PDA

View Full Version : B - Bà mẹ Việt nam qua ca dao



Dan Lee
05-11-2008, 12:27 AM
Bà mẹ Việt nam qua ca dao:



- Khởi đầu từ chín tháng cưu mang nặng nề, bà mẹ Việt-nam hầu như không được nghỉ ngơi, mà vẫn phải tiếp tục công việc đồng áng, và những công việc nội trợ như quét nhà, rửa bát, nấu cơm, giặt giũ... trừ khi trong gia đình có một vài con cái lớn đỡ đần.



- Ngày sinh con đã tới, mẹ chuyển bụng đau đớn, thay vì được vào bệnh viện tối tân với đầy đủ tiện nghi, bà được một cục gạch hơ nóng gối đầu để trừ khí độc. Thuốc bổ chẳng có, một miếng sườn heo băm nát kho mặn cho bà ăn dần để lấy lại sức mà nuôi con.

Và cũng từ ngày đó, bà mẹ khổ sở nhiều hơn, đêm thức giấc nhiều hơn để cho con bú. Con cái khóc lóc, ướt át tanh hôi mẹ đâu kể gì.

Ngày đêm mẹ ẵm mẹ bồng, bên ướt mẹ nằm, bên ráo cho con

Nếu có việc phải ra ngoài, mẹ đặt con nhẹ nhàng với cái nhìn trìu mến dè dặt, sợ con thức giấc khóc thét gọi mẹ. Bà mẹ lúc này thấy bận rộn bó buộc:

Có con phải khổ vì con, Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay.

Đi đâu cũng không yên, ở đâu cũng bồn chồn, tâm hồn mẹ luôn ở bên con:

Có chồng chẳng được đi đâu, Có con chẳng được đứng lâu nửa giờ.

Ru con con ngủ cho lâu, để mẹ đi cấy ruộng sâu lâu về.

Ru con con ngủ cho mê, mẹ còn lo chuyện lê thê kéo cày.

Ru con con ngủ cho say, mẹ còn vất vả chân tay ngoài đồng.

Ru con con ngủ cho nồng, mẹ còn nhổ mạ trả công cho người.

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy, thức đủ năm canh.

Miệng ru mắt nhỏ hai hàng,

trông con càng lớn mẹ càng lắng lo.



- Sinh con đã vất vả, nuôi con còn vất vả hơn nhiều.

Miếng ăn miếng mặc mẹ lo,

làm sao con được ấm no mẹ mừng.

Ba năm bú mớm, con lớn lên nhờ sữa mẹ. Nhờ sữa mẹ, nhờ hơi ấm mẹ chuyền cho, tình mẹ con thêm thắm thiết. Thêm một miệng ăn, mẹ lại thêm vất vả. Hình ảnh con cò suốt ngày lặn lội bờ sông được coi như hình ảnh bà mẹ Việt-nam cần cù kiếm gạo nuôi con:

Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

Cò về nuôi cái cùng con

Từ cái ăn đến cái mặc bà phải tằn tiện để dành cho con, cho chồng những miếng ngon, những của đẹp:

Chiều hôm mới trở về nhà,

tiền xe dành để mua quà cho con.

Bán hàng ăn những chũm cau

Chồng con có biết cơ màu này chăng.

Nuôi con chẳng quản nắng mưa, nuôi con tới lớn vẫn chưa đành lòng.



- Khi con đến tuổi đi học, mẹ lại lo lắng khi con xa mẹ:

Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi,

Khó đi mẹ dắt con đi, con đi trường học, mẹ đi trường đời.

Cũng vì con, chính vì con, mỗi ngày mẹ một gầy mòn tấm thân.

Mẹ già tóc bạc pha sương, vì con, dầu dãi trăm đường đắng cay.

Nuôi con cho được vuông tròn, mẹ thầy dầu dãi, xương mòn gối long.



- Người Việt-nam chúng ta thường nói:

Con có cha như nhà có nóc,

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

Cha là giường cột của gia đình, thiếu cha, gia đình không còn là gia đình toàn vẹn. Nhưng người ta cũng nói:

Có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt giây.

Mồ côi cha, con ăn cơm với cá, mồ côi mẹ, con liếm lá gặm xương.

Mồ côi cha con còn mẹ, con được ăn cơm với cá với thịt, vì còn mẹ là còn được săn sóc, âu yếm, vỗ về, nuôi dưỡng... mồ côi mẹ con cái sẽ rách nát tả tơi. Gà trống nuôi con đâu phải là chuyện thường tình.



- Trong gia đình Việt-nam, bà mẹ chiếm một địa vị rất trọng yếu.

Nhờ tài Trời ban, các bà đã quản trị cửa nhà một cách rất tài tình, rất chu đáo.

Ai rằng công mẹ bằng non, thực ra công mẹ lại còn lớn hơn.

Dù vất vả trăm chiều, bà mẹ Việt nam không ngần ngại, nhưng khi những nỗi vất vả kèm theo một niềm đau xót vì bị bạc tình hất hủi, một cổ hai ba tròng, niềm đau ấy biết lấy gì đong:

Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh theo vợ bé bỏ bè con thơ

Con thơ tay ẵm tay bồng

Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông.

Long đong tối ngày mà vẫn không đủ cơm cho con cái, bà mẹ không đành lòng thấy con đói khát, có khi phải làm liều để kiếm cháo nuôi con. Hình ảnh con cò lại một lần nữa nói lên lòng người mẹ Việt-nam, nhất là trong thời chinh chiến, chồng đi lính xa, chồng đi tù cải tạo, chồng vượt biên đi ra nước ngoài trước:

Con cò mà đi ăn đêm

đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông rước tôi vào

Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng

Có xáo thì xáo nước trong

Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.



- Nuôi con vất vả hơn sinh con, nhưng vẫn chưa nặng nề bằng dạy con. Nhà giáo dục nào đó đã từng phát biểu: "Trong việc đào tạo tâm hồn người con, vai trò quan trọng chính là bà mẹ". Có lẽ ý thức được điều đó qua sự phú bẩm của Trời, các bà mẹ Việt-nam đã rất chu đáo dạy dỗ con cái ngay từ những ngày còn ru trên gối, với chiếc võng đưa kẽo kẹt con trai bà đã được nghe:

Ru ơi ru hỡi ru hời

Làm trai đứng ở trên đời

Sao cho xứng đáng giống nòi nhà ta

Ghé vai gánh đỡ sơn hà.

Bốn câu hát vắn vỏi mà nói lên được tình nhà tình nước, mở cho con một lối đi mênh mông, bà mẹ Việt nam thật rất đáng kính trọng. Bà ý thức rằng:

Nuôi con chẳng dạy chẳng răn

Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

Nếu chỉ thương con một cách mù quáng con cái sẽ hư thân, người ta nói:

Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà

Nên nhiều khi bà cũng phải cứng rắn, nhưng không khỏi bật cười trước vẻ đơn sơ của con, cứng rắn nhường hiền dịu, bà buông roi và hòa cả làng:

Má ơi đừng đánh con đau

Để con xúc tép mua rau má xài.

Hoạc:

Má ơi đừng đánh con hoài

Để con đi chợ mua xoài má xơi.

Ai lại không biết rằng nỗi lo âu của người mẹ gia tăng khi thấy con ngày càng khôn lớn, rồi con tôi sẽ ra sao? Nên thân nên người hay thành đầu trộm đuôi cướp!

Sinh con ai nỡ sinh lòng

Sinh con ai chẳng vun trồng cho con.

Vì thế mẹ dạy con từng đường tơ kẽ tóc:

Con ơi muốn nên thân người

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha

Gái thì giữ việc trong nhà

Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa

Trai thì đọc sách ngâm thơ

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa

Mai sau nối được nghiệp nhà

Trước là đẹp mặt sau là ấm thân.

Người con trai còn được dạy thêm nhiều điều, nhất là nên tránh cờ bạc, vì:

Cờ bạc là bác thằng bần

Cửa nhà bán hết xỏ chân vào cùm.

Người con gái ngoài "giữ việc trong nhà, canh cửi, thêu thùa" còn phải biết:

Học buôn học bán cho tày người ta

Con đừng học thói chua ngoa

Họ hàng ghét bỏ người ta chê cười

Dù no dù đói cho tươi

Khoan ăn bớt ngủ liệu bài lo toan.

Bà mẹ phải chuẩn bị sẵn tư cách và nghề nghiệp cho cô con gái của bà, kẻo khi về nhà chồng, thấy con bà luống cuống vụng về, người ta sẽ trách bà không biết dạy con. Bà lo cho con biết chữ:

Có chữ mới giữ được mình

Những người dốt nát thiệt tình lắm thaỵ

Biết điều hay lẽ phải:

Lúc em bước chân ra

Má ở nhà có dặn

Công sinh thành là nặng

Điều tình ái là khinh

Hãy đừng tham sắc tham tình

Tránh xa tửu điếm, trà đình chớ vô.

Tóm lại là bà muốn con bà:

Phận gái tứ đức vẹn tuyền

Công, dung, ngôn, hạnh giữ gìn chẳng sai.

Điều lo lắng cho mẹ là khi con gái đến tuổi lập thân rồi mà không thấy bóng chàng công tử nào tới đặt trầu cau, bà sốt ruột và càng sốt ruột hơn khi nghe những lời bóng gió:

Liệu cơm mà gắp mắm ra

Liệu cửa liệu nhà em lấy chồng đi

Kẻo mai quá lứa nhỡ thì

Cao thì chẳng tới thấp thì không trông.

Tình bà mẹ Việt-nam không phải chỉ có thế và đến thế, dù giầu hay nghèo lúc nào bà cũng muốn xây đắp cho con:

Mẹ nuôi con bấy nhiêu rồi

Nuôi con cho đến thành người mới thôi.

Bài này chưa kể hết được, một vài trang giấy làm sao đủ để diễn tả công ơn cao dầy của bà mẹ, nhất là bà mẹ Việt-nam mà người ta thường ví:

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.

Hoạc: Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Kết hay không là tùy bạn. Nhưng nếu bạn muốn có một đáp đổi cân bằng, nghĩa là bạn muốn con phải báo đền ơn mẹ thì ý tưởng đó tìm thấy đầy dẫy trong ca dao, chẳng hạn:

Đói lòng ăn đọt chà là,

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

Hoạc:

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Ít ra người ta cũng muốn rằng:

Có mẹ cha mới có mình

Ở sao cho xứng chút tình làm con.

Đêm đêm ra thắp đèn trời, cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Ai về lập miếu thờ ma, lập trang thờ mẹ, lập chùa thờ cha.

Mẹ già như chuối chín cây, tôm he bóc nõn mà nuôi mẹ già

Đừng có tệ bạc như những đứa con:

Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, Con nuôi mẹ con kể từng ngày.

Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ tính tháng tính ngày.

Đoàn Quang