PDA

View Full Version : T - Tri hành đồng nhất ( CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN A )



Dan Lee
05-28-2008, 05:00 PM
CHÚA NHẬT 9 THƯỜNG NIÊN A

TRI HÀNH ĐỒNG NHẤT

A. DẪN NHẬP

Người đời thường chê những người chỉ biết nói mà không làm bằng câu tục ngữ: ”Mồm miệng đỡ chân tay” hay câu khác: ”Nói thì có, mó thì không”, nghĩa là lười biếng mà khôn ranh, chỉ dẻo mồm để trốn việc. Người ta đánh giá cao người biết làm cho “tri hành đồng nhất’ cũng như “ngôn hành đồng nhất”. Chính Đức Giêsu cũng nghĩ như vậy, nên Ngài đã chỉ trích lối hành xử của những người biệt phái và luật sĩ, họ chỉ nói mà không làm, họ đặt những gánh nặng trên vai người dân mà họ không thèm mó tay vào.

Khi kết thúc Bài giảng trên núi, Đức Giêsu cũng nhắc nhở và khuyến cáo các thính giả đã nghe Ngài giảng: chỉ nghe mà thôi thì chưa đủ, còn phải đem những lời Ngài dạy ra thực hiện trong đời sống hằng ngày: ”Phúc cho những ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành”(Lc 11,28). Muốn vào Nước Trời điều kiện phải có là phải làm chứ không phải là nói:”Không phải chỉ kêu: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ kẻ thực thi ý Cha ở trên trời mới được vào”(Mt 7,21).

Chúng ta được nghe lời Chúa hằng ngày, có khi còn vui thích nghe lời Chúa là đàng khác, nhưng ít khi đem lời Chúa áp dụng vào đời sống thực tế. Giá trị của mỗi người là ở chỗ làm cho “tri hành đồng nhất” cũng như “ngôn hành đồng nhất”. Biết nhiều, có nhiều tư tưởng hay, có nhiều dự án tốt đẹp mà không đem ra thực hiện được thì cũng chẳng có giá trị gì. Chúng ta hãy nỗ lực trở nên người khôn ngoan biết xây dựng đời sống mình trên lời Chúa để lời Chúa được sinh hoa kết quả trong đời sống chúng ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

+ Bài đọc 1: Đnl 11,18,26-28: Trước khi chết, và lúc dân Israel sắp vượt qua sông Giorđan vào Đất Hứa, ông Maisen căn dặn dân hơi mang tính cách trưng cầu ý kiến. Ông nhắc lại Lời Thiên Chúa phán: nếu các ngươi vâng lời Ta, Ta sẽ chúc lành cho, nghĩa là Ta sẽ ban hạnh phúc và thịnh vượng; ngược lại, nếu các ngươi không vâng lời, các ngươi sẽ bị chúc dữ và sẽ nên cảnh hoang tàn.

Ông Maisen coi việc thi hành lệnh Chúa truyền là con đường sống cho dân nên căn dặn dân phải cố gắng thi hành những điều Thiên Chúa đã truyền cho họ. Dĩ nhiên, đây là một sự lựa chọn tự do, dân có thể tuân theo hay không, nhưng hậu quả tốt hay xấu hòan tòan lệ thuộc sự tự do lựa chọn của họ. Cánh cửa hạnh phúc đã được mở ra để chờ đón họ.

+ Bài đọc 2: Rm 3,21-25a.28: Thánh Phaolô viết thư cho tín hữu Rôma nói về một đề tài rất quan trọng, đó là sự công chính. Sự “công chính” của Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giêsu Kitô và thực hiện bởi sự “cứu chuộc” trên thập giá. Còn con người được “công chính hóa” là nhờ sự công chính của Thiên Chúa, nghĩa là con người được trở nên công chính không phải nhờ những việc làm, mà nhờ tin vào Thiên Chúa.

Về vấn đề này, chúng ta thấy có sự khác biệt giữa quan niệm của người biệt phái và Đức Giêsu:

- Người biệt phái cho rằng con người được trở nên công chính do việc lành mình làm. Càng làm nhiều việc lành càng được công chính.

- Còn quan niệm của Đức Giêsu thì cho rằng con người được công chính hóa không do việc lành mình làm mà do lòng nhân từ Thiên Chúa ban. Vì thế, con người phải biết đón nhận ơn công chính với tinh thần khiêm tốn trước mặt Chúa.

+ Bài Tin mừng: Mt 7,21-27: Đọan Tin mừng này là phần kết của Bài giảng trên núi. Đức Giêsu đã dạy dỗ nhiều điều, người ta đã vui lòng lắng nghe, nhưng Ngài kêu gọi họ phải thực hành Thánh Ý của Thiên Chúa như là trọng tâm trên hết của các điều Ngài truyền dạy. Đức Giêsu nói tới ba điều:

- Điều quan trọng là không phải nghe và ghi nhớ mọi điều giảng dạy mà phải đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

- Ngài đưa ra một so sánh: kẻ nào nghe mà không đem ra thực hành thì giống như người ngu xây nhà trên cát; mà người nghe mà còn đưa ra thực hành thì giống như người khôn xây nhà trên đá, trên nền tảng vững chắc.

- Có những người đã từng đi rao giảng nhân danh Chúa, làm cả phép lạ nữa, nhưng họ cũng không được vào Nước Trời vì tuy họ làm nhiều nhưng lại không thi hành thánh ý Chúa.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.

Phải đem ra thi hành.

I. KẾT THÚC BÀI GIẢNG TRÊN NÚI.

Đọan Tin mừng hôm nay là phần kết thúc Bài giảng trên núi. Đức Giêsu kêu gọi mọi người phải thực thi thánh ý của Thiên Chúa như là trọng tâm của những điều Ngài đã giảng dạy. Đọan Tin mừng chia làm hai phần:

+ Phần một: Trong phần này, Đức Giêsu nhắc nhở thính giả phải tránh cái ảo tưởng của kẻ nói mà không làm. Ai muốn đẹp lòng Chúa thì phải thi hành những lời Chúa dạy, chứ chỉ nghe để tin mà không thực hành thì không có giá trị. Làm đã đủ mà không cần nói.

Trong Tân ước, biết bao lần Đức Giêsu đã nói đến tư tưởng này mà chúng ta có thể tóm gọn trong một câu nổi bật: ”Phúc cho ai nghe lời Chúa và đem ra thực hành”(Lc 11,28). Thánh Phaolô cũng nói: ”Nước Thiên Chúa không cốt nơi ngôn ngữ song cốt chỗ họat động mạnh” (1Cr 4,20; x.Gc 11,28).

+ Phần hai, Đức Giêsu báo trước số phận khác nhau giữa người nghe và thực hành với người nghe mà không thực hành điều mình tin, bởi vì “Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Ngài ví người không thực hành Lời Chúa giống như người xây nhà trên cát, mưa sa gió lớn nhà sẽ bị sụp đổ.

Đức Giêsu nhấn mạnh việc thi hành Lời Chúa vì chính Ngài cũng là con người đến chỉ vì mục đích ấy: ”Lúc vào trần gian, Ngài nói, hy sinh cùng lễ vật, Người đã chẳng màng, nhưng Người đã nắn nên thân xác con. Các lễ tòan thiêu cùng tạ tội, Người đã chẳng đóai. Bây giờ con nói: Này con đây, con đến để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa”(Dt 10,5-7) Ngài vẫn nói với các môn đệ: ”Ta không tìm ý muốn của Ta, nhưng là ý muốn của Đấng đã sai Ta”(Ga 5,30). Và cho đến cảnh vườn Giệtsimani, cho đến hình ảnh thập giá Ngài vẫn nói: ”Lạy Cha, không phải theo ý Con mà theo ý Cha”(Mt 26.39). Đấy là tất cả đời sống của Đức Giêsu: đến để thi hành thánh ý Chúa Cha. Chính vì sự hy sinh, vâng lời của Ngài mà nhân lọai được ơn cứu chuộc.

Do đó, Đức Giêsu nhắn nhủ và khuyến cáo người nghe: ”Không phải chỉ kêu: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, nhưng chỉ kẻ thực thi ý Cha ở trên trời mới được vào”(Mt 7,21).

Đúng vậy, muốn thi hành thánh ý Cha trên trời đòi buộc chúng ta phải hy sinh rất nhiều, phải từ bỏ ý riêng mình, phải từ bỏ tất cả như Đức Giêsu đã làm.

Truyện: dụ ngôn cây tre.

Có một cây tre được trồng trong một khu vườn rộng lớn. Đó là niềm vui của ông chủ. Năm tháng trôi nhanh, cây tre mọc lên xanh tốt. Ngày kia, chủ vườn nói với cây tre:

- Này cây tre yêu dấu, ta cần đến ngươi.
- Tôi sẵng sàng theo ý ông.
- Nhưng để sử dụng ngươi, ta sẽ phải đốn ngươi !
- Tôi van ông, ông có thể sử dụng tôi cách nào tùy ý, nhưng xin đừng đốn tôi.
- Nếu ta không đốn ngươi, ta không thể sử dụng được ngươi.

Khu vườn bỗng lặng như tờ, chim thôi hót và gió cũng ngừng thổi, cây tre từ từ gục đầu khẽ nói:

- Thưa ông, nếu không còn cách nào khác, xin ông hãy đốn tôi đi.
- Không phải chỉ đốn thân ngươi, mà ta còn phải chặt ngọn tỉa lá ngươi nữa.
- Xin ông đừng phá hủy hòan tòan vẻ đẹp của tôi, xin giữ lá và ngọn trên thân tôi.
- Rất tiếc đó là phương thế duy nhất để ta có thể sử dụng ngươi.

Vầng kim ô như ẩn mặt sau lùm cây, một con bướm vội tung cánh bay xa, cây tre như bị rúng động cả tâm can, nhưng cố thì thầm trả lời:
- Thưa ông, xin cứ đốn và chặt ngọn tỉa lá.

Thinh lặng trong giây lát, ông chủ tiếp tục thông báo:
- Không chỉ có thế, ta còn phải chẻ đôi, và móc cả tim ngươi ra, có như thế, ta mới sử dụng ngươi theo ý muốn ta.

Cây tre nghiêng đầu sát đất thưa:
- Thưa ông, hãy đốn, hãy chặt tỉa, hãy chẻ đôi, hãy mổ tim tôi.

Ông chủ vườn làm theo lời cây tre. Rồi vác cây tre đã được chẻ đôi và đục các mắt tre. Ra đến đồng ruộng, ông tìm cách nối hai nửa cây tre lại để làm một chiếc máng xối chuyển nước từ một con suối vào tưới cánh đồng khô cằn, làm bừng lên niềm hy vọng cho một mùa lúa bội thu (Thiên Phúc).

II. TRI VÀ HÀNH PHẢI ĐỒNG NHẤT.

1. Người khôn và người dại xây nhà.

Qua địa dư với nhiều khe suối và đất lồi lõm của vùng Palestine, Đức Giêsu đưa ra hai hình ảnh đối nghịch nhau về việc xây nhà: hình ảnh xây nhà trên đá cứng và xây nhà trên cát.

- Người khôn xây nhà trên đá cứng, nghĩa là người đồ đệ chân chính không những chỉ nghe lời Chúa mà còn đem ra thực hành trong đời sống. Họ coi lời Chúa là đèn sáng soi dẫn đường, là lương thực thần thiêng nuôi linh hồn, là bảo đảm phúc trường sinh, dù có bị gian nan khốn khó, có bị chết cũng không rời xa lời Chúa.

Người Việt nam chúng ta có ý tưởng giống như Chúa nói về việc xây nhà vững chắc trên nền cứng để ngôi nhà khỏi bị sụp đổ:

Người có chí ắt phải nên,
Nhà có nền ắt phải vững. (Tục ngữ)

“Chí” tức là ý chí, cái quyết tâm làm kỳ được một việc gì.

“Nên” tức là thành sự, là nên việc, là thành công, là thu được kết quả theo ý muốn.

“Nền” tức là khỏang đất đắp cao để làm nhà cửa lên trốc. Nhà không có nền, là nhà làm ngay lên trên mặt đất tự nhiên, mặt đất không được đắp cao lên thành nền nhà.

Làm nhà không có nền thì không vững, vì mặt đất tự nhiên thường thấp ngang với mặt đường, mặt vườn, mặt ruộng, những khi trời mưa to tất nước chảy qua nhà hoặc đọng lại trong nhà, nhà bị ẩm ướt, như vậy không mấy chốc mà đổ sập. Nền ở đây lại hàm ý là nền móng khi đắp nền nhà người ta thường vẽ móng nhà và nện móng, nhà kỹ hơn là nền nhà; móng là chỗ xây tường lên trên, phải nện kỹ, vì sợ đất lún, tường sẽ xiêu đổ (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, tr. 56).

Trái lại, người ta nghe lời Chúa mà không đem ra thực hành là người thiếu khôn ngoan, là người “xây nhà trên cát”. Ai lại xây nhà trên bãi cát, chỉ cần một cơn gió lốc, một trận mưa lũ thì nhà sẽ sập, trở nên một đống hoamg tàn.

Chúa nói thế có lẽ chúng ta ngạc nhiên vì ta thấy người ta vẫn xây nhà trên bãi biển có sao đâu ? Nhưng nếu chúng ta nhìn vào địa thế lồi lõm của vùng Palestine thì ta mới thấy Đức Giêsu là một con người rất thực tiễn. Ngài biết dùng những hình ảnh trước mắt để nói lên những ý tưởng trừu tượng, cao sâu.

Đây là câu chuyện thường xẩy ra ở quê hương của Đức Giêsu. Ở Palestine, muốn xây cất phải suy tính trước vì có nhiều con lạch, đường nước cạn, mùa hè là một bãi cát trống nhưng đến mùa đông thì trở thành một dòng thác lũ. Đi tìm một chỗ xây nhà thì có lẽ lòng lạch là một quang cảnh đẹp mắt phẳng phiu, nhưng nếu một người thiển cận xây nhà trên bãi cát đó thì khi mùa đông đến, nước lũ sẽ càn cuốn đi hết. Người ta thường bị cám dỗ cất nhà trên một thửa đất bằng phẳng, không bận tâm đào móng sâu xuống lớp đã bên dưới. Nhưng như vậy là giang tay chờ đón tai họa. Chỉ ngôi nhà có nền móng vững chắc mới chịu nổi phong ba và chỉ cuộc sống có nền tảng mới chịu được thử thách.

2. Người Kitô hữu phải xây nhà trên đá.

Phải xây nhà trên đá là phải xây trên Lời Chúa. Ngày nay một trong những khó khăn lớn phải đương đầu là có người không biết điều Chúa phán hay là điều Hội thánh rao truyền. Thực tế, có khi còn tệ hơn vì có người không những không biết mà còn hiểu lầm những điều Chúa dạy. Ngòai ra, người ta không dựa vào lời Chúa mà lại dựa vào học thuyết này, học thuyết nọ để bác bỏ lời Chúa hoặc cắt nghĩa sai lời Chúa để phục vụ cho ý đồ đen tối của họ. Thật ra, không có một hệ thống tư tưởng nào hay một học thuyết nào có thể trường tồn trong thời gian, chỉ có lời Chúa là vững bền, không bao giờ bị phai lạt: ”Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”(Mt 24,35; Mc 13,31; Lc 21,33) vì “ Lời Thầy nói là Thần Khí và là sử sống”(Ga 6,63)

Người Việt chúng ta rất trân trọng chữ nghĩa của thánh hiền. Lời của thánh hiền được coi như trân châu bảo ngọc, phải giữ lấy và coi như kim chỉ nam cho cuộc sống con người:

“Một chữ thánh, một gánh vàng” (Tục ngữ)

“Chữ thánh” là chữ của ông thánh, đây là chữ của đức thánh Khổng, tổ sư đạo Nho. “Gánh vàng” là quí giá như một gánh vàng.

Một chữ thánh, một gánh vàng là một lời của ông thánh quí giá bằng cả một gánh vàng; hoặc phải tốn kém đến một gánh vàng mới học được một chữ của ông thánh (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, tr 143).

3. Tin chưa đủ, còn phải thực hành.

Đã là người Kitô hữu, ai cũng có đức tin như chúngta đã đọc trong kinh Tin Kính ngày Chúa nhật. Cái nền đá vững chắc mà Đức Giêsu nói không phải là “tin suông” mà là một “đức tin thể hiện ra bằng việc làm” vì “Đức tin không có việc làm là một đức tin chết’ một đức tin èo uột, một đức tin trống rỗng (x. Gc 1,22).

Dân chúng nghe bài giảng trên núi vô cùng cảm kích. Nhưng Đức Giêsu đã nói với họ rằng họ chỉ nghe lời Ngài thôi chưa đủ, họ còn phải làm theo lời Ngài nếu họ muốn có được ơn ích từ những lời nói ấy.

Đức Giêsu nói với các môn đệ của Ngài, họ không bị phán xét theo lời nói nhưng theo việc họ làm. Cách thức duy nhất để một người có thể chứng tỏ sự thành thật của mình chính là bằng việc thực hành những lời của Chúa. Những lời hay ý đẹp có thể không bao giờ có chỗ trong việc làm, khổ nỗi có những người tuyên xưng Thiên Chúa bằng môi miệng, nhưng lại chối từ Ngài bằng đời sống của họ.

Vì thế trong đời sống có những người nói lên lời Chúa rất hay, rất hấp dẫn. Họ có sức hô hào cho người khác làm theo lời Chúa, họ có sức kích thích người khác hy sinh mạng sống mình cho Chúa, nhưng nơi con người họ không có một chút nào lòng mến Chúa, họ chỉ tuyên xưng Chúa bằng môi miệng, đúng như lời tiên tri Isaia đã nói: ”Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng nó thì xa Ta”.

Truyện: Anh chàng Aristogiton.

Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hòan cảnh để cổ võ những đức tính anh dũng kiêu hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả các cường quốc trên thế giới.

Nhưng đến khi phải thi hành lệnh quân dịch, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khấp khểnh, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.

Biết rõ những bí ẩn của chàng, ông Photion trợn mắt nói: ”Aristogiton đã làm anh què, lại còn hèn nhát”.

Phải rồi. Khi tính mạng, tài sản chưa bị trực tiếp đe dọa, người đời còn có thể lừng khừng hay giả tốt, còn có thể che đậy mặt trái của mình được. Nhưng khi một cơn tai biến kinh hòang xẩy tới dưới con mắt, tính mạng bị trực tiếp lâm nguy, mặt thật con người ta sẽ nổi bật lên(Vũ minh Nghiễm, Vươn, 1966, tr 181).

Người ta thường chê trách những người “ngôn hành bất nhất”, chỉ có cái vẻ bên ngòai, còn lòng họ thì chẳng ra cái gì, chỉ là giả dối như khi người ta nói:

Tôi yêu anh vạn, tôi mến anh nghìn,
Anh có ăn thuốc, đưa tiền tôi mua. (Ca dao)

4. Thực hành lời Chúa trong cuộc sống.

Nghe lời Chúa thì dễ, còn đem lời Chúa ra thi hành thì khó, nhưng đó là điều kiện để đi vào Nước Trời, vì Chúa phán: ”Không phải những ai nói với Ta: lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời nhưng chỉ người nào thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào”. Và kẻ thực hành lời Chúa là kẻ khôn ngoan biết xây nhà mình trên đá.

Là người Kitô hữu, không phải chỉ là người tin Chúa. Ma qủi còn tin Chúa hơn ta nữa, nhưng ma quỉ đâu có được vào Nước Trời. Là Kitô hữu không phải là được bảo hiểm mọi khó khăn gian khổ, có khi còn gặp khó khăn gian khổ hơn nhiều người khác nữa.Nhưng Chúa hứa sẽ cho đứng vững trước những gian khổ ấy, nếu họ sống thực hiện ý Chúa.

Muốn thực hành lời Chúa, chúng ta hãy làm hai bước trong việc chuyển đổi lời Chúa thành hành động.

- Trước hết, chúng ta phải ghi tạc lời ấy vào lòng rồi suy niệm và quyết định cách thức áp dụng lời ấy cho mình và cho cuộc sống của mình.

- Thứ đến, chúng ta phải thực hành những bước cụ thể để chu tòan việc áp dụng trong cuộc sống mình. Chúng ta phải biến đổi quyết định ấy thành hành động cụ thể tức khắc.

Tóm lại, việc nghe và thực hành lời Chúa được tóm gọn trong hai chữ “Vâng lời”. Vâng lời chính là tuân theo thánh ý Chúa trong mọi sự. Chính Đức Giêsu đã thực hiện trước, khi Ngài nói:”Này con xin đến để thi hành thánh ý Cha”(Dt 10,7). Chính nhờ sự vâng lời này mà Đức Kitô đã đem ơn cứu chuộc đến cho mọi người.

Truyện: “Xuống tức khắc”!

Cách đây ít lâu có một báo cáo về trường hợp một thủy thủ thuộc hải quân hòang gia Anh bị nghiêm phạt vì vi phạm kỷ luật. Hình phạt quá nặng đến độ bên ngành dân chính cho rằng qúa khắt khe. Nhưng một người đã từng phục vụ nhiều năm trong hải quân đã trả lời rằng theo quan điểm của ông ta, đó không phải là hình phạt quá nặng. Ông cho rằng kỷ luật là biện pháp tối cần thiết, vì mục đích của kỷ luật là khiến con người tự động vâng phục không thắc mắc, và sự sống tùy thuộc sự vâng lời này.

Ông kể lại một kinh nghiệm riêng, trong một hải vụ, tầu của ông phải câu một chiếc tầu rất nặng đang khi biển động. Chiếc tầu hư được cặp vào tầu của ông bằng một sợi cáp. Thình lình giữa cơn gió bão có lệnh của thuyền trưởng “xuống”. Tức khắc tòan thể thủy thủ phóng xuống hầm tầu. Ngay lúc đó, sợi dây cáp cột tầu bị đứt, quất xuống như một con rắn thép điên cuồng, trúng người nào thì chắc chắn người ấy chết tại chỗ, nhưng thủy thủ đòan đã vâng lệnh nên tất cả đã thóat hiểm. Nếu có ai dừng lại tranh luận hay hỏi lý do, chắc chắn người ấy đã chết. Sự vâng lời cứu mạng người.

Đó là vâng lời Đức Giêsu đòi hỏi, Ngài tuyên bố lời Ngài là nền đá vững chắc duy nhất cho đời sống. Ngài cũng hứa rằng cuộc sống vâng phục sẽ an tòan dù phong ba bão tố đến đâu.

Để kết thúc, chúng ta hãy suy niệm lời của ông Maisen trong bài đọc 1 hôm nay: ”Các ngươi hãy nhớ những huấn lệnh này và hãy quí chuộng chúng. Hãy cột chúng vào tay các ngươi, và mang chúng trên trán các ngươi để mà nhắc nhớ…”

“Hôm nay ta cho các ngươi sự lựa chọn giữa việc chúc phúc và sự nguyền rủa. Ta cho các ngươi được lựa chọn giữa sự sống và sự chết. Các ngươi hãy chọn lựa sự sống”.

LM Giuse Đinh lập Liễm