PDA

View Full Version : C - CNIII - Phục Sinh - Năm A Trên Đường Em Mau



Dan Lee
04-05-2008, 11:21 AM
CNIII - PHỤC SINH - NĂM A

TRÊN ĐƯỜNG EMMAUS

Phúc Âm của Chúa Nhật III mùa Phục Sinh hôm nay thuật lại câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus, được diễn ra trong bối cảnh sau khi hai vị nghe các Tông Đồ và một số phụ nữ kể lại cảnh tượng ngôi mồ trống và thiên thần đã hiện ra nói với họ là Đức Kitô đã Phục sinh, nhưng hai môn đệ vẫn không tin, nên đã trể về quê trong tâm trạng buồn bã và bối rối. Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra đàm đạo với các ông, nhưng các ông không nhận ra Ngài. Ngài đã dùng lời Kinh Thánh để giải thích cho các ông, xem ra các ông vẫn chưa hiểu. Vì trời đã xế chiều, hai môn đệ mời Đức Kitô ở lại dùng bữa với họ và hai ông đã nhận ra Ngài khi Ngài bẻ bánh trong bữa ăn.

Được nhìn thấy tận mắt Đức Kitô Phục Sinh là một diễm phúc vô cùng lớn lao; diễm phúc ấy Chúa chỉ dành cho các môn đệ của Ngài và những phụ nữ đã từng theo sát bên Ngài cho đến giây phút cuối cùng khi Ngài trút hơi thở trên thập giá. Ngày hôm nay, chúng ta cũng được thông phần đặc ân được nhìn thấy Chúa Kitô Phục Sinh cùng với các Thánh ấy. Khi xưa, chính Chúa giải thích cho họ lời Kinh Thánh, ngày nay, chúng ta được lắng nghe Lời Chúa qua các thừa tác viên và được diễn giải bởi các giáo sĩ; khi xưa, chính Chúa bẻ bánh trao cho các môn đệ, ngày nay, Chúa bẻ bánh trao cho chúng ta qua bàn tay thừa tác Linh mục. Bữa tiệc mà Chúa đồng bàn với các môn đệ khi xưa, và bữa tiệc Ngài dâng hiến chính Thân Mình trên bàn thờ Thập Giá được hiện thực trong các Thánh Lễ hôm nay. Thân xác Phục Sinh của Đức Kitô hiện diện thực trong hình bánh và hình rượu, và Thân xác ấy sẽ ở với ta “mọi ngày cho đến tận thế.” Chúa Kitô Phục Sinh không ở đâu xa; Ngài ở ngay bên ta trong các thánh lễ, trong các giờ chầu Thánh Thể. Như Thánh Tôma và các Tông Đồ khi xưa được chạm đến dấu đanh và cạnh sườn bị đâm thủng của Đức Kitô, ngày nay, chúng ta không những được chiêm ngắm mà còn được chạm đến Đức Kitô Phục Sinh mỗi lần chúng ta rước Ngài vào trong lòng.

Mặc dầu hai môn đệ trên đường Emmaus chưa nhận ra Chúa ngay sau khi Ngài giải thích lời Kinh Thánh cho hai ông, nhưng nhờ những lời Kinh Thánh ấy đã làm cho “lòng các ông bừng cháy lên” và đã nhận ra Ngài trong lúc Ngài bẻ bánh. Lời Chúa đóng vai trò then chốt trong quá trình NHẬN BIẾT và TIN vào Chúa Kitô Phục Sinh. Chúng ta đến tham dự thánh lễ không những chỉ được rước Chúa vào lòng, mà còn được lắng nghe những lời Chúa nói với dân Ngài (Cựu Ước) và với các môn đệ khi xưa (Tân Ước). Qua đó, niềm tin của chúng ta được củng cố và xác tín hơn mỗi khi chúng ta nghe và thấy linh mục truyền phép và trao ban cho ta thân xác của Chúa Kitô Phục Sinh. Vì vậy, cả hai phần trong Thánh lễ: Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, đều quan trọng như nhau.

Có rất nhiều lần Chúa Giêsu ngự vào trong lòng chúng ta qua việc rước lễ, nhưng thử hỏi có bao nhiêu lần chúng ta cảm nghiệm thực sự về sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể? Đã có lắm lúc chúng ta còn hồ nghi về sự hiện diện của Ngài trong bí tích Thánh Thể nữa! Tại sao vậy? Phải chăng chúng ta chưa chuẩn bị kỹ càng trong phần lắng nghe Lời Chúa? Hay chúng ta cho rằng đó chỉ là những lời, những chữ trên sách vở, không phải là Lời của Chúa đích thực?

Ngoài Lời Chúa, để có thể nhận ra Chúa Kitô Phục Sinh, một yếu tố quan trọng cần phải có đó là lòng hiếu khách, hay nói một cách khác cần phải có cử chỉ yêu thương. Nếu hai môn đệ trên đường Emmaus xưa kia không mời Chúa ở lại dùng bữa với các ông, thì có lẽ hai ông đã đánh mất cơ hội nhận ra Chúa Phục Sinh. Maria Madalêna, là người đã nhận được rất nhiều ơn và lòng nhân từ của Chúa. Do đó bà yêu Ngài một cách tha thiết và chân thành. Điều ấy chứng thực qua việc bà theo chân Chúa đến tận núi Calvariô và đã trở lại viếng mồ Chúa khi trời còn đang mờ tối. Vì vậy bà đã được ân huệ là người đầu tiên nhìn và nhận ra Chúa Phục Sinh khi Ngài gọi chính tên bà. Một nhân vật khác đó là Gioan. Ông được mệnh danh là môn đệ Chúa yêu, ông đã tựa đầu vào ngực Chúa trong bữa tiệc chia tay. Điều ấy chứng tỏ không những Chúa Giêsu yêu Gioan một cách đặc biệt, nhưng tình yêu mà Gioan dành cho Thầy cũng thật là sâu đậm khó tả. Sau khi được các phụ nữ loan báo tin xác Thầy bị lấy đi, cùng với Phêrô, Gioan đã chay ra mồ Thầy và được chứng kiến cảnh ngôi mồ trống. Cùng nhìn thấy một cảnh tượng, Thánh sử Gioan thuật lại rằng người môn đệ ấy (môn đệ Chúa yêu) đã THẤY và đã TIN. Và cũng vào một dịp khác, khi một số Tông Đồ đi đánh cá ở biển hồ Tibêria, Chúa đã hiện ra với các ông và Ngài cho các ông đánh được một mẻ cá lớn (153 con). Tất cả các tông đồ đều chứng kiến phép lạ này, riêng chỉ có người môn đệ Chúa yêu nhận ra Thầy trước, nên ông đã bảo với Phêrô: “Chính Thầy đó!” Nếu ta yêu nhiều, ta cũng sẽ nhận ra chân dung đích thực của Chúa Kitô sớm hơn. Alleluia.

Thầy Phêrô Đoàn Hoàng Khôi Anh, SDD