc đời của họ có một định hướng mới và hữu thể của họ được triển nở theo sau một thử thách lớn lao !

Tôi nghĩ là thích hợp để nói với bạn trước khi đi xa hơn là có thể lúc nầy bạn cảm thấy bối rối, khó chịu và phẩn nộ vì lời mời gọi tìm cho được một ý nghĩa tích cực cho thương tổn của bạn và cho các hậu quả của nó trong cuộc sống của bạn. Một phản ứng kiểu đó là dấu hiệu bạn chưa sẵn sàng để thực hiện giai đoạn hiện tại. Bạn cần trở lại các giai đoạn trước để đào sâu và hấp thụ chúng tốt hơn.



1. Sự thay đổi môi trường có lợi của xúc phạm :

Hậu quả đầu tiên của xúc phạm trên nạn nhân là hậu quả của một cú va chạm và của một sự xáo trộn sâu xa. Nạn nhân cảm thấy bị giày vò mãnh liệt. Những ý tưởng định trước, những dư luận có sẵn, những xác tín, những thành kiến cũng như những vở kịch cuộc đời của y đều bị xáo trộn. Nhưng dù hoàn cảnh có khó khăn, nó không để mất sự hứa hẹn cuộc sống. Nó có thể được biểu lộ là một thời khắc trong sáng quí báu, một cơ hội thuận lợi để thoát ra khỏi sự thiển cận thường nhật của mình.

Một trong các vị giáo sư của tôi khẳng định rằng rất ít người biết rút tỉa lợi ích từ những sự phong phú và những khả thể của thực tại. Phần đông mang những thành kiến đúc khuôn trên các biến cố. Họ nhìn thấy các biến cố ấy xuyên qua các lăng kính đã bị biến dạng của những chờ đợi, những thành kiến cá nhân và văn hóa hoặc của dư luận sẵn có của môi trường sống của họ. Không chịu cố gắng khám phá ra ý nghĩa sâu xa của một biến cố, họ bằng lòng với những phán đoán tầm thường và tổng quát kiểu điều đó tốt, điều đó xấu, cái đó trắng, cái kia đen.

Câu chuyện sau đây rút từ văn học dân gian Trung Hoa minh chứng rõ ràng tính vô ích của những phán đoán kiểu đó. Một hôm, một người chủ trang trại bị mất con ngựa đực giống đẹp nhất, con ngựa tuyệt vời đã trốn đi. Các người láng giềng đến thăm an ủi cho số phận của y : Ông thật rủi ro ! Y trả lời : Biết đâu !… Hôm sau, con ngựa đực giống lại hiện về trong chuồng có ba con ngựa cái hoang dã ở bên cạnh. Các người láng giềng vội đến chúc mừng chủ trang trại về vận may của ông. Cũng câu trả lời vắn gọn đó Biết đâu !… Ngày nọ, con trai chủ trại vì muốn khống chế một trong mấy con ngựa cái hoang dã bị ngã gảy chân. Các người láng giềng lại chạy đến thương xót cho nỗi bất hạnh của ông. Nhưng chủ trang trại vẫn có cùng phản ứng đó Biết đâu !… Ít ngày sau, một toán lính tới động binh bắt buộc các thanh niên tại chỗ. Tuy nhiên họ không muốn nhận người thanh niên tật nguyền. Các người láng giềng lại la lên May mắn thay ! Và chủ trang trại đáp lại Biết đâu !…

Vì những thành kiến và và dư luận định trước về người và các biến cố, chúng ta thường gặp phải thất vọng và mất mát. Chúng ta mang những ý nghĩ định sẵn về cách cha mẹ phải hành động đối với con cái, về cách một người phối ngẫu phải cư xử, về cách ông chủ phải đối xử với thợ, về cách Thiên Chúa phải cứu chuộc thế giới, v.v… Thế mà các sự việc không xảy ra như dự liệu trước. Và như vậy lại càng hay !

Bởi vì sự va chạm của xúc phạm lại bổ ích. Nó làm cho người bị xúc phạm loại bỏ được những thiên kiến và vất bỏ những lập trường cứng cỏi của mình. Còn thật hơn nữa đối với một xúc phạm do một người thân yêu gây nên : bị tước đoạt những chờ đợi không thiết thực của mình, người bị xúc phạm sẽ phải thanh luyện bản thân để đi tới chỗ tán dương và yêu thương người bà con hoặc kẻ gần gủi đó đúng như bản chất của họ.

2. Khám phá ra những cái thu được từ sự mất mát của mình :

Trong một số lần thuyết trình, tôi thường thúc giục các thính giả suy nghĩ về những gì kinh nghiệm bị chữi bới, lăng nhục hoặc là nạn nhân của một sự bất trung, bất công mang lại cho họ. Tôi hướng dẫn họ tự vấn như sau : "Bạn đã học được gì từ kinh nghiệm nầy ? Bạn đã lớn lên như thế nào xuyên qua thử thách nầy ? Đời sống bạn đã có một ý nghĩa mới đến mức độ nào ?" Đây là ít mẫu câu trả lời :

- Tôi biết mình hơn nhiều lắm.

- Tôi đã đạt được tự do nội tâm nhiều hơn.

- Điều đó đã làm cho tôi ý thức về các giá trị của mình. Sau khi ly thân, tôi nhận thấy mình có thể trở nên chính mình hơn và sống theo các giá trị của tôi.

- Nỗi đau vì tình đã dạy cho tôi biết mình hơn. Bây giờ, thay vì lệ thuộc vào tình thương của người khác, tôi đã bắt đầu yêu thương chính mình.

- Thế là xong, tôi kkông còn để cho người khác làm tổn thương nữa. Tôi học tự bảo vệ cho mình tốt hơn.

- Tôi đã học được nói "không" khi điều đó không xứng hợp với các giá trị của mình.

- Khi vợ tôi ra đi, tôi tự nhủ tôi không có chọn lựa nữa, tôi sẽ phải làm nội trợ lấy. Bấy giờ, dù kiêu ngạo, tôi đã cầu xin sự giúp đỡ lần đầu tiên trong đời tôi.

- Thử thách của tôi đã kết dệt cho tôi một trái tim yêu thương.

- Tôi đã có lòng trắc ẩn và cảm thông nhiều hơn với tha nhân.

- Tôi thôi không chạy theo những người chồng say sưa để cứu vớt họ nữa. Tôi đã ý thức rằng chính tôi là người cần được cứu giúp.

- Trong cơn cùng quẩn của mình, tôi đã tìm lại được tình yêu và lòng trung thành của Chúa, sau khi tôi đã rất phẩn nộ đối với Ngài.

Khi tôi chất vấn các người như thế về những ý nghĩa mới của cuộc đời họ tiếp theo sau một xúc phạm, tôi luôn luôn ngạc nhiên về tính đa dạng và phẩm chất của các câu trả lời. Đôi khi hậu quả tích cực của xúc phạm và sự bất công mà họ là nạn nhân xuất hiện một cách tự phát. Những lần khác, sự khám phá ra những cái tích cực thu được và ảnh hưởng của chúng trải ra trong nhiều tuần lễ, cả nhiều tháng nữa. Ban đầu, những người nầy thấy cuộc đời họ như hình ghép khó hiểu, nhưng sau khi khám phá được ý nghĩa của xúc phạm thì một viễn ảnh mới của cuộc đời họ được hình thành và xác định.



3. Sự xúc phạm dẫn đến "hãy biết mình" :

Không ai khác ngoài chính bản thân có thể đạt được việc tìm thấy một ý nghĩa cho sự mất mát mà mình vừa phải chịu, nhưng điều đó không muốn nói rằng chúng ta chẳng cần ai thúc đẩy mình làm vệc đó. Rủi thay rất hiếm có những người hướng dẫn biết đưa chúng ta đạt được một sự biết mình và đánh thức những khả năng tăng trưởng mà nỗi bất hạnh mang lại.

Một sự bất công nặng nề hoặc một xúc phạm nghiêm trọng có thể đánh dấu khởi điểm của một cuộc phiêu lưu nhân bản phong phú diễn ra trong ba thời kỳ. Trong thời kỳ thứ nhất, vấn đề là phải tống táng hoàn cảnh trước đó. Thời kỳ thứ hai, được gọi là "giai đoạn bản lề" hoặc là "giai đoạn ở giữa", sẽ dành cho sự hiểu biết tốt hơn về mình và về những dự án tương lai của mình. Giai đoạn ở giữa nầy là chủ chốt và quyết định. Phải miệt mài đào sâu giai đoạn nầy trước khi dấn thân vào thời kỳ thứ ba, là thời kỳ tái tổ chức lại cuộc sống mình nhằm tới một cuộc khởi hành mới.

Cái nguy hiểm lớn ở đây là quên bỏ pha quyết định của giai đoạn ở giữa: hoặc là chúng ta bị cám dỗ trở lại đàng sau để trú đóng ở đó, hoặc là bị đẩy sang lập tức ở pha khởi hành mới của cuộc đời. Trong cả hai trường hợp, chúng ta tự kết án phải thất bại.

Nhưng tại sao lại cho pha của giai đoạn ở giữa một tầm quan trọng lớn lao như vậy ? Một khi vết thương đã bớt cay độc và làm bận lòng thì cần phải dừng lại và điểm lại tình hình của biến cố đau thương : "Làm sao tôi lại đến nước đặt mình vào một tình huống dễ bị tổn thương như thế được ?" Với sự gãy đổ mà xúc phạm mang lại, chúng ta dần dần trở nên có khả năng bỏ rơi một số ảo tưởng và chờ đợi không thể được mà chúng ta đã ôm ấp cho mình và cho kẻ khác. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải trực diện với chính mình và nhận thấy rằng các lập trường và vai trò đã đảm nhận cho tới lúc ấy mất đi tầm quan trọng của chúng. Đương đầu với sự trống rổng chung quanh mình, chúng ta bị bó buộc tự đặt ra cho mình câu hỏi nền tảng : "Tôi là ai ?" Không ai khác ngoài chính mình có thể trả lời câu hỏi đó, không cả chuyên gia tâm lý hoặc người đồng hành thiêng liêng. Sự chất vấn về căn tính sâu xa của mình nầy chắc chắn sẽ gây nên những lúc cô đơn, xao xuyến và sợ bị lầm. Nhưng nếu kiên trì, chúng ta sẽ thấy thời khắc suy tư nầy có thể biến đổi thành một sự hiểu biết mới mẻ và sâu xa về chính mình.

Suốt trong giai đoạn bản lề nầy, một vấn nạn thứ ba được đặt ra : "Tôi muốn làm gì với cuộc đời của tôi?" "Tôi sẽ cho mình những lý do mới mẻ nào để sống?" Lại một lần nữa, câu trả lời cho những vấn nạn nầy không tìm được ở bất cứ nơi đâu ngoài nội tâm của mình. Cần phải có can đảm và nhẫn nại để cho những câu trả lời đó lộ ra và đón nhận chúng.

Chịu đựng một bất công hay một xúc phạm còn lâu mới là một kinh nghiệm thú vị. Một khi chấn thương tâm thần đã qua đi, kinh nghiệm nầy sẽ dẫn bạn về với chính mình và với tự do nội tâm của bạn. Nó sẽ đặt bạn đứng trước sự chọn lựa để bạn bị quật ngã hay là tác động trở lại. Nếu bạn chấp nhận tác động trở lại, thì bạn sẽ mở ra với khả năng tìm lại được căn tính sâu xa của bạn và nối kết những giây liên lệ mới với những người khác. Lý do là vì bạn đã tìm được một ý nghĩa cho đau khổ của bạn.

Đó là sứ điệp bác sĩ Victor Frankl nói trong cuốn Découvrir un sens à sa vie. Ông nói cách có thẩm quyền, bởi vì ông đã phải chịu đựng biết bao nhiêu đau khổ và sĩ nhục trong các trại tập trung mà không để cho mình bị quật ngã. Ông viết : "Vậy điều quan trọng là phải kêu gọi đến khả thể cao nhất của con người, đó là khả thể biến một bi kịch cá nhân thành chiến thắng, biến một đau khổ thành sự thực hiện nhân cách".



4. Để khám phá ra ý nghĩa tích cực của thương tổn :

Ở đây tôi đề nghị một loạt câu hỏi có mục đích giúp khám phá ra ý nghĩa tích cực của thương tổn của mình. Điều quan trọng là hãy để các câu hỏi nầy cật vấn mình và lưu tâm đến các câu trả lời do tiếng nói nội tâm gợi lên mà không nghĩ đến việc kiểm duyệt chúng. Một câu trả lời có thể tiến hóa và chỉ với thời gian mà chúng ta khám phá được tất cả tầm mức và ý nghĩa nó mang lại cho mình. Trong khi luyện tập, nên ghi lại vào nhật ký các suy tư của bạn

- Tôi đã học được cái gì từ sự xúc phạm đã phải chịu ?

- Những hiểu biết mới mẻ nào tôi đã đạt được về chính mình ?

- Những giới hạn hoặc dòn mỏng nào tôi đã khám phá được nơi mình ?

- Sau đó tôi có trở nên nhân bản hơn không ?

- Những suối nguồn và sức mạnh mới mẻ nào của cuộc sống mà tôi đã khám phá được ở nơi mình ?

- Tôi đã đạt được mức độ trưởng thành nào ?

- Thử thách nầy đã dẫn tôi đến cái gì ?

- Tôi đã cho mình những lý do mới mẻ nào để sống ?

- Thương tổn của tôi đã làm lộ ra chiều sâu tâm hồn đến điểm nào ?

- Trong mức độ nào tôi đã quyết định thay đổi các tương quan với những người khác, đặc biệt với Thiên Chúa ?

- Cách thức nào bây giờ tôi sẽ theo đuổi dòng đời của mình ?

- Xúc phạm đã phải chịu đun đẩy tôi đồng hóa với nhân vật quan trọng nào hiện thời, trong lịch sử hay thần thoại ?


Giaiđoạn 1 - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Tám - Chín - Mười - MườiMột - MườiHai