PDA

View Full Version : M - Mái Ấm Gia Đình ( Tỏ Lòng Cám Ơn )



Dan Lee
05-21-2008, 07:15 PM
Mái Ấm Gia Đình

http://www.dongcong.net/GiaDinh/MaiAmGiaDinh/revminh01.jpg
Lm. Chu Quang Minh, S.J.

Mái Ấm Gia Đình tựu đề bao gồm 9 bài viết về đời sống gia đình. Nguyện xin Chúa và Mẹ phù trợ và chúc lành sứ vụ tông đồ của Cha.

Mái Ấm Gia Đình

Tỏ Lòng Cám Ơn
Tự Do & Giới Hạn
Đường Tiến Tới Sáng Kiến Cảm Thông
Tại Sao Khó Tha Thứ
Tình Phụ Tử
Dừng - Stop!
Lời Khen Tuyệt Vời
Làm Sao Thương Hoài?
Ghen

-------------0 o 0-------------

Tỏ lòng cảm ơn

Tình-yêu-kim-tự-tháp ngút ngàn yêu,
Là biết ngỏ lòng cảm ơn sớm chiều.
Cảm ơn cho Tình Sao Băng mãi mãi,
Bằng Lời Nói, Việc Làm cảm ơn nhiều.

- Anh Chung à, sao tay em cứ sần sùi thêm hoài; sáng nay em lại thấy lấm tấm đỏ cả trên bắp chân nữa! Ở Việt Nam thì đói khổ sợ sệt, trốn được sang đến Thái Lan này thì ghẻ lở như… cùi ấy. Anh còn thương em nữa không, nếu chẳng may…
Chung bịt miệng Thủy lại, không cho vợ nói hết lời, vì chàng biết Thủy còn căng thẳng thần kinh. Những ghê sợ của cuộc vượt biên còn ám ảnh nàng, chẳng khác nào những tên hải tặc ma quái còn đang vung lưỡi dao sáng quắc, đòi phanh thây em bé, nếu bà mẹ không moi “cây” cuối cùng bà giấu ở nơi bí hiểm ra để trao cho chúng. Tuy Chung trấn an Thủy, nhưng càng sống lâu trong trại tị nạn, chàng càng tăng thêm hoài nghi. Sau mấy tháng, chính chàng cũng bị sần sùi! Tuy nhiều người bị như vậy, nhưng Chung và Thủy bị khác lạ hơn. Cái đau khổ ngấm ngầm cứ tăng lên khi họ nghĩ tại ngày còn bé họ chung sống ở Nha Trang, gần Tuy Hoà, và nhiều lần vào chơi trong trại cùi ở đó, cũng đạ chạy chơi quanh mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử, chết vì bệnh cùi. Có lẽ Chung đã mắc… cùi, rồi truyền cái nọc độc đó sang Thủy, và nay vì cực khổ tại trại tị nạn, nên bệnh mới phát ra?
Giữa lúc hoang mang đó, Chung và Thủy gặp bác sĩ Ven đến trại. Tên thật của ông là gì, ít người tị nạn đọc đúng. Sau này, dầu biết rõ ràng, Chung và Thủy vốn gọi ông là Ven, vì tên này gợi trong lòng đôi vợ chồng những kỷ niệm cảm động. Ông Ven nói bập bẹ được mấy tiếng Việt. Lần nào hai người tới phòng y tế, ông cũng niềm nở:
- Chao ông bà Chung; ông bà có mạnh khoẻ không?
Khi Thủy nức nở khóc, thì ông Ven ôm chặt đầu nàng vào ngực mình và xiết tay Chung thật mạnh, mắt nhìn thẳng hết vào chồng rồi lại vợ. Ông Ven chữa bệnh không nguyên bằng thuốc mà còn bằng hy sinh thời giờ, tận tâm săn sóc, và bằng tình thương thông cảm nồng nhiệt nữa.
Sau nửa năm chữa bệnh cho người di cư, trong số hàng ngàn bệnh nhân đến với ông, ông thấy có mười trường hợp khẩn cấp, và can thiệp với Hoa Thịnh Đốn, nên những bệnh nhân này và gia đình được nhập Hoa Kỳ sớm. Vì cùng cảnh ngộ, nên mười gia đình trở thành gần gũi nhau, và đồng lòng với nhau rằng, khi nào đến Hoa Kỳ, sẽ mãi mãi nhớ ơn ông Ven. Trong năm đầu, được gia đình Chung và Thủy nhắc nhở, thì còn biên thiệp CÁM ƠN. Sang năm thứ hai, còn vài gia đình tiếp tục. Nay chỉ còn gia đình anh chị CHUNG THỦY nhớ tới và thật tình cảm ơn ông. Chung, Thủy lại chưa phải là người Công Giáo.

Lòng CẢM ƠN sáng ngời Chung Thủy,
Nêu cao mãi liêm xỉ Rồng Tiên.
Quên ơn: xã hội đảo điên,
Nhớ ơn Kiên nhẫn: nên duyên lâu bền.

Khi được người lạ mặt nhặt giúp cái bút rơi ở bãi đậu xe thì Hoàng cảm ơn rối rít. Nhưng sáng nào Hoàng cũng được Lan pha cà phê, và chiều nào nàng cũng nấu cơm sẵn đợi chàng, thì chàng lại chỉ chê bai. Cái hạnh phúc của Lan là mong Hoàng đừng bĩu môi chê canh mặn, cơm nhão, chứ còn mơ gì chàng ngỏ lời cảm ơn. Chẳng bù cho lúc trước, khi Hoàng còn lẽo đẽo tán Lan trước cửa trường Gia Long, mỗi chiều tan học!
Anh chị Tâm và Thanh có bốn cháu. Cháu lớn 10 tuổi tên Tân và em tên Thành. Mỗi lần chị Thanh trao cho con quả chuối hay cái quần, cái áo, Tân và Thành thường “giật” lấy từ tay mẹ, mặt nhăn nhăn nhở nhở, làm chị Thanh giận con đến toát mồ hôi:
- Con cái nhà ai hư vậy? Không biết mở miệng CẢM ƠN à?
Thành cười toe toét, miệng đầy chuối:
- Thánh khìu, Moom.
Chừng nửa tiếng sau, chị Thanh cần thái thịt, nhưng con dao lại bỏ ở nhà xe, nên chị gọi:
- Có đứa nào dưới đó không? Cầm cho mẹ con dao lên đây.
Bốn anh em Tân nhanh nhẹn cầm dao lên cho mẹ. Thành trao cho chị, mắt nhìn chăm chăm. Chị thản nhiên:
- Cút xuống dưới đó mà chơi, cho khỏi quẩn chân!
Thành thắc mắc với Tâm:
- Moom bắt tụi mình “thánh khìu” moom, mà moom chẳng “thánh khìu” lại tụi mình!
Những mẩu chuyện tương tự như trên xảy ra luôn trong đời sống hàng ngày, chứng tỏ ai cũng quí mến người biết ơn và tỏ lòng cảm ơn bằng lời nói hay việc làm. Nhưng thực tế, nhiều lần chúng ta muốn chối bỏ việc chịu ơn; hay có nhận, thì lại ngại ngùng không muốn tỏ bày. Tại sao vậy? Và không tỏ bày lòng biết ơn ra, thì ai là người thiệt thòi hơn?
Ngại tỏ bày cảm ơn có nguyên nhân ở tính kiêu ngạo, ích kỷ, và lười biếng.
Vì Lười Biếng, nên tôi ngại nhấc điện thoại, hay ngại biên thư cảm ơn người bạn gửi cho tôi lọ nước hoa nhân ngày sinh nhật của tôi. Nhưng tôi “chúa ghét” những đôi tân hôn được tôi đến tặng quà không gửi cho tôi “Thank you card”! Hậu quả của việc lười biếng này, là sinh nhật năm sau, tôi mất một người bạn vì người này thấy có gửi cho tôi cũng vô ích. Từ lười biếng đưa đến vô tâm. Chính cái Vô Tâm này làm chúng ta không để ý đến người khác. Thiếu tế nhị và thiếu tinh thần giáo dục, nhất là trong gia đình, thường phát sinh từ sự vô tâm. Chị Thanh muốn các con CÁM ƠN chị, nhưng chị lại lười biếng và vô tâm, không làm gương cho anh em Tân, Thành, thì làm sao chúng biết cảm ơn chị được? Nhiều lần anh chị Tâm Thanh mắc cở “muốn chết” được vì có ai vào nhà chơi, cho cái gì, bố mẹ chưa kịp cám ơn thì đàn con đã vồ lấy, rồi trố mắt nhìn khách, như nhìn con vượn dài đuôi trong sở thú vậy!
Nguyên nhân tiếp liền làm ngại tỏ bày Cảm Ơn, hay không Cảm Ơn, là tính Ích Kỷ. Vì ích kỷ nên tôi chỉ nghĩ đến tôi, đến điều tôi đang muốn. Các cảnh vật hay các người khác không phải là mục tiêu cho tôi chú tâm đến. Tất cả chỉ là phương tiện tôi dùng để đạt điều tôi theo đuổi. Hễ đạt được rồi, là tôi liệng những phương tiện đã dùng đi, chẳng khác nào tôi liệng lại sau lưng chiếc ghe đã giúp tôi vượt biên. Mục đích tôi gần bà Nhân, là vì tôi muốn nhờ bà gửi vàng về Việt Nam cho chồng con tôi. Khi xưa tôi cần bà, nên tôi đi lại gần bà, CÁM ƠN bà rối rít. Nay chồng con tôi đã đoàn tụ, bà biến thành “dụng cụ” lỗi thời, cần liệng đằng sau lưng như liệng chiếc ghe đã chở chồng con tôi vậy.
Lòng ích kỷ còn sợ cảm ơn, vì cảm ơn thường kèm theo chút khó nhọc và chút tiền bạc để mua tặng vật tượng trưng. Nó đưa đến nhẫn tâm cắt đứt, hay đạp đổ những liên lạc mật thiết trong quá khứ. Khi còn ở bên đảo, chị Sáu một tuần viết hai lá thư cho ông Ba ở bên Mỹ, vì chị Sáu cần ông Ba gửi cho ít đô la và cần ông liên lạc về Việt Nam. Mười mấy tháng ở trại tị nạn, chị gửi cho ông trên dưới 90 lá thư. Thư nào chị cũng hứa “Xin chú Ba hết lòng thương con. Khi sang đến Mỹ, con sẽ ở bên chú Ba suốt đời để nấu cơm rót nước cho chú Ba. Ơn của chú Ba, dầu con có trả đến mãn đời cũng chưa xứng.” Ông Ba giữ tất cả những thư đó trong cái hộp “bích quy” lớn. Khi chị Sáu nhập cảnh được gần một năm thì ông Ba đưa cho chị Sáu coi gần trăm lá thư đó. Nhưng ít lâu sau, lựa lúc ông đi vắng, chị xé các thư, vứt vào thùng rác. Chưa thỏa dạ, chị bới hết các mảnh thư ra ngoài, rồi châm lửa đốt. Vì đốt trong “garage”, nên lửa bén vào thùng xăng. Xăng nổ bung, tưới ướt đẩm chị Sáu, và chị biến thành cột lửa cháy bùng bùng chạy ra ngoài. Nhờ láng giềng vừa tốt, vừa có mặt ở nhà, đem chăn mền ra dập lửa cho chị, nên tuy bị phỏng nặng, nhưng chị còn sống để TẠ TỘI với Chúa, với ông Ba, và ngỏ lời CẢM ƠN lối xóm đã cứu sống mình.
Nguyên nhân nữa làm ngại cảm ơn hay không cảm ơn, là tính Kiêu Ngạo. Nói đến cảm ơn là ngầm hiểu chịu ơn. Mà chịu ơn người khác là vì tôi đã thua người, hay ít ra cần đến người. Tôi muốn ếm nhẹm chuyện chịu ơn lúc trước đi, bằng cách tảng lờ không cảm ơn, vì càng cảm ơn, tức là càng nhớ ơn, càng nhớ lại những lúc bất lực trong đời. Quang và Tuấn cùng ở một nhà với ông bà Hoa khi còn ở Việt Nam. Hai người được ông bà thương như con, nên giúp đỡ mọi mặt. Cách đây mấy năm khi dùng ít vàng còn giấu được để “đi chui” thì ông bà Hoa cũng lo cho Quang và Tuấn cùng đi. Sang đến Mỹ chưa được bao lâu, thì Quang bỏ ông bà Hoa, ra ở riêng. Sau này, Tuấn gặp Quang, hỏi tại sao bỏ đi “lãng xẹt” như vậy, Quang nhún vai trả lời:
- Cần gì ơn với nghĩa. Số tao đi được, chứ đâu cứ phải nhờ ông bà Hoa!
Tuấn tròn xoe mắt:
- Mày nói chi lạ? Không có “sáu cây” của ông bà ấy, thì hai đứa mình lấy gì nộp cho công an ở cửa Cần Giờ?
Quang tự đắc:
- Tao đã bảo đó là “cái số” mà! “Số” tao là số đào hoa, nên chẳng có ông bà Hoa này thì có ông bà Hoa khác, có khi còn ngon hơn ông bà Hoa của mày nữa. Sang đến Mỹ này, chẳng ai thua ai. Tao sẽ thành công “ngon hơn” ông bà Hoa khi còn ở Việt Nam trước đây.
Nếu cha ông đã dạy:

Thức lâu mới biết đêm dài,
Ở lâu mới biết lòng người có nhân;

Và:

Sông sâu còn có kẻ dò,
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng;

Từ đó đổi thành lời:

Thức lâu mới biết đêm dài,
CẢM ƠN là của những ai nhân hiền.

Sông sâu chứa nước thần tiên,
Rửa tan nham hiểm nên duyên ngàn đời.

CẢM ƠN khi bạn bè chia nhau điếu thuốc lá;
CẢM ƠN khi con nhỏ lượm cái khăn rớt trên nền nhà;
CẢM ƠN khi chồng lấy giúp vợ lọ kem thoa mặt từ phòng ngủ sang phòng tắm;
CẢM ƠN khi vợ trao cho chồng ly cà phê ban sáng.
CẢM ƠN cách chân thành nói lên sự tế nhị và có giáo dục của một người đàng hoàng.
CẢM ƠN được nhắc đi nhắc lại trong Thánh Kinh Cựu Ước lẫn Tân Ước;
CẢM ƠN hay KHÔNG CẢM ƠN đã làm cuốn Mắt Tím của Lệ Hằng thập hợp thời tại Hoa Kỳ này. Phải chăng nhiều cặp vợ chồng ly dị, nhiều gia đình tan vỡ, vì không biết TẾ NHỊ và CHÂN THÀNH CẢM ƠN lẫn nhau? Trang 508 và 509 Lệ Hằng viết:

“Từ nay hết tranh dành hết giận ghét nhau. Chồng của chúng ta đã nằm xuống rồi. Thượng Đế chí thông, Thượng Đế thông minh tuyệt vời. Từ nay thôi hết dành dựt nhau cái thân xác đáng yêu của Thụy. Từ nay thôi hết rồi ghen ghét nhau. Thụy chết rồi, Thụy nằm im trong đó rồi... Chồng mình chết rồi. Không có cái chết nào làm mình đau đớn hơn nữa. Tôi tiếc đêm cuối cùng được yêu, tôi đã lạnh lùng quay đi không cảm ơn. Ai ngờ đó là đêm cuối cùng. Suốt đời tôi đã không KÍNH CẨN CẢM ƠN CHỒNG tôi như mọi khi.”

CẢM ƠN chân thành về những việc nhỏ nhặt xảy ra cả trăm lần mỗi ngày, cũng như CẢM ƠN về những việc trọng đại xảy ra không quá một lần trong cả đời người.

Phải chăng Chúa là Tình Thương vì Chúa luôn CẢM ƠN?
Câu chuyện mở đề cho bài chia sẻ này, là phỏng theo câu chuyện xảy ra lúc Chúa Giêsu còn sống, khi Chúa chữa mười người phong cùi, mà chỉ có một người biết trở lại CẢM ƠN Chúa (Lk 17:11-19). Việc CẢM ƠN Chúa, CHÚC TỤNG Chúa là thành phần quan trọng trong Thánh Kinh đến nỗi trong 150 Thánh Vịnh, thì tới 70 có thể mang cùng một tên, là Thánh Vịnh TẠ ƠN và CA NGỢI:

Cảm tạ ơn Người, lạy Chúa Gia-vê,
Miệng kể kỳ công với lòng say mê.
Đàn ca vui sướng tung hô hết thảy,
Chúc tụng Danh Chúa cho trọn tim thề.
(Theo TV 9:1-3)

Chúa Giêsu giữa lúc biệt ly để đi vào cái chết thương đau, còn dâng lời CẢM TẠ nồng nàn tha thiết: “Lúc đang ăn, Đức Chúa Giêsu cầm lấy bánh và CHÚC TỤNG, rồi bẻ ra và trao cho các môn đệ. Người nói: `Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta’. Đoạn cầm lấy chén và TẠ ƠN, rồi ban cho họ mà rằng: `Hết thảy hãy uống đi, vì này là Máu Ta...’” (Mt 26:26-28).

Trong Thông Điệu Tình Yêu Nhân Hậu gởi các Hồn Nhỏ, khi Margarita ngỏ lòng dâng tình yêu của bà để an ủi Chúa, thì Chúa Giêsu đáp lại:

- Cha CẢM ƠN con (ngày 21.7.1966).
Và ngày 28.8.1966, khi Margarita đến nhà thờ để viếng Chúa trong Nhà Tạm, Chúa ân cần với bà:

- CẢM ƠN con đến thăm viếng Cha, hỡi con yêu dấu.
Thường khi ta nghĩ đến cầu nguyện là nghĩ đến XIN ƠN này ơn nọ; nhưng chúng ta có nghĩ đến CẢM ƠN là lời cầu nguyện tuyệt vời hay không?

Và việc CẢM ƠN Chúa cần đi đôi với việc CẢM ƠN người. Lời CẢM ƠN CHÂN THÀNH có tươi nở trên môi chúng ta hàng ngày hay không?


Lm. Phêrô Chu Quang Minh