PDA

View Full Version : L - Làm Sao Để Tha Thứ? (Giai đoạn mười của 12)



Dan Lee
04-02-2008, 09:54 PM
Giai đoạn mười


Thôi tự làm khổ mình vì muốn tha thứ



Đừng theo ý muốn của mình cách khư khư và căng thẳng. Hãy thư giản, rảnh rang... Phó giao mọi sự cho Chúa.

Thomas Kelly

Cho đến đây, bạn đã dành biết bao nhiêu nổ lực để bước đi trên "con đường bấp bênh" của tha thứ, chắc chắn bạn ngạc nhiên về tiêu đề chương nầy : Thôi không tự làm khổ mình vì muốn tha thứ. Bởi vì đến lúc bạn đang trên đường dấn thân sâu hơn vào pha "thiêng liêng" của sự tha thứ, bạn nhận thấy rằng, thay vì giúp đỡ bạn, một nổ lực thuần túy ý chí có thể làm hại bạn. Đã đến lúc bạn phải loại bỏ mọi thứ kiêu ngạo tinh tế và bản năng thống trị mà bạn đã cố nhượng bộ hầu muốn tha thứ bằng mọi giá. Tính cố chấp muốn tha thứ chỉ dựa vào những nổ lực riêng của mình phản ánh một cuộc kiếm tìm không lành mạnh chính mình. Vậy bạn phải từ chối muốn là tác giả duy nhất của sự tha thứ của bạn, và tiếp theo, là từ chối quyền lực cá nhân mà sự tha thứ đó có thể mang lại cho bạn.

Như thế, bạn sẽ giải thoát bạn khỏi mọi động lực giả trá trong việc tha thứ mà bạn có thể cho bạn. Chúng chỉ làm hỏng đi vẻ đẹp và sự chân thực của cử chỉ bạn thôi. Cùng lúc đó, bạn phải tạo nên trong bạn một sự trống rổng cần thiết cho ân sủng tha thứ ngõ hầu kiện toàn hoạt động của nó.

Trong suốt giai đoạn nầy, bạn học từ chối mọi ước muốn tự phụ không tương xứng với sự cao cả của tha thứ. Bạn cũng chuẫn bị cho mình biết từ chối cả với ý muốn hoàn hảo cá nhân, dù nó đáng ca tụng thế nào đi nữa. Tất cả những cái đó cho phép sự linh hứng của Thiên Chúa hành động cách tự do trọn vẹn. Dĩ nhiên bạn vẫn tiếp tục duy trì con tàu của bạn trên bến tha thứ, nhưng bạn thôi chèo chống hầu để cho ngọn gió nhẹ thần linh đẩy đi.

Khởi đi từ lúc quyết định tha thứ, bạn đã phải đòi buộc mình một mức lường khổ hạnh bản thân thật tốt. Nhưng tha thứ không phải là kết quả của một khổ hạnh bản thân đơn giản. Nó tùy thuộc một suối nguồn khác, suối nguồn thần linh. Bạn chấp nhận bạn không phải là tác nhân duy nhất trong sự tha thứ của bạn, song cộng tác với hoạt động thần linh. Phải chăng đó là cái mà chính Chúa Giêsu đã làm trên thập giá ? Ngài đã không muốn chính Ngài trao ban sự tha thứ cho các lý hình, nhưng Ngài đã kêu xin Chúa Cha làm việc đó cho Ngài : "Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm" (Lc.23,34).



1. Tính khư khư ngăn cản sự tha thứ đến :

Ý tưởng không cố chấp muốn tha thứ đã đến với tôi như thế nào ? Nó đã đến với tôi sau khi nghe câu chuyện của một tu sĩ truyền giáo đã miệt mài tha thứ bằng nổ lực của ý chí nhưng vô hiệu.

Là nhà truyền giáo nhiệt thành, ngài đã hiến trọn cả xác hồn cho công cuộc rao truyền Phúc Âm cho dân tộc ngài kết nghĩa. Nhưng những phương pháp tông đồ của ngài không được mọi người tán dương như nhau. Do những phương pháp đó mà ngài bị một số người vu khống. Những lời đó đến tai bề trên giám tỉnh. Bề trên giám tỉnh lo sợ và truyền lệnh cho nhà truyền giáo phải bỏ nhiệm sở và trở về cố hương trong thời gian ngắn nhất. Thật dễ hiểu rằng sau bao nhiêu năm tận tụy làm việc tông đồ, nhà truyền giáo của chúng ta phải hoàn toàn rụng rời khi nhìn thấy cả cuộc đời truyền giáo của mình bị sụp đổ trong chốc lát.

Sau ít tháng nghỉ ngơi và suy nghĩ, ngài muốn tự giải thoát mình khỏi tình cảm đau xót làm kiệt quệ, đầu độc cuộc đời ngài và ngài đã quyết định tha thứ cho cựu bề trên giám tỉnh về sự sai lầm và nỗi đau khổ đã gây nên cho ngài. Ngài bắt đầu cầu nguyện và xin người ta cầu nguyện cho ngài. Nhiều lần mỗi ngày, ngài lặp đi lặp lại với địa chỉ của cựu bề trên giám tỉnh : "Con tha thứ cho cha giám tỉnh". Nhưng khó nhọc mất đi, không có gì thành công trong việc làm vơi đi nổi cay đắng của ngài. Trái lại, sự khư khư muốn tha thứ của ngài chỉ đưa tới việc làm cho ngài chai cứng trong nỗi oán giận của mình.

Bị thất bại, vị tu sĩ nghĩ là tốt khi chạy đến phương thế tối hậu : một cuộc tĩnh tâm nhằm mục đích duy nhất là thành công trong việc tha thứ. Ngài bắt đầu nhiệm vụ ngay lúc khởi đầu cuộc sống ẩn cư : đọc nhiều về tha thứ, ở lâu giờ trong nhà nguyện và lặp đi lặp lại công thức : "Con tha thứ cho bề trên giám tỉnh". Có những lúc ngài tưởng đã đạt được mục đích. Nhưng hôm sau thức dậy vẫn với vết tổn thương đó ở trong tâm hồn.

Chiều ngày tĩnh tâm thứ tư, lúc nguyện gẫm ở nhà nguyện, ngài cầm lấy Tân Ước cách máy móc, ngài mở ra cách may rủi và gặp ngay đoạn nói về sự chữa lành người bại liệt. Lưu ý của những người biệt phái nhảy múa trước mắt ngài : "Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể tha thứ được". Ngài hiểu ngay lập tức sự vô ích của việc khư khư tha thứ mà chỉ dựa vào sức riêng của mình. Cuối cùng ngài hiểu rằng chính ý chí quyền lực đã dẫn dắt ngài. Các cố gắng tốt đẹp của ngài chỉ dùng để che đậy sự sĩ nhục và cơn giận của ngài. Ngài đạt tới chỗ nhận ra ước muốn thầm kín của ngài muốn tỏ ra vượt trổi hơn cựu bề trên giám tỉnh, và cùng lúc thực hiện một sự báo thù tinh vi đối với bề trên giám tỉnh.

Khám phá nầy đã dẫn đưa ngài lại phó mình trọn vẹn cho Thiên Chúa. Ngài bắt đầu bằng việc nghỉ ngơi thư giản. Rồi ngài đặt mình trong trạng thái lãnh nhận ân sủng tha thứ, nhưng không biết thế nào, khi nào và ở đâu mà ân sủng đó được trao ban cho ngài.

Hai ngày sau, ngài có cảm giác, ban đầu không rõ, rồi dần dần rõ rệt, là có cái gì đó được tháo gỡ ở trong ngài. Khởi đi từ lúc đó, ngài cảm nhận một sự bình an xâm chiếm ngài, tâm hồn ngài trở nên bớt nặng nề và linh hồn ngài được giải thoát. Một cách lạ lùng, ngài không còn cảm thấy nhu cầu đọc lên công thức thần chú "con tha thứ cho bề trên giám tỉnh" nữa. Nỗi oán giận buông rơi, sự tha thứ ngự trị trong ngài.



2. Tránh mối nguy hiểm giảm trừ sự tha thứ thành một bó buộc luân lý :

Đây là một lý do khác để từ chối tha thứ chỉ với sức mạnh của ý chí. Tha thứ không thể là đối tượng của một giới răn hoặc của một qui tắc luân lý. Thật dễ rơi vào sai lầm nầy và đánh mất khỏi sự tha thứ khía cạnh tự phát và nhưng không của nó. Phải chăng đó là cái mà thánh Phêrô không hiểu được khi hỏi Chúa Giêsu : "Thưa Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con sẽ tha thứ cho họ bao nhiêu lần ? Đến bảy lần chăng ?" Phêrô, thấm đầy những mối bận tâm pháp lý, ao ước các qui tắc luân lý rõ ràng về tha thứ. Chúng ta biết câu trả lời của Chúa Giêsu. Ngài dùng cái đối nghịch của lệnh truyền Lamek đòi trả thù gấp bảy mươi lần và tuyên bố : "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy" (Mt.18,21-22).

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta hiểu rõ ràng rằng tha thứ không do một bắt buộc luân lý, nhưng do một tính nhưng không thần bí phản ánh các tương quan thân tình giữa Thiên Chúa và con người. Không phải là đối tượng của một giới răn, sự tha thứ trong tư tưởng của Chúa Giêsu bao hàm sự hoán cải tâm hồn và sự chọn lựa một lối sống phù hợp với phong cách của Thiên Chúa. Ai có thể tự phụ sống chính đời sống của Thiên Chúa mà lại không nhận lãnh ân huệ của Ngài ? Vậy chính là từ một tấm lòng tự do và tràn đầy ân sủng mới có thể phát sinh ra quyền năng tha thứ.

Khi nghe và đọc một số nhà giảng thuyết và "thầy thiêng liêng", có lẽ chúng ta bị thúc đẩy suy nghĩ ngược lại. Họ quá nhấn mạnh đến đòi buộc tha thứ đến đổi có cảm tưởng rằng tha thứ chỉ là kết quả của một ý chí quảng đại, không cần được ơn thánh Chúa nâng đỡ. Với những ý nghĩ như thế, họ duy trì các thính giả và đọc giả của họ trong một ảo tưởng lớn lao về khả năng tha thứ của họ. Chẳng lạ gì vì những thất bại liên tục trong việc tha thứ của họ, nhiều người đành để buông xuôi thất vọng.

Một số thực hành tôn giáo trong Giáo Hội đã không luôn luôn biết cách tránh khỏi cái trượt ngã nầy trong vấn đề tha thứ. Người ta nghĩ đến những chỉ dẫn ngày trước trong việc ban bố bí tích tha thứ. Những chỉ dẫn đó phản ánh một não trạng quá pháp lý và vụ luật. Người ta nói đến tòa giải tội, đến cha giải tội như một vị quan tòa, nói đến sự buộc xưng tội, nói đến sự cần thiết phải xưng thú tỉ mỉ các lầm lỗi. Cuối cùng chẳng có gì ngạc nhiên khi người ta mất đi cái nhìn về tính nhưng không của tình yêu Thiên Chúa đối với người có tội. Một nền thần học vụ luật nào đó về tha thứ đã không đóng góp một phần vào lòng đố kỵ chung chung đối với bí tích tha thứ, vì đánh giá thấp tầm quan trọng của bí tích nầy trong việc tăng trưởng thiêng liêng đó sao ? Carl Jung nói nhiều trong chiều hướng nầy khi ông viết rằng kẻ nào không còn có thể thổ lộ lương tâm mình với một người khác thì kẻ đó hiến mình cho một "sự cô độc thiêng liêng".



3. Lời cầu nguyện "khẳng định" ơn tha thứ :

Tôi đã nói trên kia rằng để tha thứ cách hiệu quả cần phải từ bỏ "ý chí quyền lực" của mình. Mà sự từ bỏ nầy chỉ có thể được trong cầu nguyện, một lời cầu nguyện được thực hiện với lòng chắc chắn được nhậm lời. Yếu tố tin tưởng được sống trong cầu nguyện trở thành nhân tố hiệu quả của nó. Thánh Marcô nhấn mạnh tầm quan trọng của nó : "Thầy bảo thật các con : Nếu ai nói với quả núi nầy "hãy cất lên gieo mình xuống biển, mà trong lòng nó chẳng chút nghi nan, nhưng tin là sẽ xảy ra như lời mình nói, thì nó sẽ được cho như vậy" (Mc.11,23). Vì thế tôi đề nghị rằng một lời cầu nguyện phải để rất ít chỗ cho nghi nan và do dự, đến đổi nó đi trước hoặc sống trước sự kiện toàn của lời cầu xin. Bằng những từ ngữ khác, tôi khuyến cáo nên coi sự tha thứ như một biến cố đã được thực hiện nơi mình rồi. Tuy nhiên, không được cảm thấy bị bó buộc chấp nhận các công thức cầu nguyện đã được gợi ý sẵn, song được hoàn toàn tự do sáng tạo ra một lời cầu nguyện khẳng định riêng của mình.

Bạn giữ một tư thế thoải mái trong một chỗ yên tỉnh.

Để một ánh sáng dịu bao bọc chung quanh bạn.

Đặt mình trước mặt Chúa.

Xin Ngài cho bạn được sống sự tha thứ trong hiện tại.

Bạn đã tha thứ cho kẻ xúc phạm bạn. Bạn hãy ý thức điều đó, bạn lắng nghe mình, ngắm nhìn mình trong hoàn cảnh đó.

"Tôi cảm thấy mình đã được giải thoát khỏi mọi nỗi oán giận.

Ngực tôi được cất khỏi mọi lo âu.

Tâm hồn tôi trở nên ngày càng nhẹ nhàng và vui tươi hơn.

Hơi thở tôi sâu hơn và đôi bàn tay tôi ấm áp hơn.

Đôi bàn chân tôi đứng vững trên đất cứng.

Tôi cảm nhận mình đã được giải thoát khỏi gánh nặng của xúc phạm.

Một cuộc đối thoại nội tâm được thiết lập ở trong tôi.

Tôi nghe những lời Chúa phán : "Con có giá trị trước mắt Ta".

Tôi thưởng thức những lời nầy. Tôi nghe Chúa nói với tôi : "Con được giải thoát khỏi mọi lo âu và đau khổ. Con bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời con. Từ những lỗi lầm quá khứ của con, con rút ra được những bài học khôn ngoan và con học biết con được nhiều hơn. Thương tổn của xúc phạm đã chịu được biến đổi thành suối nguồn phong phú và trưởng thành".

Tôi theo đuổi cuộc đối thoại bên trong : "Tôi trở nên mỗi ngày một quan trọng hơn trước mắt tôi. Tôi chấm dứt phản bội lại mình. Từ nay tôi là người bạn thân tốt hơn của mình. Tôi yêu thương kẻ khác như chính tôi. Cả kẻ xúc phạm tôi cũng là đối tượng của tình yêu đó".

Tôi nhận thấy rằng vết thương của tôi đã trở thành sẹo được chữa lành đúng cách.

Ký ức của tôi không còn làm khổ tôi nữa. Trái lại, tôi nhớ lại mọi hoàn cảnh của xúc phạm mà không cảm thấy cay đắng.

Tâm trí tôi sẵn sàng khám phá ra vẻ đẹp nơi tất cả mọi người, kể cả nơi kẻ đã xúc phạm tôi.

Tôi thấy mình đứng thẳng, hiên ngang, tự do và được giải thoát trước mặt kẻ xúc phạm giờ đây đã trở nên cận nhân của tôi.

Tôi thấy mình ngày càng cảm thông hơn đối với mình và đối với tha nhân.

Tôi thấy và cảm nhận mình trở nên trong suốt đối với sự tha thứ của Chúa và thành người chuyển giao sự tha thứ của Ngài. Trong tôi sáng lên những tia lửa tình yêu của Ngài, cho tôi và cho kẻ đã xúc phạm tôi".

Sau khi kết thúc lời cầu nguyện của mình, bạn lấy lại dòng chảy bình thường các hoạt động của bạn, xác tín rằng thế giới đã không còn như cũ, từ lúc bạn đã kinh nghiệm được hậu quả của tha thứ ở trong bạn và ở trong người kia.


Giaiđoạn 1 - Hai - Ba - Bốn - Năm - Sáu - Bảy - Tám - Chín - Mười - MườiMột - MườiHai