PDA

View Full Version : R - Rất Cần Ơn Thánh Chúa



Dan Lee
04-11-2008, 06:24 PM
Rất Cần Ơn Thánh Chúa


Đối với người công giáo, ơn thánh Chúa là vấn đề rất quan trọng.

Từ khi Chúa Giêsu phán: "Không có Thầy, chúng con không làm gì được" (Ga 15,5) ơn thánh Chúa được coi là hết sức cần thiết. Riêng trong lãnh vực đạo đức, ơn thánh Chúa giữ một vai trò đặc biệt, không gì thay thế được.

Ở đây, chúng ta gẫm suy về vài điểm mà thôi.

1. Rất cần ơn thánh Chúa để đối phó với các lực lượng phá hoại trong mình ta

Trong mỗi người chúng ta luôn có ánh sáng, nhưng cũng luôn có bóng tối. Ánh sáng thôi thúc chọn điều lành. Bóng tối dụ dỗ chọn điều xấu. Càng nơi người đạo đức, cuộc chiến nội tâm càng quyết liệt. Thánh tông đồ Phaolô tự cáo mình: "Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm... Khi tôi muốn làm điều thiện, thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay... Tôi thật là một người khốn nạn. Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Rm 7,16-24).

Nhờ ơn Chúa, mà thánh Phaolô nhận ra mình mang trong bản thân những lực lượng phá hoại.

Cũng nhờ ơn Chúa, mà thánh Phaolô đã thắng được những lực lượng phá hoại đó.

Biết bao người không được như vậy. Không những họ không thắng được sự ác trong mình, mà cũng không nhận ra trong mình có nhiều sự ác.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nêu lên trường hợp người biệt phái và người thu thuế cùng lên đền thờ cầu nguyện. Người biệt phái được dư luận coi là loại đạo đức. Ông ta cũng tự tin như vậy, khi ông nói với Chúa: "Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: Tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi" (Lc 18,11-13). Và Chúa Giêsu kết luận: Người thu thuế thì được nên công chính, còn người biệt phái thì không.

Chuyện trên đây cho ta thấy: Người thu thuế, tuy rất tội lỗi, nhưng đã đón nhận ơn Chúa, để biết mình và biết sám hối, nên đã được tha. Còn người biệt phái đã không nhận ơn Chúa, nên không biết mình, không biết sám hối, nên không được tha.

Hai người khác nhau ở chỗ: Kẻ thì có khiêm nhường, nên đã đón nhận được ơn Chúa, và người thì không có khiêm nhường, nên đã không đón nhận được ơn Chúa.

Dụ ngôn vừa nêu vẫn xảy ra mọi thời. Nếu chúng ta không khiêm nhường, cứ tưởng mình đạo đức, nên tự tin, tự mãn, tự kiêu, do đó mà không đón nhận được ơn Chúa, thì số phận dành cho ta cũng sẽ như số phận dành cho người biệt phái.

2. Rất cần ơn thánh Chúa để giải thoát mình ra khỏi những tội tập thể

Tội tập thể là những sai trái thuộc chung cộng đoàn và quần chúng.

Trong Phúc Âm, tội tập thể trước hết là tội thuộc một nhóm. Họ là các kinh sư và biệt phái. Thánh Matthêu liệt kê các tội tập thể của kinh sư và biệt phái trong hẳn một chương dài, tức chương 23. Chúa Giêsu gọi đích danh những kinh sư và biệt phái ra, và kể cụ thể các tội của nhóm họ (x. Mt 23,1-36).

Tiếp đến, tập thể là quần chúng. Chúa Giêsu đã nói về đám đông đó rất rõ: "Giả như Thầy không làm giữa họ những việc không một ai khác đã làm, thì họ đã không có tội. Nhưng nay họ đã thấy rồi, mà vẫn ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy" (Ga 15,24).

Hồi đó, đích thân Chúa Giêsu sống giữa đám đông Do Thái, và bên cạnh nhóm kinh sư và biệt phái. Chúa giảng dạy, Chúa làm phép lạ, Chúa mời gọi, Chúa răn đe, Chúa chịu khổ nạn vì họ. Nhưng ít người trong họ đã rút mình ra khỏi được cách suy nghĩ và cách sống của tập thể. Tại sao vậy? Thưa vì họ có tự do, và Chúa trọng sự tự do của họ. Chúa sẵn sàng ban ơn. Nhưng Chúa không ép ai phải nhận. Chỉ những ai khiêm nhường.

Đối với nhiều người, nhóm là chỗ dựa, đám đông là tiêu chuẩn. Họ ẩn mình trong nhóm. Họ đẩy trách nhiệm cho đám đông. Áp lực của tập thể rất lớn. Nhưng những ai khiêm nhường, biết cầu xin với Chúa, thì Chúa sẽ ban cho họ ơn biết đón nhận ý Chúa. Họ vẫn thương tập thể, nhưng chỉ để cho ơn Chúa lôi kéo mình mà thôi.

3. Rất cần ơn thánh Chúa để sám hối trở về

Đọc Phúc Âm, chúng ta thấy sám hối là cửa lối vào Tin Mừng. Nhưng không phải tất cả mọi người đã đi qua cửa sám hối.

Đọc chuyện Hội Thánh, chúng ta thấy: Đức Mẹ Maria nhiều lần khẩn khoản mời gọi sám hối. Nhưng số người vâng lời Mẹ để sám hối vẫn không đông.

Có nhiều người, tuy biết mình sống trong tội lỗi, nhưng vẫn không sám hối, hoặc có sám hối, nhưng chỉ hời hợt. Sự thực trên đây là rất đáng buồn và rất nguy hiểm.

Tại sao người ta không chịu sám hối. Thưa không phải vì thiếu lời răn bảo, cũng không phải vì không gặp được nhà thờ, hay linh mục giải tội, cũng không phải vì họ cảm thấy không cần thiết. Nhưng thường vì họ không tự mình chỗi dậy được.

Chỗi dậy khỏi tội là bẻ gẫy được xiềng xích sự ác quấn quanh mình. Chỗi dậy là thắng được lũ quỷ Satan chiếm đoạt lòng mình. Chỗi dậy là sống giữa đời mà không bị thói xấu của đời vây hãm.

Chỗi dậy như thế đâu phải việc dễ. Kinh nghiệm cho thấy: Chỗi dậy tuy khó, nhưng với ơn thánh Chúa, việc chỗi dậy sẽ dễ dàng.

Ơn thánh sẽ đến với ta, nhờ lòng thương xót Chúa, và một phần cũng vì ta được nhiều người cầu nguyện hy sinh đền tội cho, và cũng vì ta biết đón nhận ơn thánh một cách khiêm nhường.

Hiện nay, trong lãnh vực đạo đức, đâu đâu cũng kêu cứu. Nơi tốt kêu cứu, vì tình hình bị đe doạ. Nơi không tốt kêu cứu, vì tình hình rất bi đát. Nơi lừng chừng kêu cứu, vì tình hình rất mong manh.

* Chúng ta hãy khiêm tốn cầu xin Chúa thương đến mọi người mọi nơi.
* Chúng ta khiêm tốn xin Chúa ban ơn thánh của Người, để công việc chấn chỉnh Hội Thánh Việt Nam được thực hiện tốt bây giờ và mãi mãi.
* Chúng ta khiêm tốn cầu xin Chúa thương đến chúng ta cách riêng, vì chúng ta xác tín: Không có ơn thánh Chúa, chúng ta không thể làm gì được trong lãnh vực đạo đức.

+GM JB Bùi Tuần