PDA

View Full Version : B - Bàn Tay



Dan Lee
05-28-2008, 05:41 PM
BÀN TAY


Không mấy người để ý về chuyện biến mất của ông ăn mày. Mười mấy năm rồi, ông đi từ làng nọ sang làng kia xin ăn, giáp vòng, ông quay trở lại, đường ông đi tuần tự như cuốn lịch. Vùng quê có đến gần chục ngôi làng nối nhau nằm theo con hương lộ bụi đất. Ông xuất hiện rất sớm vào từ độ dân di cư 1954 bỏ Bắc xuôi Nam. Mười mấy năm nay ông cứ đi xin ăn như thế, ai mà không nhẵn mặt ông. Chẳng ai bận tâm về gốc tích của ông, như bài học thuộc lòng đã quen, hễ nghe tiếng chó sủa, thấy ông ghé ngõ, là người ta chuẩn bị cho ông một vốc gạo.

Thế rồi ông biến mất vào một ngày không ai biết. Ông đi đâu? Khi người ta thắc mắc hỏi nhau thì ông đã cao bay xa chạy, hay chết ở một nơi nào đó rồi. Vì sao ông lại biến mất như thế? Không ai có thể nghĩ ra một lý do hợp lý. Lâu không thấy ông trở lại xin ăn, người ta tò mò đặt câu hỏi thì đã quá trễ. Tin ông già ăn xin biến mất thành đề tài thời sự vì tính chất bí mật của nó. Từ đấy nhiều huyền thoại ma quái được những kẻ giàu óc tưởng tượng thêu dệt ra. Có người quả quyết ông bị cắt cổ chết vì ông có bao nhiêu vàng. Có người nói ông trốn đi vì là gián điệp miền Bắc mới bị khám phá. Càng tò mò thì sự cố ông già ăn mày biến mất càng huyền bí. Không ai tin ai là người biết rõ chuyện.


* * *

Thời gian trước 1954

Mấy tá điền trói người đàn ông bên đống rơm. Ðã sang ngày thứ hai. Ðất Bắc vào tháng hai trời mưa lai rai, nó rét như cắt thịt thế mà người đàn ông chưa xỉu. Ông ta bị bọn tá điền đánh một trận đau quá sức. Người đàn ông run cầm cập, môi xám lại. Vừa rét, vừa đói, ông không biết cái nào sẽ đưa ông chết. Ngay khi bị bắt, ông đã cúi lạy bọn tá điền như tế sao mà họ không tha.

Ðất Bắc vào những ngày này đâu mà chả có điền chủ và tá nông. Những ông Lý, ông Huyện là một thứ vua con. Ði đâu cũng dù che, gậy chống, xa xa những người mang nợ thấy họ là khúm núm vái chào. Người đàn ông bị trói bên góc sân lát gạch rộng có đến như sân đình. Dẫy nhà ngói vàng rựa dài như nhà quan chính trên phủ huyện đủ cho biết chủ nó là ai rồi. Từ lúc bị bắt đến giờ người đàn ông vẫn không thấy ông Lý đâu. Cứ tưởng dẫn về tới nhà, ông Lý phải ra ngay mà nhìn mặt xem quân ăn cắp là đứa nào chứ. Người đàn ông không thể đoán được những gì sắp xẩy đến cho định mệnh khốn nạn của mình. Ðã gần hai ngày bị trói. Cái rét làm ông không chịu nổi. Cứ thế này thì chết mất thôi. Vợ con ở nhà bây giờ thế nào. Lạnh run mà lòng dạ người đàn ông bỏng như lửa thiêu. Nếu người ta biết vì đi ăn trộm bị bắt, ông còn mặt mũi nào mà sống với dân làng. Chợt nghĩ đến đấy, ông quằn quại ruột gan. Có khi nào ông Lý thương tình tha cho ông không? Nó như giấc mơ gần lắm mà sao sợ hãi quá, chắc không bao giờ là sự thật. Cầu Trời độ lượng phù trì. Người đàn ông khóc rấm rức.

Sau cùng thì ông Lý cũng xuất hiện. Người đàn ông cúi lạy xin ông tha cho lần đầu. Chỉ một câu nói của ông Lý, lũ tá điền sẽ cởi trói. Người đàn ông mới nghĩ đến đó đã cảm động rơi nước mắt. Ông thề hứa với hồn thiêng sẽ không bao giờ có chuyện này trong đời nữa, kinh hoàng quá rồi. Ðêm qua người đàn ông đã được đưa vào góc nhà ngang chứa đồ. Tên tá điền đổ bao khoai trước mặt người đàn ông. Chứng cớ. Người đàn ông cúi sầm mặt không dám nhìn, không nói một câu. Ông Lý không giận dữ chửi mắng nguyền rủa gì cả. Ông bảo tay tá điền bỏ khoai vào rổ cất đi. Người đàn ông đã chờ cây gậy của ông Lý ra oai, nhưng điều ấy không xẩy đến. Giọng ông Lý bình thường, ba chuyện lặt vặt này có đáng chi cho ông bận tâm. Rồi ông bỏ đi. Người đàn ông cám ơn Trời Phật đã phù trì. Giấc mơ đang thành sự thật chăng? Hồn ông bà thiêng lắm nên ông mới được ông Lý thương như thế. Ông Lý sẽ tha cho ông chăng?

Ðất Bắc nơi vùng này có được mùa cũng chẳng phải ai cũng đủ ăn. Nghèo đói là bạn quanh năm. Thiếu đất, thiếu ruộng, được người thuê mướn là như mang ơn, mang nghĩa. Vào những năm mất mùa, gió bão, trộm cắp nổi lên như tôm. Nhà các ông Lý, ông Tổng chẳng mấy đêm mà quân canh không đuổi trộm chạy huỳnh huỵch. Xui cho người đàn ông bị bắt. Cầm lòng chẳng đặng, túng quá rồi, bụng đói đầu gối phải bò. Vợ chồng nhìn nhau không ai bảo ai, những u ẩn kín đáo về một lối đi là làm sao để có cái gì cho vào bụng. Trằn trọc bao đêm, người đàn ông không sao chợp mắt được. Không phải chỉ cái đói, cái rét gió trời, nhưng tiếng khóc của mấy đứa con. Nó như dao chém vào lòng.


* * *

Cu tí ôm củ khoai lớn như cái chày giã cua nóng bỏng xuýt xoa khoái chí. Người đàn ông vui quá. Cái mùi khoai nướng chảy mật bốc thơm đầy nhà. Bóc cái vỏ cháy xém là phô ra cái màu vàng sậm thật mướt. Ông chảy rãi không chờ cho củ khoai kịp nguội. Còn vợ ông nữa, lâu lắm hôm nay mới thấy bà tươi một chút. Mọi sự trong nhà thay đổi như cơn mưa chợt đến không ngờ. Ngồi bên thềm cửa nhìn mấy đứa con xúm xít bên rổ khoai bốc khói, chà! ông mới nhận ra không biết gia đình đã vắng tiếng cười từ bao giờ. Bỗng có tiếng con nít òa khóc, ré lên buốt giọng. Giật mình dậy, đấy lại chỉ là một cơn mơ.

Cả tuần nay, chẳng mấy đêm ông không mơ thấy giữa nhà ông là rổ khoai đầy. Giấc mơ nào ông cũng thấy mình ăn no. Giật mình dậy nó phũ phàng làm sao. Vẫn mấy đứa con khóc vì đói. Vợ ông không cười như trong giấc mơ. Giấc mơ càng đẹp, lúc tỉnh mộng lại càng đau. Nó vẽ ra những hình ảnh không có thật làm người ta càng tiếc. Chớ gì được một ngày như thế.

Cứ thế, tâm trí ông lảng vảng như người không hồn. Lúc thật lúc tỉnh. Trong giấc mơ nào cũng thấy của ăn. Có khi là mùi cơm cháy, có khi miếng giò, cũng có những giấc mộng mị rất sang, chẳng hạn như ngồi bên mâm cơm thịt gà béo ngậy. Ðĩa thịt rang tiêu hành. Nó thơm đến từng tế bào. Nhưng bao giờ cũng kết thúc bằng tiếng đứa con khóc hay cơn gió bay thốc, nước mưa tạt vào mặt. Những lúc tỉnh dậy như thế ông không thấy tiếc mà đôi khi thấy cũng "đã", vì trong những giấc mơ ấy được ăn quá ngon. Chỉ khi sáng bừng xua hết ảo ảnh, mặt trời khua đám con nít bảo chúng nó là chúng đang đói, nhìn vợ không biết tính toán chuyện gì hôm nay, bấy giờ ông mới thấy những giấc mơ có bữa cơm ăn là độc ác.

Ông xách cái bao đi về cuối làng. Trời chạng vạng tối. Ruộng khoai ông Lý không có người canh. Gốc đầu tiên kéo lên nặng đã đôi tay. Chùm khoai sai mùa như những quả mướp béo tròn. Ông lanh lẹn bẻ ngọn cho vào bao. Ðâu có gì khó khăn quá sức như ông nghĩ trước khi xách bao đi đâu. Thế mà phải mất mấy ngày chuẩn bị tinh thần. Mấy ngày liền, cứ chợn vợn tối là người đàn ông lại rảo vài vòng, gần xa ruộng khoai. Ông tưởng tượng ra đủ đường, đủ ngõ, đủ cách, mà cách nào cũng chông gai. Bây giờ đang đứng trong ruộng khoai rồi, đã bới lưng túi mà trời vẫn vô tư, đất không bạo hành. Ông khám phá thêm một chân lý mới trong cuộc sống. Người ta cứ lo quá mức đấy thôi. Sự tưởng tượng là kẻ thù ghê gớm của đời sống. Việc gì cũng vậy, thực tế không đến nỗi tàn bạo như những gì vẽ ra trong đầu. Ông không ngờ ông có thể bình tĩnh như thế giữa ruộng khoai. Chung quanh vắng như tờ, giả sử ông có bới thêm một túi nữa cũng không sao. Ông nghĩ bụng, đời phải liều. Cái luân lý mô phạm đôi khi chỉ là dở hơi.

Ðang bới, túi đã gần đầy, chợt tiếng chó cắn oang. Quay lại thì đám tá điền đã đâm cái sào tre nhọn hoắt vào gần mặt. Ông kêu ré lên. Giật thót mình bật dậy. Ðây là đâu? Mồ hôi đầm đìa. Xoa tay úp mặt. Thì ra lại một cơn mơ.

Tỉnh dậy, nhìn chung quanh. Vắng lặng. Vợ ông nằm thiêm thiếp giấc ngủ chập chờn. Thằng cu chúi đầu ôm cái gối rơm. Mỗi đứa con lăn lóc một nơi. Trong giấc ngủ đêm, ngồi nhìn cả nhà, ông mới thấy gia đình ông rời rạc như những hạt cơm nguội. Ðứa nào lo ôm cái đói của đứa ấy, ngay cả đến ông và vợ ông cũng thế. Trong giấc mơ có bóng hình yêu thương vợ ông đâu. Chỉ thấy toàn chuyện ăn.

Mà sao giấc mơ đêm nay hãi hùng quá, ông bị bắt à. Tỉnh rồi ông mới thấy bới trộm được một rổ khoai không phải là chuyện bỡn. Tiếng chó sao mà ghê hồn. Trong những giấc mơ, người đàn ông khám phá thêm rằng những cái rất tầm thường hàng ngày, nó không là gì cả, nhưng khi đúng thời điểm của nó, nó mang một giá trị sống chết chứ chẳng chơi đâu. Thí dụ, hàng ngày, tiếng chó có là gì, thế mà nó có thể giật sập ông xuống bẫy. Hàng ngày, một củ khoai có là gì, thế mà lúc đói, củ khoai cũng trở thành ông thần. Cuộc đời lạ quá. Con người lại còn khó hiểu hơn nữa vì có lúc nó không giá trị bằng rổ khoai. Nhìn mình đi bới trộm khoai trong giấc mơ, ông cười mỉa mai trong bóng đêm, chả nhẽ ông lại bị bắt vì trộm khoai à, như thế thì còn gì là con người, còn gì là nhân phẩm. Hình ảnh chỉ là mơ, nhưng lúc lũ tá điền ập đến, ông thấy kinh hoàng thiệt. Tim ngừng thở. Tỉnh cơn mơ, ông mừng hú vía, thấy mình thoát nạn! Mơ chứ không phải thật.

Ngoài trời gió lạnh vỗ phành phạch qua phên cửa nhưng trán ông rịn mồ hôi. Chỉ là cơn mơ mà rợn người. Chùm khoai sai mùa vẫn in hình nguyên vẹn trong giấc mơ trước mặt ông. Bàng hoàng, chỉ là một giấc mơ thôi sao? Cho tới sáng, ông không sao nhắm mắt được, trăn trở suốt đêm về giấc mơ quái lạ. Ðiều ông thấy trong giấc mơ với thực tế lại quá khác xa nhau. Mới chợt đây thôi, chân lý ông tìm thấy trong giấc mơ về cuộc sống là: "Người ta cứ lo quá mức đấy thôi. Sự tưởng tượng là kẻ thù ghê gớm của đời sống. Việc gì cũng vậy, thực tế không đến nỗi tàn bạo như những gì vẽ ra trong đầu." Bây giờ ngồi đây ông thấy chân lý ấy sai. Vừa lúc trước ông bình tĩnh đứng trong ruộng khoai, thấy rằng không chuyện gì là không thể làm được. Nhưng khi bị bắt ông mới thấy những chuyện tưởng dễ mà lại không dễ tí nào. Thế giới thật và mơ nó mù mờ quá, vừa một giây lúc trước là đúng, một chớp mắt đã là sai. Thực và mộng sao cách biệt thế.

Liên tiếp gần tháng nay, chẳng đêm nào trong giấc ngủ của người đàn ông không chờn vờn ác mộng. Cơn mơ nào thấy mình bị bắt mà bừng dậy thấy vẫn ở trên giường là ông mừng như nhặt được vàng. Người đàn ông ngẫm nghĩ trong đêm vắng. Ừ, hạnh phúc đơn sơ vậy thôi sao, thoát chết trong giấc mơ là hạnh phúc à. Hay là những hạng người như ông thì chỉ có hạnh phúc trong giấc mơ như thế mới là hạnh phúc thật?


* * *

Bây giờ ông đang bị trói. Người đàn ông tỉnh tỉnh điên điên hỏi mình, thực hay mơ? Chẳng lẽ ông bị bắt thật à. Không thể ngờ đời ông lại xẩy ra nông nỗi này. Nhưng mơ hay thực thì ông biết rõ rồi. Không phải là mơ đâu. Khủng hoảng, dật dờ, người đàn ông cứ khóc rấm rứt. Mộng mị đêm đen, sự thật ban ngày, chúng lẩn quẩn vào nhau. Cái nhìn hiền từ của ông Lý thì sao? Người đàn ông không thể hiểu nổi. Người ta đồn thổi nhiều về những người điền chủ độc ác, giàu có mà hành hạ gia nhân không xót lòng. Nói đến những ông Chánh, ông Tổng là ai cũng sợ. Quyền sinh sát trong tay, tiền hô hậu ủng. Thế sao ông Lý lại không quất cho ông ít là vài gậy cho ra quyền dạy bảo của kẻ làm lớn? Ðây có là thật hay lại chỉ là mộng? Người đàn ông đã nhìn rõ ông Lý ôn tồn bảo tay tá điền cất rổ khoai đi cơ mà. Ðiên đầu, ông chóng mặt vì toàn những chuyện ngược dòng. Tưởng đến ánh mắt rực lửa thì ông Lý lại nhìn mình bằng con mắt nhân từ. Không thể ngờ có ngày bị bắt thì bây giờ đang bị trói ngồi đây. Thực và hư, Cuộc đời. Chóng mặt.

Ðêm là thày dạy nhiều tàng ẩn chôn kín khó nhìn. Bóng tối có một thứ ánh sáng rất lạ. Ðêm và tối soi vào tâm thức con người những ý nghĩ xót buốt không ngờ. Những đêm không ngủ, giật mình dậy giữa cơn đen, đen trong nghĩa thật là đêm, nghĩa bóng là đời mình, người đàn ông thấy trí tuệ mình bừng mở. Trong cái bừng mở ấy của trí tuệ, ông phải trả một giá đau thương cho những suy tư của ông về cuộc đời.

Tại sao có những con người thừa ăn, dư mặc? Tại sao có những con người khốn khổ như ông? Cái nghèo có là tiền định của ông trời? Trằn trọc trong đêm, người đàn ông đi tìm câu trả lời. "Giấy rách phải giữ lấy lề." Người đàn ông rủa thầm. "Rách thì vứt nó đi chứ giữ làm cái gì!". Giá mà say, mà điên thì hạnh phúc biết mấy. Vào ngày mùa, cái sân nhà ông Lý đầy người, trai tráng, thanh niên, phụ nữ, đập lúa vang chuyện cả đêm. Tại sao trên đời có ít ông Lý thế, mà hạng người nghèo khổ như ông thì đầy. Cái giàu có kia có là may mắn ông trời ban cho không? "Con quan thì lại làm quan, con nhà sãi chùa thì quét lá đa." A! thế ra cuộc đời đã sắp sẵn như vậy rồi sao. "Ðói cho sạch rách cho thơm." Người đàn ông lại rủa thầm. "Ðói làm sao mà sạch, rách làm sao mà thơm, toàn chuyện rởm đời!" Nhưng xã hội bắt như thế. Ông không lội ngược dòng được với những định chế ấy. Hoàn cảnh nào thì ông cũng phải sạch, phải thơm mới là con người. Ông bắt đầu muốn phủ nhận nhiều khuôn thước cuộc đời đã bắt ông đi. Chính ông đã dạy lũ học trò như thế mà. "Ðói phải cho sạch, rách cho thơm". Bây giờ ông thấm thía hơn về cái năng chức thầy giáo người ta gọi ông. Tại sao người ta bắt ông phải sạch hơn nữa, thơm hơn nữa chỉ vì cái tên gọi ông giáo ấy. Nếu ông chỉ là tay đánh dậm, tát cá cầu ao có lẽ lúc này lương tâm ông bớt xốn xang.

Bóng tối vẽ ra những vực sâu ý thức không đáy. Ðịnh mệnh con người là cái giếng, đừng tìm hiểu nó, cứ sống cho đến ngày chết thì xuôi tay, ngó vào hỏi số phận là gì, định mệnh là gì thì cũng như xúc đất mà tìm nó, càng tìm nó càng sâu. Ðừng nhìn xuống, quên đi thì nó đầy. Nếu thế, mấy đứa con của ông mai này lấy chồng, lấy vợ xong, cứ đêm đêm rồi lại cũng tiếp tục những giấc mơ như của bố nó, mong một rổ khoai giữa nhà. Rồi đến lượt con cái chúng nó lớn lên, giấc mơ này đẻ giấc mơ kia, nối tiếp đến đời nào cho hết thân phận một kiếp nghèo. Cái may mắn của một người từ khi sinh ra và cái định mệnh lầm than như ông, hai dòng sông không thể chảy vào nhau. Xã hội của ông Lý và người đàn ông chỉ là phản ánh cái xã hội lớn của đất nước. Chảy rộng lan ra, nó là phản ánh của cả con người, có những dân tộc như là bất hạnh từ tiền kiếp, có những đất nước như sinh ra để làm cảnh sát của ông trời dòm ngó hết lục địa này đến lục địa kia. Hai dòng sông không chảy vào nhau được. Bất hạnh đối kháng.

Người đàn ông nhìn đàn cò bay. Những cánh sau cùng nhỏ bóng mất tiêu mà vẫn chưa hết ruộng của ông Lý. Cái lẫm chứa thóc kia bao giờ mới vơi. Chỉ cần nhổ lên vài gốc khoai là cả nhà ông đều no. Tại sao một dòng sông ngập nước còn một dòng sông cạn khô. Cái đối kháng giai cấp giữa hai dòng sông là đối kháng phát sinh từ đâu? Nếu con người sinh ra trong số phận nào, phải chấp nhận số phận đó, nếu đấy là tiền định của trời, thì làm sao lại có cái đối kháng giai cấp trong ý thức? Nó là tiếng gọi thâm sâu của linh hồn. Cái ý thức này đến từ một lương tâm. Người đàn ông cho rằng cái ý thức về một dòng sông tràn nước và dòng sông cạn khô kia nhắc cho ông rằng con người không sinh ra trong định mệnh và phải chấp nhận định mệnh. Nếu là định mệnh thì ông phải an lòng mà sống chứ? Nếu là định mệnh thì ông phải an vui mà nhìn lũ con khóc vì thiếu ăn chứ? Lòng ông dấy lên một ý thức về tương quan con người với con người. Ông không chấp nhận định mệnh. Lấp ló đâu đó trong những khe nứt lương tâm, người đàn ông thấy một tiếng gọi mù mờ, chưa thành hình, nhưng đủ ấm để giữ một ngọn than chờ ngày thành lửa.

Ðất Bắc đang vào mùa thu. Không phải sương thu của bốn mùa mà là mùa thu có những bài ca nhắc nhở con người sinh ra không phải để chấp nhận định mệnh. Tiếng hát mùa thu bao giờ cũng có sức hút ma quái quyến rũ. Tự mùa thu đã là sầu muộn rồi. Tiếng thu gieo sầu trong tim những con người như đang tự hỏi mình về thân phận đất nước, thân phận làm người như người đàn ông.

Cách mạng bùng nổ. Mùa thu đấu tranh. Toàn nước đánh đuổi thực dân dành độc lập. Vang khúc hành ca mừng định mệnh bị đổ vỡ. Người đàn ông có mặt trong đoàn người anh hùng ấy. Mấy chục năm sau này, từ miền Nam, lúc tuổi đời ngả bóng, ông giáo làng ngày xưa ấy hồi tưởng lại những đấu tố kinh hoàng của miền Bắc. Trong đêm đen, ông lại khốn khổ tự hỏi mình, tất cả những sự cố ấy xẩy ra có phải là định mệnh? Khởi đầu là mấy gốc khoai bới trộm ở khu vườn nhà ông Lý, rồi "định mệnh" đưa ông vào say mê cách mạng mùa thu. Tòa án nhân dân. Trả thù. Í thức hệ. Nhận thức. Lỗi lầm. Ðủ mọi màu sắc, quay tít như chiếc chong chóng, nhưng hết gió, khi chiếc chong chóng ngừng quay, cuộc đời lại cũng trở về có một câu hỏi, thế nào là định mệnh, là số phận con người.

Ðời ông đi từ những khe hở nho nhỏ của lương tâm về số phận con người cho đến ý thức bừng lên, vỡ òa ra như quả trứng bị đập vỏ, ông hoàn toàn phủ nhận con người không sinh ra từ định mệnh và phải chấp nhận định mệnh. Cuối đời nhìn lại một kiếp sống đi qua, ông thấy cái mầm của mọi thứ chủ nghĩa cũng chỉ là một ý thức hệ về số phận con người như ông đã từng đối kháng. Ông không chấp nhận nhìn những ruộng khoai dư thừa kia mà lũ con mình đói không có ăn. Ông nhớ rõ lắm cái đêm quyết định xách bao đi về hướng cuối ruộng khoai. Ông cũng sợ bị bắt chứ, ông cũng sợ tiếng đời mỉa mai chứ, nhưng ông không sợ tiếng lương tâm. Một sự đứng dậy rất sâu trong tiếng nói của lương tâm cho phép ông dứt khoát giật lên những gốc khoai vì lũ con đói lạnh quá.

Từ tiếng gọi đối kháng của hai dòng sông cách biệt, tiếng gọi đứng lên tháo chiếc mặt nạ định mệnh xuống, người đàn ông yêu mến Marx trong nhận thức khi Marx nói tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ con người. Sau này, nhìn lại những biến cố đi qua, ông thấy những người rao truyền tôn giáo cũng mang một tội không nhỏ khi tôn giáo không trả lời rõ ràng thế nào là số phận đời người. Nếu tôn giáo gỡ chiếc mặt nạ định mệnh xuống thì liệu Marx có cơ hội đứng ra thay thế tôn giáo để gỡ nó không? Sau Marx, cả Châu Mỹ La Tinh với cái gọi là nền thần học giải phóng cũng chỉ là loay hoay như Marx, tìm cách tháo gỡ cái mặt nạ định mệnh 75 phần trăm dân chúng nghèo đói trong khi tất cả đất đai nằm trong tay có 25 phần trăm thuộc giai cấp thống trị. Ông không cần tôn giáo nói gì, nhưng tiếng nói đi tìm sự công bình, đối với ông là tiếng nói lương tâm. Ðối với ông, tôn giáo nào không đi tìm sự công bình là tôn giáo giả hiệu.

"Tại sao những tay phú ông tin rằng họ được may mắn là do định mệnh trời ban mà không tin rằng tiếng gọi cách mạng mùa thu cũng chỉ là định mệnh của ý trời?" Người đàn ông cười nửa miệng. À, thì ra ai cũng tin số mệnh. Chỉ khác là những gì đe dọa đến cơ nghiệp họ thì đấy không phải ý trời, họ sẽ chống lại. Thuyết nhà Phật bảo cứ bỏ tham sân si đời sẽ bớt khổ. Thuyết nhà đạo bảo hãy yêu thương nhau đời sẽ hết khổ. Sau cùng thì Marx đến với búa và liềm.

Thế nào là công bình, là may mắn? May mắn có là một định mệnh trời dành riêng cho ai thì người ấy được không? Từ ngày bị bắt vì trộm khoai, rồi theo tiếng nhạc quân hành của mùa thu cách mạng, rồi nhiệt thành giơ cao lá cờ tổ quốc, đến hối tiếc, đến bỏ Bắc xuôi Nam, rồi cuối đời nhìn lại, người đàn ông vẫn không định vị được thế nào là may mắn, là duyên số.

Ðấy không phải là ý thức xót xa riêng của người đàn ông. Nhiều kẻ mở nắp giếng ấy ra rồi vội vàng đóng lại. Có người nhìn sâu xuống, sau cùng chóng mặt tự kết thúc đời mình. Có người lần mò tìm vào tôn giáo để giải quyết, chân bước se sẽ không dám đi mạnh, nên tôn giáo lại không giật mình đủ tỉnh mà trả lời.


* * *
Suy Tư:

Soi bóng mình qua người đàn ông, tôi thấy ngôn ngữ của tôi phải cực nhọc mà không nói được rõ nghĩa của số phận và cơ may là gì. Cơ may nào cũng có những nguyên nhân rất sâu để rồi đến cõi cuối cùng thì dường như nó lại không còn là cơ may nữa. Nhìn xuống đời mình, số phận tôi có may mắn không? Trong tương quan so sánh thì có những cái may mắn này nhìn thấy được là do cái bất hạnh kia của người bên cạnh nổi lên. Rồi cái may mắn của kẻ khác vẽ đường cho tôi thấy bất hạnh của mình. Cứ lẩn quẩn trong một nhùng nhằng khó có lối ra.

Bỏ nước ra đi, tôi không biết định mệnh hay cơ may cho tôi ngày hôm nay ngồi đây soi đời mình trong những suy tư của người đàn ông trong câu chuyện tôi đang viết. Nếu không ra đi, có lẽ biết đâu bây giờ tôi đang chấp nhận số phận như hàng triệu người Việt Nam vượt biên không thành đang lầm lũi ở một cánh đồng nào đó. Và có lẽ sẽ chẳng bao giờ để nổi lên một ý thức muốn đem những định đề số phận, cơ may này xuống chữ nghĩa. Tôi có may mắn hơn nhiều người, điều ấy đúng chứ.

Nhưng cái may mắn ấy là gì? Hai mươi năm may mắn cắp sách đến trường với chữ nghĩa là cái giá phải trả không rẻ. Số tiền lớn ấy đến từ đâu? Giáo Hội đã tốn biết bao nhiêu tiền cho tôi từ những năm đầu đời trung học cho tới ngày thành linh mục, tiền ấy đến từ những bàn tay có khi rất nghèo như của bà góa trong Phúc Âm. Tôi có thể gọi đời tôi là may không? Không có những con người như bà góa trong Phúc Âm đóng góp cho Giáo Hội thì hôm nay tôi thế nào? Tất cả đó là những chi phiếu mang ơn, cách này hay cách khác, ý thức hay vô thức, biết hay không biết. Nếu đã là may thì không đi tìm nguyên nhân được. Nếu đã là may thì có cần trả ơn? Có nguyên nhân thì làm sao mà gọi được là may? Hai mươi năm cắp sách đến trường, chợt nhìn thì xem ra tôi may mắn, nhưng may mắn nào cũng có những nguyên nhân, có khi xa, có khi gần, chỉ có điều tôi có nhận đó là nguyên nhân hay không thôi. Mắt xích này nối vào mắt xích kia, tận cùng, tôi thấy cái mà người ta thường gọi là may mắn chẳng còn gì là may mắn nữa.

Nếu hôm nay những người con ông Lý có thành công, thì cũng nhờ cái giàu có của ông Lý để lại. Ông Lý giàu có nhờ những mẫu ruộng mênh mông kia thật đấy, nhưng ông có được những mẫu ruộng ấy là nhờ có những con người nghèo khó như người đàn ông nọ. Vì nếu ai cũng nhiều đất đai như thế thì làm sao ông làm chủ như vậy được, làm sao con cái ông có của cải mà thành công.

Cái giếng ý thức này sâu thật. Có lẽ vì thế không ai muốn nhìn kỹ. Nhìn kỹ, nhìn lâu có thể nó quật ngược lại nhiều dòng suy tư đã cố định từ lâu. Cái bật rễ đó tốt hay xấu chưa là vấn đề nói tới, nhưng mới thấy bật rễ, điều ấy đã làm con người hoảng sợ. Khi nói người ta may mắn nên được cuộc sống khá giả. Ðiều ấy tự động cắt nghĩa là tôi không mang ơn ai, nợ ai. Sau cùng, con mộc kết luận được đóng xuống là vì không mang ơn nghĩa nên tôi không có trách nhiệm phải chia sẻ những gì tôi có được với những kẻ nghèo đói. Cái bi kịch của người đàn ông năm xưa bên sân nhà ông Lý là thế. Ðối với ông Lý, ông có cơ may sinh ra là thừa hưởng cơ nghiệp của tổ tiên để lại. Ông không nghĩ là có trách nhiệm về cái bần cùng của người đàn ông.

Cách mạng mùa thu với 30 năm nội chiến, với mấy trăm ngàn người bỏ mình trên sóng xanh rợn biển cả, với 70 triệu người nghèo đói hôm nay cũng là phát xuất từ ý thức chống lại cái tự cho mình là có cơ may không cần phải san sẻ với những con người như người đàn ông kia. Tự hỏi mình thế nào là may mắn, tôi thấy cái giếng ấy sâu quá, khó mà trả lời. Không có cái may nào mà không liên quan đến cái rủi của người khác. Khi tôi may mắn nhặt được cây vàng này thì ai là người không may đánh mất nó? Khi tôi may mắn vào được hãng xưởng này thì ai là người không may đã bị từ chối? Khi tôi may mắn được một nền giáo dục như thế này, đạt được mảnh bằng như thế kia để hôm nay tôi có thể thu về hàng chục ngàn đô la, khi tôi được ngồi trên chính thể này làm chủ hàng chục mẫu đất, tôi có thực sự là may mắn không? Mặt trái đất này chỉ có thế, khi tôi dẵm chân chiếm giữ khoảng đất này thì người khác mất chỗ. Tất cả những gì mà tôi tưởng tôi không có trách nhiệm chia sẻ với con người chỉ vì tôi không mang ơn họ dường như chỉ là luận lý đến từ một lý luận thiếu luận lý.

Ông giáo làng theo tiếng quân hành ca dưới ngọn cờ Marx vì Marx muốn lấy liềm để cắt, búa để đập. Với búa và liềm, Marx nghĩ con đường ấy thức tỉnh cái ý thức ngủ mê kia về liên hệ huynh đệ giữa con người và con người. Marx muốn xây dựng một thế giới bình đẳng. Có thể Marx có lòng nhiệt thành, nhưng điều sai lầm cay đắng của Marx là tiêu diệt lương tâm. Í thức thế nào là may mắn, định mệnh, chia sẻ giữa con người với con người, không phải chỉ cần tri thức soi sáng là thấy, nhưng cần năng lực yêu thương để thực hiện. Ðiều này cần đến tôn giáo. Chính Ðức Kitô đã khởi xướng ý thức này bằng ý thức tôn giáo sâu nhất trong tôn giáo của Ngài. "Ai cho những người bé nhỏ này một bát nước lã là cho chính Ta." Ðó là một tuyên ngôn vô cùng siêu bạo về ý thức tôn giáo của Ngài lập ra. Nó siêu bạo và trở nên căn bản vì Ngài đồng hóa chính Ngài là Thượng Ðế trong thân phận một kẻ nghèo. Marx và những người theo Marx hô hào một ý thức bênh vực người nghèo nhưng họ không bao giờ dám đồng hóa họ với người nghèo như Ðức Kitô. Chính vì thế người nghèo chỉ trở thành phương tiện đấu tranh mà thôi. Các thầy tư tế đóng đanh Ðức Kitô cũng vì Ngài chống một ý thức tôn giáo dùng giáo điều cai trị. Ngài quật dậy ý thức không ai có quyền nhận mình may mắn hơn người khác mà chối từ trách nhiệm giúp đỡ kẻ nghèo hơn mình. "Các ngươi nhận nhưng không thì cũng hãy cho đi nhưng không". "Có gì tôi có mà không là do từ Thiên Chúa." Dọc theo giáo lý của Ngài là tiếng kêu sống dậy ý thức ấy. Ðiều đó đụng chạm vào tư lợi của một lớp người, sau cùng Ngài phải chết. Tôn giáo không sai, con người sử dụng sai tôn giáo. Tôn giáo không là thuốc phiện, chỉ có những con người sử dụng tôn giáo như thuốc phiện. Như thế, đáng lý Marx phải dùng tôn giáo mà làm đòn bẩy cho cái ý thức hệ kia. Nhưng Marx đã lầm lớn khi khai trừ tôn giáo. Cái lầm bi đát của những người theo Marx là họ tưởng chỉ cần tiếng kèn thúc quân sẽ làm bừng sáng lên cái ý thức con người hãy chia sẻ với con người. Họ tưởng rằng tiếng đạn AK là đủ khua vang lên ý thức ấy. Họ không biết rằng ý thức chỉ là phạm trù trí tuệ, còn hành động chia sẻ thuộc phạm trù yêu thương, nó cần xám hối, cần xót xa, cần rung động của con tim. Ðiều này chìm trong tôn giáo.

Mấy mươi năm sau ông giáo làng thuở xưa mới thấy cái ngày ra đi sau sự cố bị trói ở sân nhà ông Lý là bồng bột quá. Cuối đời, ông cố sống thảnh thơi. Vì ông cũng cho rằng ông Lý đối xử tệ với ông cũng chỉ vì những ý thức thế nào là may mắn, là số phận trời cho là một ý thức nghèo nàn mù mờ trong trái tim ông.


* * *

Sang ngày thứ ba, ông Lý tha cho ông giáo làng kia về. Nhưng mộng và thực lại dính chùm vào nhau, không biết đâu mà lường. Cái nhìn thương tình của ông Lý hôm đó là một hỏa ngục trá hình. Ngay khi ông Lý bảo tay tá điền cất rổ khoai đi, ông biết ông phải làm gì đối với tay ăn trộm khoai này. Chung quanh nhà ông có tường xây, tre mọc kín. Mấy tay tá điền dắt kẻ bị bắt trộm ra bên giếng trừng phạt. Con dao phay sáng choang như mới mài. Kinh hoàng. Ông giáo làng run cầm cập không tin vào mắt mình. Chuyện gì nữa đây? Thực hay chỉ là mơ? Con dao thật à?

Chỉ ít lâu sau, tin ông giáo biến mất loan đi khắp làng. Ông đi đâu? Ông đi từ hồi nào? Không ai biết được. Sau bóng hình ông, còn lại chỉ là những câu chuyện thêu dệt của những tay giàu óc tưởng tượng.

Cuộc đời thăng trầm như những ý thức hệ trong lịch sử, bay nhào nhào như cánh chuồn chuồn rồi cũng ào ào lao xuống như con diều đứt giây. Rồi cũng lại thực hay mơ, bỗng dưng một ngày ông Lý không còn sản nghiệp gì. Nào là cải cách ruộng đất, nào là đấu tố cường hào ác bá, nào là xây dựng thế giới đại đồng dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác Lê. Mới hôm qua nhà cao cửa rộng, qua một đêm đổi đời ông Lý thành trắng tay. Bây giờ không phải là người đàn ông ăn trộm khoai hỏi mình nữa mà là ông Lý: "Chỉ là mơ hay là thực?" Mùa thu cách mạng bay về đem khói Marxist chảy khắp mọi nẻo đường quê. Ông Lý bị tố là cường hào ác bá, điền chủ độc ác. Ðến phiên ông lầm lũi bỏ của chạy lấy người.


* * *

Thăng trầm có là định mệnh? Ông Lý bị hành quyết mà không chết. Cách nào trốn vô Nam được thì không ai biết.


* * *

Vùng quê, nên hầu hết ai cũng chỉ cho ông ăn mày gạo thôi. Ông ăn mày ngả nón, hai tay hứng chiếc túi đựng gạo. Gia chủ cũng là một ông già, cố bốc mà gạo cứ rơi. Bàn tay ông già chủ nhà bị cụt hai ngón, vụng về mấy ngón còn lại cố bốc mà lòng bàn tay trơn tru quá, gạo cứ rơi xuống thôi. Tay ông không còn khỏe nữa, run run đổ gạo vào bao cho ông ăn mày. Bàn tay cụt mấy ngón cứ chìa ra với đám gạo rơi trước mặt ông già ăn xin. "Ông cảm phiền vậy nhá, tay tôi bị cụt nên làm cái gì cũng khó khăn." Ông già ăn xin nhìn kỹ hơn bàn tay cụt hai ngón. Cơ hồ một làn điện chạy dọc tủy sống ông lạnh buốt. Ngẩng mặt nhìn gia chủ, ông không tìm thấy nét gì quen thuộc. Thoang thoáng những bóng chớp lóe lên rối rắm của mấy mươi năm trước hiện về. Ông chợt nhớ lại cái ngày tháng hai gió lạnh bên giếng nước với gã ăn trộm khoai. Buột miệng ông hỏi một câu mà vỡ toang một quá khứ mấy mươi năm khóa chặt. "Làm sao ông bị cụt mấy ngón tay thế?". Ông già chủ nhà đáp:

� Chuyện thì dài lắm cụ ơi, nhưng cụ hỏi thì tôi cũng kể cụ nghe, già rồi chả biết có còn gặp cụ được mấy lần. Thoát chốc mà cuộc đời trôi qua có ai ngờ. Ðời cứ như thực như mơ. Tôi chẳng giấu gì cụ, ngày xưa ở Bắc thì cụ biết đấy, nghèo quá, nhiều người phải đi mò trộm củ khoai, đào trộm củ chuối mà ăn. Vào năm ấy mất mùa đói kém quá thể, "đói cho sạch rách cho thơm" cụ ạ, nhưng nhìn mấy đứa con không có ăn tôi cầm lòng không nổi, một đêm nọ tôi đào trộm khoai nhà ông Lý. Chẳng may bị bọn tá điền bắt. Tôi thấy ông không nói gì, cảm động quá vì thấy ông thông cảm thương tình hoàn cảnh tôi. Nào ngờ ông cho lũ tá điền dẫn tôi ra bên giếng nước xem bàn tay nào bới khoai rồi chặt đứt mấy ngón.

Ông già ăn mày cúi đầu chú ý nghe. Còn gia chủ, đã mấy mươi năm với bàn tay cụt hai ngón mà không hề có ai thắc mắc hỏi han gì, lần đầu tiên kể từ ngày xẩy ra sự cố, bây giờ mới có người hỏi đến lịch sử của nó, ông xúc động kể. Như người sắp xa cuộc đời, ông muốn tâm sự cho vơi nỗi niềm hay cho sống lại một quá khứ bi tráng nhất đời. Ông chậm rãi tiếp thêm câu chuyện:

� Hồi ấy tôi là ông giáo làng, cụt mất mấy ngón tay cầm phấn rồi làm sao mà dạy học được nữa, vả lại còn mặt mũi nào với dân làng. Tôi bỏ làng đi biệt, bỏ nghề giáo tôi cũng bỏ luôn lương tri nhà giáo. Như cụ biết đấy, cha ông thì bảo "giấy rách phải giữ lấy lề", từ ngày ấy tôi bảo giữ làm gì nữa. Tôi theo tiếng gọi cách mạng mùa thu. Chỉ mấy củ khoai rồi mấy ngón tay mà đem đời đi xa như thế đấy. Bây giờ nghĩ lại thấy đời như bóng mơ. Tôi cũng chẳng oán trách ai. Tôi kể cụ nghe, vì cho đến bây giờ tôi vẫn không hối hận việc mình làm, tôi không mắc cỡ vì mấy củ khoai, tôi không ăn trộm, tôi chỉ đi tìm sự sống. Có điều hối hận là sau sự cố ấy tôi đem đời mình vào cuộc chơi phiêu lưu quá, theo ngọn cờ búa liềm đi xa quá. Giá mà tôi không mất mấy ngón tay... giá mà ông Lý có một chút xót thương... ông ấy dư thừa gạo thóc mà.. giá mà tôi không mất cái lương tri nhà giáo... giá mà...

Ông già ăn mày run lên, hai vai rung rung, khụy xuống. Ông khóc. Ông già chủ nhà nghĩ đến chuyện xưa với bao nhiêu trăn trở đường đời cũng xúc động ứa lệ theo. Trời chiều đang tắt nắng. Ðến mùa thay lá, những chiếc lá xoài khô rụng xuôi bỏ cành. Hai ông già ngồi bên nhau, câu chuyện cũ làm nước mắt rơi trong chiều xuống muộn. Ông già chủ nhà ngồi ôm tay trên đầu gối. Bàn tay cụt hai ngón run rẩy trước mặt ông ăn mày.

Hình ảnh bàn tay cụt hai ngón kia xói buốt vào tim ông già ăn mày. Ông già chủ nhà kể tiếp:

"Tội nghiệp cuộc đời, tôi nghe sau này ông Lý cũng khổ lắm, ông bị đấu tố rồi không biết trôi dạt nơi đâu, cuộc đời chóng qua thế đấy. Không biết ông Lý có còn sống không".

Những âm thanh sau cùng rót vào hồn ông già ăn mày và đọng lại.

Ông già chủ nhà đâu có biết ông ăn mày kia chính là ông Lý ngày xưa của mấy mươi năm về trước.

Sau cuộc đấu tố thoát chết, ông Lý trốn được vô Nam. Mất hết cơ nghiệp, gia đình bị đấu tố chết cả. Ông mang thân tật nguyền, đi xin ăn, sống nhờ lòng thương xót của mấy xóm đạo cho đến hôm nay.

Mấy mươi năm về trước, cũng cái bàn tay mà ông giáo làng ra đi biệt tăm. Mấy mươi năm sau, cũng cái bàn tay, nhưng lần này kẻ ra đi biệt tăm lại là ông Lý. Ông ăn mày nhìn bàn tay cụt hai ngón mà chính ông ra lệnh cho bọn tá điền chặt đứt đang run rẩy trước mặt ông. Ông không dám ngẩng mặt sợ ông già chủ nhà có thể nhận ra chính ông là ông Lý của cái đêm nghiệt ngã ấy.

"Nếu tôi không chặt đứt hai ngón tay kia thì hôm nay với bàn tay năm ngón lành lạnh sẽ bốc gạo cho tôi dễ dàng biết bao." Nhìn lại bàn tay cụt hai ngón lúc xúc gạo cho ông, gạo cứ rơi xuống hoài. Ông Lý đau xót khi thấy chính bàn tay đang làm phúc cho ông là bàn tay ông đã ra lệnh chặt. Vì mất hai ngón nên bàn tay làm phúc ấy hôm nay muốn xúc cho ông mà gạo cứ rơi xuống. Nếu bàn tay kia lành lạnh thì cái phúc bàn tay ấy làm cho ông hôm nay sẽ nhiều hơn. Hình ảnh đó siêu bạo quá. Cái phúc hay cái bất phúc là do mình tạo nên. Nhân quả đi với nhau trong đời. Người ta không trốn được cái nhân quả ấy. Nhân quả thuyết nhà Phật dạy rằng ai làm ác sẽ đầu thai trong kiếp ác. Thuyết nhà Ðạo tin có ngày Chúa phán xét, tội mình làm sẽ cưu mang mình trong kiếp sau. Ðạo nào cũng đi tìm cái căn nguyên hạnh phúc là yêu thương. Vắng yêu thương thì chính đạo cũng thành tà đạo.

Sau buổi chiều gặp gỡ ngoài tầm không ngờ đó, ông già ăn mày đi mất bóng như tôi đã viết ở đoạn trên. Chẳng ai biết ông đi về đâu. Ông về cõi buồn phiền hay bất mãn? thiên đàng hay hỏa ngục? phẫn nộ hay tỉnh thức?

Trích Tập Truyện Ngắn sắp xuất bản của tác giả Nguyễn Tầm Thường.
Trung Tâm Truyền Hình Quang Khải, Ðài Loan
Lm Nguyễn Tầm Thường, SJ