PDA

View Full Version : H - Hẹn Hò Tốc Độ



Dan Lee
04-12-2008, 06:33 AM
“Hẹn Hò Tốc Độ”


“Sống gấp”, “Yêu thử”, “Sống thử” và bây giờ là... “Hẹn hò tốc độ”

Nhịp sống bây giờ dường như quá vội vã, tiếng nói của trái tim cũng quay cuồng theo nhịp sống cơm áo gạo tiền. Vội vã trên đường thăng quan tiến chức mà không kịp dừng lại để suy nghĩ, để lựa chọn, để đắn đo cho dù đó là một việc hệ trọng của cả cuộc đời. Hạnh phúc hay bất hạnh họ cũng xem như một canh bạc và các nhà tổ chức những canh bạc ấy thì không thiếu trong bối cảnh hiện nay.

Thuật ngữ Marketing được du nhập vào Việt Nam không lâu, nhưng hiện nay. Người ta đã đẩy thuật ngữ này vào tận các ngóc ngách của tâm hồn con người. Nó không chỉ dừng lại ở sản phẩm vật chất hay đơn thuần là những hình ảnh, slogan quảng cáo… Marketing ở Việt Nam bị lạm dụng một cách bừa bãi, vài nhân viên áo quần loè loẹt đèo bồng nhau trên một chiếc xe bán sản phẩm rong ruổi trên đường cũng được gọi là nhân viên Marketing, Vài chương trình hô hò cổ vũ trên loa phóng thanh được treo lủng lẳng ở đầu chiếc taxi nào đó cũng gọi là Marketing hay PR ( Quan hệ công chúng ) v.v…

Trước hết, đối với những người làm Marketing chân chính. Họ đã phải suy nghĩ làm đúng ngay từ đầu, Thuật ngữ ZD ( Zero defect = Không mắc lỗi ) bắt người ta phải nghiên cứu, thống kê, tìm hiểu từ sản phẩm đến công dụng, tính năng, tính phù hợp, mẫu mã, giá cả… và quan trọng hơn cả là tác dụng giáo dục, tác dụng xã hội, mặt lợi, mặt hại của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng… và cuối cùng khi quyết định tung sản phẩm ra bán, những người có trách nhiệm phải họp lại, quyết định và cùng cam kết. Họ cam kết sẽ cho ra những sản phẩm có chất lượng cao đáp ứng các nhu cầu của con người kể cả tác dụng giáo dục v.v...

Nhưng ngày nay, người ta đã tận dụng tối đa tất cả các nhu cầu cơ bản nhất, tự nhiên nhất của con người, để có thể đưa ra những chương trình hấp dẫn, những trò chơi, những phong trào rầm rộ, một lối sống được cho là lạ v.v... Họ phớt lờ tất cả các tác dụng của sản phẩm. Nhan nhản trên thị trường là hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết date, Các sản phẩm quan trọng như sữa của trẻ em người ta cũng chẳng tha, thuốc men cũng giả, đồ chơi độc hại cả chất liệu lẫn tác dụng, chất liệu vải thì gây ung thư, rau quả, thực phẩm cũng chẳng cần xem xét, mặc kệ người tiêu dùng và trong đó rất nhiều các công ty tên tuổi…

Cùng với nó là vô số những hình ảnh quảng cáo bừa bãi, gợi cảm, gợi dục để quảng cáo hình ảnh. Thậm chí các game shows trên các chương trình truyền hình cũng chẳng quan tâm đến giáo dục là bao. Các sản phẩm, các chương trình đó có cái là thật, có cái là giả, lừa phỉnh, lấp lửng chỉ cần làm sao để thu hút được số đông người tham gia mà mục đích cuối cùng của những nhà tổ chức là… tiền. Người ta mặc kệ những hậu quả của nó, người chơi hay không chơi hoặc thế hệ sau phải gánh chịu, ai chết kệ ai, miễn sao có tiền.

Các cơ quan chức năng thì chẳng hơn gì thiên hạ, ngoài “tiền”. Ai muốn làm gì thì làm nhưng họ phải “thư tay” phải “phong bì”. Cùng lắm khi chuyện bị lộ tẩy, bị kiểm tra thì “rút kinh nghiệm lần sau”, hay cùng lắm thì cái bản án nhẹ như một chiếc lông... gà, chẳng làm cho ai bận tâm suy nghĩ.

Còn nhớ ngày xưa, khi du nhập vào Việt Nam lối sống “Hippy”, một số thanh niên choai choai cũng từng hăng tiết vịt tham gia một cách hoành tráng. Những người tham gia thường là tay ăn chơi và không được học hành tử tế, rành các quán bar, vũ trường còn hơn nhà mình. Dạo ấy, các ông, các bà có cho tiền cũng chẳng dám gả con gái mình cho một tên tóc tai dài thượt, đeo kính đen ngòm, phì phèo điếu Malboro trên môi. Ao quần thì lùng thùng loè loẹt, túi trên túi dưới, giầy đinh tổ chảng.

Hầu như chẳng có một tờ báo nào dám ra mặt ủng hộ hay hoan nghênh các lối sống buông thả này. Giới trí thức dường như dị ứng và chẳng bao giờ chọn lựa phong cách phóng đáng như vậy, và đặc biệt, tuổi học sinh phổ thông lại càng chẳng dám ho he. Cũng do không phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam nên xì-tin này không có ảnh hưởng lớn đến truyền thống xã hội và hậu quả cũng không đáng kể trên bình diện xã hội.

Còn ngày nay, không chỉ trên các diễn đàn, các trang báo, trên truyền hình… đâu đâu cũng thấy người ta công khai các lối sống được cho là mới, là lạ, và người ta mang hết các kiến thức Marketing để lợi dụng, để hô hào, để cổ vũ nhằm làm cho túi tiền rủng rỉnh hơn. Một số các tay bút trong các toà soạn non kém về nhận thức, về đạo đức đã vô tình hay cố ý bóp méo hay phớt lờ các hậu quả để tìm kiếm danh vọng, Họ ngang nhiên phô bày tất cả sự dung tục và thậm chí có những kẻ còn sử dụng chính những hình ảnh đồi truỵ để Marketing cho chính bản thân họ.

Một số các tổ chức lại hô hào lôi kéo, thậm chí là dụ dỗ, lừa lọc, bao che cho các hành vi đồi bại như chúng ta đã từng thấy trong rất nhiều những vụ án gần đây. Họ dùng cả quyền lực, bạo lực để hậu thuẫn cho các âm mưu đen tối. Nhiều vụ án chìm xuồng. Luật pháp không còn hiệu lực răn đe kẻ xấu. Không nói gì nhiều, trong xã hội có hai ngành có thể nói là đào tạo nên một con người có nhân có nghĩa là ngành giáo dục và y tế. Thế nhưng hai ngành này gần như đã bị chiếc vòi bạch tuộc quấn chặt, nhấn chìm. Thầy cô còn ăn hối lộ, tham nhũng, còn lừa lọc thành tích… Bác sĩ còn chặt chém, còn sử dụng thuốc giả, hết date, còn hù dọa bệnh nhân để kiếm tiền… Vậy thì thử hỏi, nhìn vào một góc nào đó thì “sản phẩm” của các vị ấy là “các em học sinh” làm gì còn “chất lượng” ?!?

Trong cái vòng luẩn quẩn không lối thoát. Rất nhiều chiếc lưới đã được giăng ra và tất nhiên, nhiều con nhạn là đà sa lưới, hết con này lại đến con khác, sa hết lưới này rồi tiếp tục sa lưới khác, cho đến khi chợt nhận ra những giá trị của đạo đức và tinh thần đã bị hủy hoại thì quá muộn mất rồi !

Thật tội nghiệp cho các con “chim nhạn” ngày nay, mà đại đa số lại là các con chim còn quá non trẻ, chưa đủ kinh nghiệm sống. Ngựa non háu đá nên bỏ ngoài tai các lời dạy bảo, xem thường các giá trị tâm linh, đạp đổ các phong tục tập quán, xa rời truyền thống đạo đức mà họ cho là gông cùm trói buộc đời trai. Họ đầy khí thế hiên ngang, đòi phá bỏ cái cũ để xây dựng cái hoàn toàn mới, cho cuộc sống nhẹ nhàng hơn, tự do hơn, sung sướng hơn, hưởng thụ tất cả mà không phải lo ngại.

Quá xưa rồi câu tục ngữ “nam nữ thọ thọ bất thân”. “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng“. Lối sống của lớp trẻ ngày nay đâu cần những thứ ấy nên sự giữ gìn là không cần thiết. Họ yêu gấp, họ sống vội, họ yêu thử, sống thử rồi họ chia tay mà chẳng cần phải bận tâm vì dù sao những cái họ cho là cần thiết hai bên đều đạt được còn hậu quả của nó thì bay theo chủ nghĩa Mackeno.

Hippy ngày xưa còn thua xa các Hip Hop choai choai ngày nay. Thua từ tầng lớp, từ giai cấp, thua cả số lượng lẫn chất lượng, thua về mức độ trác táng, về tư tưởng… Cánh Hippy ngày xưa có lẽ phải ngả nón bái chào đám loai choai bây giờ.

Người ta Marketing bằng những từ ngữ: ”Hẹn hò tốc độ”, “Tiêu diệt nhanh, hạ gục gọn” hay “Cứu tinh cho người bận rộn”. Thế đấy, nhưng không biết các nhà tổ chức nghĩ sao, chứ riêng tôi thấy tiếc cho “cái thủa ban đầu lưu luyến ấy – ngàn năm đâu mấy dễ ai quên”. Tiếc thay cho cái vẻ bẽn lẽn của người phụ nữ Việt Nam khi có đối tượng tỏ bày, Tiếc cho cái cách làm quen, tỏ tình rất hoa mỹ, rất văn chương, rất thật thà của chàng trai khi xưa: “Hôm qua tát nước đầu đình, để quên chiếc áo trên cành hoa sen. Em có nhặt được thì cho anh xin, hay là em để làm tin trong nhà.”

Rồi lời marketing về bản thân rất dễ mến của chàng trai: “Áo anh rách chỉ đường tà, vợ anh chưa có, mẹ già chửa khâu”. Cùng với những hứa hẹn chân thành, thực tế: “Mai mốt lấy chồng anh sẽ trả công, giúp em đôi chiếu em nằm, đôi chăn em đắp đôi chằm em đeo...”

Đâu mất rồi cái thủa ấy, chẳng lẽ cứ phải “Hẹn hò tốc độ”, “Yêu nhanh“, “Sống gấp“ thì mới là con người hiện đại ? Giá trị của đạo đức liệu có lỗi thời ? Giá trị của tinh thần chẳng lẽ chỉ cần đánh đổi bằng 3 phút phù du… Hậu quả của nó, ai sẽ gánh chịu, Con cái chúng ta ư, bản thân chúng ta ư ? Ôi thật tội nghiệp cho các nhà tổ chức và các con nhạn la đà của tôi !

Nhân – Lễ – Nghĩa – Trí – Tín, năm thành tố mà các sĩ tử ngày xưa buộc phải hiểu đúng, sống đúng để tiến thân, để lều chõng thi cử, để trở thành người hữu dụng. Thế nhưng NHÂN vẫn là yếu tố đứng đầu, là căn cơ vững chắc cho các yếu tố tiếp theo. Còn nhớ trong các chương trình giáo dục hồi ấy, môn Đạo Đức luôn là môn được quan tâm một cách đặc biệt và khẩu hiệu “Tiên học lễ – Hậu học văn” luôn là kim chỉ nam cho cả thầy lẫn trò.

Thật đáng buồn khi có dịp hỏi một giáo viên lớp sáu môn văn: “Thầy quan tâm đến điều gì nhất để dạy cho các học sinh của mình ?“ Thật bất ngờ khi nhận được câu trả lời: “Tôi chẳng quan tâm gì cả, chỉ mong sao tất cả “tụi nó” đi thi đủ điểm là tôi vui rồi.” Than ôi. Cái “văn chưa đủ“ trong tâm người thầy. Thảo nào mà vẫn có nhiều con nhạn la đà sa lưới.

“Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”, một câu nói của Thánh Âu-tinh. Thật vậy, hãy chọn lựa cho mình một con đường, một lối đi, và trên hết hãy hỏi mình rằng: “Tôi là ai ?” Là con nhạn la đà sa lưới hay là người đồng hành với các chiến sĩ Bảo Vệ Sự Sống ?

Lạy Chúa Giê-su, con đã thấy nỗi đau khổ tuyệt đối của Ngài. Con đã thấy nỗi xót xa tột cùng của Ngài với em thai nhi xấu số bé nhỏ trên tay. Xin cho chúng khỏi sa chước cám dỗ, xin cho chúng con thoát khỏi những tấm lưới đã giăng ra trên thế gian này.

• Xin xem thêm tuoitre.com.vn

Đaminh Phan Văn Dũng