PDA

View Full Version : L - Lẽ sống trong đời thường



Dan Lee
04-18-2008, 07:00 PM
Lẽ sống trong đời thường

“Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì,

anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cor 10, 31)

Chính khi đi vào các việc bình thường hằng ngày mới cho ta thấy rõ mình như thế nào. Đã bao lần ta muốn dẹp đi những chuyện khó khăn, muốn tránh né trọng lực của đời sống thường nhật, muốn lẩn trốn áp lực của công việc, muốn vứt bỏ cái buồn tẻ của bổn phận, cái trống rỗng của thói quen, cái vô hồn của sự vật chung quanh … Chúng ta thích một cái gì khác mới mẻ và lớn lao hơn. Ta muốn phóng mình ra ngòai, vì cuộc sống bên ngoài xem như hấp dẫn và thoải mái hơn.

Làm thế nào để sống hứng thú với công việc đều đều hằng ngày? Làm sao có thể biến đời thường thành đời sống mới? Vì chỉ là những công việc lặp đi lặp lại không ngừng, có khi là những cái không đâu vào đâu, làm cho cuộc sống trở nên tẻ nhạt, buồn chán. Nhiều khi ta thấy chẳng có gì xứng đáng hay vinh dự để sống bổn phận hằng ngày, vì một ngày như mọi ngày, trong đó mọi cái lại diễn ra trong sự thường tình. Phải chăng một cuộc sống như thế không phải là hiện hữu, và hiện hữu như thế không phải là cuộc sống. Vậy thế nào mới là cuộc sống, một cuộc sống đích thực?

1. ĐỜI SỐNG ĐÍCH THỰC

Phải chăng sống đích thực là sống phù hợp với cái ta là, với điều ta muốn, với việc ta làm? Nếu vậy phải thấy rõ cái ta là, biết rõ điều ta muốn, thấu rõ điều ta làm. Đây quả là một tiến trình nhiêu khê, nhưng cũng bức thiết trong việc nhận biết mình giữa các tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và vũ trụ vạn vật. Nhiều khi ta chỉ muốn sống như mình mơ ước, mà ít khi suy tư nghiền ngẫm về đời sống thực tế của mình trong các mối tương quan đó, nên không thấy được giá trị hiện diện của mình khi đi vào cuộc sống thường ngày với những bổn phận. Chính vì nhận ra giá trị của phận trong những tương quan đó nên câu nói của triết gia Seneca đã trở thành danh ngôn: “Id facere laus est quod decet, non quod licet”: Kẻ đáng ca tụng là kẻ làm điều mà bổn phận đòi phải làm, chứ không phải làm điều mà nó có thể làm.

Ông C. Kingsley cũng nói: “Chỉ những ai làm đầy đủ bổn phận trong việc nhỏ hằng ngày mới làm tròn được trách vụ lớn lao”. Đây là điều mà Chúa Giêsu đã từng nói: “Việc nhỏ nhất mà anh em còn làm không được, thì anh em lo lắng về những việc khác làm gì?” (Lc 12, 26). Ở chỗ khác, Ngài cũng khẳng định: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16, 10). Khi chỉ ham làm những công việc lớn, có tầm cỡ, mà coi thường những công việc nhỏ, phải chăng người ta rơi vào tình trạng bất bình thường, phát sinh từ sự non yếu và thiếu hụt trong đời sống tâm linh. Đời sống quân bình của một người không hệ tại ở công việc lớn hay nhỏ, nhưng hệ tại vào những công việc thuộc bổn phận mình, một bổn phận mang tính cách toàn thể: “Vũ trụ nội sự nãi kỷ phận nội sự. Kỷ phận nội sự nãi vũ trụ nội sự.”: Việc trong vũ trụ là việc trong bổn phận mình; việc trong bổn phận mình chính là việc ở trong vũ trụ. (Lục Tượng Sơn).

Mọi cái diễn biến trong từng ngày vẫn là như thế, không thể hơn, chỉ có điều khác biệt là tâm trạng của mỗi con người đứng trước những hoàn cảnh thường nhật đó. Buồn tẻ hay thú vị, nhàm chán hay phấn khởi, tầm thường hay cao đẹp… khi đứng trước mọi việc cũng đều phát xuất từ chính tâm trạng mình: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Không thể đòi hoàn cảnh hay sự việc phải thay đổi, nhưng đòi tâm trạng và tính cách mình phải đổi thay. Điều cần ghi nhận là khi người ta nhận ra được ý nghĩa của những sự việc mình làm, thì tất cả sẽ được biến đổi trong một trạng thái tích cực. Ý nghĩa đó không chỉ mang tính tự thân của sự việc hay hoàn cảnh mà còn là ý nghĩa của một ơn gọi hiện diện. Cuộc sống phải được khám phá và sáng tạo không ngừng ngay trong những công việc đều đặn hằng ngày. Khám phá và sáng tạo để thủ đắc tối đa những sự thật khả hữu, để tìm được một cuộc sống quân bình trong niềm vui giản dị, để thưởng nếm cho biết cuộc đời đẹp biết bao qua những điều nhỏ bé.

Dù vậy, không phải là cuộc đời được sáng tạo cho bằng trước tiên là cái nhìn được sáng tạo, nghĩa là một cái nhìn mới mẻ về cuộc đời: thấy được điều phi thường trong những cái bình thường và có khi là tầm thường; khám phá ra niềm vui mà ta có thể múc lấy nơi mọi sự. Sáng tạo cuộc sống đời tôi là biết hái lấy cái rất bình thường mà vẫn cảm thấy vui mừng, thấy nó tạm bợ, nhỏ bé, mà vẫn có giá trị sâu xa cho cuộc sống. Hái lấy theo nguyên ngữ Latinh: colligare, nói lên một việc làm tế nhị, một thái độ kiên nhẫn và khôn ngoan trong hành động, biết nỗ lực tìm lấy những gì có thể, và đồng thời bằng lòng với chính mình về những gì có được.

2. TÌNH YÊU ĐƯỢC ĐẶT VÀO TRONG MỌI VIỆC

Nghệ thuật sống là xác lập được thế quân bình giữa cái chính và cái phụ. Cái phụ là mọi việc đều đều mà chúng ta làm hằng ngày. Còn làm ra sao, với thái độ và tâm tình như thế nào mới là cái chính yếu. Cái chính yếu đó là tình yêu trong mọi công việc. Điều quan trọng là làm sao cho mình có được một tình yêu. Tình yêu giúp ta thâu hóa những cái tầm thường hằng ngày và đem lại cho chúng một ý nghĩa. Thật vậy, “Gọt khoai trong yêu thương cũng có giá trị như xây một nhà thờ chính tòa” (Guy de Larigaudie). Một bà mẹ quê mùa tần tảo với tất cả tình yêu vẫn có giá trị ngang tầm với những người mang trọng trách cao cả.

Đang khi đó với cái nhìn nông cạn và thiếu tình yêu thì người ta thấy những việc tầm thường hằng ngày thật vô nghĩa, nên chẳng còn hứng thú gì với cuộc sống trước mắt. Nhiều bạn trẻ đã muốn vượt khỏi cuộc sống hiện tại với những công việc nhàm chán, để lao mình vào cuộc sống khác, để được tự do sáng tạo đời mình như mình mơ ước, với nhiều bất ngờ, sôi động và thú vị hơn, vì“Ngoài vòng cương tỏa chân cao thấp”. Đó phải chăng là tâm trạng của người con hoang đàng trước khi ra bỏ nhà ra đi (x. Lc 15, 11-24). Có ngờ đâu con đường thênh thang này không phải là con đường tự do sáng tạo, mà là tự do phóng túng, đưa tới tự do phóng đãng, trụy lạc, là vòng cương tỏa của đêm tối não nùng cho đời mình.

Yêu thương, đó chính là sống thực. Chỉ có yêu thương mới khiến người ta nhiệt tình với sự sống: một sự sống tạm bợ, mỏng dòn, nhưng lại đang khơi nguồn và vươn mầm lên cho một sự sống mới, chính là sự sống của Đức Kitô đang khao khát và tái tạo không ngừng trong mỗi tâm hồn. Tình yêu sẽ biến đổi tất cả. Tình yêu sẽ vĩnh cửu hóa mọi sự. Sau một cuộc đời với bao nhiêu nhọc nhằn và khốn khổ, đau thương và mất mát... cũng như bao nhiêu việc làm tẻ nhạt âm thầm, thử hỏi còn lại gì nếu không phải là tình yêu (x. 1Cor 13, 6-13).

3. MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA ẨN MÌNH TRONG ĐỜI THƯỜNG

Một đời sống bình thường, đều đều với những bổn phận âm thầm, nhìn từ bên ngoài như vô nghĩa, nhưng đó lại là “nét bí ẩn” của đời sống. Cũng giống như cái chết của hạt giống gieo vào lòng đất trong mùa Đông, nhưng khi Xuân về thì sự sống mới tỏ hiện rỡ ràng. Quả thật, “Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện.” (Lc 8, 17). Cái bí ẩn âm thầm của đời ta nằm trong kế hoạch quan phòng của Thiên Chúa, và cái bí ẩn âm thầm của Thiên Chúa nằm trong chính sự im lìm của cuộc đời ta. Tìm kiếm Thiên Chúa là biết chờ đợi Ngài trong đêm tối. Đó cũng là tâm tình của R. Tagore:“Những người yêu con trong đời tại thế luôn ở bên con từng giây. Tình Ngài yêu con không bờ không bến nhưng có thấy bóng Ngài đâu. Và, tôi sẽ chờ đợi Ngài trong đêm tối.”

Đó là mầu nhiệm Thiên Chúa ẩn mình. Ngài ẩn mình ngay trong đêm tối của cuộc đời, nhất là những cuộc đời chấp nhận bị lãng quên, bị coi rẻ, bị đánh giá thấp, bị vùi dập và có khi bị loại trừ. R. Tagore đã cảm nhận điều đó như sau:

“Chỗ này là thảm hoa, nhưng Người không bước vào.

Người lại đứng nơi kia, bên những người nghèo khó.

Nơi này là chỗ cao, muôn người nghiêng kính chào.

Nhưng Người đứng nơi kia, bên hàng hạ nhân khốn cùng.

Người ở với người nông dân đang cày bừa.

Người ở với người công nhân đang đập đá.

Người đang đổ mồi hôi dưới nắng mưa từng ngày.

Và chân bùn tay lấm trong tấm áo tả tơi.”1

Thiên Chúa đã chẳng hóa thân thành con người trong Đức Giêsu dưới cái nhìn và cách đối xử khinh miệt của thiên hạ như thế sao? Không chỉ bản thân Ngài bị khinh rẻ, mà còn ngay những gì thân thuộc với Ngài như cha mẹ, anh em bà con (x. Mt 13, 55), quê hương xứ sở (x. Ga 1, 46), và cuối cùng Ngài còn bị loại trừ như một tên vô lại (x. Ga 18, 40).

Để tìm thấy Chúa trong đời sống hằng ngày không phải là muốn làm những hành vi nỗi bật hay những công việc cao cả trước mặt thiên hạ, nhưng là ân cần tiếp nhận đời sống thường nhật qua những bổn phận nhỏ nhặt, dù thuận lợi hay bất trắc thì cũng một tình yêu hết mình như Chúa Giêsu ngày xưa. Chính Ngài cũng đã dạy hãy giữ mình, đừng tỏ ra công chính trước mặt người đời... (x. Mt 6, 1-6; 16-18). Muốn làm gì khác với bổn phận hiện tại đang ràng buộc ta “ở đây và bây giờ” (hic et nunc) là muốn phủ nhận ơn gọi hiện diện một cách sống động và sâu xa của mình ngay trong hiện tại. Từ đó, ta xác tín thâm sâu rằng: Thiên Chúa, Đấng đang ẩn mình trong ta, mời gọi ta cũng hãy biết luôn ẩn mình trong Ngài; Đấng đang âm thầm hành động trong ta qua mọi sự, mời gọi ta cũng hãy âm thầm hành động trong Ngài qua mọi điều.

4. NHÌN NGẮM CHÚA GIÊSU TRONG ĐỜI THƯỜNG

Tình yêu đích thực là chính ý nghĩa cao cả của một đời sống, mà chính Thiên Chúa đã đến xác lập và mạc khải nơi Đức Giêsu, Đấng đã sống thân phận làm người như mọi người. Ngài đã sống cuộc đời thật âm thầm, giản dị, nghèo khó, khép mình vào một nơi, cố định vào một thời, ẩn mình vào một chỗ, với tính bất tất và giới hạn của mọi sự. Thật nghịch lý khi ta thấy Ngôi Lời nhập thể đến để nói cho ta biết về Thiên Chúa vô hình bằng cách im lặng trong suốt 30 năm trời. Rồi trong những ngày tháng phải sống công khai vì nhận ra ý Cha, Ngài cũng chịu phép Rửa như bao người tội lỗi muốn tỏ lòng thống hối.

Đáng lẽ với tư cách là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu phải giãi bày cho biết về mầu nhiệm của sự dữ, của đau khổ, và nhất là những oan khiên mà những người vô tội phải gánh chịu thảm thương, đang khi kẻ ác nhân vẫn phè phỡn sung sướng suốt đời. Đó là những điều mà bao người đang khao khát muốn nghe, nhưng rồi không những Ngài không nói rõ, mà chính Ngài cũng im lặng trước những kẻ dã tâm, vu khống và hành hình Ngài cho đến chết, và là cái chết ô nhục nhất. Đến khi phục sinh Ngài cũng âm thầm ra khỏi mồ, không kèn không trống, không ầm ĩ báo tin cho toàn dân để cho những kẻ ác nhân phải bẽ mặt, nhưng chỉ hiện ra cho những người thân cận trong phút chốc rất tinh tế, nhẹ nhàng và kín đáo.

Những hành vi tối thượng đó còn gì là trọng đại, nếu Đức Giêsu không sống “cái tiềm ẩn” của mọi cuộc đời lao nhọc. Tính cách đó có ý nghĩa và giá trị gì nếu không được thúc bách bởi tình yêu, là chính ý nghĩa của đời Ngài, và cũng là chính ý nghĩa của đời ta. Như khi Philipphê hỏi Ngài: “Thưa Thầy, xin chỉ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” (Ga 14, 8). Đức Giêsu không chỉ mà lại nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (14, 9). Câu đó cần được hiểu như sau: “Ai chịu khó tìm hiểu về tình yêu hàm ngụ trong đời sống tiềm ẩn của Ta, người ấy có thể chiêm ngưỡng nét vô hình của Chúa Cha, vì nét vô hình đó cùng bản tính với tình yêu tiềm ẩn nơi Ta”2.

Thiên Chúa là gì nếu không phải là TÌNH YÊU tiềm ẩn ở trong ta. Ngài có mong mỏi gì khác hơn là bộc lộ tình yêu đó trong mọi sinh hoạt rất bình thường của đời sống ta. Đó cũng là điều mà Chúa Giêsu cũng đã mong mỏi thể hiện và đã hoàn thành (x. Lc 12, 49-50). Nhận ra ý nghĩa thâm sâu ấy nên Thánh Phaolô đã mạnh dạn tuyên bố: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1Cor 13, 1-3). Có được gì chăng nữa trong cuộc đời này rồi cũng mất, chỉ có tình yêu mến không bao giờ mất được, vì nó là ý nghĩa và là thực tại của đời sống vĩnh cửu trong Thiên Chúa.

Đó chính là nền tảng của linh đạo “làm những việc nhỏ nhất trong đời”, mà cả đời thánh Têrêxa de Lisieux đã sống. Thánh nữ cũng chỉ làm những việc nhỏ nhặt, xem ra tầm thường, nhưng với một tình yêu phi thường, và đã dành trọn tình yêu của mình cho Chúa và cho tha nhân qua mọi công việc điều đặn thường ngày. Đời sống của Thánh nữ đã minh họa một cách sống động lời của thánh Phaolô: “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa.” (1Cor 10, 31). Câu này đã trở thành châm ngôn của đời sống Kitô giáo, đi liền với câu gửi tín hữu Colossê: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” (3, 17).

Ý hướng và tâm tình đó sẽ biến thành niềm vui nội tâm, và khiến cho mọi việc chúng ta làm có một ý nghĩa trọng đại. Do đó, chúng ta có một xác tín thâm sâu rằng: đời sống mới của chúng ta hiện đang được ẩn giấu trong Thiên Chúa cùng với Đức Kitô, và khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, chúng ta sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang (x. Cl 3, 3-4).

Tính đều đặn, trung thành, âm thầm, là đặc điểm của đời sống thiêng liêng. Thường xuyên khuấy động và ham thích những điều mới mẻ chỉ làm phân tán năng lực và xáo trộn tâm hồn, làm đứt đoạn đời sống nội tâm. Chính đời sống đơn điệu thường nhật giải thoát tâm hồn khỏi những lo lắng thái quá để ta biết chú tâm vào những chuyện quan trọng hơn, được sống gần Chúa hơn. Chúng ta chờ tĩnh tâm, chờ các lễ lạc, chờ các giờ đạo đức để sống gần Chúa hơn trong khi Chúa ở với chúng ta mọi nơi, mọi lúc. Chúng ta quá bận rộn nên bị phân tán không còn nhận thấy điều đó. Chúng ta thấy mình quá quan trọng nên phải ôm đồm và bao thầu mọi thứ, nên không thấy Chúa đang ở trong công việc hằng ngày của mình. Chúng ta không để cho tâm hồn mình được yên tĩnh, để rồi lúc cần đến tâm hồn nhất thì lại thấy tâm hồn đã quá héo hon.

5. ÁNH SÁNG TRẦN GIAN

Đành rằng sứ mạng Kitô hữu là “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5, 14), nhưng không phải là ánh sáng để ta nổi bật bản thân mình, nhưng là ánh sáng Thần Linh đổ vào tâm hồn ta, để khai mở cho mình một cái nhìn mới về cuộc đời, một cuộc đời tiềm ẩn trong những cái giới hạn, nhưng với một tình yêu vô hạn, và qua đó Thiên Chúa được nhận biết. Ánh sáng mà người Kitô hữu phải minh chứng là ánh sáng Phúc Âm khai mở mật nhiệm của đời sống đích thực. Cũng như Chúa Giêsu đã chấp nhận sống một cuộc đời mà ý nghĩa của sứ mạng đó luôn tiềm ẩn. Ta cũng phải chấp nhận tình trạng không thể thấy ngay, và thấy hết ý nghĩa nơi những việc mình phải làm. Và rồi cũng như Chúa Giêsu khi phục sinh đã làm bùng vỡ ý nghĩa đời sống ẩn dật của Ngài, thì sự phục sinh của ta cũng được bắt đầu từ bây giờ, sẽ được biểu tỏ trọn vẹn trong ngày sau hết, cũng sáng lên rực rỡ ý nghĩa của những gì mình đã sống, đã làm trong âm thầm vì tình yêu trong bóng tối của cuộc đời mình.

Thật ra, không phải đợi tới ngày sau hết, nhưng những gì là tốt lành, thánh thiện, cũng đều hiển hiện một cách nào đó mà mọi người đều có thể thấy. Nhưng đó không phải là điều ta muốn làm để minh chứng cho bản thân mình, mà là điều Thiên Chúa muốn dùng lấy để biểu lộ chính Ngài, hầu “những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” (Lc 2, 35). Tất cả mọi sự đều dành cho vinh quang Thiên Chúa. Chẳng ai xứng đáng gì để đòi hỏi công trạng. Một cuộc đời âm thầm trong bóng tối, bị quên lãng, cũng chính là thân phận bèo bọt của con người. Con người là như thế trong chính nó, nhưng Thiên Chúa đã mặc cho nó một ý nghĩa vô song từ chính tình yêu Ngài, để trong tình yêu đó con người trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mang lấy chính thân phận của con người, và nhờ đó con người trở thành người con Thiên Chúa trong Ngài.

Hãy đón nhận đời thường với tất cả tình yêu. Đó chính là ánh sáng Chúa soi chiếu qua cuộc đời ta, để ta luôn có thể cởi mở trước tất cả những gì có thể sinh ra. Sinh ra, là thoát thai khỏi hư vô, khỏi sự tối tăm của hỗn mang. Hẳn nhiên, ta đã được sinh ra một lần trong đời, nhưng đó mới chỉ là lần sinh thứ nhất. Mỗi ngày ta còn phải được sinh lại trong chính mình, vì Thiên Chúa luôn khơi dậy trong ta một sự sống mới, sự sống viên mãn của chính Ngài. Để từ đó ta thoát khỏi cảnh hư vô của chính mình: hư vô của một cuộc sống đầy những cám dỗ và ham muốn sống một cách khác thường, ngoạn mục, để nêu cao bản thân mình, để thỏa mãn tham vọng chinh phục và bành trướng cái “tôi” ảo tưởng của mình. Tình cảnh hư vô đó sẽ làm xơ cứng tâm hồn, không còn khả năng triển nở và sáng tạo những giá trị thật sự và riêng biệt của mình. Bởi vậy, Blaise Pascal đã than vãn khá bi quan: “lòng người sao mà sâu thẳm và đầy hôi thối”.

Để cho tình yêu bùng cháy lên trong ta, cần có lửa Thánh Linh nung nấu trong bó củi khô. Bó củi khô là một tâm hồn khao khát Thiên Chúa đến cực độ qua toàn bộ những sinh hoạt trong đời sống ta. Nếu con người được dựng nên do Tình Yêu, thì cũng được cứu độ bằng Tình Yêu. Chính tình yêu của Thiên Chúa ban cho con người sự sống tự nhiên cũng như siêu nhiên. Sự sống này được làm nên dồi dào hơn cho chúng ta trong từng giây phút là do tác động yêu thương của Thánh Linh.

Cuối cùng, sự sống hay tình yêu chỉ còn là một. Lẽ sống siêu vượt của chúng ta là để cho “sự sống-tình yêu” đó lớn lên và lan tỏa tràn đầy trong đời thường của mình, bằng cách lắng nghe và hành động theo sự thôi thúc của Thánh Linh. Chính ở trong Ngài, chúng ta mới có sự xác tín thâm sâu về đời sống cao cả của mình trong mọi việc nhỏ nhặt hằng ngày. Chỉ ở trong Ngài, chúng ta mới thực sự khám phá và sáng tạo không ngừng, hầu làm nên một cuộc sống đích thực, nhưng cũng rất huyền nhiệm như Chúa mong muốn. Đó chính là niềm vui bất tận cho mỗi người chúng ta, đã được khởi đầu ngay từ hôm nay trong cuộc đời thường, để đi vào vô tận trong cuộc sống vô biên.

Lạy Chúa!

Có những điều con coi thường thì Chúa lại coi trọng. Có những điều con coi trọng, thì Chúa lại coi thường.

Con đánh giá cao những việc lớn lao, còn Chúa lại đánh giá cao những điều nhỏ bé.

Con muốn làm nên những công trình cho Chúa, nhưng Chúa chỉ muốn làm nên đời sống con.

Con muốn dâng Chúa những thành quả sáng giá, nhưng Chúa chỉ muốn trái tim con.

Con muốn thấy được những điều con làm, nhưng Chúa lại muốn con làm những điều con thấy được.

Con ao ước thực hiện những điều lạ thường, nhưng Chúa chỉ yêu quí những điều bình thường.

Chúa lạ quá!

Chúa không giống con, và con biết rằng, con chỉ là con khi con trở nên giống Chúa.

Xin cho con ngụp lặn vào trái tim Chúa để con có thể thấy như Chúa thấy, và nhờ đó biết yêu lấy cuộc sống đời thường, vì Chúa đang sống trong con để yêu lấy những gì con đang sống. Amen.

Lm. Thái Nguyên