PDA

View Full Version : DĐ - Đừng Phá Vỡ Thiên Đường Của Trẻ Thơ (Bài 1)



Dan Lee
05-28-2008, 05:57 PM
Bài 1: Đừng Phá Vỡ Thiên Đường Của Trẻ Thơ

http://memaria.org/images/VungTroiTuoiNgoc.jpg

“Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.”
(Mt 18: 5-6)

Theo các nhà tâm lý học thì các biến cố bi thương xẩy ra cho một người càng nhỏ tuổi chừng nào thì tác động của vết thuơng lòng càng sâu đậm nơi tâm khảm người ấy. Với thời gian, sự tích lũy các kinh nghiêm đau thương sẽ tác hại đến đời sống của người đó. Các cuộc khải đạo (counseling) chỉ giúp giảm thiểu, nhưng không thể chữa tận gốc rễ căn bịnh được. Chỉ có Chúa Giêsu chữa lành được mọi sự, nhất là những cơn bịnh nội tâm.

Theo LM Robert De Grandis, một linh mục nổi tiếng về ơn chữa lành thì nếu ai muốn được Chúa Giêsu chữa lành thì cần phải sạch tội trọng, phải xưng tội từ đầu đến cuối với tấm lòng thống hối, phải xin Chúa cho họ tha thứ cho những kẻ làm cho đời họ đau đớn. Họ cần phải thần phục Chúa, không còn giữ ý riêng của mình. Họ cần nhờ các nhóm cầu nguyện đặt tay cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi các tư tưởng hỷ nộ ái ố. Mỗi ngày, họ phải xin Máu Thánh Cực Châu Báu của Chúa Giêsu bảo vệ. Sau khi được chữa lành rồi, họ phải tiếp tục đọc kinh tha thứ. Nguyên nhân của các tâm bịnh bắt nguồn từ sự không tha thứ, sự cầm giữ hận thù trong lòng mà sinh bịnh. Từ bịnh tâm lý sẽ sinh ra bịnh thể xác.

Các bậc cha mẹ cần phải để ý chăm sóc cho con cái. Tránh cho con phải đối diện với các cuộc xung đột dữ dội trong gia đình. Xin đừng bỏ bê con cái cho người khác nuôi. Ngoài chuyện hành hạ thể xác, họ còn có thể dọa nạt và làm cho đứa bé sợ hãi đến thất đảm. Có những vết thương lòng mà ngay cả cha mẹ cũng không biết, chỉ có đứa trẻ biết và giữ kín trong lòng và chịu đau khổ dằn vặt suốt đời. Đó là chưa kể các chuyện đốn mạt khác như trường hợp các trẻ gái bị rờ mó và làm nhục bởi các người đàn ông trong gia đình. Có rất nhiều nạn nhân bị lợi dụng thể xác, nhưng khi họ kể cho người mẹ của họ nghe thì người mẹ lại gạt đi, không tin vì muốn chạy tội bỏ bê con cái, hay vì quá đau lòng nên không muốn tin đó là sự thật.

Đó là lý do mà ở Hoa Kỳ, các tội sờ mó (molest) bị kết án rất nặng vì nó hủy hoại đến sự ngây thơ của trẻ nhỏ,làm tác hại đến cuộc đời và tâm lý tình cảm của người trẻ ấy.

“Bé An không biết rằng mình có trí khôn từ lúc nào. Nhưng hình như những chuyện buồn thường làm bé nhớ rõ mồn một và đánh động tâm tư bé nhiều hơn cả.

Cái chết của đứa em trai mới có một tháng tên Minh vào lúc An vừa ba tuổi đã làm cô bé nhớ thật rõ. Bé mơ hồ cảm thấy nhà mình có điều gì rất buồn đã xảy ra. Bé thấy mẹ mình khóc lóc vật vã bên xác em. Thế là cô bé ôm chầm lấy chân mẹ và khóc nức nở như để chia xẻ nỗi đau của mẹ. Lúc ấy, người ta nườm nượp đến phân ưu và thăm viếng gia đình An.Tiếng ồn ào, tiếng đọc kinh vang lên rồi đèn nến thắp sáng cả một nhà.

Khi An lớn độ bốn tuổi, mẹ dẫn An và em Tịnh vào trại gia binh thăm ba. Khi ấy, ông Bình, ba của An vắng mặt nhưng trong phòng riêng của ông lại có một người đàn bà trẻ đang nằm ngủ thoải mái trong chiếc áo ngủ khiêu gợi và hở hang. Bà Tâm, mẹ của An giận run, mặt bà tái mét, tay chân run lẩy bẩy. Bà to tiếng hạch hỏi cô ả:

-Cô là ai mà ngang nhiên vào đây ngủ với chồng tôi?

Trong khi cô ta đang lúng túng và bối rối, chưa biết phản ứng ra sao thì ông Bình vừa bước vào nhà. Ông giận dữ trừng mắt và gằn giọng nói với vợ:

-Ai cho phép cô vào đây lớn lối làm mất mặt tôi trước thuộc hạ của tôi? Khôn hồn thì qùy xuống xin lỗi ngay lập tức.

An nóng mặt khi thấy mẹ líu ríu qùy xuống và vòng tay nói:

-Em xin lỗi anh vì đã làm anh mất mặt!

Lúc ấy, tuy còn nhỏ nhưng An rất bất bình trước sự hống hách và tàn ác của ba cùng sự nhu nhược yếu hèn của mẹ. Bé cảm thấy mẹ tội nghiệp như con nai tơ đang run sợ trước nanh vuốt của con cọp dữ.

Lớn lên một chút nữa, An hồi tưởng lại chuyện cũ mới hiểu rằng mẹ sở dĩ hạ mình chịu nhục vì lòng thương chồng và các con, vì không muốn làm gia đình xào xáo và vì muốn hy sinh cho hạnh phúc và sự đầm ấm của gia đình.

Cùng với thời gian, An càng cảm thấy bất mãn với ba bé. Tuy chưa biết diễn tả tư tưởng nhưng bé đã thấy xa cách dần với ba. Mẹ thì suốt ngày bận rộn với chợ búa và cơm nước, nên cũng không có giờ nói chuyện và tỏ tình âu yếm với con cái.

Vì thế, bé An thường thơ thẩn đi lang thang một mình ngoài vườn. Bé rất thích chơi với cây cối và hoa lá. Một hôm cả nhà ăn xôi gấc, bé An bèn lượm các hột gấc đã nấu chín để đem đi trồng. Hột đã nấu chín làm sao mà lên mộng non? Thế mà bé cứ chờ mỏi mòn để được nhìn cây gấc mọc lên. Thật là hoài công!

Sau lần ấy, An vẫn chưa nản chí, bé vẫn tiếp tục xin hạt bắp, hạt bí và hạt ớt để trồng cây. Ngày nào An cũng ra thăm cây và kiên nhẫn chờ cây nẩy mầm. Bé cười vui khi thấy cây mọc lên. Trong khi An lo trồng cây thì em Tịnh đi theo chực phá. Vì thế, hai chị em cứ xính mích, có khi An bị em đánh nên vừa chạy vừa gọi mẹ.

Ba lúc nào cũng vắng nhà nên ngôi nhà luôn vắng lặng và buồn tẻ.Vì thế, mỗi lần được đi thăm gia đình bà bác là chị em An mừng rỡ. Bà bác Ba ở ngay phố hàng Đào, một trong ba mươi sáu phố phường. Bà Ba rất dịu dàng và thương trẻ con nên chị em An quý bà vô cùng. Mỗi buổi trưa, có bà bán bánh giò chả và bánh trái ghé đến bán cho bà Ba, thế là chị em An cũng được thưởng thức các món ăn miền Bắc thật ngon miệng.

Khi An vừa lên bốn tuổi có thì biến cố hiệp định Genève chia hai miền Nam Bắc. Mẹ kể rằng người ta đồn Việt cộng sẽ chiếm Hà nội, rồi tám tháng sau sẽ tiến chiếm Hải phòng.Thế là bà con từ khắp nơi đổ xô về Hải phòng để di cư vào miền Nam. Người ta ùn ùn bỏ nhà cửa để chạy thóat thân. Có những kẻ lợi dụng tình trạng bất ổn để kéo nhau đi hui của những ngôi nhà bỏ trống. Đồ đạc cồng kềnh bị vất bỏ đầy ngoài đường. Cảnh hỗn độn và ồn ào diễn ra ở khắp nơi. Có một số người đi bằng máy bay, còn đa số đi bằng tàu thủy của Mỹ.

Khoảng tháng tám năm 1954, mẹ An đem hai chị em An và Nam bằng tàu thuỷ trước, còn ba An ở lại miền Bắc chung với đơn vị quân đội của ông. Ngày di cư, An không nhớ nhiều, chỉ biết có rất nhiều người chen chúc xô lấn nhau trên những chiếc tàu to lớn. Người khóc lóc quyến luyến gia đình, kẻ bịn rịn người thân làm cho buổi chia ly thêm não nùng và buồn bã.

Khi vào Nam thì gia đình An ở tạm trú tại nhà của bà ngoại. Bà tái giá với một người chồng miền Trung và sinh một con gái là dì Xuân. Mãi cho đến lúc vào Nam thì An mới biết mặt bà và dì.

Nhà bà ngoại ở trên đường Pasteur, đối diện với viện Pasteur, Sài gòn. Sau này, chỗ nhà bà ngoại ở đã trở thành các hàng bán phở nhộn nhịp.Vào lúc ấy, các hàng quán tấp nập mọc lên. Thôi thì quán nước bán đá bào có si rô xanh đỏ vàng, rồi các xe bán ổi, cóc, miá, tầm ruột và trái me dầm với các loại cam thảo, đường và gừng. Món quà mà hai chị em An thích nhất là món đá bào si rô và cà rem cây có mùi đậu xanh.

Mỗi lần nhớ cha mẹ, chị em An thường ra đứng thơ thẩn nhìn người ta qua lại mà khóc. Từ bé đến giờ, chị em bé chưa hề xa cha mẹ lấy một ngày. Vậy mà nay người ở miền Bắc, kẻ ở miền Nam, càng nghĩ ngợi thì An càng khóc to hơn.

Vì thương cháu cô đơn nên bà ngoại và dì Xuân thường cho An và Tịnh tiền lẻ để ăn quà vặt. Lúc ấy, vào khoảng cuối năm 1954, người ta thường xé đôi đồng bạc thành hai mảnh để tiêu thành tiền lẻ. Nếu là một đồng thì xé hai để trở thành hai cái năm mươi xu. Còn mười đồng thì trở thành năm đồng.

Nhà bà ngoại rất buồn vì thường ngày chẳng có ai ở nha. Ngày nào bà cũng đi chợ, còn dì Xuân đi học chữ và học may. Ông ngoại ghẻ Chức đi làm ở hãng hỏa xa. Ông Chức lạnh lùng, độc ác và khắt nghiệt. Tia mắt ông sắc và lạnh nên mỗi lần ông lườm chị em An là chúng co rúm vì sợ hãi.

Mỗi bữa ăn là một cực hình cho chị em An. Lúc còn ở với cha mẹ, An và Tịnh thường được ăn thịt nạc kho, chả trứng băm thịt, đậu hũ nhồi thịt um cà chua, giò chả kho với trứng, tôm rang, cá thu kho hay chiên và canh bồ ngót nấu với thịt xay, giò sống hay canh mồng tơi nấu tôm. Vì đã quen ăn như thế nên khi ở với bà ngoại, bà cho ăn thịt mỡ xào giá hay thịt mỡ kho tàu là chị em An cứ ngồi len lén nhìn chén cơm mà không ăn. Ông Chức bực dọc ra mặt nên ông nạt nộ rồi đuổi hai chị em An ra ngoài đường. Ông phạt lũ trẻ và bắt chúng đứng dựa hai cây bóng mát rất lâu. Có khi ông ta quên mất hai đứa bé và hình phạt mà ông đã dành cho chúng, vì thế hai chị em cứ đứng từ giờ này qua giờ khác.

Những lúc buồn phiền như vậy thì dì Xuân thường lén ra ngoài đường dỗ dành hai cháu rồi dắt cháu vào nhà xuống bếp ăn cơm với xì dầu và thịt chà bông. Dì Xuân vừa đẹp vừa hiền. Lúc ấy dì khoảng mười lăm tuổi.Trong ký ức non nớt của An, bé ví dì như một thiên thần còn ông Chức như một hung thần dữ tợn. Dì Xuân hay vuốt tóc và thủ thỉ nói chuyện với An, dì an ủi:

-Con đừng buồn nghe! Dì thương con lắm, đừng sợ ông ngoại bắt phạt vì dì sẽ lo cho con. Con gái mà khóc nhiều là hư mắt đó nghe!

An rươm rướm nước mắt:

-Dì ơi, cháu không hiểu tại sao ông ngoại ghét hai chị em cháu thế? Hay dì viết thư ra Bắc cho mẹ cháu vào đây đón chúng cháu đi. Cháu không thích ở nhà này nữa.

Dì chép miệng thở dài:

-Không được đâu con ơi, ba mẹ con sắp vào Nam rồi đấy, đừng nóng lòng. Con không thấy bà và dì thương con sao? Nếu con không thích ăn cơm chung thì dì cho tụi con ăn cơm trước.

Dần dần, chị em An cứ quanh quẩn bên dì. Tối đến cả hai đứa năn nỉ để được ngủ chung với dì. Có dì che chở nên hai đứa cũng bớt buồn nản. Vì sợ ông Chức nên tối nào An cũng nằm mơ thấy ác mộng. Nó lẩn trốn nhưng cũng không thoát khỏi tay ông Chức. Lúc thì ông trợn mắt, khi thì ông gõ đầu, lúc thì ông bắt nó đến gần để ông rờ mó, mân mê chỗ kín của nó. Rờ mó xong thì ông quắc mắt đuổi đi. An cảm thấy nhục nhã và muốn nhổ nước miếng vào mặt người đàn ông mà nó gọi là ông ngoại ghẻ ấy. Bản chất ông là người bịnh hoạn, tàn ác và không có tình thương trong lòng. Ông không ngờ rằng các hành động tiểu nhân của ông đã tạo nên vết thuơng lòng thật sâu đậm cho đứa bé bị cha mẹ bỏ bê.

Trong đời sống của bé An lúc đó, bé chỉ mới tiếp xúc với hai người đàn ông, đó là ba của bé và ông ngoại ghẻ tên Chức. Tiếc thay, cả hai người ấy đã làm cho bé cảm thấy ghê tởm và sợ hãi đàn ông, nhất là loại đàn ông dùng uy quyền để lấn át và hành hạ phụ nữ và trẻ thơ.”

LỜI NGUYỆN:

Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho những người đàn ông vì đam mê thú vui xác thịt mà làm khổ vợ con.

Xin Chúa tha thứ cho những kẻ lấy uy quyền của mình để hành hạ các trẻ thơ vô tội, hay lợi dụng xác thịt trẻ thơ để thoả mãn thú tính.

Xin Chúa che chở và bảo vệ các thai nhi và các trẻ thơ để họ được quyền sống xứng đáng với nhân phẩm con người.

Xin Chúa soi sáng cho các bậc cha mẹ, đừng vì lối sống ích kỷ của mình mà thiếu bổn phận và bỏ bê con cái.

Xin Chúa chữa lành cho các trẻ thơ bị hành hạ và bị lạm dụng xác thịt như đang xẩy ra ở các ổ mãi dâm tại Campuchia và ở trong các gia đình mà chỉ có Chúa biết mà thôi.

Xin Chúa cho các trẻ bị hành hạ biết tha thứ cho những kẻ làm hại mình. Xin ban cho họ tình phụ tử thiêng liêng mà họ chưa hề cảm nhận trong đời.

Chúng con cầu xin điều này nhờ Danh Thánh Chúa Giêsu Ki Tô, Chúa chúng con. Amen.

(còn tiếp) Bài 2: Đoạn Trường Ai Có Qua Cầu Mới (http://www.vietnhim.com/dongnhim/showthread.php?t=22720)

Kim Hà